ĐỪNG
KỂ TÊN TÔI (KỲ 2)
Truyện
ký của Phan Thúy Hà
7.
Ông
đội trưởng đội sản xuất đánh kẻng người làng tới họp. Nội dung cuộc họp kêu gọi
đóng góp một hộ dân một đến hai hào động viên cháu Ngọc lên đường làm nhiệm vụ.
Cả đội sản xuất góp lại được chín đồng.
Chi
đoàn thanh niên cũng tổ chức họp. Chi đoàn mua tặng tôi chiếc khăn mặt và nói lời
động viên người ra trận.
Bấy
giờ tôi đang là đội viên. Trước ngày nhập ngũ một vài người bên xã đề nghị tôi
được kết nạp đoàn nhưng không được. Lý do là những ai đã đi học đối tượng đoàn
trước đó giờ phải học lại mới được kết nạp để đoàn viên mang tên Đoàn viên
Thanh niên Hồ Chí Minh. Tôi làm gì còn đủ thời gian để đi học lại.
Buổi
sáng mai mẹ tiễn tôi ra đầu ngõ thì gặp ông xã đội trưởng. Mẹ bàn giao tôi cho
ông rồi về. Sao mẹ không đi cùng tôi thêm đoạn nữa? Sao chị và em gái không tiễn
tôi đi như những gia đình khác? Đến xã Phú Gia, nơi đơn vị huấn luyện về nhận
quân, thấy mỗi người đi đều có cả gia đình bên cạnh. Họ ngồi trò chuyện to nhỏ
đến tận trưa. Tôi thì một mình.
Tôi
một mình nhưng không buồn. Tâm trạng vẫn đang hồi hộp vì biết phía bên nhận
quân còn kiểm tra sức khỏe một lần nữa. Tôi chưa chắc chắn mình được đi.
Xã
đội trưởng bước ra từ nhà dân gần đó với khuôn mặt bực bội. Ông vừa bị huyện đội
trưởng phê bình quát tháo. Lý do tại sao huyện yêu cầu phải vận động được mười
hai người mà giờ chỉ có mặt được bảy. Tôi lại lo. Không đủ số quân họ hoãn lại
thì sao.
Buổi
trưa chúng tôi vào nhà dân nghỉ chân và nấu cơm. Trong nhà không có gì để nấu.
Mỗi người góp ít tiền đi mua gạo còn rau thì đi xin. Bữa cơm đầu tiên xa nhà ăn
qua quýt.
Ba
giờ chiều đơn vị nhận quân gọi tên khám lại. Tôi được nhập ngũ chắc chắn rồi.
Lòng tôi vui sướng mà không có ai bên cạnh để reo lên.
8.
Hành
quân. Mỗi người vác trên vai năm ngọn lá cọ để đến nơi huấn luyện lợp lán trại.
Hương
Thu, Hương Thanh. Những xã trong huyện lần đầu tiên tôi đặt chân tới. Giọng nói
người dân ở vùng này sao khó nghe. Họ nói sai dấu và phát âm kéo dài.
Chân
tôi đi bộ nhiều quá sưng phù. Đêm xuống một người bà đun nước ấm pha muối bảo
tôi ngâm đỡ đau để mai còn đi tiếp.
Nhìn
tôi nhỏ quá, một người đi cùng đoàn vỗ vai: “Mày tiễn anh nào mà đi xa thế, sao
qua đêm vẫn chưa về?”. Ba người đã hỏi cùng câu đó. Tôi là bộ đội rồi. Họ không
biết tôi là bộ đội sao.
Chuyện
thấp bé nhẹ cân còn làm tôi lo âu thêm lần nữa khi đến Cẩm Xuyên. Hai người đi
lại trước mặt tôi. Tay họ cầm cuốn sổ và cây bút. Một người cầm tay hỏi tôi tên
gì. Người thứ hai khuôn mặt đầy vẻ băn khoăn. Họ trao đổi với nhau gì đó rồi bỏ
đi. Một lúc sau quay lại nắm tay tôi lần nữa: cậu được cử làm liên lạc cho ông
Thứ.
Buổi
học chính trị đầu tiên. Không có bàn ghế, chúng tôi tháo dép lốp ra ngồi. Một
ai đó nhanh ý đi mượn được cái ghế nhỏ trong nhà dân. Họ đứng dậy bỏ đi đâu đó.
Tôi với tay lấy ghế thì một bàn tay khác cũng giành lấy. Hai tay giằng co. Tôi
ngước mắt nhìn lên. Thầy chủ nhiệm lớp 5 của tôi. Thầy Phàn. Thầy chuyển về trường
khác dạy cách đây hai năm và ra đi nghĩa vụ từ xã đó.
Tôi
thả tay ngay và cùng lúc bàn tay kia cũng rời ra. Hai thầy trò nhường nhau chiếc
ghế. Giờ chúng tôi là đồng đội.
9.
Sáu
tháng huấn luyện ở Cẩm Xuyên. Ba tháng huấn luyện ở Hương Sơn.
Tập
bắn súng. Đào hầm. Làm lán trại. Nấu ăn nhanh. Báo động ban đêm. Cơ động đơn vị.
Trong
thời gian huấn luyện ở Cẩm Xuyên tôi được về nhà mười ngày.
Từ
ngày tôi đi ở nhà mỗi lần bom trút gần là mẹ lại nằm vật ra hai chân đập đét. Mẹ
hốt hoảng mẹ khóc. Nó giết mất thằng con tôi trời ơi. Nóng ruột quá mẹ lại chạy
đến nhà ông xã đội trưởng gào thét như thể ông là người gây ra nông nỗi này.
Trước
hôm tôi về một người anh nói nhỏ: Mày về rồi cho cha tao xuống đây nhé. Tôi
nói: Anh cũng vừa được về mười ngày mà. Anh bảo: Cha tao muốn biết đơn vị con.
Tôi
đưa cha anh xuống đơn vị. Hai bác cháu đến nơi vừa bữa cơm trưa. Có tiền mẹ cho
trước lúc đi, tôi mời bác vào quán cơm. Bữa cơm có thịt trâu, cá kho và một bát
canh cá. Tôi muốn bác yên lòng. Muốn cho bác thấy đời lính không có thiếu thốn
đói khổ gì đâu. Bọn con thích thì còn gọi cả rượu.
Gặp
con trai, bác nói với anh, thằng Ngọc làm gì ở đơn vị mà khá lắm, nó mời tao một
bữa ra trò. Bữa cơm ra trò ngày hôm đó sau này mỗi dịp gặp tôi bác lại nhắc.
Người
anh nhờ cha nói với thủ trưởng cho về. Anh muốn hình ảnh cha già lam lũ ốm yếu
sẽ lay động lòng thương. Ở nhà anh còn vợ và con nhỏ.
Hôm
sau anh lắc đầu: Không được mày ạ. Mày làm liên lạc quen biết nhiều hơn mày nói
với họ một tiếng giúp tao. Mày nói là tao xuống đây ăn cơm không quen bị đau bụng.
Tôi
trả lời anh, nói giúp anh câu đó đơn giản thôi nhưng khó nghe quá anh ạ.
10.
Ngày
12 tháng 1 năm 1971 tiểu đoàn được lệnh vào Nam.
Mọi
người có mặt tại sân vận động Sơn Quang nghe tiểu đoàn trưởng tuyên bố: Cuộc
hành quân trường kỳ đánh Mỹ của tiểu đoàn ta bắt đầu.
Âm
lịch hôm nay là ngày 29 Tết.
Đang
tập trung tôi nhìn thấy anh Nam người cùng làng đạp xe đi qua. Lúc này nhìn thấy
anh trong lòng xúc động như thấy gia đình mình. Tôi chạy ù ra, ôm lấy anh nghẹn
ngào mãi mới nói được. Lúc nào về phép nhờ anh đến thăm mẹ em, nói với mẹ là em
đã đi chiến trường. Từ nay thư từ không nhờ anh gửi được nữa rồi.
Lệnh
không được mang theo sổ tay, nhật ký. Ai có thì nhờ người gửi về nhà cất, nếu
không gửi về được phải đốt. Lý do không được mang đi là đề phòng bị địch bắt cuốn
sổ sẽ rơi vào tay địch. Địch sẽ lần theo địa chỉ về tận địa phương rải truyền đơn
xuyên tạc sự thật gây hoang mang cho người ở nhà. Cha mẹ họ hàng dân làng sợ
hãi không cho con đi lính. Thanh niên sợ hãi mà chùn chân.
Tôi
bí mật cất cuốn lưu bút vào đáy ba lô. Thỉnh thoảng mang ra đọc và chép chuyện
xảy ra trên đường chiến đấu.
Tiếng
hô lớn hành quân. Đoàn người cất bước dọc bờ đông dãy Trường Sơn.
Qua
đò, hai xe ô tô chờ sẵn.
Xe
chuyển bánh cũng là lúc xóm Sơn Phố lên đèn.
Trên
xe, phải giữ bí mật nên anh em không nói chuyện nhiều. Vài cái đầu thò ra ngoài
xe nôn. Ba, bốn tiếng đồng hồ sau thì những ai bị say xe nôn hết ra ba lô của
người ngồi trước và người ngồi bên cạnh.
Đến
Quảng Trạch – Quảng Bình rồi các chú ạ. Lái xe thông báo. Chúng tôi được ở lại
Quảng Trạch một ngày. Tới xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch thấy người dân nấu bánh
chưng, chuẩn bị đồ tết nhớ ra ngày mai là tết.
Hành
quân bộ đường rừng vào ban đêm. Cơn mưa rừng đầu tiên trút xuống. Máy bay B52 dội
bom. Những mảnh bom lừ lừ bay sát qua đầu, đất đá văng ào ạt. Dưới chân bùn đến
mắt cá chân. Ba lô trĩu nặng. Trời tối thui không nhìn thấy đường đi. Đêm ba
mươi tết đất trời thương xót không ai bị trúng bom.
Mờ
sáng đến trạm 5 của đường dây 559. Bên vệ đường thấy một nồi cơm trắng đổ xuống
gốc cây. Nghe nói là chiều qua nhiều tiểu đội không cắt cử người nắm cơm mà để
nguyên cả nồi cơm gánh lên xe nên sáng ra phải đổ cơm đi để lấy nồi. Đến chiều
nồi cơm của tiểu đội tôi cũng bị đổ đi vì lý do như vậy.
Hành
quân hết đất Quảng Trị tôi được lệnh bổ sung cho sư đoàn 320 tham gia chiến dịch
Nam Lào.
11.
Trận
chiến đầu tiên của đời lính.
Ngày
2 tháng 2 năm 1971.
Đại
đội lên đường vào vị trí chiến đấu tại căn cứ điểm 601.
Năm
giờ sáng.
Bốn
chiếc xe tăng. Gọi là một đại đội xe. Đoàn xe xuất kích được một chặng đường,
cách trận địa chừng một cây số thì một chiếc bị sa lầy, rơi vào hố bom địch.
Địch
đổ bộ vào hôm qua. Hôm nay ta đánh. Chúng chưa kịp làm hàng rào.
Ba
chiếc xe tăng tiến vào. Địch trong đồn dùng súng hỏa lực, súng bộ binh, súng hỏa
lực tầm xa bắn xung quanh trận địa. Hàng chục chiếc trực thăng, hàng chục chiếc
0V10. AD6 bay rầm trời trút đạn rocket xuống hướng quân ta đang tiến.
Đài
quan sát của ta báo về lực lượng địch trên đồn gồm một tiểu đoàn bộ binh.
Địa
hình này tôi hoàn toàn xa lạ. Tôi được bổ sung vào tiểu đội cối 60, tức tiểu đội
10 hỏa lực của đại đội 11, tiểu đoàn 9, trung đoàn 64, sư đoàn 320.
Trước
khi đi tôi được bố trí mang 1 cái đế cối nặng 15 kg, 11 quả đạn, 1 khẩu AK có
100 viên đạn.
Đơn
vị dàn quân, nghe lệnh của đại đội nổ súng. Tiểu đội có hai khẩu cối. Tôi đã tiếp
tay cho xạ thủ số 2 được năm quả. Súng bộ binh chưa bắn được viên nào.
Mười
giờ.
Địch
co cụm lại. Ta chiếm được lô cốt đầu cầu và tuyến 1.
Quân
ta tạm dừng lại. Lý do là ông Nguyễn Văn Tranh tiểu đoàn phó đã bị một mảnh
pháo cắt đôi ống tay trái từ khúc tay trở ra. Cánh tay dính vào cơ thể bằng một
mảnh da và cụm gân. Tổ liên lạc đang băng bó. Ông lệnh cho liên lạc tiểu đoàn
là anh Kiều Duy Tý chặt đứt phựt ngay phần lủng lẳng băng bó cho tiện. Mọi người
nhìn nhau ngập ngừng.
“Không
làm được gì nữa đâu mà để lại”.
Anh
Kiều Duy Tý rút dao găm ra thực hiện mệnh lệnh thủ trưởng.
Trận
đánh tiếp tục.
Viên
AR15 xuyên qua ngực ông Bảy đại đội phó đại đội 1. Trận địa như đang trong cơn
giông bão. Tiếng đạn bộ binh trong đồn bắn ra không ngớt. Rừng nứa gãy đổ toang
toác. Tiểu đội tôi là tiểu đội hỏa lực, không được bắn tùy tiện.
Tôi
được phân công cùng với đồng chí vận tải tiểu đoàn khiêng ông Bảy ra phía sau.
Ông Bảy nằm trên cáng thương lúc tỉnh lúc mê.
Chúng
tôi vừa đi vừa dò đường. Ra phía sau trận đánh có nhiều người đi lại. Họ chỉ
chúng tôi cách qua khe qua suối.
Vừa
mệt vừa đói chúng tôi dừng chân nghỉ. Cơm của tôi bỏ lại trận địa. Tôi ăn chung
nắm cơm của anh vận tải.
Ăn
cơm xong nhìn ông Bảy tưởng như chết rồi. Tôi hơi hoảng. Anh vận tải có kinh
nghiệm lấy tay đẩy nhẹ vào lỗ mũi ông và sờ vào ngực thấy tim vẫn còn đập. Mừng
quá vừa cáng vừa chạy để kịp bàn giao cho tuyến ngoài.
Năm
giờ chiều chúng tôi xong nhiệm vụ bàn giao thương binh.
Đói
quá, chúng tôi đi tìm anh nuôi xin cơm. Anh nuôi trả lời, ở đây chỉ có nước chứ
cơm thì không.
Hai
anh em tìm về đơn vị. Đi đến bên con suối lớn nghe tiếng một đơn vị gần đó đang
chia cơm. Tôi chạy vào cầm ngay cái vung giữ tay anh nuôi lại cầu xin. Chúng
tôi đưa thương binh ra phía sau, giờ về đơn vị thì xa quá, xin anh bớt cho một
xẻng cơm. Theo tay anh nuôi chỉ tôi chạy vào hầm lấy ăng gô ra đựng phần cơm
mình.
Ăn
xong thì trời tối. Cơn buồn ngủ kéo đến. Chúng tôi xin được ngủ lại. Không cần
họ trả lời, hai anh em bẻ ôm lá rải bên bờ suối ngủ một mạch tới sáng.
Tám
giờ tối chúng tôi lần tìm về được tới đơn vị. Sau trận hôm qua tiểu đội tôi hai
người hy sinh, một người bị thương.
Tiểu
đoàn phó Nguyễn Văn Tranh đã hy sinh.
Sau
khi được băng bó ông Tranh tiếp tục chỉ huy đơn vị đến hai giờ chiều. Đơn vị
chiếm lĩnh trận địa. Tạm thời thắng lợi. Ông bị trúng đạn thêm lần nữa. Một
viên đạn AR13 bắn xuyên đùi. Máu ra quá nhiều.
Tiểu
đoàn ra trận ở thế chủ động, qua một ngày con số hy sinh và bị thương hơn một nửa.
Số quân còn lại 150 người. Tiểu đội hỏa lực 9 người còn lại 6.
Chúng
tôi nghỉ lại bên bờ suối một ngày để củng cố lực lượng.
Chưa
kịp nghỉ ngơi thì nửa đêm có lệnh phải trở lại vị trí hôm qua để thay cho đại đội
10 đang nằm giữ trận địa. Đại đội lên đường trong đêm.
12.
Bản
A Lầy Nhầy.
Bảy
giờ đêm, ngày 29 tháng 4 năm 1971.
Chúng
tôi được lệnh lên đường đến bản Đông tập trung cho toàn bộ tiểu đoàn để chi viện
cho đơn vị bạn.
Dàn
xong đội hình chúng tôi nghe phổ biến mật khẩu đề phòng ta và địch chạm mặt
nhau mà không phân biệt được.
Đại
đội trưởng Tài đi từ đầu đoàn đến cuối đoàn: Hỏi Tài thì đáp Sộp. Hỏi Sộp đáp
Tài. Và ngược lại.
Ông
Tài là đại đội trưởng. Ông Sộp là chính trị viên trưởng đại đội.
Mật
khẩu thứ hai: Vỗ vào báng súng ba cái thì đáp lại hai cái. Vỗ vào báng súng hai
cái thì đáp lại ba cái.
Bảy
giờ đêm rừng núi mịt mù. Trinh sát dẫn đầu. Anh em nghe tiếng động nhẹ bám sát
vào nhau đi theo hàng dọc khỏi bị lạc.
Không
nghe tiếng máy bay. Chỉ có ánh lửa chớp nhoằng nhoằng trước mặt. Và tiếng ầm ầm
của đất đá cây cối.
B52
rải cắt ngang đội hình.
Tôi
bị tung lên lên ngọn cây. Lộn nhào xuống. Mũ cối vẫn trên đầu.
Tôi
bò dậy. Cảm thấy khó thở. Mặt ướt đẫm. Hai tay vuốt liên tục. Máu chảy ra từ mũi
từ miệng mà tôi tưởng là mồ hôi.
Tôi
về hầm. Chúng tôi mới rời đi mấy chục bước chân.
–
Mày sao nằm đó. Ra mà nhặt anh em. – Một người anh quát.
–
Không hiểu sao em bị choáng đầu ù tai. – Tôi đáp.
–
Vậy cứ nằm đó đi.
Trong
bóng đêm anh không nhìn thấy mặt tôi lấm máu.
Tôi
nằm thêm một lúc rồi cũng phải dậy. Tai vẫn ù đầu vẫn choáng váng. Tôi ra cùng
anh em đi nhặt anh em. Những người anh em tôi chưa biết mặt.
Chúng
tôi mò mẫm nhặt suốt đêm. Sáng sớm mai nhìn thấy bốn khối thịt xương. Tiếp tục
nhặt. Phải nhặt hết. Không được để sót.
Nhìn
lên ngọn cây là ruột. Xuống dưới khe là chân. Bên kia sườn núi là đầu. Tôi nhặt
đem về đổ vào số xương thịt anh em.
Đại
đội trưởng Tài đâu?
Một
thân người nằm gục dưới chân cột ngôi nhà sàn. Mảnh bom xuyên thẳng vào hậu môn.
Tôi lật mặt người. Đại đội trưởng đã chết cứng.
Tôi
tìm thấy ba lô mình văng ra bên một gốc cây đã bị phạt ngang. Hình dung ra cảnh
đêm qua mình bị hất tung lên và rơi xuống cùng lúc với thân cây. Tôi đã vướng
phải một quả bom đào nổ dưới chân. Nếu không phải bom đào thân thể tôi chắc
đang nằm trong đống thịt phân chia đằng kia.
Tiểu
đội hỏa lực của tôi đi giữa đội hình đại đội. Một người bị lìa đầu, một người
văng mất chân.
Các
đơn vị đưa danh sách số người chết. 58 người chết. 60 người bị thương.
58
phần xương thịt chia ra tương đối đồng đều. Không cần khớp. Không cần đầy đủ.
Không cần. Không thể.
Trải
tăng. Trải ni lông. Bốc thịt bốc xương vào.
58
ngôi mộ.
Ban
chỉ huy đại đội 11 bị xóa sổ.
17
tuổi. Tôi viết trong cuốn sổ đây là trận số 10.
Còn
bao nhiêu trận đang chờ tôi phía trước?
13.
Sau
trận xảy ra ở bản A Lầy Nhầy tôi phải vào nằm viện hai ngày. Ra viện mặc một bộ
quần áo và đi đôi dép nhặt được của người đã hy sinh.
Về
đến đơn vị nhận lệnh lên chốt ở căn cứ mới chiếm được hôm trước.
Giữa
mùa chiến dịch pháo bắn tứ phương, máy bay hoạt động đầy trời, đường lên chốt
qua nhiều khe suối, anh nuôi đưa cơm khó khăn. Có khi hai ngày vẫn không lên được.
Cách
trận địa ba trăm mét có kho lương thực của ta đã bị đốt cháy cách đấy hơn một
tháng. Trung đội trưởng cho hai người ra kho tìm xem có gì ăn được không mang về.
Việc này cũng là liều bởi vì địch thường gài mìn xung quanh kho và dưới các
thùng lương khô.
Hơn
tiếng đồng hồ sau hai người trở về cùng thùng lương khô đã cháy khét. Tôi cố gạt
từng thanh, tách hết lớp cháy đen thui, còn lại một chút bằng ngón tay màu hồng
cho vào miệng cố nuốt mà đắng quá không nuốt được.
Tôi
mang súng dạo quanh chốt xem địch còn sót lại cái gì ăn được không. Gặp được mấy
bọc cơm của anh em đã chết cách đó cả tuần. Mang về dùng dao cắt gọt. Phía
ngoài bị mốc rêu xanh, lớp trong mùi rượu. Cắt cho mỗi người mỗi miếng nuốt thật
nhanh.
Pháo
tầm xa các ngả của địch tập trung bắn về cao điểm 826 ở cây số 23. Bắn liên tục
mười một tiếng đồng hồ thì ngớt. Ba phía chân đồi địch bò lên đồng loạt.
Bò
lên cách chừng năm mươi mét chỉ huy địch hô to xung phong. Chúng tôi bên trong
chờ lúc đó nổ súng và lựu đạn. Hai bên giao tranh liên tục một giờ đồng hồ. Địch
chết, bị thương, bỏ chạy xuống chân núi. Anh em mở ba lô địch vừa chết tìm đồ
ăn. Ba lô nào cũng có cơm, gạo, giò và thuốc lá. Cười nói với nhau, trận nào
cũng được như thế này thì hay quá.
Tôi
lên cơn sốt. Sốt và khát nước kéo dài suốt bốn, năm tiếng đồng hồ. Nằm mê man
dưới giao thông hào. Xẩm tối chỉ huy chốt cho tôi bám theo anh nuôi đưa cơm về
tiểu đoàn uống thuốc. Ba giờ lên cơn sốt một lần. Tôi lả đi. Anh em y tá cho
tôi về tuyến sau.
Đêm
cuối tháng 5 năm 1971 chiến dịch Nam Lào kết thúc. Tôi nằm bệnh viện của trung
đoàn. Tiếp tục lên bệnh viện mặt trận B5 của quân khu.
Lên
viện mặt trận tôi mới biết bệnh viện dã chiến theo đường dây của chiến dịch có
quá nhiều thương binh ở mặt trận về. Thương binh và bệnh binh sốt rét phải đi
ra theo tuyến sau.
Anh
em y sĩ cho tôi lên một chuyến xe ra Bắc. Vượt qua đèo 900 ở Quảng Trị xe phải
dừng lại vì một đoạn đường vừa trúng bom, công binh đang khắc phục. Tôi nằm
trên xe rét run lẩy bẩy lúc tỉnh lúc mê. Một mình tôi là bệnh nhân sốt rét, mười
người kia là thương binh nặng. Tất cả đều nằm. Không ai ngồi được. Không ai nói
với ai câu gì. Thỉnh thoảng có tiếng la hét vì đau quá. Một tiếng bom nổ bên cạnh
đồi. Đất đá rơi vào thùng xe trúng vào người đang nằm trên xe. Và lại tiếng la
hét.
Đường
được san lấp. Xe tiếp tục đi. Mờ sáng hôm sau chúng tôi được cáng vào một hang
đá to rộng. Tôi ngắt cơn sốt, tỉnh táo, dậy đi lại. Hang đá đông người nhưng vẫn
mát mẻ. Có máy nổ thắp sáng. Có mạch nước ngầm để sinh hoạt. Đó là một bệnh viện
của đường dây mặt trận B5 và sở chỉ huy của mặt trận.
Ở
lại đây một ngày chứng kiến mười lăm trận bom. Mỗi lần bom dội đá trên núi tuôn
xuống cửa hang trắng như vôi.
Hôm
sau chúng tôi lên xe và lần này chở thêm mười lăm thương binh. Thương binh nặng
nằm trên lớp lá cây. Đường đi quá xấu. Xe lắc mạnh. Có những đoạn đường vừa làm
được vài tiếng đồng hồ đã bị phá. Lại dừng chờ.
Tận
khuya xe đến đất Vĩnh Linh. Y tá và nhân viên chạy ra khiêng bệnh nhân nặng. Bệnh
nhân nhẹ từng người được dìu, được cõng vào lán. Giường cơ động là những tấm phản
được đặt trên hai cây gỗ nhỏ. Những cử chỉ ân cần ấm áp. Tôi cảm thấy như được
về nhà mình, đang ở nhà mình. Lâu quá rồi tôi không được sống trong hơi ấm gia
đình.
Sáng
sớm tiêm xong tôi mang quần áo ra suối giặt. Ngâm mình trong nước suối Vĩnh
Linh trong vắt ban mai nước mắt tôi lăn trào. Sao mà bình yên thế này. Không tiếng
bom gầm. Tiếng đạn bộ binh nghe thưa và xa tít.
Tôi
vò hai bộ quần áo. Một bộ dài và một bộ mặc lót. Bệnh viện không có xà phòng
tôi phải đi tìm hòn đá nhám để chà cho hết các vết máu khô.
Hai
bộ quần áo này đâu phải của tôi. Và bộ quần áo lát nữa sẽ mặc cũng không phải của
tôi. Đó là quần áo của những người đã bỏ xác lại chiến trường.
Đồng
chí ơi áo quần này bao lâu rồi anh chưa giặt. Tôi đang giặt quần áo cho anh tôi
sẽ mặc quần áo của anh. Tôi đang kỳ sạch những vết máu khô bụi đường.
Một
người xuống suối tắm. Nhìn vẻ mặt tôi anh hỏi có phải là lính mới không. Tôi
nói về những bộ quần áo. Anh vỗ vai ối trời ơi chuyện thường. Mày lính mới chứ
bọn tao lính sáu bảy sáu tám. Đâu phải mỗi mày nhặt đồ người chết. Cái quần tao
đang mặc đây bị bom làm mất nửa ống rồi, tao cũng không biết mình mặc lại của
liệt sĩ nào.
14.
Sau
chiến dịch Nam Lào đơn vị quay về đóng quân tại Kỳ Anh. Cuối tháng 10 năm 1971
nhận nhiệm vụ đi B dài.
Bảy
ngày đi được một ngày nghỉ. Sau một tháng nâng lên mười ngày đi một ngày nghỉ.
Đi được một tháng hai chín ngày tới Ngã ba Đông Dương. Chúng tôi được bố trí đến
Kon Tum.
Kon
Tum mùa khô. Khu rừng không có dân cư. Nơi đây có vẻ như chưa từng có dấu chân
người. Trên rừng không biết kiếm thứ gì ăn. Khe suối khô cạn. Sư đoàn dừng lại
đây dựng lán trại và tiếp tục học chính trị.
Học
chính trị. Giáo viên là những người ngoài Bắc vào. Chúng tôi ngồi im chúng tôi
nghe.
Việt
Nam hóa chiến tranh là âm mưu, thủ đoạn của Đế quốc Mỹ; là chiến lược dùng người
Việt đánh người Việt để giảm xương máu người Mỹ trên chiến trường. Lực lượng
quân đội của chính phủ Việt Nam Cộng hòa được Mỹ viện trợ về tài lực và quân sự
đánh thuê cho Mỹ.
Sứ
mệnh của người lính chúng ta là bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước.
Tôi
học chưa xong lớp bảy buông sách vở ra đi. Kiến thức về lịch sử đất nước còn mơ
hồ. Bài giảng về lịch sử hôm nay ngấm vào máu.
Ban
ngày học chính trị đêm về thì đói. Đói cồn cào ruột gan.
Đói.
Nghĩ gì cũng thèm. Đói. Lúc nào trong đầu cũng nghĩ cách kiếm cái gì cho vào bụng.
Các
thủ trưởng đi trinh sát. Sư đoàn còn lại hai cấp phó và anh em lính.
Tiêu
chuẩn mỗi người một ngày bốn lạng gạo. Không rau, không thức ăn, không muối.
Tiêu
chuẩn mỗi người một ngày bốn lạng gạo rồi cũng không còn được duy trì. Gạo đã hết.
Chúng
tôi vào rừng tìm nhai thử các loài cây lá xem có gì ăn được hay không mang về.
Đi hai, ba cây số tìm được củ mài. Mùa khô cây khoai mài bị trụi lá khó phát hiện,
tinh mắt và có kinh nghiệm đi rừng mới tìm được.
Ngày
hôm sau đi thêm ba cây số nữa phát hiện ra một rừng cây giống như cây dừa. Anh
em gọi là dừa núi. Cây dừa núi cao, thân to. Trèo lên chặt ngọn xuống rồi băm bỏ
hết phần thân ngoài, ăn phần nõn. Cả tiểu đoàn tập trung về đó khai thác. Mới
hai ngày mà cây đổ ngã vài héc ta. Sợ lộ nơi đóng quân, trung đoàn không cho
khai thác nữa.
Cứ
lần hồi qua ngày như vậy. Ngày nào không học chính trị thì đi rừng tìm lượm. Thấy
gì cũng cắn thử nhai thử, vị đắng thì nhả ra.
Tôi
tìm thấy một cây mướp có vị đắng. Về thông báo với anh em trong tiểu đội. Hôm
sau vào hái thì cây mướp chỉ còn lại mấy quả. Đêm qua ai đó ở tiểu đội khác
nghe được và họ đã đi hái trước.
Tết
đến. Cái tết thứ hai của đời lính. Tết đầu tiên trên đường hành quân. Quà tết
là những trận bom nổ toác đường đi. Sau này, đón thêm ba cái tết ở chiến trường
nữa mới thấy được đây là cái tết yên vui nhất đối với tôi trong những năm ở rừng.
Tiêu
chuẩn tết: Bảy người một lạng thịt trâu. Năm người một lạng thịt lợn. Một người
hai lạng nếp. Ba người hai lạng đường. Ba người một lạng thuốc lá rời có kèm
theo giấy để cuốn.
Anh
em trong tiểu đội bàn bạc. Một kế hoạch được lập ra. Chúng ta sẽ mang đồ dùng
cá nhân đi vào bản làng đổi nếp.
Cách
nơi chúng tôi đóng quân mười lăm cây số có một bản làng.
Những
người lính có gì để mang đi đổi?
Đoạn
dây cao su phòng khi đứt quai dép thì thay, khăn mặt, lọ thuốc nhỏ mắt, khăn
mùi soa, ảnh người thân, các lọ thuốc nhỏ mắt.
Đổ
hết đồ trong ba lô ra, ai có gì góp nấy.
Tôi
và anh Kiều Duy Tý lên đường đi tìm đồng bào đổi quà. Anh Kiều Duy Tý giờ đã là
tiểu đội trưởng. Phải đi thật kín đáo để trung đoàn bộ và các đơn vị bạn không
nhận ra.
Chín
giờ đêm hai anh em lên đường. Đèn pin ngụy trang, chỉ để ánh sáng lọt ra bằng hạt
ngô, dùng la bàn chỉ theo hướng Tây Nam.
Mò
mẫm theo đường mòn sáng hôm sau thì đến bản. Chúng tôi nói tiếng Kinh họ nói tiếng
đồng bào.
Chúng
tôi đưa các đồ vật ra khoe và ra ký hiệu đổi.
Tiểu
đội trưởng giơ cuộn dây cao su và đế dép cao su ra làm mẫu. Một đôi dép cao su
hoàn thành trong chốc lát.
Đồng
bào thích không?
Thích.
Thích
thì một đoạn dây đổi hai típ gạo nếp.
Đồng
bào đồng ý đổi. Năm đoạn dây cao su đổi được mười típ gạo.
Tôi
đưa lọ thuốc nhỏ mắt ra, gọi ba người mắt kèm nhem đứng xếp hàng để nhỏ vào mắt
cho họ. Đồng bào hiểu ý đây là thuốc quý làm sạch mắt bẩn.
Họ
quay lại nói với nhau điều gì đó. Một lúc sau thấy nhiều người kéo đến. Hai anh
em như hai nghệ sĩ tài ba đứng biểu diễn ảo thuật trước những con mắt ngạc
nhiên thán phục của dân bản.
Đồng
bào thích không? Ai cũng gật đầu. Một lọ thuốc nhỏ mắt đổi năm típ gạo.
Một
cái khăn mùi soa đổi hai ống cơm lam. Riêng chiếc khăn có dòng thêu mến tặng và
bông hoa đổi được ba ống cơm lam.
Còn
ảnh cô bạn gái. Tiểu đội trưởng gọi một thanh niên lại. Có thích không? Thích.
Thích thì đổi. Đợi khi nào cô ấy vào thì lấy. Bức ảnh của người bố. đồng bào
thích không?
Xế
chiều, hai ba lô chật căng. Đồ mang đi đổi cũng đã hết. Chúng tôi hẹn hôm sau
quay lại mang theo nhiều thứ quý giá.
Một
cô gái có vẻ như nuối tiếc. Tôi nói, còn cái này để đổi nữa thôi. Tôi kéo cô lại
chỗ kín đáo, chỉ vào cái quần đùi màu đỏ đang mặc trên người. Cô ra hiệu muốn đổi
chiếc quần màu đỏ bằng một gùi rau cải.
Băng
rừng, về đơn vị. Chờ tới trời tối mịt chúng tôi mới dám ra khỏi rừng. Chuyện
này lộ ra sẽ bị kỷ luật.
Anh
em ngâm gạo, gói bánh, mượn nồi anh nuôi về nấu. Đêm ba mươi tôi mang một chiếc
bánh lên biếu đại đội phó. Bánh đâu ra thế này. Chết chết. Các cậu làm thế này
thì chết.
Những
năm tháng ở Tây Nguyên, hãy nói về chuyện ăn trước khi nói chuyện đánh nhau.
Thiếu
muối. Cả tháng trời không có muối.
Không
có muối chúng tôi phải làm cách gì?
Chặt
tre, đốt phần mắt tre cháy thành than dùng thay muối. Hoặc ăn thật nhiều ớt.
Một
hôm có người anh em reo lên mừng rỡ. Có muối rồi. Đó là muối mỏ. Muối này chát
xít, đào trên rừng mang về, từng cục to tướng. Cho vào nồi quân dụng luộc sôi.
Đổ nước đen bẩn.
Tiếp
tục nấu. Nấu suốt cả ngày như nấu cao. Cho đến khi cục muối tan mịn mới chia về
các đơn vị.
Chúng
tôi run rẩy chống gậy đi từ dưới dốc lên. Trên dốc xuất hiện cô gái bản. Cô
đang đi xuống. Váy xòe tung tẩy. Khuôn mặt tươi sáng. Chút phấn khích cho một
ngày hành quân mệt mỏi.
Lưng
chừng dốc, bộ đội đi chậm lại, cô em cũng đi chậm lại. Nhìn nhau. Sát vào mặt
nhau.
Thằng
Chung nghịch ngợm dùng cây gậy trong tay khều váy cô em: Ê đồng bào, cái gì
đây?
Cô
gái là con ông trưởng bản.
Chiều
tối về đơn vị đã thấy cô gái cùng với cha mình ra ngồi chờ đấy. Hai cha con đến
báo cáo sự việc lên thủ trưởng.
Bộ
đội không tốt. Bộ đội nhìn thấy của quý của con gái mình rồi. Đồng bào mình
không bao giờ có chuyện đó. Bộ đội làm chuyện xấu giờ con mình không ai lấy nữa,
không có chồng nữa.
Bộ
phận chính trị – ngoại giao đứng ra thu xếp với trưởng bản. Trưởng bản bắt đền
ba tạ muối.
Không
đền thì phải bắn bộ đội.
Ba
tạ muối đủ cho cả một sư đoàn dùng trong thời gian dài. Ba tạ muối đưa được từ
Bắc vào Tây Nguyên là chuyện không đơn giản. Dân bản ở đây nằm giữa ta và địch.
Ta đang muốn dân bản về phía mình. Để họ mất lòng là nguy hiểm.
Mùa
mưa tới. Rừng xanh tươi, mát mẻ.
Suối
nước đã tràn về, xuống khe bắt cá. Chặt cây dương xỉ bên bờ suối, lấy phần lõi,
đem về kho với cá. Cây dương xỉ trong rừng lâu năm, cao vỏng như cây gỗ.
Một
người trong tiểu đội tìm được rổ nấm mang về nấu cháo. Nấm độc. Ăn xong bảy người
nôn mửa, đi ngoài. Cả tiểu đoàn còn một cân đường để dành cấp cứu cho ban chỉ
huy phải đưa ra giải độc.
Gặp
được vườn chuối ngày nào cũng ăn chuối trừ bữa. Sau một tuần không đi ngoài được,
ai nấy như rơi vào trận ốm nặng.
Đi
ăn trộm trộm sắn của đồng bào. Sắn luộc nửa chín, nửa sống chưa kịp thông báo
cho anh em thì máy bay địch rà rà trinh sát. Chết thì chết tao ăn cái đã. Anh
Thắm người Cao Bằng chạy đi tay vẫn cầm theo sắn nóng. Cầu mong anh đừng bị
thương khi sắn vẫn ngậm trong mồm.
Tôi
đi vào bản không còn ai. Họ đã chuyển đi đâu không rõ. Còn lại một con chó. Tôi
đập chết con chó mang về cứu đói anh em.
Tiêu
chuẩn bệnh nhân sốt rét mỗi tuần được một bữa cá mắm, một thìa canh. Cá mắm vận
chuyển từ Campuchia về đến mặt trận đã thành ruốc mùi khó chịu. Trong cơn mê
man tôi mơ được ăn bát cơm nóng muối vừng.
Một
trăm xe hàng xuất phát từ Ninh Bình, Thanh Hóa có bao nhiêu xe qua được vùng
Nghệ Tĩnh. Và trong số xe đi đến Quảng Trị bao nhiêu lên được tới Tây Nguyên?
Bao
nhiêu xe chở hàng cháy dọc đường. Bao nhiêu người lính lái xe đã bị thương.
Chúng tôi biết vì sao mình đói. Chúng tôi phải tìm cách để sinh tồn.
Canh
chốt đói lả anh nuôi không lên được chúng tôi mong địch lên. Trong ba lô địch
luôn có đồ ăn.
Trên
đồi cao hai điểm chốt A và B. Bên chốt A diệt địch thu được chiến lợi phẩm là
bao gạo. Ban đêm địch không lên chốt. Nửa đêm anh em mang nồi đại liên đựng đạn
của địch ra nấu cơm. Nhắn người bên chốt B sang ăn cùng.
Sáu
anh em ngồi trong hầm thấp chờ cơm chín. Những khuôn mặt háo hức nhìn xuống nồi
cơm. Người lính mới dùng nồi đại liên không biết tháo dây roăng trước khi nấu.
Tiếng nổ vang. Nồi cơm bung nắp. Cơm bắn tung tóe vào mặt vào mắt. Tất cả đều bị
bỏng. Người anh ở chốt B sang bỏng nặng quá một mắt bị mù. Anh ấy đã bị thương
vì bom cơm trên chốt lúc giữa đêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét