Đạo Của Tình Yêu
Trần Huy Quang
Chuyện xảy ra đã lâu và nếu như chàng trai ấy trở về sau những năm xa cách thì không thành chuyện gì và không ai còn nhớ nhưng sự thật lại không phải như vậy, và nhân vật của câu chuyện mới xuất hiện. Chàng cao gầy, đen đúa, phong sương, không đẹp trai, có phần gân guốc. Ở chàng chỉ có đôi mắt ánh lên vẻ thông minh và đầy nghị lực là đáng kể. Còn nàng là học sinh của chàng. Nàng như ngược lại với chàng. Nàng nhỏ bé, bụ bẫm, trắng xanh và cũng khác với chàng, đôi mắt nàng to đen, lúc nào cũng ánh lên vẻ ngơ ngác. Nếu như không có trận bom thì chàng và nàng, thầy và trò như họ sẽ không xảy ra chuyện gì và cũng có thể họ yêu nhau nhưng cũng phải nhiều năm sau, cũng phải qua nhiều giận dỗi, xa cách, đắng cay.
Cha mẹ nàng cũng là giáo viên đã mất cả trong trận bom ấy cùng với mười hai học sinh lớp nàng. Nàng trở thành người trơ trọi một mình trên đời. Chàng tức là giáo viên chủ nhiệm lớp nàng, dìu nàng sống bằng ánh mắt chở che và nàng thực sự đã tựa vào nét nghị lực trên gương mặt chàng mà đi học cho hết cấp. Chàng nói vào giờ phút đầy nước mắt: "Thầy đề nghị cả lớp chúng ta (lúc này chỉ còn lại ba phần tư) hãy để tang cho thầy cô và các bạn đã không còn nữa sau trận bom...". Còn thì chàng không nói gì với nàng nhưng nàng biết nàng sống trong sự chăm sóc, chở che lặng lẽ của chàng, và nàng học cũng không đến nỗi sa sút chính vì biết tấm lòng chàng dành hết cho nàng.
Chàng lên đường sau trận bom khắc nghiệt ấy ít lâu. Nàng được tin, không tỏ ra buồn, không tỏ ra vui, nhưng về đến nhà là nàng quỵ hẳn. Nàng tưởng như mình không sống được nữa, không tồn tại được nữa. Nàng không biết ở đâu, mê hay tỉnh, nàng chỉ biết nàng đang đau đớn. Đau đớn làm cho nàng tỉnh lại dần, nàng biết cuộc chia ly này, không những đối với chàng, mà chính là đối với nàng cực kỳ hệ trọng...
Đêm ấy trong căn nhà vắng lặng đã gần nửa năm nay, nàng thức đợi. Nàng không hẹn với chàng. Chàng cũng không hẹn với nàng. Sau buổi liên hoan tiễn đưa thầy ra trận, những đứa học trò yêu đều chìa sổ tay ra xin thầy vài dòng lưu bút. Đến lượt nàng, nàng lắc đầu, em không có sổ. Rồi cả lớp ra về. Nhưng làm sao nàng lại tin rằng chàng sẽ phải đến từ biệt nàng. Làm sao phải từ biệt nàng chứ? Mà sao không phải vào sáng mai? Nàng biết không phải người ấy ra đi mà là cuộc sống ra đi không hẹn ngày về thì chàng không thể không đến từ biệt nàng. Bởi cuộc ra đi này cũng vì nàng, chàng ra trận cũng vì nàng. Chàng rất cứng cỏi, nghị lực của chàng mạnh mẽ, cũng vì nàng. Vì nàng cần tựa vào một nghị lực như vậy. Chàng chưa hề nói gì riêng tư với nàng, không một lời tán tỉnh nàng, không một động chạm gì vào tay nàng, không một hứa hẹn gì với nàng, thế mà nàng biết chàng yêu nàng, yêu không đo đếm được, không diễn đạt được, không bộc lộ được, chàng yêu nàng. Tình yêu ấy nặng như núi, chắc như đá và cũng thật như chàng sống. Nàng biết nàng là tất cả ý nghĩa cuộc sống của chàng, là minh triết của chàng, là sự thăng hoa của chàng. Tiếng gọi của nàng có thể bắt chàng băng qua lửa đạn, băng qua vực sâu, kể cả băng qua cái chết.
Bởi vì nàng, trước hết là nàng, đã yêu chàng đúng như vậy hoặc hơn vậy. Đối với nàng, chỉ đơn giản là nàng rất yêu chàng. Yêu lắm, thế thôi. Và nàng muốn gặp chàng, người thầy giáo điểm tựa của nàng, vào tối nay trước khi chàng ra trận. Cũng thật đơn giản cái sự mong muốn của nàng. Vậy thôi, nàng mong. Mong một cách xác tín. Mặc dù nàng không hẹn, chàng không hẹn, và từ trước tới nay không hề có khúc nhạc dạo đầu. Nàng không có tín ngưỡng nào để nàng cầu nguyện. Nàng không biết cầu nguyện đã đành mà cũng không biết thắp hương để cầu xin thần linh đưa chàng đến. Không, nàng chỉ mong chàng đến thì chàng đến, đến để từ biệt nàng bằng chính tình yêu của mình.
Phép thần thông có sức mạnh khôn lường nhưng tình yêu còn có sức mạnh gấp ngàn lần phép thần thông. Chính vì lẽ đó mà chàng đến. Chính vì tình yêu bắt chàng đến. Cũng như chính tình yêu bắt nàng phải mong đợi và khi chàng xuất hiện trong ánh đèn dầu lờ mờ thì nàng liền đờ đẫn ra, nàng đứng chết lặng, không thốt lên lời. Chợt nàng thấy muốn khóc và nàng khóc, nước mắt chảy tràn xuống má. Cũng chẳng có lý do gì rõ ràng để nàng khóc.
Chàng chỉ bước thêm được về phía nàng một bước, lúc ấy mới chợt nhận ra nàng sẽ rất buồn khi chàng ra trận nhưng nàng khóc thì chàng không lường trước. Thầy đến để từ biệt em... Thầy đến... mong em... nàng gọi anh bằng cái mấp máy môi rất nhẹ, như nói thầm, như kêu lên tiếng lòng mình. Chàng lại nói cũng không mấy trơn tru, kiểu như dặn dò an ủi động viên vân vân... Nhưng nàng không nhớ gì, không nghe gì, nàng chỉ đau đáu nhìn chàng và nàng đã nói cái điều cần nói, giọng rất nhẹ, rất nhỏ.
Em sẽ đợi anh mãi, đợi cho đến khi anh trở về. Chàng rất yêu nàng, điều đó chứng tỏ ở sự chăm sóc, che chở cho nàng nhưng để được nghe một câu như thế là quá mong ước của chàng, quá bất ngờ đối với chàng và chàng chỉ biết thầm cám ơn nàng.
Em yêu anh...
Nàng biết mình không giống những người con gái khác nhưng nàng không cần, nàng không thích đợi, đợi mãi để người con trai nói câu đó với mình trước. Nàng không muốn thế, nàng muốn nói câu đó với chàng, trước cả chàng vì tình yêu và vì lòng biết ơn. Nàng không sợ bị coi thường vì nếu có sự coi thường thì tình yêu đã chấm hết trước đó rồi.
Và chàng nói, nàng nói, chàng nói, nàng nói, những câu thoại của họ cũng như bao nhiêu trai gái yêu nhau nói với nhau một cách thiết tha, đắm đuối mà ta không cần phải thuật lại làm gì, kể cả cái điều quan trọng nhất là đêm ấy, trong ngôi nhà vắng vẻ ấy, nàng đã tự nguyện hiến dâng đời con gái cho chàng để ngày mai chàng lên đường đánh giặc với tâm thế thanh thản nhất và mạnh mẽ nhất. Đồng thời nàng bắt chàng phải nợ mình một mối tình đã đành, cộng thêm phải nợ nàng một đời con gái nữa. Món trọng nợ ấy chàng phải đeo trong tâm thức và buộc chàng phải vượt qua chông gai, khổ ải, kể cả cái chết để trở về trả món nợ ấy cho nàng.
Nhưng kẻ chinh phu ấy đã đi biền biệt. Mãi đến hơn hai năm sau nàng lần đầu tiên mới nhận được lá thư của chàng viết cách đó một năm. Lá thư thật mỏng, về đến tay nàng thật như độc đắc. Chàng ở mặt trận Pleicu và chàng bảo đã viết cho nàng hai mươi lá thư rồi, lá thư này không hy vọng gì đến được tay nàng.
Nàng khóc như mưa như gió, thương cho chàng, thương những dòng chữ của chàng. Nàng thấy tình yêu của hai người sao mong manh quá, chỉ như sợi tơ nhện giăng trong bụi cây dâu trên sân thượng nhà nàng. Cái sân thượng nhỏ bé ấy quá hiu hắt. Cây lộc vừng già, cây dâu, bố nàng trồng trên sân thượng nay mọc rất rậm rạp. Có một con chim sâu luôn quanh quẩn ở đó. Loài chim này đi đôi hay đi lẻ nàng không biết. Nhưng nàng thấy nó cũng lẻ loi như nàng. Nó thoăn thoắt nhảy từ cành này sang cành khác, đôi chân chỉ như hai cái tăm luôn nhảy nhót. Thỉnh thoảng nó lại kêu chít chít nghe rất ngộ. Hay là nó gọi bạn tình? Nàng thương chích mái quá, nhất là một buổi tối nàng lên cất quần áo chợt thấy chênh vênh trên cành dâu khẳng khiu có cục gì đen đen xanh xanh. Nàng rọi đèn thì chợt nhận ra con chim sâu, nó ủ đầu vào cánh ngủ rất ngon lành. Ôi, con chim sâu bé bỏng của ta. Nàng rón rén đứng ra xa và lặng lẽ ngắm nó.
Bây giờ thì nàng coi nó là thành viên trong nhà nàng, nàng yêu quý nó như chị em. Nàng để cho chích mái một chén vừng nhưng nó không ăn. Nàng lại mua một chén kê, chén kê còn nguyên, nó không động đến. Hay loài chim này không biết ăn hạt? Ban ngày có khi nàng gặp nó, có khi không nhưng buổi tối bao giờ nàng cũng lên sân thượng xem nó ngủ. Nàng thấy nó cũng yếu đuối và cô đơn như nàng.
Chợt một đêm nàng thấy nó không ngủ trên cành dâu. Nàng hoảng hốt rọi đèn tìm khắp nhưng không có. Buổi sáng cũng không có. Nàng buồn bã suốt cả một ngày. Tâm tư nàng chỉ để vào nó. Hay nó đã bỏ đi, hay nó chê cái vườn nhà nàng nghèo? Hay nó chê nàng không có lòng yêu thương nó? Hay có thể có một con chim đực nào đó rủ rê nó đi đâu? Nó đi theo tiếng gọi của bạn tình và đã thành gia thất, có tổ ấm, có lứa đôi? Nghĩ thế nhưng đêm nào nàng cũng lên lầu tìm, lỡ nó trở về. Những buổi tối như thế đã làm nàng đau đớn như nàng vừa mất một đứa con.
Rồi một hôm, nàng đang phơi quần áo chợt nghe tiếng rích rích. Nàng nửa tin nửa ngờ, dõi mắt vào bụi rậm thì, ôi đôi chim sâu đang nhảy nhót tìm mồi. Con chim sâu bé bỏng của ta, nó đã trở về, đã trở về. Cùng với nó là một con chim sâu khác, nhỉnh hơn, có lẽ là chim đực.
Có lẽ chúng đang ở thời kỳ hưởng tuần trăng mật đầy hạnh phúc, cũng có thể lúc này nó đang mang thai. Ôi, chàng và nàng. Nàng gọi chích mái là nàng đầy vẻ trân trọng, nàng nhỏ bé mịn màng và đang mang thai. Còn chàng săn sóc và âu yếm nàng. Nàng có vẻ kém linh lợi tí chút, vì nàng đang mang thai nhưng mắt nàng thì ngời ngời hạnh phúc, mắt nàng long lanh hệt giọt sương sớm. Khi yêu, người con gái muốn bé nhỏ lại để nũng nịu và e ấp với chàng. Quả là lần này nàng có vẻ bé đi tí chút. Qua một mùa yêu đương, nàng không thể không suy nghĩ, không chọn lựa và tình yêu nào mà không vương vị đắng kia chứ? Nên nàng gầy cũng phải. Có thể nàng là người đa cảm, dễ bị tổn thương, mà người yêu của nàng, chồng nàng hiện giờ lại là kẻ dễ đắm say, ngang tàng mà vô tâm, một tiếng hót, một bóng lạ cũng cuốn chàng đi hàng tuần lễ liền. Thì xem kìa biết thêm một định lý nữa: tình yêu cũng không phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể, (như đôi chích sâu này chẳng hạn) mà chàng thì chín hẹn lại quên cả mười, bỏ nàng mòn mỏi trong chờ đợi. Đến khi chàng trở về nơi hẹn, trông bộ dạng của chàng mới thảm làm sao. Lông cánh tả tơi, chân khập khiễng, chỉ có đôi mắt vẫn là của chàng. Nàng liền quên sự ấm ức của mình, dốc sức bình sinh ra để chăm sóc cho chàng lành vết thương.
Thời gian và hành trình của cuộc trường chinh tình ái như vậy đủ để làm nàng vắng mặt lâu. Cái chính là chích mái đã trở về, nàng đã trở về và hơn thế, vợ chồng nàng đã trở về.
Nhìn kỹ mới biết, không những nàng gầy đi mà còn già đi. Có thể không phải là già mà chính là đằm hơn, mặn mà hơn, từng trải hơn, lo toan hơn. Bớt đi một chút nhí nhảnh vốn có, tăng thêm sự đằm thắm ở nàng. Mà cũng phải, bây giờ nàng đã là đàn bà, đã là vợ và sắp làm mẹ. Bên cạnh nàng bây giờ còn có một ông chồng, to xác nhưng không phải là chín chắn, hễ hở sự kiểm soát của nàng ra là nhảy vào những cuộc phiêu lưu. Vì bổn phận, nàng có đáo để hơn cũng không có gì đáng phàn nàn. Đấy, có khi nàng chanh chua song cũng có lúc nàng đứng thừ ra một cách mệt mỏi...
Chao ôi, chích mái của nàng thật là đàn bà, cũng thật là đáng yêu. Nàng mừng thầm cho chích mái nhưng thấy tuần trăng mật của chích mái quá đẹp nên nàng lại lo lo. Lo vì hạnh phúc quá mặn nồng của chích mái, cái gì quá đẹp thì dễ bị mất vì sao thì nàng cũng không biết, nàng không giải thích được, nàng chỉ thấp thỏm. Vì thấp thỏm nàng càng yêu chích mái hơn. Nàng tìm ở đâu đó một nắm rơm, làm một cái ổ thật đẹp để trong bụi cây cho chích mái đẻ. Nhưng vợ chồng chích mái, đêm nào cũng ngủ chỗ cành dâu nhỏ phía góc trông ra cổng.
Và làm sao mãi cũng không thấy chích mái đẻ. Nàng không hiểu... Rồi một đêm, sau khi chấm hết một tập bài kiểm tra cuối học kỳ, nàng lên sân thượng thăm vợ chồng chích mái. Nàng lại rụng rời tâm can khi thấy trên cành dâu nhỏ cuối góc sân quen thuộc chỉ có một mình chích mái ngủ. Sương gió mù mịt, trông nó càng nhỏ nhoi. Như nó chỉ còn bằng quả dâu khô, mỏng manh đến mức nhìn mà nàng run sợ.
Nàng tần ngần đứng yên, không làm sao hiểu được sự huyền bí của trời đất, càng không thể hiểu được sự mong manh của tình yêu chích mái. Và cũng là của nàng...
Bây giờ nàng đã là cô giáo già mà chàng vẫn chưa về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét