Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

NGỒI MÀ QUYẾT VIỆC Ở ĐÔNG NAM

 


Tôn Quyền

Tập thứ bốn mươi bốn: NGỒI MÀ QUYẾT VIỆC Ở ĐÔNG NAM

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Khác với Tào Tháo và Lưu Bị - tay trắng, gian khổ dựng nghiệp, từ lúc vị thành niên, Tôn Quyền đã tiếp nhận cả một cơ nghiệp do cha, anh để lại, có cựu thần ủng hộ, người mới phò tá. Nhưng Tôn Quyền lại là người xưng đế cuối cùng trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Vì sao Tôn Quyền phải hoãn đi hoãn lại? Phía sau sự âm thầm nhẫn nhịn đó, điều gì là trở ngại, phải khổ tâm? Tôn Quyền đã làm gì trước những khó khăn để đi tới thành công?

 

 

Tập trước chúng ta đã nói vấn đề này, cuối cùng thì Tôn Quyền có điểm gì hơn người, hút được đám quần hùng. Vấn đề này đáng được bàn bạc. Chúng ta đều biết, trong “ba cái đầu lớn” Ngụy, Thục, Ngô, Tôn Quyền là người tương đối đặc biệt. Tào Tháo và Lưu Bị tự sáng lập nên cơ nghiệp, phải tự xông pha chiến trận để có được giang sơn. Còn Tôn Quyền, là người thay thế. Có điều, trong số những người thay thế thì Tôn Quyền là đột xuất nhất. Tào Phi chỉ là người hoàn thành lễ đội mũ, nhận “đế nghiệp” do người cha sáng lập, còn Lưu Thiền không giữ nổi cơ nghiệp nhỏ nhoi của mình. Chỉ có Tôn Quyền mới biết phát triển “bá nghiệp” của cha, anh thành “đế nghiệp”, chả trách đời sau đã ca ngợi Tôn Quyền: “tuổi nhỏ đã thành đế nghiệp, không ngơi nghỉ ngồi mà quyết trận ở Đông Nam, Thiên hạ anh hùng ai địch nổi? Con cái Tào, Lưu ai bằng Tôn Trọng Mưu!” (Nam hương tử. Đăng Kinh khẩu bắc cố đình hữu hoài của Tân Khí Tật), đúng là Tôn Quyền rất giỏi.

 

 

Mọi người hâm mộ Tôn Quyền. Tào Tháo Nam chinh Bắc chiến, vào sinh ra tử mới từ tay trắng phát triển thành nửa giang sơn. Lưu Bị nằm gai nếm mật, khổ sở trăm bề, mới thoát cảnh ăn đậu ở nhờ, phát triển thành một vùng. Tôn Quyền rất khá, tiếp nhận cơ nghiệp của cha, anh lúc vị thành niên. Trong lúc hãi hùng lo sợ đó, đã được Trương Chiêu và Chu Du, cựu thần lão tướng thời Tôn Sách, như hai cây cột chống trời, kịp ngăn được hoạ lớn, trời sụp. Tiếp đến là Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn, Cố Ung trước sau tìm đến như mây gió gặp nhau. Tôn Quyền không giống Tào Tháo, Lưu Bị, mỗi lần ra trận phải xách gươm, cầm giáo xông lên trước. Nhiều lúc, như trong các trận Xích Bích, Di Lăng, Tôn Quyền chỉ ngồi ở hậu phương mà bố lệnh. Vì vậy, nhiều người nói Tôn Quyền thật có phúc, thậm chí ngài Chu Trạch Hùng còn gọi Tôn Quyền là “phúc soái”.

 

 

Nhưng Tôn Quyền cũng chẳng dễ dàng gì.

 

 

Mọi người đều biết, trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô, Tôn Quyền là người xưng đế sau cùng. Do Tôn Quyền không muốn? Đương nhiên không phải. Tôn Quyền không thể chăng? cũng vị tất. Tháng mười năm Kiến An thứ XXV (Công nguyên năm 220), Tào Phi xưng đế, đổi hiệu là Hoàng Sơ. Nửa năm sau, tháng tư niên hiệu Ngụy Văn đế Hoàng Sơ năm thứ II (Công nguyên năm 221), Lưu Bị xưng đế, đổi hiệu là Chương Võ. Nếu lúc này Tôn Quyền cũng làm thế thì chẳng có gì là không được. Ngay như A Q cũng biết, hoà thượng sờ được, sao ta không sờ được? Vả lại Đại Hán mất thì đã mất rồi, bạn không xưng đế thì sẽ xưng thần với ai đây? Sau khi Lưu Bị xưng đế được bốn tháng, Tôn Quyền chọn “xưng phiên” với Tào Phi (vào tháng tám năm Hoàng Sơ thứ II), còn phái sứ giả đến, tỏ rõ sự thần phục, trả tướng Ngụy bị bắt là Vu Cấm. Và sau ba tháng (tháng mười một Hoàng Sơ năm thứ II), Tôn Quyền được Tào Phi sắc phong là Ngô vương. Lần thứ nhất đã bỏ qua cơ hội xưng đế.

 

 

Lần thứ hai là tháng tư năm Hoàng Võ thứ II (Công nguyên năm 223), Hoàng Võ là niên hiệu của Đông Ngô. Trước lúc Tào Phi xưng đế, về danh nghĩa vương triều Đại Hán vẫn còn, nên mọi người phải dùng niên hiệu của Hán Hiến đế. Sau khi xưng đế, Tào Phi và Lưu Bị dùng niên hiệu của mình như Hoàng Sơ và Chương Võ. Tôn Quyền tuy chưa xưng đế, nhưng được phong là Ngô vương, là vương quốc độc lập, nên đến năm thứ hai thì đổi niên hiệu là Hoàng Võ. Tức là sau khi Hán Hiến đế bị hạ bệ thì không còn niên hiệu chung. Để có một thái độ chung với ba nước, mỗi khi nói nước nào, tôi sẽ dùng niên hiệu của nước đó. Tuy có phiền hà cho độc giả, nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Đằng sau từng niên hiệu còn ghi ngày theo dương lịch, có thể giúp mọi người thoát được cảnh mơ hồ.

 

 

Theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, vào tháng tư năm Hoàng Võ thứ II, quần thần có lời khuyên Tôn Quyền làm Hoàng đế, Tôn Quyền đã cự tuyệt (Quyền không theo). Nhìn chung trong lịch sử, mỗi khi các nhân vật cỡ lớn xưng “Tôn hiệu” là vương hay là đế, đều do người dưới có lời khuyên, còn mình thì từ chối và từ chối. Như Tào Tháo từ chối tới ba lần. Lưu Bị không chịu xưng đế, Gia Cát Lượng có lời khuyên. Nhưng lần này Tôn Quyền “không theo”, không phải giả vờ, mà là thực bụng không đồng ý. Theo lời chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi, Tôn Quyền không đồng ý vì thấy không nỡ. Tôn Quyền nói, vương triều Đại Hán suy bại đến nước này (nhà Hán đổ vỡ), quả nhân không cứu được (không thể cứu giúp), còn bụng dạ nào mà tranh giành?

 

 

Đương nhiên đúng là dối trá, quỷ cũng không tin. Nếu thực bụng vì Hán thất thì vì sao lại nhận phong hiệu của “giặc Tào”? Nếu đúng là vì tiết nghĩa thì đừng làm Ngô vương nữa! Ngô vương làm được, sao Ngô đế không làm được? Vì vậy quần thần cho Tôn Quyền từ chối là làm trò, vì thế mới kiên trì (mời lại lần nữa). Tôn Quyền hết cách đành phải nói ra một chút sự thực. Tôn Quyền nói, vì sao quả nhân lại nhận phong hiệu của Tào Nguỵ? Vì lúc đó Lưu Huyền Đức sắp đánh tới (chỉ trận chiến ở Di Lăng), phía Tào Nguỵ lại có ý muốn giúp chúng ta. Quả nhân hiểu rõ, giúp đỡ như vậy khác gì là ép buộc. Nếu quả nhân không cúi đầu xưng thần, họ sẽ cùng Lưu Bị đánh thẳng tới (cùng phía tây đánh tới), khiến chúng ta “hai phía đều có giặc”. Hậu quả thực nghiêm trọng, vì vậy, quả nhân không thể không nén nhịn “nhận sự phong vương”. Ý đồ đó (nhận ở dưới người khác), quả nhân biết các vị chưa thực rõ (chưa biết hết), nhân tiện giải thích như vậy (xin nói như vậy)!

 

 

Nói như vậy mới đúng có một phần. Điều đó giải thích vì sao năm Hoàng Sơ thứ II (Công nguyên năm 221) lại nhận phong, nhưng chưa giải thích được vì sao năm Hoàng Võ thứ II (Công nguyên năm 223) lại không xưng đế. Vì chúng ta đều biết, lúc này Lưu Bị đã bại trận ở Di Lăng, Tôn Quyền và Tào Phi đã trở mặt. Tôn Quyền và Tào Phi trở mặt trước đó một năm (Công nguyên năm 222). Đây là nguyên nhân khiến Tôn Quyền đổi hiệu Hoàng Võ. Tam quốc chí - Ngô chủ truyện nói, “Quyền đổi niên hiệu, giữ vững Lâm Giang”. Ý tứ rất rõ ràng: Quả nhân không coi ngươi là hoàng thượng, không dùng niên hiệu của ngươi nữa, muốn đánh thì cứ đến mà đánh! Kể cũng lạ, Tôn Quyền đã trở mặt với Lưu Bị và Tào Phi, thì việc gì còn phải chờ đợi nữa?

 

 

Lý lẽ thật đơn giản. Chính vì trở mặt nên không còn cảm giác an toàn. Thực tế thì vấn đề lớn nhất của Tôn Quyền là không còn cảm giác an toàn. Theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, trước khi nhận phong hiệu của Tào Phi, Tôn Quyền từng có lệnh đến chư tướng. Tôn Quyền nói, khi sinh tồn thì đừng quên sự diệt vong (tồn không quên vong), khi được an toàn phải nghĩ đến lúc nguy hiểm (an tất nghĩ nguy), đó là bài học tốt nhất mà người xưa để lại (bài học hay của người xưa). Huống hồ các vị đang ở biên cảnh (thân tại biên cương), trước mặt là kẻ địch mạnh (hổ lang giao tiếp), lẽ nào có thể sơ suất không nghĩ tới điều lạ (khinh suất không nghĩ đến tai hoạ)! Rõ ràng, Tôn Quyền luôn coi Tào, Lưu là “hổ báo”, luôn phải đề phòng.

 

 

Có điều Tôn Quyền cũng biết, Tào Ngụy không dễ chơi, nhưng có thể tránh được. Vì vậy, sau khi trở mặt “vẫn còn đi lại với Ngụy Văn đế”. Bên phía Lưu Bị cũng không nên đắc tội nhiều, cái gì tốt vẫn nên thu. Tốt nhất, không nên đắc tội với hai nhà hoặc là vừa đẩy vừa kéo, đừng làm điều gì quá đáng. Có thể đây là tâm tư của Tôn Quyền. Không tin thì hãy xem niên hiệu của Tôn Quyền nói lên điều gì? Hoàng Võ. Rõ ràng đây là Hoàng Sơ của Tào Phi thêm Chương Võ của Lưu Bị. Sau này khi xưng đế, niên hiệu của Tôn Quyền là “Hoàng Long” (lúc này niên hiệu của Thục là Kiến Hưng, của Ngụy là Thái Hoà). Ý nghĩa thực rõ ràng: quả nhân khác gì cá chép đã vượt long môn, đành phải thế thôi!

 

 

Đó là Tôn Quyền. Tôn Quyền đi đường khác với Tào Tháo và Lưu Bị. Đại sư sử học, ngài Tiễn Bá Tán nói rất hay, Tào Tháo “coi hoàng bào như áo thường”. Từ đây, chúng ta có thể nói: Lưu Bị, coi áo thường là hoàng bào để mặc; Tôn Quyền mặc trái hoàng bào. Hoặc nói, Tôn Quyền tự may hoàng bào cho mình và lộn trái ra mặc. Chờ lúc thời cơ chín muồi, thật thuận tiện mới mặc mặt phải ra ngoài. Trần Thọ nói, Tôn Quyền “có cái hay của Câu Tiễn” (Bình Ngô chủ truyện), không còn gì chuẩn xác hơn. Mọi người nghĩ xem, lẽ nào Câu Tiễn lại là người có thể mặc áo trái? Có điều, áo Câu Tiễn mặc lại chính là vương bào!

 

 

Lúc này chúng ta đã có thể trả lời vấn đề đặt ra ở tập trước: Vì sao Tôn Quyền có thể được lão thần ủng hộ, người mới theo về, có thể được nhiều anh hùng hết sức phò tá? Là bởi Tôn Quyền có “cái hay của Câu Tiễn” là “anh tài kiệt xuất”. Không còn nghi ngờ gì, một người có thể may lấy hoàng bào, tự mặc hoàng bào thì đúng là người Chu Du, Lỗ Túc hy vọng phò tá.

 

 

Tôn Quyền đúng là một người như vậy?

 

 

Đúng. Trời phú cho con người Tôn Quyền có một số đặc thù. Tam quốc chí - Ngô chủ truyện dẫn lời Lưu Uyển, Tôn Quyền “hình mạo kỳ vĩ, cốt thể bất thường”. Thế nào là “cốt thể bất thường”? Lời chú dẫn Hiến đế Xuân Thu của Bùi Tùng Chi nói, “dài trên ngắn dưới”. Thế nào là “hình mạo kỳ vĩ”? Chú dẫn Giang Biểu truyện nói “Di vuông miệng lớn, mắt sáng lung linh”. Di, là hai bên má. “Di vuông, miệng lớn” có vẻ là uy vũ hùng tráng, “mắt sáng lung linh” tức là trong mắt có thần. Tính cách của Tôn Quyền cũng rất tốt, “rộng rãi, nhân từ và hào hiệp”. Điều quan trọng nhất, từ rất sớm Tôn Quyền đã tham dự chính sự cùng Tôn Sách (cùng bàn mưu kế), Tôn Sách luôn kinh ngạc về những phát biểu của Tôn Quyền (Sách thường thấy lạ, cho rằng mình không bằng). Vì vậy, Tôn Sách để Tôn Quyền luôn đi theo bên mình và mỗi lần gặp gỡ quần thần Sách luôn quay lại nói với Quyền, người anh em, sau này các vị đây sẽ là đại tướng của ngươi.

 

 

Tôn Sách không nhìn nhầm Tôn Quyền. Chúng ta đều biết, Tôn Quyền thay thế lúc mới mười tám tuổi, đang độ khí huyết phương cương lại sẵn có hiệp khí trong người, nên vừa nhận chính quyền đã nhanh chóng ổn định. Phần trên đã nói, vào năm Tôn Quyền vừa thay thế, Lỗ Túc được Chu Du khuyên tiến đã về với Tôn Quyền, đã có quy hoạch to lớn giúp Tôn Quyền, xác định phải “dựng hiệu đế vương giành thiên hạ”. Lúc đó Tôn Quyền đã nói như thế nào? Tôi nói một câu chẳng mặn mà gì: để phò tá Hán thất, Tôn mỗ sẽ làm việc hết mình (tận lực để phò tá Hán thất). Bởi tướng quân chưa thể nghĩ và chưa thể làm được như điều ngài nói (chưa theo được lời đó). Theo tôi, đó là mấy lời khách sáo. Vì tình hình lúc đó, đúng như Lã Bố nói, “Quận quận muốn làm đế, huyện huyện muốn xưng vương” (xem lời Lã Bố và Tiêu Kiến Thư ghi trong chú dẫn Anh hùng ký của Bùi Tùng Chi ở Tam quốc chí - Lã Bố truyện) không ít người muốn làm Hoàng đế. Người khác muốn, Tôn Quyền không muốn chăng? Theo tôi là muốn. Theo Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện, Tôn Quyền xưng đế sau 22 năm, trước khi lên đàn còn quay lại nói với mọi người, bấy giờ Lỗ Tử Kính đã nghĩ tới hôm nay, thực là “thấu rõ sự đời”. Rõ ràng “chưa theo được lời đó” là chưa thành thực, “thấu rõ sự đời” mới là thực. Có điều, thực lực của tập đoàn Tôn thị, năng lực của cá nhân Tôn Quyền khi đó chưa đủ để thực hiện ước mơ làm Hoàng đế, vì vậy mới qua loa vài câu cho xong chuyện.

 

 

Sự việc đó nói rõ điều gì? Tôn Quyền biết nhẫn nhịn. Nhẫn nhịn là tố chất cần thiết của nhà quân sự, nhà chính trị. Những ai đã đọc Tào Quế luận chiến thì đều rõ: “Ra trận phải có dũng khí. Hăng xong rồi sẽ yếu, yếu rồi sẽ kiệt”. Tức là, khi hai bên đang dàn trận, ai biết nhẫn nhịn người đó sẽ hơn. Nếu địch mạnh ta yếu, lại càng phải nhẫn nhịn, nếu không là tự chuốc lấy diệt vong. Vì vậy, các nhà chính trị, nhà quân sự thành công đều là những người nhẫn nhịn trước, sau mới khắc địch, giành thắng lợi. “Địch tiến ta lui, địch ngừng ta quấy, địch mỏi ta đánh, địch chạy ta đuổi”, trước hết là phải nhẫn nhịn (địch tiến ta lui), sau đó làm cho địch không nhịn được (địch ngừng ta quấy), cuối cùng mới có thể khắc địch giành thắng lợi.

 

 

Thực tế là trong quá trình sáng nghiệp, Tôn Quyền luôn biết nhẫn nhịn. Theo lời chú của Bùi Tùng Chi cuối thiên Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, Phó Huyền thời Tấn nói tới sự khác nhau giữa Tôn Sách và Tôn Quyền, nói tác phong của Tôn Sách “sáng suốt độc đoán, sức mạnh hơn người”, sách lược của Tôn Quyền “biết chờ thời cơ, binh không manh động”, cho nên “đánh ít bại và Giang Nam yên ổn”. Đúng, Tôn Quyền tuy “Làm chủ Đông Nam, chiến tranh không dứt” nhưng về cơ bản chỉ đánh những trận có đảm bảo. Và đã chủ động xuất kích thì luôn giành thắng lợi hoặc không có tổn thất lớn. Như năm Kiến An thứ VIII đánh Hoàng Tổ, kết quả “phá tan quân thuyền”; năm thứ XII lại đánh Hoàng Tổ, kết quả “dân chúng đến hàng”, năm thứ XIII, lần thứ ba đánh Hoàng Tổ, kết quả là “đánh vào thành” và “bắt kẻ cầm đầu”; năm thứ XIV đánh Tào Nhân, kết quả “Nhân bỏ thành mà chạy”; năm thứ XIX đánh Hoàn thành, kết quả là “phá thành”. Được như vậy, vì “binh không manh động”.

 

 


Trận Xích Bích

Duy còn một điều mọi người thấy khó hiểu là trận chiến Xích Bích.

 

 

Đúng. Nhiều người lấy làm khó hiểu vì sao Tôn Quyền lại liên Lưu chống Tào. Thứ nhất, cuộc chiến vốn chẳng có liên can gì, nhưng vì sao Tôn Quyền lại phải nhảy vào hố nước đó? Thứ hai, cuộc chiến đó không chắc thắng, vì sao Tôn Quyền phải mạo hiểm? Thứ ba, cuộc chiến đó một bên không thân thiết (Lưu Bị), một bên không lễ tiết (Tào Tháo) thì vì sao Tôn Quyền lại nghiêng về một bên? Vì vậy, nhiều người cho rằng Tôn Quyền bị Lỗ Túc, Chu Du, Gia Cát Lượng kéo xuống nước, việc hình thành liên minh Tôn - Lưu quy công cho Lỗ Túc, Chu Du và Gia Cát Lượng. Trong quyển đầu Phẩm Tam Quốc, tôi cũng nói vậy.

 

 

Nhưng lúc này có thể nói với mọi người, người tạo dựng chính, liên minh Tôn - Lưu là Tôn Quyền, không phải Lưu Bị, không phải Khổng Minh, không phải Lỗ Túc, không phải Chu Du. Thực tế thì mấy truyện trong Tam quốc chí đã nói rất rõ. Ngô chủ truyện nói, Chu Du và Lỗ Túc “Tranh cãi xong xuôi, ý giống với Quyền”. Chu Du truyện dẫn lời Quyền “Ngài nói rất rõ, hợp ý cô đây”; Lỗ Túc truyện dẫn lời Tôn Quyền cũng nói, “ý của mọi người làm cô thất vọng, nay khanh có kế lớn, rất giống ý cô”. Lời chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Chu Du truyện cũng nói, buổi tối Chu Du gặp Tôn Quyền muốn có 5 vạn tinh binh, Tôn Quyền nói lại “đã chọn 3 vạn người, thuyền lương, chiến cụ đầy đủ”, rồi để Chu Du, Lỗ Túc và Trình Phổ đi trước, mình hỗ trợ ở Sài Tang. Nếu bọn Chu Du ra quân thất lợi, Tôn Quyền chuẩn bị sống mái một trận với Tào Tháo (cô quyết chiến với Mạnh Đức).

 

 

Không còn gì rõ ràng hơn, quyết tâm liên Lưu chống Tào không phải ai khác, mà chính là Tôn Quyền. Nếu không, thì sao Tôn Quyền lại nói, kiến nghị của bọn Trương Chiêu “khiến cô thất vọng”, lại nói, ý kiến của Lỗ Túc, Chu Du “chính giống ý cô”, “rất hợp ý cô”? Sao đã chuẩn bị xong cho Chu Du 3 vạn người, đến thuyền bè, lương thảo, vũ khí cũng đều có đủ? Sao lại có thể nói với Chu Du “gặp nhau có gì bất lợi sẽ trở lại, cô quyết đấu với Mạnh Đức một phen”? Rõ ràng là Tôn Quyền đã quyết định. Đôi mắt ngời sáng của Tôn Quyền đã nhìn thấu qua sông, qua lớp sương mù, tới làn khói nhẹ tận vùng thượng du.

 

 

Dù vậy, Tôn Quyền vẫn giữ kín, xưa nay chưa từng chủ động nói rõ suy nghĩ của mình với người khác. Trong quá trình tìm quyết sách, Tôn Quyền luôn hỏi ý kiến mọi người. Lỗ Túc nói, Tôn Quyền vẫn muốn nghe Gia Cát Lượng nói. Gia Cát Lượng nói rồi, Tôn Quyền vẫn muốn nghe Chu Du nói. Mọi người có cảm giác như, Tôn Quyền đều nghe ý kiến mọi người. Tôn Quyền có đầy đủ tố chất một lãnh tụ. Tôn Quyền biết rất rõ, muốn có một quyết sách lớn, phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng, phải có sự ủng hộ kiên quyết. Nói tới chủ chiến, tốt nhất là nghe ý kiến của phái chủ chiến (Lỗ Túc, Chu Du); nói tới liên minh, tốt nhất phải xem người chủ trương liên minh nói gì (Gia Cát Lượng). Có người bất đồng ý kiến (Trương Chiêu), không sao, đây đúng là lúc xem lại thái độ chính trị và lập trường chính trị của cá nhân người đó. Thời gian có kéo dài ra cũng không sao, Tôn Quyền biết nhẫn nhịn. Tôn Quyền hiểu rõ, chỉ có nhẫn nhịn mới có quyết sách đúng đắn, mới có thể khắc địch, thắng lợi.

 

 

Tôn Quyền nhẫn nhịn, thay đổi sắc mặt. Trong đời mình, không biết bao nhiêu lần Tôn Quyền đã trở mặt, Tôn Quyền và Lưu Biểu có thù đời đời, nhung khi Lưu Biểu mất, Tôn Quyền cử Lỗ Túc đến viếng; Tôn Quyền và Lưu Bị là bạn liên minh, nhưng khi Quan Vũ đánh Tương Phàn, Tôn Quyền đã chọc dao ở sau lưng. Tôn Quyền liên Lưu rồi phản Lưu, hàng Tào rồi lại bội Tào, cho mượn Kinh châu rồi đoạt Kinh châu, thờ Tào rồi lại chửi Tào. Trước trận chiến Xích Bích, Tào Tháo khí thế dũng mãnh, Tôn Quyền chống lại; sau trận chiến Xích Bích, Tào Tháo thế công đã giảm, Tôn Quyền đầu hàng. Quan Vũ uy trấn Hoa Hạ, Tôn Quyền lén đánh; lúc Lưu Bị đại bại ở Di Lăng, Tôn Quyền xin hoà. Tôn Quyền giống như nhân vật trong truyện Cổ Long, vào lúc không thể bàn bạc được ở góc độ bế tắc, Tôn Quyền lại có chiêu có thể bàn bạc được, Tôn Quyền đánh cho Tào, Lưu đầu hôn mắt hoa, không biết phải làm gì nữa!

 

 

Xem ra Tôn Quyền là nhà chính trị thiên tài, bởi đã hiểu thế nào là chính trị. Thế nào là chính trị? Chính trị kỳ thực là quan hệ và có ba loại quan hệ chính trị: địch, ta và bạn. Ai là địch? Tào Ngụy (bao gồm Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ). Ai là bạn? Lưu Bị là bạn. Nhưng “địch” là Tào Ngụy, luôn không nên đắc tội; còn “bạn” là Lưu Bị, lại luôn có thể trở mặt, không nhận. Vì vậy còn phải điều chỉnh sách lược, hóa địch thành bạn, hoặc anh trở mặt, tôi cũng trở mặt. Sau trận chiến Xích Bích, Tôn Quyền đánh Tào Tháo, đánh cả với Lưu Bị; và hoà với Lưu Bị cũng hoà cả với Tào Tháo. Coi đó là ngón nghề được Tôn Quyền dẫn rất khéo. Như tháng bảy năm Hoàng Sơ thứ II (Công nguyên năm 221), Lưu Bị đến đánh, Tôn Quyền liền xưng thần với Tào Phi. Tháng sáu năm sau (Công nguyên năm 222), Tôn Quyền đánh bại Lưu Bị, đã trở mặt luôn. Chừng đến tháng Chín, Tào Phi sai Tào Tu, Tào Nhân, Tào Thực chia quân làm ba đường đánh tới, Tôn Quyền liền quay lại xin hoà với Lưu Bị, mặc dù lúc này Lưu Bị đang là bại tướng dưới trướng. Rõ ràng đây không phải là phản phúc vô thường mà là cung cách của người hay bị đánh, biết phải làm gì để từ trong kẽ hở đó có thể sinh tồn và phát triển.

 

 

Có người, đã biết điều đó, như Lưu Hoa, Lưu Hoa cho rằng không nên tin việc Tôn Quyền xưng thần. Theo Tam quốc chí - Lưu Hoa truyện, Lưu Hoa nói với Tào Phi, người Ngô ở xa, ngoài Trường Giang và Hán Thuỷ (xa xôi bên ngoài Giang và Hán), từ lâu đã không có ý thần phục (không có bụng thần phục từ lâu), sao bỗng dưng chạy đến biểu lộ sự trung thành? Nhất định vì “ngoại bức trong loạn” mới đến làm chúng ta dao động. Trên thực tế, Tôn Quyền đâu chỉ làm dao động một lần? Trước đây đã thường làm dao động. Phía Đông Ngô không chỉ có Tôn Quyền biết làm dao động? Nhiều người khác cũng biết. Lúc Quan Vũ đánh Tương, Phàn, Lã Mông và Lục Tốn đã làm cho Quan Vũ dao động đấy thôi? Đó là cái gì? Như lời của Bùi Tùng Chi trong chú dẫn Phó tử, đó là “cái lợi của nước nhỏ”. Nhược tiểu, không nên cứng quá, phải có biện pháp, phải biết uốn mình cầu toàn, thậm chí phải quanh co để cứu nước.

 

 

Làm được như vậy không phải dễ, không chỉ phải nhẫn nhịn, biết trở mặt, còn phải biết cong lưng uốn gối. Tôn Quyền làm được điều này. Cứ như việc nhận sách phong của Tào Phi, thực không đơn giản. Trước đây, cùng đứng cùng ngôi, bây giờ phải cúi đầu xưng thần, một sự thay đổi lớn? Trước đây chỉ mặt mắng chửi người ta là “giặc Hán”, lúc này lại uốn gối gọi người ta là “hoàng thượng” liệu có làm được như vậy không? Trước đây luôn miệng là “hết sức phò tá nhà Hán”, bây giờ đến làm “Ngụy thần”, biết giải thích sao đây? Vì vậy có nhiều người ở Giang Đông không đồng tình. Tôn Thịnh cũng nói, nếu theo “lời bàn của quần thần” thì cả đời xưng là “Hán tướng”, không xưng là “Ngụy thần”, há chẳng phải “đạo nghĩa hợp tình, mà đức nhân cảm hoá trăm đời sao?” Tôn Thịnh còn nói, giữ nghĩa thì không nhục, đến như Bá Di, Thúc Tề, Lỗ Trọng Liên còn chịu được hai chữ “thất phu”, đàng này chỉ là “vua một nước” trong “thiên hạ chia ba” sao không làm được?

 

 

Đó là lời nói trong sách vở. Làm người cũng nên như Bá Di, Thúc Tề “không ăn gạo nhà Chu” hoặc Lỗ Trọng Liên “vì nghĩa không chịu tôn xưng Tần làm đế”. Nhưng là một nhà chính trị thì không thể chỉ nghĩ đến danh dự đạo đức của cá nhân mà phải nghĩ tới đại thế thiên hạ và lợi ích đất nước. Trên thực tế thì ngay như Gia Cát Lượng có lúc cũng phải biến hoá. Theo chú dẫn Hán Tân Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện, thời Thục Hán năm Kiến Hưng thứ VII (Công nguyên năm 229), Tôn Quyền xưng đế, đã phái sứ giả đến Thục Hán, mong muốn “hai đế cùng tồn tại”, tức là nước Ngô thừa nhận Thục đế là Hoàng đế, nước Thục cũng thừa nhận Ngô đế là Hoàng đế và đều không thừa nhận Ngụy đế là hoàng đế. Kết quả là triều đình Thục Hán đã bàn luận sôi nổi. Và theo đạo đức truyền thống thì, trời không thể có hai mặt, người không thể thờ hai vua, vậy làm sao có đến hai Hoàng đế trong thiên hạ? Vì vậy tất cả nhất trí chủ trương (người người không nên) tuyệt giao với Ngô (xoá bỏ liên minh).

 

 

Nhưng Gia Cát Lượng đã ngược lại, chủ trương thừa nhận Ngô đế, vì Thục Hán cần có sự “giúp đỡ của phía đó”. Rõ ràng, điều mà Gia Cát Lượng suy nghĩ không phải là hai chữ “đại nghĩa” chung chung mà suy nghĩ đến lợi ích của đất nước một cách thực tế. Quan trọng là Gia Cát Lượng đã nêu rõ một điều, quyết sách chính xác của nhà chính trị kiệt xuất phải “quyền thông biến hoá, nhìn xa trông rộng”, tuyệt không phải “nỗi bực của kẻ thất phu”. Cũng tức là, nhà chính trị cần phải biết thời rõ thế (ứng quyền), nhìn thời mà biến hoá (thông biến), mưu sâu kế xa (nghĩ rộng), nghĩ tới lợi ích cơ bản, lợi ích lâu dài của nhân dân đất nước (lợi ích xa) không cần sự bực dọc của thất phu, không cần chủ nghĩa giáo điều. Lời nói rất hay! Mấy lời nói của Gia Cát Lượng khiến cho kẻ “thất phu phẫn nộ” kia có thể nghỉ được rồi.

 

 

Thực tế thì Tôn Quyền đã “nhìn thời thế mà biến hoá, nghĩ đến lợi ích lâu dài”. Tôn Quyền tuy phải khom lưng uốn gối với Ngụy, có sự so sánh không xác đáng lắm, là “bán nghệ nhưng không bán thân”, nhưng bản thân vẫn là bản thân, giữ được nguyên tắc, giữ được đường lối. Ví dụ Tào Ngụy nhiều lần muốn Tôn Quyền cho con cái đến kinh thành làm con tin, nhưng Tôn Quyền đâu có nghe. Rõ ràng không phải là thực bụng quy thuận, Ngô chủ truyện, “ngoài công việc ra, thành tâm là không thực”. Đây không phải là trò hai mặt, mà là bất đắc dĩ. Và Tôn Quyền còn công khai sự “không thành tâm” của mình. Theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, sau khi tiếp nhận phong hiệu Ngô vương, Tôn Quyền phái đô uý Triệu Tư sang sứ nước Ngụy. Vừa có mặt, Tào Phi đã hỏi Triệu Tư, “Ngô vương là loại chủ thế nào?” Triệu Tư nói: “Là chủ thông minh, nhân trí và hùng lược”. Tào Phi cảm thấy thú vị, hỏi tỉ mỉ hơn, Triệu Tư cứ giải thích từng chữ một (nhận Lỗ Túc giỏi giang là thông vậy; phái Lã Mông ra trận là minh vậy; thu Vu Cấm và không hại là nhân vậy; lấy Kinh châu, quân không đổ máu là trí vậy), cuối cùng nói thêm: “giữ ba châu nhìn thiên hạ chằm chằm là hùng vậy; khuất mình dưới bệ hạ là lược vậy”. Rõ ràng chưa! “Khuất mình dưới bệ hạ” là sự dao động, “nhìn thiên hạ chằm chằm” mới là thực.

 

 

Vấn đề không phải ở chỗ Tôn Quyền có thể nghĩ như vậy, có thể nói như vậy, mà đây là lời nói của sứ thần trước mặt Tào Phi, thế mới là giỏi. Điều đó nói lên điều gì? Nói rõ Tôn Quyền không chỉ có thể khom lưng mà còn có thể ngẩng đầu. Và ngay cả khi “Khuất mình dưới bệ hạ” thì đầu vẫn ngẩng lên. Tôn Quyền khom lưng nhưng không quỳ gối, quỳ gối nhưng không đầu hàng, ngạo xương nhưng không ngạo khí, có thể co có thể duỗi, có thể duỗi có thể co. Sứ thần của Tôn Quyền cũng chẳng kém cạnh gì trước mặt Tào Phi. Theo chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, Triệu Tư còn có buổi nói chuyện nữa với Tào Phi, cậy mình học vấn tốt là nhà thơ lớn nhà lý luận lớn, Tào Phi với bộ mặt trào lộng đã hỏi Triệu Tư: Ngô vương cũng hiểu học thuật chứ? Triệu Tư nói, Ngô vương giữ hàng ngàn dặm đường sông, thống soái trăm vạn hùng binh, dẫn đầu nhiều người hiền tài. Chí hướng Tôn Quyền cao như núi dài như sông. Vì vậy, Tôn Quyền tuy đọc hàng đống sách nhưng không hề bới lông tìm vết, tầm chương trích cú. Tào Phi lại hỏi trẫm có thể đánh nước Ngô không? Triệu Tư nói, bệ hạ có quân đội của bệ hạ, vua của thần có sự phòng vệ của Người (nước lớn có quân chinh phạt, nước nhỏ có phòng vệ kiên cố). Tào Phi hỏi nữa, nước Ngô có sợ Đại Ngụy của ta không? Triệu Tư nói, tinh binh cường tướng trăm vạn hùng binh, Trường Giang Hán Thuỷ lại có thành cao hào sâu, sợ cái gì! Tào Phi hỏi tiếp, bên nước Ngô, người giống như các hạ đây có nhiều không? Triệu Tư nói, có chừng chín, mười người thông minh đặc biệt! Còn như thần đây thì “vô khối, không sao đếm xuể”.

 

 

Triệu Tư nói đúng, trong thâm tâm Tôn Quyền đang nhìn “thiên hạ chằm chằm”. Và Tôn Quyền biết nhẫn nhịn, biết trở mặt, biết khom lung, biết ngẩng đầu, nên cuối cùng đã thực hiện được mục đích của mình. Theo Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, mùa xuân niên hiệu Hoàng Long năm đầu (Công nguyên năm 229), quần thần lần nữa khuyên tiến. Lần này Tôn Quyền không từ chối và đã lên ngôi Hoàng đế ở Nam giao Vũ Xương (nay là thị trấn Ngạc Châu, Hồ Bắc). Vì sao lúc này Tôn Quyền lại không sợ? Vì ba năm trước Tào Phi đã qua đời, Tào Duệ kế vị, Tôn Quyền thấy không đáng sợ. Bên phía Thục Hán, Gia Cát Lượng cầm quyền, là người kiên quyết chủ trương phải có liên minh Ngô - Thục. Chính quyền trong nước đã “Giang Đông hoá”, bước đầu ổn định. Từ lâu Lục Tốn đã là thống soái, Cố Ung là thừa tướng (niên hiệu Hoàng Võ năm thứ IV, tức Công nguyên năm 225). Tôn Quyền có thể yên tâm, lộn phải hoàng bào, mặc vào người.

 

 


Tôn Quyền xưng đế

Tôn Quyền tính toán không sai. Tôn Quyền xưng đế được các nước láng giềng thừa nhận. Tháng sáu, Gia Cát Lượng phái Vệ uý Trần Chấn đến chúc mừng. Hai nước ký “điều ước không xâm phạm lẫn nhau”, cùng nhau tiêu diệt Tào Ngụy, “phi Hán và Ngô, không ai thăng nhiệm được” và hẹn nhau “Nếu ai hại Hán thì Ngô sẽ đánh; nếu ai hại Ngô thì Hán sẽ đánh”. Trên giấy họ còn có dự án phân chia địa bàn của Tào Ngụy: Dự châu, Thanh châu, Từ châu, U châu thuộc Ngô, Duyện châu, Ký châu, Tinh châu, Lương châu thuộc Thục, Tư châu mỗi nhà một nửa. Lúc này cách lúc Tào Phi xưng đế (Công nguyên năm 220) là 9 năm, cách lúc Lưu Bị xưng đế (Công nguyên năm 221) là 8 năm. Tôn Quyền thực biết nhẫn nhịn.

 

 

Thực tế Tôn Quyền không phải tầm thường mà rất anh vũ, thậm chí đã tự lên ngựa bắn hổ. Tôn Quyền cũng không hề để lộ mình là nhạy bén, như ở trận Xích Bích. Nhưng Tôn Quyền rất hiểu, trước hết bản thân phải là “vị vua biết giữ”, sau đó mới thành “vị vua khai sáng”. Con đường của Tôn Quyền trước hết phải thức thời, sau mới thành tuấn kiệt; trước hết vờ là Tôn Tử, sau mới thành bá vương. Vì vậy Tôn Quyền có thể che giấu sự sắc sảo của mình, hoặc “đôi lúc mới lộ ra”. Trần Thọ nói: Tôn Quyền có “sự kỳ tài của Câu Tiễn”, có thể là nguyên nhân đó. Cũng tức là, đặc điểm của Tôn Quyền là anh vũ hào hùng lại có tài che giấu nhẫn nhịn.

 

 

Xem ra, Tôn Quyền còn là người có sức hấp dẫn, nhưng như vậy là chưa đủ. Hạng Võ, Viên Thiệu cũng có sức hấp dẫn, nhưng vì sao lại không thành công? Vì không biết dùng người. Tôn Quyền thành công vì Tôn Quyền biết dùng người. Vậy, Tôn Quyền có đặc điểm gì lúc dùng người?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét