Kuskajaskari (Tranh Marimekko 2004) |
Cuộc Chia Ly Trong Chiến Tranh
Trần Huy Quang
Tôi quen Hân là do Hân tự tìm đến tôi bởi lý do rất riêng... Anh tìm đến tôi, tự giới thiệu là anh có chút kỷ niệm riêng ở Thọ Kỳ, cái xóm nhỏ của tôi, theo lời anh là mảnh đất thánh trong tim anh. Hóa ra cái mảnh đất nhỏ nhoi của làng tôi, nằm kẹp giữa hai nhánh sông là nơi bao nhiêu năm nay anh tưởng nhớ và khắc khoải. Anh muốn tìm về đất ấy một lần, dù chỉ chốc lát trong cuộc đời mình, nhưng điều đó đến nay, anh vẫn chưa thực hiện được. Mãi đến kỳ này, nhân một chuyến điền dã, anh mới có dịp. Ý muốn thì nóng bỏng, nhưng anh lại sợ mình có thể bị "sốc". Về đấy tức là trực diện với một mảnh cuộc đời mình. Vì vậy, cũng theo lời anh, trước khi đặt chân đến, anh muốn xem Thọ Kỳ có gì thay đổi, người xưa, cảnh cũ còn không?
- Anh ở Thọ Kỳ vào thời gian nào?
- Ngày ấy người ta bắt đầu khởi công đào con sông Minh Tân. Tôi ở đơn vị pháo bảo vệ bến Tam Sa.
- Thế thì ngày đó tôi cũng đang ở bộ đội. Tôi về thì con sông đã đào xong, bến đò Tam Sa cũng có một cây cầu tạm. Bây giờ vẫn thế, không có gì thay đổi nhiều. Dân đi kinh tế mới một số...
- Ngày đóng quân ở Thọ Kỳ tôi có quen một người con gái. - Hân bắt đầu thú nhận. Tôi hiểu vì sao Hân ngập ngừng.
- Anh ấy à? Với ai? - Tôi nhìn anh với lòng thương mến thành thật, vừa chờ đợi, vừa khuyến khích.
Lòng nhiệt thành và sự thông cảm với anh ở trong tôi bỗng như biến thành nước, nước tràn đến đâu tôi ớn lạnh đến đấy. Trời ơi, thì ra con người này? Những niềm vui và nỗi đau trong những lá thư của Hà Thanh gửi cho tôi, hóa ra là từ đây. Trong lòng tôi gần như có tiếng kêu như vậy, nhưng còn để xem câu chuyện như thế nào từ phía Hân. "Bây giờ cô ấy ở đâu?" - tôi phải trả lời như thế nào nhỉ để Hân khỏi thất vọng mà chuyện thì anh chưa nói. Tôi đắn đo một lát rồi bảo:
- Lâu lắm tôi không gặp cô ấy, tôi ít về nhà và cũng không biết cô ấy ở đâu, còn ở làng hay đi lấy chồng. Chuyện như thế nào hả anh? Một lần tôi về phép có nghe nói Thanh có yêu một anh bộ đội.
- Người ấy là tôi. Thú thật, tôi bây giờ mới đủ bình tĩnh, đủ tỉnh táo để suy ngẫm về tất cả, để đánh giá lại tất cả...
Tôi mắng cho Hà Thanh một trận nên thân - Hân kể - ngay cái hôm chưa quen cô ta, thậm chí chưa biết tên cô ta là gì. Trận địa tôi được lệnh chuyển sát vào khu vực có những cái lò gạch cũ - những lò nung phần trên đã vỡ nhưng màu gạch vẫn còn đỏ. Đạn pháo cũng được chuyển từ ngôi đình làng ra xếp tạm vào trong các lò gạch đó, vừa phân tán, vừa gần trận địa. Đoạn đường không xa nhưng gập ghềnh và trống trải, các cô dân quân hỗ trợ cho trận địa cứ đi tụm lại, mà nguyên tắc là phải đi thực xa để dễ tránh bom. Trong đó có hai cô cao cao, hình như họ có sức hút gì đó mà không thể tách nhau ra được, vừa đi vừa nói chuyện, cười đổ ngả đổ nghiêng, coi cái chết không ra cái gì cả. Máy bay cứ lượn trên đầu không ngớt. "Các cô chú ý vào, bom nó không nể gì các cô đâu". Tôi đã bừng bực và giọng nói hơi gắt lên rồi. Thế mà các cô cứ như không, còn lè lưỡi ra nháy nhau. Bất ngờ hai chiếc máy bay lao qua. Tình thế có thể không ổn, máy bay có thể quay trở lại, chúng quần cho độ vài tiếng và tất nhiên bom xuống. Đạn đang đổ rải rác trên đường và công việc có thể không dứt điểm được. Nhưng cũng may, máy bay không quay trở lại, chúng tôi thu dọn được gọn cái hầm thứ nhất. Bắt đầu chuyển đến cái hầm khác, tôi nghĩ cần phải có mấy ý kiến để chấn chỉnh lại. Tôi nói với tất cả: "Đây là chiến đấu, đạn còn nhiều mà đường trống trải, chúng ta đi thưa ra. Nếu cứ đi tụm lại cho vui thì ta đi chơi. Ai muốn đi chơi thì nghỉ hẳn, chứ như vừa rồi là rất nguy hiểm, cũng may chưa xảy ra việc gì đấy". Tôi còn lảm nhảm gì nữa nhưng không còn nhớ và nghĩ lại cái giọng khô đanh của tôi mà thấy xấu hổ. Nói là nói với tất cả nhưng tôi nhằm vào ai thì mọi người đều biết. Hai cô gái ngượng chín cả mặt.
Không may một tai nạn xảy ra cho tôi vào cuối buổi, khi tôi kê lại mấy hòm đạn, vô ý thế nào bị giập hai ngón tay. Lớp da phía trong bị bong hết, rất đau. Quân y khám cho tôi và khi thấy không ảnh hưởng gì đến xương, băng xong cho tôi về trận địa. Ngay buổi chiều các cô dân quân ra thăm tôi hết lượt, nhưng không có hai cô bị tôi gắt. "Thật đáng đời" - tôi rủa thầm mình như vậy. Không mong gì hai cô ra thăm tôi nhưng tôi thấy cần phải gặp, tôi đã nói những câu hơi quá với họ. Buổi tối tôi họp phân đội, nhắc nhở công việc trong ngày, phân công công tác ngày mai, song vì tay đau quá không đi kiểm tra nữa mà về lán ngay. Trong lán, ánh đèn dầu nhỏ soi rõ một cánh vai tròn lẳn và mái tóc thề. Cô gái đứng dậy ngượng nghịu chào tôi và nói ngay: "Buổi sáng em vô ý làm anh bực, anh đừng để bụng giận bọn em. Cứ tưởng anh phải đi bệnh xá...". Tôi cảm động và thật lúng túng không biết nói sao. Lúc đó mọi người đã về. Câu chuyện trở nên ồn ào và vui vẻ, và cho tới khi cô về thì tôi mới lúng búng được một câu cảm ơn. Thế rồi ngày hôm sau Thanh ra và bắt tôi để cô thay băng. Giọng Thanh có âm vang đặc biệt, không lẫn với ai, ấm và mịn. Đôi mắt tròn, đen láy, hơi to so với khuôn mặt cô, nhưng rất ưa nhìn. Trước đôi mắt đẹp ấy, lòng kiên nghị của tôi như biến mất và tôi tuân lệnh một cách ngoan ngoãn. Sau lần đó, cô trở thành bác sĩ riêng của tôi, cô thay băng, cô an ủi và khi thuốc kháng sinh thiếu, cô đi tìm các thứ lá tiêu độc, tự sắc lấy rồi đem ra ép tôi uống. Và điều này nữa tôi thú thực là một tính xấu của tôi: Khi Thanh đòi giặt quần áo của tôi, tôi đã không từ chối. Cô chăm sóc tôi như một người em gái. Tôi đã sống trong một thực tại tình cảm nửa vời: chưa phải là yêu nhưng hết sức cảm. Và con mắt của tôi đã phô diễn một cách vụng dại thực tại đó.
Cho đến một hôm, trời hơi lạnh, ba pháo thủ đang ngồi trong một cái hầm nổi quanh bếp lửa gặm những bắp ngô non vừa nướng xong. Chợt có tiếng gọi của Thanh ở phía ngoài. Hai cậu pháo thủ rất nhanh, quẳng những bắp ngô nướng và giật cả bắp của tôi đang gặm vào cái mũ sắt, giấu xuống gầm chõng. Chỉ trừ mấy bắp chưa nướng để nghiêm chỉnh trên hòm đạn. Thanh và hai cô nữa ghé vào, họ vừa đi cứu xe trở về. Nói chuyện một lúc, chợt Thanh ngẩng mặt lên, hít hít cái mũi hếch trông rất láu:
- A, có mùi ngô nướng ở đâu ấy nhỉ? Hay là có bắp nào cháy rồi?
Thanh nói và nhìn tất cả một lượt. Tôi bấm bụng nhịn cười.
- Có ngô bọn mình định luộc nhưng chưa có nồi. Nếu mọi người đồng ý, tôi sẽ luộc ngay. - Một cậu pháo thủ nói.
Hai cô bạn của Thanh quay lại truy cậu pháo thủ kia:
- Nhất định các anh ăn ngô nướng, còn "sĩ", mồm còn đen như chó lục nồi kia kìa.
Các cô cười ré lên, đấm lưng nhau vì cái câu lỡ mồm kia. Quả thực, khi ngọn lửa hắt lên thì không những mồm mà cả má, cả cằm của ba đứa đêu đen nhẻm trông đến phát xấu hổ lên. Tôi lấy một tờ báo cuộn tròn lại như cái ống ghé vào tai Thanh nói thầm: "Có ngô nướng trong mũ sắt nhưng đừng để lộ là anh nói". Thanh nghe xong cười như nắc nẻ, cô giả vờ tìm lung tung một lúc rồi lôi tuột cái mũ sắt ra. Nhìn những bắp ngô đang gặm dở, các cô bò lăn ra cười. Thế là bữa tiệc ngô nướng đã diễn ra một cách hào hứng. Đang ăn, Thanh làm như tôi, cuộn tròn tờ báo nói thầm qua cái ống vào tai tôi: "Có gói táo để đằng sau lưng anh nhưng anh phải bí mật. Quả cam là phần riêng anh. Hai "con mụ" này ranh lắm đấy, nếu biết nó sẽ phát thanh cho cả xóm nghe". Hai cô bạn của Thanh cũng không vừa, cũng cầm "ống nói" ghé vào tai Thanh nói cái gì đó. Thanh nói lại với tôi: "Nó truy em đã nói gì với anh. Em bảo là hỏi anh có phải chúng nó cho anh ngô không. Nó cãi". Tôi thầm phục Thanh thông minh. Như dây chuyền, cuộc nói chuyện bằng điện thoại ống giấy diễn ra rất say sưa. Đến khi Thanh nói với tôi: "Em phải về đây, muộn rồi!". Tôi mới nghĩ ra cơ hội may mắn của mình. Tôi bảo Thanh (tất nhiên là nói thầm vào tai nhau): "Anh muốn nói với em một chuyện quan trọng". "Chuyện gì thế? Đang còn ngô tươi à?". "Không". "Hay là anh sắp chuyển". "Không, anh muốn lấy em". Thanh bị bất ngờ, nín cả thở rồi Thanh nói: "Bở thế!". "Em không muốn lấy anh à? Chốc trở lại cho anh gặp một phút". Thanh không trả lời và nói to lên: "Anh Hân này, anh có cuốn sách gì cho em mượn một cuốn". Tôi cũng nói to: "Có Cây phong lan", "Chốc cho em mượn". Lát sau thì các cô ra về. Tôi tiễn họ một đoạn, rìa làng là bãi phi lao thưa thớt, vừa mới trồng. Tôi đứng ở đó chờ Thanh trở lại, vừa lo lắng, vừa hồi hộp. Thanh có trở lại không? Người con trai nào trong đời cũng có những phút cheo leo như thế, như đứng bên cạnh một vực thẳm với những nỗi thấp thỏm thót cả tim lại. Những giây phút ấy tôi gọi là điểm nén hoặc là nói ra, hoặc là không bao giờ nói cái câu bộc lộ lòng mình. Và khi đã nói ra, những phút chờ đợi cái "thông tin phản hồi" đó cũng thật là khổ sở. Tôi đã chờ mười phút, Thanh vẫn mất hút. Chắc Thanh đã về ngủ, hoặc các cô đang đứng lại ở cái ngõ xóm nào đó đang bình luận và cười với nhau về những cái mồm ăn ngô nướng mà không hề nghĩ có tôi đứng chờ ở đầu bãi. Thanh có thể không để ý đến những lời tỏ tình của tôi, cô đã quên, và không hề biết đằng sau lưng mình có một trái tim đang hướng về cô, đang chờ đợi và hy vọng. Nhưng tại sao Thanh lại chăm sóc tôi và ánh mắt cô đâu có hờ hững với tôi... Bỗng một bóng đen xuất hiện ở lùm cây. Bóng đen ấy rõ dần và chạy bổ về phía tôi. Tôi chỉ thiếu nước nhảy lên, hét lên, vung tay vung chân lên, tim tôi rung lên những hồi trống như trống tuồng... Cái cảm giác quý hiếm ấy tôi còn nhớ mãi cho đến bây giờ. Tôi dang hai tay đón Thanh và xiết chặt tấm thân mềm mại và ấm áp ấy vào bộ ngực rắn chắc của mình. Thanh dụi cái trán lạnh buốt vào má tôi, vào cổ tôi, còn tôi thì vừa hổn hển vừa nói: "Thanh, anh yêu em, yêu mãi mãi...". Thanh không nói lời nào. Lát sau như choàng tỉnh, cô gỡ tay tôi ra: "Em phải về, tụi nó đang đứng chờ em ở đằng kia, chết thôi. Em bảo chúng nó chờ, để em trở lại mượn cuốn sách". "Ừ, để anh vào lấy cho em". "Anh ngốc ạ, chẳng biết gì cả. Cuốn sách ấy em đọc rồi!". Bất ngờ cô ôm lấy cổ tôi và hôn tôi một cái rất mạnh, rồi bỏ chạy.
Năm ấy, tôi chuyển vào Ngã ba Đồng Lộc, một tọa độ lửa miền Trung. Một trận đánh, tôi bị thương nhẹ vào bả vai. Vì một mảnh đạn tên lửa, chỉ băng một tuần là khỏi nhưng tôi cũng biên thư cho Thanh biết. Chỉ báo cho Thanh biết thôi, thế mà không ngờ, một tháng sau, Thanh vào thăm tôi thật. Hà Thanh đã có lòng lặn lội bốn trăm cây số dưới bom đạn. Tôi vội vã lên trạm đón tiếp. Hà Thanh lặng đi nhìn tôi. Cái nhìn đó biểu hiện một cái gì có lẽ người đang yêu mới cảm nhận hết. Trong trường hợp đó, bất kỳ ai cũng có thể hãnh diện một tí khi có người yêu như vậy...
- Thế nhưng cuối cùng hai người vẫn không lấy được nhau. Vì sao anh lại không lấy cô ấy? - Tôi đành phải hỏi xen vào khi thấy Hân, dù gắng gượng lắm cũng không thể nói tiếp được.
- Vì tôi gặp một cô gái khác.
- Đẹp hơn?
- Không đẹp hơn nhưng hợp với cái hiện tại.
Tôi nén một tiếng thở dài và phải bỏ ra ngoài một lát cho đỡ căng thẳng, căng thẳng cho tôi chứ không phải cho Hân. Hóa ra con người mà tôi khinh bỉ hàng chục năm trước đang ngồi trước mặt tôi, đang thổ lộ niềm tự hào mà Hà Thanh đã đem lại cho anh ta. À ra con người này một thời Hà Thanh đã yêu thương tin tưởng...
Tôi trở lại và hỏi Hân:
- Ít ra cũng có một sự rạn nứt nào đó chứ?
- Có, nhưng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi yêu Thanh từ khi gặp cho đến bây giờ, lúc này, mười mấy năm yêu một cách dai dẳng và đau khổ. Tôi vẫn còn những lá thư Thanh gửi cho tôi, thậm chí tôi còn thuộc hết. Sự rạn nứt cũng chính ở lần Thanh vào thăm tôi.
Tôi đưa Thanh về trận địa - Hân kể tiếp - chỉ cho Thanh những mỏm đồi trắng hoa lau và hoa cỏ may. Thanh vừa bước theo tôi vừa ngơ ngẩn nhìn cảnh lạ. Cô gái ở huyện ngoại thành làm sao mà biết được những buổi chiều chim rừng về tổ, thác nước đổ trắng lèn đá. Hà Thanh xuýt xoa với cây cỏ, ngơ ngác trước một khúc suối lượn ẩn hiện.
- Trận địa ở đây bố trí như thế này hả anh? - Thanh nói với vẻ không hiểu.
- Khác hẳn ngoài kia, em thấy không?
Em không may vào đúng dịp tình hình căng thẳng. Trận địa anh mới chuyển vào đây cho sát mục tiêu. Ở vị trí này mới qua một trận mà đã thấy lộ ra ối cái bất lợi. Đánh rất khó, hiệu quả thì chưa biết nhưng dễ lộ. Vả lại, chính ở đây hở sườn, phía tây khó cảnh giới, nếu chúng vọt qua núi tập kích thì trận địa trở tay không kịp.
Tôi giải thích cho Hà Thanh. Hà Thanh đưa mắt đo bốn phía, như tính toán gì đó.
Hà Thanh vốn là cô gái hồn nhiên và trung thực. Cô vẫn có cái tính nhí nhảnh của trẻ con mà nhiều khi không nén giữ được. Có buổi đã hoàng hôn mà cô vẫn còn lang thang trên đồi hoặc lội bì bõm dưới suối. Đôi khi cô còn ngắt những bông hoa lạ ép vào sổ, tuy kín đáo nhưng tôi vẫn biết. Hôm ấy chào qua loa mọi người rồi tôi phải dẫn Thanh vào gửi nhờ nhà một người quen cạnh đó. Hôm sau tôi không vào thăm Thanh được, suốt cả một ngày ùng oàng. Khói bom và đất một màu, không thể dứt ra một lúc nào. Buổi chiều còn ác liệt hơn, trận địa không còn sự chủ động tấn công nữa mà gần như là phải chống đỡ. Tổn thất hôm đó khá nặng, bảy pháo thủ hy sinh, một khẩu pháo bị hỏng. Đến bây giờ thì tôi ý niệm rõ ràng phương án chuyển trận địa sát ngã ba đã bộc lộ nhiều mặt yếu - cái ý mà tôi mới cảm nhận lờ mờ đã vô tình bộc bạch với Hà Thanh hôm cô mới vào. Đến chiều mới ngớt tiếng súng. Bộ đội lau vũ khí còn cán bộ hội ý rút kinh nghiệm và giao ban ở tiểu đoàn. Khi đi qua chỗ Hà Thanh ở nhờ, nhân tiện cả đại đội trưởng và chính trị viên cùng tôi rẽ vào thăm Thanh. "A chào cô dâu". Đại đội trưởng vừa reo lên chào vừa nháy mắt với tôi - anh là người độ lượng và cởi mở. Thanh đỏ mặt tía tai nhưng cũng nhanh nhảu rót nước mời khách và vẫn giữ được vẻ tự nhiên đáng yêu. "Vô đây cô thấy thế nào?". "Vào đây em thấy ác liệt quá, đúng là tọa độ lửa, anh ạ - Hà Thanh nhanh nhảu trả lời. - Riêng ngày hôm nay em đã chứng kiến bảy pháo thủ hy sinh". Đại đội trưởng vẫn hỏi như thăm dò: "Có chiến đấu có hy sinh chứ? Thế Hà Thanh có sợ không?". "Sợ chứ ạ! Em hết cả hồn, chân tay cứ run bần bật cả lên...". Lúc ấy trong bụng tôi cũng đang hết cả hồn vì Thanh. Sao Thanh lại trả lời như thế nhỉ, tôi rất lạ. "Này, mấy hôm rồi tôi thấy Thanh đi hái hoa rừng, chắc Thanh thích phong cảnh ở đây lắm nhỉ?". Đại đội trưởng vẫn vui vẻ hỏi với cái giọng như trêu chọc vậy. "Ôi, phong cảnh ở đây thì tuyệt vời - Thanh reo lên một cách vô tư - Hoa cứ đỏ rực bờ khe, đẹp ơi là đẹp". Tôi lo lắng hết nhìn Thanh lại nhìn đại đội trưởng, rồi sau cùng nỗi thất vọng làm nguội lạnh tất cả.
Từ nãy chính trị viên ngồi yên giờ chợt hỏi: "Ở ngoài kia cô có vào tự vệ không?". "Có chứ ạ. Em cũng là một pháo thủ kỳ cựu nhưng là pháo nhỏ thôi. Pháo nhỏ bọn em không dám bố trí sát mục tiêu như thế này. Nhất là mục tiêu lại bị cảnh vật che khuất quá lớn thì sẽ bị hở sườn, dễ bị tập kích và chắc chắn là hiệu quả kém. Anh Hân em nói như thế đấy các anh ạ, có đúng không hả anh?".
Khi giao ban xong, chính trị viên đập vào vai tôi:"Cậu có người yêu như một công tước tiểu thư ấy". Câu nói ấy làm tôi đờ đẫn cả người. Ôi, cái gì theo sau mối ác cảm ấy?
Buổi chiều, tôi tìm vào chỗ Thanh ở nhờ. Đã sẵn bực tức trong người, tôi không giữ được sự tế nhị nữa. "Em trả lời cấp trên của anh ngốc không chịu được? Ai ngờ em lại ngây thơ đến cái nỗi ấy". "Vì sao anh lại thế?" Thanh hiếng mắt ngạc nhiên. "Còn vì sao nữa? Em không khôn ngoan tí nào. Dù em có sợ run lên thì trước cấp trên của anh, em cũng nên trả lời như thế nào chứ? Trời ơi? Hậu quả là người ta sẽ đánh giá... và anh..". "Nhưng chính anh đã nói như thế! Mà em thấy anh nói đúng"."Nhưng anh nói với em, nói riêng với nhau chứ không phải nói với chính trị viên. Em hiểu không?". "Em không hiểu...". Không hiểu, không biết Thanh nói thật hay nói bướng. Nhưng mà quả thật có một việc mà Thanh không hiểu được mà tôi cũng không biết nói như thế nào cho Thanh hiểu được.
Ngày đó tôi đang là đối tượng sắp kết nạp vào Đảng. Chi bộ có ra nghị quyết là đánh phải có hiệu quả cao, phải dũng cảm, muốn vậy thì phải đưa trận địa vào sát mục tiêu. Phương án vừa được triển khai xong, chính trị viên đang động viên bộ đội chiến đấu. Thế mà tôi lại có thể có một ý kiến ngược lại, là đưa trận địa vào đó dễ hở sườn, ít hiệu quả, là dễ bị thương vong v.v. Dẫu thực tế hai trận vừa rồi đã lộ rõ điều đó đi nữa nhưng cái tình thế của tôi không thể nói thật...
Tôi làm sao giải thích cho Thanh hiểu được điều đó. Cô đang không hiểu. Cuối cùng như một kẻ hèn nhát tôi đành nói, nói như một kẻ hấp hối. Thanh trố mắt lên, không hiểu cô sợ hãi điều đó hay sợ hãi cái gì:
- Với anh, còn em... Thế em cũng không được nói những điều em cho là đúng à?
Tôi không thể trả lời. Thanh đăm đăm nhìn tôi, rồi cô hiểu tôi đang như thế nào. Tôi bất lực, khốn khổ và thất vọng. Nhưng tôi còn tàn nhẫn hơn.
- Mai em nên về đi, về đi. Anh xin xe gửi em về tận nhà.
- Vâng, em đến hoàn toàn có hại cho anh.
Thanh trả lời tôi một cách cứng cỏi, còn ánh mắt thì xa lạ như chưa hề quen nhau. Sự biến đổi đó làm tim tôi đau nhói. Linh cảm thấy rõ ràng một điều gì chẳng lành, nhưng tôi còn biết nói sao! Thanh đã nói được cái điều mà lúc ấy tôi chưa nhận biết. Anh có thấy không... Còn trận địa của tôi ngày đó, chỉ đến ngày thứ năm thì đã bị đánh tơi tả, tôi bị thương nặng phải ra khỏi quân đội, nay một mảnh bom còn nằm trong phổi, thường vẫn nhức nhối. Âu cũng là một cái giá phải trả...
Tôi gửi Thanh về quê trên cái xe con của đồng chí tư lệnh về Bộ họp. Chiếc xe khởi hành lúc tờ mờ sáng. Tôi gửi Thanh mang về làm quà những thứ mà người lính có, cân đường, hộp sữa, hộp thịt, nhưng Thanh không nhận một thứ gì cả. "Anh còn phải giữ gìn sức khỏe mà chiến đấu, em ở nhà dù sao cũng dễ kiếm hơn". Thanh xếp trả lại cho tôi và nhẹ nhàng từ chối. Khác với hôm qua, Thanh rất âu yếm, dịu dàng và đôn hậu gửi lời chào không thiếu một ai, nhưng đúng như linh cảm của tôi, phía trước không còn bình yên. Thanh không còn nhìn vào mắt tôi nữa. Tất cả chỉ phô diễn bằng lời. Tôi biết khó mà dẹp yên được sóng gió phía trước trong mối tình của tôi. Nhưng vẫn cố vớt vát "Về đến nhà em cố biên thư cho anh ngay nhé. Còn những lời nói của anh hôm qua, có gì em hãy bỏ qua cho anh". "Vâng, chỉ sợ rồi anh lại trách em. Còn về nhà em sẽ biên thư, nếu không thì anh coi như em gặp cái không may dọc đường".
Tôi tái mặt đi vì đó có khác gì là lời vĩnh biệt. Giá như Thanh nói thẳng ra. Từ hôm đó tôi nôn nao mong đợi thư Thanh, mong vừa thấp thỏm. Nhưng không có thư, Thanh biệt tăm tích, mặc dù tôi có viết thư gửi đi. Tôi bị hàng trăm giả thiết giày vò, và cuối cùng tôi cũng nhận được một lá thư của Hà Thanh: "Ngày mai em đi thanh niên xung phong, đêm nay có mấy lời chào anh. Dịp thăm anh năm ngoái, em đã hiểu được rằng chúng ta không bao giờ hợp nhau được, anh hiểu cho em, điều đó xứng đáng với nỗi gian lao của cuộc hành trình bốn trăm cây số trong chiến tranh. Em nghĩ rằng trong bất cứ cuộc chia ly nào, nữ giới cũng đau khổ hơn... Ngày mai em lên đường. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, mùa này gần sáng hơi lạnh, chỗ anh lại gần rừng, đêm nhớ đắp bụng kẻo lạnh". Chỉ có thế! Hàng dưới sau chữ "Thân ái" có hai chữ ký Hà Thanh rất rõ. Tất nhiên, Thanh từ giã tôi thật thanh thản. Để lại tôi vật lộn với sự khắc nghiệt của thời gian. Tuy nhiên câu cuối cùng như lửa nóng đã sưởi ấm lòng tôi trong nhiều chặng đường từ đó đến nay, giữ nguyên ở lòng tôi một niềm quý mến trân trọng.
- Giá như bây giờ anh gặp cô ấy thì cũng có ích lợi gì cho nhau đâu? Tất cả đủ rồi! - Tôi lại nói chen vào lời Hân.
- Chắc anh biết bây giờ cô ấy ở đâu? Chả nhẽ người trong xóm lại không biết? Lâu nay tôi cứ muốn biết tin cô ấy, muốn biết phần tiếp cuộc đời một con người biết coi trọng giá trị cái thật. Tôi còn muốn nói với cô ấy những điều chiêm nghiệm của tôi: Chính nhờ cô ấy, tôi đã nhìn rõ con người một thời của mình.
Thật ra, tôi biết Hà Thanh ở đâu. (Hết mấy năm thanh niên xung phong ở Trường Sơn, Thanh đi học đại học, nay là hiệu trưởng một trường trung học). Nhưng Hân gặp Thanh để làm gì nhỉ, có ích gì cho hai người không? Tôi nhắc lại với Hân một lần nữa là không thể biết được Hà Thanh ở đâu, nhưng ngay lúc đó tôi đã biết mình lỡ lời và phải hối hận. Tại sao tôi lại phải lo sợ cho họ, chính hai người, cũng như tất cả chúng ta đều có đầy đủ trách nhiệm trước cuộc đời cả. Tôi có quyền gì để chi phối họ? Hay chính tôi cũng nhận ra mình đang còn nhiễm nặng cái thói mà Hà Thanh căm ghét?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét