Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Đừng đùa với ma

Đừng đùa với ma

Thái Bá Tân

- Bố thằng Tí ơi, dậy! Dậy đi nào. Có việc.

Người đàn bà tần ngần đứng bên giường. Chị ta trạc ba mươi tuổi, da nhợt nhạt, gầy đét với đôi mắt mở to vô cảm của người bị chai lì bởi cái đói và cái khổ.

Miền núi trời chóng tối. Những ngày mưa ở đây thì thật buồn và khó chịu. Lúc ấy đang mùa đông, lại hun hút gió lạnh. Chưa đến sáu giờ mà dường như cả cái thị trấn bé nhỏ này đã chui tọt vào nhà, đóng chặt cửa. Trong nhà chẳng ấm hơn nhưng có ánh đèn, có người.

- Gì thế? - Vẫn nằm yên, đống chăn trên giường càu nhàu.

- Có việc.

- Kệ. Tôi mới về. Đêm qua thức trắng rồi, buồn ngủ lắm. Có các vàng cũng chịu.

- Thì tôi đã bảo thế nhưng người ta cứ một mực nhờ. - Người đàn bà im lặng một lúc rồi nói tiếp. - Vả lại tiền công cao. Những một trăm nghìn đồng.

Đưa trước. Mà nhà mình thì...

- Một trăm nghìn à? Đi đâu?

- Nghe nói gần đây thôi. Người ta đang chờ ngoài cổng. Bảo không vào.

Con số một trăm nghìn đã lôi được "bố thằng Tí" ra khỏi giường. Đó là một gã đàn ông khốn khổ, mặt nhàu nát, da ngăm đen, thấp gầy nhưng có vẻ khỏe mạnh. Chiếc áo đại cán cáu bẩn, thủng một lỗ lớn ở khuỷu tay. Thời bây giờ mà còn mặc áo rách đủ biết giàu nghèo thế nào. Toàn bộ con người hắn toát lên sự chán chường, mệt mỏi, vì đói ăn, đói ngủ và đói việc. Nhất là đói việc. Hắn cầm khúc sắn luộc vợ đưa cho, vừa ăn vừa đẩy chiếc Minkhơ.

Chờ hắn ngoài đường là một người choàng tấm nilông (vì lúc ấy vẫn mưa lất phất), đội mũ cối, trời lại tối nên không nhìn rõ mặt.

- Có biết bản Pa Cao ở Phú Nghĩa không? - Người choàng ni-lông hỏi.

- Có. - Hắn đáp. Hắn biết tất cả các bản ở cái huyện miền núi rộng lớn này, là vùng trước đây hắn từng nhiều năm lăn lộn kiếm sống. Pa Cao cách đây không xa, độ hai chục cây số nhưng đường rừng khó đi, nhất là ban đêm, không khéo sẽ lăn xuống vực Phán Lìn như chơi - Ông nói tiền công một trăm nghìn?

- Ừ. Một trăm.

- Ông cùng đi?

- Cùng đi.

- Ngay bây giờ?

- Bây giờ.

- Được. - Hắn lưỡng lự một chốc - Vợ tôi nói ông có thể đưa tiền trước? Chả là thằng con đang ốm, phải mua thuốc ngay bây giờ...

Gã kia không đáp, lẳng lặng rút hai tờ năm mươi nghìn đưa cho hắn. Hắn gọi vợ ra lấy tiền rồi theo gã đi. Không ai nói thêm gì nữa.

Hắn thầm ngạc nhiên khi thấy không tới bệnh viện như mọi lần, nhưng vẫn im lặng. Cuối cùng họ bước vào một ngôi nhà nhỏ với ngọn đèn điện tù tù.

- Đây, anh giúp tôi đưa người này về Pa Cao. - Gã kia nói, tay chỉ một ông già nằm thẳng đơ trên sàn, tấm chăn chiên Trung Quốc che đến cổ.

- Người nhà của ông à?

- Không cần biết.

Lúc này có đèn, hắn mới thấy mặt gã. Một khuôn mặt choắt, độc ác và gian xảo như của loài cáo - trên to, phía dưới nhọn dần, gần như hình tam giác. Cử chỉ và cách nói nhát gừng của gã cũng để lộ bản chất cáo gian xảo. Kinh nghiệm xe ôm nhiều năm giúp hắn biết nhận xét người nhanh và chính xác. Hắn thoáng hối hận đã nhận lời, nhưng tiền lấy rồi, có muốn thôi cũng chẳng được. Hắn đành tự an ủi rằng khi liên quan đến một việc thế này, không ai nỡ có lòng nào hoặc tâm trí nào làm hại hắn.

Gã kia kéo chăn. Ông già chết đã lâu, xác cứng đờ như cây củi, khiến gã phải đem hết sức bẻ gập người ông lại. Có tiếng răng rắc như xương gãy. Rồi gã nhẹ nhàng bê xác người bị gập thành hình vuông ấy ra xe, đặt lên yên. Hắn nổ máy. Gã kia, bằng hai động tác nhanh và gọn, bẻ gập tay ông già cho ôm vào bụng hắn rồi cũng ngồi lên xe.

- Đi!

° ° °

Có lẽ trên đời không nghề nào khốn nạn như nghề của hắn - nghề chở xác chết bằng xe ôm. Số là ở thị trấn hắn đang sống có một bệnh viện nhỏ và bệnh nhân chủ yếu là người miền núi. Nhu cầu đẻ ra nghề, đúng thế. Có bệnh viện là có người chết hoặc người bị trả về nhà chờ chết, trong khi đó lại không có đường ô-tô về làng bản. Mà nếu có, chưa hẳn người ta đã đủ tiền thuê thứ phương tiện hiện đại và tiện lợi ấy. Vậy chỉ còn cáng cõng hoặc thuê xe ôm. Từ đó mà thành nghề.

Có thể nói hắn là ông tổ khai sinh ra nghề này ở đây, với thâm niên hơn mười năm, tức là ngay từ ngày xe máy xuất hiện nhiều, dần dần thay thế xe đạp. Công bằng mà nói, nghề này kiếm tiền khá hơn nghề xe ôm chở người bình thường. Chỉ cái đáng sợ. Hắn lại nhát gan, bản tính hiền lành, hay sợ ma và đủ các thứ sợ khác. Vì những lý do dễ hiểu, người ta thường yêu cầu hắn chở vào ban đêm. Sợ lắm. Suốt cả mười năm qua, lần nào hắn cũng sợ, nhưng còn có cái khác đáng sợ hơn, là thiếu tiền. Hắn luôn thiếu tiền. Để lo cái ăn và nhất là thuốc thang cho mấy đứa con oặt ẹo. Thành ra không bao giờ hắn từ chối khi có việc, cả những việc đáng sợ nhất và ít tiền nhất mà đồng nghiệp hắn từ chối. Nói chung thì cái gì làm mãi cũng quen, cái sợ nào mãi rồi cũng hết, nhưng với hắn, cái sợ khi phải chở xác chết một mình giữa rừng trong đêm khuya thì lần nào cũng mới nguyên như lần đầu.

Cả lúc này hắn cũng đang rất sợ, sợ đến mức tay lái run run và mặc dù trời lạnh, từ thắt lưng trở lên người hắn đẫm mồ hôi. Hai tay ông già ôm chặt bụng hắn. Các ngón tay bấm sâu vào da như những mũi kìm. Cằm ông ta tì lên vai hắn. Chiếc mũi chạm vào gáy nhồn nhột.

- Ông cụ mắc bệnh gì mà chết? - Hắn lên tiếng cho đỡ sợ.

- Đi đi! - Gã kia nói như ra lệnh - Chú ý nhìn xuống đường kẻo ngã chết cả nút bây giờ.

Hắn thấy sợ cả thằng này. Một thằng cha bí hiểm, kỳ cục. Hắn nghĩ thà đi một mình với ông già còn hơn. Rồi hắn nhớ năm ngoái đêm khuya hắn chở một xác chết không người đi kèm lên Mèo Xị. Đó là một phụ nữ đang có bầu bị bệnh lao, xác cũng cứng queo và hắn phải hồi lâu lúng túng cột ngang yên xe như khúc gỗ, dọc đường mấy lần tuột, phải xuống buộc lại. Thế mà đi năm mươi cây số đến nơi, cả nhà người chết chạy vạy hàng xóm mãi mới được mười nghìn đồng trả công. Hắn cám cảnh không lấy, chỉ tu một hơi hết nửa chai rượu ngô vừa nhạt vừa chua, thắp nén hương cho người chết rồi lại đang đêm phóng xe về nhà. Lần khác, mới đây thôi, có anh con trai phải đưa bà mẹ hấp hối về cho kịp chết ở nhà. Bà cụ cũng ngồi giữa, ôm chặt hắn như ông già bây giờ. Anh con ngồi giữ phía sau. Giữa đường bà cụ chết lúc nào. Khi tới nơi thì tay chân đã cứng, gỡ mãi mới ra. May nhà có tiền trả hắn.

Những trường hợp như thế có nhiều, lần nào cũng đáng sợ, nhưng không hiểu sao lần này hắn thấy sợ hơn cả, thậm chí linh tính như có điều chẳng lành sắp xảy ra. Có lẽ từ cái thằng còn sống đang ngồi lầm lì phía sau. Không lẽ gã sẽ giết hắn để lấy chiếc Minkhơ cà tàng này? Giết người đang chở xác bố hoặc người thân hắn? Không thể thế được. Ai nỡ làm điều ấy? Hắn cảm thấy yên tâm hơn, nhưng hễ nhớ lại cái mặt cáo của gã, hắn lại thấy sợ. Vu vơ nhưng vẫn sợ.

Trời ngớt mưa, đỡ gió, đỡ lạnh hơn. Hắn chẳng nghe gì, thấy gì xung quanh, ngoài tiếng xe nổ tành tạch và vệt đèn đỏ quạch trước mặt. Cuối cùng xe đến chân đèo Phán Lìn. Con đèo ngắn nhưng dốc. Bên kia đã là Pa Cao, chừng dăm cây số nữa. Hắn cài số lùi cho xe từ từ leo lên, hơi cúi về phía trước. Thật lạ, hắn có cảm giác cái xác khô cứng của ông già hình như cũng cúi gập theo hắn. Hơn thế, hắn còn nghe cả tiếng thở của ông phả vào gáy. Hay gã kia? Không. Gã ngồi tít phía sau. Hai cánh tay người chết đang ôm bụng hắn bỗng mềm ra, các ngón mân mê lớp da bụng hắn. Một lần hắn nghe ông già khẽ ho, nhưng vì tiếng xe nổ to nên không dám chắc điều này. Hắn đánh bạo bỏ tay trái, sờ vào đùi ông già, thấy mềm như da thịt người sống. Chắc ông cụ sống lại? Hắn muốn hỏi mà không dám. Áo hắn bây giờ ướt đẫm hoàn toàn. Ông già dán người vào hắn, tay ôm chặt hơn, hơi thở phả vào gáy hắn mạnh hơn, nóng hơn. Giờ thì hắn tin ông thực sự đã sống lại. Tuy sợ nhưng hắn thầm mừng vì có thêm ông, một người có vẻ tử tế, nếu gã kia định làm điều gì xấu sẽ phải suy nghĩ lại...

- Dừng lại hút điếu thuốc đã! - Bất chợt gã lên tiếng khi lên đến đỉnh đèo.

Hắn thót tim, thầm lo sợ điều xấu nhất. Sát bên đường là bờ vực dựng đứng. "Nó sẽ đánh mình chết, xô xuống vực rồi cướp xe!". Hắn định cứ đi tiếp, hy vọng tên kia không dám đánh khi hắn đang cầm lái, vì có chuyện gì cả gã cũng chết. Tuy nhiên, như bị thôi miên, không hiểu sao hắn vẫn dừng xe. Đúng đỉnh đèo, sát vực. Gã kia xuống trước, châm thuốc hút rồi đưa cho hắn một điếu. Có vẻ như gã muốn dừng lại chỉ để hút thuốc thật. Ông già vẫn ngồi trên yên, không hiểu vì còn sống hay vì hai chân cứng đờ kẹp chặt vào xe nên không ngã. Hắn không đủ bình tĩnh để kiểm tra.

Hai người im lặng đứng hút thuốc cạnh chiếc xe và ông già. Hắn vẫn luôn để mắt canh chừng. Khi hút xong, vừa nhìn theo mẩu thuốc bị vứt đang bay xuống vực, hắn chợt thấy gã nọ rút trong ngực ra cái gì đó ngắn và to như chiếc búa. Hắn né người tránh, nhưng cũng đúng lúc ấy thấy gã kia lại ngã gục vì cú đánh mạnh của chính chiếc búa gã vừa giơ lên. Vì ngã ngay mép vực, gã quằn quại một lúc rồi từ từ lăn xuống rất sâu phía dưới. Hắn bàng hoàng không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Dứt khoát thằng kia không thể tự đánh vào đầu mình. Vậy chỉ có ông già. Ông vẫn ngồi bất động trên xe. Chiếc búa sắt nằm ngay dưới chân. Có thể ông kịp giật chiếc búa mà hắn không nhìn thấy. Nhưng ông đã chết. Hắn lại gần sờ lên vai, lên mặt. Quả ông chết thật, người cứng đơ.

"Làm gì bây giờ? - Hắn ngồi xuống vệ đường, ngơ ngác tự hỏi - Lại còn cái xác này nữa".

Mười lăm phút sau hắn đứng dậy, quyết định chở ông già về Pa Cao. Ở đấy chịu khó hỏi, chắc sẽ tìm được người thân của ông. Hắn vốn thương người, nghĩ không thể để ông nơi này một mình, lại càng không thể vứt xuống vực. Biết đâu chính ông đã cứu sống hắn.

Hắn ngồi lên xe, nổ máy. Mưa bắt đầu nặng hạt trở lại. Đi được một quãng, hắn nghe có tiếng rơi đánh bộp sau lưng, ngoái lại thì thấy ông già đang nằm dưới đường. Hắn lúi húi đặt cái xác lên xe, bẻ tay cho ôm chặt bụng mình, rồi đi. Rồi lại rơi. Cuối cùng hắn phải lấy dây cao su cột chặt ông vào người hắn và yên ổn đi tới tận Pa Cao, nơi hắn rẽ vào ngôi nhà đầu tiên có ánh lửa cách đường khoảng mươi mét.

Ngẫu nhiên hắn vào đúng nhà ông thầy mo, chính xác hơn, trước đây là thầy mo.

- Thằng ấy tôi biết. Cứ để nó nằm dưới vực cho quạ rỉa. Đồ bất lương. - Ông thầy mo nói khi nghe hắn kể hết mọi chuyện. Ông ta sống một mình, vẻ khắc khổ và cũng thuộc loại người khó đoán tuổi. Lúc ấy ông ta đang ngồi uống rượu một mình với mấy củ sắn luộc bên bếp.

- Thế ông già này là ai và vì sao lại chết? - Hắn hỏi, chỉ tay vào cái xác.

- Chuyện dài lắm. Anh chẳng cần biết làm gì. Thôi, uống rượu đi cho ấm bụng.

Hắn đỡ lấy chai rượu, tu một hơi hết sạch. Chủ nhà lấy thêm chai nữa. Hắn lại uống. Vốn không phải sâu rượu nhưng lúc này tự nhiên hắn muốn uống thật nhiều để quên đi những gì vừa trải qua. Ông kia quý cái tính thật thà và thương người của hắn. Hắn cũng thấy mến ông.

- Cháu ở dưới thị trấn, cạnh bệnh viện, cứ hỏi Tí xe ôm, ai cũng biết. - Hắn nói to, thậm chí còn cười.

Lúc này rượu đã ngấm và hắn bắt đầu say.

- Tết này rỗi, mời hai bác xuống nhà cháu chơi.

Ông thầy mo nheo mắt cười, chỉ tay vào xác chết bên cạnh:

- Ở đây chỉ có tôi và ông này. Anh định mời cả ông ấy nữa à?

Hắn đớ người một lúc rồi cũng cười:

- Thì mời cả ông ấy nữa! Ông ấy chẳng đã cứu cháu thoát chết đó sao.

- Được, thế thì sớm muộn chúng tôi cũng tới thăm anh. - Ông kia đáp rồi quay sang xác chết - Có đúng thế không, ông A Lẩu?

Cái xác được gọi là A Lẩu không đáp, nhưng hắn thấy nó gật đầu. Hắn dụi mắt ngạc nhiên, đến sờ vào người ông, thấy vẫn cứng đờ. Chắc mình nhìn nhầm, hắn nghĩ, nhưng vì đang say nên hắn chẳng nghĩ nhiều về điều đó.

Hai người còn ngồi uống rượu thêm hồi lâu, rồi hắn cùng ông thầy mo đem xác A Lẩu ra chôn trên mé đồi sau nhà. Khi xong việc thì trời gần sáng. Mệt quá, hắn ngủ một giấc gần trưa mới lên xe về nhà.

° ° °

Cuộc sống và công việc của hắn lại tiếp tục như cũ, với hai nỗi sợ thường trực là nghèo đói và những xác chết mà hắn phải chở vào ban đêm ở vùng miền núi hoang vu hẻo lánh này. Khó nói cái nào đáng sợ hơn. Cái đói thúc bách hàng ngày, đòi có tiền. Các xác chết kinh khủng thật, nhưng lại cho tiền, dù không phải hàng ngày. Đội quân xe ôm gồm những người cũng nghèo như hắn, làm cùng nghề như hắn đang đông dần. Cũng tranh giành nhau như ở bến xe hay sân ga. Cũng có cả chuyện quỵt tiền công và bắt chẹt khách, những người đang hấp hối hoặc đã chết. Tóm lại, nó gần như một nghề bình thường, và hắn tiếp tục sống bằng nghề ấy. Thậm chí cái đêm kinh khủng suýt bỏ mạng kia cuối cùng cũng trở thành một như rất nhiều các "kỷ niệm" khác.

Tối mồng hai Tết năm ấy nhà hắn có khách từ dưới xuôi lên. Dẫu nghèo, hắn cũng lo nổi một bữa tử tế đãi họ. Đang vui, hắn nghe có tiếng gõ cửa, vội đi ra. Vợ hắn bận gì dưới bếp.

- Tôi đến theo lời mời của anh. Quên nhau rồi à?

Hắn há hốc mồm, nhìn người đứng trước mặt. Đúng hơn không phải người mà là một xác chết đang thối rữa, lủng lẳng những miếng thịt trên tứ chi chưa kịp rứt khỏi xương, nhưng khuôn mặt thì còn nguyên. Hắn thấy quen quen.

- A Lẩu...

- Vâng, tôi là A Lẩu đây. Ông thầy mo hôm nay bận nên tôi đến một mình. Hai chúng tôi quý anh lắm. - Cái xác cười, miệng đỏ lòm - Sao, không mời khách vào nhà à? Cách đây ba tháng, ở Pa Cao anh chẳng mời chúng tôi Tết này đến nhà chơi đấy ư?

- Ờ, vâng... vâng... - Hắn ấp úng.

- Đừng lo. Không ai nhìn thấy tôi và ngửi thấy cái mùi nằng nặng đang bốc ra từ người tôi đâu. - Cái miệng đỏ lại cười khi thấy hắn chần chừ - Vâng, không ai ngoài anh. Mà anh với tôi là chỗ bạn bè, chuyện ấy có gì quan trọng.

Nói đoạn, A Lẩu cứ thế bước vào nhà. Hắn đành miễn cưỡng đi theo. Ông già thản nhiên ngồi xuống một chỗ còn trống trên chiếc chiếu để đầy thức ăn giữa nhà, thản nhiên rót rượu và dùng những ngón tay chỉ còn trơ xương trắng bốc thức ăn. Mọi người quả nhiên không nhìn thấy ông, không ngửi thấy gì thật vì không ai rú lên, cũng không ai kêu thối. Hắn thấy một người chạm tay vào ông mà không vướng, không có cảm giác gì. Lạ thật.

- Anh vẫn phải làm cái nghề khốn khổ ấy à? - A Lẩu hỏi.

- Vâng, bác thấy đấy, còn biết làm gì khác nữa ở đây.

- Ừ, để kiếm sống, ai cũng phải làm một nghề nào đó. Nghề của anh còn lương thiện chán. Không như thằng thuê anh chở tôi về Pa Cao ngày nào...

- Có phải bác giết nó khi nó định đập búa vào đầu cháu không? - Hắn vội hỏi điều băn khoăn lâu nay - Không có bác, chắc cháu đã chết. Cháu xin cảm ơn.

- Ơn với huệ gì. Anh cũng không vứt tôi xuống vực. Coi như huề.

Ông già với tay lấy chiếc đùi gà ở góc chiếu đối diện, đúng lúc có người khách giơ bát gắp cái gì đấy.

Một miếng thịt rữa rơi từ tay A Lẩu xuống đúng chiếc bát. Hắn nhắm mắt, suýt kêu lên, lúc mở mắt ra đã thấy người kia ăn hết một cách ngon lành mà không nhận thấy gì khác thường.

Cuối cùng ông già đứng dậy.

- Cảm ơn anh. Bữa ăn rất ngon. Năm mới, tôi cũng có chút quà. - Ông lấy đâu đó trong người ra chiếc bọc nhỏ bằng vải đỏ gấp vuông vức, đặt lên đầu giường - Còn đây là thuốc chữa bệnh cho mấy đứa trẻ. Có giấy ghi cách sử dụng trong đó - Ông đưa thêm chiếc lọ thủy tinh màu đen.

Tới cửa, lúc chia tay, A Lẩu nói thêm:

- Anh có nhã ý mời tôi thì tôi cũng phải mời lại anh cho đúng phép. Mai giờ này tôi đến đây đón anh cùng đi.

Nói đoạn, ông từ từ biến mất trước con mắt ngỡ ngàng của hắn.

Không ai biết tối hôm sau hắn được đưa đi đâu, mời ăn những gì, chỉ thấy buổi sáng quay về hắn luôn mồm nôn ọe, rồi ốm, nằm mê sảng đúng một tuần mới khỏi.

Cũng không ai biết có gì trong chiếc bọc vải đỏ ông già A Lẩu tặng hắn. Nhưng một điều ai cũng nhận thấy là từ đó gia đình hắn trở nên khá hơn. Con cái khỏi bệnh, nhà có đồng ra đồng vào, thậm chí còn sắm được chiếc ti-vi Tàu. Tất nhiên hắn vẫn phải hàng ngày chầu chực giành nhau từng xác chết ngoài cổng bệnh viện. Nhưng được thế cũng là đổi đời lắm rồi. Có thể nhờ A Lẩu mà số khách người chết của hắn nhiều hơn khách còn sống. Cũng có nghĩa là kiếm được nhiều tiền hơn, dù đôi khi phải rợn tóc gáy. Hắn vẫn chưa và có lẽ không bao giờ quen được với nỗi sợ ấy.

Cứ thế hắn làm ăn phát đạt, đến mức cuối cùng dám quyết định đưa cả nhà về sống ở một thành phố lớn. Vẫn làm nghề xe ôm, nhưng ở ga xe lửa. Mấy đứa con đã lớn. Cu Tí, đứa đầu học lớp năm, có một tập giấy khen "Học sinh tiên tiến". Đứa sau, cũng con trai, học hơi dốt, phải đúp lớp hai nhưng nhờ trời, luôn khỏe mạnh và thông minh trong mọi việc, trừ học. Vợ hắn, người đàn bà ẻo oặt với đôi mắt vô hồn, nay cũng bắt đầu có da có thịt, nhiều khi còn cười rất dễ coi, nhất là những hôm không ế mấy thứ hàng rau quả. Vậy là ổn, và hắn lấy làm hài lòng, gần như thỏa mãn. Hắn biết có được như ngày nay một phần nhờ A Lẩu.

Ông già vẫn đều đặn đến thăm hắn mỗi năm một lần đúng vào đêm mồng hai Tết. Và luôn có quà - vẫn chiếc bọc nhỏ vải đỏ gói vuông vức đựng cái gì bên trong không ai biết. Bây giờ ông chỉ còn là bộ xương trắng hếu không kèm theo mùi hôi thối, nhưng giọng nói, cách cư xử và nhất là tình cảm của ông đối với hắn thì không thay đổi. Hắn chẳng còn sợ như trước, và biết lệ, không mời ai đến nhà vào tối ấy. Hắn đã có thể bình tĩnh ngồi uống rượu, chuyện trò với vị khách - bộ xương. Cái hắn sợ là hôm sau phải làm khách của ông, vì lần nào trở về, hắn cũng nôn ọe mãi và ốm, mê sảng đúng một tuần như lần đầu. Cả cái sợ này hắn cũng không thể nào quen nổi, đến mức nhiều khi hối hận rằng ở Pa Cao do say rượu đã trót mời A Lẩu đến thăm nhà mình. May mà mỗi năm chỉ một lần.

"Gì thì gì, cũng đừng nên bao giờ đùa với ma", hắn thở dài nghĩ bụng. Và nhẫn nhục chờ Tết năm tới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét