Phan Thúy Hà (trái) và một nhân vật trong cuốn sách |
ĐỪNG KỂ TÊN
TÔI
(KỲ 1)
Truyện
ký của Phan Thúy Hà
CÁI GIÁ CỦA CHIẾN THẮNG LỚN HƠN SỰ THẬT CỦA NÓ
Đại
tá Thái Kế Toại
Tôi là một con người
của chiến tranh.
Vào một buổi sáng mùa
thu tuyệt đẹp, tinh khiết của Hà Nội, 24-8-1970, thành phố đã tiễn lứa chúng tôi,
hàng nghìn sinh viên các trường đại học Tổng hợp, Bách khoa, Sư phạm, Ngoại ngữ,
Xây dựng, Kinh tế, Cơ điện… đã bỏ bút nghiên, bỏ cả khát vọng, tình yêu, người
thân ở lại để đi ra mặt trận.
Trong không khí cờ
hoa phơi phới ít ai nghĩ rằng hàng nghìn người con trai có thể nói là ưu tú nhất
trong thế hệ của chúng tôi đã được ném vào cuộc chiến tranh đang đi vào hồi quyết
liệt nhất và cùng với chiến thắng, hàng nghìn bi kịch đang chờ đón họ, người
yêu của họ, bố mẹ của họ.
Tôi cũng không nghĩ đến
cái bi kịch của mình… Mãi năm năm sau khi cuộc chiến khép lại, gặp nhau trước cửa
trường mọi người mới thấy những bi kịch hiển hiện giữa các bạn mình.
Bố cháu Phan Thúy Hà
là chàng sinh viên ngồi cạnh tôi trong chuyến xe ra đi hôm ấy. Số phận còn gắn
bó chúng tôi hai năm sau nữa, trên mâm pháo cao xạ, chiến trường Cánh Đồng Chum
và những cây cầu đường sắt khu Bốn… Lẽ ra, không có cuộc ra đi đó ba năm sau
anh đã là một cử nhân nghiên cứu sử học phán xét về cuộc chiến tranh này. Phan
Văn Bá không trở về trường đại học cùng chúng tôi. Anh tiếp tục một trường “đại
học” khác, một cuộc chiến tranh biên giới nữa rồi xuất ngũ về quê Hương Khê, Hà
Tĩnh làm ruộng. Nhưng cuộc chiến tranh đã qua không để bạn sống yên ổn. Bá đổ bệnh,
không chống cự được với căn bệnh hiểm nghèo di họa của cuộc chiến.
Trong cuốn sách này
Hà không kể về bố cháu, những bi kịch của gia đình cháu gánh chịu từ cuộc chiến.
Nhưng nhà cháu chưa khổ bằng bao nhiêu nhà hàng xóm khác. Và họ đã đi vào cuốn
sách, thành những nhân vật của chiến tranh, loại nhân vật không phải xây dựng bằng
trí tưởng tượng. Cháu chỉ sắp xếp lại những mảnh vỡ của chiến tranh.
Cuộc chiến tranh này
đã qua đi hơn bốn mươi năm. Rất nhiều số phận đã an bài. Nhiều vết thương đã
thành sẹo. Cả trong tâm lý lẫn cuộc đời. Các nhân vật thậm chí còn không muốn kể
về họ, không muốn nêu tên. Họ vẫn thấy mình còn may mắn so với hàng triệu đồng
đội đã không trở về hoặc không còn vết tích gì.
Cháu Hà đã không đi
tìm những nhân vật trở thành hình mẫu, được tôn vinh mà chỉ ghi chép lại chuyện
của những người làng cháu, sống gần cháu. Họ không kể ra thì họ chỉ là muôn vàn
người bình thường. Nhưng họ đã kể thì sự thật bỗng nặng trĩu, quằn quại, đau đớn.
Chúng ta mới hiểu bộ mặt thật của chiến tranh tàn nhẫn như thế đấy, số phận người
là như thế đấy. Đấy là sức nặng của một cuốn sách mà tác giả của nó chính là những
nhân vật. Họ cũng như Phan Thúy Hà không chủ ý làm văn chương. Cái giá của chiến
thắng lớn hơn sự thật của nó.
Tháng
11. 2017
T.K.T.
-------------
Bạn
tôi có bác là liệt sĩ. Bác đi vào chiến trường miền Nam năm 1966. Năm 1976 gia
đình nhận được giấy báo tử.
Chuyện
gì đã xảy ra trong suốt mười năm đó? Bác đã chết như thế nào?
Chuyện
xưa bà ngoại nhớ rất nhiều, nhưng hễ đến đoạn ký ức có hình ảnh của bác là bà
ngưng lại hoặc kể sang một chuyện khác. Tên bác là tên kiêng không được gọi nhắc.
Trong
chiếc rương của bà ngoại có một lá thư của bác gửi về nhà khi vừa hoàn thành
xong khóa huấn luyện, chuẩn bị vào chiến trường. Những dòng chữ với thông tin
tình hình sức khỏe của mình, dặn người ở nhà yên tâm. Nội dung thư như nhiều lá
thư thời ấy.
Tại
sao họ lại có thể giữ cho riêng mình câu chuyện dữ dội như vậy?
Vì
họ là đàn ông. Vì họ là người lính. Hay, vì họ là người Việt Nam?
Vì
không ai hỏi. Vì chúng ta đã tỏ ra không xứng đáng để được nghe?
–
Ước mơ của bác khi đó là gì?
–
Ước mơ của bác khi đó là được về nhà ăn với mẹ và em gái một bữa cơm rồi quay
vào chiến trường chết cũng được.
Tôi
chép những câu đó lên trạng thái facebook kèm theo bức ảnh một người lính già
đang châm thuốc ngồi suy tư dưới hàng cây ven đường.
Ôi
bác của tôi. Ước mơ không bao giờ thực hiện được. Bạn tôi đã thốt lên.
Bạn
hối thúc tôi viết. Bạn muốn đọc. Bạn muốn biết. Những chuyện gì đã xảy ra.
Trên
người chú còn bốn mảnh bom.
Chú
kéo áo lên cho tôi xem từng mảnh bom tay chạm vào cảm thấy được. Hai thằng con
trai tôi nghe chuyện đó thấy kinh hoàng. Người ta có thể sống với rất nhiều mảnh
bom dính trong cơ thể.
–
Gia đình chú có tám người tham gia chiến tranh. Hai anh trai bị nhiễm độc nặng.
Một anh nằm một chỗ mười hai năm đã mất. Một anh người như xác khô trên giường
đã mười lăm năm.
–
Ông ơi, sao cả gia đình ông chọn nghề nguy hiểm như vậy ạ? – Con trai tôi hỏi.
–
Không phải nghề cháu ạ. Không có nghề đánh giặc. Thanh niên lớn lên trong thời
đại đó hầu hết ai cũng như các ông. Nếu cháu sinh ra ở thời của ông, sống ở
làng quê ông thì cháu cũng vậy thôi.
Một
đứa bé học vừa xong lớp năm. Nó có cần thiết phải biết một cách cụ thể chuyện
chiến tranh đã xảy ra không? Và tôi, người mẹ, người con sinh ra khi đất nước
đã im tiếng súng tiếng bom, hiểu biết được tới mức độ nào để nói cho con?
Tôi
gần như không biết gì.
Ông
đã kể và nước mắt nhạt nhòa. Những giọt nước mắt tuổi già trước mặt đứa trẻ lớp
hai và lớp năm.
–
Cháu sẽ viết những câu chuyện như thế này. – Tôi nói.
“Đừng
kể tên tôi” là câu tôi được nghe nhiều nhất trong những cuộc gặp gỡ.
“Đừng
kể tên tôi”, nhưng sau đó: khi nào viết xong nhớ báo cho tôi biết.
Cuối
cùng mỗi người đều đồng ý cho tôi được viết lên dòng tên và địa chỉ rõ ràng.
Đừng
kể tên tôi. Tôi không cần ai biết.
Đừng
kể tên tôi. Tôi không muốn ai đó phiền lòng.
Đừng
kể tên tôi. Tôi có chung tên với mọi người. Tên là chúng tôi.
Chúng
tôi – những người có cùng một cuộc sống.
Chúng
tôi – những người có cùng một ý nghĩ.
Sau
cùng, trước khi ra về, tôi nói, các bác có niềm an ủi lớn đó là vợ thương mình.
Các
bác gái đã đón tiếp tôi niềm nở. Một bác tìm ảnh cưới cho tôi xem. Bức ảnh chụp
ở Hà Nội, năm 1973. Một bác nói, muốn hỏi chuyện đánh nhau thì hỏi tôi chứ ông ấy
bị tụt lưỡi rồi, cô nghe không quen không hiểu đâu.
Từ
hôm tôi tới nhà mỗi ngày bác gái om thêm một ấm chè xanh. Bởi đang giữa cuộc
trò chuyện sẽ xuất hiện vài người hàng xóm ghé qua và góp vào câu chuyện của
hai bác cháu.
Một
người bác dựng xe đạp ngoài ngõ, tay cầm cây roi. Bác vừa đi thả bò ngoài bãi về.
Tôi hỏi, bác cũng từng đi lính?
Tôi
hỏi câu đó vì từ sáng tới giờ đi qua ngõ nhà nào cũng được giới thiệu nhà này
có người đi bộ đội. Bác nhìn tôi với vẻ khó hiểu, rồi cởi mũ: Nói cho cô biết,
tôi không đi lính nhưng tôi tham gia vào chiến tranh chẳng khác gì lính ở mặt
trận. Tôi làm liên lạc cho các ông ở trên xã. Mà xã tôi, cô đã biết chưa đấy,
là xã bị đánh bom nhiều nhất huyện nhất tỉnh này. Máy bay đi ngang qua ngứa tay
là nó ném. Máy bay đi đâu về thừa quả nào là nó thả nốt. Bom giết chết cô người
yêu của tôi. Cô đang ngồi ở cầu tiêu. Chết luôn ở cầu tiêu, chưa kịp kéo quần
lên.
Việc
của tôi là sau mỗi trận bom đi đếm xem có bao nhiêu người chết bao nhiêu người
bị thương bao nhiêu người kẹt lại trong đất rồi báo con số lên cho các ông. Có
nhà ông Trí bom rơi chết luôn sáu đứa con và một đứa cháu nữa là bảy.
Bác
đội lại mũ, đi ra ngõ. Tôi đi theo. Bác kể tiếp đi, cháu đang muốn nghe. Thôi,
vào trong kia ông ấy kể nhiều chuyện còn hay hơn, chuyện tôi chỉ vậy thôi.
Thế
cha mẹ của sáu đứa con sau đó…? Giờ họ còn sống không?
Thì
cũng phải sống tiếp sau đó chứ như thế nào nữa.
Bác
trai chủ nhà ra bờ sông tháo dây dàng dắt bò về chuồng. Bác vừa mua thêm được một
con bò. Hai ông già đi bên nhau kể về con bò vừa mới đến.
Bác
trai dừng lại. Đây cháu, đây là đường 15 – đường từ Hòa Bình đi vào Quảng Trị.
Đường 15 chạy gần song song quốc lộ 1A. Các xã ở huyện Hương Khê là điểm tập kết
hàng hóa, là kho vũ khí quân sự, là điểm bộ đội dừng chân trên đường vào Nam.
Đường
15 chạy qua xã Gia Phố men theo sông Ngàn Sâu. Bao nhiêu xác người. Bao nhiêu
bom đạn. Đếm làm sao hết. Viết bao nhiêu giấy cho đủ. Những người có bom bi lặn
trong da thịt xếp hàng dài. Sông Ngàn Sâu nơi các chị giũ máu áo thương binh áo
người đã chết. Nước sông loãng bớt màu nước sông trôi hết máu. Áo khô nhanh để
bao bọc thân thể khác đang nằm chờ.
Đường
15 đường đi vào chiến trường đường qua huyện Hương Khê.
Phan
Thúy Hà
Người
bên sông Ngàn Sâu
1.
Tôi
đang cưỡi trâu bên đường 15 thì nhìn thấy một loạt máy bay ra hoạt động.
Một
quả bom thả xuống, hai quả bom… ba… bốn… năm quả bom thả xuống.
Lũ
trẻ chúng tôi đã quen với hình ảnh bom rơi mỗi ngày. Chúng tôi chơi trò đếm máy
bay. Đếm máy bay và đếm bom. Đứa nào cũng phân biệt được loại máy bay, bom và
cách bay lượn như thế nào trước và sau khi cắt bom.
Năm
máy bay hướng tới mục tiêu là cầu Đá Lậu. Cầu Đá Lậu nằm trên đường 15. Phá được
cầu sẽ gây tắc đường, xe và người bị kẹt lại không tiến được vào Nam.
Máy
bay thứ nhất thả bom. Chiếc thứ hai và thứ ba bị pháo phòng không của ta bắn tới
tấp. Chiếc thứ tư lao về phía miền xuôi.
Chiếc
thứ năm quay một vòng. Phi công bung dù. Máy bay rơi tự do xuống rừng Chúc A. Cột
lửa khổng lồ bốc lên cùng tiếng nổ rầm trời. Một cái dù lơ lửng.
Huyện
đội điều động một trung đội phối hợp với dân quân nông trường và dân quân các
xã vây quanh khu rừng bắt phi công. Lực lượng phòng không của địch đến ứng cứu.
Chúng thả bom bi vướng và phóng rocket không cho quân ta tiếp cận được mục
tiêu.
Hai
ngày hai đêm là cuộc chiến giữa mặt đất và trên cao. Phi công* đã bị bắt. Dân
quân áp giải phi công về nhà một người dân.
Người
ở các xã nườm nượp kéo nhau đi xem phi công Mỹ. Tôi chen lấn tìm được chỗ đứng
xem gần nhất.
Phi
công cao lớn quá mức tôi tưởng tượng. Da trắng. Mắt xanh. Tay chân đầy lông.
Phi công không mặc quân phục. Quân phục và giày đã bị lột ra.
Phi
công ngồi trên phản gỗ. Một chỗ ngồi của hắn chiếm gần hết tấm phản.
Phi
công ra hiệu muốn uống nước, dân quân đưa nước cho uống.
Phi
công ra hiệu muốn đi vệ sinh. Dân quân dẫn ra vườn, chỉ cho biết trước mặt là hố
xí.
Bấy
giờ quê tôi có hố xí hai ngăn tân tiến. Hố xí dầm bằng đất sét, mặt trên là những
thanh gỗ nhẹ xếp lại.
Phi
công đứng trước cửa nhà vệ sinh hồi lâu do dự. Thò được đầu thì người không vào
được. Loay hoay mãi, một nữ dân quân phải hỗ trợ thì phi công mới chui được vào
trong.
Dân
quân cách xa một đoạn bồng súng canh gác. Người dân vẫn vòng trong vòng ngoài đứng
chờ. Sao lâu vậy. Đi vệ sinh gì mà lâu vậy.
Hai
chị dân quân tiến lại gần. Phi công đang mắc kẹt trong hố phân. Những tấm ván
không trụ được sức nặng trên một tạ đã bị đổ sụp. Phi công rơi xuống. Người
nhoe nhoét phân. Các chị dẫn phi công lại bên giếng bảo ngồi xuống.
Tôi
đứng đó, há hốc mồm nhìn tên giặc Mỹ được các chị dân quân đang chuyền tay múc
nước dội lên cho tắm. Tên giặc Mỹ lái máy bay thả bom xuống làng quê tôi là như
thế này sao.
2.
Tôi
đi chăn trâu với Hùng. Cánh tay trái của hắn bị tật từ lúc sinh ra. Sức mạnh dồn
vào cánh tay phải. Vì thế tay phải hắn khỏe hơn mức bình thường.
Những
buổi chiều hè hai đứa chặt cành lá ngụy trang vác lên trận địa pháo cho bộ đội.
Giữa đường đi gặp máy bay sà xuống cắt bom bảo nhau nằm im. Đợi tiếng máy bay
nghe xa mới bò dậy. Đến nơi thấy các chú đang bận bắn máy bay thì xuống hầm chờ.
Lý do chờ là để được nhận thưởng mỗi đứa một cái cát tút.
Những
cái cát tút bằng đồng vàng óng. Tôi biết đồng là quý giá. Ở nhà có cái mâm đồng
mẹ chỉ đem ra dùng khi có khách quý.
Mỗi
tuần xã lại tổ chức một buổi cổ động. Cát tút được mang ra sử dụng. Lũ trẻ tay
giơ cao khẩu hiệu “Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam” miệng thổi cát tút rộn
ràng náo nhiệt.
Tôi
đã góp được ba mươi lăm cái cát tút. Hùng bàn với tôi khi nào chiến tranh kết
thúc hai đứa sẽ chung nhau mở xưởng đúc đồng. Những cái cát tút này hứa hẹn sẽ
làm ra tiền. Chúng tôi cất giấu toàn bộ số đồng có được vào dưới hầm kín. Nhà
tôi có năm cái hầm. Giờ tôi chẳng còn nhớ đã cất giấu số cát tút đó ở hầm nào.
Hôm
đó tôi dắt trâu ăn kẹ. Không biết là khu ruộng bên kia Hùng cũng vừa đuổi trâu
ra đồng.
Trên
cánh đồng vài ba người mang cuốc đi đào nhôm, đào sắt. Sau những trận bom người
ta đào bom, mìn, đạn đem về bán hoặc nhờ thợ gò thành đồ dùng gia đình.
Hùng
thả trâu, đi mượn cuốc của người đào nhôm gần đấy. Cuốc vung lên trúng vào đầu
bom napalm chưa nổ.
Một
tiếng nổ inh trời. Khói tỏa ra đen kịt. Tôi nhìn sang, Hùng đang như ngọn đuốc
vàng cháy rừng rực phía đằng kia.
Tôi
nhận ra Hùng vì một cánh tay thõng thượt quen thuộc.
–
Hùng ơi nằm xuống. – Tôi hét lên.
Hùng
có lẽ không còn nghe được gì nữa. Tôi đuổi theo.
Tôi
kéo hắn tạt vào hố bom mới, ghì hắn xuống đất rồi tới tấp bốc đất bột phủ lên dập
tắt lửa.
Lửa
dập tắt. Tôi cõng hắn lên lưng và chạy.
Chạy
được chừng mươi mét thì hắn giật vào vai tôi, ý như bảo dừng lại. Da mặt và da
bụng Hùng dính vào áo tôi. Hắn đau quá không chịu được tư thế ghì sát này nữa.
Tôi
thả hắn xuống. Dắt tay chạy về phía làng. Đàn ông khỏe mạnh đi ra chiến trường,
đi lên xã lên huyện trực chiến, làng xóm chỉ có người già yếu và phụ nữ, trẻ
con.
Người
ta bảo tôi chặt lá chuối trải dưới đất cho Hùng nằm. Tôi đỡ Hùng nằm xuống, tiếp
tục đi kiếm những gốc chuối thối theo lời chỉ bảo đắp lên người cho mát.
Mẹ
tôi và mẹ Hùng đang cấy ngoài đồng nghe chuyện chạy theo sau vừa về tới nơi. Họ
đưa Hùng đi bệnh viện.
Bệnh
viện Huyện gần nhà bị đánh bom nay sơ tán về xã Hương Long cách bảy cây số. Tôi
ở nhà không được đi. Mẹ tôi nghe người ta nói lại rằng siêu âm nhìn thấy chấm lửa
ngấm sâu vào xương.
Bệnh
viện không có loại thuốc nào để dập tan lửa đang cháy sâu trong cơ thể. Một
ngày một đêm sau Hùng chết.
Bấy
giờ chúng tôi đang là những đứa học sinh lớp bốn.
3.
Đào
hầm. Học lớp một đã phải đào hầm. Đào hầm ở nhà. Đào hầm ở lớp. Năm nào cũng
đào hầm. Hầm cũ sập đào làm hầm mới. Lớp một đào hầm lớp bảy vẫn đào hầm.
Cô
giáo phân công mỗi em phải đào bao nhiêu mét hầm. Em gái yếu sức, phần đào hầm
phải nhờ anh trai.
Cha
tôi mất năm 1964. Cha mất vì bệnh đau dạ dày. Căn bệnh quá nhiều người gặp những
năm tháng đó. Vì đói, vì khổ, vì không có thuốc men. Anh trai đi bộ đội trong
Quảng Bình. Chị gái học lớp bảy, em gái lớp bốn. Tôi mười tuổi thành người mạnh
mẽ trong gia đình.
Hầm
vẫn đào. Mà người vẫn chết. Tôi mệt mỏi. Tôi chán quá rồi. Tôi không muốn đào hầm
nữa. Tôi ức chế mà không nói ra được.
Ngồi
trên lưng trâu nhìn máy bay từ dưới Địa Lợi đang chuẩn bị cắt bom là tôi biết
bom thả xuống làng mình. Lại có người chết rồi, không biết lần này nhà ai.
Tôi
lùa trâu về. Chạy sang nhà đứa bạn cùng lớp. Bom đánh trúng nhà nó. Bộ đội đang
bới đất tìm người. Một cái đầu hói nhô ra. Cái đầu của người cha. Người ta
nhanh chóng lấy rổ úp trên đầu để đất bột không vùi. Tiếp tục bới tiếp tục cào.
Thân thể ông kéo lên mềm nhũn và bầm tím như quả chuối. Trong hầm còn ba xác chết
nữa. Đứa cháu và hai người hàng xóm.
Hai
người con trai của người vừa chết đang đi chiến trường. Các anh không biết chuyện
ở nhà.
Tiếng
bom tắt. Mọi người quay về nhà mình xem còn gì không.
Một
ngôi nhà đổ sập. Hàng tiếng đồng hồ sau người mẹ và đứa con nhỏ chui ra từ đống
đổ nát. Hai cô chị đi chơi buổi trưa ở ngoài làng suýt nữa trúng bom. Họ là một
gia đình may mắn.
Người
lớn nói với nhau, bom tránh người chứ người sao tránh được bom. Tắt mặt trời biết
là hôm nay mình còn sống. Một con bò bị bom đánh chết. Xẻ thịt ra, đói khổ là
thế mà không ai thiết tha nữa. Ăn làm gì, ngày mai rồi mình cũng thế.
Ngày
mai rồi mình cũng thế. Qua phút bi quan quẫn cực lại nhìn nhau vui cười. Đợi
đêm xuống cùng nhau ra ruộng bẻ ngô. Trong bóng đêm phần ngô sót lại nhiều hơn
ngô mang về nhà.
Cuộc
sống sôi động về đêm. Nhưng rồi bom rơi không kể ngày đêm nữa. Lao đầu ra đồng
bom thì
kệ
bom.
Cảnh
sống thế này bao giờ thì chấm dứt? Tôi lại sốt ruột tôi lại không yên ở trong
lòng. Bao giờ lớp học không phải trong hầm hào? Bao giờ trên trời không thấy
máy bay sà sà bao giờ không còn tiếng rì rì báo hiệu loạt bom mới.
Chuyện
đó có thể kết thúc không? Chiến tranh có thể kết thúc không?
Sau
chuyện của Hùng tôi được đi dự hội nghị hai giỏi ở Hương Long. “Hai giỏi” là
hai giỏi gì tôi không biết. Thầy giáo viết một trang giấy cho tôi mang đi đọc tại
hội nghị. Đến nơi tôi gặp con bé ở xã bên cạnh tên là Nguyễn Thị Mão. Là học
sinh sống sót trong trận bom mới xảy ra ở lớp 5A trường cấp hai Hương Phúc*.
4.
Tôi
xem bộ phim Nguyễn Văn Trỗi mười ba lần ở các rạp chiếu phim lưu động.
Thằng
bé quần đùi áo trần lon ton phim chiếu ở đâu cũng có mặt. Lần xem nào tôi cũng
xúc động mạnh. Tôi nhớ rõ từng cảnh phim, từng lời nói trong phim. Nhớ đến nỗi
nhắc đến phim ảnh, cho đến tận bây giờ, vang lên trong đầu tôi là những hình ảnh
trong phim Nguyễn Văn Trỗi.
Tôi
thuộc lòng từng câu anh Trỗi nói. “Tôi chống đế quốc Mỹ đã xâm lược miền Nam Việt
Nam gieo bao đau thương tang tóc cho đồng bào tôi”. “Kẻ có tội chính là đế quốc
Mỹ. Tôi rất tiếc đã sớm sa vào tay giặc, không được tiếp tục chiến đấu để giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, thực hiện lý tưởng của đời tôi”.
Đêm
về tôi ngủ mơ thấy hình anh Trỗi trước họng súng mà vẫn hiên ngang nói lời
chính trực. Không có hình ảnh nào đẹp hơn. Không có hình ảnh nào làm tôi rung động
hơn thế. Anh là con người Việt Nam yêu nước hôm nay. Được chết như anh Trỗi tôi
hạnh phúc biết bao. Tôi mơ tưởng và ngủ mê trong tiếng bom ngoài đường 15 vang
rầm trời.
Hàng
tuần cán bộ xã về từng đội măng non ở các xóm để gặp gỡ, trao đổi và tìm ra
gương mặt tiêu biểu. Một chú giao cho tôi nhiệm vụ chủ nhiệm hợp tác xã măng
non. Chủ nhiệm hợp tác xã măng non là chỉ huy các bạn quàng khăn đỏ tuổi dưới 15.
Mùa
hè mỗi tuần hai đêm tôi đi sinh hoạt chính trị một lần. Tôi đã hiểu tại sao quê
mình bom pháo nhiều đến thế, tại sao giặc Mỹ gây tội ác cho dân mình. Mỹ chiếm
miền Nam và Mỹ sẽ tấn công ra miền Bắc. Việt Nam sẽ bị Mỹ nuốt chửng. Mỹ sẽ cai
trị đất nước này. Người dân cả nước Việt Nam rồi sẽ chìm trong đêm trường tăm tối.
5.
Hai
cái bát úp vào nhau. Đi học về nhìn thấy hai cái bát úp vào nhau là biết bữa
nay mỗi đứa được ăn hai bát cơm. Gọi là hai bát cơm nhưng thực ra là hai phần
khoai một phần cơm. Mẹ nấu chín xới cơm vào bát, phần mẹ vét xung quanh nồi. Mẹ
ăn xong rồi ra đồng.
Nếu
không có hai cái bát úp vào nhau thì sẽ là bữa ăn như mọi bận. Mẹ gọi các con
vào bếp. Mỗi đứa cầm một cái bát lại nồi chan canh rau khoai.
Đói
ăn không phải là chuyện gây ra đau khổ. Bấy giờ ai cũng chỉ nghĩ đến hòa bình.
Mong ngày hòa bình đến thật nhanh. Hòa bình rồi ăn rau khoai rau má suốt đời
cũng được.
Nhà
tôi một gian hai hồi dành để gạo cho bộ đội. Gạo chất chồng gạo. Ngoài vườn là
kho vũ khí. Mấy mẹ con nép lại phía góc nhà. Mình ở chật chội một chút cũng
không sao, nhường các chú giường nằm để các chú nghỉ còn có sức đánh giặc.
Chú
bộ đội nhìn mẹ con ăn canh rau mãi thấy thương. Chú nói nhỏ với mẹ lấy bớt vài
bò gạo. Mẹ dứt khoát không. Chết đói cũng không lấy bớt đồ ăn của bộ đội.
Người
dân ở đây ai cũng vậy. Đồ ăn thức uống đồ dùng của bộ đội để la liệt khắp các
ngôi nhà các khu vườn mọi người bảo vệ. Bộ đội cho cũng không được lấy.
Một
chú bộ đội thấy trong bếp mẹ chẳng có gì. Trước khi đi chú cố tình để quên một
cái nồi. Mẹ chưa kịp thấy thì người hàng xóm đã phát hiện ra. Mẹ bị phê bình.
Chiếc nồi phải chuyển ra ngoài trụ sở xã chờ một một đơn vị khác tới dùng.
Thiếu
ăn, đói ăn là chuyện của mỗi nhà. Trách nhiệm chung vẫn phải thực hiện. Mỗi người
dân trên mười tám tuổi mỗi năm phải nộp mười cân thịt lợn hơi cho quốc phòng.
Làm sao nuôi được mười cân thịt lợn hơi trong hoàn cảnh cảnh đêm ngày chạy bom
thế này. Không có thịt lợn thì quy ra sáu mươi cân thóc.
Dân
có nghĩa vụ nuôi bộ đội. Dân không được tơ hào gì đến đồ ăn đồ dùng của bộ đội.
Lấy của bộ đội dù một hạt muối cũng là Việt gian. Sau chiến tranh chục chiếc xe
đạp phượng hoàng bị bỏ quên trên chạn một ngôi nhà dân. Gia đình không có xe đạp
đi vẫn không dám đụng tới. Làng xã họp bàn. Phải khẩn trương tìm đơn vị bộ đội
nào đó đến mang đi.
6.
Tôi
không biết mình sinh năm nào. Cô giáo hỏi mẹ, mẹ bảo không nhớ. Cô giáo viết
trên giấy tờ tôi sinh năm 1957.
–
Mày sinh năm bảy thì mới mười ba tuổi, ai cho đi bộ đội?
Những
người bác trong xóm quát tôi.
Tôi
viết lại lá đơn xin đi bộ đội, khai sinh năm 1951. Tôi nộp đơn cho xã đội trưởng.
Chị gái đọc được lá đơn trên xã, về nhà hỏi, sao mày là em mà sinh trước cả
tao.
Tôi
được gọi đi khám sức khỏe. Tôi biết sức khỏe tôi xếp vào B2-. B2- là không đạt.
Tôi
đi dép lốp, nói với anh y tá cân đo rằng cứ tính cho em cả dép. Trên đường đi
nhặt hai cục đá cho vào hai túi quần. Mưu mẹo của những đứa trẻ mới lớn khao
khát ra trận.
Vậy
là tôi cân nặng gần được 44,5 kg, chiều cao 1.6m. Trúng tuyển vòng đầu.
Đến
lúc có giấy gọi mẹ mới biết chuyện tôi đã làm đơn xin đi bộ đội. Con ơi, cha
thì mất rồi, anh con đã bảy năm chưa về, giờ con mà đi thì ai chăn trâu ai đi
cày cho mẹ. Con ở nhà thêm vài năm nữa, học xong rồi đi mẹ không cấm.
Bấy
giờ tôi đang học lớp bảy. Tôi đi học muộn hơn các bạn cùng lứa tuổi.
Cả
trường cấp hai chỉ mình tôi xin đi bộ đội.
Học
sinh cấp hai chưa có nghĩa vụ phải vào chiến trường.
Ba
cán bộ xã đến nhà tôi. Họ nói: Mày không được đi. Mày đi là sai quan điểm. Xã vẫn đang còn người đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Mày
làm vậy trên họ kiểm điểm chúng tao.
Tôi nói: Các chú các bác hiểu lầm rồi.
Các chú các bác được đọc nhiều nghe nhiều có nhiều tài liệu và báo chí vậy giải
thích cho cháu “thiếu sinh quân” nghĩa là gì. Có phải là những em chưa đủ tuổi
vẫn có thể đi vào quân đội làm những công việc như là liên lạc không? Cháu cứ
đi tập luyện cho quen. Vài năm nữa cứng cáp chiến đấu trực tiếp là vừa.
Một người nói: Mày đã nói vậy thì bọn
tao chịu rồi.
Không ngăn được quyết tâm con trai
cuối cùng mẹ phải chấp nhận.
Lớp tổ chức buổi liên hoan. Đứa góp
vừng đứa góp mật nấu một nồi kẹo vừng. Có các bạn lớp khác đến tham gia. Buổi
chiều thật vui. Tôi thành nhân vật trung tâm của lớp. Tôi thành nhân vật trung
tâm của cả trường. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ chiến đấu kiên cường như anh Trỗi
để xứng đáng với tình cảm các bạn hôm nay dành cho.
Các bạn tặng tôi cuốn sổ tay. Bốn
lăm đứa viết lời chia tay. Có đứa viết ba trang, có đứa viết kín hết năm trang.
Mẹ đến trường mời các thầy cô giáo đến
nhà ăn một bữa cơm chia tay học sinh.
Trong nhà có một yến thóc ba lá.
Thóc này để phòng khi đói quá thì đem ra giã làm thính. Gạo ba lá là gạo đặc biệt.
Mẹ cất dành đã nhiều năm. Hôm nay mẹ quyết định mang ra giã cho con trai và thầy
cô ăn bát cơm ngon.
Thầy cô đến nhà từ rất sớm. Ai cũng
phải ngụy trang. Ngoài kia bom ném tọa độ và ăn cơm tối xong là pháo sáng liên
tục.
Những lời dặn dò. Em đi chân cứng đá
mềm. Em cố gắng phấn đấu tốt. Em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Em là niềm tự hào
của cả trường.
Cô Hà dạy môn Hóa ôm tôi khóc. Cô
khóc nức nở không nói được câu gì. Cô có hai người anh đi bộ đội hy sinh vào
năm 1968 và 1969. Cô trao cho tôi chiếc khăn mùi soa có thêu đôi chim bồ câu và
dòng chữ “Nhớ mãi không quên”.
Trước đó các thầy cô đều gặp riêng
tôi khuyên đừng đi. Cô Hà không nói gì. Cô không nói nhưng ánh mắt cô có bao điều
muốn nói.
Mẹ bê mâm cơm ra. Trên mâm là hai tô
canh gà. Mẹ đã làm thịt con gà trống đầu đàn. Một nồi canh chuối. Nồi cơm ba lá
đặt bên cạnh.
Mẹ
xới cơm cho mọi người. Mẹ ngồi tiếp chuyện nhưng không ăn. Trong lòng tôi dâng
lên nỗi xúc động. Mẹ cấm không cho con đi mà giờ mẹ lại làm được bữa cơm thế
này cho con vui.
Tôi
đưa bát cơm lên ăn. Trời ơi, mùi gì vậy? Mùi mốc. Nồng nặc mùi gạo mốc. Tôi cố
và một miếng cơm. Vị đắng khét. Đắng tới mức không thể nào nuốt nổi. Cơm gạo ba
lá mà sao ra thế này? Tôi chực khóc.
Sau
này tôi mới biết sao nồi cơm hôm đó lại đắng khét như vậy.
Lý
do thứ nhất là thóc chưa khô khén mẹ đã mang cất. Lý do thứ hai là đổ thóc vào
thùng ngay khi vừa giữa nắng đưa vào. Thóc đang nóng bốc hơi đổ mồ hôi rồi mốc.
Và một lý do nữa, thóc để lâu năm quá bị biến chất.
Mẹ
không phải là người phụ nữ khéo léo việc nhà. Một tuổi bà ngoại bán mẹ cho nhà
khá giả. Mẹ lớn lên thành con ở nhà người. Không được học chữ, không được ai
bày vẽ. Chưa hết tuổi lớn thì lấy chồng. Rồi làm lụng nuôi bốn đứa con một cách
vụng về.
Tôi
nhìn sang các thầy các cô. Không ai tỏ ra có chuyện gì. Bát cơm nào cũng còn
nguyên. Thầy hiệu trưởng xin mẹ cái bát không chan canh chuối. Cô giáo chủ nhiệm
cũng xin một bát canh chuối. Mỗi người ăn một bát canh chuối thay cơm.
Mẹ
không để ý. Mẹ không biết. Cũng may là khi đó mẹ không biết gì hết.
P.T.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét