Em Là Hoa Thủy Tinh
Trần Huy Quang
Năm ấy, tôi đã ngoài ba mươi tuổi nhưng vẫn chưa có vợ. Trong tình yêu tôi có một phương trình và một bất phương trình. Thảo là cô gái mới mười chín tuổi. Bạn bè bảo Thảo không đẹp, tôi không tin. Nhưng tôi vẫn yêu Thảo bằng một tình yêu da diết, bồi hồi và nặng nề, da diết bao nhiêu thì cũng nặng nề bấy nhiêu. Thảo cũng yêu tôi. Tình yêu của Thảo đối với tôi giống cái cây hay một tia chớp, hoặc giống cả hai, xanh rờn và sáng lóe. Nàng coi tôi như đứa con khờ dại, côi cút, mà ngày mai nàng phải tái giá. Tôi nhớ mãi những cái hôn vội vã của nàng, cháy bỏng và mặn, mặn vì nước mắt. Nàng không giấu tôi, nàng đã chết như nàng nói, con tim của nàng không ổn. Mối tình ảm đạm ấy, tôi gọi là một phương trình.
Mối tình sau cũng ảm đạm không kém. Một người đàn bà sáng chói như tia nắng hoàng hôn, và mê hoặc như phù thủy. Chiều chủ nhật nào, người ấy cũng đưa con trai đến ngõ nhà tôi học đàn với một nhạc sĩ violon vẫn không có việc làm. Người đàn bà ấy ở đâu, tôi không biết, nhưng tôi mê mẩn, rồ dại vì người ấy mất gần một năm trời.
Chỉ thế thôi, cả hai, lượng tối thiểu của số nhiều. Tôi gọi là những phương trình và bất phương trình.
***
Công việc của tôi làm ở cơ quan là tính tỉ lệ. Tỷ lệ người đến, người đi, lượng nước, lượng điện, số học sinh cấp một so với số học sinh cấp hai, số sinh viên so với số thanh niên, già so với trẻ, vân vân... Những con số nhàm chán, vô sắc, vô hồn, nhạt nhẽo mà tôi biết nó vô nghĩa chính khi mình vừa viết ra. Căn phòng làm việc của tôi tít tận trên tầng năm. Đã lên đó thì không muốn đi xuống. Thế là năm này qua năm khác, tôi gắn chặt với cái bàn và một đống số liệu ngồn ngộn không bao giờ vơi.
Cũng may cơ quan tôi vừa nhận thêm một cô sinh viên vừa ra trường. Thông lệ, trước khi nhận một công việc gì đó, khả dĩ vui vẻ ở cơ quan này thì người nào khác cũng như cô ta, phải thực tập một thời gian phụ thuộc vào khả năng của mình ở bộ phận tôi làm. Thế là tự nhiên, tôi có một người đồng nghiệp, một cô gái. Tên em là Thủy Tiên một cái tên đẹp dịu dàng. Tôi và em là hai thế hệ. Tôi không thuộc về thế giới của em. Nhưng khi em đến, tôi bàng hoàng mất một giây. Không phải em, chính là một nhân vật nào đó của Sếchxpia hồi sinh.
Em là ai? Lòng tôi chợt như đang rung lên tiếng chuông nguyện cầu. Em nhí nhảnh và trong vắt. "Anh làm ở đây với em à?". "Vâng". "Một mình anh?". "Vâng, và cô nữa là hai". "Thế anh không buồn à?". "Công việc mà". "Ôi chao! - Em xuýt xoa - Một căn phòng thoáng đãng, yên ả, một ban công chạy dài không có vết chân người, lá cây sau sau đung đưa ngoài song cửa và dòng sông tím hoa bằng lăng... Chốn Bồng Lai hả anh?". Tôi lè lưỡi sững sờ - không, một chút lãng mạn thường tình của những thiên thần không có cánh. Tôi ngẫm nghĩ và buồn... Em lung linh và huyền ảo. Căn phòng tôi vụt sáng lên và ấm lên. Em nói và tôi chỉ nghe. Hoặc cứ làm việc, thỉnh thoảng ậm ừ và đầu óc có thể nghĩ đi đâu. Hình như em không hề để ý đến tôi có nghe em nói hay không. Oái oăm thay, tôi là gì và em là gì. Tôi là cái ao tù và em là dòng thác trắng. Tôi phàm tục Mà em là thần tiên. Tôi hòn đá và em bông hồng. Cây si có thể mọc trên đá nhưng bông hồng thì không.
Tại sao em lại lạ lùng đến thế. Mắt như nắng và đôi chân nhún nhảy. Giọng em mượt mà, căn phòng đầy ắp giai điệu. Tôi là gì và em là gì? Dường như Thượng đế thường muốn đặt cạnh nhau những cái không bao giờ gặp nhau.
Tôi chẳng muốn biết em là một cô gái, tôi cũng chẳng biết em mới vừa tròn hai mươi tuổi. Tôi không biết, không biết, không biết...
Nhưng em cứ hiện hữu một cách lạ lùng bên tôi. Em là cô gái yêu, được cha mẹ nuông chiều lắm, hẳn là thế. Ở nhà, nhất định em có một người giúp việc tận tụy, ví dụ như một u già để bón cơm cho em và để em làm nũng. U ơi, rửa mặt cho em. U ơi, mắc cho em cái màn. U ơi, giặt cho em cái áo... Nhất định em là bông hoa thủy tiên của nhà nghèo.
Đến cơ quan, em không có u già.
- Anh ơi, xâu hộ em đôi dây giày. Eo ơi, chiếc giày này hay tuột dây ghê lắm.
Tôi lặng lẽ xâu giúp em.
- Anh ơi tìm hộ em cái ô. Em để quên mất đâu ấy nhỉ.
Cái ô không ở đâu xa, treo ngay trên lưng ghế, tôi cũng lặng lẽ cầm đưa cho em. Em cười vô tư. Vì tắc đường tôi đi làm muộn, em đứng ngoài ban công ngóng trời ngóng đất, khi tôi xuất hiện, ánh mắt em reo lên như tôi đã chết rồi chợt sống lại. Thôi đành, em quen có một anh nô bộc để lau xe đạp cho em, quen có một u già để tìm ô cho em. Em dù đã hai mươi tuổi nhưng em vẫn không biết đến cơ quan làm gì có u già.
- Anh Minh ơi, em bảo, ta nhảy đi...
Đứng giữa phòng, em nghiêng nghiêng cái cằm, tay chống vào hông sắp sửa uốn éo.
- Anh không biết nhảy. - Tôi nói.
- Thì em dạy.
- Anh không thích.
- Anh khó tính lắm cơ. Cứ y như là bố chồng ấy. - Em trách.
- Anh cũng không biết.
- Lại không biết nữa? Mấy lần em mời anh đến nhà em chơi, anh đều từ chối. Anh Mình này...
- Tên anh là Minh chứ không phải là Mình.
- Em xin lỗi. Nhưng mà hôm nọ anh xem cái gì ở rạp, anh có biết không?
- Không.
- Đó là điện ảnh, một loại hình nghệ thuật mới của thế kỷ chúng ta đấy.
Đó là câu châm chọc để trêu tức tôi, vì đã mấy lần tôi không làm u già đưa em đi xem. Một buổi sáng lau bàn, tiện tay tôi hất luôn cả cặp vé xem phim vào sọt rác, không biết vé ấy đã xem chưa. Buổi trưa Thủy Tiên loay hoay tìm kiếm. Tôi chột dạ hỏi:
- Cô tìm cái gì, đã tìm trong sọt rác chưa?
- Ối giời ơi! - Thủy Tiên giãy nảy lên. - Anh tệ đến thế là cùng. Cặp vé của em đi xem chiều nay mà anh nỡ vất vào sọt rác.
Tôi xin lỗi qua quýt, quả là tôi vô tâm thật. Em ngồi xị mặt ra.
- Nó đã rách nát gì đâu, vẫn vào được cửa như thường. - Tôi an ủi.
- Em ứ đi nữa, coi như vất. Tại anh.
- Cô không đi thì cho người khác, nó vẫn còn giá trị đấy.
- Em không đi nữa, vả lại, con bạn em nó bận. Đi một mình buồn... Hay anh đi với em?
Điều này tôi không ngờ, chưa bao giờ nghĩ đến.
- Anh làm sao thế? - Em hỏi.
- Chẳng sao cả. Nhưng đi thì anh chịu.
- Anh làm sao thế? Anh muốn em đi một mình như con điên thì anh thích chứ gì? Anh tốt nhỉ.
Em như con điên thì tôi đau lòng chứ không phải thích. Thôi đành. Chiều hôm đó tôi là u già nhưng trước tiên là phu xe của em. Đến rạp nào thì em không chịu nói trước. Bảo cứ đi, cứ đi. Chốc hét lên "Rẽ trái", chốc lại gắt "Rẽ phải cơ mà". Dềnh dàng, quệnh quạng như hai đứa dở hơi trên đường. Rồi đến rạp Tháng Tám, tôi chỉ biết lắc đầu thở dài. Chỉ có một đoạn, không bảo ngay, lại vòng vèo vòng vèo hết một nửa thành phố. May còn lâu mới tan buổi trước. Tôi với em đứng ngoài hè phố, em cắn hạt bí, còn tôi cầm ô đứng hầu. Thôi đành.
Âu là tôi cũng phải làm tròn công việc của một u già, vả lại tôi lỡ làm nhàu đôi vé. Cái vé này đáng lý của một bạn gái hoặc bạn trai của Thủy Tiên nhưng đời luôn bất trắc có một lý do đột xuất nào đó, người ấy vắng, tôi phải thế vào. Hoặc u già hoặc tôi. Lúc này là tôi. Để cho em có người nói chuyện, khỏi buồn, có người tìm chỗ ngồi và nhất là để cho bọn lau nhau khỏi trêu chọc em. Là người nào trong đó cũng không quan trọng, tôi chỉ mong vạt nắng của tôi mãi mãi ấm áp và tươi rói. Em lúc xuýt xoa, lúc âu sầu với những gì diễn ra trên màn ảnh. Cuối cùng, một bên vai tôi tê dại mà không dám cựa quậy. Giá như em cứ ngủ trên vai tôi một trăm năm. Mái tóc em thật gần, hương tóc bay quyến rũ. Vầng trán vô tư của em, cặp môi thắm của em, đôi má phớt hồng của em... cũng thật gần. Thượng đế hào phóng đã trao cho tôi một báu vật để bảo vệ và ngắm nguyện. Tôn thờ thôi ư, Thượng đế ôi?
Đèn bật sáng, những dòng chữ cuối cùng biến mất. Nào thiên thần của anh - tôi nghĩ thầm - đứng dậy để u đưa về nhà nào. Nhưng em đứng dậy thật, như biết tôi nghĩ gì. Mắt em long lanh như chưa hề có giấc ngủ một trăm năm như tôi mơ ước.
Thứ bảy tuần sau, lại có một cặp vé như thế nhưng lần này, để khỏi phải đền oan, tôi mặc kệ, tôi không phải đền nhưng cương quyết từ chối, mặc dù em dỗi và khóc. Tôi biết mình là ai. Là u già của em và hiểu bổn phận u già phải như thế nào. Lần trước vì rủi ro. Còn lần này thì em sẽ đi với ai đó, bạn gái hoặc bạn trai. Có lẽ, em thử lòng tham của tôi.
Mắt em ươn ướt, một lúc thôi, và buồn. Rồi chiều ấy, em không đi. Cặp vé nằm trơ trên bàn như một lời trách móc.
Em đâu biết em đã cứa những nhát dao vào lòng tôi. Ôi giá như tôi được yêu em... Nhưng tôi chỉ như u già của em ở nhà. Em đi làm muộn, đến xin lỗi tôi một cách cực kỳ độc đáo.
- Em có cuốn sách cực hay, nhất định anh thích. Nhưng để chiều em mới đưa.
- Cho anh mượn à?
- Eo ơi, tuyệt hay. Nhưng anh phải quay mặt đi đã.
Tôi chẳng phải quay đi đâu vì đang viết.
- Này, nhìn xem. Cuốn gì nào? - Em lại hỏi.
Cuốn sách bìa đỏ, mỏng, những ngón tay thon dài của em che mất tên sách.
- Nhìn này.
- Biết rồi.
- Nói dối. Cuốn gì?
- Còn sống còn yêu.
- Nhưng em đang đọc, chiều anh lấy.
- Anh không đọc sách ấy. Anh chỉ thích chưởng và tình báo.
Chiều, em đút sách vào túi xách của tôi và xuống nhà. Tôi đóng cửa sổ, dọn dẹp và trước khi ra về, đút cuốn sách em tặng vào sâu trong ngăn kéo. Để mai em biết tôi đã cầm về nhà và đọc.
Sáng hôm sau em không đi làm và cũng không ai nhắn gì. Thủy Tiên ốm chăng? Ngày hôm sau nữa, em mới đến, nhưng rất muộn, gần hết buổi sáng. Em lặng lẽ nhìn tôi. Không biết cái gì đã xảy đến với em. Đôi má lúc lúc lại ửng đỏ. Em hơi khác nhưng lý do thì tôi thừa biết: em ngượng vì đi chậm và nghỉ không báo.
- Hôm qua cô ốm phải không?
- Không ạ.
Không ạ, nghĩa là không ốm, không đau, không gì cả mà nghỉ một ngày, lại đi muộn, không thèm nói lý do. Ánh mắt em nhìn tôi trách móc chứ không phải xin lỗi.
Nhưng tại sao tôi lại vô lý như vậy nhỉ. Thủy Tiên nghỉ một ngày có gì là quan trọng, công việc vẫn thế, và tôi đâu phải là người quản lý em. Chỉ có một điều, nhưng đối với tôi là tất cả: tôi muốn ngày nào cũng được nhìn thấy em. Nhưng thôi, cầu mong em lại hồn nhiên như cũ và tôi lại là u già của em.
Song thật buồn là từ ngày đó cô bé mất sự hồn nhiên, vô tư, ánh mắt vương một chút buồn, một chút lạnh. Vạt nắng trong phòng tôi vàng bấp bênh. Lòng tôi đau nhói vì những thay đổi đó như thế nào em đâu biết. Không được rủ đi xem phim, không được xâu dây giày, không biết tôi có còn là u già của em nữa không?
Hai tháng, ba tháng... trôi chập chững. Đến kỳ em hết tập sự. Em xin chuyển công tác vào Sài Gòn, em đi theo sự sắp xếp của bố mẹ em. Thôi đành.
Trước ngày em bay, em chào tôi. Tôi rủ em đi ăn kem cốc, em vốn thích kem cốc.
- Mai ai tiễn cô ra sân bay?
- Bố mẹ em.
- Tôi không đi tiễn Thủy Tiên đâu.
- Cám ơn anh.
- Cô thích vào trong ấy phải không?
- Em không biết.
Những đối thoại chủng chẳng. Tôi như người không hồn và ân hận.
Về phòng, em từ biệt tôi một câu như mọi người. Vành mắt em đỏ lên nhưng không có nước mắt. Tôi nói một lời chúc và em đi. Đến cửa em chợt dừng lại.
- Anh đã đọc...
Tôi nói:
- Những bản kê của cô tôi đọc được. Chữ của cô tôi quen rồi.
Thế là em đi. Vạt nắng ấm trong phòng tôi mất hẳn.
***
Sáu năm sau nữa thì tôi cũng thoát ra khỏi công việc tẻ nhạt ấy và chuyển sang cơ quan khác. Giấy tờ công tư lưu cữu mấy năm chất đầy một tủ. Thư từ sách vở, cái gì thích thì lấy, còn cho vào bồ giấy loại. Cuốn sách em tặng nằm dưới cùng, hiện ra như trong giấc mơ, tôi không nhìn đến kể từ ngày em tặng, thậm chí tôi không biết là có nó. Còn một chút kỷ niệm buồn về người con gái, một chút nắng còn vương. Tôi nhặt ra và hờ hững lật vài trang. Một chữ ký dưới tên sách, chữ ký của Thủy Tiên, rõ ràng và mềm mại. Một tờ giấy rơi ra, màu giấy đã hơi ố vàng, dòng ô ly đã nhạt. Tôi mở ra và run lên...
"Anh không nhận ra điều gì ư? Sao anh ngốc thế? Sao anh không nghe em nói, sao anh không nhìn vào mắt em? Sao anh dửng dưng đến thế. Trời ơi, anh không biết gì cả, không biết gì. Em phải chờ đợi anh đến bao giờ và bao giờ thì anh nhận ra. Em không muốn chờ đợi, em yêu anh; có thế thôi. Mặc kệ, mai em không muốn đi làm, vì sao thì anh biết rồi đấy..."
Tôi chợt hiểu ra tất cả, kể cả sự nhầm lẫn của số phận. Trái tim tôi muốn vỡ ra. Bây giờ đã quá muộn. Sáu năm, quá muộn. Chắc em đã có một tổ ấm, đã là vợ, đã là mẹ, chẳng còn gì để vướng bận vì tôi.
Tôi hôn lên những dòng chữ quý giá của em một ngàn lần. Tôi khóc. Vĩnh viễn mất đi vạt nắng huyền diệu của cuộc đời.
Ngày hôm sau tôi hủy bỏ quyết định thuyên chuyển. Tôi muốn làm công việc nhạt nhẽo ấy và ngồi ở căn phòng vắng vẻ ấy cho đến hết đời, vì nơi này tôi đã yêu em.
Hà Nội, 1-1992
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét