Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

TÌNH TRỜI HẬN BIỂN

   


3 cha con Tôn Kiên, Tôn Sách, Tôn Quyền



Tập thứ bốn mươi nhăm: TÌNH TRỜI HẬN BIỂN

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị, Gia Cát Lượng là người lãnh đạo chủ yếu thời Tam Quốc. Đặc điểm của họ là biết dùng người, vì vậy mới được mọi người ủng hộ, tạo nên thế chân vạc. Nhưng tác phong và cách làm của từng người là khác nhau. Vậy đặc điểm của Tôn Quyền là gì? Tác phong của Tôn Quyền biểu hiện ở mặt nào? Và được hình thành như thế nào, đã đầy đủ chưa?

 

 

Ở tập trước, chúng ta đã nói sơ qua về con đường thành công của Tôn Quyền. Ở đây, chúng ta nhìn thấy nguyên nhân về mặt sách lược chính trị và tố chất con người Tôn Quyền, tức là lòng có chí lớn, không lộ sự sắc bén, hiểu đời biết thế, co được duỗi được. Như lời Triệu Tư - sứ thần nước Ngô, tức là “hùng lược”. Nhưng đây chỉ là một trong những nguyên nhân khiến Tôn Quyền thành công. Muốn nói tương đối toàn diện e phải dùng tám chữ trong lời bình Ngô chủ truyện của Trần Thọ là “Uốn mình nhẫn nhục, sử dụng kế hay”. Trần Thọ cho rằng, vì thế nên Tôn Quyền mới có thể độc chiếm Giang Đông (tự chiếm Giang Biểu), hình thành thế chân vạc. Cũng tức là nói, Tôn Quyền thành công vì có ba nguyên nhân: nhẫn nhục với trọng trách, túc trí đa mưu, khéo biết dùng người. Hai nguyên nhân đầu, ít nhiều đã nói ở tập trước. Ở tập này, chúng ta nói tới cách dùng người của Tôn Quyền.

 

 

Chúng ta đều biết, Tam Quốc là thời đại nhân tài như mây gió gặp gỡ. Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị, Gia Cát Lượng là những người lãnh đạo chủ yếu của thời Tam Quốc và đều là những người giỏi dùng người. Đúng như lời Triệu Dực nói trong Nhị thập nhị sử trát ký, “nhân tài thịnh nhất ở thời Tam Quốc, chủ của thời Tam Quốc đều biết dùng người, nên được nhiều người ủng hộ, mới thành được thế chân vạc”. Nếu cần có “bảng xếp thứ tự” (chỉ là việc dùng người; không phải đánh giá toàn diện) thì Tào Tháo là người xếp hàng đầu. Tào Tháo giỏi dùng người, từng nổi tiếng thời đó. Tôn Quyền nói về cách dùng người của Tào Tháo “Từ xưa ít có”. Tôn Quyền đã nói với Gia Cát Lượng như vậy, ý muốn nói, Tào Ngụy ngày một sa sút “Phi so với Tháo, vạn lần không bằng, nay Duệ không bằng Phi, do Phi không bằng Tháo vậy”. Nhưng Tôn Quyền đánh giá Tào Tháo lại rất “nghiêm khắc”. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Cẩn truyện, Tôn Quyền nói với Gia Cát Lượng, Tào Tháo có phần quá đáng khi sát phạt (dùng sát phạt là hơi quá); về phần li gián thân tình cốt nhục thì thực khốc liệt (li gián cốt nhục người khác quá khốc liệt). Còn như việc dùng người (Khanh tướng), xưa nay ít thấy (từ xưa ít có).

 

 

Lời của Tôn Quyền có thể nói lại. Nói Tào Tháo “sát phạt có phần quá đáng” là không đúng, phải nói là “rất quá đáng”. Bản thân Tôn Quyền cũng giết người, nên đã nói như vậy. Còn việc đánh giá cách dùng người của Tào Tháo, cần phải nói công bằng khách quan, vì đây là cuộc chuyện trò giữa những người trong nhà với nhau, không cần phải nịnh bợ Tào Tháo - vừa là “kẻ thù” vừa là kẻ “sát nhân”. Vả Tôn Quyền cũng là “chủ nhân” cũng biết dùng người, việc gì phải cố ý tâng bốc người khác? Trên thực tế, mức độ dùng người của Tôn Quyền cũng chỉ ở dưới Tào Tháo. Trong Lưu Bị truyện, ngài Trương Tác Diệu cũng nói, “đạo dùng người của Tôn Quyền cao hơn Lưu Bị”. Ngay như nước địch cũng không thể không bái phục Tôn Quyền giỏi dùng người. Vào tháng chín, niên hiệu Hoàng Võ thứ III (Công nguyên năm 224), lúc thống lĩnh đại quân chuẩn bị đánh Ngô, Tào Phi từng đứng trên bờ Trường Giang mà cảm thán “Đây có người tài, chưa thể lấy được”, rồi cho lui quân. Trong Tam quốc chí - Ngô chủ truyện có ghi lời này. Cũng vậy, khi Gia Cát Lượng nói vì sao không thể trở mặt với Đông Ngô, một trong những lí do là “ở đó người tài quá đông, người người tập mục”. Xem lời chú dẫn Hán Tấn Xuân Thu của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Gia Cát Lượng truyện. Tập mục là hoà mục. “Ở đó người tài quá đông, người người tập mục” là người tài chật ních, trên dưới cùng lòng cùng đức. Đó là đặc điểm thời đầu của tập đoàn Tôn Quyền (thời cuối thì ngược lại, sau này sẽ nói). Hơn nữa, nhân tài là thủ hạ của Tôn Quyền nhiều không kể hết. Về võ tướng, sau Chu Du có Lỗ Túc, sau Lỗ Túc có Lã Mông, sau Lã Mông có Lục Tốn, về năng lực trình độ, trên dưới gần như nhau. Lục Tốn văn võ toàn tài. Về văn thần có Trương Chiêu, Cố Ung, Gia Cát Cẩn, Bộ Trắc, một thời nổi danh.

 

 

Thực kỳ lạ, vì sao Đông Ngô lại có sức hút mạnh như vậy?

 

 

Đương nhiên, nguyên nhân có ở nhiều mặt nhưng khẳng định rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là Tôn Quyền giỏi dùng người. Vì sao Tôn Quyền lại giỏi dùng người? Phải nói thế này, Tôn Quyền hiểu rất nhiều người tài ở nước khác và rất muốn có họ. Ví dụ Tôn Quyền từng đoán rằng một khi Gia Cát Lượng qua đời thì Dương Nghi và Ngụy Diên “tất sẽ nhiễu loạn”, chuyện này đã nói trong tập “Hoạ từ bên trong”. Tôn Quyền trò chuyện với Phí Y; Tôn Quyền rất tán thưởng Phí Y. Lần đầu Phí Y sang sứ nước Ngô, Tôn Quyền rất xem trọng, theo Tam quốc chí - Phí Y truyện, lúc đó với thân phận là “Chiêu tín hiệu úy”, Phí Y sang sứ nước Ngô, theo lệ Tôn Quyền mở tiệc khoản đãi. Tôn Quyền vốn là người giỏi ăn giỏi nói (tính tình vui vẻ), bắt đầu những câu chuyện vui (hết sức trào lộng). Bọn thủ hạ của Tôn Quyền như Gia Cát Khắc, người người mồm mép ghê gớm. Kết quả bữa tiệc thành nơi “cười cợt không dứt”, về phần Phí Y vẫn “đáp lại bằng những lời đầy lý lẽ, nghĩa tình chân thành”. Tôn Quyền vô cùng tán thưởng, nói với Phí Y, trên đời này, ngài là người đức tài đầy đủ (thiên hạ hiền minh) nhất định sẽ trở thành rường cột của nước Thục (tất là bầy tôi chủ chốt của triều Thục), từ nay e sẽ khó được gặp lại.

 

 

Phí Y đã đấu lại với quần nho ra sao, không thấy ghi trong Phí Y truyện. Nhưng lời chú dẫn Khắc biệt truyện của Bùi Tùng Chi trong Gia Cát Khắc truyện có ghi, còn là chuyện vui chưa từng nghe. Nghe nói lúc Phí Y vào phòng tiệc, mọi người đang cúi đầu ăn uống, riêng Tôn Quyền đứng dậy ra đón, trước đó Tôn Quyền đã vẫy gọi Phí Y. Vừa gặp mặt, Phí Y đã đọc bốn câu thơ: “Phượng hoàng bay lượn, kỳ lân vất vả. Lừa kia vô tri, mải ăn những gì”. Như vậy, bên phía Đông Ngô còn mặt mũi nào nữa! Thế rồi Gia Cát Khắc cũng đọc luôn mấy câu: “Thích trồng Ngô đồng, chờ đón phượng hoàng. Có con chim sẻ, cũng đến lượn lờ. Sao không bắn ngay, chốn cũ đuổi về”, coi là sự trả miếng. Ở đây, Phí Y chỉ cười cợt quần thần Đông Ngô (họ cũng “đáng bị như vậy”) và vẫn giữ sĩ diện cho Tôn Quyền (kỳ lân vất vả), về cách điệu rõ ràng là hay hơn Gia Cát Khắc.

 

 


Tôn Quyền trêu Gia Cát Cẩn “mặt dài như lừa”,
Gia Cát Khác nhanh chóng ứng biến

Loại “Khẩu thuỷ chiến” như thế này là chuyện thường tình trong lịch sử ngoại giao của Ngô - Thục, không trở ngại gì đến tình cảm bang giao giữa hai nước. Đây chỉ là một “bông hoa”, không phải là nội dung đàm phám ngoại giao. Sứ Ngô Phí Y nhất định sẽ còn nhiều biểu hiện tinh tế hơn, Tôn Quyền hết sức tán thưởng. Theo chú dẫn Phí biệt truyện của Bùi Tùng Chi trong Phí Y truyện, Tôn Quyền còn “tặng luôn cả bảo đao cầm trong tay”. Một việc làm hết sức tình cảm. Trung Quốc xưa có câu nói, bảo đao tặng liệt sĩ, hàng cốt bán cho người sành. Quân nhân tặng nhau vũ khí, bước đầu coi nhau như hảo hán. Huống chi một nguyên thủ quốc gia tặng sứ thần nước ngoài và tặng phẩm lại là thứ vũ khí đeo trên người. Điều đó bao hàm rất nhiều ý nghĩa: là kính trọng, tán thường, tín nhiệm. Phí Y vô cùng xúc động. Phí Y nói, thần tài đức gì mà được coi trọng nhường ấy? Có điều, đao, dùng để “đánh kẻ chưa phục, câm bạo loạn”, vậy cung kính không bằng tuân lệnh. Mong đại vương “xây dựng nghiệp lớn, cùng hưởng với Hán thất”. Thần tuy ngu muội, nhưng nhất định sẽ không phụ sự trông đợi của đại vương.

 

 

Ở đây, chúng ta thấy rõ đặc điểm dùng người của Tôn Quyền, tức là “bằng tình cảm”. Với mười hai chữ, tôi có thể khái quát được đặc điểm dùng người của những vị lãnh đạo chủ yếu trong thời Tam Quốc (bao gồm cả Gia Cát Lượng, thực thế chỉ là hạt nhân lãnh đạo, không phải quân chủ): Tháo lấy trí, Quyền lấy tình, Bị lấy nghĩa, Lượng lấy pháp. Tức là, Tào Tháo dựa vào trí tuệ, Tôn Quyền dựa vào tình cảm, Lưu Bị dựa vào nghĩa khí, Gia Cát Lượng dựa vào pháp chế. Và, chính vì Gia Cát Lượng công khai, công minh, công bằng trị nước theo phép, dùng người theo phép, vì vậy trong chính phủ mới không có quan lại tham ô (lại không dung gian), ai nấy cần mẫn, quên mình vì công việc (cần phải quên mình). Có thể nói, chính phủ của Gia Cát Lượng giống chính phủ nhất.

 

 

Chính phủ của Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Bị không ra một chính phủ. Tào Tháo có chút giống như xa lông, Lưu Bị hơi giống bang hội, đó cũng là ý muốn của họ. Bởi vì Tào Tháo, Lưu Bị và cả Tôn Quyền nữa, đều là một quá trình từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ quân phiệt đến đế vương. Tương ứng với đó, bộ hạ của họ cũng có một quá trình diễn biến, trước đó là tướng quân mạc phủ, sau này mới là triều đình đế vương. Mạc phủ mang nhiều sắc thái cá nhân. Quan tính cách thế nào thì mạc phủ cũng có phong cách tương tự. Tháo lấy trí nên mạc phủ tựa như xa lông; Bị lấy nghĩa, đương nhiên mạc phủ giống bang hội, cũng giống như “cái bang”.

 

 

Vậy, mạc phủ của Tôn Quyền là thế nào?

 

 

Giống một gia đình. Trương Chiêu là “trọng phụ”, Chu Du là “huynh trưởng”. Địa vị “trọng phụ” của Trương Chiêu được xác định ngay từ thời Tôn Sách, chúng ta đã nói tới trong tập “Giang Đông cơ nghiệp”. Chu Du từ bé chỉ “chơi bời hữu hảo” với một mình Tôn Sách, hai người từng “thăng đường bái mẫu, vô cùng hoà hợp”, là anh em keo sơn. Về sau, mẹ Tôn Quyền là Ngô phu nhân đã dặn dò, ta coi Chu Du như con ruột (coi như con), muốn Tôn Quyền phải gọi Chu Du là anh (người cùng anh lo việc), trong tập “Để trụ giữa dòng nước”, chúng ta đã nói tới. Chu Du cùng Tôn Quyền thân như người nhà, cùng Lỗ Túc thân như anh em, vì vậy Tôn Quyền cũng thân tình với Lỗ Túc. Thực tế thì Lỗ Túc chạy sang với Tôn Quyền, Tôn Quyển đã chu cấp cho mẹ Lỗ Túc quần áo, chăn màn, đồ dùng sinh hoạt, giống như cháu đối với thím vậy. Việc này có ghi trong Lỗ Túc truyện, còn Lỗ Túc thì sao? Đã nhận mẹ Lã Mông là mẹ, Lỗ Túc và Lã Mông khác gì anh em. Việc này có ghi trong Lã Mông truyện. Lã Mông và Lỗ Túc là anh em, Lỗ Túc và Chu Du là anh em, Chu Du và Tôn Quyền là anh em, nên gọi là gì? “Anh em liên hoàn”.

 

 

Cũng giống như bên phía Lưu Bị, thân như anh em, trọng tình trọng nghĩa. Nói chung là, Lưu Bị trọng nghĩa hơn, Tôn Quyền trọng tình hơn. Có thể đây là sự khác biệt trong văn hoá Nam và Bắc. Người miền Nam trọng tình, người miền Bắc trọng nghĩa. Vì vậy, quan hệ giữa Lưu Bị và Quan Vũ, Trương Phi, trước sau xuyên suốt qua chữ “nghĩa”, bên phía Tôn Quyền thì tình cảm là màu sắc nồng hậu nhất. Trong Chu Du truyện nói, lúc Chu Du qua đời, Tôn Quyền “mặc tang phục cử lễ tang, người người đều cảm động”, Tôn Quyền đến tận Vu Hồ nhận linh cữu. Mãi về sau, Tôn Quyền không thể quên được Chu Du, nói Chu Du đã có công đánh bại Tào Tháo, đoạt Kinh châu, vì vậy “cô nhớ Công Cẩn, lẽ nào quên được” (Đó là sự hàm ơn, nhớ chuyện cũ, tình cảm vô cùng).

 

 

Tôn Quyền đối với Lỗ Túc, Lã Mông cũng vậy. Theo Lỗ Túc truyện, lúc Lỗ Túc qua đời, Tôn Quyền “cử ai” và “tham gia chôn cất”. Lã Mông truyện nói, lúc Lã Mông bệnh nặng, Tôn Quyền đón Lã Mông vào trong điện, tìm danh y khắp nơi đến cứu chữa. Lúc đó, bệnh của Lã Mông phải được châm cứu. Mỗi lần kim châm, Tôn Quyền đều thấy đau đớn (khi châm kim, Quyền thấy đau đớn). Tôn Quyền muốn xem sắc thái của Lã Mông như thế nào, nhưng lại sợ như vậy Lã Mông phải hành lễ, phải vất vả, đành phải chọc lỗ ở trên tường, lén nhìn sang. Thấy Lã Mông ăn được chút gì đó thì Tôn Quyền mặt mày rạng rỡ. Nếu Lã Mông không ăn được, Tôn Quyền liền thở ngắn than dài, suốt đêm trằn trọc. Thế chẳng phải như đối với người thân sao?

 

 

Bộ ba của Tôn Quyền đều có cảm giác đó, ít ra cũng được như Chu Du. Chu Du nói quan hệ của mình với Tôn Quyền “ngoài là nghĩa vua tôi, trong là tình cốt nhục”. Đó là lời Chu Du nói với Tưởng Cán. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Chu Du truyện, Tưởng Cán đẹp người, tài mạo song toàn, “có nghi dung, tài biện luận, cả vùng Giang Hoài không ai bì kịp”, Tưởng Cán người Cửu Giang, Chu Du ở Lư Giang. Bấy giờ Cửu Giang và Lư Giang đều thuộc Dương châu, hai người coi là đồng hương. Đồng hương gặp đồng hương, hai mắt ứa lệ. Tào Tháo liền cử Tưởng Cán làm thuyết khách. Theo Tư trị thông giám, thời gian cụ thể là vào năm Kiến An thứ XIV, không thể có cái gọi là đạo sách. Cụ thể là sau thất bại ở trận chiến Xích Bích, Tào Tháo biết Chu Du là nhân vật lợi hại, mới có bụng sách phản, muốn để Tưởng Cán đến lôi kéo Chu Du.

 

 


Tạo hình Tiểu Kiều vợ Chu Du trên màn ảnh

Chu Du biết rõ bụng dạ của Tào Tháo. Vì vậy, lúc Tưởng Cán vừa đến doanh trại, Chu Du đứng ở cửa đã cười ầm lên, nói: Tử Dực thực vất vả! Đường sá xa xôi tới đây, để làm thuyết khách cho Tào Tháo phải không? Ba hôm sau, Chu Du còn đưa Tưởng Cán đi tham quan và mở tiệc khoản đãi. Trong tiệc, Chu Du nói với Tưởng Cán, nam tử hán đại trượng phu thực khó để có được “người chủ tri kỷ”, có thể “ngoài là nghĩa quân thần, trong là tình cốt nhục, cùng nhau lo liệu, hoạ phúc cùng hưởng”. Có được buổi quân thần gặp gỡ như vậy thì ngang như Trương Nghi, Tô Tần, Lệ Thực sống lại, Chu Du còn sờ vai Tưởng Cán, cười hì hì từ chối Tưởng Cán (sờ vào vai, cắt lời nói), huống chi là túc hạ? Tưởng Cán biết là không lay chuyển được Chu Du, nên chỉ vui vẻ mà không nói gì cả (chi cười và không nói). Sau khi trở về, Tưởng Cán nói với Tào Tháo, Chu Du là người khoan dung đại lượng, phẩm hạnh cao thượng (nhã lượng rất cao), không hề li gián bằng mấy lời hoa mỹ, giảo hoạt (không thể li gián bằng lời), cho qua việc này.

 

 

Đương nhiên, Chu Du “nhã lượng rất cao”, nhưng Tôn Quyền đã biểu hiện “tình như cốt nhục”. Rõ ràng, không phải mọi người đều có cảm nhận của Chu Du. Chẳng phải là trong một gia đình, một gia tộc cũng luôn có sự thân sơ, xa cách hay sao? Lúc này ở Tôn Quyền đã hình thành phong cách dùng người như vậy, cũng là chuyện thường, bởi vì chính quyền Đông Ngô của Tôn Quyền vốn là một “công ty gia tộc”. Tôn Quyền, từ bé đã lăn lộn trong “công ty” đó, cùng với số tướng lĩnh Hoài Tứ vào sinh ra tử, kết nối tình hữu nghị sâu sắc rất tự nhiên. Huống chi tập đoàn Tôn thị khi đó cũng chỉ là một đội ngũ, không phải vương triều, không có gì là phức tạp, nhiều vẻ. (Chu Du truyện nói lúc Tôn Quyền thay thế “chủ tướng, tân khách cùng làm lễ đơn giản”) thân như người nhà, không có gì là lạ. Lúc đọc Tam quốc chí, chúng ta luôn phát hiện thấy Tôn Quyền thường uống rượu vui vẻ với quần thần, có thể đó là tình hình lúc sáng nghiệp còn rơi rớt lại.

 

 

Điều khó thấy là Tôn Quyền lại có thể đưa tình cảm vào trong lĩnh vực chính trị. Ví dụ sau đây nói rõ điều đó. Theo Tam quốc chí - Chu Thái truyện, vào năm Kiến An thứ XVIII (Công nguyên năm 213), Tào Tháo lui quân về Nhu Tu khẩu. Tôn Quyền nhiệm mệnh Chu Thái, một người xuất thân bần tiện là Bình Lỗ tướng quân ra trấn giữ vùng đó, Chu Nhiên và Từ Thịnh là phó. Tôn Quyền biết là Chu Nhiên và Từ Thịnh không phục, nên mới mượn cớ đi tuần sát, yến tiệc với chư tướng. Tôn Quyền lần lượt rót rượu cho từng người. Lúc đến trước mặt Chu Thái, Tôn Quyền bảo Chu Thái cỏi áo ra, mọi người không hiểu, giương mắt nhìn. Thì ra trên người Chu Thái đầy những vết thương, không còn chỗ nào lành lặn. Tôn Quyền chỉ tay vào từng vết thương và hỏi lý do. Chu Thái lần lượt trả lời từng bị thương ở những chiến trường nào. Theo chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi, lúc đó Tôn Quyền đã khóc. Tôn Quyền ôm Chu Thái, miệng gọi tên cúng cơm, Ấu Bình ơi Ấu Bình, ngươi liều mạng chiến đầu vì anh em cô! Sao cô lại không thể coi ngươi như anh em thân thiết (sao cô lại không đãi khanh như tình cốt nhục), sao lại không thể giao ngươi trọng trách (uỷ khanh nắm trọng quyền binh mã)? Cứ yên tâm, đừng vì xuất thân nghèo hèn mà e ngại (đừng vì nghèo hèn mà chùn bước), cô và ngươi có tình thân thích, vinh nhục cùng chịu (cô và khanh cùng vinh nhục, như thân thích)! Mọi người đều khâm phục, kể cả Chu Nhiên và Từ Thịnh.

 

 

Tôn Quyền lấy “tình cốt nhục” xử sự với các tướng lĩnh Hoài Tứ, những người đã cùng Tôn Sách giành giang sơn như Chu Du, Chu Thái, xử sự với nhiều người khác như Gia Cát Cẩn. Theo Tam quốc chí - Gia Cát Cẩn truyện. Trước trận chiến Di Lăng, Gia Cát Cẩn là anh Gia Cát Lượng từng có thư khuyên Lưu Bị lui quân. Có người phao tin nói Gia Cát Cẩn “thông với nước ngoài”. Và theo lời chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi, sự việc trở nên ầm ĩ (truyền ra ngoài), ngay như Lục Tốn cũng cảm thấy khó chịu, kiến nghị Tôn Quyền tìm cách dập tắt tin đồn. Tôn Quyền một mặt nói rõ, “Cô và Tử Du có lời thề sống chết bên nhau”, Tử Du sẽ không phản cô, cô cũng vậy không hề phản Tử Du. Đồng thời Tôn Quyền còn có thư gửi Lục Tốn, cô và Tử Du đã nhiều năm “tình như cốt nhục”, hiểu rõ Tử Du là người “không làm điều trái đạo, không nói lời phi nghĩa”. Nhớ năm nào khi ngài Khổng Minh sang sứ nước ta, cô muốn Tử Du giữ Gia Cát Lượng lại (chọc phá đối phương), cô nói với Tử Du, em phải theo anh, xưa nay vẫn vậy! Nếu Khổng Minh ưng thuận, cô sẽ nói rõ với Lưu Huyền Đức. Biết Tử Du nói gì không? Tử Du nói, xá đệ đã theo Lưu Dự Châu thì sẽ “không hai lòng”. Xá đệ sẽ không ở lại đâu, giống như tại hạ sẽ không bao giờ chạy sang với Lưu Dự Châu. Thấy chưa, lòng thành đó đã được thần thánh chứng giám! Vì vậy, cô đã trao hết số thư cáo giác đó cho Tử Du. Lá thư này của khanh cô cũng sẽ gửi đi, để Tử Du là “thần giao”, sẽ không có lời đường mật nào li gián nổi.

 

 

Rõ ràng là “dùng người thì không nghi ngờ”. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản trong cách dùng người. Nhưng Tôn Quyền có điều hay riêng của mình, tức là “ngôn hành theo kế” và “tình như cốt nhục”. Tôn Quyền với Gia Cát Cẩn là “tình như cốt nhục”, với Chu Du, Chu Thái “tình như cốt nhục”, mạc phủ tướng quân của Tôn Quyền lẽ nào còn khác một gia đình? Tôn Quyền tín nhiệm ngoài lý tính ra (biết đối phương và tín nhiệm) còn có cả tình cảm nữa. Lúc Tôn Quyền biểu lộ tình cảm với Gia Cát Cẩn, lẽ nào những người khác lại không cảm nhận được những tình cảm đó? Và một khi tất cả đều cảm nhận được, lại không “bốn biển đều là anh em sao”? Thực tế đã có người từ nước khác, vì cảm động trước tình cảm của Tôn Quyền mà sau này trở thành trọng thân của Tôn Quyền như Phan Tuấn.

 

 

Phan Tuấn vốn là người của Lưu Bị, là một viên quan nhỏ. Lúc Quan Vũ bị giết đã theo Tôn Quyền. Theo lời chú dẫn Giang Biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Phan Tuấn truyện, lúc đó quan lại Kinh châu đều quy thuận Tôn Quyền, riêng Phan Tuấn “cáo bệnh không gặp”, thực tế là không chịu đầu hàng. Sau khi biết chuyện, Tôn Quyền đã sai người đến mời, cho nằm lên giường khênh ra tận nơi. Phan Tuấn cúi đầu, nằm bất động, nén đau thương, nước mắt giàn giụa. Tôn Quyền gọi tên Phan Tuấn, thăm hỏi an ủi (có lời uý lạo), còn cho người lấy khăn lau nước mắt cho. Phan Tuấn vô cùng cảm động, sau này đã hết lòng phò tá Tôn Quyền. Nhân đây nói thêm, sau này lần nữa Phan Tuấn lại cảm động, như chuyện của Gia Cát Cẩn, có người tố cáo, nhưng vẫn được Tôn Quyền tín nhiệm như cũ.

 

 

Việc dùng người của Tôn Quyền còn nhiều điều hay, cũng giống Tào Tháo, dùng người không câu nệ, không nhìn gia cảnh, không nhìn thân phận, bỏ qua oán thù, cứ có tài là dùng. Như Bộ Trắc “Trồng dưa tự cung tự cấp”, Hán Trạch “đời đời làm nông nghiệp”, Trần Biểu “thuộc chi thứ tướng gia”, Trương Lương “chưa từng biết tiếng”, Lưu Cơ là con của kẻ thù, Cam Ninh là tướng của nước thù địch, Lăng Thống hay giết người, Hồ Tông Thị coi rượu như mệnh, Tôn Quyền đều sử dụng hết khả năng của từng người. Ngoài ra Tôn Quyền còn biết nghe lời can gián, biết tự xét về mình, chẳng khác gì Tào Tháo.

 

 

Còn một điểm nữa hai người cũng khá giống nhau, những ưu điểm của họ thường bộc ra từ sớm, thời kỳ đầu; sau này thực khó nói. Những năm cuối, Tôn Quyền không còn “tình cốt nhục” với quần thần, ngay cả với người nhà cũng vậy. Tôn Quyền có cả thảy bảy con trai. Con đầu là Tôn Đăng, thứ hai là Tôn Lự, thứ ba là Tôn Hoà, thứ tư là Tôn Bá, thứ năm là Tôn Phấn, thứ sáu là Tôn Hưu, thứ bảy là Tôn Lượng. Tôn Đăng nhiệm thái tử, chết trước mặt Tôn Quyền, được coi là phạm tội không quá lớn. Tôn Lự mất lúc hai mươi tuổi được coi là vô tội. Tôn Hưu là hoàng đế thứ ba của nước Ngô, ở ngôi được sáu năm thì mất lúc ba mươi tuổi, Ích hiệu là Cảnh hoàng đế, được coi là có tài. Nhưng hoàng hậu và hai người con của Tôn Hưu đều bị Tôn Hạo giết rất thảm. Đó là chuyện sau này.

 

 

Thảm nhất là bốn người khác. Người con thứ ba là Tôn Hoà (người thứ hai là thái tử) và người thứ tư là Tôn Bá (Lỗ vương), vì tranh giành nên một người bị phế (Tôn Hoà), một người bị ban cho chết (Tôn Bá). Tôn Hoà không chỉ bị phế về sau còn bị giết bởi quyền thần Tôn Tuân (là cháu Tôn Tĩnh và là em Tôn Kiên). Người con thứ năm là Tôn Phấn, sau này cũng bị Tôn Hạo giết chết. Người con thứ bảy là Tôn Lượng làm hoàng đế lúc mười tuổi. Năm mười sáu tuổi bị quyền thần lật đổ, sau này bị Hoàng đế thứ ba (cũng là ngươi anh) Tôn Hưu bức chết hoặc đầu độc. Tôn Hưu giết em là Tôn Lượng, còn hoàng hậu và con của mình lại bị Tôn Hạo là con của anh trai Tôn Hoà giết chết. Nói xem, như thế là thế nào? Cha giết con (Tôn Quyền giết Tôn Bá), anh giết em (Tôn Hưu giết Tôn Lượng), cháu giết chú (Tôn Hạo giết Tôn Phấn), Tôn thất giết hoàng tộc (Tôn Tuấn giết Tôn Hoà), đó là “tình cốt nhục” chăng? Không! Là “cốt nhục giết lẫn nhau”.

 

 

Đó là việc trong gia đình. Lại nói tới việc triều đình. Tình hình triều đình Tôn Quyền về sau ra sao? Quân vương có bụng nghi kỵ, quần thần lo lắng kinh hãi. Vì sao vậy? Vì lúc này Tôn Quyền bắt đầu thống trị bằng đặc vụ. Giữa những năm Gia Hoà (Công nguyên năm 232 đến năm 237), tức là sau lúc Tôn Quyền 51 tuổi, Tôn Quyền bắt đầu tín nhiệm quan hiệu sự là Lã Nhất. Hiệu sự còn gọi là điển hiệu, hiệu tào, hiệu lang, hiệu quan. Tào Ngụy, và Tôn Quyền đều có loại quan này. Theo lời giải thích trong Tam quốc chí tuyển chú thì người này là tai mắt của Hoàng đế, theo dõi việc làm và lời nói của quân dân, nói thẳng ra là đặc vụ. Lã Nhất là đặc vụ và là đặc vụ điên cuồng nhất – Cố Ung truyện nói: “Huỷ diệt đại thần, hại người vô cớ” - Bộ Trắc truyện nói: “Bới lông tìm vết, vu cáo trọng tội”. Nhưng Tôn Quyền lại nghe Lã, kết quả triều đình đều thấy nguy cấp. Theo Tam quốc chí - Thị Nghi truyện, một lần Lã Nhất vu cáo Điêu Gia nguyên là thái thú Giang hạ, đã phỉ báng triều đình. Tôn Quyền lập tức nổi giận, hạ ngục Điêu Gia, tra xét đồng đảng. Những người liên lụy đều rất sợ, đều nói Điêu Gia công kích ác độc triều đình, chỉ có Thị Nghi nói không nghe thấy. Tôn Quyền càng giận, bức hỏi càng gấp, tất cả sợ hãi đến hết hơi (quần thần sợ hãi không dám thở), Thị Nghi nói, dao đã kề cổ tôi còn dối trá gì nữa? Không nghe thì bảo là không nghe, vậy thôi! Lúc này Tôn Quyền mới thả Điêu Gia. Khó mà tưởng tượng nổi, nếu không có Thị Nghi thì vô duyên vô cớ một cái đầu nữa đã lìa khỏi cổ!

 

 


Hồi 86.Tần Bật biện bác, hỏi vặn Trương Ôn.
Từ Thịnh hoa công phá tan Ngụy chủ

Thực tế thì sau này Tôn Quyền quá mẫn cảm, nghi thần nghi quỷ, buồn vui thất thường. Như danh sĩ Ngu Phiên suýt nữa đã bị Tôn Quyền giết, chỉ vì trong tiệc dám giả vờ say (xem Tam quốc chí - Ngu Phiên truyện). Thái tử thái phó Trương Ôn trước khi sang sứ nước Thục, Tôn Quyền “rất coi trọng”. Sau khi về nước, không hiểu vì sao Tôn Quyền sinh nghi, nghi Trương Ôn “tư thông với nước ngoài”, còn ghen tị vì người này “danh tiếng quá lớn” và cho rằng “không thể dùng được nữa” rồi bằng trăm phương ngàn kế tìm ra sở hở để trị. Nhân có vụ án liên can đến Trương Ôn, Tôn Quyền cho bắt Trương Ồn giam vào đại ngục, sau đó thì trừng phạt bằng cách cho làm lao dịch ở huyện nhà (xem Tam quốc chí - Trương Ôn truyện). So với lúc trẻ; thời kỳ đầu hay “tình như cốt nhục” thì Tôn Quyền lúc này như biến thành người khác. Vì vậy trong Tam Quốc sử thoại tuỳ bút, ngài Nghiêm Lãnh nói, e Tôn Quyền đã mắc bệnh si, bệnh ngớ ngẩn của người già.

 

 

Đương nhiên đó là lời nói đùa. Đằng sau chuyện của Ngu Phiên, Trương Ôn còn có nguyên nhân chính trị vô cùng phức tạp, sau này sẽ nói tỉ mỉ hơn. Nhưng chế độ quân chủ vẫn là nguyên nhân cơ bản. Chế độ quân chủ là chế độ gia trưởng mở rộng, Tôn Quyền có tác phong gia trưởng điển hình. Những người này luôn coi mình là độc tôn, thường trở mặt với mọi người. Trên thực tế, cái gọi là “hùng lược chi chủ” xưa nay vẫn thế, nhất là vào những năm cuối cùng. Như Tào Tháo, Lưu Bang và cả Câu Tiễn trước kia đều là vậy. Trần Thọ nói trong lời bình về Ngô chủ truyện, Tôn Quyền “anh tài kỳ lạ như Câu Tiễn”, một lời mà có hai mặt. Thực tình thì Tôn Quyền rất giống Câu Tiễn, có thể nhẫn nhịn gánh vác, cũng có thể trở mặt với người khác. Đó là đặc điểm chung của loại người này, mặc dù họ một người là Việt vương, một người là Ngô đế.

 

 

Huống hồ, con người Tôn Quyền rất hay nghi ngờ, Trần Thọ nói “tính đa nghi, ưa giết chóc”, càng về cuối đời lại càng nghiêm trọng (càng về sau càng trở nên nghiêm trọng). Không có gì là lạ. Bất kỳ sự vật nào cũng có hai mặt, bất kỳ đặc điểm nào cũng như dao hai lưỡi. Tôn Quyền rất trọng tình cảm, nhưng người ta đa tình thì hay đa nghi, tình trời luôn đi đôi với hận biển. Tình sâu hận cũng nặng, vì vậy “Tình như cốt nhục” và “ưa giết chóc” chỉ là hai mặt sấp ngửa của đồng tiền. Vì vậy Tôn Quyền trở nên ghê gớm, cũng là hợp lý, kể cả việc Tôn Quyền lạnh nhạt với Trương Chiêu, bức chết Lục Tốn.

 

 

Vì sao hai vị trọng thần này bị đãi ngộ bất công đến như vậy?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét