Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

ÔNG GIÀ BUÔN XÁC CHẾT



ÔNG GIÀ
BUÔN XÁC CHẾT


Phạm Cao Củng

Thám tử Trúc Tâm đương ngồi uống chén rượu khai vị thì có tiếng gõ cửa. Chàng thong thả đứng dậy, ra mở, không vội vàng vì đã biết trước khách là ai. Nguyên vì mấy hôm trước, chàng có nhận được một bức thư, do nhà bưu điện gửi tới:

“Ông Trúc Tâm,

Tôi có một việc rất quan trọng muốn được gặp riêng ông để thưa chuyện. Tôi không dám lại sở vì e rằng việc này mà tiết lộ ra thì không chừng tôi bị nguy đến tính mệnh. Vậy xin ông cho tôi một giờ hẹn trước và địa chỉ nơi nào tôi có thể gặp được ông.

Nguyễn Văn Ba

Gác nhà xác bệnh viện Hồng A”

Sau khi nhận được thư, việc trước nhất là Trúc Tâm viết mấy dòng trả lời. “Việc gì cũng xin ông cứ lại Sở trong những giờ làm.”

Vì sự thực, Trúc Tâm không muốn tiếp khách một cách riêng tư, đối với nghề nghiệp của chàng, dễ sinh ra điều dị nghị.

Nhưng bức thư thứ hai của Nguyễn Văn Ba, yêu cầu tha thiết hơn lần trước nữa, làm cho Trúc Tâm vượt qua lệ thường của chàng và viết thư cho một hẹn ở chính nhà riêng.

Khách là một thanh niên khoảng 25, 26 tuổi, người mảnh dẻ, hiền lành, trái hẳn với hình dáng ít nhất cũng phải hơi ghê gớm dữ tợn mà Trúc Tâm đã tưởng tượng cho hợp với cái nghề nghiệp của con người hàng ngày chung sống với thây ma.

Khách lễ phép chào Trúc Tâm rồi tự giới thiệu ngay:

- Thưa ông, tôi chính là Nguyễn Văn Ba.

Trúc Tâm gật đầu, mời Ba ngồi, rồi nói:

- Vâng, tôi đã nhận được hai bức thư của ông… Thường tôi không tiếp khách nói việc công ở nhà riêng bao giờ như thế này… Nhưng tôi chắc đây phải là một trường hợp đặc biệt!

Ba chắp tay, thưa:

- Vâng, tôi cũng rõ đó là một đặc cách ông đã dành riêng cho tôi… Tôi rất cảm ơn ông và tin chắc rằng khi ông đã nghe hết câu chuyện của tôi, tất cũng không đến nỗi phàn nàn vì đã cho tôi được gặp buổi này ở nhà riêng… Trước hết, tôi xin thưa để ông rõ rằng tôi nguyên là một nhà thơ…

Trúc Tâm ngạc nhiên ngắt lời:

- Ông là một thi sĩ, vậy sao trong thư…

Ba cười một cách buồn rầu:

- Chắc ý ông muốn nói tại sao trong thư tôi lại biên nghề nghiệp là gác nhà xác của bệnh viện? Thưa ông, nguyên tôi là một nhà thơ, nhưng ngay cho đến thời bình nghề thi sĩ cũng không bao giờ đủ sống huống chi là thời tao loạn đất chật người đông này! Bởi vậy nên tôi đành phải làm nghề gác nhà xác tại bệnh viện Hồng A và cũng vì thế cho nên tôi mới gặp một trường hợp lạ lùng, kinh khủng mà nếu tôi không khéo léo thì có thể nguy hiểm đến tính mạng của tôi.

Trúc Tâm cười ngắt lời:

- Có lẽ vì ông là một nhà thơ nên giầu trí tưởng tượng quá chăng? Nếu tôi không bạo đoán thì có lẽ ông lại gặp cảnh thây ma sống lại như nhà văn Bồ Tùng Linh tả vô cùng rùng rợn trong bộ Liêu Trai chí dị? Dù sao thì tôi thiết tưởng một thi sĩ như ông cũng không nên vội sớm sợ hãi vì biết đâu… những hình bóng quái gở kia lại chẳng là… nàng Thơ như người ta thường tả bằng những vần hoa thêu gấm dệt?

Ba lắc đầu nghiêm nghị đáp:

- Việc lạ lùng mà tôi sắp kể cho ông nghe đây là một chuyện thực chứ không phải là những chuyện mộng ảo của các nhà thơ… Tôi cũng cần phải nói để ông biết ngay tôi chẳng phải là người nhút nhát, vả lại làm cái nghề sống chung đụng hàng ngày với những thây ma đã làm cho tôi thấy rõ con người một khi hết thở thì chỉ còn là một cái xác, không kém, chẳng có ma quái nào cả. Nhưng kẻ làm cho tôi sợ hãi lo lắng đến nỗi phải tìm đến làm phiền nhiễu ông lại chính là một cụ già sống khỏe mạnh như ông với tôi hiện giờ…

Trúc Tâm đã bắt đầu chú ý đến lời khách kể. Chàng đánh diêm, châm điếu thuốc hút rồi nhẹ nhàng giục:

- Xin ông nói ngay vào chuyện.

Ba gật đầu, kể:

- Theo lệ thường, cứ 6 giờ chiều thì tôi từ sở về nhà, một căn gác ở tầng hai, trong một tòa nhà lớn, thời xưa là biệt thự. Căn gác của tôi, nếu mở cửa phía sau thì nhìn được xuống vườn, cây cối rậm rạp. Ở một góc vườn ấy, có hai gian nhà hẹp, xưa là nhà ở của người làm vườn. Kề vào vách hai gian nhà ấy lại có chiếc hầm nổi, xưa kia dùng làm nơi trú ẩn phi cơ Nhật, dựng toàn bằng đá hộc nhưng cửa hầm bị sụt đổ, đã mấy năm nay, chẳng ai nhòm ngó tới, vì biết chắc nơi ẩm thấp này đã thành một cái tổ lớn của rắn rết rồi…

Như để sửa soạn cho câu chuyện có thứ tự và dễ hiểu, Ba ngừng lại chốc lát rồi mới tiếp:

- Đã ba tháng nay, tôi mới đến ở đó được hơn một tháng, có một cụ già đến hỏi thuê hai gian nhà ở góc vườn ấy. Cụ thuê cả hai gian và đến ở có mỗi một mình. Theo lời cụ già nói - về sau chúng tôi mới biết tên thường gọi của cụ là cụ Lang Sặt - thì gia đình cụ hiện ở cả tại làng Sặt. Và cụ chuyên sống về nghề lang thuốc, cha truyền con nối đã mấy đời nay! Hai gian nhà ấy, cụ ở một gian, vừa để tiếp khách, còn một gian cụ dùng làm phòng sao chế và tán thuốc. Từ khi tôi đến ở thì tôi để ý ngay đến cụ Lang Sặt, linh tính như báo trước cho biết không phải là một người. Sự thực, thì ở đó, cụ tỏ ra rất đúng mực, không bao giờ đi chơi khuya, ngay trong dịp Tết nhất vừa qua cũng không hề rượu chè hay bài bạc. Suốt ngày, tôi chỉ thấy cụ hoặc nằm xem sách thuốc hoặc lủi thủi một mình khi sao, tẩm các vị thuốc sống cụ cân về… Thuốc của cụ thường dùng nhiều hồi quế và long não lắm, vì đôi khi, tôi vì tò mò, lảng vảng ra chỗ vườn ấy thấy sặc một mùi thơm, quế sạ, long não, hồi hương… Thấy cụ sống một mình thui thủi như vậy nhiều người thường khuyên cụ nên thuê lấy một đứa bé con để nó giúp đỡ mọi việc nhưng cụ trả lời: “Ấy! Kể ra thì tốn, tôi cũng không sợ tốn nhưng xét ra thuê thêm người cũng bằng vô ích mà thôi! Các ông thử tính xem, việc sao chế thuốc men thì cẩn thận cầu kỳ lắm, tôi không dám giao cho ai làm thay, còn cơm nước thì tôi ở một mình đi ăn cơm hàng thế này xét ra lại tiện hơn!” Chúng tôi nghe nói thế thì đều cho là ông cụ tằn tiện vì có lẽ nghề lang thuốc của ông cụ cũng không lấy gì làm phát đạt cho lắm, chúng tôi thấy rất hiếm khách vào ra…

Trúc Tâm ngắt lời Ba:

- Câu chuyện ông kể tới đây, tôi chưa thấy gì là kỳ quái hay bí mật cả!

Ba giơ tay đáp:

- Xin ông hãy thư tâm một chút vì đã tới cái đoạn ông cần chú ý… Tôi đến ở được ít lâu thì một sáng chủ nhật, tôi chợt thấy cụ Lang Sặt gõ cửa vào phòng tôi. Nguyên đó cũng đã là một điều lạ rồi vì theo chỗ tôi biết, trong suốt mấy tháng đến ở đây, ông cụ không hề thân mật với ai, chỉ chào hỏi qua loa mọi người, đối đáp một vài câu xã giao chứ không hề vào nhà ai chơi và cũng không mời ai vào chơi trong gian nhà của mình cả. Ông cụ niềm nở chào tôi rồi vui vẻ nói: “Ông đến ở đây đã lâu mà bận việc quá, mãi đến hôm nay mới được chút thì giờ thư nhàn, lại nhân chủ nhật, biết ông được nghỉ, nên mới vào thăm ông…” Tôi ngỏ lời cảm ơn và cũng dùng lời thù tạc trả lời vì biết ông cụ bận chế thuốc men nên không tiện xuống chào… Thế rồi chúng tôi lân la hết nói chuyện tản cư, cuối cùng đến những chuyện làm ăn trong thời này khó khăn chật vật… Nhìn mấy bài thơ tôi viết chơi, dán trên tường, ông cụ tiếp ngay: “Thế mà tôi nghĩ cũng ở đây, chỉ riêng có ông sung sướng, ngày đi làm hai buổi, công việc nhà nước, trưa hay tối về lại rỗi rãi ngâm thơ…” Tôi khiêm tốn đáp: “Thơ tôi thì có ra quái gì, chẳng qua là chấp chênh vì buồn đó thôi… Nhưng sự thực, tôi cũng không thích lắm, bó buộc lắm, vả lại lương bổng cũng chẳng được bao nhiêu…” Tiếp đó, cụ Lang hỏi thăm tôi qua loa về cách thức công việc trông nom trong nhà xác và cuối cùng thì nhiều câu rào trước đón sau, rụt rè bảo tôi rằng: “Tôi vì cũng biết ông giúp việc cho bệnh viện, gian nhà xác nên mới dám phiền ông việc này… Nếu ông giúp được thì có thể có được một số tiền kha khá… Chẳng giấu gì ông, tôi hiện nay đương chuyên tâm nghiên cứu về nhiều môn thuốc gia truyền rất quan trọng nếu thành công được thì không chừng có thể chế được những thứ linh đan cải tử hồi sinh…” Và nhìn chăm chú vào tôi, cụ già kỳ lạ tiếp: “Tôi cần phải có một xác chết để thí nghiệm.”

Ba kể lại tới đây, ngừng nói, như có ý muốn xem câu kỳ quặc đó làm cho thám tử Trúc Tâm ngạc nhiên đến bực nào, nhưng Ba đã nhầm, chàng thám tử trẻ tuổi chỉ ung dung thở hơi thuốc lá, rồi giục:

- Xin ông cứ kể tiếp!

Ba gật đầu nói:

- Thấy tôi chưa nói gì, cụ Lang Sặt lại vỗ vai tôi một cách thân mật mà bảo: “Ông không nên lấy làm lạ, đây là một vấn đề chuyên môn về khoa học. Tôi không chọn lọc gì cả, miễn là có một cái xác chết, đàn ông, đàn bà, người lớn hay trẻ con đều dùng được cả…” Tôi ngần ngại nói: “Nhưng để thí nghiệm thì tại sao cụ lại không theo như các nhà bác học Tây phương dùng các loài vật mà thí nghiệm thuốc?” Ông cụ cười một cách thản nhiên mà đáp rằng: “Lẽ tất nhiên tôi đã thí nghiệm với các loài vật rồi nhưng dù sao ông cũng nên nhớ rằng đây là thuốc để chữa bệnh con người, tất nhiên cũng phải dùng đến người mà thí nghiệm… Được một điều cũng không lấy gì làm nguy hiểm lắm là vì tôi chỉ thí nghiệm vào người đã chết chứ không thí nghiệm vào người sống…” Thấy tôi vẫn có ý ngần ngại, cụ Lang lại tiếp ngay: “Trong nhà xác thì thiếu gì xác chết vô thừa nhận, ông nhỉ! Những xác chết ấy rồi cuối cùng cũng chỉ đến đem chôn nhưng nếu vào tay tôi thì may ra lại sẽ hoàn thành được một món thuốc cứu nhân độ thế! Tôi nghĩ: Kể ra cũng may mắn cho tôi thế nào, ý hẳn là giời có ý giúp nên mới lại được ông đến ở đây, làm hàng xóm láng giềng với nhau và ông lại chính là người làm trong nhà xác thì giúp tôi việc này không khó khăn gì cả!” Tôi vẫn tìm cách chối từ: “Cụ vẫn còn quên một điều là: dầu cho là xác vô thừa nhận chăng nữa thì cũng vẫn có sổ sách, nếu bây giờ chợt thiếu một xác chết thì tôi khó có cách trả lời ra làm sao.” Tưởng rằng tôi đã ưng thuận, cụ Lang Sặt mừng rỡ nói: “Ông không cần phải ngại điều đó, tôi sẽ có cách không làm phiền gì đến ông cả… Ví dụ như bây giờ ông bảo cho tôi biết có một xác chết vô thừa nhận đàn ông, bằng ấy tuổi, hình dạng như thế, nhất lại có một vài dấu hiệu gì trong thân thể như mụn nhọt ruồi, hay cái sẹo ở chỗ nào đó thì tốt nhất, thế lập tức tôi làm đơn xin nhận là xác thân nhân, xin mang về chôn, có thế thôi… Một khi xác chết ấy đã ra khỏi bệnh viện rồi thì tôi làm cách nào để được việc tôi, ông không cần biết đến nữa…” Tới đây, con người kỳ lạ tỏ ra là một người rất tâm lý, se sẽ bảo tôi rằng: “Công việc của ông giản tiện chỉ có thế thôi, ông ạ, mà tôi có thể kính biếu ông bộ quần áo rét… gọi là chút đền đáp cảm tình của ông đối với những nhà chuyên tâm khảo cứu y học như tôi… Lẽ tất nhiên tôi cần ông giữ kín đáo cho việc này, để khỏi có những kẻ tò mò làm mất thời giờ của tôi vô ích…” Tôi nghe cụ Lang nói như vậy và thấy cặp mắt của cụ sáng quắc, tôi sợ hãi, xong phải cố trấn tĩnh mà dùng kế hoãn binh: “Vâng, việc cụ nhờ, để tôi lưu tâm xem có dịp thuận tiện nào không, sẽ thưa với cụ sau…” Cụ Lang cáo từ tôi, nhưng trước khi ra khỏi phòng, còn nhắc lại: “Công việc rất dễ dàng, chỉ cần ông giữ kín đáo mọi việc cho tôi và tôi xin biếu ông ngay 2 ngàn đồng. Hơn nữa, ông nhớ rằng: đây là một việc giúp ích cho nhân loại!”

Kể chuyện đến đây, Ba ngừng lại, rồi thở dài mà bảo thám tử Trúc Tâm rằng:

- Từ hôm tôi được nghe cụ Lang Sặt nói câu chuyện kỳ lạ này, cứ băn khoăn lo lắng mãi… Tôi để ý thấy hành động của cụ Lang thực bí mật, có một đêm trời tối đen, lại mưa phùn, tôi trông thấy như trong cái hầm trú ẩn ấy có ánh sáng lọt ra ngoài… Cách đây một hôm, tôi lại thấy cụ Lang vào phòng tôi lần nữa, khẩn khoản nhờ tôi việc một lần nữa và như có ý thúc giục… Cuối cùng thì cụ lại hẹn tôi: “Ông lưu tâm giúp cho nhé, chắc là phải được vì nhà xác thì có bao giờ lại thiếu xác vô thừa nhận… Hôm nay thứ năm, vậy đến sáng chủ nhật tôi lại gặp ông nhé. Chắc thế nào ông cũng báo cho tôi một tin mừng?” Thế là cụ Lang Sặt đã dồn tôi vào một con đường tắc… Nếu tôi cứ chối từ mãi tỏ ý không muốn giúp cụ, thì đối với một con người có vẻ bí mật ghê gớm ấy tôi e rằng rất nguy hiểm cho tôi.

Kể tới đây, Ba thú thực:

- Tôi không sợ gì ma quái cả. Tôi lại đã sống cạnh hàng mấy chục xác chết liền trong mấy tháng nay, vậy mà không hiểu vì sao tôi cứ đứng bên cụ là y như tôi thấy rờn rợn thế nào… Hình như chính tự con người ấy tiết ra một tử khí hay sao mà tôi cứ cảm thấy mình đứng cạnh một xác chết đi được và nói được…

Trúc Tâm mỉm cười vỗ vai Ba bảo:

- Nghe ông vừa nói câu đó tôi cảm thấy ông quả là một thi sĩ thực? Nhưng ông đã nhờ tôi giúp. Vậy tôi định thế này. Chủ nhật tới là ngày mà cụ Lang Sặt ấy lại tìm ông để hỏi về việc này. Vậy tôi cũng sẽ đúng hẹn ấy đến nhà ông… thì sẽ nấp vào chỗ kín đáo để nghe chính miệng cụ Lang ấy nhờ ông giúp cho công việc kỳ quái… Kìa, rồi tôi sẽ ra mắt và bắt buộc con người bí mật ấy phải nói thực rõ câu chuyện này trước pháp luật… Vì sự thực, tôi cũng ngờ ông cụ ấy phải có ý định dùng xác chết kia vào một việc gì khác chứ đời thuở nhà ai lại đem thí nghiệm thuốc vào kẻ đã chết bao giờ?

Ba có vẻ lo lắng:

- Tôi chỉ sợ nếu không khéo xử trí, việc của cụ già bị tiết lộ ra mà cụ vẫn không bị giam giữ gì cả thì có thể ông cụ sẽ trả thù tôi.

Thám tử Trúc Tâm gật đầu:

- Ông cứ yên tâm điều đó… Trong nghề nghiệp thường ngày của tôi, thường tổ chức những việc khó khăn nguy hiểm hơn nữa… Tôi có thể cam đoan chắc chắn với ông rằng: không bao giờ tôi lại để xẩy ra việc gì nguy hại đến ông!

Ba vẫn chưa hết lo ngại:

- Hay là tùy đến chủ nhật tôi hãy cứ tránh mặt ra đã…

Trúc Tâm cười:

- Không được, như vậy chỉ càng làm ông cụ thêm nghi kỵ mà thôi… Ông đừng ngại, sẽ không có việc gì xẩy ra nguy hiểm đến ông đâu… Tôi dặn phòng trước: thảng hoặc trước ngày chủ nhật, cụ già ấy có đến tìm ông nữa thì ông cứ việc hẹn chắc chắn rằng ngày chủ nhật sẽ trả lời… Và từ hôm đó trở đi, thì đã có tôi đối phó với con người kỳ cục muốn tìm mua xác chết!

Mặc dầu có lời Trúc Tâm căn dặn kỹ lưỡng cứ yên trí đừng lo sợ gì song chàng thi sĩ làm nghề gác nhà xác bất đắc dĩ của chúng ta vẫn hết sức phân vân chỉ sợ rằng thảng hoặc không may cụ Lang Sặt, con người kỳ dị và ghê gớm ấy sẽ tìm chàng trước ngày chủ nhật thì liệu chàng có đủ phương sách để thi hành kế… hoãn binh không.

Nhưng Ba đã được thở mạnh trút hết gánh nặng khi thấy ngày thứ bẩy đã đi qua rồi mà cụ Lang Sặt không hiểu bận gì không hề thấy bước ra khỏi cửa phòng…

Qua sáng ngày chủ nhật, từ sáng sớm tinh sương lại chính là Trúc Tâm. Thám tử liếc nhìn Ba rồi sẽ mỉm cười trong khi bắt tay chàng mà bảo:

- Nhìn sắc diện ông tôi biết ông lo nghĩ nhiều, hình như mấy đêm nay rồi… Ông ít ngủ thì phải?

Ba thở dài và trả lời:

- Ông nói quả không sai nhưng tôi chắc ngày hôm nay là ngày cuối cùng tôi phải chịu cái tội phấp phỏng lo sợ ấy!

Trúc Tâm cười:

- Nghề nghiệp của tôi đã cho tôi có nhiều dịp đi sâu vào nhiều vụ án bí mật. Do đó tôi đã rút được kinh nghiệm: Thường những vụ nào mà thoạt kỳ thủy có vẻ ly kỳ rùng rợn lắm thì rồi kết cục ta lại khám phá ra rằng chẳng có gì là ghê gớm cả!

Nhìn quanh quẩn, Trúc Tâm bảo:

- Cái phòng này tuy nhỏ hẹp nhưng cũng còn may mắn có chỗ có thể ẩn nấp được dễ dàng…

Ba chỉ chiếc tủ áo đứng kê ở góc buồng rồi nói rằng:

- Chắc ông có ý định trốn vào trong chiếc tủ kia. Tôi cũng nghĩ như vậy, vậy ngay từ bây giờ ông hãy vào trong tủ, tôi đóng kín lại và khi cụ Lang Sặt đến thì ông sẽ liệu khi nào tới lúc sẽ ập ra…

Trúc Tâm vỗ vai Ba rồi bảo:

- Kể ra thì ông cũng khá thông minh đấy vì trong chiếc phòng nhỏ hẹp này nếu không nấp vào tủ đứng thì còn một cách là… chui xuống gầm giường! Song có điều ý kiến ông khác với ý kiến tôi: Ông vừa nói tôi nên nấp ngay vào trong tủ…

Ba gật đầu một cách rất ngây thơ:

- Vâng, vì nếu ông không nấp ngay nhỡ ra mà cụ Lang Sặt đến ngay thì có phải nhỡ cả công việc của chúng ta?

Trúc Tâm cười:

- Ông định cho tôi phải đứng chồn chân hay bị nghẹt thở ở trong tủ chắc? Ông thực là tính quẩn lo quanh, tại sao ông không khóa trái cửa phòng lại, tôi với ông, chúng ta cứ đàng hoàng ngồi đây hút thuốc lá và đọc báo, khi nào cụ Lang Sặt gõ cửa sẽ hay.

Ba cười một cách rất sung sướng - có lẽ cũng giống cái cười của Kha Luân Bố khi tìm thấy châu Mỹ - rồi chạy ra khóa cửa lại, rồi lấy thuốc lá ra:

- Ông có nói tôi mới nghĩ ra thực là giản dị và dễ dàng quá… thực là giống như tôi tìm mấy vần thơ, sao mà khi nghĩ thì thấy khó khăn, thế mà khi nghĩ được rồi thì lại thấy sao nó giản dị và dễ dàng quá như vậy?

Thấy Ba hứng chí và muốn nói nhiều, Trúc Tâm gật đầu cười bảo:

- Ông không nên nói nhiều vì điều đó cũng hơi nguy hiểm… Tôi hãy ví dụ: cụ Lang Sặt hiện đã đến trước cửa phòng này và đứng lặng tạm nghe chúng ta bàn bạc ở trong này!

Ba thất sắc luống cuống nhìn ra phía cửa phòng nhưng Trúc Tâm đã nói ngay cho chàng yên trí:

- Tôi ví dụ thế thôi ông ạ, bây giờ hãy còn sớm lắm mà cụ Lang làm việc rất khuya, chắc bây giờ mới dậy có phải đúng như thế không ông Ba?

Nhưng Ba không nói gì hết chỉ lặng lẽ đánh diêm hút thuốc lá và không ngớt luôn luôn liếc ra cửa phòng một cách lo lắng vô cùng!

Những phút hồi hộp của Ba có lẽ dài tưởng chừng như vô tận! Cho đến lúc có tiếng hắng đặng, tiếp đó là tiếng se sẽ gõ cửa… Không cần phải đợi nghe thấy tiếng dịu dàng phía ngoài hỏi: “Ông Ký đã dậy chưa đấy nhỉ?”, Ba cũng đã biết chắc đó là cụ Lang Sặt, ông già buôn xác chết!

Ba hốt hoảng đứng dậy, lay vai Trúc Tâm vì chàng trinh thám đã ngả đầu vào vách ghế và ngủ một giấc ngon lành lúc nào rồi!

Trúc Tâm sẽ vươn vai và ngáp dài. Ba luống cuống ra hiệu và chỉ ra phía cửa. Trúc Tâm gật đầu, không vội vàng, nhè nhẹ mở cánh cửa tủ và bước vào…

Một phút sau, Ba đợi cho kịp trấn tĩnh tinh thần lại được xong xuôi, mới ra mở cửa.

Cụ Lang Sặt mỉm cười, xin lỗi:

- Tôi làm phiền ông ký lắm, phải không? Được ngày chủ nhật nghỉ ngơi, ngủ trưa trưa một tí, lại bị tôi lên nhũng nhiễu… Nhưng ông ký cũng thứ lỗi cho tôi nhé! Đó chỉ là vì tôi nóng ruột muốn thí nghiệm cái môn thuốc “cải tử hoàn sinh” của tôi xem sức công hiệu của môn thần dược ấy ra sao? Ông ký tha lỗi đừng nỡ phiền trách một ông già lẩn thẩn như tôi nhé!

Ba liếc nhìn về phía tủ vẫn im lìm. Chàng lo lắng tìm lời khiêm tốn nói:

- Cụ cứ dạy quá lời, chỗ hàng xóm láng giềng với nhau khi tắt lửa tối đèn có mặt, cần đến thì gọi nhau có gì là lạ!

Cụ Lang Sặt cười ha hả rồi lắc đầu:

- Lạ lắm chứ vì cái ông hàng xóm lẩn thẩn là tôi lại sang nhờ ông hàng xóm quý hóa là ông tìm giúp cho… một cái xác chết! Mà chắc là hôm nay ông đã tìm được cho tôi rồi…

Ba luống cuống liếc nhìn phía tủ áo, vẫn thấy yên lặng không thấy động tĩnh làm cho Ba sợ hãi nghĩ thầm: “Chết chưa hay cái ông thám tử đói ngủ lại làm một giấc ngon lành trong tủ thì nguy.”

Cụ Lang Sặt thấy Ba chưa trả lời gì thì cho chàng còn lưỡng lự vội nói tiếp:

- Không có gì là khó khăn ông ký ạ! Nghĩa là trong khi ở sở, ông chỉ có việc đến xem người ta có đưa xuống nhà xác xác nào thuộc loại vô thừa nhận, bất cứ là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, béo hay gầy… Sau đó ông xem lại kỹ xem hình dáng xác chết thế nào, cao chừng bao nhiêu, tuổi ước bao nhiêu, có một vài đặc điểm hay vết sẹo hay nốt ruồi trên thân thể… rồi lập tức báo cho tôi biết. Thế là công việc của ông xong, tôi sẽ có cách làm thế nào để… xin nhận được cái xác ấy đem ra, ông không cần phải lo đến. Công việc của ông chỉ có thế là xong rồi. Và thế là ông tự nhiên có ngay được một món tiền khá lớn… Vả lại, sự thực, trong thâm tâm ông, ông cũng không đến nỗi phải thắc mắc điều gì, vì lẽ rất dễ hiểu là tôi cam đoan danh dự với ông rằng, tôi sẽ dùng xác chết ấy vào một việc vô cùng nhân đạo…

Ngay lúc này, cánh cửa tủ mở toang. Thám tử Trúc Tâm ung dung bước ra, vui vẻ cúi chào con người kỳ dị:

- Xin chào cụ Lang! Tôi chính là người muốn được gặp cụ để mong cụ rộng lòng chỉ giáo cho biết cái việc nhân đạo ấy của cụ là việc gì.

Cụ Lang Sặt thở dài, rồi liếc nhìn Ba như trách móc:

- Người ta thường bảo các thi sĩ thực lẩn thẩn quả không ngoa… Tôi xưa nay vẫn không muốn làm việc gì với hạng người lẩn thẩn này, khốn nhưng trời oái oăm lại xui khiến thi sĩ làm cái nghề canh xác chết…

Ba lúng túng tìm cách chối lỗi:

- Cụ chẳng nên trách tôi… Vì cái việc cụ cậy nhờ tôi là một việc xưa nay chưa từng thấy…

Trúc Tâm đỡ lời Ba:

- Cụ Lang cũng không nên trách ông Ba, vì lẽ bổn phận người công dân là phải cho các nhà chức trách biết để đề phòng, khi người ấy ngờ rằng sẽ có những việc làm trái pháp luật!

Cụ Lang Sặt gật đầu:

- Ông nói đúng lắm, nhưng chỉ tiếc một điều rằng: Trước sau tôi vẫn nói việc tôi làm là một việc vô cùng nhân đạo!

Trúc Tâm mỉm cười nhìn thẳng vào cụ Lang:

- Tôi chắc rằng cụ cũng biết tôi không phải là hạng ngây thơ có thể tin cái món thuốc “cải tử hoàn sinh” của cụ?

Cụ Lang cũng cười, gật đầu, rồi vỗ vai Trúc Tâm mà nói:

- Tôi biết lắm! Vậy xin mời ông quá bộ xuống chơi dưới nhà tôi, rồi ông sẽ hiểu mọi chuyện.

Ngoảnh lại phía Ba, cụ già kỳ dị lại tiếp:

- Nhưng còn ông thi sĩ, thì quả thực tôi không còn dám tin cậy gì ông nữa… Bởi vậy tôi không dám mời ông xuống, chỉ e rằng ông biết những việc bí mật của tôi, thì ông lại… làm thơ đăng báo, hỏng hết mọi công cuộc kinh doanh của tôi!

Chính Trúc Tâm cũng không hiểu vì cớ gì… mà mình lúc sắp bước chân vào trong gian nhà của cụ Lang Sặt cũng thấy như lạnh lẽo ghê rợn thế nào… Cụ mở khóa cửa rồi giơ tay mời Trúc Tâm vào trước nhưng thám tử mỉm cười:

- Xin cụ đi trước, tôi theo sau.

Nghe Trúc Tâm nói câu ấy và thấy thám tử đó tay nắn túi quần để súng, cụ Lang Sặt mỉm cười:

- Ông cẩn thận đề phòng cũng phải, song với tôi thì rồi ông sẽ biết là thừa.

Trúc Tâm không nói gì, theo cụ Lang bén gót. Ngọn đèn vừa bật, một ánh sáng mầu xanh dịu đủ cho Trúc Tâm thấy căn phòng bầy biện rất trang nhã. Một bàn làm việc trên bầy đủ văn phong tứ bảo, mấy chậu cảnh, một lọ hoa tươi, trên tường, dăm ba bức cổ thi, cổ họa. Một tủ thuốc và dao cầu, cối tán, chứng tỏ cái tên cụ Lang của ông già kỳ dị chẳng phải là một hư danh.

Trúc Tâm cũng lại nhận thấy ngay mùi thơm rất hắc của những vị hồi hương, đinh hương, quế chi, long não, mà chính Ba đã nói trước cho mình biết.

Cụ Lang Sặt mời Trúc Tâm ngồi, rồi mới nói:

- Lẽ tất nhiên, bây giờ thì tôi không còn dám giấu giếm ông nữa. Tôi chỉ mong ông xét việc này cho thực sáng suốt mà thôi, như vậy, tôi được ơn ông nhiều lắm! Trước hết tôi xin nói ngay rằng, nghề của tôi chính là nghề lang thuốc, khốn nhưng ông còn lạ gì trong cái thời mà các thuốc penixilin và đadênăng tràn ngập khắp thành thị thôn quê thì dù có đến Hoa Đà Biển Thước tái sinh bây giờ cũng đến ế hàng chết đói nhăn răng…

Ngừng lại một lát, cụ Lang Sặt lại tiếp:

- Trong khi trong xã hội, ông Ba của chúng ta có thể nghĩ việc làm thơ, không sống với vần với điệu, tạm qua ngày bằng cái nghề canh xác chết thì lẽ tất nhiên một ông lang như tôi cũng phải bỏ dao cầu thuyền tán mà tìm một nghề khác dễ sinh sống hơn… Nghĩ như vậy, nhưng sự thực đem thực hành ý nghĩ ấy chẳng phải là dễ dàng gì… Người khôn của khó, mật ít ruồi nhiều, kéo bè kéo cánh, toàn là trở ngại lớn cho dân chúng thất nghiệp trong lúc này… Riêng may mắn cho tôi là còn biết một nghề mà không sợ ai cạnh tranh hết: đó là nghề “ướp xác người chết”. Ông hẳn đọc nhiều sách du ký, tất có thấy nói ở Cao Miên và Xiêm La, người ta thường có tục thiêu xác người. Nhưng riêng những nhà vương giả, quyền quý thì mỗi khi có thân nhân qua đời lại dùng các thứ thuốc riêng mà ướp xác chết, cốt giữ làm sao cho xác chết ấy chỉ có khô đi chứ dù có để hàng bao nhiêu năm, hình hài vẫn nguyên vẹn, không hề hư hỏng.

Trúc Tâm gật đầu, ngắt lời:

- Xiêm và Miên thì tôi không rõ nhưng ở Ai Cập thì tôi được thấy nhiều sách viết; nghề ướp xác người rất thịnh vượng, trên các ngôi mộ cổ Ai Cập, người ta tìm thấy được nhiều di hài vua chúa chết đã mấy nghìn năm trước đây mà vẫn nguyên vẹn hoàn toàn như người sống…

Cụ Lang Sặt gật đầu:

- Sự thực đúng như vậy, xác chết muốn giữ được lâu hàng trăm năm cũng không khó khăn gì cho lắm, miễn là các thứ thuốc phải chọn lọc và khi ướp thuốc phải công phu… Tôi vốn là một người lưu lạc giang hồ từ nhỏ. Tôi đã ở Xiêm La và Cao Miên rất lâu, có lấy một người vợ Xiêm, sinh hạ với tôi được một người con gái nhưng sau đó ít năm thì vợ tôi chết để lại tôi sống trong cảnh gà trống nuôi con… Tôi cùng Điệp, con bé cháu, lang thang hết Miên lại Xiêm, trước còn sinh sống bằng nghề lang thuốc chữa bệnh, sau giao du với những nhà chuyên môn làm nghề ướp xác chết, tôi lại chuyên việc đi tìm các thứ lá thuốc mang về sao chế cho họ. Do đó, mà không bao lâu, tôi cũng được biết rõ tinh vi cái nghề bí hiểm này…

Ngừng lại một lát, cụ Lang Sặt trầm ngâm suy nghĩ rồi thở dài:

- Người Việt Nam ta thường tin rằng những kẻ theo nghề huyền bí thường hay vô tự, có lẽ đúng chăng? Ngay chính riêng tôi, thì biết được cái nghề bí hiểm kia chẳng bao lâu, con Điệp bỗng mắc bạo bệnh rồi chết…

Hai mắt quắc sáng như vô cùng tức giận trước nỗi bất công của tạo hóa, cụ Lang Sặt cương quyết tiếp:

- Trời Phật muốn giật của tôi đứa con yêu dấu nhưng tôi nhất định không chịu. Con Điệp còn phải ở cạnh tôi suốt cả một đời. Tôi không chịu để nó phải tan thây nát thịt dưới ba thước đất. Với những điều hiểu biết về khoa ướp xác, tôi để hết tâm trí, tìm những vị thuốc thực quý hiếm nhất và ướp xác con Điệp. Tôi có thể tự hào rằng xác nó đã được ướp một cách công phu cẩn thận hơn hết thẩy xác các vị vua chúa quyền thế giầu mạnh nhất Xiêm, Miên…

Vùng nắm tay thám tử Trúc Tâm, ông già đáng thương kéo chàng đi về phía buồng trong, đẩy mạnh cánh cửa vào rồi bật đèn lên, kéo chiếc màn lụa đào, chỉ một chiếc quan tài nhỏ làm bằng mặt kính khung sắt mạ kền bóng loáng mà bảo rằng:

- Đấy, ông xem, con gái yêu dấu của tôi nằm kia, thực có khác gì đương ngủ một giấc say sưa “nàng công chúa ở trong rừng” chỉ còn hoàng tử đẹp trai đến là thức dậy?

Trúc Tâm nhìn qua tấm kính của chiếc quan tài, quả nhiên thấy người con gái của Lang Sặt tuổi chừng mười hai, mười ba tuổi như đang nằm ngủ, bên cạnh con búp bê mũm mĩm hồng hào…

Ông già đau khổ lại tiếp:

- Đáng lẽ thì con gái tôi sẽ được nằm ngủ giấc ngàn thu một cách yên lặng không hề bị ai quấy nhiễu… Khốn nhưng vì tình thế sinh kế bắt buộc, tôi đành lại phải tìm cách sống bằng cách thi thố nghề xưa… Tôi để ý xem có những nhà nào có người chết, mà tang gia lại là người thực lòng thương yêu kẻ đã khuất không muốn rời xa… Tôi lập tức lại điều đình nhận việc ướp xác và muốn tỏ rõ kết quả sẽ thu lượm được như thế nào, lẽ tất nhiên, tôi phải dẫn họ về đây và chỉ cho họ xem cái xác quý báu đã ướp của con gái tôi…

Trúc Tâm ngắt lời:

- Từ khi ông kinh doanh nghề mới lạ này ở đây, đã có nhiều… khách hàng chưa?

Cụ Lang Sặt gật đầu:

- Tôi cũng đã có vài ba người giao phó cho công việc. Nhưng tôi cần phải nói trước ngay với ông rằng dù ông có bẻ răng, kéo lưỡi tôi, cũng không bao giờ tôi chịu nói tên cho ông biết họ là ai! Tôi phải giữ bí mật cho khách hàng hơn nghề nào hết!

Trúc Tâm lại hỏi:

- Nhưng tại sao ông lại còn hỏi ông Ba để kiếm một xác vô thừa nhận nữa? Hay là ông còn muốn thí nghiệm thêm?

Bị chạm lòng tự ái về phương diện chuyên môn, cụ Lang Sặt cau mặt:

- Đã đạt được kết quả hoàn toàn như ông thấy trước mặt đây, tôi còn cần gì phải thí nghiệm nữa? Nhưng tôi muốn kiếm thêm một xác chết vô thừa nhận chính là vì muốn ướp xác ấy để làm “mẫu hàng” cho các khách xem… Tôi nghĩ rằng nếu cứ dùng con gái tôi để làm một thứ chiêu hàng thì… tủi vong linh nó quá!

Cụ Lang Sặt kéo chiếc màn điều, phủ chiếc quan tài kỳ dị… Rồi cụ kéo Trúc Tâm ra phòng ngoài nhìn thẳng vào mặt chàng mà hỏi:

- Bây giờ ông đã thấy rõ hết sự thực! Ông hẳn cũng nhận rằng công việc của tôi làm hoàn toàn nhân đạo giúp ích cho đồng loại được bớt nỗi thương đau của sự cách biệt mất còn… Tôi không dám hại ai hết… Tôi kiếm sống một cách lương thiện hoàn toàn.

Trúc Tâm nghe nói, không biết trả lời làm sao hết!

Vì sự thực, chàng cũng không biết cãi lại ông già thế nào! Vì chàng cũng tự nhận thấy trong xã hội còn có chán vạn người sống một cách bất lương chưa hề bị truy tố mà vẫn cứ hãnh diện nhơn nhơn!

-----


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét