Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Tiến thoái lưỡng nan

 


Bia không chữ trong Càn lăng.

Luận anh hùng – VÕ TẮC THIÊN

5. Tiến thoái lưỡng nan

Từ ngày mùng chín tháng chín (năm 690) năm Thiên Thụ thứ nhất (năm 690 đăng cơ), đến ngày hai mươi chín tháng giêng (năm 705) năm Thần Long thứ nhất, thoái vị, Võ Tắc Thiên làm hoàng đế gần mười lăm năm. Trong mười lăm năm này, bà gặp hai khó khăn lớn: Làm thế nào để trị lý tốt Đại Chu và chọn người kế nhiệm vương triều.

 

Việc thứ nhất, bà làm khá thành công. Vương triều Võ Chu trong mười lăm năm đại thể là đất nước thanh bình, dân chúng yên vui. Tuy tốc độ phát triển kinh tế chưa bằng Trinh Quán (Thái Tông trị lỵ), mức độ phồn vinh xã hội chưa bằng Khai Nguyên (Huyền Tông trị lý), nhưng ít nhất cũng đạt mức: Kho tàng đầy ắp, dân số phát triển nhiều. Lãnh thổ đế quốc hơn hẳn thời Trinh Quán Đường Thái Tông. Bản thân nữ hoàng bệ hạ mọc thêm tóc, thêm thanh xuân, tháng chín năm Trường Thọ thứ nhất (năm 692), bà mọc thêm răng mới, (lúc này đã sáu mươi chín tuổi), mọc thêm lông mày mới (lúc này đã bảy mươi sáu tuổi). Võ Tắc Thiên, người đàn bà này đã trẻ ra qua đời sống chính trị và đấu tranh chính trị. Đúng là kỳ tích.

 

Một kỳ tích nữa: Trong lịch sử Trung Quốc không ít đế vương phải lo toan việc nước ở tuổi thanh và trung niên, vào những năm cuối đời, nếu không hồ đồ thì cũng sai lầm. Võ Tắc Thiên lại là ngoại lệ, Võ Tắc Thiên là hoàng đế năm sáu mươi bảy tuổi, nhưng mãi đến năm tám mươi hai tuổi mới thoái vị, lúc nào đầu óc cũng tỉnh táo, tư duy nhạy bén, tinh lực dồi dào, phán đoán chính xác, không hề có hiện tượng già nua, cũng không hề thấy mệt mỏi. Chỉ sau khi bị đoạt mất quyền lực, đồng thời lại bị đoạt mất chàng trai sủng ái, chính trị và đàn ông đều không còn, bà mới già đi nhanh chóng.

 

Có thể, tất cả vì Võ Tắc Thiên là đàn bà. Tố chất thân thể và tố chất tâm lý của đàn bà tốt hơn của đàn ông, ít ra cũng được lâu hơn đàn ông. "Cao cao thì dễ gãy, trắng thì dễ ố", tính cương của đàn ông thì dễ gãy, tính nhu của đàn bà bền lâu hơn. Cho nên đàn bà thường sống lâu hơn đàn ông, bà già cũng ít lẩm cẩm hơn ông già. Rõ ràng, trong lịch sử đã có nhiều thái hậu nổi tiếng, cũng thực dễ hiểu: Các vị đứng đầu Dương phủ, Giả phủ cũng đều là các bậc lão thái quân sáng suốt, mạnh mẽ.

 

Đương nhiên, Võ Tắc Thiên lợi hại hơn nhiều so với Xa thái quân trong "Dương gia tướng", hoặc với Sử thái quân (Giả mẫu) trong "Hồng lâu mộng", vì Võ Tắc Thiên là hoàng đế. Xưa nay, hoàng đế luôn được gọi là 'Vua cha", còn giữa cha và con luôn có một chút ngăn cách. Lúc này hoàng đế đổi là Võ Tắc Thiên, triều đình của Võ Chu, làm cho có không khí giữa người bà và đám con cháu. Cho nên quan hệ quân thần trong triều Tắc Thiên tương đối là hoà thuận.

 

Điều chủ yếu là bởi, Võ Tắc Thiên là nhà chính trị cao minh, còn có thêm sự "bổ trợ âm dương" vì nữ là vua, nam là thần. Sau khi đã thuận lợi đoạt được chính quyền là hoàng đế, Võ Tắc Thiên không hề vì thắng lợi mà hoa mắt. Bà thừa biết, giữ chính quyền khó khăn hơn lúc đoạt chính quyền, và tạo nên một xã hội thái bình thịnh thế càng khó khăn hơn giữ chính quyền. Muốn làm được điều đó, chỉ dựa vào cá nhân Võ Tắc Thiên là không xong, nên cần phải thu nạp nhiều nhân tài. Nhân tài không phải là để trang trí. Cần phải sử dụng nhân tài, trước hết là phải tôn trọng nhân tài, và điều tôn trọng lớn đối với nhân tài là thực bụng lắng nghe ý kiến họ. Hiển nhiên, muốn trị quốc phải chiêu hiền, chiêu hiền còn phải nghe lời can gián.

 


Con đường từ cổng vào Càn Lăng được lát đá xanh và bố trí các tượng đá to lớn

Có người cho rằng, Võ Tắc Thiên thành tâm nghe lời can gián là có phong thái vua hiền thời cổ, chưa hẳn là vậy. Tân Hoàng, Hán Vũ, Đường Thái Tông đều nghe lời can gián từ trẻ, lúc về già lại không. Võ Tắc Thiên lại khác, lúc trẻ thì không, lúc già mới nghe lời can gián. Vì lời can gián lúc trẻ, không muốn bà làm hoàng đế, bà nghe sao được? Lời can gián lúc già, luôn giúp bà làm hoàng đế, vì sao bà không nghe? Rõ ràng, Võ Tắc Thiên là người hiểu được đúng sai. Sở dĩ giai đoạn đầu phải hạn chế ngôn luận, cấm phê phán, vì luôn là những câu nói khó lọt tai, như "gà mái gáy sáng", đành phải bịt miệng mọi người lại để tránh phiền hà.

 

Chẳng trách, Võ Tắc Thiên lúc này lại khoan dung nhiều với những biểu hiện của phê phán. Con người Võ Tắc Thiên luôn thích nghe những "tin vui". Tháng chín, năm Thánh Lịch thứ mười một (năm 699), có cây lê nở hoa, Võ Tắc Thiên hỏi quần thần: "Đây là tin vui gì?". Chư thần đều nói: "Đó là đức của bệ hạ trùm cây cỏ". Riêng phượng các thị lang Đỗ Cảnh Kiệm nói: "Đó không phải tin vui, mà là tội của thần. Vì trách nhiệm tể tướng là phò tá bệ hạ, hoà hợp âm dương. Nay có việc quái gơ, âm dương đảo lộn, vạn vật bất bằng, để có hoa lê nở vào mùa thu, đương nhiên đây là tội của thần". Nói xong liền quỳ xuống, mong được Võ Tắc Thiên xử tội. Nữ hoàng vô cùng cảm động, nói: "Khanh đúng là tể tướng!".

 

Không thể kể hết những việc như vậy. Tháng ba năm Tràng An thứ nhất, trời đổ tuyết lớn, tể tướng Tô Vị Đạo cho là tin vui, đưa trăm quan đi chúc mừng, duy có thị ngự sử Vương Cầu Lễ không bái, còn hỏi lại: "Nếu như tháng ba có tuyết lành, vậy tháng chạp sẽ có tuyết gì? Giữa xuân là lúc vạn vật đang hồi sinh, đột nhiên có tuyết lớn, chỉ có thể coi là tai hoạ, đâu phải là tin vui". Võ Tắc Thiên tuy mất hứng, nhưng tỏ ra đã biết nghe, liền hạ lệnh không lên triều ba hôm, để biểu thị nỗi kinh hoàng khi trời có điều bất thường.

 

Xem ra, bà già đã bảy, tám mươi tuổi này không hề hồ đồ chút nào. Bà hoàn toàn biết rõ đâu là ý kiến chính xác, đâu là đồng ý kiến không đúng; và bà cũng hiểu, nhân tài nào dễ kiếm, nhân tài nào thì khó kiếm. Vương Cập Thiện vốn đã từ chức nghỉ ngơi, nhưng vì Khiết Đan quấy nhiễu, nên phải gọi ra làm thứ sử Hoạt Châu. Theo lệ, trước khi đi nhận chức phải đến từ biệt bệ hạ, Võ Tắc Thiên liền hỏi về sự được mất của triều đình. Vương Cập Thiện nói một thôi, đề xuất mười mấy ý kiến. Võ Tắc Thiên liền thay đổi lệnh, giữ Vương Cập Thiện ở lại kinh thành làm quan nội sử. Võ Tắc Thiên đã phát hiện, đây là nhân tài hiểu biết toàn cục, nếu để làm quan địa phương thì không thoả, tài nhiều dùng ít. Quan lại nhiều người tham lam, nhưng Diêu Thọ nhận chức đại đô đốc phủ trưởng sử Ích Châu chưa bao lâu thì tình trạng đó đã hết. Lập tức Võ Tắc Thiên xuống chiếu khen ngợi, nói: "Dưới sương buốt mới biết trinh tùng tài giỏi, trước gió mạnh, mới hay kình thảo là quý". Võ Tắc Thiên còn nói với người khác: Một người làm quan, muốn giữ mình trong sạch, có lẽ không khó, nhưng có thể làm cho liêu thuộc đều thanh liêm, e không dễ, chỉ có Diêu Thọ được coi là liêm, đúng là nhân tài khó kiếm.

 

Chỉ cần là nhân tài hiếm thấy, Võ Tắc Thiên đều trọng dụng hết, bất kể là xuất thân thế nào, môn đệ, học thức ra sao. Tiết Quý Sường vốn là dân áo vải, vì đã dâng một tấu chương rất khá, nên được bổ nhiệm làm giám sát ngự sử. Tiết Quý Sưởng không phụ thánh ân, đã làm được nhiều việc. Tướng quân Hầu Vị Hư sợ địch, không dám đánh, đã hoang báo quân tình, nói quân địch có hổ dữ rắn độc án trước trận. Tiết Quý Sưởng lập tức chém đầu Hầu Vị Hư trước ba quân, chấn chỉnh quân uy. Huyện uý Ngô Trạch tham ô tàn bạo, hoành hành trái phép nước, trưởng quan trọng châu không có biện pháp nào. Tiết Quý Sưởng vừa đến Hà Bắc, đã lập tức cho bắt Ngô Trạch, dùng gậy đánh chết, dân chúng vỗ tay sung sướng. Sau này, ở đâu có kẻ khó trị, Võ Tắc Thiên liền phái Tiết Quý Sưởng tới đó. Tiết Quý Sưởng xuất thân bình dân, dần dà đã trở thành viên quan có năng lực, nổi tiếng trong triều.

 

Thậm chí là con cháu kẻ thù, tội nhân, nếu có tài, đều được Tắc Thiên hoàng đế trọng dụng, như Thượng Quan Uyển Nhi, Quảng Vũ Công. Ông bác của Quảng Vũ Công từng phạm tội giết người, ông nội Thượng Quan Uyển Nhi là Thượng Quan Nghị từng là "chủ mưu" âm mưu phế bỏ Võ Tắc Thiên năm nào, nhưng nữ hoàng bệ hạ không hề kỳ thị với con cháu họ. Vốn có lòng bao dung độ lượng, lại có mắt tinh nhìn người, Võ Tắc Thiên nhanh chóng có được hàng loạt nhân tài kiệt xuất, văn có thể trị quốc, võ có thể an bang, và trong số đó, Địch Nhân Kiệt là ưu tú nhất.

 

Địch Nhân Kiệt, tự Hoài Anh, người Thái Nguyên, Tinh Châu, cùng quê với Võ Tắc Thiên - người Văn Thuý, Tinh Châu. Địch Nhân Kiệt là cái tên không xa lạ với người Trung Quốc và nhiều người nước ngoài. Vì không chỉ người Trung Quốc mới có cuốn "Địch công án", hơn nữa còn có một người Hà Lan viết không ít tiểu thuyết trinh thám về Địch Nhân Kiệt. Địch Nhân Kiệt không chỉ là một thám tử kiệt xuất, một pháp quan chân chính mà còn là một chính trị gia ưu tú. Địch Nhân Kiệt lầu thông kinh sử, hình luật, dáng vẻ đường hoàng. Làm quan, ông yêu dân như con, không sợ cường quyền; làm thần, ông trung trinh hết mực, chăm lo việc nước; làm người ông chân thành hữu nghị, thẳng thắn cương nghị; xử sự thì nhạy biến quyền biến, túc trí đa mưu. Hiếm có nhà chính trị nào có được nhiều ưu điểm như Địch Nhân Kiệt. Đúng như Lâm Ngữ Đường từng nói: "Địch Nhân Kiệt bình tĩnh, nhẫn nại, trí tuệ, nhãn quang đều không yếu hơn Võ hậu. Địch Nhân Kiệt chính là khắc tinh của Võ hậu".

 

Nhưng quan hệ quân thần giữa Võ Tắc Thiên và Địch Nhân Kiệt lại rất tốt, nhất là mấy năm cuối cùng khi Địch Nhân Kiệt là tể tướng. Vào ngày hai mươi sáu tháng chín (năm 691) năm Thiên Thụ thứ hai, Địch Nhân Kiệt nhận chức tể tướng. Đến ngày hai mươi sáu tháng chín (năm 700) năm Cửu Thị thứ nhất, vừa tròn chín năm, Địch Nhân Kiệt tạ thế! Trong thời gian chín năm, thực tế Địch Nhân Kiệt là tể tướng chưa đến bốn năm. Tháng giêng (năm 692) năm Trường Thọ thứ nhất, Địch Nhân Kiệt bị Lai Tuấn Thần vu cáo hãm hại, bị giam vào ngục. Gặp đại nạn nhưng không chết, chỉ bị giáng làm Bành Trạch huyện lệnh, đến tháng mười nhuận (năm 697) năm Thần Công thứ nhất, ông được phục hồi chức tể tướng. Sau khi gặp nạn và ba năm cuối cùng là tể tướng, Võ Tắc Thiên càng thêm kính trọng, càng thêm quý mến, càng thêm tín nhiệm Địch Nhân Kiệt. Võ Tắc Thiên đã tiếp thu phần lớn những phê phán, kiến nghị, ý kiến của Địch Nhân Kiệt. Như năm Cửu Thị thứ nhất, bà đã tiếp thu ý kiến của Địch Nhân Kiệt, huỷ bỏ quyết định tập kết vật tư đắp tượng Phật, còn nói: "Ông dạy trẫm làm điều thiện, làm sao có thể trái lời?". Võ Tắc Thiên luôn trọng dụng phần lớn số quan lại do Địch Nhân Kiệt tiến cử, trong đó có đến hơn chục công khanh. Võ Tắc Thiên còn tự tay may một chiếc áo dài, trên ghi mười hai chữ: "Phô chính thuật, giữ thanh cần, thăng hiển vị, khen tướng thần", ban tặng Địch Nhân Kiệt. Thường ngày, mỗi khi gặp mặt, thường gọi là "quốc lão", là chuyện chưa từng có ở triều Đường. Mỗi khi lên triều, Võ Tắc Thiên không để Địch Nhân Kiệt phải quỳ bái, còn nói, mỗi lần nhìn quốc lão quỳ bái, lòng dạ thấy không nỡ. Sau khi Địch Nhân Kiệt tạ thế, Võ Tắc Thiên buồn khóc không thôi, còn nói, quốc lão ra đi, tiện đường luôn trống vắng. Sau này, mỗi khi gặp chuyện khó giải quyết, Võ Tắc Thiên thường lặng lẽ thở dài. Trời đã cướp mất quốc lão! Trời đã cướp mất quốc lão của trẫm rồi!

 


Đường Trung Tông (Lý Hiền)

Quan hệ như cá với nước của Võ Tắc Thiên và Địch Nhân Kiệt là hoàn toàn có lợi cho sự sáng suốt về chính trị của Võ Tắc Thiên và sự thông minh về chính trị của Địch Nhân Kiệt, nhất là mấy năm sau năm Thần Công thứ nhất, hai người tuổi đã cao, đều biết sẽ không còn sống được bao lâu nữa, nên rất mong cùng nhau đồng tâm hiệp lực, làm tốt một số việc. Võ Tắc Thiên hiểu rõ, muốn chỉnh đốn triều cương, trị lý thiên hạ thì không thể thiếu được những nhân tài rường cột, vừa hết mực trung thành vừa thẳng thẩn hiền hoà. Địch Nhân Kiệt đúng là người như vậy. Xưa nay, Địch Nhân Kiệt chưa từng phản đối Võ Tắc Thiên. Dù Võ Tắc Thiên có phóng túng dâm dật, lạm sát người vô tội, ông cũng chưa từng phản đối. Địch Nhân Kiệt lo giữ vững cương vị, lo làm tròn trách nhiệm, gắng sức giảm thiểu những tổn thất do bọn khốc lại gây ra. Đây chính là điểm thông minh ở Địch Nhân Kiệt, biết mình quan chưa cao đức chưa lớn, người ít, nói chẳng thấm vào đâu, nên phản đối là vô ích, chi bằng giữ nguyên lực lượng, yên lặng chờ thời. Võ Tắc Thiên thay Đường xưng đế, Địch Nhân Kiệt không giữ mãi thái độ phản đối, mà tích cực hợp tác, chủ động tham dự, có nhiều cống hiến và xây dựng. Theo ý Địch Nhân Kiệt, việc Võ Tắc Thiên làm hoàng đế, có ngăn cũng không ngăn nổi. Chỉ cần Võ Tắc Thiên có thể trị lý tốt đất nước (Võ Tắc Thiên có tài về mặt này) thì đấy chẳng phải phúc của trăm họ sao, việc gì cứ phải là con trai họ Lý? Vì vậy, cùng người khác ngăn cản Võ Tắc Thiên, không bằng giúp Võ Tắc Thiên làm hoàng đế tốt, đó mới là người có trách nhiệm với dân với đất nước. Huống chi, Võ Tắc Thiên rồi cũng phải chết, tới lúc đó có thể trả chính quyền lại cho Lý Đường, còn mình thì mãi mãi vẫn là một trung thần. Vì vậy, cần phải hợp tác với Võ Tắc Thiên, để sau này có tiếng nói tốt hơn trong việc lập tự, để có sự chuẩn bị tốt hơn về tổ chức, về cơ sở cho việc bàn giao chính quyền sau này. Cách làm, cách nghĩ của Địch Nhân Kiệt đã thể hiện ông là chính trị gia kiệt xuất, trí tuệ sáng suốt, biết nhìn xa, trông rộng.

 

Chăng có cách gì để biết, Võ Tắc Thiên có hiểu rõ những suy nghĩ của Địch Nhân Kiệt hay không? Nhưng từ lâu Võ Tắc Thiên đã chú ý đến nhân phẩm và tài trí của Địch Nhân Kiệt. Địch Nhân Kiệt sinh vào năm (Tuỳ) Đại Nghiệp thứ ba (năm 607), hơn Võ Tắc Thiên bảy tuổi, trước khi Võ Tắc Thiên lên ngôi, Địch Nhân Kiệt từng là pháp tào đô đốc phủ, đại lý thừa, thị ngự sử, là thứ sử Ninh Châu và Dự châu. Nghe nói, khi là đại lý thừa, mới đến nhận chức một năm, Địch Nhân Kiệt đã xử lý một vạn bảy ngàn vụ án tồn đọng, không một ai oan uổng, án xử công minh, dứt điểm, rõ ràng và nổi tiếng. Lúc là thứ sử Ninh Châu, Địch Nhân Kiệt được trăm họ ủng hộ, họ còn tự nguyện khắc đá lập bia cho Địch Nhân Kiệt, năm Thuỳ Củng thứ tư (năm 688), Việt vương Lý Trinh mưu phản, được dẹp yên, Võ Tắc Thiên phái Địch Nhân Kiệt làm Thứ sử Dự Châu, tra xét dư đảng của Lý Trinh. Địch Nhân Kiệt đến nhiệm sở phát hiện thấy, tể tướng Trương Quang Phụ - lãnh binh bình phản, đã cho bắt hơn năm ngàn người, liên quan đến sáu, bảy trăm gia đình, chờ Địch Nhân Kiệt đến để hành hình. Lập tức Địch Nhân Kiệt sai tháo gông cho số người đó và tấu gấp về thái hậu: "An mưu phản liên quan đến nhiều người như vậy, không khỏi đã bắt nhầm không ít, thần không dám vi phạm thánh ý thương yêu dân chúng của bệ hạ, nhận nguy hiểm thay phản tặc có lời, mong bệ hạ mở cho một đường thoát". Võ Tắc Thiên phê chuẩn tấu chương của Địch Nhân Kiệt, xét xử lại và cho đầy số người đó ra biên cương. Số can phạm vừa thoát chết khi đi qua Ninh Châu đã dừng lại thắp hương vái lạy trước tấm bia công đức mà dân chúng Ninh Châu vừa tạo dựng. Họ khóc lóc, nói: Chính Địch công đã cho chúng ta sống!". Nhưng Địch Nhân Kiệt lại bị giáng là Tư Mã Lạc Châu vì đã đắc tội với Trương Quang Phụ.

 

Việc đó nhất định đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Võ Tắc Thiên. Vì vậy, một năm sau khi lên ngôi, Võ TắcThiên cho điều Địch Nhân Kiệt về kinh thành làm tể tướng. Võ Tắc Thiên nói với Địch Nhân Kiệt, các đại thần trong triều đều tán thưởng nền chính trị tốt lúc khanh ở Nhữ Nam, nhưng cũng có người lại nói xấu khanh, khanh muốn biết đó là ai không? Địch Nhân Kiệt nói, thần không muốn biết. Không biết vẫn hay hơn, vẫn có thể quan hệ bình thường với người đó. Võ Tắc Thiên vừa nghe đã lấy làm ưng ý. Có thể, chính vì Võ Tắc Thiên rất có cảm tình với Địch Nhân Kiệt, cho nên bọn Lai Tuấn Thần nhiều lần vu cáo, hãm hại Địch Nhân Kiệt nhưng không có kết quả. Sau khi Lai Tuấn Thần chết được bốn tháng, Địch Nhân Kiệt lại trở về với chức tể tướng.

 

Địch Nhân Kiệt, người nhận lại chức tướng, đã trở thành "Kim cương rắn chắc" sau mấy chục năm tôi luyện trong gió mưa bão tuyết. Trong những năm tháng đã qua đó, rất ít người thoát khỏi bàn tay ma quái của Lai Tuấn Thần, chỉ có Địch Nhân Kiệt yên ổn thoát hiểm, còn cứu thêm được sáu vị đại thần có cùng án với mình là Nguỵ Nguyên Trung, Thôi Tuyên Lễ, Lô Hiến, Nhiệm Tri cổ, Bùi Hành Bản và Lý Tự Chân. Họ bị vu khống là mưu phản, bị xử chém đầu và diệt tộc, nhưng cuối cùng chỉ bị giáng quan hoặc lưu đày. Đây cũng chính là lập luận thông dụng nhất của nền chính trị chuyên chế. Bắt anh cũng đúng và thả anh cũng đúng, cho nên xử nhẹ cũng là hợp lý. Đại nạn nhưng không chết, thế là đủ rồi.

 

Chính nhờ và trí tuệ và mưu kế, nên Địch Nhân Kiệt mới từ chỗ chết mà sống. Lúc vừa mới bị bắt, Địch Nhân Kiệt đã khai luôn: "Đại Chu cách mệnh, tiểu dân là quan nhà Đường, mưu phản là thực, tình nguyện chịu chết". Trừ Nguỵ Nguyên Trung ra, mấy người khác đều nói giống như Địch Nhân Kiệt. Bọn Lai Tuấn Thuần hết sức mừng rỡ, không hề tốn sức mà đã giải quyết xong một án lớn, bọn chúng đã không mấy chú ý tới vụ án, cho giam họ vào ngục, và trông nom cũng không chặt bằng trước. Thế là Địch Nhân Kiệt đã lén viết thư cho Võ Tắc Thiên, tìm cách nhờ người trao thư cho nữ hoàng bệ hạ. Võ Tắc Thiên xem thư và cảm động, cho gọi Lai Tuấn Thần đến, bảo: "Bọn Địch Nhân Kiệt đều là quan trung lương. Ngươi phải thẩm tra lại, không được dùng hình, phải xử lý công bằng". Lai Tuấn Thần cảm thấy sự việc đă có vấn đề, nhưng không biết là vấn đề gì, liền nguỵ tạo ra tờ biểu tạ tội của Địch Nhân Kiệt và mấy người khác trình lên Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên càng thêm nghi ngờ, liền triệu kiến số phạm quan và tử tội đó. Địch Nhân Kiệt và mấy người khác nhất loạt quỳ trước Võ Tắc Thiên và đồng thanh phủ nhận mưu phản. Võ Tắc Thiên hỏi: "Đã không mưu phản, sao lại thừa nhận?". Địch Nhân Kiệt gượng cười, nói: "Nếu không thừa nhận e đã phải chết sớm, đâu còn dịp được thấy bệ hạ!". Võ Tắc Thiên lại hỏi: "Thế sao còn phải dâng biểu tạ tội!". Địch Nhân Kiệt nói: "Chúng thần có viết gì đâu". Võ Tắc Thiên liền sai lấy biểu tạ tội so với bút tích của mấy vị đại thần, chân tướng đã được sáng tỏ. Đến nước này thì mọi mánh khóe của Lai Tuấn Thần đã hết tác dụng.

 


Khu mộ Càn Lăng của nữ hoàng Võ Tắc Thiên
 nằm tại núi Lương Sơn với quy mô rộng lớn

Nhưng Võ Thừa Tự lại nhất quyết phải giết Địch Nhân Kiệt, lý do là bọn họ không mưu phản, nhưng là loại nguy hiểm, không nên giữ lại. Võ Tắc Thiên đã có tính toán, biết Địch Nhân Kiệt không nguy hiểm với mình, nhưng Võ Thừa Tự thì chưa biết thế nào. Võ Thừa Tự là cháu Võ Tắc Thiên, tự cho rằng mình công lao lớn nhất khi "Đại Chu cách mệnh", lại lớn tuổi nhất trong số tông thất Võ thị, từng được tập phong là Chu Quốc công, xứng đáng là hoàng thái tử. Đáng tiếc, hắn không hề có chút ưu điểm nào, không thể vực dậy nổi. Hắn vô đức, vô tài, không đầu óc, không tôn nghiêm, xử sự kém, trông không có tướng làm vua mà giống phường đáng chết, ai thấy cũng chê. Võ Tắc Thiên còn hai người cháu nữa, Võ Tam Tư và Võ Ý Tông, đều là loại biết một không biết hai, không có chút nào gọi là đầu óc chính trị, đều là phường kém cỏi. Nhiều lúc nữ hoàng bệ hạ cũng bực tức vì lũ cháu chắt chịu thua kém, mà chẳng biết phải làm gì.

 

Võ Thừa Tự muốn làm thái tử, nhưng gần như cả triều đều phản đối. Trước hết có tể tướng Lý Chiêu Đức bước ra phản đối. Năm Thiên Thụ thứ hai (năm 691), có người Lạc Dương tên là Vương Khánh Chi, theo ý của Võ Thùa Tự đã tụ tập một số kẻ vô lại thành thị, vào cung dâng thư, kiên quyết đòi lập Võ Thừa Tự làm thái tử. Lúc đầu, Võ Tắc Thiên còn nể mặt bọn chúng. Nhưng bọn này là một lũ không có mắt, không phân biệt phải trái, cứ cách năm, ba hôm lại đến làm ầm ĩ, và cứ ì ra đấy không chịu đi, cuối cùng Võ Tắc Thiên đã nổi giận, lệnh Lý Chiêu Đức thưởng cho chúng mấy chục gậy. Lý Chiêu Đức quyền uy nhất triều, lập tức thi hành lệnh, cho tay chân cứ nhè người mà đánh. Tại hiện trường, Vương Khánh Chi đã phải chết, tiếp đến Lý Chiêu Đức còn tâu với Võ Tắc Thiên: "Thiên hoàng (chỉ Lý Trị) là chồng của bệ hạ, hoàng tử (chỉ Lý Đán) là con của bệ hạ. Bệ hạ có cả thiên hạ, nên truyền cho con để cơ nghiệp bền vững muôn đời, đâu có lý để cháu được tiếp nối!. Võ Tắc Thiên suy nghĩ và thấy không sai, việc lập tự đã tạm gác lại.

 

Về phía Võ Thừa Tự thì hết chịu nổi. Thừa Tự hiểu được, nếu không trừng trị bọn đại thần cương trực trung trinh này thì mình không được làm hoàng thái tử. Thế nên có chuyện Võ Thừa Tự liên kết với Lai Tuấn Thần vu cáo hãm hại Địch Nhân Kiệt, về sau Lý Chiêu Đức cũng bị giáng chức, lưu đày vào năm Diên Tải thứ nhất (năm 694) và bị giết cùng ngày với Lai Tuấn Thần. Nhưng Võ Thừa Tự không biết rằng, Địch Nhân Kiệt bị xử trí nhưng không chết, lại trớ về nhận chức rể tướng. Năm Thánh Lịch thứ nhất (năm 698), cũng tức là ngày mười một tháng tám, năm thứ hai kể từ lúc Địch Nhân Kiệt trở lại nhận chức tể tướng, Võ Thừa Tự đã chết trong sự tuyệt vọng, không người tiếc thương.

 

Địch Nhân Kiệt là "liệt sử cuối đời, tráng khí vẫn còn", một đám nắng chiều đỏ. Lúc này Địch Nhân Kiệt đã là ông già chín mươi, nhưng tinh lực vẫn dồi dào, đầu óc vẫn vô cùng tỉnh táo. Địch Nhân Kiệt biết mình không còn nhiều thời gian, vẫn còn hai việc phải làm gấp. Thứ nhất, phải nhanh chóng lập thái tử là người họ Lý. Thứ hai, phải gắng hết sức, nhanh chóng đưa người có thể phó thác hậu sự vào chính phủ, nắm giữ chức vụ quan trọng. Sự kiện thứ nhất đã xong với sự nỗ lực của các đại thần hiểu biết trong triều. Số người này, ngoài Lý Chiêu Đức đã nói ở phần trước, còn có Vương Phương Khánh, Vương Cập Thiện, Cát Tự, thậm chí cả hai "tình nhân" của Võ Tắc Thiên, là anh em Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông. Năm Thánh Lịch thứ nhất (tháng 3 năm 698), Võ Tắc Thiên lấy cớ trị bệnh, để triệu Lư Lăng vương Lý Hiển (tức là Trung Tông bị phế) từ ngoài về Thành Đô, Lạc Dương, Võ Tắc Thiên cho giấu Lý Hiển ở trong cung rồi triệu kiến Địch Nhân Kiệt. Lần nữa, Địch Nhân Kiệt lại khẳng khái trình bày, Võ Tắc Thiên đã cắt lời, gọi Lý Hiển từ trong trướng ra, khẩn thiết nói với Địch Nhân Kiệt: "Từ nay trẫm giao vị vua này cho khanh!". Lại nói với Lý Hiển: "Không nhanh chóng bái tạ quốc lão, chính quốc lão đã để con phục vị".

 

Địch Nhân Kiệt thực hiện sự kiện thứ hai cũng rất hay. Võ Tắc Thiên muốn Địch Nhân Kiệt tiến cử kỳ tài. Địch Nhân Kiệt liền tiến cử Trương Giản Chi. Địch Nhân Kiệt nói: "Nếu bệ hạ cần người viết lách giỏi, đã có Lý Kiều, Tô Vị Đạo từng là tể tướng. Nếu bệ hạ cần người văn có thể là lãnh tụ quần thần, võ có thể thống lĩnh ba quân, chỉ có Trương Giản Chi". Mấy hôm sau, Võ Tắc Thiên lại muốn Địch Nhân Kiệt tiến cử người hiền. Địch Nhân Kiệt nói: "Thần đã tiến cử Trương Giản Chi rồi". Võ Tắc Thiên nói, "Trẫm đã để Gián Chi làm Tư mã Lạc Châu (kinh đô vệ thứ tư lệnh)". Địch Nhân Kiệt tấu: "Tư mã là chưa sử dụng hết tài năng". Võ Tắc Thiên gật đầu, tiếp đó bổ nhiệm Trương Giản Chi làm tể tướng. Ngoài ra, Diêu Sùng, Thôi Huyền Vĩ, kính Huy, Hoàn Nhan Phạm, Viên Nộ Kỷ đều được Địch Nhân Kiệt tiến cử để đảm nhiệm những chức vị quan trọng.

 

Hai nước cờ của Địch Nhân Kiệt đã có những ảnh hưởng sâu sắc đến cục diện chính trị sau này. Lúc này Địch Nhân Kiệt đã sắp xếp mọi việc thoả đáng, đã có thể ngậm cười nhắm mắt. Địch Nhân Kiệt biết rõ, một khi thời cơ đến, bọn Trương Giản Chi sẽ phát động chính biến nơi cung đình, phục hồi vương triều Đại Đường. Đúng như lời Lâm Ngữ Đường, Địch Nhân Kiệt - một tay trinh thám cỡ lớn đã giấu kín đường dây phá án, sắp xếp kết cục câu chuyện, ngay cả những việc bắt can phạm, cũng phải phiền ông ra tay giúp.

 

Lúc này, Võ Tắc Thiên đã vướng vào chiếc vòng của Địch Nhân Kiệt, nhưng Võ Tắc Thiên cũng đã hết cách.

 

Thực tế, vấn đề lập tự là vấn đề làm Võ Tắc Thiên đau đầu nhất. Bà có hai người con và ba người cháu, con họ Lý, cháu họ Võ, có thể nói, diện lựa chọn là rất lớn, kỳ thực, lập ai cũng đều không thích hợp. Lập con làm người kế thừa vậy, khác nào đem giang sơn trả lại cho chồng là Lý Trị; lập cháu, lại khác nào đem giang sơn cho hai người anh, Võ Nguyên Sảng và Võ Nguyên Khánh, mà Võ Tắc Thiên lại rất ghét hai người này. Hai người này không chỉ bị Võ Tắc Thiên phán tội, còn bị đổi họ. Không còn là họ Võ mà là họ Phúc (nghĩa là rán). Không thể giao giang sơn cho họ! Nhưng nếu không trả lại cho chồng, cũng không cho anh, vậy có thể giao cho ai?

 

Lúc Võ Tắc Thiên hùng hổ tiến tới đoạt lấy đế vị, bà chưa nghĩ đến những vấn đề này. Lúc đó bà chỉ nghĩ phải làm hoàng đế, mà chưa nghĩ đến sau khi là hoàng đế phải làm gì nữa. Đương nhiên, bà cũng chưa hề nghĩ, một người đàn bà muốn lập triều đổi đại thì khó khăn ở đâu? Lúc này bà đã hiểu. Sự việc không khó ở chỗ, một người đàn bà có thể ngồi lên bảo toạ hoàng đế không, mà khó ở chỗ một vương triều của người đàn bà sẽ tiếp tục ra sao? Và bây giờ thì bà đã hiểu, điều đó là không thể được. Võ Tắc Thiên cần phải trao trả lại vương triều đó cho đàn ông. Hiển nhiên, dù người đàn ông đó là người bên nội hay bên ngoại, đều là phản bội con đường "cách mệnh của Võ Tắc Thiên. Thế là, Võ Tắc Thiên giống như bà chú lớn, bằng vào sự thông minh tài trí và sự phấn đấu gian khổ để giành được một sản nghiệp lớn, bây giờ không biết, sau khi qua đời sẽ phải trao di sản đó cho ai là tốt nhất. Bà thực sự khổ tâm.

 

Địch Nhân Kiệt thấu hiểu nỗi khổ tâm của nữ hoàng. Địch Nhân Kiệt bóng gió ngầm bảo với nữ hoàng đế độc nhất vô nhị của ngàn năm: Thành quả "cách mệnh" của bệ hạ rồi sẽ ra sao, lúc này chưa thể nói được, nhưng có một vấn đề rất "hiện thực", bệ hạ cần suy nghĩ, sau lúc bệ hạ trăm tuổi, ai sẽ là người bưng cơm, ai sẽ là người hương khói? Địch Nhân Kiệt nói: "Mong bệ hạ nghĩ cho, cô cháu và mẹ con, ai thân thiết hơn ai? Nếu bệ hạ lập con làm tự, trăm ngàn năm sau vẫn có thể ngồi hưởng ở thái miếu, cúng tế mẹ của đế vương mãi mãi. Nếu như lập cháu làm tự, thần chưa hề nghe, hoàng đế nào đó lập miếu cho cố. Trước đây Lý Chiêu Đức đă nói vậy, nhưng nghe Địch Nhân Kiệt nói còn có phần thân thiết và thực tế hơn. Võ Tắc Thiên tạm thời phải vứt bỏ "lý tưởng cách mệnh" của mình, chuyển hướng, nghĩ tới vấn đề khác: Cuối cùng thì nên làm mẹ hay làm cô của hoàng đế đời sau?

 

Câu trả lời gần như đã rõ ràng: Làm mẹ đương nhiên là tốt hơn. Dù là Võ Thừa Tự hay Võ Tam Tư, khi làm hoàng đế, họ chỉ có thể lập miếu cho Võ Nguyên Sảng, Võ Nguyên Khánh, đâu đến phần Võ Tắc Thiên. Nếu vậy, mình sẽ chẳng là gì, sẽ chẳng có gì? Võ Tắc Thiên không chịu để mất tất cả, không chịu sau này sẽ là quỷ đói, không người cúng tế, không người quan tâm.

 

Nhưng nếu chuyển hoàng vị cho con bà cũng chưa đành lòng. Vì vương triều của bà là họ Võ, con bà lại mang họ Lý. Đương nhiên, con bà lúc này đã mang họ Võ. Nhưng chúng có thể đổi đi thì cũng có thể đổi lại. Bắt chúng coi tổ tông Võ gia là tổ tông, không coi Lý Uyên, Lý Thế Dân là tổ tông, là không được. Và như vậy, mệnh của bà coi như là cách uổng.

 

Nếu muốn "cách mệnh" tới cùng, thay đổi truyền thống chỉ có đàn bà mới là hoàng đế, chỉ còn cách chuyển ngôi vị cho con gái. Nhưng hoàn toàn không thể. Truyền ngôi cho con trai, giang sơn sẽ thuộc họ Lý bên nhà chồng; truyền ngôi cho cháu, giang sơn sẽ thuộc họ Võ bên nhà mẹ; truyền ngôi cho con gái, chỉ sợ giang sơn sẽ thuộc họ của con rể, lại càng tệ hại hơn. Việc xác định huyết thống theo dòng giống của cha, việc thừa kế tài sản, cúng tế tổ tiên là lịch sử của mấy ngàn năm, Võ Tắc Thiên không thể vứt bỏ truyền thống đó.

 

Lúc này, Võ Tắc Thiên mới phát hiện thấy mình đang đứng trước một vấn đề rất hóc búa, là văn hoá truyền thống hay truyền thống văn hoá. Võ Tắc Thiên thân phận là đàn bà đã làm việc của đàn ông, như vậy là trái với truyền thống. Bất kỳ là ai phản truyền thống sẽ bị truyền thống phản lại. Võ Tắc Thiên là kẻ phản bội truyền thống, lúc này đã phải đầu hàng trước truyền thống, trở thành bại tướng dưới tay truyền thống.

 

Thực tế thì ngay từ đầu, Võ Tắc Thiên đã lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vì Võ Tắc Thiên làm việc xưa nay chưa từng có, đã không có chút kinh nghiệm nào, lại không có lực lượng nào chi viện, giúp đỡ. Trong tình trạng đó, Võ Tắc Thiên chỉ có thể mượn sức mạnh của truyền thống để phản truyền thống, bao gồm cả việc sử dụng quan lại như Địch Nhân Kiệt, cả việc lợi dụng quyền uy của đế vương, tài sản của đất nước... nhưng Võ Tắc Thiên càng lợi dụng truyền thống, càng thấy mình xa rời mục tiêu, nhưng nếu không lợi dụng truyền thống thì không thể hoàn thành được công việc. Võ Tắc Thiên rất muốn tiến tiếp, "cách mệnh" tới cùng, nhưng lại thấy mình như đang đi vào ngõ cụt, hết đường tiến.

 

Chúng ta cũng không thể làm rõ cuối cùng Võ Tắc Thiên đã hiểu được vấn đề hay không, chỉ biết vào ngày hai mươi tư tháng giêng (năm 705) năm Thần Long thứ nhất, Võ Tắc Thiên chính thức rời bỏ quyền lực, đem giang sơn mà mình dốc sức trị vì suốt mấy chục năm giao cho một kẻ bất tài kém cỏi. Đương nhiên, việc bàn giao này có phần miễn cưỡng. Trước đó hai hôm, nhân lúc Võ Tắc Thiên ốm nằm trên giường đám triều thần vừa nắm chính quyền vừa nắm quân quyền đã vu cho Trương Dịch Chi, Trương Xương Tông là mưu phản, lệnh cho vũ lâm quân bao vây cung Nghênh Tiêu mà Võ Tắc Thiên đang ở, không nói một lời mà lấy đầu hai gã "sủng nam" dung mạo như đoá sen đỏ, xách đầu chúng đến ép bà phải giao đại quyền. Người cầm quân hôm đó chính là Thôi Huyền Vĩ mà Võ Tắc Thiên đã cất nhắc; người đã giết hai tên họ Trương kia là Lý Trạm, con của Lý Nghĩa Phủ. Ngoài ra, còn có hơn năm trăm tướng sĩ là tả hữu vũ lâm quân, ngày thường rất gần gũi. Người cầm đầu tất cả, là tể tướng Trương Giản Chi - người mà Địch Nhân Kiệt coi là "văn có thể là lãnh tụ quần thần, võ có thể thống soái ba quân". Lúc này, Trương Giản Chi đang run rẩy đứng trước Lý Hiển bảo bối của Võ Tắc Thiên.

 

Ngày hai mươi sáu tháng mười một cùng năm, một ngày đông tê tái, Võ Tắc Thiên bị giam lỏng ở một nơi hào hoa mà tĩnh mịch, đã cô đơn nhắm mắt. Trước lúc lâm chung, Võ Tắc Thiên có để lại di ngôn, xá miễn Vương hoàng hậu, Tiêu thục phi, Chử Toại Lương, Hàn Viện, Liễu Thị và các gia tộc (quan tước của Trưởng Tôn Vô Kỵ đã có chiếu khôi phục và dự bồi Chiêu lăng vào năm Thượng Nguyên thứ nhất). Như vậy, Võ Tắc Thiên có thể được vui hơn. Lúc xuống Cửu Tuyền sẽ có thể "gặp nhau nhoẻn một nụ cười là hết cả ơn lẫn thù!".

 

Võ Tắc Thiên còn có di ngôn: Bỏ đế hiệu, xưng hoàng hậu, táng ở Càn lăng, bên cạnh chồng là Cao Tông. Hơn nửa thế kỷ trước, lúc còn dâng hương lễ phật tại chùa Cảm Nghiệp, Võ Tắc Thiên đã viết bài thơ tình cho Lý Trị - người đã từng yêu thương cuồng nhiệt: "Nhìn son thành biếc nhớ bời bời, tiều tuỵ chi li bởi nhớ người. Chẳng tin so lại mà tuôn lệ, mở rương nghiệm lấy váy hồng tươi". Nửa thế kỷ sau, không biết đã có bao người phải sụp lạy hoặc thất bại dưới chiếc váy màu thạch lựu ấy của nàng. Tận khi Võ Tắc Thiên cởi bó chiếc váy màu thạch lựu, thay bằng trang phục của đế vương, Võ Tắc Thiên vẫn có ma lực, khiến người phải kính sợ, khiến nhân thần phải phục, khiến người ta phải si mê.

 

Lúc này, Võ Tắc Thiên lại phải mặc chiếc váy màu thạch lựu. Võ Tắc Thiên không thể chống lại nền văn hoá lâu đời. Người đàn bà muốn mạnh cả đời ấy không thể không cởi bỏ nam phục, thay bằng nữ y, rời bỏ thế giới của đàn ông, trở về với trời đất của đàn bà.

 

Võ Tắc Thiên chưa thể "cách mệnh" tới cùng. Nhưng, đó không phải là sai lầm của bà.

 

Võ Tắc Thiên sinh năm 624 mất năm 705, hưởng thọ tám mươi hai tuổi, là một người trường thọ.

 

Tượng Đại phật tại Long Môn

Theo cuốn "Võ Tắc Thiên chính truyện" của ngài Lâm Ngữ Đường, cả đời Võ Tắc Thiên đã mưu sát chín mươi ba người (không kể những người thân thuộc phải chết theo), trong số đó có hai mươi ba người là người thân của bà, ba mươi tư người là tôn thất nhà Đường, ba mươi sáu người là triều thần (kể cả bọn chó săn). Trong số này có bao nhiêu người chết đích đáng, có bao nhiêu án oan, có bao nhiêu người bị Võ Tắc Thiên hại, có bao người do người khác vu cáo, món nợ này đành để lại, các nhà sử học sẽ tính tiếp.

 

Trước lăng Võ Tắc Thiên là một tấm bia không có chữ. Bia được khắc từ một phiến đá lớn, cao 3,5m, rộng 2,1m, dày l,49m nặng 9,8 tấn. Trên bia khắc một con ly (loại thần vật giống giao long) và rồng nhưng không có chữ có lẽ, chính Võ Tắc Thiên cũng không nói rõ được về mình. Có thể, Võ Tắc Thiên không muốn lưu lại một thứ gì, tuỳ người đời khen chê. Có thể Võ Tắc Thiên cũng không để ý xem người khác sẽ nói những gì.

 

"Trên bia không chữ khắc đầy chữ, ai người biết được cổ khôn nguyên?". Đúng vậy thay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét