Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

MÂY GIÓ GẶP NHAU

 


Tranh Huynh đệ cơ nghiệp quân - Tôn Quyền phúc khí đại của họa sĩ Hứa Lực. 

Tập thứ bốn mươi ba: MÂY GIÓ GẶP NHAU

Tác giả Dịch Trung Thiên

 

Giống như Lưu Bị sáng lập nên Thục Hán, cha con Tôn Kiên, Tôn Sách dựng nên một chính quyền ngoại lại, còn chưa vững trên đất Giang Đông. Lúc trong ngoài còn phức tạp, nguy cơ bốn phía, Tôn Quyền đã phải thay thế cầm quyền khi mới mười tám tuổi. Tôn Quyền không chỉ đứng vững bằng đôi chân của mình, còn phát triển “bá nghiệp” của cha, anh thành “đế nghiệp”, cùng Tào Ngụy, Thục Hán thành thế chân vạc. Vậy Tôn Quyền đã vượt qua khó khăn như thế nào, đã thành công ra sao đây?

 

 

Chúng ta hãy quay lại nhìn về phía Đông Ngô.

 

 

Tôn Quyền là chủ Đông Ngô, con đường của Tôn Quyền không hề bằng phẳng.

 

 

Chúng ta đều biết, vào năm Kiến An thứ V (Công nguyên năm 200), Tôn Quyền tiếp nhận quyền lực và cơ nghiệp của cha, anh. Theo Tư trị thông giám khảo dị có thể là vào ngày mồng bốn tháng tư. Lúc này Tôn Quyền mới mười tám tuổi, theo lễ “đội mũ ở tuổi hai mươi” còn “vị thành niên”. Con người “vị thành niên” đó có nhiều nét đặc biệt, từ nhỏ đã theo anh cả Tôn Sách Nam chinh Bắc chiến, mười lăm tuổi là huyện trưởng huyện Dương Tiện (nay là Nghi Hưng, Giang Tô). Theo biên chế quan chức thời Hán, huyện có nhân khẩu trên vạn hộ thì trưởng quan là huyện lệnh huyện chưa đủ vạn hộ thì trưởng quan gọi là huyện trưởng. Dương Tiện tuy là huyện nhỏ, nhưng huyện trưởng lại là trưởng quan. Có điều, Tôn Quyền mới mười lăm tuổi đã làm huyện trưởng, rõ ràng ở phía sau có Tôn Sách, một chỗ dựa vững chắc. Lúc này Tôn Sách đã mất, như trời long đất lở. Mới mười tám tuổi, Tôn Quyền đã phải nhận một gánh nặng, thực không dễ dàng chút nào. Có người nói, Tôn Sách lên ngôi thay cha lúc mười bảy, mười tám tuổi (chưa rõ Tôn Kiên mất vào năm nào, xem Tự Trị thông giám khảo dị). Tôn Sách có thể thay thế, sao Tôn Quyền lại không? Lý lẽ thật đơn giản. Sau lúc Tôn Kiên tạ thế, quân đội vào tay Viên Thuật, Tôn Sách không còn gì. Tôn Quyền tiếp nhận một chính quyền cát cứ một vùng có quy mô. Tôn Sách tay trắng dựng nghiệp, gánh nặng tâm lý nhỏ hơn. Tôn Quyền tiếp tục phát triển, gánh nặng tâm lý có phần lớn hơn. Chưa nói tới cái khác, chỉ riêng việc có điều khiển được các cựu thần lão tướng của Tôn Sách hay không, đã thành một vấn đề.

 

 

Tình hình lúc Tôn Quyền thay thế cũng không tốt. Ở cuối thiên Tam quốc chí - Tôn Sách truyện, có mấy lời của Tôn Thịnh, miêu tả chính xác chính quyền lúc Tôn Quyền tiếp nhận, “nghiệp không có tích đức cơ bản, bang không có cơ sở vững chắc”. Có chứng cứ về mấy điều đó. Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, nói rất rõ, lúc bấy giờ tập đoàn Tôn thị chỉ khống chế được năm quận ở Giang Đông: Cối Kê, Ngô quận, Đan Dương, Dự Chương, Lư Lăng và ngay cả ở những vùng này, số “sơn tặc” lánh mình nơi thâm sơn cùng cốc vẫn chưa thần phục (mấy nơi hiểm sâu chưa thần phục hết); số đại tộc thế gia rải rác khắp nơi (anh hào thiên hạ tại các châu, quận) cùng các nhân sĩ từ phương bắc đến lánh nạn, chỉ lo tới việc an nguy của mình (các nhân sĩ nhờ vậy chỉ lo việc an nguy) đều chưa coi anh em Ngô thị là vua chúa của mình (chưa có quan hệ quân thần bền chặt). Lời chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Trương Chiêu truyện cũng nói, Tôn Sách vừa tạ thế (một khi nghiêng ngả), vùng Giang Đông có cớ tan vỡ (sĩ dân khốn đốn, mỗi người một ý). Theo chú dẫn Giang biểu truyện của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô chủ truyện, Lý Thuật thái thú Lư Giang khi đó còn làm phản. Sau khi Tôn Sách qua đời, Lý Thuật không những không thần phục Tôn Quyền (sau khi Sách mất, Thuật không làm việc với Quyền), còn chiêu hàng nạp phản, luôn chứa chấp những kẻ muốn phản lại Tôn Quyền (nhận lũ muốn phản). Như vậy, chẳng phải là “bang cơ sở không vững” sao? Bấy giờ, Tôn Quyền mới mười tám tuổi, khác gì đang ngồi trong chảo nóng.

 

 

Vì sao sự thể lại như vậy? Vì sao Tôn Sách vừa mất, vùng Giang Đông “sĩ dân khốn đốn, mỗi người một ý”? Ngô thư nói, chính quyền Tôn Sách xây dựng còn mới (ngày chưa nhiều), ân huệ tưới rải chưa sâu, khắp (ân trạch chưa khắp). Chưa nên tin vào mấy lời đó. Tác giả Ngô thư là Vi Diệu, thái sử lệnh nước Ngô đương nhiên là phải che đậy cho Tôn Sách. Nguyên nhân cơ bản là “bang không có cơ sở vững chắc” “nghiệp không có tích đức cơ bản”. Vì sao vậy? Bởi vì cái mà Tôn Sách xây dựng cũng giống như Thục Hán do Lưu Bị sáng lập, đều là chính quyền xây dựng bằng vũ lực, bao gồm nhiều người từ ngoài đến. Có người nói, Tôn thị vốn là người Ngô, người Ngô xây dựng chính quyền Ngô, đương nhiên là “chính quyền người Ngô”. Lời nói như đúng mà sai, thực ra không phải thế. Thứ nhất, Tôn gia tuy là người Ngô nhưng không phải là sĩ tộc, là hàn tộc. Nói như Trần Thọ là “cô vi phát tích”. Thứ hai, nơi Tôn Kiên phát tích không phải là Giang Đông (“Giang Nam” ngày nay), quân chủ lực cũng không phải “con em Giang Đông”, đều là “tinh binh Hoài, Tứ” chiêu mộ thành. Thứ ba, Tôn Kiên là bộ hạ của Viên Thuật và Viên Thuật có ác danh là “nghịch thần”, thế lực lại ở “Giang Tây” (nay là “Giang Bắc”). Viên Thuật là người “Giang Tây”, Tôn Kiên là bộ hạ của Viên Thuật đương nhiên cũng là người Giang Tây. Sĩ tộc Giang Đông không thừa nhận Viên Thuật - “giặc lớn của đất nước”, người ở “Giang Tây Dương châu”, thì đương nhiên cũng không thừa nhận Tôn Sách là “người của mình”. Vì vậy, khi Tôn Sách đưa tàn quân của Tôn Kiên sang sông, người Giang Đông không thừa nhận họ đã “về nhà” mà nói Tôn Sách “thâm nhập”. Đúng như lời ngài Điển Dư Khánh nói trong Con đường dựng nước của Tôn Ngô, khắp Giang Đông, đâu đâu Tôn Sách cũng nghe những lời ác ý.

 

 


Tôn Sách

Không được hoan nghênh thì Tôn Sách răn đe bằng chết chóc. Theo chú dẫn Phó tử của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Ngô chủ truyện nói, Tôn Sách “giết các danh hào, uy tới nước láng giềng”; chú dẫn Cối Kê điển lục của Bùi Tùng Chi trong Tôn Thiều truyện nói, Tôn Sách “bình định Ngô Cối, giết các anh hào” (Ngô Cối tức là Ngô quận, Cối Kê quận), Quách gia truyện nói, Tôn Sách “giết các anh hùng hào kiệt, để được người khác liều mạng cho mình”, có thể thấy người bị giết là loại người nào. Điều này khiến cả Giang Đông chấn động, các nước láng giềng phẫn nộ và đó cũng là cớ để sau này Tào Tháo đánh Tôn Quyền. Giết người thì phải đền mạng, có áp bức thì có phản kháng. Lúc Tôn Sách còn sống, người người sợ uy, dám giận mà không dám nói. Một khi Tôn Sách mất, người người lại không vùng dậy sao? Rõ ràng, vấn đề Tôn Quyền gặp lúc này đâu phải Tôn Sách “ân rải chưa khắp?” Rõ ràng là “tích oán quá nhiều”, thậm chí “dân oán như sóng cồn”.

 

 

Tôn Sách đã có tính toán về điểm này. Vì vậy, Tôn Sách không chọn Tôn Dực - người có tác phong, tính cách giống mình, mà chọn Tôn Quyền - người có thể “dùng người hiền tài, hết lòng hết sức, gìn giữ Giang Đông”. Tôn Sách hiểu rõ, chính quyền thành lập nhờ võ lực và giết chóc là “nghiệp không có đức bền vững”. Sinh ra nhiều phái phản đối như vậy là “bang không có cơ sở vững chắc”. Vì vậy, dù đã chọn Tôn Quyền nhưng Tôn Sách vẫn chưa yên tâm, nên trước lúc lâm chung đã gửi con cho Trương Chiêu. Theo chú dẫn Ngô lịch của Bùi Tùng Chi trong Tam quốc chí - Trương Chiêu truyện, lúc đó Tôn Sách nói với Trương Chiêu, nếu đứa em đó không gánh nổi trọng trách (nếu Trọng Mưu không được việc), thì ngài nhận lấy quyền lãnh đạo (quân hãy tự thay nhận lấy). Như vậy, dù chúng ta không thể thành công ở Giang Đông (không thắng được ở đây), vẫn có thể nghĩ cách về Giang Tây (trở lại miền tây), có gì phải bận tâm (có gì phải lo nghĩ). Như vậy, chính quyền Tôn thị có đứng vững được ở Giang Đông hay không, Tôn Sách chưa chắc chắn lắm.

 

 

Chính quyền Tôn thị không chỉ có nội loạn, mà còn có ngoại hoạ. Lúc Tôn Sách tạ thế, Tào Tháo, Viên Thiệu đang kình địch ở Quan Độ. Bất kể ai thắng ai thua, nhất định kẻ thắng sẽ đánh xuống Giang Đông. Đó là ở miền Bắc. Ở miền tây có Lưu Biểu “có hơn mười vạn quân, cách đó chừng mấy ngàn dặm”, ngồi nhìn hai hổ đấu nhau, hai quân Tào và Viên đang phô diễn. Đại tướng Hoàng Tổ thủ hạ của Lưu Biểu, người có cha bị anh em Tôn Sách giết hại, lúc này cũng đang hầm hè ờ Giang Hạ. May sao Lưu Biểu không phải hùng kiệt, thiếu chí lớn, nếu không, một khi Tôn Sách mất, Hoàng Tổ đã đánh thẳng tới đó.

 

 

Tôn Quyền - người thay thế lúc đó, có thể nói “tuổi nhỏ, thế cô, nội loạn, ngoại hoạ”. Xa có địch mạnh (Tào Tháo), gần có thù đời (Lưu Biểu), trong còn loạn lạc (sĩ tộc Giang Đông không phục), chưa có công gì (giang sơn không phải tự mình đoạt được), cái nhận được chỉ là miếng khoai nước rát lưỡi. Có phần giống như Gia Cát Lượng tiếp nhận chính quyền Thục Hán, viễn cảnh không mấy lạc quan. Lúc nói tới Thục Hán, tôi đưa ra mười sáu chữ: Lưu Bị dựng nước, cơ sở không vững; Di Lăng bại trận, núi rung đất động. Mấy chữ này cũng thích hợp với Tôn Quyền: Tôn thị vào Ngô, cơ sở không vững; anh cả vừa mất, núi rung đất động. Vì vậy, trong Ngô chủ truyện hay trong Trương Chiêu truyện của Tam quốc chí đều nói, lúc đó Tôn Quyền đã khóc hết nước mắt. Tiếng khóc kinh hãi, vừa lo lắng vừa bi thương. Gia Cát Lượng trở thành nhà chính trị lão luyện khi tiếp nhận chính quyền Thục Hán, còn Tôn Quyền lúc này mới vị thành niên, không khóc sao được?

 

 

Nhưng họ đã thành công. Gia Cát Lượng thành công vì biết liên Ngô chống Ngụy, lấy thủ để công, trị nước theo phép, yên nội nhiễu ngoại, xử lý đúng đắn hàng loạt những mâu thuẫn trong lẫn ngoài. Vậy vì sao Tôn Quyền cũng thành công?

 

 

Mọi người thường nói, Tào Tháo có thiên thời, Tôn Quyền có địa lợi, Lưu Bị có nhân hoà. Thực đáng ngờ, vì đây là lời các tiểu thuyết gia. Tào Tháo có thiên thời đúng không? Từ lâu đã có người hoài nghi. Lưu Bị có nhân hoà đúng không? Theo tôi, chưa chắc. Thế nào là “thiên thời”? Là xu thế phát triển của xã hội. Xu thế phát triển lúc đó như thế nào? Giai cấp địa chủ sĩ tộc sẽ trở thành vai chính trên vũ đài chính trị. Tào Tháo đại biểu cho xu thế đó chăng? Không. Tư Mã Ý đại diện cho xu thế đó. Tào Tháo đại diện cho giai cấp đó chăng? Cũng không. Viên Thiệu là người đại diện cho giai cấp đó. Đã vậy, sao lại nói Tào Tháo “có thiên thời”?

 

 

Chắc gì Lưu Bị đã có “nhân hoà”. Lúc đầu là có. Lưu, Quan, Trương thân như anh em; Gia Cát Lượng Bàng Thống, Pháp Chính hết lòng phò tá. Nhưng sau này thì khó nói, “đấu tranh nội bộ” luôn nổ ra, Lý Nghiêm bị phế, Bành Dạng bị giết, ngay cả con nuôi là Lưu Phong cũng bị ban tội chết, Ngụy Diên và Dương Nghi đều lao vào chỗ chết. Trong thực tế, nội loạn là nguyên nhân quan trọng khiến Thục Hán diệt vong. Tập đoàn Đông châu ngoài hợp trong li, tập đoàn Ích châu li tâm li đức, nhân sĩ Ích châu thì mong mỏi Tào Ngụy sớm đến “giải phóng” cho, mong cho Thục Hán nhanh chóng diệt vong, sao lại nói là “có nhân hoà”?

 

 

Tôn Quyền thành công chắc gì vì “có địa lợi”. Thời kỳ đầu, điều lo lắng lớn của Tôn Quyền không phải là miền Bắc (Tào Tháo, Viên Thiệu), cũng không phải là miền tây (Lưu Biểu, Lưu Chương) mà là Giang Đông. Vậy có “địa lợi” gì đáng nói ở đây? Trên thực tế, trước hết vì “có nhân hoà”, Tôn Quyển mới có thể đứng vững, tiếp tục tồn tại và phát triển. Tam quốc chí - Ngô chủ truyện nói rất rõ, Tôn Quyền vừa thay thế đã có hai anh hùng cái thế, một văn một võ nhận định “có thành nghiệp lớn” và tình nguyện ủng hộ phò tá (hết lòng phụng sự), còn giúp Tôn Quyền xác lập quyền uy của mình, lẽ nào đó không phải là “nhân hoà”?

 

 


Trương Chiêu

Chúng ta đều biết, đó là Chu Du và Trương Chiêu.

 

 

Đây là trường hợp vô cùng cảm động. Theo Ngô chủ truyện, Trương Chiêu truyện, lúc Tôn Quyền “khóc gần hết hơi” thì Trương Chiêu xuất hiện nói, hiếu liêm ơi, chẳng nhẽ lúc này là lúc khóc ư? Nay hổ lang, gian tặc đang hoành hành, nếu tiểu tướng quân cứ lo khóc anh trai thì ngang như đã mở cửa mời giặc vào. Đây chẳng phải là “nhân ái” gì (không thể coi là nhân)! Điều quan trọng với người thay thế là biết tiếp nhận cái trước rồi mở rộng và phát triển hoàn thành đại nghiệp, vậy sao cứ khóc lóc mãi như đám thất phu thất phụ kia (tình cảm như lũ thất phu)? Thế rồi Trương Chiêu để Tôn Quyền thay trang phục, đổi mặc nhung trang (cải mặc quyền phục), đỡ Tôn Quyền lên ngựa, bày nghi trượng (dàn quân) tuần sát ba quân (kiểm tra quân lính). Không thể hiểu được, Tôn Quyền đã phản ứng rất nhanh, xuất hiện trước mọi người trong tư thế anh vũ uy nghiêm, hệt như một đấng quân vương. Mọi người biết đó là chúa mới (lòng mọi người đã có chỗ dựa). Trương Chiêu “cùng mọi người lo phò tá”.

 

 

Cùng lúc đó, Chu Du cũng từ Ba Khâu (huyện Hạp Giang, Giang Tây ngày nay, không phải Ba Khâu của thị trấn Nhạc Dương, Hồ Nam ngày nay, nơi mà sau này quân Tào bị dịch và Chu Du ốm, qua đời) trở về huyện Ngô (nay là Tô Châu, Giang Tô) với chức danh Trung Hộ quân (tư lệnh quân cận vệ) cùng Trương Chiêu (bí thư trưởng) ờ cạnh Tôn Quyền “cùng nhau lo liệu”. Theo Chu Du truyện, lúc đó Tôn Quyền chỉ là tướng quân. Vì vậy bệ hạ và tân khách luôn đơn giản và tuỳ tiện mỗi khi có lễ với Tôn Sách. Riêng Chu Du thì khác, luôn hành lễ theo quan hệ vua tôi, (một mình tận kính theo lễ thần tử), dẫn đầu trong việc xác lập quyền uy của vua Tôn Quyền. Một người “cùng mọi người lo phò tá”, một người “một mình tận kính theo lễ thần tử”, Tôn Quyền một lúc đứng trên vai hai người, bỗng chốc trở nên cao lớn.

 

 

Việc Trương Chiêu và Chu Du ủng hộ là cực kỳ quan trọng vì hai người đó đều không phải là người “Giang Đông”, lại đại diện cho hai thế lực chính trị. Chúng ta đều biết, cũng giống như chính quyền Thục Hán được Lưu Bị xây dựng sau khi vào Thục, chính quyền Đông Ngô do Tôn Quyền thành lập cũng bao gồm ba phái. Có điều, khi Tôn Quyền thay thế ba phái này chỉ là ba thế lực chính trị. Chúng ta cần phải nói thêm về ba thế lực chính trị này, nếu không sẽ không sao rõ được rất nhiều tình hình ở Đông Ngô. Tất nhiên chỉ có thể nói qua. Nếu muốn biết tường tận hơn, xin đọc Con đường Tôn Ngô lập nước của ngài Điền Dư Khánh.

 

 

Thế lực chính trị thứ nhất là “Tập đoàn quân sự Hoài, Tứ”, gọi tắt là “Hoài Tứ tướng lĩnh”, bao gồm quân cũ của Tôn Kiên và Tôn Sách, nói rõ hơn là số người từ rất sớm đã theo cha con Tôn Kiên, Tôn Sách Nam chinh Bắc chiến giành thiên hạ. Trong số này người cũ của Tôn Kiên là: Trình Phổ người huyện Thổ Ngân quận Hữu Bắc Bình; Hoàng Cái người huyện Tuyền Lăng, quận Linh Lăng; Hàn Đương người huyện Lệnh Chi, quận Liêu Tây. Quân cũ của Tôn Sách gồm có: Tưởng Khâm người huyện Thọ Xuân, quận Cửu Giang; Chu Thái người huyện Hạ Thái, quận Cửu Giang; Trần Võ người huyện Tùng Tư, quận Lư Giang. Chu Du là nhân vật đại biểu cho phái hệ này. Chu Du người huyện Thư, quận Lư Giang, từ nhỏ đã “thân tình” với Tôn Sách, cùng Tôn Sách từ “Giang Tây” vượt sông đánh tới đây, vừa là “anh em thân thiết” vừa là “anh em cọc chèo” với Tôn Sách, trở thành lãnh tụ của phái hệ này.

 

 

Thế lực chính trị thứ hai là “tân khách ngụ cư ở đây”, gọi là “Bắc sĩ lưu vong”. Họ vốn từ phương bắc, chạy loạn tới Giang Đông, lúc đầu nhờ cậy vào thái thú, châu mục ở Giang Đông, về sau theo về với tướng lĩnh Hoài Tứ hoặc đại tộc Giang Đông, nên gọi là “tân khách đến ngụ cư”, như Trương Chiêu người Bành Thành; Gia Cát Cẩn người huyện Dương Đô, quận Lang Nha; Bộ Chất người huyện Hoài Âm, quận Lâm Hoài; Trương Hoành người quận Quảng Lăng; Nghiêm Tuấn người Bành Thành; Thị Nghi người huyện Doanh Lăng, Bắc Hải. Họ đều đến “Giang Đông lánh nạn”, nên gọi là “Bắc sĩ lưu vong”. Thế lực chính trị này tuy là một phái hệ phân tán, thậm chí không thành phái hệ, nhưng vì họ là nhân sĩ từ phương bắc, nên ảnh hưởng thật khó lường.

 

 

Thế lực chính trị thứ ba là “đại tộc thế gia Giang Đông”, gọi là “Giang Đông sĩ tộc”, ở đây, quan trọng nhất là “tứ đại gia tộc”: Ngu, Ngụy, Cố, Lục. Ngu thị và Ngụy thị ở quận Cối Kê, Ngu xếp trước, Ngụy xếp sau, nhân vật đại biểu là Ngu Phiên và Ngụy Đằng. Cố thị và Lục thị ở quận Ngô, Cố xếp trước, Lục xếp sau, nhân vật đại biểu là Cố Ung và Lục Tốn. Cơ ngơi của “tứ đại gia tộc” này khác nhau, số phận của bốn nhân vật đại biểu trên cũng khác nhau. Lục Tốn, Cố Ung “ra trận vào triều đều là tướng”, đứng đầu văn võ trong chính quyền Đông Ngô; Ngu Phiên hai lần bị giáng, cuối cùng chết ở nơi đi đầy; Nguy Đằng cũng hai lần suýt bị giết. Có một lần Tôn Sách định giết Nguỵ Đằng, may được Ngô phu nhân cứu sống. Chuyện này đã nói trong tập Cơ nghiệp Đông Ngô.

 

 


Địa bàn Tôn Sách trước trận Quan Độ

Đây là “bản đồ chính trị” khu vực Giang Đông sau khi Tôn Sách vượt sông. Ở đó có nhiều chỗ đánh dấu bằng “ba mầu” đỏ, vàng, lam. Màu đỏ là “tướng lĩnh Hoài Tứ”, vàng là “Bắc sĩ lưu vong”, lam là “sĩ tộc Giang Đông”. Hồng là vũ khí, vàng là bút mực, lam là tiền bạc. Thái độ của họ đối với chính quyền của Tôn Sách cũng khác nhau. “Tướng lĩnh Hoài Tứ” (vũ khí) thì ủng hộ; “Bắc sĩ lưu vong” (bút mực) thì chờ xem; “sĩ tộc Giang Đông” (túi tiền) thì chống lại. Phần trước đã nói rõ nguyên nhân, Tôn Sách là hàn tộc ở Giang Đông, phát tích ở Giang Tây, nghịch thần ác bá, xâm nhập quê hương, còn răn đe giết hại anh hào. Chính vì thế mà sĩ tộc Giang Đông phản cảm, cảnh giác, hãi hùng và bài xích.

 

 

Nhưng Tôn Quyền muốn thành đại nghiệp, cần phải cắm rễ ở Giang Đông, cần phải được sĩ tộc Giang Đông ủng hộ. Lúc này là buổi đầu chưa có được điều đó, nên phải tìm đến sự ủng hộ khác. Như vậy biểu hiện của Chu Du và Trương Chiêu mang tính chất quyết định. Phần trước đã nói, Chu Du là lãnh tụ “tướng lĩnh Hoài Tứ”. Chu Du ủng hộ Tôn Quyền, Tôn Quyền có vũ khí, sự việc được giải quyết quá nửa. Sự ủng hộ của Trương Chiêu cũng rất quan trọng, Trương Chiêu vốn là “tân khách ngụ cư”, thuộc thế lực chính trị thứ hai. Trương Chiêu tuy không là “lãnh tụ” nhưng lại có sức ảnh hưởng có sức hiệu triệu, có “tác dụng mô phạm dẫn đầu”. Trên thực tế, sau khi Trương Chiêu “đưa đồng liêu đến phò tá” thì số “Bắc sĩ lưu vong” còn có thái độ thăm dò trong thời Tôn Sách, đã bắt đầu bước vào mạc phủ của Tôn Quyền. Như vậy, Tôn Quyền đã có bút mực. Có người được Tôn Quyền chiêu mộ (Thị Nghi), có người tự tìm đến (Gia Cát Cẩn), có người được Trương Chiêu giới thiệu (Nghiêm Tuấn).

 

 

Chu Du tiến cử Lỗ Túc với Tôn Quyển, Tôn Quyền và Lỗ Túc, quân thần gặp mặt. Theo Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện, Chu Du đã phải làm việc với cả hai phía. Một mặt, nói Tôn Quyền luôn kính trọng người hiền (thân người hiền, quý kẻ sĩ), thu nhận người kỳ tài (nhận người tài), tương lai đại nghiệp sẽ thành công (cuối cùng có cơ sở là đế). Mặt khác lại nói với Tôn Quyền, “Lỗ Túc có tài phò tá”, cần có nhiều người tài như vậy (phải tìm kiếm những người như vậy), để hoàn thành đại nghiệp (cơ nghiệp mới thành), không thể để họ phiêu bạt đến chỗ khác (không thể đế họ đi). Kết quả Tôn Quyền và Lỗ Túc vừa gặp như đã quen, hợp phách hợp điệu, như cá gặp nước, cuối cùng trờ thành một cặp quân thần bền chặt.

 

 

Một sự kiện mang ý nghĩa trọng đại. Trước hết, Lỗ Túc là “nhân tài siêu việt” khó kiếm vào thời đó. Lỗ Túc luôn mưu lợi cho đất nước, giỏi đường trị quân, tinh thông ngoại giao, có tầm nhìn chính trị và chiến lược, có thể vừa là nhà chính trị, ngoại giao vừa là nhà quân sự. Lỗ Túc có nhiều đóng góp đặc biệt cho tập đoàn Tôn Ngô. Lỗ Túc đề xuất mục tiêu chiến lược “dựng hiệu đế vương nhằm lấy thiên hạ”; quy hoạch chiến lược “chia ba thiên hạ” với Tào, Lưu (chỉ Lưu Biểu lúc đó, sau điều chỉnh là Lưu Bị) và cũng chính Lỗ Túc dựng nên “liên minh Tôn - Lưu” (bao gồm chống Tào Tháo và cho mượn Kinh châu) tuy sau này có nhiều cách đánh giá khác nhau (về sau Tôn Quyền cho là “một thiếu sót”), nhưng lúc “đòi lại” Kinh châu, Lỗ Túc một mình đến hội, khuất phục Quan Vũ, không hề mất đi phong độ một đại tướng, bản sắc một anh hùng. Vì vậy, về sau trong lúc trò chuyện với Lục Tốn, Tôn Quyền nói trình độ Lục Tốn còn cao hơn Trương Nghi và Tô Tần (cao hơn Trương xa hơn Tô); địa vị lịch sử của Lỗ Túc ngang hàng với Đặng Vũ - đứng đầu các nguyên huân khai quốc thời Đông Hán) (xem Tam quốc chí - Lã Mông truyện).

 

 

Nhưng những điều đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là thân phận của Lỗ Túc và thời cơ, con đường Lỗ Túc đến tham gia với Tôn Quyền, cùng những chức vụ sau đó.

 

 

Nói về thân phận trước. Trong Tam quốc chí - Lỗ Túc truyện nói, Lỗ Túc người huyện Đông Thành, quận Lâm Hoài. Vì không muốn nhận chức huyện trưởng huyện Đông Thành theo sắp xếp của Viên Thiệu, Lỗ Túc liền đem theo cả nhà cùng hơn trăm thanh niên hiệp nghĩa (cả nhà cùng hơn trăm người nghĩa hiệp) xuống miền Nam Cư Sào theo Chu Du (đến miền Nam Cư Sào theo Chu Du), (có người nói Cư Sào là đông bắc thị trận Sào Hồ, An Huy, có người nói Cư Sào thuộc đông nam thị trấn Đồng Thành, An Huy). Đông Thành nay là đông nam huyện Định Viễn, An Huy, vì vậy Lỗ Túc là “người Giang Tây”, không phải là “người Giang Đông”, về điều này, Lỗ Túc giống các tướng lĩnh Hoài Tứ, cùng thứ ngôn ngữ với Chu Du. Lỗ Túc xuống miền Nam theo Chu Du, nên là “tân khách ngụ cư”, về điều này, Lỗ Túc giống các Bắc sĩ lưu vong, cùng thứ ngôn ngữ với Trương Chiêu. Lỗ Túc cự tuyệt sự sắp đặt của Viên Thuật, nên lập trường chính trị lại giống với sĩ tộc Giang Đông, có thể có cùng một tiếng nói với họ. Trong tập đoàn Tôn thị xưa nay chưa hề có ai cùng lúc có ba thân phận như vậy. Tôn Quyền muốn điều hoà “ba màu” trên “bản đồ chính trị của mình”, nên rất cần loại người này. Tất nhiên, chưa hẳn Lỗ Túc đã có được tác dụng như vậy, nhưng việc Lỗ Túc đến tham gia, ít ra cũng có ý nghĩa tượng trưng.

 

 

Thứ đến là thời cơ. Phần trên đã nói, sĩ tộc Giang Đông luôn bài xích tập đoàn Tôn thị; Bắc sĩ lưu vong luôn giữ thái độ bảo lưu. Lỗ Túc là “tân khách ngụ cư”, cùng với họ, xem thường tập đoàn Lưu thị. Chúng ta đều biết, lúc Chu Du vượt sông sang đông, Lỗ Túc cũng vượt sông, nhưng khi đến Giang Đông, Lỗ Túc không theo Tôn Sách. Lời chú dẫn Ngô thư của Bùi Tùng Chi nói, Lỗ Túc đã gặp Tôn Sách. Ngài Miêu Việt cho rằng không phải thế. Sự thực, lúc đến Khúc A (nay là thị trấn Đan Dương, Giang Tô), Lỗ Túc đã dừng lại (cả nhà ở lại Khúc A). Khúc A là trị sở của Lưu Do được triều đình cử đến làm Dương châu mục, là vùng đất có nhiều ý nghĩa. Trị sở của Dương châu vốn ở Thọ Xuân (nay là huyện Thọ, An Huy). Lúc Viên Thuật chiếm Thọ Xuân, Lưu Do đành phải dời trị sở về Khúc A “Giang Đông”. Lập tức hình thành hai Dương châu, là Giang Đông (Giang Nam) và Giang Tây (Giang Bắc). Nói về phái hệ thì Tôn Sách thuộc “Giang Tây Dương châu”. Lỗ Túc ngụ ở trị sở “Giang Đông Dương châu” có ý nghĩa chính trị gì không, chúng ta chưa rõ. Sau khi Tôn Sách qua đời, Lỗ Túc không nghĩ chuyện về với Tôn Quyền, đó là sự thực. Lỗ Túc chuẩn bị đến với một người là Trịnh Bảo theo ý của Lưu Tử Dương (một người bạn của Lỗ Túc). Trịnh Bảo là ai? Không biết. Xem ra cũng không phải là người ghê gớm gì. Lỗ Túc tình nguyện sang với Trịnh Bảo, không đến với Tôn Quyền, rõ ràng là chưa biết gì về Tôn Quyền.

 

 

Nhưng cuối cùng thì Lỗ Túc đã đến với Tôn Quyền, rõ ràng là có lời khuyên của Chu Du cộng với sự đồng ý của chính Lỗ Túc. Theo tôi, trước đó Lỗ Túc đã phải suy nghĩ nhiều, không phải đơn thuần “Túc nghe lời khuyên”. Lời khuyên đó chỉ có thể là một tín hiệu, cho hay “tân khách ngụ cư” đã thừa nhận Tôn Quyền, thậm chí có thể theo tới đó. Tục ngữ có câu, đến sớm không bằng đến đúng lúc. Với Tôn Quyền, Lỗ Túc đến như là trong tuyết có lửa. Huống hồ khi hai bên gặp nhau, Lỗ Túc nói nhiều về “dựng hiệu đế vương để đoạt thiên hạ”, đề xuất bản Long Trung đối của Đông Ngô “tân khách ngụ cư” nhằm “chia ba thiên hạ”. Tôn Quyền đã hết sức cảm kích, thậm chí là cảm động. Vì vậy, sau nhiều năm, lúc trò chuyện với Lục Tốn, Tôn Quyền nói “Ta cùng nói vui thì đã bàn ngay đến nghiệp lớn đế vương, đó là cái khoái nhất vậy”.

 

 

Lại nói tới con đường và chức vụ đến với tập đoàn Tôn thị, không phải bắt đầu từ Lỗ Túc, cũng không phải chỉ có mình Lỗ Túc. Nhưng họ hoặc là được Tôn Quyền chiêu mộ (như Bộ Trắc), hoặc là được Đổng Nhân tiên cử (như Nghiêm Tuấn) và đa phần đảm nhiệm chức văn (như Gia Cát Cẩn là trưởng Sử, Bộ Trắc là chủ ký). Lỗ Túc do Chu Du tiến cử, về sau nhận chức võ. Chính quyền tập đoàn Tôn thị vốn là cơ cấu do Trương Chiêu cầm đầu văn, gồm đa phần là Bắc sĩ lưu vong; Chu Du cầm đầu võ, đa phần là tướng lĩnh Hoài Tứ. Lỗ Túc xuất hiện và nhận chức đã phá vỡ lệ đó. Ít ra cũng chứng tỏ là “thế lực thứ nhất” (tướng lĩnh Hoài Tứ) và “thế lực thứ hai” (Bắc sĩ lưu vong) đã hợp lại. Hơn nữa, Bắc sĩ lưu vong đã có thể nhập vào hệ thống quân sự do tướng lĩnh Hoài Tứ làm chủ, vậy thì sau này sĩ tộc Giang Đông sao lại không thể? Trên thực tế, đã có Lục Tốn - một danh tướng sau Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, xuất thân từ sĩ tộc Giang Đông, một tộc lớn nhất trong “tứ đại gia tộc” ở Ngô quận.

 

 

Phân tích như vậy mới thấy ý nghĩa to lớn của việc Lỗ Túc tham gia liên minh, mới thấy vai trò của Lã Mông. Lã Mông là một trong “tứ đại anh tướng” của Tôn Quyền (bốn vị thượng du thống soái, là Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông, Lục Tốn). Lã Mông là người thay thế chức quân của Lỗ Túc, cũng là người tiến cử Lục Tốn thay thế mình. Cuộc đời Lã Mông cũng khá đặc biệt. Theo Tam quốc chí - Lã Mông truyện, chúng ta biết, Lã Mông người huyện Phú Pha, quận Nhữ Nam (nay là thị trấn Phụ Dương, An Huy), không thuộc “sĩ tộc Giang Đông”. Từ nhỏ theo anh rể Đặng Đương qua sông xuống miền Nam. Gia cảnh lúc đó nghèo hèn (nghèo khổ không nhà cửa), không được đi học (ít đọc sách), vì vậy không thuộc “Bắc sĩ lưu vong”, chỉ là “bình dân vượt sông xuống Nam”. Tôn Sách phát hiện ra Lã Mông, luôn cho làm thị vệ ở cạnh, về sau được Trương Chiêu tiến cử, lúc anh rể qua đời, được thay làm Biệt bộ tư mã. Lã Mông đã có chức vụ nhỏ và được coi là người trong “tập đoàn quân sự Hoài Tứ”.

 

 

Trên thực tế, phải vất vả lắm Lã Mông mới có chức, tuy “Biệt bộ tư mã” chỉ là chức đầu mục trong quân. Sau khi thay thế, Tôn Quyền đã tinh binh giản chính, lúc này “tiểu tư mã” có cơ phải “dịch chuyển ra Quan Đình”. Lã Mông biết điều đó, nên đã vay tiền sắm quân trang, lo luyện quân, khiến Tôn Quyền vô cùng thích thú khi đến thị sát. Từ đó Tôn Quyền bắt đầu chú ý đến Lã Mông, dạy Lã Mông đọc sách, cho Lã Mông quân đội, giúp Lã Mông trưởng thành trong chiến đấu. Lã Mông không phụ sự kỳ vọng đó, để Lỗ Túc gặp mặt mọi người. Vì vậy, về sau mỗi lần trò chuyện với Lục Tốn, Tôn Quyền đều nói, cô chỉ nghĩ Tử Minh (Lã Mông) không sợ gian khó, gan dạ (quả cảm không từ nan), không ngờ Lã Mông “có học vấn, tài mưu lược”, chẳng mấy chốc sẽ như Chu Công Cẩn! Thực tình thì Tôn Quyền có nhiều công sức trong chuyện này. Xét theo nghĩa đó thì Lã Mông là người được Tôn Quyền phát hiện và bồi dưỡng.

 

 

Từ đây cho thấy, Lỗ Túc ít nhiều quan hệ với ba thế lực chính trị, tướng lĩnh Hoài Tứ, Bắc sĩ lưu vong, sĩ tộc Giang Đông, còn Lã Mông thì không. Vì vậy, nếu nói đại diện cho ba thế lực chính trị trên “bản đồ chính trị” của Tôn Quyền là ba màu đỏ, vàng, lam, thì đại diện cho Lỗ Túc, Lã Mông là màu nâu.

 

 

Nhưng Tôn Quyền rất cần màu nâu. Lúc đầu, Tôn Quyền cần màu nâu để có thể điều hoà với ba màu kia. Sau này càng cần màu nâu làm màu quá độ, để điểu hoà màu sắc chủ đạo trong chính quyền, từ mầu hồng của tướng lĩnh Hoài Tứ, màu vàng của Bắc sĩ lưu vong dẩn dần biến thành màu lam của sĩ tộc Giang Đông. Ngài Điền Dư Khánh nói, con đường dựng nước của Tôn Quyền là quá trình “Giang Đông hoá”. Để làm rõ quan điểm này có thể nhìn vào bốn vị từng nhận chức Thượng du thống soái; Trước hết là Chu Du (tướng lĩnh Hoài Tứ) đến Lỗ Túc (Bắc sĩ lưu vong), đến Lã Mông (bình dân qua sông xuống nam) thứ đến Lục Tốn (sĩ tộc Giang Đông).

 

 

Đây là sự phân tích của người đời sau. Còn đối với các nhân vật lịch sử thì đây chỉ là lần mây gió gặp nhau. Đúng như Chu Du nói với Lỗ Túc “là lúc tráng sĩ tựa rồng như gió bay lên”. Chu Du còn mượn lời Mã Viện trả lời Quang Vũ đế thời Đông Hán: “lúc này, quân không chọn thần, thần cũng sẽ chọn quân”. Vậy, vì sao Chu Du và Lỗ Túc lại chọn Tôn Quyền? Ở con người đó có điểm gì hơn người, khiến anh hùng hào kiệt khắp nơi phải tìm đến?

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét