Nhà văn Vũ Ngọc Tiến |
2. Rồng đá
Kim Hoà gấp cuốn sách
“Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn, lặng lẽ nhìn Trần Thăng. Đã một tuần nay chị
thấy chồng mình đi về như một cái bóng. Anh không nói năng, bỏ cả lệ đọc sách.
Thỉnh thoảng anh uống rượu, mắt lờ đờ nhìn vào góc tối, luôn miệng thở dài. Có
lúc anh cao hứng ngâm thơ Nguyễn Trãi: “Kim cổ vô cùng giang mạc mạc – Anh hùng
hữu hận diệp tiêu tiêu”. Chị là nhà nghiên cứu lịch sử nên hiểu xuất xứ hai câu
thơ ấy Nguyễn Trãi viết khi cáo quan về ở ẩn trên núi Côn Sơn. Vào một chiều cuối
thu sắp sang tiết lập đông, ông nhìn thấy từng đàn mây trắng đùn từ phía biên ải
xa mờ kéo đến, dòng sông Đá Bạc ầm ào vỗ sóng và rừng cây sau lưng xào xạc trút
lá khô vàng rơi đầy mặt đất. Ông tức cảnh, sinh tình mà ngâm hai câu thơ bày tỏ
nỗi lòng mình. Nhưng Thăng đâu có giống tình cảnh Nguyễn Trãi. Anh là giáo sư
tiến sĩ toán học, sao anh không an phận với những công trình lý thuyết về toán
tin học của mình. Chức viện trưởng lâu nay chỉ tổ làm anh suốt ngày bận bịu với
những vụ linh tinh, biến anh thành thứ viên chức hành chính tầm thường, báu gì.
Đã thế, cái Viện cỏn con của anh có một dúm người mệnh danh là “nhà” hay “lều”
khoa học cả đấy, mà sao quanh năm suốt tháng vẫn gầm ghè, đấu đá tranh ăn,
giành ghế. Họ ăn không nói có, tung lời đặt chuyện về nhau chẳng khác gì mấy chị
hàng tôm, hàng cá ngoài chợ. Hình như đam mê quyền lực là thứ bệnh thâm căn, cố
đế của cánh đàn ông. Sa đà vào đó, mặt người bỗng trở nên lem luốc, chẳng ra mặt
người. Biết thế mà có ai chịu từ bỏ dễ dàng đâu! Nhiều lần anh thanh minh với
chị rằng không phải anh ham quyền chức, nhưng làm viện trưởng sẽ thuận lợi cho
công trình nghiên cứu và có dịp giao tiếp học hỏi với thế giới bên ngoài. Chị
biết đó chỉ là nguỵ biện. Làm vợ ai chẳng muốn hãnh diện về chồng. Anh làm sếp
có xe đưa, xe đón, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên ti vi, đài báo thì vợ con
cũng nở mày mát mặt. Chồng đi Tây, đi Tàu, chị cũng có thêm đồ này, thứ nọ để
khoe với chị em, bè bạn. Nhưng chị cũng là nhà trí thức. Chị khao khát anh có
những công trình khoa học sáng giá để lại cho đời, lưu danh sử sách. Ngày ấy chị
yêu anh vì anh đẹp trai, thông minh, lịch lãm và rất hồn nhiên yêu đời. Anh là
nhà toán học trẻ tuổi, có công giúp các nhà vật lý bên quân đội tính toán ra
vùng mù sóng nhiễu máy bay B52. Nhờ đó mà mấy vị tướng lĩnh quân đội đã bố trí
các trận địa tên lửa, các trạm ra đa trong vùng mù nhiễu sóng ấy để phát hiện
và bắn rơi máy bay địch, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội.
Nếu anh cứ vẫn yên tâm theo đuổi các công trình toán học, biết đâu sẽ có nhiều
cống hiến lớn khác trong thời bình. Chức viện trưởng và quyền lực như ma ám,
làm anh u mê chỉ biết say sưa lao vào các vụ đấu đá, củng cố quyền lực. Rất nhiều
năm rồi, chị chưa thấy anh có thêm công trình phát minh nào mới, mặc dù học
hàm, học vị của anh đã lên tới tột đỉnh. Anh trở nên người thích xu nịnh, háo
danh và mất cảnh giác. Đợt bầu viện trưởng vừa rồi anh bị hạ bệ êm ru cũng vì mất
cảnh giác. Chắc anh nghĩ rằng đối thủ của mình mới ngày nào chỉ là một thằng cử
nhân “gia công” dốt đặc cán mai, làm sao dám so bì uy tín với anh trong giới
khoa học. Nhưng anh đã lầm, chị là phụ nữ nên nhạy cảm và đã sớm nhắc anh đề
phòng. Mấy năm trước vợ hắn buôn bán phất lên nhờ mấy vụ sốt giá nhà đất, hắn
có tiền chạy vạy để được làm phó tiến sĩ trong nước. Anh là người hướng dẫn phụ,
nhưng nể lời ông bạn làm giáo sư ở trường Đại học đã gần như viết hộ luận văn tốt
nghiệp cho hắn. Mỗi lần thấy hắn đến nhà khệ nệ ôm gói to bọc nhỏ, mắt la mày
lét, miệng luôn vâng dạ, hai tay xoa vào nhau, lưng hơi cúi khòng, chị thấy
khinh bỉ đến lợm giọng. Chị nhắc anh nhớ lại lời của Jo-han Gốt-liep Phích-tơ,
nhà triết học cổ điển Đức: “Kẻ nào làm thuộc hạ mà lúc nào trước mặt anh cũng sẵn
sàng quỳ mọp xuống đất một cách đê tiện thì sớm muộn gì nó cũng phản anh”. Thật
lòng mà nói, khi nghe tin anh mất chức viện trưởng chị cũng hơi choáng váng, hụt
hẫng. Nhưng chị không ngờ anh hốc hác, gày rộc, chán đời và mất thăng bằng đến
như vậy. Chị nghiên cứu lịch sử, hiểu thấu mọi lẽ hưng phế của các triều vua.
Chị là người ngoài cuộc nên có lẽ chị bình tĩnh, sáng suốt hơn anh chăng. Chị
muốn an ủi, động viên, nhưng anh cứ ậm ừ rồi lảng tránh. Tính anh xưa nay không
muốn làm phiền người khác. Nhưng chị là vợ, gắn bó suốt đời với anh, chia ngọt
sẻ bùi cùng anh. Chị sẽ phải làm gì để lấy lại thăng bằng cho anh, để anh lại
tiếp tục say sưa với công trình khoa học như ngày xưa anh say sưa tính toán ra
vùng mù sóng nhiễu của B52?
Kim Hoà đứng dậy, nhẹ
nhàng đi về phía chồng. Trần Thăng vẫn nằm dài trên ghế xích đu đặt gần ban
công để anh ngắm trời, ngắm đất. Đêm cuối tháng tối thâm, không một vì sao, vẳng
tiếng côn trùng eo óc, nỉ non. Chiếc đôn sứ bên cạnh với bao thuốc gần rỗng và
chiếc gạt tàn đầy ặc các mẩu đầu lọc. Xưa nay anh vốn ít hút, cứ thế này thì
đen sì hai lá phổi còn gì! Chị thầm nghĩ, lắc đầu chua xót nhìn anh, tròng mắt
ươn ướt. Lồng ngực của chị như có gì chèn tức đến ngẹt thở. Chị âu yếm quàng
tay lên cổ, ray ray cằm lên mái tóc bồng đốm bạc của anh.
- Em không đọc sách nữa
à? – Anh hỏi.
- Không. Đêm nay em
muốn mình đi ngủ sớm. Chiều em một tí, đi mình! -Chị lắc người nũng nịu như hồi
trẻ. Tay chị vuốt lên ngực anh để trần.
- Nghĩ mà ngao ngán
cho đời, không ngủ được.
- Quên mọi chuyện đi
anh. Nghĩ lắm cho già người.
- Quên sao được hở
em. Mình dày công xây dựng Viện từ khi còn trứng nước, công lao và học vấn là
thế, bỗng nhiên bị thằng mất dạy nó đá đít với lý do trẻ hóa cán bộ. Nếu phải
giao quyền cho mấy cậu vừa tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài về đã đành một nhẽ,
đằng này...
- Quan nhất thời, dân
vạn đại mà anh. Xưa nay có triều vua nào ngự trị bền mãi đâu anh.
- Em lại sắp lên cơn
bệnh nghề nghiệp, bà phó tiến sĩ sử học của anh ạ! Hôm nay anh hết hứng thú
nghe em kể chuyện xưa, tích cũ rồi. Bụng anh đang rối bời, chán phè. Ước gì anh
hoá rồng lúc này, bay tít lên cao nhìn rõ mọi cuộc đấu đá, tranh giành ở khắp
thế gian.
- Vậy chúng mình
buông màn đi nghỉ. Nằm trên giường em sẽ kể chuyện rồng cho anh nghe.
Chị dìu anh đứng dậy,
đi về phía giường, nhẹ nhàng đặt đầu anh xuống gối và tháo dép cho anh. Lòng chị
lâng lâng sung sướng khi thấy vầng trán anh bớt nhăn, khoé mắt anh sáng lên nụ
cười hiếm hoi. Chiếc màn tuyn xanh mát buông xuống, thoảng bay mùi nước hoa chị
vừa kín đáo phun nhẹ bốn góc màn để xua muỗi. Trần Thăng xoay người nhìn sâu
vào mắt vợ. Anh vuốt nhẹ mấy sợi tóc mai, mỉm cuời, nháy mắt hỏi yêu:
- Chuyện rồng của em
thế nào? Ở bên Tây người ta xem rồng là ma. Vợ anh đừng kể chuyện gì về rồng
làm anh sợ ma mất ngủ là bắt đền đấy.
- Sao đêm nay anh bỗng
thành con nít sợ ma thế?
- Thì chuyện bầu viện
trưởng ở chỗ anh cũng là ma hiện đại còn gì.
- Nói cho cùng trên đời
làm gì có rồng - Chị lựa lời.
- Em nói đúng. Nếu cắt
bỏ cái đầu rồng có bờm như sư tử đi thì nó có khác gì con rắn, con rết hay con
giun đất, em nhỉ!
- Bởi vì rồng không
có thật nên mới linh thiêng. Lúc đầu nó tượng trưng cho sức mạnh huyền bí của
thiên nhiên có thể hô gió, gọi mưa. Lâu dần nó được con người huyền hoặc, gắn
nó tượng trưng cho vương quyền và sức mạnh của vua chúa.
- Đời thật thú vị! Cứ
cái gì hư thực, thực hư bỗng thành thiêng liêng, uy quyền trùm khắp thiên hạ. -
Chẳng có gì là uy quyền tuyệt đối anh ạ! Em nghiên cứu rồng qua các triều vua,
thấy thế rồng cũng biến đổi theo thời cuộc, theo quyền uy và điểm yếu của các
ông vua. Triều Lý, vương quyền còn đang manh nha, chưa với tới được các bộ tộc,
bản làng ở rừng núi xa xôi. Người ta phải mượn tích Âu Cơ có trăm trứng để nhắc
nhở các tộc trưởng miền núi thần phục vương triều. Vậy nên thế rồng thời Lý có
thân cuộn lại thành khúc tròn và trong mỗi khúc cuộn ấy chứa biểu tượng một quả
trứng rồng, theo tích Lạc Long và Âu Cơ. Sang đến thời nhà Lê, nhất là triều
vua Lê Thánh Tông, vương quyền được củng cố, vươn ra thâu tóm các bộ tộc xa gần,
lấn át cả vua nước Chàm và Ai Lao. Thế rồng thời Lê trở nên lượn sóng hình sin,
rất tao nhã và thanh thản, hài hoà. Đến thời nhà Mạc, các nghệ nhân ngầm có ý
ám chỉ vương quyền đang trong tay cha con một ông võ tướng tiếm ngôi, biến vị.
Thế rồng thời nhà Mạc biến đổi một cách kỳ lạ. Lưng rồng không còn uốn éo hình
sin như thời nhà Lê mà gồng lên như một cái yên ngựa. Nó khác nào con rồng thời
Lê vừa bị đánh một côn trượng đau oằn lưng. Dưới triều nhà Nguyễn, văn hoá
phương Tây tràn qua, tư tưởng và lối sống của con người trở nên phóng khoáng,
không câu nệ, chấp nhặt theo các giáo lý các bậc hủ nho, nên các nghệ nhân điêu
khắc sáng tác đủ các thế rồng không theo một khuôn mẫu nhất định nào. Cái lạ là
rồng vẫn ra rồng, không thể lẫn với con vật nào khác. Một điều lạ nữa là có lẽ
rồng thời Nguyễn biến đổi nay thế này mai thế khác nên đã ứng nghiệm, vào cuối
triều Nguyễn vương quyền được thay như thay áo. Có ông lên ngôi được ba tháng,
có ông được ba ngày...
Chị ngả đầu vào ngực
anh. Trần Thăng nằm yên tận hưởng sự vuốt ve và nghe vợ kể chuyện rồng. Anh bỗng
thấy thanh thản. Anh chạnh nhớ về miền quê Kinh Bắc. Nhớ cái làng nhỏ bên bờ đê
sông Đuống nơi chôn nhau, cắt rốn và tuổi thơ anh thả diều, bắt bướm. Lòng anh
nôn nao nhớ từng con đường gạch lát nghiêng, cây đa, bến nước, sân đình. Ôi!
Cái ngôi đình nhỏ ở quê anh có tự bao giờ sao anh chẳng biết, chẳng bận tâm hỏi
rõ ngọn ngành. Ở hai bên thành của bậc tam cấp bước lên thềm cao ngôi đình cổ ấy
có hai con rồng đá, sao anh chẳng nhớ nó cuộn khúc ủ trứng rồng, hay lượn sóng
hình sin, hay oằn lên như yên ngựa. Thăng nhớ thằng bạn nối khố có tên là Tươi
mà suốt đời chỉ gặp chuyện buồn. Tươi ra trận, trở về với một chân và nhằng nhịt
vết sẹo ở lưng, ở bụng. Giờ đây Tươi đang yên phận làm anh chăn vịt. Có lẽ bù lại
Tươi được Thảo yêu, chờ đợi gần chục năm ròng. Họ đã có với nhau cả một nửa tá
thị mẹt và đang sống nheo nhóc ở làng quê nghèo bán sơn, bán địa. Vậy mà sao những
lúc vinh hiển, vào Nam ra Bắc, đi Tây đi Tàu, anh chẳng có chút bận tâm mua ít
quà nhỏ cho sáu cô lọ lem của Tươi và Thảo... Thăng nhớ như in cô bé Thảo ngày
nào. Nàng kém anh và Tươi chừng năm sáu tuổi. Khi hai đứa học cấp hai thì Thảo
còn bé tí, suốt ngày cùng đám trẻ mẫu giáo trèo lên, trượt xuống trên lưng hai
con rồng đá. Hợp tác xã hồi ấy biến ngôi đình cổ thành nhà trẻ, mẫu giáo. Trẻ
con nhà quê thường lấm lem nhếch nhác, có khi cởi truồng đến lớp. Thăng và Tươi
hay ra sân đình trêu Thảo: “Lêu lêu có đứa cởi truồng!” Phải đến khi Thảo khóc
ré lên hay cô giáo ra quát mắng, hai đứa mới chịu rủ nhau ra ao tắm hay mò ốc vặn.
Năm qua đi, tháng qua đi, thoắt cái Thăng đã trở thành chàng sinh viên khoá bảy
trường Tổng hợp. Lần trở về làng, anh không dám tin ở mắt mình trước một cô Thảo
mắt bồ câu lúng liếng, bộ ngực căng tròn, tấm thân thắt đáy lưng ong. Anh và
Tươi cùng ngấm ngầm mê Thảo, cùng ganh đua để được Thảo yêu. Hoá ra anh chàng
Tươi củ mỉ cù mì mà có duyên ngầm nên đã chiếm được trái tim nàng... Thăng nhắm
mắt mơ màng thả hồn theo dòng hồi ức. Hoà bồi hồi nhìn chồng đang mỉm cười, nụ
cười làm sáng cả đêm tối trăng. Chị khẽ lay anh:
- Mình! Mình buồn ngủ
rồi à?
- Không, anh đang nhớ
quê, nhớ bạn bè thủa ấu thơ, nhớ đôi rồng đá ở hai bậc tam cấp ngôi đình.
- Vậy thì mai chúng
mình về quê, anh nhé!
- Thế thì hay quá,
anh đang muốn vậy.
Họ ôm nhau, xoắn chặt
vào nhau như đôi rồng phun nước. Hơi thở hai người làm ấm cả trời đêm mùa thu
se lạnh, lác đác hạt sương rơi. Đêm cuối tháng chìm sâu, huyền bí, ẩn hiện những
bóng rồng giữa bốn bề lặng im bao la trời đất và cả trong cõi nhân sinh muôn thủa
những kiếp người.
Sáng. Hoà tỉnh dậy sớm.
Chị sợ làm động giấc của anh sau nhiều đêm thao thức, dằn vặt. Chị khẽ khàng
trườn qua người anh, trượt gót xuống nền nhà. Hoà đẩy cửa ra ban công hít thở
không khí trong lành buổi sớm mai. Phía rạng đông bắt đầu hé sáng. Những mái
nhà rêu mốc của khu phố cổ đang ửng dần những tia nắng màu hồng nhạt, lẫn pha sắc
tím, chiết quang từ những hạt sương li ti. Nó bò dần theo các ống máng và chuyển
sang màu đỏ. Từng vạt nắng lung linh lan trải trên hàng sấu và trên hè phố
loáng thoáng rơi mấy quả sấu chín vàng vỏ đã nhăn nheo, báo mùa thu sắp hết.
Hoà chợt giật mình nhận ra một mùa đông sắp về theo ngọn gió heo may trên các
ngọn mía bên đê sông Đuống quê chồng. Đã nhiều năm bận rộn với công việc nghiên
cứu, việc nhà lút cổ, Hoà không về quê. Những ngồng cải hoa vàng sau ngôi nhà
ngói năm gian thân thương ở vùng quê Kinh Bắc như vẫy gọi chị về. Hoà thẫn thờ
vơ vẩn hồi lâu rồi quay vào tủ lạnh, lấy quả bầu dục với hai gói mì xuống bếp.
Chị ý tứ giấu một nửa trái bầu dục dưới đáy bát của anh. Nửa còn lại chị chia đều
hai bát. Các con đã trưởng thành, đi xa. Ở nhà ăn miếng gì ngon chị cũng nhường
anh. Chị khẽ mỉm cười vì nếu anh biết nhất định sẽ đòi vợ đổi bát và ép chị ăn
bằng hết mới chịu đụng đũa. Hạnh phúc đơn sơ thầm kín này chị sẵn sàng đánh đổi
mọi thứ quyền chức, giàu sang để được nó. Thăng đã nghe thấy tiếng lục đục dưới
bếp và tỉnh dậy. Anh khăng khăng giành lấy chậu quần áo từ tay chị mang lên sân
thượng phơi. Hai người thủng thẳng ăn hết bát mì. Chị tất tưởi đi chuẩn bị hành
lý về quê, còn anh ngồi uống cà phê vợ đã pha sẵn. Thăng không quên nhắc vợ gói
ít kẹo và mấy mảnh vải hoa mang về cho mấy đứa cháu ngoại của Tươi và Thảo.
Xe bon bon trên con
đường nhựa rộng rênh, phẳng lì. Hai bên đường những thửa ruộng vừa gặt còn trơ
lại gốc rạ nâu đen. Những chú chim gáy đi ăn sớm đang tha thẩn tìm hạt lúa sót
trên các đường cày lật đất nổi gợn lên giữa cánh đồng, nhìn từ xa nom giống như
vồng ngực của người thiếu nữ tuổi dậy thì. Xe đưa Thăng rẽ lên bờ đê sông Đuống
vàng rực nắng, lồng lộng gió. Lòng anh phơi phới niềm vui. Con đường càng ngắn
lại, tình yêu quê càng bùng cháy, thiêu đốt mọi nỗi ưu tư, phiền muộn. Câu chuyện
về những con rồng qua các triều vua Hoà kể đêm qua khiến Thăng thao thiết mong
gặp lại ngôi đình cổ với đôi rồng đá tuổi thơ. Vừa đến đầu làng, anh cho xe lượn
thẳng vào sân đình. Hoà nắm tay chồng cùng hớn hở chạy lại quỳ bên con rồng đá.
Thăng vỗ tay vào lưng vợ reo lên thích thú:
- Mình ơi! Nó uốn lượn
mềm mại, bay bướm, uyển chuyển hình sin. Đúng là rồng đời Lê rồi.
- Vâng. Đình làng
mình có từ đời Lê. Em cũng không ngờ quê nội các con có ngôi đình cổ đến như vậy.
Mọi lần về quê đều sấp ngửa, vội vàng em chưa ra sân đình lần nào.
- Anh nghĩ, rất có thể
nó sẽ góp thêm tư liệu cho công trình nghiên cứu của em cũng nên.
Hòa nhoài người bò
lên thân con rồng đá. Chị áp sát cặp kính cận dày cộp vào từng nét chạm sâu, từng
đường uốn lượn của các hoạ tiết trên mặt, lưng và bụng rồng. Hồi lâu chị ngẩng
lên nhìn Thăng, say sưa giải thích cho anh ý nghĩa từng hoạ tiết. Thăng nghe vợ
như uống từng lời. Anh bồi hôi xúc động, thầm cảm phục Hoà. Cuộc sống quanh anh
có bao cái đẹp, cái quý giá mà anh hờ hững hoặc chưa chịu khám phá, cảm nhận được
nó. Anh nghĩ vậy và cảm thấy yêu đời hơn, gắn bó với làng quê nghèo khó, với những
con người quanh năm lam lũ mà rất hồn nhiên, không màng danh lợi, không bon
chen đấu đá, tranh cướp quyền lực. Chợt anh nhìn thấy bóng Tươi chống nạng phăm
phăm đi tới, sau lưng Tươi là Thảo và mấy đứa trẻ nhỏ trong làng.
- Thăng về đấy phỏng?
– Tươi hỏi như quát.
- Sao biết vợ chồng
mình về mà ra đón?
- Đón điếc cóc khô
gì. Mình nghe trẻ con trong làng kháo nhau có hai ông bà lịch sự ngoài Hà Nội,
mỗi người đeo hai đít chai dày cộp, đang ở ngoài sân đình xem con rồng đá nên
đoán ngay ra vợ chồng ông thôi mà. Ngọn gió lành nào đưa ông bà về quê đấy, hử?
- Nhớ thì về chứ gió
lành, gió dữ gì…
Thăng đẩy nhẹ vợ về
phía Thảo. Hai người đàn bà thẽ thọt chào nhau, làm thân rất nhanh và rủ rỉ tâm
sự. Tươi vẫn nói oang oang như sân đình chỉ có anh và Thăng:
- Ông là chúa tệ, làm
quan rồi, giàu sang rồi chẳng thèm ngó ngàng hỏi đến bạn bè.
- Bận tối mũi tối mắt,
ông và các bạn bè ở quê tha cho mình.
- Bận... Bận... Bận
cái nỗi gì? Có mà bận đỡ đòn giữ ghế. Cái tạng ông thật thà như đếm, chống đỡ
làm sao cho được bọn tiểu nhân mẹo vặt đầy người. Bị chúng nó cho lộn tùng phèo
rồi phỏng?
- Thế ra ông biết hết
mọi chuyện? –Thăng ngỡ ngàng hỏi lại.
- Đừng khinh thằng bạn
lính què, chăn vịt ở xó quê nhá. Chuyện to chuỵên nhỏ của bạn bè ngoài Hà Nội
cũng không lọt qua lỗ tai, con mắt của mình. Mà thôi, vứt quách ba cái chuyện ấy
cho nó nhẹ lòng. Ông và Hoà từ nãy ngắm nghía con rồng đá đố biết có gì hay
không?... Đám trí thức thị thành các vị không rành rõ chuyện này bằng cánh nhà
quê ấm ớ như mình đâu. Này nhé! Các con rồng thiêng ở đâu mình không biết, chỉ
thấy nó dù làm bằng gỗ, bằng đồng, bằng đá, hay bằng vàng đi nữa mà đặt xa cách
với con người là vứt! Nếu nó không mốc meo, mối mọt thì cũng nhện chăng, bụi
bám…Cứ như con rồng đá đình làng ta lại hoá hay. Bao nhiêu thế hệ mẫu giáo từ lớp
mụ Thảo nhà mình đến bây giờ là lớp con cháu đã nối tiếp nhau, áo quần nhếch
nhác, có khi tồng ngồng leo lên tụt xuống, dí chim, chịn bướm nên cái lưng rồng
mời nhẵn bóng, sáng loáng. Chỉ cần nhìn xuống chân, xuống bụng con rồng đá khắc
thấy chỗ nào các thằng cu, con hĩm ít chạm tới là rêu mốc đã bám ngay rồi... Ha
ha!...
Tươi nói say sưa, giọng
choang choang như chuông không cần e dè, kiêng nể. Có lúc cao hứng, anh gõ chiếc
nạng cạch cạch xuống sân đình. Hoà liếc nhìn sang chồng. Chị mừng vì chưa thấy
bao giờ anh hồn nhiên, vui vẻ như vậy. Cái chất nhà quê thật thà, nói nhanh,
nói to của Tươi như lây sang người Thăng. Họ vung tay, múa chân, nói cười ngả
ngớn, tự do. Cái tự do không dễ tìm được ở các hội nghị trang nghiêm giả tạo,
nói lời vay mượn mà Thăng và chị vẫn từng miễn cưỡng tham dự đã nhiều năm. Nó
giá trị chẳng bằng nửa lời của Tươi vừa nói về rồng chăng?... Chị xúc động ngả
đầu vào vai Thảo ngắm nhìn hai người đàn ông thao thao bất tận những câu chuyện
mà họ dành cất trong kho kỷ niệm từ thời tám hoánh. Nắng trưa đã lên tròn bóng.
Mặt nước ao đình lăn tăn gợn sóng theo nhịp khoả chân của các cô thôn nữ đi làm
đồng về. Lòng Hòa thầm reo: Ôi quê hương, con cám ơn Người! Nếu biết thế này,
con đã đưa Thăng về với Người từ hôm đầu xảy ra câu chuyện bầu bán ở Viện của
anh…
V.N.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét