Giọt Mưa Trên Lá
Trần Huy Quang
1
Tôi đang sống trong những lối mòn, sáng, trưa, chiều, tối, cơ quan, nhà cửa, những thói quen không bao giờ là pháp luật thành văn mà có sức mạnh như nước dội trên thác xuống, những tập tục mà màu sắc chói lọi như cầu vồng và những lề thói dữ như miệng hùm. Tôi tưởng mình đang ở một nơi nào đó trong giấc mơ. Hàng cây sau sau thật duyên dáng, ẻo lả mà cường tráng, mùa đông không trụi lá nhưng đã ngả hẳn sang màu phớt vàng. Mỗi lần nhìn hàng cây sau sau, những chiếc lá hình trái tim có những chấm vàng sặc sỡ reo trong gió lạnh là tôi lại nhớ đến cánh rừng mỏng manh có cái lán của mấy đứa con gái bọn tôi ở. Lá cây đổ vào đến tận cửa, một chút gió nhẹ thoảng qua thôi là những chiếc lá vàng kia biến thành đàn bươm bướm, mùa thu không còn mấy nhưng mùa đông chưa kịp tới. Nhưng thôi, không lại sa vào những nỗi niềm bất tận, vô cùng mà ở đấy cảm xúc của tôi cứ nhão nhoét như bùn.
Mùa nào đối với tôi cũng dài. Và ngày cũng như đêm, như mãi ở đâu xa, như tận miền thiên khải. Như cổ tích, như nỗi nhớ của thời con gái chưa chồng. Lê thê, chậm chạp, không muốn cựa quậy nhúc nhắc gì nữa, nó cũng lạnh lẽo và vô lối như mùi văn hóa hãnh tiến. Tôi phảng phất nhớ Quỳnh Giao, con gái tôi, nó đã mười sáu tuổi theo những đứa bạn con nhà giàu đi chơi Trà Cổ.
Tôi không chờ đợi cái gì cả, sáng trưa, chiều tối, nhà cửa, cơ quan, nhàm chán như người ta ăn phải cháo thiu. Tôi chờ đợi cái gì không? Có lẽ có, tôi chờ đợi tuổi già.
Sao tôi sợ sự lãnh đạm thế? Lãnh đạm của đồng loại, lãnh đạm của thời gian, lãnh đạm của phương thức sản xuất. Nhà vắng hoe, may nó chỉ có mười lăm mét vuông. Một bộ bàn ghế tiếp khách nhỏ, một cái giường, một cái tủ, một cái bàn viết kiêm luôn bàn trang điểm, đã choán hết mười mét, nếu không tôi sẽ tưởng mình sống giữa mặt trăng.
Mà sao các căn hộ đều giống nhau một cách lạ lùng. Này nhé. Hai mươi căn hộ của cái dãy này, hai mươi căn hộ nữa của dãy kia, và cũng hai mươi căn hộ của nhiều dãy nữa, mái đều lợp một loại ngói xi măng sóng, màu bạc phếch, loại màu tượng trưng cho sự khốn cùng, lỡ có sờ tay vào là nó tự mục ra thành cám. Tường ngăn giữa các cuộc đời với nhau đều xây loại tường mười, ở giữa có cái trụ to tổ bố. Và không có căn hộ nào có trần, từ dưới nhà nhìn thốc lên mái ngói và khi có giông gió, những hạt mưa được rơi thẳng từ trên trời xuống giường nằm.
Còn phía trước, mặt tiền, bất luận ông nào bà nào, nhà ai cũng được có một cửa chính, một cửa sổ, người so đo tính toán đến mấy cũng phải hài lòng về sự công bằng giữa những khung cửa ấy. Sự công bằng thể hiện cả ở những cánh cửa đều đóng không công phu gì lắm, tưởng như một người không biết gì về mộc cũng đóng được. Và vân vân cái giống nhau nữa.
Đấy là lúc đầu, mẹ con tôi được chia một gian, tôi thấy hai mươi phòng, cộng với hai mươi phòng, cộng với nhiều lần hai mươi phòng nữa, cũng y chang nhau đến mức buồn cười và đến mức rơi nước mắt. Đấy là lúc đầu, tôi còn cười được, về sau thì không thể cười được và cũng không thể khóc được.
Tất nhiên, sự giống nhau có tính thời đại ấy sẽ có rất nhiều cái lợi. Đầu tiên là sự phân phối. Cùng diện tích, cùng kiểu cách, cùng chất liệu và cùng hướng gió hướng nắng thì kén chọn làm quái gì, đâu chẳng như đâu. Cái lợi thứ hai là cư dân của nó được dịp hiểu biết nhau một cách tường tận, nhà ai hôm qua có khách, khách là người như thế nào... Dường như cách bài trí tối ưu chỉ có một và ai cũng tìm được đến với nó. Cạnh cửa sổ là cái bàn trà, cạnh cái bàn trà là cái tủ, phía trong cái tủ là cái giường đôi...
Lúc đầu tôi rất xét nét và ác cảm với sự giống nhau đó, có khi tôn lẩn thẩn như kẻ dở hơi đi ngó nghiêng từng nhà, tìm sự khác nhau, tìm sự xê dịch khập khiễng giữa chúng nhưng tôi đã thất vọng và cứ phát khùng lên vì không trả lời được những câu hỏi mà mình tự đặt ra cho mình: tại sao mọi thứ lại cứ cố để giống nhau?
Quỳnh Giao xin mẹ đi một tuần, tôi bảo con thấy cần thiết ở mấy ngày thì con ở. Nói thế là bởi vì tôi rất hiểu tính con bé. Từ hai ba năm nay, tôi có một thói quen ngọt ngào mà không giống ai là nhìn ngắm con gái tôi lớn lên. Ngắm nó cười, ngắm nó đi, ngắm nó hành xử với bạn bè, ngắm cái chất con gái trong nó ngày một óng mượt để đo xem nước mắt tôi được một phần bao nhiêu của đại dương. Mẹ tớ, nó giới thiệu tôi với bạn nó. Mẹ cậu trẻ và đẹp thế kia ư? Không, Quỳnh Giao còn đẹp hơn tôi nhiều, tôi mê nó, nó lung linh, kỳ ảo, nó nóng lạnh, ngang dọc đến tận cùng của nó, không chơi vơi và đạo đức giả như thế hệ tôi, hoặc như Nguyên, như mối tình của tôi và Nguyên, người đàn ông đã gây cho tôi những đau khổ như núi và cũng làm cho tôi yêu anh như núi.
Tôi ngồi vào bàn trang điểm, nhìn vào đôi mắt đen láy trong gương. Tôi mê hoặc đàn ông, biến họ thành con chó vẫy đuôi rối rít trước chủ và khinh bỉ bọn họ bằng đôi mắt. Đàn bà thường có đôi mắt đẹp, mắt tôi cũng như họ, đen láy và sang trọng. Nhưng tôi hơn họ, tôi rất hiểu mình, mắt tôi có tình hơn. Đó là ưu thế của tôi. Những người đàn bà khác, có lẽ cũng đẹp như thế, thậm chí đẹp hơn, nhưng ánh mắt của họ vô cảm, hoặc hời hợt, hoặc có màu sắc kinh doanh, có nhiều tham vọng về mọi thứ trên đời. Tôi chỉ thoa phớt một tý phấn lên má và một tý son lên môi, thế thôi, tôi vẫn là tôi nhưng đã đậm đà lên một cung bậc mới, đầy quyền uy, đầy ma lực. Thêm một tý mùi thơm của phấn, thêm một tý đung đưa biến ảo của giọng nói và bước chân, tự nhiên tôi sẽ là Nữ hoàng. Tôi thích làm Nữ hoàng nhưng lại cực ghét đám thần dân bợ đỡ và quỵ lụy mà chính họ lại coi là một phương thức tồn tại cao cả nhất, một biểu hiện về ý thức vươn tới, cầu tiến, ý thức người cập nhật nhất, hiệu quả nhất.
2
Giờ này là giờ tôi rất buồn, hay bị những nỗi nhớ hành hạ, hay bị tổn thương, hay tủi thân vì sự trống trải và cô đơn, là lúc thấy lòng mình hoang dại, thông thốc gió lạnh và khăn tang trắng. Tôi sợ nhất những giờ phút này, khoảng giữa chiều, hơi trượt sang phía hoàng hôn một tý. Tôi đi ra phố không có mục đích gì ngoài mục đích khoe mình đẹp. Tôi thích những cô gái đẹp, nhìn xem, có mê ly không, đôi má phớt hồng, miệng bao giờ cũng như bông hoa hàm tiếu, mái tóc óng ả, bước đi dù không muốn làm dáng cũng thướt tha. Thời đại không có mỹ nhân là thời đại dịch hạch, những con bệnh hấp hối đã chối bỏ cái đẹp. Còn tôi, tôi mê những cô gái đẹp, họ biết gìn giữ những cái quý giá mà trời cho họ, thậm chí đa số trong bọn họ còn tỏ ra nâng niu chăm chút cho cái sắc đẹp của mình quá. Mà cũng phải thôi, họ chỉ có sắc đẹp là tài sản quý giá nhất, bên cạnh một cái đầu rỗng không, thì thử hỏi làm sao họ không yêu chiều mình được? Tuy nhiên có những cô gái thông minh nhưng họ lại là kẻ bất hạnh nhất. Cái cần mù mờ thì những cô gái thông minh lại nhìn ra tách bạch nhất để nói trắng là gì, đen là gì, hữu là gì, vô là gì, cái người ta cần che giấu, đậy điệm thì các cô lại lôi tuột nó ra giữa thanh thiên bạch nhật, gọi toáng toàng toang cái tên cúng cơm của sự vật, điều đó làm cho không biết bao nhiêu bọn đạo đức giả mất mặt. Trong nửa nhân loại là các đức ông chồng thì không ông nào chấp nhận mình kém thông minh so với vợ mình, bất tài vô hạnh hơn vợ mình, thế là các cú đòn thù bắt đầu tung ra, kẻ có gan thì đấm, kẻ không có gan thì bỏ đi lang thang hoặc lao vào các quán rượu rẻ tiền để say và để nói cho vơi nỗi ấm ức tích tụ trong lòng.
- Chị uống gì?
Tiệm cà phê thật ấm, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ngoài kia là gió, là rét, vào đây thấy lòng lắng lại, giống như con thuyền đã tìm được chỗ ẩn nấp, sóng và gió đánh tơi tả cả bốn bên, người thuyền trưởng rách nát cả hy vọng đã trở thành quá khứ. Tôi chọn một chỗ ngồi cho thích hợp với thân phận nhỏ mọn của mình và tránh được sự quấy rầy của những cặp mắt phàm tục, đó là một góc về phía đường, gần lò sưởi, đối diện với cửa ra vào, lại có thể tha hồ nhìn ngắm cái thác nước nhân tạo. Đó là một mảng tường ghép đá ong xù xì, dưới chân là cái bể nước được tạo dáng như một con cá sấu trong đó có hòn giả sơn, cây cối được trồng trong chậu nhưng hết sức rậm rạp. Nước trong bể trong veo, được thoát ra một đường nước nào đó không nhìn thấy. Cái khác lạ của bể nước làm cho tôi thích thú là từ trên đỉnh cao của bờ tường đá ong có một dòng nước hình nan quạt đổ xuống bể, dòng nước không mạnh vì Hà Nội đang thiếu nước nhưng nó cũng đủ gây ra trong tôi cảm giác về một con suối. Tôi duyên nợ đa đoan với những con suối rừng như thế nào, sẽ nói sau. Bây giờ tôi đang muốn nhấm nháp cảm giác bằng lòng với mình và vị đắng cà phê một cách dịu dàng.
- Cho tôi một cốc đen nóng.
Tôi bảo với cô gái mặc váy ngắn cũn và đôi môi tô hơi đậm. Tôi như cô gái thì tôi không bao giờ dám mặc một cái váy ngắn như vậy vì cặp đùi của cô ấy không những không thẳng mà còn nần nẫn, chỉ được cái gợi nhục cảm, bọn đàn ông nhìn vào đều không kìm nổi cái liếm mép.
Có lẽ tôi là người khách đặc biệt ở cái quán cà phê này. Và cũng có lẽ tôi dị biệt quá, khác thường quá, ê, mọi con mắt đều dồn vào tôi. Mấy cặp trai gái, độ hai mươi tuổi, ăn mặc bất cần đời. Một đôi nữa, chàng độ năm mươi, nàng ba mươi, phấn son lòe loẹt, không phải là vợ chồng, là tình nhân. Vợ chồng giờ này không ai đưa nhau ra quán cà phê ngồi làm gì. Mươi thằng Tây con đầm ngồi rải rác các bàn, từng đôi hoặc ba bốn đứa một, đó là bọn Tây ba lô đi du lịch ở khách sạn hạng bét, ăn thịt chó và uống bia hơi vỉa hè. Dù sao tôi vẫn thích bọn nó hơn loại mũ cao áo dài người sặc mùi nước hoa nhưng lương tâm đen thui.
Có lẽ đúng là tôi rất đặc biệt. Trong cái đám giả vờ trầm tư hay đúng ra là trốn cái thóc mách của người đời, chỉ có tôi là một mình một thiếu phụ xinh đẹp, một mình với tách cà phê. Chúng nó đang nghĩ mình là gì kia chứ? Đang buồn, đang cô đơn, đang muốn tìm bạn? Cũng có thể chúng nó nghĩ mình tồi tệ hơn... Tôi ngắm thác nước và rải một cái nhìn bâng quơ trên đầu đám tạp nham ấy. Thôi kệ, tôi đang rất thích một buổi chiều đầu đông như thế, hơi rét một chút nhưng nắng thì rất vàng, nghĩa là rất Hà Nội. Tôi không muốn làm hỏng nó, những cái nhìn của thiên hạ có đáng gì. Lâu rồi, tôi mới tìm được cho mình một lối ứng xử với thiên hạ mà tôi nghĩ là mình đã phát hiện ra nó, đó là mặc thiên hạ nghĩ về tôi như thế nào mặc lòng, tôi quyết không quan tâm đến điều đó, tôi làm những gì mà tôi cho là đúng. Và buổi chiều thần tiên này cũng vậy, mùi thơm cà phê đang sấy khô cảm xúc của tôi mà nó vốn quá ướt, sắp thiu chảy vì sự nhàm chán vô vị nhạt thếch của những tài năng và sự công bằng xã hội.
3
Có một quán cà phê tôi quen mà tôi vừa phải từ giã nó, bởi những trò điên rồ của bọn đàn ông. Thường những buổi chiều thứ năm, thứ bảy, chủ nhật, một trong ba buổi chiều ấy tôi thường đến cái quán ấy, ngồi vào một chỗ nhất định mà chủ quán dành cho tôi. Chỗ ấy ở cạnh cây trúc Nhật nhìn qua cửa sổ nhà bên cạnh thấy một mảnh vườn, chỗ ấy không kê gì cả, mà chỉ khi tôi đến, chủ quán mới kê bàn và ghế cho tôi.
Tôi được lặng lẽ yên ả ngồi một mình mà không sợ bị ai ngó nghiêng, không phải tôi cao đạo gì mà thực sự chỉ muốn yên thân. Lúc này là giờ của tôi, ngày của tôi, nỗi lo toan về con cái, về cuộc mưu sinh tạm lắng hoặc đã gạt bỏ ra ngoài. Biết tính tôi chủ quán chỉ nói bâng quơ:
- Báo mới có một truyện ngắn đọc được lắm.
Văn chương đã lâu rồi, tôi không còn tin vào nó nữa, nó phụ lòng tin của tôi, nó cùn mằn, ngô nghê, dối trá, lèm nhèm, dễ dãi, ê a và ở tầm rất thấp về văn hóa, nó thiểu năng và trì độn.
- Anh mà khen tức là đọc được, không đến nỗi mất thì giờ.
- Rất tiếc là tôi cũng chưa kịp đọc. Nhà phê bình Vũ Phong nói với tôi như thế nhưng lúc ấy tôi đang quan tâm đến tin đảo Hoàng Sa bị mất làm cho dân Hà Nội nháo nhác.
Những hiểu biết của các ông chủ quán cà phê thường là như vậy, cái gì cũng biết từ trên trời cho đến dưới đáy đại dương thăm thẳm, từ tính khí Maradona đến đời tư Củng Lợi, thao thao bất tuyệt thiên kinh vạn quyển nhưng nó chỉ là cái váng mỏng thế thôi, bên dưới là trong vắt. Không phải ác ý nhận xét về anh như vậy mà chính anh nói ra điều đó, cũng như thiên hạ cả thôi chị ạ, chị tưởng các ông quan, các ngài giáo sư tiến sĩ khác tôi sao. Tôi học ở họ đấy. Đấy là câu nói chân tình và tôi đâm ra quý anh là vì thế. Anh rất ưu ái với tôi dành cho tôi một chỗ ngồi mà người khác bất khả xâm phạm, vả lại, sự có mặt của tôi làm cho quán của anh thêm một tý hài hước và mỗi lần như vậy chúng tôi nhìn nhau mà cười ra nước mắt.
Cái quán này ở trong hẻm, rất ít khách vãng lai mà khách quen của nó là dạng như tôi cả, nghĩa là không già, không trẻ, không chức tước nên không phải suốt ngày giữ rịt lấy cái ghế, không giàu sang nên không phải lăn lộn với thương trường, tóm lại, đều là loại có học nhưng không ra ông, không ra thằng, quần áo bò, giày Adidas, ngôn ngữ rất tân cổ giao duyên rặt những đồ mặt này mặt nọ trộn lẫn với vô ngôn, tri túc, tâm thế, tâm linh, Tolstoi, Balzac, Freud, hiện sinh, lập thể, Ponpot, Staline, Verlaine... Đối với bọn chíp hôi mười bảy mười tám họ là ngáo ộp, đối với nhau, họ vừa là Jesu vừa là Giuda, chỉ có điều họ không hề biết chính họ là những anh hề. Thực ra, mỗi người đều có một ít hề trong người nhưng ở họ lại đậm đặc nhất.
Có thể không có tôi họ hiền lành hơn, có thể không có tôi họ thánh thiện hơn, mỗi anh một nhúm tâm tư, một nhúm tâm trạng, không anh nào tâm trạng hơn anh nào, đang nhăn nhó vì thèm rượu mà chưa có anh nào dại mồm dại miệng mời cho, vừa làm xong bài thơ con cóc thi hứng đang tràn đầy mà chưa có cử tọa để đọc, vừa lướt qua mấy trang Thiền luận đang định ngộ mà sợ không ai biết, bị vợ đuổi mà chưa có rượu để xả nỗi ấm ức. Thì lúc ấy chợt có một thiếu phụ là tôi, lặng lẽ đến ngồi vào chỗ khiêm tốn nhất, nhấp từng ngụm cà phê cũng lặng lẽ không kém, mặc dù đôi mắt vô cảm với cả bọn họ nhưng đôi tai thì nhất định đang hau háu để nghe những lời lẽ cao siêu mà nhất là lại không có bạn trai đi kèm, càng không có cái vẻ chờ đợi một người nào đó để đối ẩm. Vậy thì chỉ mỗi thính giả cô đơn này cũng đủ nặng đồng cân, đồng lạng bằng cả một lô một lốc những thính giả hờ hững, những cao đàm khoát luận của họ quá cỡ đối với khuôn khổ thính giác của món thính giả ấy. Quan trọng không phải ở chỗ số nhiều mà là ở chỗ biết nghe. Người biết nghe làm bùng nổ cảm hứng người nói. Không biết họ đọc bao nhiêu thơ và uống bao nhiêu rượu, nhưng tất cả đều ngất ngưởng. Nhà lý luận, tác giả của rất nhiều bài báo có tính chiến đấu nảy lửa về văn học, õng ẹo đến trước tôi.
- Xin lỗi chị, để tỏ lòng ngưỡng mộ cái đẹp tôi xin được hôn chân chị.
- Cảm ơn anh, nhưng chân tôi lại không muốn.
Nhà lý luận nói không sao, liền ngồi thụp xuống hôn lên mũi giày của tôi. Anh ta được cảm tạ bằng cái xoa đầu mà tôi dành cho anh ta, đám bạn hữu vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Tôi cũng không khinh anh ta vì anh ta làm được cái việc mà anh ta thích, không cần biết đến đám bạn bè nghĩ gì. Và thiên hạ nghĩ gì.
4
Sự vắng mặt của Quỳnh Giao mới làm cho tôi thấy cần thiết có nó biết bao nhiêu, thí dụ như lúc này. Tờ giấy gửi cho tôi phần nội dung vẻn vẹn có mấy chữ "Mời chị ra làm việc" bên dưới có đầy đủ thủ tục như nơi gửi, ngày tháng, chữ ký... Đấy là một cái gì tôi thấy khó hiểu nhất trên bất kỳ thứ gì mà tôi đã gặp trên trần gian này. Có Quỳnh Giao tôi sẽ đọc cho nó nghe, và tôi sẽ rất lấy làm thú vị được nghe nó bình luận, nó đã từng bình luận nhiều thứ ngộ không chịu được, hai mẹ con sẽ được một trận cười.
Tôi có chuyện gì chăng hay Quỳnh Giao có chuyện gì chăng? Nếu có điều đó cũng rất dễ hiểu. Đi đứng, ăn mặc, nói năng, công việc cơ quan, một cử chỉ hay một ý kiến gì đó vô tình làm mếch lòng bạn bè, không vừa ý đồng nghiệp. Chu cha, vô thiên lủng. Hằng hà sa số những khiếm khuyết, những bất cẩn trước cuộc đời mà tôi để lại như những dấu chân trên mặt đất mà mình đi qua. Tôi làm việc ở cơ quan, có gì thì đã có thủ trưởng của tôi, cấp trên của tôi và cấp trên của cấp trên nữa. Theo ngành chứ sao lại theo lãnh thổ, theo địa bàn, tại sao tôi lại phải làm việc với Hưng nào đó?
Tôi sẽ đi ra nhưng lúc này đang mưa, một cơn mưa đỏng đảnh, vô lối mà cũng rất đáng yêu, đáng được ngâm ngợi và cảm phục. Có lẽ là cơn mưa cuối cùng của mùa thu. Ào ào rồi tạnh, lại ào ào. Trời đất trắng xóa những nước, cây cối dường như được trang điểm lại, mọi chiếc lá cứ như đang nhấp nháy tinh nghịch và hồn nhiên đến phát thèm. Vần vũ một giải mây đen rồi chợt tan, hàng cây sau sau lá như vàng thẫm hơn.
Một buổi chiều trong đời đáng để nhớ, tôi mong ngóng trời mưa thật to, mong có bao nhiêu nước cứ đổ xuống thật hào phóng. Những hạt mưa cứ to lên nữa đi, to bằng cái chén nữa đi và đừng bao giờ dừng lại.
Rồi tôi, như một kẻ dở hơi, lại mong ngóng và nguyện cầu trận mưa thôi, đừng đổ xuống nữa, hãy tạnh đi, tạnh đi. Những đám mây nào còn đang lang thang hãy vì tôi mà tan thật nhanh. Bầu trời hãy thôi sập sùi, gương mặt ỉu xìu và u ám kia phải biết tươi tỉnh lên và nên nở một nụ cười duyên. Chao ôi, mong ước để làm gì? Chỉ để được một chút an ủi, một chút sống với tâm linh, một chút thực sự là mình. Tôi thích thế, như món nợ tuổi mười ba chưa trả.
Ào ào tiếng nước từ ống máng dội xuống đất như tiếng thác. Đã một lần tôi khóc, ngày ấy mẹ con tôi mới dọn về đây, mưa đâu như lúc nửa đêm, tôi cứ ngỡ là tiếng suối. Chị tôi bảo suối Năm cô rồi tức tưởi khóc rất lâu, ai khuyên giải cũng không được. Nước mắt chị Tâm tôi thấm cả vào tuổi thơ tôi. Không biết sau này ai đã hữu tình hóa mà gọi nó là suối Năm cô. Trớ trêu làm sao, hai cô gái của hai mươi năm trước đã là đàn bà, còn ba cô gái mãi mãi vẫn là con gái và con suối mãi mãi vẫn là suối Năm cô.
5
Có một buổi chiều như thế này, không phận sự và trận mưa đã xóa sạch những lo toan, không bận tâm đến cơm áo, quên đi những quan hệ giằng xé và không cần biết ngày mai cái gì sẽ đến. Giá như được thế, để ngày mai có thể tôi có một chút ngỡ ngàng, một chút ngạc nhiên và tôi được cười hoặc được khóc. Nhưng ở đây cứ tích tắc, tích tắc và ngày sau, tháng sau, năm sau vẫn lại tích tắc tích tắc, ông Tuấn vẫn bộ quần áo màu cháo lòng ngồi đọc báo trước cửa, bà Liên đi rửa rau qua vẫn câu thường lệ: "Có tin gì lạ không ông?", giáo Thứ mắt như mắt thằng kẻ cắp rình sau đám giẻ lau nhà. Tất cả cứ trôi một cách lạnh lùng, đều đặn, y chang cứ như có một cỗ máy để sản xuất ra, như mọi thứ đã có trong chương trình, tháng sau "có tin gì lạ không ông" và năm sau con mắt của giáo Thứ vẫn gian như mắt cáo. Tôi sẽ có dịp dành hẳn một chương để nói về cái lão giáo Thứ này.
Có một buổi chiều như thế này, rũ sạch những lo toan. Đừng phải đọc những bản thảo dày cộp nửa văn nửa báo, nửa thế sự nửa tình dục của những tác giả mà lòng tự trọng hơi bị khiếm khuyết, thời gian ngồi quán bia nhiều hơn ngồi ở công sở, không trả tiền bia nhưng thấy ai đi trên đường cũng lôi vào, chèo kéo bằng được, rất thích phong cách "của người phúc ta" rồi hát ông ổng: "Chỉ có bia mới hiểu được, bụng mênh mông dường nào...". Khi người ta sống rất tự tin thì cái gì cũng thành hay cả, bọn họ thường là như vậy, rất tự tin và quá yêu đời. Dù sao thế vẫn hơn, còn tôi, tôi lại tự coi thường mình, là thứ nửa người nửa ngợm, tôi thủ dâm khát vọng và bao giờ cũng lo mất những cái không bao giờ có và vinh quang tự hào một cách rởm đời, vô lối những cái không bao giờ là của mình. Và nữa, rất nhiều khi tôi tỏ ra bao la ngôn từ, thích những từ choáng lộn như mạ vàng mạ bạc vậy nhưng thực ra tôi chẳng có gì hết, tôi rất xấu hổ và tự ngượng với mình, toàn là vay mượn cả một lượt, tư tưởng vay mượn, niềm kiêu hãnh vay mượn, đến niềm kính yêu cũng là một loại cầm cố sẽ có một lúc nào đó những thứ mà tôi có sẽ bị xiết nợ hoặc bị phát mại.
6
Có lẽ đã hơn ba giờ, trễ mất một giờ, người ta bảo tôi lên làm việc lúc hai giờ. Giấy mời có vẻ pháp lệnh như trát gọi, không lôi thôi, không nhiều lời, mệnh lệnh thì không bao giờ nhiều lời, càng ngắn càng đanh, như tiếng hô nghiêm trước đoàn quân, một từ giống như tiếng nổ, xóa bỏ những dùng giằng và suy nghĩ lang thang trước đó. Vâng, trát hay mời cũng như nhau, thế cả, tôi là cái quái gì, một thiếu phụ, một người đàn bà đã chán nản mọi thứ trên đời. Thú vị nhất là tôi được nằm một mình mà không bị ai quấy rầy, bên ngoài trời giông bão mưa gió ầm ầm, tôi sẽ được nằm trên giường một mình, đắp cái chăn len mỏng, trên người chỉ mặc một cái quần lót phụ nữ mảnh bằng ba ngón tay, gió lạnh cứ thoa khắp cơ thể. Chao ôi, người ta có những niềm vui những khát vọng về quyền lực, về tiền bạc và địa vị, còn tôi chỉ một khát vọng mơ mộng. Mơ mộng không phải là của hiếm, ngược lại, nó còn rẻ như bèo, chẳng ai hạn chế ai mơ mộng. Thì đấy, xin mời, cứ mơ mộng đi. Một hai ba, bắt đầu, ngon lành quá nhưng than ôi, những kẻ mơ mộng đã mặt xanh nanh vàng ra cả rồi kia kìa. Chẳng còn ai là người mơ mộng chuyên nghiệp, mơ mộng đích thực, mơ mộng hết lòng mà chỉ có mơ mộng nghiệp dư, mơ mộng nửa vời, mơ mộng giả hiệu, mơ mộng a dua, thực chất những người ấy là đồ đệ sáng giá nhất của trường phái thực dụng, hiện sinh, duy vật thể.
Tôi đang nằm một mình với cảm giác được an ủi và thả hồn phiêu diêu. Khi được mơ mộng tôi tự cho mình là hoàng đế, có khi tôi nghĩ ra cho mình một quốc gia nữa. Một quốc gia mà lãnh địa của nó chỉ cần vài ngàn mét đất, nhưng không thể có đồi trọc mà chỉ toàn rừng xanh, nước suối trong veo không được ô nhiễm, thần dân toàn là những người nhân hậu, tử hình hết những kẻ tham nhũng, ăn cắp, dối trá, lọc lừa, ban hành đạo luật giáo dục bắt buộc không học phí đối với người vị thành niên. Tôi còn để ra bao nhiêu thì giờ để tự đắn đo và tranh luận với chính mình về chính thể của quốc gia ấy. Không biết Nhà nước của tôi nên là Nhà nước pháp quyền hay quân chủ. Quân chủ thì xa quá, cũ quá. Rồi tôi phải chọn quan tứ trụ và quan thượng thư trong loại người nào đây? Ai sẽ được cân nhắc, người tài năng hay người trung thành? Người tài năng hay kẻ cơ hội? Giữa sự tiến bộ của quốc gia và ngai vàng của mình, tôi có can đảm chọn sự tiến bộ cho quốc gia không?
Cái quốc gia xinh đẹp và rất nữ tính ấy chỉ tồn tại trong chăn và tan dần vào những giấc mơ khác của tôi. Giá như trời cứ mưa mãi và tôi được lười biếng mà cứ ườn mình trong chăn, có khi tôi còn nghĩ là mình được bay lên sao Hỏa.
Mưa đã ngớt, lạy Chúa, không những ngớt mà tạnh hẳn, trời quang quẻ và thanh tao như chốn thần tiên. Gió cũng lặng ngắt. Khuôn mặt cây tươi rói, dường như cây cũng có sắc diện như con người. Tôi mở cửa sổ cho thoáng, lúc này tôi nhìn bầu trời cao xanh như niềm mơ ước không phải qua một lần kính. Như không phải là gió và mây nữa mà là hồn người đang bay, đang phiêu lãng. Lúc này tôi thật sự muốn đi ra khỏi nhà, không khí sau cơn mưa ngọt như sữa. Chỉ có mặt đường hơi ngán, lõng bõng nước và lá. Máng nước trên sân thượng vẫn tiếp tục đổ xuống như suối, phải đến ba mươi phút sau khi mưa tạnh mới có thể hết. Những chỗ thoát cứ nhỏ lại dần, giống như đường phố Hà Nội mấy năm gần đây. Một trận mưa nhỏ cũng đủ làm cho các phố ngập nước, một màu nước đen sì lều bều đủ thứ, không ai cả gan lội qua cái thứ nước đặc biệt ấy.
Đã đến lúc tôi phải đi, cái giấy mời đang nằm kia, sự hiện diện của mệnh lệnh và cũng là sự hiện diện của trách nhiệm công dân, của những gì không nói ra lời kèm theo. Là một vinh dự chứ không phải là chuyện tầm phào, mấy khi được nhà chức trách sờ đến một công dân hư ảo như mình, sự có mặt bấp bênh nhất trên trần đời, vừa là có vừa là không, nửa hư nửa thật, một nửa đang trên trần gian một nửa đã ở Thiên đàng. Tôi mặc cái áo mưa mà thường ngày không mấy khi dùng đến, trừ khi trời mưa thật to, trừ khi tôi muốn làm duyên làm dáng mình là cái gì hết sức bí ẩn, kẻ yếu bóng vía không biết tôi là đàn ông hay đàn bà, yếu hay mạnh, là con thỏ hay con hổ. Nhiều khi tôi đã chơi trò bí ẩn ấy và không thiếu gì cái để cười, lúc ấy những kẻ mũ cao áo dài hay tên tuổi có lừng lững đi nữa cũng không khác thằng hề là mấy, những cú lật tẩy nhanh chóng biến chúng thành những đứa vô cùng thảm hại.
Lúc này, trước mặt tôi, thế giới hình như vón lại thành hai đám đông. Phòng ngoài hai dãy bàn, đám đàn bà tụm lại một phía ăn hạt bí, những cái miệng xinh xẻo, bôi son màu cánh sen có tác dụng đưa họ rời chốn thương trường vất vả vào chốn công đường này, đang phát huy hết công suất vốn có, nhằn hạt bí một cách điệu nghệ và thóc mách đủ chuyện phòng the của thiên hạ. Những gương mặt dù mới nhướng lên nhưng đã thấy tính toàn diện, toàn cục, toàn bích sự đanh đá. Dĩ nhiên đã vào được chốn này là phải trầy vi tróc vảy qua năm bảy vòng đấu loại, sự dịu dàng đã bị loại ngay từ vòng đầu, còn đâu. Có lẽ đây là ủy viên của các đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn của các ngành như Xây dựng, Thanh tra, Trật tự, An toàn, Thuế vụ, Tuần tra, Quản lý chợ, Quản lý vỉa hè, vân vân...
Đám khác phía trong, nhóm đàn ông, nét mặt nào cũng có tướng, có thần, đầy vẻ tự đắc, tự hào, tự mãn, rất có ý thức về quyền uy của mình. Chưa đủ, vẻ uy nghiêm còn được tô điểm thêm bằng mô bai phôn cầm tay đời mới, bằng những chiếc đồng hồ đeo tay vàng chóe. Đám này cũng đang tán to tán nhỏ, thầm thì, mắt trợn trạo, có lẽ chuyện giữa bọn họ cũng không ngoài kỳ tới ông nào ở lại, ông nào đưa lên và ông nào bị loại để chuẩn bị cho ông ta một chỗ trông xe máy. Nhìn qua tôi cũng đã biết những ông này, bà này là những người có quyền lực to nhất trên địa bàn, họ quan tâm cái gì, nói chuyện về cái gì, thực ra cũng đừng đòi hỏi những gì cao siêu ở họ, phẩm cách hoặc tiết tháo gì quá lớn ở họ, bởi vì mới hôm kia tôi có biết về họ, ông đen đen có điện thoại di động là nhân viên hợp đồng làm trật tự vỉa hè, ông trăng trắng ít cơ bắp hơn vốn là giáo viên tiểu học về một cục, còn hai ông nữa già tuổi hơn, một vị là công nhân nguội bậc bốn về hưu, một ông là nhân viên bảo vệ cùng ở một nhà máy X về hưu, nói tóm lại, các ông đang nắm quyền uy này đều ăn về hậu vận, đại hạn năm mươi sáu mươi có khoa quyền lộc chiếu, nên về hưu rồi lại quyền lộc rạng rỡ.
Tôi đi vào, sẵn sàng chìa nụ cười cầu thân ra phía các mỹ nhân đang nhằn hạt bí nhưng tôi giống như người tàng hình, tôi không buộc được họ phải chú ý. Nhưng đám đàn ông hoàn toàn khác, xử sự hết sức nam nhi: ông đen đen vừa nhìn thấy tôi vội thúc cùi tay vào ông trăng trắng. Ông cựu nhân viên bảo vệ nhà máy tắt ngay nụ cười, ông cựu thợ nguội bỏ chân trên ghế xuống và sửa lại kính nắn lại cà vạt. Tất cả bốn năm vị bỗng nhiên nghiêm chỉnh hẳn lên như học sinh lớp một khi cô giáo vào lớp. Tôi không phải là mụ đàn bà lắm điều và ngoa ngoắt, nhưng sự thể có như thế thật, hiển nhiên như là các ông ấy nghĩ tôi là mụ dì ghẻ vậy.
Có gì nghiêm trọng đây - tôi đưa mắt ướm một lượt và tự hỏi.
- Tôi được mời lên đây làm việc...
Tôi không thích cách làm việc kiểu này và cũng không thích mình phải rời chỗ nằm ấm áp vào giờ mà tôi rất thích nằm để mơ mộng nhưng tôi đành phải nói theo ngôn ngữ pháp luật của các nhà hành pháp mẫn cán đang chờ đợi tôi.
Đám người chầu rìa xung quanh nhân vật quan trọng nhanh chóng tản đi chỗ khác giống như những người lính sau tiếng còi hiệu lệnh vậy, còn lại trước mặt tôi là người đàn ông trạc năm mươi tuổi, hoặc hơn năm mươi tuổi, cũng có thể đã là sáu mươi, những người này thực ra rất khó đoán tuổi, họ năm mươi hay sáu mươi tôi thấy cũng thế, không thể phân biệt được, cũng sự nhàu nát ấy, cũng mưu toan ấy và cũng vẻ hơn hớn ấy, chẳng ông nào thua kém ông nào một ly một tấc. Tất nhiên, tôi không bao giờ cho phép mình thiên vị về mặt xã hội, nhất là trong quan hệ giữa người và người, bao giờ cũng đặt chữ Lễ lên trên hết, tôi không ý thức được, may ra còn được điều đó có lẽ là do nó ẩn sâu trong tâm linh mà thôi. Lại nữa, tôi không muốn mình là mụ đàn bà lắm lời, chanh chua, điêu trác, tôi có tôn giáo riêng của mình về vấn đề này, với một giáo lý khá nghiệt ngã. Người ta có thể chê tôi là lẳng lơ, chê tôi bất cần, chê tôi dám cả gan đưa cả thiên hạ ra làm trò cười nhưng người ta chưa hề phàn nàn một lời nào về tín ngưỡng của tôi. Vâng, ánh mắt của người đàn ông trước mặt tôi lúc này là minh chứng cho ý nghĩ rất đúng đắn của tôi.
Sau cặp kính viễn là hai tròng mắt màu nâu - đặc trưng của màu mắt dân Việt - trong đó hàm chứa một dung lượng khát vọng được nén chặt đến nỗi nó có thể nổ tung con ngươi lúc nào không biết. Trong ấy mọi vật từ núi non sông nước, người già người trẻ sang hèn cho đến duy vật duy tâm, Phật giáo hay Kitô giáo đều phân ly ra hai cực của một đơn vị câu nghi vấn phủ định: nó không chống lại ta chứ?
Tôi nhìn tận vào đôi mắt người đối diện. Từ lâu, để tồn tại, tôi đã luyện cho mình chiến thắng tính e lệ dịu dàng của phụ nữ bằng cách nhìn thẳng vào đối phương, điều đó dễ dàng bộc lộ mình nhưng đồng thời những kẻ manh tâm, khuất tất, mờ ám, lươn lẹo, dối trá, ba que, nham hiểm, mưu mô... sẽ không chịu được cái nhìn trung thực, thẳng thắn của tôi. Có nhiều lúc, dù là một phụ nữ rất được nhiều đàn ông khen đẹp, tôi vẫn là người thiếu tự tin, có phần nào giống anh AQ bên Tàu, cái phép AQ ấy thực tình rất cần cho những người thiếu tự tin như tôi, nó như một vị thuốc an thần, xoa dịu và an ủi những tâm hồn dễ bị tổn thương như chúng tôi, vì quá yếu ớt và quá nhạy cảm.
Người đàn ông bệ vệ, hai tay để trên bàn chặn trên cuốn sổ để mở, trông vững chắc như hòn đá, có lẽ là người gọi tên tôi. Ông ta trông không đến nỗi nào, trán hơi thấp, lưỡng quyền cao, mũi diều hâu, mồm cá... là người của mưu toan, khôn khéo, bao giờ cũng đứng trên đầu thiên hạ. Tôi thấy mình không có lý do gì phải hạ mình hoặc nhún nhường cả, vì tôi không cầu xin điều gì ở họ, vả lại chân dung tôi rất chi xa lạ với sự khúm núm, thậm chí rất dị ứng với những gì đồng nghĩa với sự hạ mình.
Sau một khoảng thời gian đủ để gây ra hoang mang cho đối tượng, người đàn ông nói:
- Chị có biết chính quyền chúng tôi mời chị lên đây có việc gì không?
Câu mở đầu là một câu nghi vấn mà câu nghi vấn trong tâm lý học cho biết nó được dùng để gây hoang mang tâm lý cho người khác.
- Tôi không biết.
Tôi trả lời một cách không hoang mang gì hết. Người đàn ông ngạc nhiên:
- Chị không biết thật sao?
- Vâng, quả có thế.
- Chị hình như ít quan tâm đến xã hội, đến thời sự. Chị hình như hờ hững, lơ đãng với đời. Chị có biết ông chủ tịch thành phố là ai không?
- Quả thật, điều này tôi hơi sơ suất là không kịp hỏi.
- Còn ông quận, ông phường?
- Tôi nghĩ mình không có nhiệm vụ phải biết.
- Chị cũng không biết tình hình thế giới hiện nay?
Tôi thấy ngưa ngứa ở cổ rất muốn ho một tiếng nhưng tôi sợ người ta bắt lỗi tôi. Tôi muốn bật cười nhưng cũng không thể cười. Đến lúc này tôi chợt thấy lo lo, có ai đó đã nói đùa là đáng sợ nhất là những câu hỏi vu vơ, hóa ra, câu nói đó không phải đùa. Sự hoang mang đã chạy từ dưới chân tôi đã lên đến bụng, tại sao lại có những câu hỏi vu vơ thế này nhỉ? Là cái gì đây? Tôi dọn giọng trả lời rất nhũn nhặn:
- Điều này tôi có sự lơ là chưa kịp hỏi đồng nghiệp, hạn hán ở Úc châu, dịch ruồi vàng ở Xomaly, nạn cá voi lao lên bờ chết ở bờ biển Shobrighte Town... và nhiều vấn đề nữa tôi chưa tìm hiểu. Các anh tha lỗi cho. Các anh cũng biết đấy, đời sống gia đình, những khó khăn về vật chất, thiếu thốn những phương tiện làm việc đều đổ lên đầu người phụ nữ. Tất cả tinh lực trí tuệ... đều dồn vào việc làm sao đủ chi tiêu trong gia đình để con cái khỏi đói, khi có sự cố khỏi phải vay mượn người khác.
- Chà chà... chết thật... - Giọng người đàn ông có vẻ tiếc rẻ. - Chị cứ như người trên trời rơi xuống, chẳng biết một tý gì ngoài cái nồi cơm của mình thì lạ quá. Tại sao chúng ta lại có một cán bộ u u mê mê như thế này? Thế chị làm công tác gì?
- Tôi biên tập sách ở một nhà xuất bản.
- Chị thấy công việc của chị có quan trọng không?
Những câu hỏi làm tôi muốn phát điên. Song tôi vẫn nhẹ nhàng để xem anh chàng này còn vờn như thế nào.
- Không quan trọng mà cũng rất quan trọng.
- Thế chị làm việc ra sao?
Điều này thì tôi nói thẳng:
- Thú thực tôi được cơ quan đánh giá nghiệp vụ vững vàng.
- Cứ cho là như thế. Chị có được học hành gì không?
Tôi đã nhìn vào con sư tử chặn giấy trên bàn, nhưng thôi.
- Có.
- Lớp mấy?
- Tôi cũng có học qua đại học Tổng hợp, khoa Văn.
- Chà đáng tiếc.
- Sao thế ạ?
- Chị mơ màng quá. Chị thích uống cà phê lắm phải không?
- Tôi nghĩ uống cà phê không có gì sai cả.
- Chị thích gì nữa?
- Tiền.
- Tiền thì ai chẳng thích. Bạn của chị ở tầng lớp nào?
- Phải là những người tử tế, không kể là tầng lớp nào.
- Chị có người thân trên Nhổn à?
Tôi lại muốn cầm lấy con sư tử... Sao giọng lưỡi của họ giống giọng lưỡi những mụ đàn bà ngồi lê đôi mách thế?
- Toa lét của các vị ở đâu? - Tôi nói.
Người đàn ông sa sầm mặt lại, nói gì đó với ông bên cạnh và rồi gấp mạnh cuốn sổ tay lại nói với tôi:
- Thôi được chúng tôi đã làm việc xong với chị, chị có thể về được.
Tôi chờ đợi một câu gì thêm nữa nhưng không ai nói gì thêm cho tôi hiểu. Chỉ có thế, tôi ngơ ngác không hiểu gì cả, hết sức ngạc nhiên và hoang mang. Nhìn vào mặt các vị ngồi đó hòng tìm kiếm một lời giải đáp nhưng quả thật không hề có gì để tôi hiểu. Những nét mặt và những ánh mắt vừa như mắt mèo vờn chuột đó, hoặc là đang cố trơ ra hoặc là bí hiểm, đều như được khoác lên một cái mặt nạ kỳ diệu.
Tôi đứng lên và hỏi:
- Tại sao lại có cuộc làm việc vô lối như thế này?
Nỗi hoang mang lúc nãy người ta gieo vào tôi vừa rồi mới chỉ một thoáng nay nó đã loang ra gây nhiễm làm cho ý chí của tôi rữa ra. Câu hỏi của tôi đầy vẻ thách thức nhưng cũng chỉ như giơ tay đấm vào không khí. Nét mặt người đàn ông vừa nói chuyện với tôi chợt doãng ra và tiếng khấc khấc như bục ra từ cổ họng. Ông ta lắc đầu:
- Tôi cũng lấy làm lạ là chị chẳng hiểu ra được điều gì cả và cũng chẳng khôn hơn tí nào cả.
Ông ta nói kèm theo cái nhếch mép của anh hàng thịt khi bị ế hàng. Giống như bị một cơn bụi thốc vào mặt, tôi biết mình nên tìm chỗ tránh thì hơn, nếu không muốn mình bị mù mắt. Ngày bé tôi cũng đã tò mò đọc trong đống sách của bố tôi một câu mà tôi còn nhớ là đừng nên tức giận vì những điều vụn vặt. Tôi đi ra cửa và trời đã lại mưa to. Mưa thì mưa, tôi vẫn đội áo đi ra phố. Trên đường chỉ có vài chiếc ôtô loại sang hoặc taxi phóng vội vã đi đón khách, còn xe máy xe đạp, người đi bộ đều tạt vào một vòm cổng hay mái hiên nào đó tránh cơn mưa dữ dội.
Có lẽ chỉ có tôi. Tôi muốn cơn mưa làm nguội những gì đang nóng bỏng trong đầu.
7
Người hàng xóm sang chơi. Tôi có những người hàng xóm rất tuyệt vời, ông nào bà nào cũng có thể nói hàng mấy ngày không hết chuyện về họ, thí dụ như giáo Thứ là một, thí dụ như ông lão thành cách mạng, coi đấu tranh là lẽ sống, ba trăm sáu mươi ngày trên ba trăm sáu mươi lăm ngày trong một năm mang đơn đi kiện, trong vòng mười năm đã kiện được mười một trên tổng số mười bốn gia đình hàng xóm láng giềng. Là hai, vân vân... Tôi ước gì được nói về họ, được viết về họ một cách sung sướng nhất trần đời bằng một giọng văn hào sảng, bằng một âm hưởng tráng ca lẫm liệt đến vô cùng tận. Người hàng xóm sang tôi chơi, ông này thuộc dạng đặc biệt ở sát vách nhà tôi, ông sang nhà không bao giờ được coi là một sự kiện, bởi vì ông khá tự nhiên.
Tự nhiên ở cách ăn mặc. Ông cởi trần mà người lại hom hem, bày đủ ba mươi sáu cái xương sườn, trên người chỉ ngoắc cái quần đùi, khi thì quá bẩn, khi thì quá chật đến nỗi tôi tưởng ông giấu lon bia trước háng, miệng vừa cắn miếng dưa lê vừa hỏi "Cô đã ăn uống gì chưa?". Cũng có khi ông mặc cái quần ngủ quăn đến đầu gối, vai khoác áo Blouson mua từ thời loại áo này còn là mốt đến nay chưa hề thấy đem ra giặt, xỉa răng tanh tách và hỏi "Cô đã ăn uống gì chưa?"
Tự nhiên trong việc làm khách. Không phải mời ông ngồi bởi vì ông bê bát cơm đang ăn đi sang hỏi "Bên cô có thức gì mằn mặn không?" và ngồi ngay vào mâm với sự đón tiếp nồng hậu của mẹ con tôi. Không cần phải mời ông uống nước bởi vì nếu ông khát thì ông đã tu hẳn một cốc rồi.
Nói chung, ông là người thành phố của những năm bảy mươi khi đô thị hóa đã đi vài bước đầu tiên, đó là chặng hòa bình sau chống Pháp thắng lợi, rồi tiếp đến chặng những năm đầu sáu mươi khi các nhà máy và các Bộ được thành lập, ông đưa luôn cả tính hồn nhiên chất phác rất đáng yêu đáng trân trọng của đồng quê đến với đô thị. Ông vốn là lính mang lon trung tá hay thiếu tá gì đó, chuyển ngành về làm chánh văn phòng Ủy ban quận. Vợ ông cùng cơ quan tôi, trông coi thư viện, lại là người đàn bà rất đàn bà, có duyên, mũm mĩm, trắng trẻo, đôi mắt luôn luôn ướt, luôn luôn gợi, đàn ông nhìn thấy chị mặt chợt dại đi như người bị trúng gió.
Ông cựu trung tá chánh văn phòng Ủy ban nhân dân quận, người hàng xóm hồn nhiên vĩ đại như cây cỏ của tôi, lạ kỳ lại là người mà ai ai cũng cho là dễ thương nhất. Ai trọng ông hay dè bỉu ông, dường như là không hề khác nhau trong con mắt ông. Còn nhà ông Nhung, người mà luôn luôn tự xưng là lão thành cách mạng và gia đình thượng lưu trí thức vì khi chúng tôi mới cán sự ba, bốn thì lão đã chuyên viên hai, vợ vênh váo đi mua thực phẩm ở cửa hàng phố Nhà Thờ, con riêng vợ lão và con rể không phải đi đánh giặc mà đi Tây, bao giờ cũng nhìn ông Văn bằng nửa con mắt, đồ nhà quê, đồ thô kệch ăn thì nhồm nhoàm, tóp tép, đến nhà không gõ cửa, cởi trần ra phố, thật là quê không chịu được. Hoặc ông Chu bà Khang và cả tôi nữa rất quý ông vì tính chất phác hồn nhiên của ông thì ông Văn vẫn bình thường thế thôi. Hình như ông hồn nhiên đến mức không nhận ra thái độ từng người đối với ông khác nhau hay sao, hay ông bất cần, ông không coi ai khinh ghét, ai thương mến ông là cái cóc khô gì cả. Ôi chao, nếu ông đạt đến phương thức ứng xử với đời như thế thì ông là Thánh, là bậc vĩ nhân chứ không còn là người thường nữa.
Nhưng có lẽ theo xét đoán của tôi thì ông Văn không phải là người ngộ được như vậy, cái sự coi người đời yêu mình hay ghét mình là chuyện vặt, không đáng để ý cũng là nét hồn nhiên, tự nhiên trong ông, trong bản chất người nông dân ở ông mà thôi. Từ ngày ông mới là hàng xóm láng giềng của tôi, ông vẫn cởi trần sang nhà, vẫn không đợi chủ nhà phải mời uống nước mới uống, mới bước vào cửa, từ ngày đó ông đã hỏi, cô cơm nước gì chưa, chục năm sau vẫn cô cơm nước gì chưa. Nhà ông Nhung có coi thường ông, nhưng không ghét ông, và mọi người trong khu tập thể không có ai ghét ông, thậm chí cũng không có ai căm thù ông như kiểu xúc đất đổ đi, không thèm nhìn mặt nhau. Song khổ nỗi cũng không ai quý mến ông, trọng vọng ông, nói chung ông là người mà thiên hạ không yêu và không ghét, có ông trong khu cũng thế mà vắng ông đến hàng năm cũng không cảm thấy thiếu vắng. Thường thế là những người xa cách với mọi người nhưng không phải, với ông Văn có thể nói là ông thân mật gần gũi với mọi nhà, thậm chí là xuề xòa dễ dãi, ông có chức tước đấy mà không quan cách, hơn mọi người mà không tỏ ra bề trên. Nói đúng ra ông rất tiêu biểu cho một loại cán bộ một thời, vừa hiện hữu vừa như không hề hiện hữu, không hại ai bao giờ mà cũng không có ích cho ai bao giờ.
- Cô đã cơm nước gì chưa?
Ông Văn hồn nhiên đến nỗi không cảm thấy sự nhàm chán trong câu hỏi công thức của ông. Hôm qua hôm kia đã vậy mà mười năm trước cũng vậy. Tội nghiệp mà cũng có thể là sung sướng thay cho những ai không ý thức được sự nhàm chán, nhạt nhẽo, vô vị ở ngay chính bản thân mình.
Đã lâu nghe câu hỏi ấy tôi không phải trả lời ông, vả lại, dường như ông cũng không cần tôi trả lời. Với ông đó chỉ như một ký hiệu báo với chủ nhà là ông đã tới, giống như tiếng chuông reo, tiếng kẹt cửa, chủ nhà biết là được, không cần vồn vã, không cần ngừng công việc để nói chuyện và cũng không cần phải pha chè rót nước mời. Không, mọi lễ nghi cho phép lược bớt cho đến tối thiểu hoặc như bỏ hết cũng chẳng sao. Ông Văn là người cao cả, dễ dãi như vậy, không biết hoặc không thèm chấp nhặt những tiểu tiết có thể có ai đó thiếu sót với ông.
- Từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, ngày nào ông Nhung cũng cầm đơn lên quận. Dạo này ông không ra phường nữa vì tôi biết các ông ở phường ngán lắm rồi, đã chuyển sự vụ lên cho quận, quận muốn giải quyết thế nào thì giải quyết.
Chuyện ông Văn nói là chuyện trong khu tập thể, năm nào ông Nhung cũng vác đơn đi. Tại sao lại thế nhỉ, không cấp nào giải quyết cho ông ta được sao? Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ông Nhung là lão thành cách mạng, là gia đình chính sách, tại sao lại phải đi lại nhiều thế, bác Văn?
- Trời đất, cứ như cô hỏi thì chết con người ta. Ông Nhung lão thì có nhưng thành và cách mạng thì không, lão thành cách mạng là do ông ta tự xưng, cũng như gia đình liệt sĩ ấy mà. Vợ ông Nhung có chồng trước là liệt sĩ chống Pháp hy sinh năm bốn tám, mãi đến hòa bình năm năm tư, bà ấy mới lấy ông Nhung. Còn cô Tuyết là con riêng của bà Nhung được đi học nước ngoài theo tiêu chuẩn con liệt sĩ thì lại sinh năm năm mốt.
- Thế bà ấy chửa cô con gái đến bốn năm mới đẻ.
- Tôi ngày ấy xem hồ sơ tôi cũng lấy làm lạ, nhưng lại thấy trong hồ sơ ghi rõ ràng tên mẹ, tên cha, hy sinh ngày tháng năm, mình đưa ra thắc mắc hóa ra lại bảo con người ta con hoang hay sao? Mà dạo đó đang chiến tranh ác liệt cần phải động viên toàn dân.
- Hoan hô... - tôi tỏ ra rất thích lòng độ lượng của ông hàng xóm.
Nhưng vẻ mặt ông Văn lại ỉu xìu:
- Nếu như ông Nhung bà Nhung là người biết điều thì đã đành nhưng thấy người ta không nói gì thì ngày càng tỏ ra quá quắt. Những năm trước cả Hà Nội thiếu nước, ông ấy cầm sổ gia đình liệt sĩ lên thành phố hạch, các đồng chí để cho gia đình lão thành cách mạng và gia đình chính sách thiếu nước như thế này à? Lại phải làm cho nhà ông một đường nước riêng. Cả phố bị cắt điện, ông ấy cầm sổ gia đình chính sách lên sở Điện lực hạch, các ông đối xử với gia đình chính sách như thế này à?
Chuyện bi đã thành chuyện hài, tôi hỏi:
- Bây giờ điện nước đầy đủ, nhà ông ấy cho thuê mặt tiền mỗi tháng năm triệu, ông ấy lại đi kiện ai nữa?
- Ông ấy đi suốt. Cô thì không bao giờ để ý đến ai. Nguyên do là hai ông bà đã về hưu, kinh tế thì rất đầy đủ, tiền hưu của hai ông bà, bổng lộc của con gái con rể cũng dư dật cho ăn tiêu cả nhà. Khổ thế, ngồi không thì buồn, ngồi không nó ngứa ngáy chân tay, lại sẵn bản tính kèn cựa, đấu đá. Đã kiện được một lần thắng rồi thì thừa thắng xốc tới. Đến nay, trong dãy nhà này mười hai hộ thì ông ấy đã kiện tới mười hộ, chỉ còn nhà tôi và nhà cô chưa bị ông ấy lôi ra chính quyền.
- Em bị rồi, ngày em xây cái bể chứa nước, ông ấy đâm đơn lên quận em phải chạy mất mấy trăm ngàn.
Ông Văn chợt thất vọng than thở:
- Hóa ra chỉ còn mỗi gia đình tôi là ông ấy tha.
- Chưa chắc đâu.
- Sao cô biết?
- Thì hãy đợi đấy.
Tôi đùa ông hàng xóm của tôi một tý thế thôi chứ tính tình dễ chịu như ông thì tôi cam đoan không ai muốn kiện cáo ông làm gì, kể cả ông Nhung, một chuyên gia đấu đá có hạng mà trong khu nhà tôi ở ai cũng phải chừa mặt ông ta, có người còn lạy trời lạy Phật để đừng bao giờ dính dáng đến ông. Tuy nhiên đối với ông Văn thì phải dọa như thế hoặc hơn nữa mới hy vọng có thể khuấy cái mặt nước ao bình lặng trong lòng ông.
Có những lúc như thế, tôi lao đao trong những cơn cuồng phong của các làn sóng tư tưởng, trong các cuộc chiến cơm áo và trong sự nghiêng qua nghiêng lại của nhiều bình diện con người muốn thể hiện mình mà tiêu chí là lòng tin và tính chiến đấu được xác định như một trong những đặc trưng cơ bản. Và tôi cảm thấy quý, và xúc động với những cuộc viếng thăm của ông hàng xóm. Lúc ấy tôi thấy ông bớt hẳn hoặc không thấy sự nhàm chán, tẻ nhạt vô vị nơi ông nữa. Điều đó thật cần thiết, ví như đang nóng thì người ta muốn có một gáo nước lạnh.
Lại nữa, ông Văn vốn thường khi không dám và không muốn động đến chuyện nhà người khác, kể cả việc hay việc tốt, huống chi hôm nay có thể nói ông đã vẽ được những nét cơ bản về chân dung ông Nhung mà cái chân dung ấy lại không đẹp đẽ gì. Đó cũng là một điều đột biến kỳ lạ trong tính cách ông Văn. Hèn chi trên thế giới thỉnh thoảng lại đưa một cái tin về thời tiết rất giật gân: ở đâu đó Xítnây hoặc Bôttơn có một con sóng thần hay một đợt nóng mà một trăm năm nay người ta mới gặp, vân vân... Thiên nhiên cũng thế huống gì con người bình thường như ông Văn.
Cảm ơn ông hàng xóm bình dị, cựu trung tá lục quân, không biết sống vô tình hay chính tấm lòng nhân hậu của ông đã giữ yên con thuyền đang chao đảo của tôi trong cơn bão tố lo âu. Tôi đã bớt sự nơm nớp đi rất nhiều khi có ông nhưng bây giờ thì tôi lại đang lo âu. Muốn hay không thì tôi cũng phải đặt câu hỏi: Tại sao có cuộc thẩm vấn như vậy nhỉ? Có chuyện gì đây, hay đã xảy ra chuyện gì đây? Và với mình hay với ai?
8
Những lúc như thế này tôi nhớ con gái tôi quá chừng. Tôi hối hận vì đã bảo nó con muốn về bao giờ thì về. Nó đã đi hơn một tuần, hơn một tuần trống trải, hơn một tuần không có tiếng cười, không có tiếng nói líu lo của nó. Tôi cố dẹp nỗi nhớ con sang một bên và luôn luôn nghĩ rằng đã mười mấy năm bây giờ mới có dịp để mình mộng mơ một mình để có dịp cho phép mình lang thang ngắm trời ngắm đất mà không phải lo con đói.
Hay đã có một chút gì đấy về Nguyên chăng? Không có lẽ. Nguyên mãi mãi là tình yêu của tôi, là nỗi đau của tôi, cũng là nỗi ẩn ức vĩnh hằng của tôi mà không hy vọng giải tỏa được. Bao giờ tôi cũng nhớ Nguyên, càng nhớ càng tìm kiếm nhưng càng tìm càng mất hút. Nguyên cứ đánh lừa tôi mãi mãi như không phải là người mà là ma, là một chút ánh sáng hão huyền rất xa đủ để tôi cảm nhận được mà không với tới được, và cũng vừa đủ để tôi khỏi tuyệt vọng. Ha ha... anh thật tốt mà cũng thật tồi, anh tước đoạt tất cả tình yêu của tôi rồi mất hút. Lòng căm thù của tôi đối với Nguyên cũng sâu như đại dương, anh nợ tôi một mối tình, anh nợ tôi một đời con gái, tôi lao lung, vô định, bất thường cũng vì anh, tôi lội được qua ánh mắt mê đắm và ngất ngây của bọn đàn ông mà không một chút run lòng cũng là vì anh. Đã hơn một lần tôi lội ngược sông Gianh đi tìm anh, tôi còn nhớ những bãi cỏ gianh bạt ngàn và tiếng chim bìm bịp... Tôi không muốn nghĩ đến nữa, tôi khóc mất. Nhưng có chuyện gì xảy ra với anh không? Không chứ, hay là có?
Tôi cứ gai người mỗi khi nghĩ đến những điều mà mình không thể lường trước, những điều bất hạnh, những tai họa trong thế gian thường đến bất ngờ, không ai được báo trước hay dự cảm trước.
Tôi muốn đi ra ngoài đường hay đúng ra là tôi phải đi ra ngoài đường, dường như ở ngoài thiên nhiên, giữa chốn ồn ã, xô đẩy, ai ai cũng bận bịu, căng thẳng, lo âu, vật vã trong cuộc mưu sinh tôi cảm thấy mình tự tin hơn, hưng phấn hơn vì được vuốt ve bởi ánh mắt si mê của những người đàn ông, và tôi kiêu hãnh hơn vì ánh mắt ghen tỵ ngấm ngầm hay được che giấu một cách rất khéo léo của rất nhiều mụ đàn bà quá thừa vàng bạc và son phấn nhưng lại quá thiếu trí tuệ và nhan sắc. Tôi càng được dịp khiêu khích tính đố kỵ của bọn họ, tôi càng được phân tâm, càng được chi phối nỗi lo sợ tan biến đi đâu. Tôi giận Nguyên, vì Nguyên mà tôi trở thành kẻ ngang ngạnh, tôi không còn là tôi nữa, tôi bị thay đổi. Kể cả nỗi lo sợ mới xuất hiện mấy hôm nay nữa tôi nghĩ không thể ngoài Nguyên được. Có thể Nguyên bị tôi đổ oan, không có một chứng cứ nào để kết tội Nguyên, Nguyên xa tôi đã lâu lắm rồi, một vết tích để lại cho người yêu cũng không còn, thế nhưng tôi lại tin vào sự phỏng đoán, tin vào linh cảm của mình.
9
Tôi ngồi trước gương, ngồi rất lâu và lặng lẽ, để chiêm ngưỡng dung nhan của mình một cách thiên vị, ngắm đôi mắt cái miệng quen thuộc của mình một cách thiết tha. Có lẽ người đàn bà nào cũng thích làm như tôi, tự ngắm mình hàng tiếng đồng hồ mà không biết chán. Người đàn bà nhìn tôi trân trân, gương mặt thanh thoát, đôi mắt vẫn đen láy, nước da hơi sẫm nhưng vẫn mịn màng, cái miệng luôn luôn tươi như cười nụ, như đang có điều gì đang vui. Tôi nhìn chăm chú vào gương mặt ấy, rà soát đến từng xăng ti mét vuông, kiểm tra nghiêm ngặt trên từng trạng thái một. Không, phải thật khách quan, phải có tinh thần thực sự cầu thị như chúng ta thường nói với nhau trong các cuộc họp, xem có cái gì không ổn chăng?
Quả là có cái gi đó không ổn.
Thực ra gương mặt tôi chưa phải thanh thoát lắm mà hơi tròn nhưng lại rất phụ nữ. Cái mũi không cao nhưng thon và thẳng. Cái miệng, đúng như thế, không cười nhưng vẫn tươi tắn. Đôi mắt tròn ấm và trung thực, vẫn giữ được sự long lanh để đàn ông say mê. Đôi lông mày nguyên thủy trời cho vẫn để thế, nó đủ dài và mảnh. Có lẽ nó cũng không gây nên ác cảm gì cho ai cả, tôi tin là vậy.
Còn mái tóc? Tôi vẫn để nó tự do, không uốn cong, không cắt ngắn. Một thời nó rụng nhiều, nguyên nhân cũng từ Nguyên và đỏ quạch, nay nhiều hơn lại óng ả, dài đến giữa lưng.
Bạn bè chê tôi tự nhiên chủ nghĩa, tôi bảo trường phái của tao là tự nhiên, thuận theo lẽ trời cho dễ sống. Son phấn tôi dùng hết sức hạn chế, không dùng cũng được, bởi vì làn da của tôi không cần đến son phấn thì nó vốn đã hồng rực.
Có cái gì không ổn ở đây nhỉ? Nó là cái gì chứ?
Tôi muốn đi ra đường, được lê từng bước mệt mỏi qua các vỉa hè nhộn nhạo, ngắm hàng quán, ngắm những thứ Hà Nội đang tràn ngập, ngắm những gương mặt người. Nhất là ngắm thời tiết. Đừng nghĩ những chiếc lá non trên những hàng cây bằng lăng, những chùm rễ trăng trắng đang rủ xuống quanh gốc si không nói được điều gì đâu. Nó rất nhạy cảm, nó có thể run lên bất chợt vì một buổi chiều thu rất vàng, vì mặt nước hồ loang loáng màu vàng tươi, đồng thời nó cũng chân thật và sâu thẳm như tấm lòng của người dân cày. Tôi rất thích ngắm những phút chốc hoang mang ấy của thời tiết.
Có ai đang gõ cửa nhà tôi, tôi không muốn một con khỉ nào vào quấy nhiễu tôi lúc này, không có những con khỉ hay con ngợm thì tôi cũng đã điên đảo, trời đất cũng đã rất lộn xộn lắm rồi. Tiếng gõ cửa lần thứ hai, mặc kệ, tôi cũng không cần phải giấu giếm là mình đang có nhà, thậm chí tôi còn làm cho mấy cái chén va vào nhau lanh canh. Tiếng gõ cửa im bặt, chắc đã nản rồi hoặc đã hiểu ra cái điều đơn giản là tôi không muốn tiếp khách.
Dù sao thì tôi không phải là chúa tể, hoặc đang sống một mình giữa rừng, hoặc tôi đang sống cô độc trên hoang đảo. Mà tôi đang hít thở không khí của Hà Nội dù không khí ấy đầy bụi và khói xe máy cộng thêm bao nhiêu mùi vị rất dễ làm dị ứng con người. Tôi cũng đang bị ràng buộc bởi bao nhiêu mối quan hệ mà sự giả dối được đưa lên như một phương cách tối ưu sống. Tôi chợt thấy mình đã làm một việc dại dột, đã lấy tay mình mà đấm vào đá rồi sẽ bị chảy máu vào một thời điểm nào đó mà mình chưa biết được nhưng tôi không ân hận, sự chạy đòn là việc xưa nay tôi không hề muốn.
Tôi quyết định nghỉ làm buổi hôm nay, viện cớ đi khám bệnh, cái cách xin nghỉ ấy dường như cũng rất tối ưu mà các mẹ ranh ở cơ quan tôi không ai là không làm. Bệnh ư, thiếu gì ở cái thời buổi này, viêm mũi, viêm xoang, viêm túi, đàn ông thì viêm túi, đàn bà thì viêm mông, quan chức thì viêm lưỡi, không thiếu, chẳng cần phải nói dối. Khu tập thể dường như đã vợi đi cách đây nửa tiếng đồng hồ. Trẻ con sợ muộn giờ, sợ bị phạt, sợ lớp không được tiên tiến đã thốc tháo chạy rất sớm. Sau đó là các ông chồng dắt xe máy ra với bộ mặt hăm hở giống như vào giường cưới, giày bóng lộn, cà vạt đỏ như miếng tiết lợn treo lủng lẳng trước ngực, tất bật trang trọng trước mặt vợ con để rồi sau đó tha thiết với bát phở sáng và tiêu mỡ bằng một ly cà phê đen. Lúc này các đức ông chồng trút bỏ vai diễn của mình, trở lại bụi bặm hơn và hưng phấn hơn, ngôn ngữ của họ, những phần trăm, cưa, chặt, hoa hồng thù lao, A, B... xuất hiện tràn ngập thừa mứa với tần số cao. Các bà vợ đi sau một chút vì phải son phấn và cân nhắc đắn đo bởi váy áo và giày dép, các mợ xăm xoe ở cơ quan từ bấy cho tới bảy tám giờ tối, giặt giũ tắm táp đến ba bốn lần, kho cá rang tôm hoàn chỉnh một bữa cơm tối rồi xách về, bếp ga ở nhà không phải bật lên một phút. Dù sao các mợ ấy vẫn đáng yêu, có tấn công vào tiền chùa nhưng chỉ đáng là cái chân muỗi, cái cách trả đũa vẫn là đàn bà, cách la lối vẫn là đàn bà.
Tôi sang nhà Loan để nhờ Loan báo cáo với giám đốc tôi xin nghỉ một ngày đi khám bệnh, Loan vẻ mặt mày ỉu xìu nghe rất thờ ơ. Loan là loại phụ nữ được đàn ông ưa chuộng, những ánh mắt họ nhìn Loan hồ dễ đốt cháy cả Niết bàn. Hơi béo, cao một mét sáu mươi, đôi mắt bao giờ cũng long lanh, mặt hồng rực như đang say. Loan đi đánh mông làm cho đàn ông chao đảo theo. Bọn họ giở đủ giọng điệu, em làm rầu lòng anh quá, hôm nay sao em xinh thế, anh sẵn sàng bỏ nhà bỏ cửa bỏ vợ con đi theo em liền. Loan không thấy tởm cái giọng cải lương ba xu của bọn họ, em Loan lại ngúng nguẩy, liếc tình bĩu môi, em ngoe nguẩy, toe toét, đong đưa trong cái mớ ngọt ngào nịnh bợ nhàm chán đến mốc meo lên kia. Em chỉ lạnh lùng với ông cựu trung tá mà thôi.
Không thể chịu được nữa nhá, em bảo. Bây giờ lại giở thói ghen bóng ghen gió ra nữa, hủi không chịu được. Đi đâu một tí thì tra hỏi, đi với ai, đi bao giờ về, đứa nào chờ phải không. Ăn mặc cho tử tế một tý thì à à dạo này ăn diện quá nhỉ, áo thụng, áo lửng chưa đủ tốn tiền hay sao mà lại thêm quần bò, váy ngắn, mặc vào trông mông đùi cứ nần nẫn ra, thích cho bọn đàn ông nó chảy nước dãi ra à? Mình không thể chịu nổi nữa, không ngờ lão bây giờ lại thêm thói tục tĩu như thế nữa. Hôm nọ mình chỉ đi chơi biển với tay Phú hai ngày mà về mặt mày lão sưng như cái mâm, rồi chảy xị ra, bỏ cơm, hỏi gì không thèm trả lời. Đã thế tớ cho lão ấy nghỉ hẳn. Lên mặt. Trông như rau muống luộc rồi mà còn làm bộ...
Con mẹ đàn bà trong tôi cứ muốn cười lên thật to, con mẹ đanh đá và bất cần ấy, bởi vì gần mười năm nay tôi đã phải nghe một câu chào của ông cựu trung tá, cô đã cơm nước gì chưa, cô đã cơm nước gì chưa, cô đã cơm nước gì chưa, dù đã thiu chảy những một ngày hay vài ngày mới phải nghe câu chào ấy một lần, tôi cũng sợ em Loan cũng thiu chảy ra như thế. Hoặc là cô em cũng phải từa tựa như một bãi cơm nát, nếu không em làm sao mà chịu được, sống được, ngủ được chứ chưa nói đến em Loan đỏm dáng, đôi má luôn luôn hồng rực lên, bốn ngày trong một tuần mặc váy ngắn đến cơ quan. Nhưng tôi đã lầm to, tôi tưởng con bé của đồng muối Thái Bình không phải cầm gầu tưới nước chạt giữa trưa nắng nay được ngồi phởn phơ ở thư viện cơ quan Hà Nội mà cười tình và ngắm vuốt thì dù có làm vợ ông cựu trung tá hơi nhiều tuổi đi nữa cũng đã là một bước lên tiên rồi. Hóa ra cuộc sống bao giờ cũng có những hương sắc bất ngờ, cô bé Loan đã bắt đâu nổi khùng, khi nó đã biết tốc váy lên mà xỉa xói thì nhất định lịch sử sẽ được đẩy lên một bước về mặt giải phóng phụ nữ.
Dĩ nhiên tôi đứng chết lặng trước màn độc thoại rất chi là hùng hồn và đầy bản sắc phụ nữ của Loan, em ơi, chị biết nói gì với nỗi căm phẫn của em đây khi người con gái của muối mặn và nắng trời đã ý thức được mình không khéo rồi cũng bốc mùi chua như đám mốc xung quanh niềm vui và nỗi buồn. Chắc chắn là tôi không thể cổ xúy cho sự nổi loạn non nớt của Loan và cũng không thể đưa đạo lý chính thống ra rao giảng cho đôi mắt long lanh đang cháy lên vì yêu như thế. Ai không biết chứ tôi, lạy trời tha tội, tôi không muốn làm mất vẻ long lanh của đôi mắt đang yêu, quả là nó rất đẹp, nó có thần thái tuyệt mỹ của bông hoa dại.
10
Loan đã đi làm, sau khi nhận lời xin cho tôi nghỉ một ngày đi khám bệnh, sau khi nguýt yêu tôi đến năm bảy cái, uốn éo mãi trước gương hỏi đi hỏi lại: "Nom em thế nào, được đấy chứ, thằng cha Phú hắn bảo em mặn mà, đằm thắm đầy nữ tính. Em thì em không tin miệng lưỡi thằng cha ấy, đồ bán trời không văn tự. Nhưng chị có thấy dạo này em tươi thắm không, đấy là em mới đi hiệu thẩm mỹ có hai lượt thôi đấy. Hay lắm chị ạ, xong một lần em thấy nhan sắc của mình tăng lên ba mươi phần trăm. Hôm nào em đưa chị đi, chị mà cấy thêm ít lông mi nữa thì mắt chị sẽ mơ màng đến mê ly". Tôi cứ ừ đại đi cho em Loan vui lòng mà thực ra không phải cho em vui lòng, em đẹp thực sự đấy chứ. Em vốn đã có cái tươi thắm của bông hoa dại, đã không bị sự phũ phàng của nắng mưa nữa, lại thêm một chút xanh đỏ càng làm cho bọn đàn ông chợt nhìn thấy phải giật nẩy mình, bọn đàn bà càng ngắm càng ngấm nguýt em. Dắt xe máy ra đến cổng em còn thắc mắc chị nghỉ ở nhà làm gì, có khách hả? Tôi muốn phát cáu với con nỡm này quá nhưng cô nàng đã lại bảo: "Sao trông chị buồn thế? Cũng không có gì mà phải buồn, thế gian mênh mông buồn đau là đủ rồi. Trông chị ngơ ngơ ngẩn ngẩn thế nào. Loan lại nói, chị đang lo cái gì à? Hay chị đang yêu? Mà thôi, đừng yêu nữa, đừng lo nữa, hôm nào em đưa chị đi chùa để tâm tư nó tĩnh lặng. À không, đi chùa buồn, để em bảo thằng Phú bao cho chị em mình đi chơi Tam Đảo một chuyến. Tam Đảo tuyệt vời chị ạ, ở đó có núi có non, có hồ, có thác, lâu đài cũ lâu đài mới, thâm u phồn hoa đủ cả".
Gió xao xác trên ngọn cây cơm nguội, Hà Nội có cây cơm nguội cũng nổi tiếng như cây sữa với mùi hoa ban đêm nồng nàn. Cây cơm nguội đẹp một cách khí phách, tao nhã và lặng im đầy minh triết trong khi đó cây sưa thả hương quyến rũ đôi trai gái đang dắt tay nhau đi trên hè phố, chợt gặp hương hoa sữa liền ôm riết nhau mà hôn cho đến nghít thở. Dường như gặp mùi hoa sữa không ai nén nổi rạo rực, hương của nó lan vào khắp cơ thể, tan vào trong từng tế bào, lay động từng sợi dây thần kinh nhỏ nhất, làm cho người ta ngất ngây, nhịp đập của trái tim rộn ràng hơn, ánh mắt con gái ướt át hơn, long lanh hơn. Và lúc ấy người ta không thể không hôn nhau.
Mùa hoa sữa. Để trả thù Nguyên tối nào tôi cũng đi dạo phố, tôi nhất định không đi với ai, cũng không đi với Quỳnh Giao, tôi phải đi một mình. Đôi giày cao gót với đế thật cứng. Chiếc quần jean bạc màu, ống đứng, thật trẻ. Cái áo pull dài quá cỡ, xộc xệch một tý cho thật bụi. Một chút nước hoa, một chút son môi... Tôi gõ từng bước nhịp nhàng và rất giòn trên mặt gạch đỏ au của vỉa hè. Khoan thai như đang tỉ tê với bạn tình, cặp môi hé mở như đang cười và tâm hồn tấp tểnh, gập ghềnh hệt như cánh buồm đang chao trên mặt nước, với một nét mặt của cô dâu sắp bước vào giường cưới nhưng lại ấp ủ một niềm suy tư quá đầy những ẩn ức giao thoa với những hoang mang thời cuộc.
Tôi thích đi dạo từ ngã năm phố Bà Triệu và phố Nguyễn Du. Giá như có Nguyên, nhưng lại không có Nguyên. Tôi nói, em bảo này... Nguyên liền quay sang tôi, tôi chỉ chờ có thế thôi liền ôm lấy anh và hôn lên môi anh một cái hôn thật dài. Anh cũng rất muốn bởi vì thật ra anh đã đón nhận cái hôn của tôi rất nồng nàn nhưng đồng thời anh cũng cuống quýt lên bảo, chết, chết, người ta cười cho bây giờ. Quả thật anh ngượng đến đỏ mặt và luống cuống đi vượt lên trông rất buồn cười. Tôi muốn chứng tỏ tình yêu say đắm của mình như con hổ chứng tỏ sức mạnh của nó bằng tiếng gầm thét, như tôn giáo chứng tỏ sự mê hoặc của nó bằng đám đông tín đồ. Mùi hương hoa sữa nâng tôi lên thành Thiên thần và cái hôn say đắm kia có thể đưa vào sách giáo khoa dạy về tình yêu. Nhưng tôi không có Nguyên, đúng vào cây hoa sữa tôi gặp đầu tiên trên phố Nguyễn Du, buổi chiều ấy cuối hè không nóng và cũng không lạnh, Nguyên không có ở đây.
Tôi căm hận Nguyên vì Nguyên không trở về, tôi yêu thương Nguyên da diết vì Nguyên xa cách. Trong sâu thẳm cõi mung lung của riêng mình nhiều lần tôi đã tự hỏi liệu Nguyên có trở về với tôi không. Tôi không biết Nguyên sống hay chết, tôi không cần biết, tôi chỉ biết anh phải trở về với tôi. Nếu Nguyên không trở về thì anh là kẻ phản trắc, kẻ tàn nhẫn, giống như kẻ nấp ở đâu đó và giương súng lên ám sát tình yêu của tôi.
Nhiều năm ấy anh đâu biết tôi sống nhưng sự uất hận với chính mình. Không hiểu sao lời đầu tiên trong lá thư anh gửi cho tôi lại là câu: anh đã làm khổ anh nhiều, bây giờ đến lượt làm khổ em đây và nó cứ ám ảnh tôi như một định mệnh và anh đã làm khổ tôi thật. Tôi đã yêu thương Nguyên ào ạt như sóng thần và luôn phải dằn vặt vì Nguyên luôn luôn bảo tình yêu càng say đắm càng dễ tàn. Tôi thì không muốn cả Nguyên và cả tôi không được tàn lụi, tôi đã chăm chút, tưới tắm bằng tất cả những gì mà tôi làm được. Nghi ngờ và khẳng định, khẳng định rồi nghi ngờ, cứ thế tình yêu của tôi và Nguyên cứ như con lắc, biên độ ngày càng lớn và tần số cũng ngày càng cao. Nguyên xô đẩy tôi bằng hai con sóng, chiều chuộng và oán hận. Chiều chuộng tôi hết lòng mà oán hận cũng sâu thẳm. Tôi sợ anh xa tôi. Khi Nguyên mang ba lô lên vai là tôi bắt đầu cảm nhận nỗi hoang vắng, một nỗi hoang vắng không cùng. Tôi thường không kìm được nỗi buồn, vì tôi rất nhớ Nguyên. Có lúc tôi hình dung nỗi nhớ của tôi đang lang thang như gió, vẩn vơ trên chín tầng mây và cũng có lúc chết rũ trong bụi cây nhỏ ven một con đường mòn nào đó mà rất ít người qua lại. Oái oăm thay là nó không chết hẳn, nó thoi thóp, lặng lẽ, vật vờ nhưng lại rất ngạo nghễ, dù trong lùm cây nhỏ và không biết ngạo nghễ với ai. Tôi sợ một cậu bé, một cô bé vị thành niên, vai mang cặp sách, cổ quàng khăn đỏ, nhởn nhơ và vô tư trên các lối mòn, đầu đang đầy ắp những mộng mơ và những điều không tưởng mà các cô giáo, thầy giáo vừa nhồi nhét vào tâm trí của chúng, vương vào nỗi buồn vô gia cư của tôi. Lúc ấy cái gì sẽ xảy ra nhỉ? Chắc là giáo chủ tôn giáo tình yêu vô vọng của tôi sẽ không thiếu gì tín đồ.
Tôi nhớ nhiều nhất những buổi chiều thi nhau chạy dọc bờ đê sông Đuống. Tôi biết nước sông Đuống có những hôm rất xanh mà cũng có những hôm rất vàng, tôi không cắt nghĩa được vì sao. Thường thì tôi rủ Nguyên, chứ Nguyên rất ú ớ về những chỗ mà trai gái thường đến. Còn tôi thì không giấu gì Nguyên cả, tôi vốn là con ngựa hoang từ khi còn là mười một mười hai tuổi. Cha mẹ tôi không bao giờ phải lo cho tôi một tý gì, từ lớp Một cho đến hết phổ thông tôi bao giờ cũng đứng đầu lớp, lên phổ thông trung học tôi mấy lần còn được đi thi học sinh giỏi cả toán cả văn. Tôi không mất nhiều thì giờ vào việc học bài và làm bài, có nhiều thời gian tôi nghĩ ra đủ trò chơi. Đầu tiên là tôi cắp cặp đi học vẽ với một anh họa sĩ vườn, khá đẹp trai, cố ý lập dị, cố ý thiên tài. Anh mời tôi vào phòng vẽ của anh, căn phòng độ hai mươi mét vuông treo kín tranh chân dung và sàn nhà thì không có chỗ len chân vì ấm chén, gạt tàn, lọ hoa, đôn sứ, bát gốm bình sứt sẹo giống như bát người ta bốc mả đem lên. Sau một hồi cho tôi thỉnh giáo, người thầy họa sĩ của tôi đòi tiền công khá cao đến nỗi tôi suýt ngắt lời thầy mà bảo "cho em ra ngoài gửi cái xe đã" để rồi chạy một mạch nhưng cũng may tôi chưa kịp nói như vậy. Đã vài lần tiếp xúc với những thiên tài loại này, tôi biết trong bụng họ đầy cao ngạo, đầy tưởng bở, đầy thiên tài và đầy sứ mạng, họ luôn luôn muốn được bọn tôi coi họ là cô đơn, là rong chơi nơi trần thế. Thôi thì hỡi các vị ễnh ương, cho các vị phồng mang trợn mắt luôn một thể. Tôi nói: "Tranh của anh đẹp, em không hiểu được nhưng cảm được cái vị minh triết phương Đông". Không ngờ câu bốc thơm của tôi lại được trả giá đắt, làm cho tôi nghi ngờ trên đời này không có Bá Nha cũng không có Tử Kỳ. Trời ơi, anh ta kêu lên, em là người khán giả vĩ đại, là nhà phê bình có một không hai, đã gọi ra cái phần hồn của những tác phẩm này. Đôi mắt anh ta sáng bừng lên, nét mặt chới với trong niềm hứng khởi, thấy thế tôi bắt đầu hơi sợ và tự trách mình bày ra trò chơi độc ác. Từ nay, anh ta nói tiếp, mỗi tuần hai buổi chiều, em đến đây. Em đáng được dạy dỗ thành tài. Không cần gì cả, em cứ đến đây, thuốc màu, sơn dầu, bút vẽ, kể cả toan anh sẽ tặng em. Kể cả tiền công như khi nãy anh nói, anh cũng không lấy. Em không tin, anh nói hoàn toàn thực lòng. Tôi có dám nghi ngờ anh đâu, tôi chỉ có hơi ngạc nhiên, thêm chút ân hận là mình hơi độc ác, hơi quá đà.
Từ đấy tôi đành tuần hai buổi phóng xe máy đến chỗ anh ta, cố gắng học được gì thì học, không phải cho tôi mà là cho anh ta, người thầy giàu lòng vị tha và mắc bệnh sứ mệnh. Được độ dăm buổi, vừa đủ thời lượng mà người thầy vung vãi nhiệt tình và cũng đến lúc tôi bớt được phần nào sự áy náy là mình đã bạo mồm thổi cho những con ễnh ương phồng bụng lên quá cỡ, tôi biến hẳn.
Sau này, trong tâm trí tôi nhiều mung lung hơn thời bím tóc, tôi chỉ nhớ mỗi ánh mắt dài dại của anh ta mỗi khi nhìn tôi và phát hoảng khi biết anh ta có thể tỏ tình bất cứ lúc nào, còn những kiến thức hội họa cũng như nhiệt tình sư phạm thơm lừng cả căn phòng thì tôi quên tiệt.
Chỉ mỗi lần tôi và Nguyên ăn bánh chưng rán, hôm ấy hơi rét mà mùi bánh chưng rán thật là quyến rũ, trong cái quán bán thập cẩm, lợp lá dừa, ngay sát mép nước bến đò Khuyến Lương. Bà chủ quán tưởng khách sộp đã rán đi rán lại mấy cái bánh chưng cho thật giòn hy vọng bán hết cả chục cái, nhưng tôi chỉ mua có một, Nguyên thấy nét mặt bà ỉu xìu liền lấy thêm bốn cái nữa và bảo tôi: "Thôi, chia đôi, một nửa hy vọng ngang giá với một nửa thất vọng".
Mỗi đứa một cái bánh chưng cầm trên tay, tay và mồm đứa nào cũng mỡ cũng láng bóng, hấp ta hấp tấp như đi lội ruộng, quần xắn đến đầu gối, giày dép vất ở trên bờ xa, hai đứa ào xuống dẫm bôm bốp trên cái lớp phù sa khô cong và nứt thành từng tấm hình lục lăng hoặc bát giác. Từ những cái khe nứt của lớp phù sa, mọc lên một loại cỏ tím mượt mà, trông ngon đến nỗi muốn ăn, có những chỗ tưởng như cứng lắm nhưng thực sự là rất mềm, tôi vừa bước được hai bước thì bùn đã ngập đến quá đầu gối. Nguyên đã ôm lấy cái eo tôi kéo mãi kéo mãi tôi mới thoát ra được vũng lầy. Nguyên vã mồ hôi và thở, tôi đã hôn anh một cái bên má với vẻ biết ơn.
11
Tôi kể cho Hoa, Hoa không tin. Tôi kể cho Thanh cũng không tin. "Tao không lạ gì mày, Hoa nói, mày nói đùa như thật, nói thật như đùa. Mày là một vật thể lạ, vật thể không xác định. Chúng tao không tin". Tôi làm mặt lạnh băng và nghiêm nghị. Cãi làm gì được trong khi chúng nó là hai mà tôi là một. Nhưng sao hai đứa bạn gái rất thân của tôi lại không tin tôi điều đó? Mặt Nguyên khi ấy đỏ nhừ, hốt hoảng nhìn trước nhìn sau, lo sợ như lo sợ đang làm điều gì phi pháp. Còn tôi, tôi không cần, tôi hôn Nguyên giữa trời đất giữa thanh thiên bạch nhật. Ai nghĩ gì thì nghĩ, cho là gì thì cho, còn tôi yêu Nguyên thì tôi hôn Nguyên. Tôi rạo rực với tình yêu của mình, vui sướng khi có Nguyên bên cạnh, được thủ thỉ với Nguyên những điều sâu kín và nhất là được nũng nịu anh.
Đấy chỉ mới là một, tôi còn nhiều chỗ lạ lùng hơn thế nữa mà bao giờ tôi cũng kéo Nguyên đi cho bằng được. Khổ thân Nguyên, đi chơi mà quần áo đầu tóc bê bết bùn đất không khác gì dân thợ đấu, dân đắp đê thuê dọc sông Đuống. Tôi cũng nhiều lần đưa Nguyên đi đầm Mom, ôi chao, đầm Mom, bạt ngàn lau sậy và cỏ năn, nó thê lương và hiu hắt mà tôi cứ tưởng như mình vừa đi đưa tiễn một người thân về nơi chín suối. Nền trời thì xám mà màu lau cũng xám, tiếng chim bìm bịp cất lên ở đâu đó giữa đầm mà không thấy chim, giống như tiếng ma. Đứng một mình cạnh bụi dứa dại, tôi nổi da gà chờ Nguyên. Biết đâu có ma thật những chỗ đìu hiu vắng lạnh như thế nay, đây là chỗ tụ hội của những âm hồn cô độc lang thang. Nghe nói trước đây vài năm đã có mấy cái xác vô thừa nhận nằm ở vùng này. Những ngôi mộ chôn qua quýt, không hương khói, chỉ vài năm đã thành đất bằng. Tôi vội nhìn xuống đất vì nghĩ rằng không chừng có một cánh tay đang thò lên nắm lấy chân tôi và có thể tôi bị kéo xuống cuống mộ. Tôi nhìn quanh quẩn và mồ hôi lạnh vã ra đầy lưng. Ngày ấy tôi rất cứng bóng vía, đi đêm không sợ ma, nhiều lần muốn tự mình được nhìn thấy ma một lần. Tôi cũng đã từng rủ mấy đứa bạn trai, những đứa đầu trâu mặt ngựa trong xóm, đã từng ăn trộm oản trên chùa, nửa đêm đi qua bãi tha ma của làng xem ma có lên không. Nhưng năm đứa mấy lần đều thất vọng ra về, không thấy ma, không thấy thần trùng đâu. Tôi thường an ủi mấy đứa con trai là chúng mình không gặp may và cũng có thể là thời tiết yên bình ma không dậy. Ma dậy phải là những đêm sấm chớp mưa gió hoặc là những đêm trăng thật sáng, ma có thể chơi lẫn với người, cười đùa, ca hát, trêu ghẹo nhau mà người ta không hề biết.
Làng tôi rất nhiều chuyện ma, các bà già không bà nào là không chứa đầy một bụng chuyện ma. Xóm tôi có dì Lương, nhà ở cuối xóm, không chồng, nhà lại rất nghèo, cái chăn đắp mùa rét cũng không có, dì lấy những cái bao tải đay khâu lại thành chăn, dì nói nhiều đêm giông ma đi qua nhà như dì đi hội. Tôi nói chuyện ấy cho Nguyên nghe, Nguyên hỏi thế ma không trêu ghẹo gì dì Lương hay sao? Tôi bảo là dì Lương xấu đến nỗi ma chê quỷ hờn, nó còn ghẹo dì ấy làm gì nữa. Nguyên bảo tôi tàn nhẫn, những người như dì Lương không có tội tình gì mà nói người ta với một giọng điệu như vậy.
Tôi thích đi như vậy, có lẽ vì tôi rất yêu những miền đất lạ, những nơi khuất nẻo, không mấy ai biết tôi càng thích. Bạn bè bảo tôi vật vờ, vật vờ cũng chẳng sao, cái sâu kín nhất trong lòng tôi là thích đến những chỗ heo hút mà ở đó lòng tôi chợt nhói lên một nỗi u hoài, một xúc cảm gần như tự thương lấy mình, cái điều ấy ai biết được những đứa bạn gái chí thân cũng không thể biết được. Tôi không dám nói với chúng, nói ra nhất định bọn chúng lại cười giễu tôi chưa biết đến mấy ngày.
Nguyên ôm một ôm hoa súng đến cho tôi, "tặng em", hóa ra từ nãy đến giờ Nguyên bỏ tôi đứng một mình sợ run lên để anh lội xuống hồ hái từng này bông hoa súng. Tội nghiệp Nguyên bỏ công làm những điều mà tôi không cần. "Không nên có những ý nghĩ u ám, hãy lạc quan hơn một tý không được sao?". Nguyên có vẻ khuyên giải tôi nhưng tôi không hề u ám cũng như không hề lạc quan. Tôi nói: "Em chỉ cần một bông, cả bó thế này trông trang trọng quá, vả lại anh đã hái hết thì những người con trai khác đến sau sẽ không có gì mà hái tặng cho người mình yêu". "Thế thì em chỉ giữ lại một bông còn đưa lại cho anh, anh mang về dọc đường hễ gặp cô gái nào là anh tặng cho họ một bông" - "Thậm chí anh lấy lại cả, em cũng không cần đến một bông đâu!" - "Em nghĩ gì thế?" - "Chẳng nghĩ gì cả, em không thích nghĩ nhiều, nghĩ nhiều có khi sinh hối hận". - "Tiếc rằng anh biết em không bao giờ muốn khác đi, em bao giờ cũng là em mà". Điều đó đúng, năm ấy mới quen nhau, bọn con gái rủ tôi đi Tam Đảo. Tôi nói, Tam Đảo hay lắm, tôi chưa được đi lần nào, lần này lên đó tắm thác Bạc cho nó thích. Nguyên đòi đi cùng, tôi không cho, nó thế nào ấy, vả lại mấy đứa con gái thì đi đứng, ăn nói, đùa bỡn thế nào cũng được. Có anh là mất hẳn sự thoải mái, mất tự do, bao giờ cũng giữ kẽ, đưa đẩy khách sáo chán bỏ mẹ.
Ngày mai, không biết tôi sống như thế nào, tôi chưa biết nhưng chắc chắn không thoát ra khỏi lối mòn những ngày vừa qua...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét