Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

BUỔI DIỄN TẤT NIÊN CỦA NGƯỜI HỔ

 


BUỔI DIỄN TẤT NIÊN CỦA NGƯỜI HỔ

Phạm Cao Củng


Trước mặt hắn là cả một bộ “đồ lề” của họa sĩ nếu chúng ta không muốn làm mếch lòng hắn mà mệnh danh cho hắn một cách nôm na là… anh thợ vẽ! Điều này, đối với hắn, quan trọng lắm, vì sự thực, hắn có quyền được ngồi vào chiếu nghệ sĩ như ai!

Mặc dầu, bây giờ, hắn chỉ là một anh thợ vẽ chuyên môn vẽ hổ, cái thứ hổ thờ mà người ta vẽ rất nhiều trong dịp Tết!

Hắn nguệch ngoạc mấy nét vào bộ ria của ông ba mươi trước mặt, rồi bỗng quăng bút mà bảo tôi rằng:

- Không hiểu có phải là vì tất niên năm Hổ mà cái món hàng Hổ cuối năm nay, nghe chừng chạy lắm! Trong mấy phiên chợ Tết, có lẽ tôi vẽ đến hơn trăm ông rồi, thôi thì đủ các mầu sắc: bạch hổ, thanh hổ, hoàng hổ và… vân vân hổ!

Sẽ nhún vai, hắn lạnh lùng tiếp:

- Thôi, nhỡ thời thì phải chiều thời, qua đình làng nào, thì ta chào đình làng ấy vậy. Bây giờ làm cái nghề vẽ hổ, đối với khách hàng, tôi phải hết sức cung kính mà gọi là các ngài chứ thời xưa chính các ngài ấy bằng xương và bằng thịt, tôi cũng chỉ coi là muỗi tép!

Hắn có một cái nhìn mơ mộng, xa xôi và giọng nói nhẹ nhàng như giọng nói một cô con gái, đượm chút buồn rầu.

Trước đây, hắn chính là một nghệ sĩ, biểu diễn trong gánh xiếc lớn nhất nước ta, trong vai Người Hổ. Tất cả công việc của hắn là phải vào trong một chuồng hổ lớn nhiều khi đông tới bẩy, tám con rồi đùa giỡn với chúng, miễn là làm sao cho khán giả càng “sởn tóc gáy” là càng được hoan nghênh nhiệt liệt!

Sự thực, đối với con người bình thản và mơ mộng ấy, cái nghề kỳ lạ kia chẳng có gì là ghê gớm… Từ tỉnh này qua tỉnh khác và cũng đã từng qua Cao Miên, Xiêm La, Quảng Châu, Hương Cảng, hắn chỉ thấy những ngày biểu diễn đó là một chuỗi thời gian chán nản, giống nhau, không có chi là hứng thú.

Còn đàn hổ dữ? À phải, hắn đã có nhiều lần đánh nhau thực sự với chúng! Nhưng cũng vẫn chỉ là sự thường. Có gì là khó khăn đâu, bất cứ ai gan dạ một chút, có ngọn roi con trong tay là có thể trị được lũ “mèo dữ” ấy như chơi. Có một lần con hổ dở chứng. Nó cứ định xông vào vồ hắn. Nhưng cứ một khi nó tiến đến, thì hắn lại dùng ngọn roi, vụt mạnh một cái đúng vào mũi hổ, làm cho con thú hoảng hốt bước lùi… Một lát sau, chú ba mươi hiểu kế hoạch ấy cũng xông đến nhưng lùi lũi cúi gằm mặt xuống. Nhưng con người bao giờ cũng ranh hơn. Hắn giơ một chân ra và dọa đá hất, con hổ vội ngẩng tránh, thế là cái roi kia lại vụt trúng mũi hổ như thường…

Hắn kể lại những câu chuyện trên này bằng một giọng đều đều, rồi vén tay áo cho tôi xem những vết sẹo trên người hắn. Thôi, thực là đủ các vết ngang dọc, chằng chịt, một vết sâu hơn cả, do một bàn tay hổ tát, lõm vào gần tới xương, thành một vết dài suốt từ vai cho đến ngang lưng hắn. Nhưng tất cả các thứ đó, cũng không có gì đáng kể: hơi phiền một chút là hồi gần đây, luống tuổi, hễ trở giời thì các vết thương hơi đau ê ẩm ít nhiều.

Nhưng bỗng đôi mắt hắn quắc sáng, có lẽ vì có một kỷ niệm vừa chợt vụt qua trong trí nhớ! Thấy một nhà văn lại thăm trong dịp cuối năm, nhất là giữa lúc cần bài đăng báo Tết, có lẽ hắn cũng muốn tặng tôi một chuyện ly kỳ… Hắn bỗng chỉ tay vào đám tranh hổ trước mặt hắn mà hỏi tôi rằng:

- Ông có biết giống vật có bao giờ để tâm mà thù nhau không nhỉ?

Chẳng đợi tôi kịp trả lời, hắn tiếp luôn:

- Giống vật thì tôi không biết, chứ giống… người thì tôi thấy thù nhau ghê gớm lắm! Tôi có biết một gã thù một Người Hổ lắm! Lão ta được nổi danh là Người Hổ chỉ là vì trong nghề xiếc của lão, đặc biệt ở chỗ đêm nào hắn ta cũng thò đầu vào trong miệng một con hổ lớn, răng nanh nhọn hoắt!

Gã kia thù lão, nhưng không làm gì được lão đành cứ đêm đêm đến xem lão Người Hổ diễn trò và hy vọng một đêm kia sẽ được thấy tai nạn bất ngờ xẩy ra, con hổ dở chứng ngậm miệng và nghiến hai hàm răng lại!

Thế là gã dò theo gánh xiếc đi từ tỉnh này tới tỉnh khác, lẽo đẽo như bóng với hình… Năm tháng dần trôi… Gã già, lão Người Hổ cũng già và chính con hổ cũng già! Nhưng rồi tới một đêm kia, gã ngồi ngay hàng ghế đầu, cũng chính mắt mình được trông thấy lão Người Hổ bị con hổ già dở chứng, chợt nghiến hàm răng lại. Lão Người Hổ chết tươi, không kêu lên được một tiếng, trong khi gã kia, hả hê đứng dậy, lặng lẽ trở về!

Bằng một giọng hơi có vẻ buồn, hắn kể tiếp:

- Kể ra một người thù như thế cũng đã gọi được là khá kiên nhẫn. Nhưng ở đời, không phải ai thù cũng kiên nhẫn được như vậy!

Chẳng hạn như thằng cha ném dao, cùng làm với tôi trong một gánh xiếc được ba năm liền. Hắn tên là Quế và có một cô vợ rất xinh. Vợ hắn là một tài tử đánh đu bay số một, tên là Mộng Ngọc.

Tính Quế rất nóng nẩy, nhưng đôi tay hắn thì thực là nhanh nhẹn một cách dị thường. Có một lần, không hiểu vì tức khí nhau thế nào mà giữa lúc diễn trò, hắn đẩy anh chàng đi dây đứng sát ngay vào tấm gỗ thông, rồi không để cho anh chàng kia kịp trở tay đã phóng liên tiếp ngay mười mấy lưỡi dao nhọn, cắm phập vào tấm gỗ, mũi dao nào cũng vừa sát sạt người chàng kia, chỉ vừa vặn làm cho rách áo…

Mọi người phải rút hết những lưỡi dao ấy mới có thể gỡ được anh chàng đi dây ra vì anh chàng đúng là bị “đóng chặt vào tấm ván” không còn nhúc nhích được mảy may!

Sau khi việc xẩy ra, ai cũng phải gờm gờm Quế! Và đối với Mộng Ngọc, vợ hắn, người ta cũng không dám trò chuyện gì nhiều mặc dầu, nàng rất xinh đẹp và vui chuyện… Người nào cũng sợ, nhỡ ra mà Quế nghi ngờ, máu ghen nổi lên thì chỉ một lưỡi dao của hắn phóng ra cũng đủ làm cho mất mạng!

Nhưng có một người - Người Hổ - Hắn không coi Quế vào mùi gì cả! Mà có lẽ trong đời, hắn cũng không hề biết cái sợ là gì. Người Hổ cũng chuyên một nghề dạy hổ báo, đêm đêm đùa giỡn với đàn thú dữ trong chuồng sắt, sẵn sàng chui đầu vào trong miệng cọp để gây một cảm giác lạ lạ cho công chúng.

Con hổ mà chàng Người Hổ này ưa hơn hết là một con cọp gấm! Con hổ mới to lớn làm sao, lốt vằn vừa vàng, vừa đen, vừa hung hung như gấm dệt! Cặp mắt nó đỏ ngầu như máu, những vuốt thì nhọn sắt như gươm dao mà hai hàm răng nanh thì mỗi khi nhe ra đủ làm cho những người thường chết khiếp!

Nhưng Cọp Gấm quả thực là tri kỷ của Người Hổ. Chung sống với Người Hổ liền trong ba năm nay, không hề qua một lần nào, Cọp Gấm lộ ra chút nào là… dở chứng!

Vào trong chuồng sắt, ôm lấy chân, bá lấy cổ, thò đầu vào trong miệng Cọp Gấm, Người Hổ thấy dễ dàng như một trò đùa…

Nàng Mộng Ngọc có lẽ cũng cảm Người Hổ vì cái gan dạ phi thường của hắn. Nhiều khi Mộng Ngọc đắm đuối nhìn… Người Hổ cũng nhìn Mộng Ngọc một cách say sưa!

Nhưng chúng ta chớ quên cái nhìn nẩy lửa của Quế, nhìn cả Người Hổ và Mộng Ngọc!

Chúng tôi đều biết thế, nên có lần đã bảo cho Người Hổ hãy liệu mà coi chừng! Nhưng hắn chỉ nhún vai cười nhạt, cũng như một lần hắn cười nhạt khi tóm lấy cổ Quế vì hắn xun xoe dám đứng trước mặt Người Hổ mà thách thử đấu dao.

Quế cắn răng không nói một lời nào nhưng trong cặp mắt hắn, tôi thấy rõ ràng ngọn lửa dữ dội mà đôi khi thường lóe sáng trong mắt các con thú dữ sắp sửa dở chứng.

Nhưng rồi mấy tháng qua, không xẩy ra điều gì đáng tiếc. Có lẽ vì Người Hổ hồi sau này, cũng không để ý mấy đến Mộng Ngọc nữa, vì hắn còn mải theo đuổi một tiểu thư khuê các con một vị hưu quan, đã “phải lòng mặt” hắn, không một đêm nào không mua vé hàng đầu vào ngồi xem xiếc.

Cho đến một hôm cuối năm, một buổi diễn tất niên của gánh xiếc, thu được bao nhiêu tiền sẽ chia hết cho các tài tử chi dùng trong hai đêm nghỉ trước buổi diễn đêm mồng một Tết, khai xuân…

Đêm diễn tất niên ấy, lẽ tất nhiên chúng tôi đều hết sức cố gắng để biểu diễn tài nghệ, kể cả Người Hổ.

Hắn đêm nay vận bộ quần áo sát liền vào da thịt mầu sa tanh đỏ tươi, có đính nhiều mặt thủy, óng ánh như sao! Đầu hắn chải mượt, bóng loáng, có lẽ anh chàng hôm nay định hết sức làm dáng cho vừa mắt người tình…

Nhưng trong mắt Quế, anh phóng dao, chồng của Mộng Ngọc đêm nay, tôi cũng thấy lóng lánh một ánh sáng khác thường.

Chính vì nhận thấy thế, cho nên tôi lo ngại xiết bao, khi tới lúc Người Hổ phải vào biểu diễn trong chuồng hổ. Trước đó một phút, tôi thấy Quế loay hoay sửa soạn tấm gỗ thông mà hắn sẽ phải diễn trò ở sau chỗ Người Hổ đứng… Rồi thấy Quế mấy lần rút chiếc khăn tay lụa của hắn ra, rồi vuốt vuốt mái tóc mình, lúc đầu hắn và đầu Người Hổ đứng sát chụm vào nhau không cách xa mấy chút!

Rồi tiếng kèn nổi lên hùng dũng. Một vài con hổ hoảng hốt gầm lên trong khi con Cọp Gấm thuần thục nhẩy lên ngồi thu lu trên chiếc hòm gỗ sơn tím.

Người Hổ tay không, ung dung bước vào trong chuồng sắt, giữa tiếng hoan hô của mấy ngàn khán giả. Hắn qua lại giữa những ông chúa sơn lâm.

Biểu diễn mấy trò bắt hổ nhẩy qua vòng dao, vòng lửa, cuối cùng mới tới trò then chốt: Người Hổ thò đầu vào miệng cọp.

Như chúng ta đã biết, con Cọp Gấm vốn là người bạn trung thành của Người Hổ hơn ai hết!

Như không biết tại sao, con Cọp Gấm ấy, đêm nay, lúc Người Hổ vừa thò đầu lọt vào trong miệng nó thì đột nhiên nó bỗng nghiến chặt hai hàm răng nanh nhọn hoắt lại!

Giống hệt như ở nhà quê, ta rình trộm và chẹn hàng răng bừa nhọn hoắt vào cổ chú Trích dám cả gan đào ngạch định lẻn vào khoắng một mẻ tất niên!

Thế là đêm diễn tất niên này của Người Hổ cũng cáo chung một đời người mạo hiểm!

“Sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, người ta không lấy việc này làm lạ. Nhưng riêng tôi vẫn muốn biết sự thực trong tai nạn bất thường này! Tôi đã đỡ cái đầu bị nghiến nát bét của Người Hổ ra mà xem kỹ lại! Tôi đã ngửi thấy nồng nực mùi hạt tiêu cay sè, làm cho tôi phải hắt hơi luôn mấy cái!

Trời ơi, tôi đã hiểu rồi! Tôi nhớ lại trước khi vào chuồng hổ mấy phút, Người Hổ có đứng sát cạnh Quế và Quế, kẻ tử thù đã giơ cao mùi xoa lên rũ nhẹ…

Thì ra Người Hổ đã thò cái đầu bóng loáng dính đầy hồ tiêu ấy vào miệng con Cọp Gấm.

Và con Cọp Gấm, người bạn trung thành của Người Hổ đã… hắt hơi, chứ nào có dở chứng muốn nghiến nát đầu ai?

 

------ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét