Tìm Trăng Đáy
Nước - Phạm Hải Anh !
Trăng đáy nước thơ mộng, đẹp lung linh,
huyền ảo ... lắm.
Nhưng đó là trăng đáy nước ... sông ,
trăng đáy nước ... hồ , trăng đáy nước ... ao ....
Còn đây là trăng đáy nước ... gì, bạn biết
không?
"Trăng vằng vặc soi lên vũng nước đái
cụ Nhổn loang trên sân. Trăng trong nước đái cũng sáng như trăng trên trời
...".
Bạn có... giật mình không? Có thấy... ngạc
nhiên, có thấy... khó chịu, có thấy... buồn không? Tôi nghĩ là có. Bởi vì tôi
cũng đang bị những cảm giác ấy bao trùm.
Văn của Phạm Hải Anh, suy nghĩ của PHA về
cuộc đời và con người... khốc liệt quá. Đọc một mạch hết truyện, tôi như người
hụt hơi - phải ngưng lại, ra ban công ngó mênh mông phố xá, cỏ cây, đất trời
một chút .... Tôi cũng đã từng trải qua một thời như thế: Cuồn cuộn, ăm ắp, bật
trào, ùa vỡ... không đè nén được. Tuổi đời chồng lên, tôi thấy mình khác trước-
điềm tĩnh hơn, từ tốn hơn, chậm hơn ....
Trở lại với PHA, tôi nghĩ đó là sức trẻ
của cô. Chỉ có sức trẻ mới đủ mạnh để làm người ta hừng hực, dâng trào như
giông bão, như thác lũ... đến vậy. Cô không hề dấu diếm, đậy điệm. Cái cô nghĩ
cứ ào ào, anh ách chảy ra không dứt, không thể dứt và sẽ không bao giờ dứt.
Truyện không sắc sảo về nội dung. Truyện
kể về một cô bé Choắt nghèo trở thành Phương Thảo bán quán nhờ một ít nhan sắc
trời cho và sau đó là đi nước ngoài sinh sống. Cái xóm nơi cô ở, gia đình cô,
những người từng quen biết... được cô nhìn bằng con mắt tả thực , chân phương ,
không tô son điểm phấn , có sao nói vậy.
Cái hay của truyện nằm ở ngôn ngữ. Đó là
ngôn ngữ của người sinh ra ở phía Bắc: một chút khách sáo, màu mè, kiểu cách
của Bắc xưa; một chút chanh chua, ngoa ngoắt của kẻ chợ; một chút mỉa mai, châm
chọc, đắng chát - của dân có lương tri- khi nhận ra- cái bản chất thật- của
những con người, những sự việc giả dối ... - nấp dưới tên gọi, vỏ bọc hào
nhoáng, mỹ miều ....
Có hai cụ hàng xóm, một tên Kim Anh, một
tên Kiều Nga đã vào tuổi chín mươi. Một cụ- sáng nào cũng vậy- ra sân ngồi...
đái- rồi hứng một bụm tay- phần xoa mặt, phần uống. Cụ còn lại thì vê cứt mũi
ăn rồi bảo đó là cốm Vòng. Cô kết luận: Tên các cụ đẹp như phấn hương, phai cả
rồi. Giờ chỉ còn lại cái nết, cái tánh (đái làm khai rình mảnh sân chung)- là ở
lại mãi cùng hai cụ thôi .
Lại có một ông học đến hàm Giáo sư, ngụ
cùng xóm. Ông Giáo lâu lâu ghé đến- khi nhà chẳng còn ai- vuốt má cô cháu hờ
với vòng tay như gọng kìm luôn xiết dần- khi xuống dưới- cùng hơi thở hổn hển
làm héo cả lớp lông tơ trên má Choắt. Ông Giáo già độc thân, hơn tuổi bố Choắt,
có tiếng nghiêm khắc. Nhưng trước Choắt, sách thánh hiền đạo mạo cùng ông Giáo,
tất thảy đều rơi xuống đất, đê mê nằm bẹp dưới chân đứa con gái mười bảy tuổi .
Lại có một bác là bạn học cũ của bố. Nhiều
năm lưu lạc , nay gặp lại. Từng một thời là công tử Hà thành, một thời là Sĩ
quan rồi một thời là tù cải tạo thì: chẳng biết sợ là gì, cũng chưa từng biết
nói dối. Chính bác ấy đã cho Choắt biết- cô đẹp. Từ lúc ấy, Choắt đổi tên thành
Phương Thảo: tóc dài, chân dài, đuôi mắt dài ... .
"Đạo đức cần mà tiền cũng rất
cần". Phương Thảo đành đi bán quán. Gia cảnh khấm khá hẳn lên .
Vì bố mẹ cô luôn muốn sống như "hai
bậc hiền giả ở chốn bụi trần" cho nên- quá khứ đẹp đẽ của gia đình; đạo
đức, danh tiếng của ông bà... được bọc gói sạch sẽ lại. Tổ tiên chẳng nhìn thấy
gì qua lớp vải đỏ phủ mặt nên không phải lo, không phải áy náy. Uy tín gia đình
vẫn cao. Cuộc đời vẫn đẹp sao!
Cha mẹ cô mãn nguyện. Nhưng cái... mùi
thì... thua. Mùi hỗn tạp của nước tiểu bà già, trẻ con, ch ... ,... , ... và
mùi phân. Cái mùi mà có đi hết một đời cũng không thể quên được. Cái mùi
phân khốn nạn làm tác giả uất ức , giận run lên. Cô kể về một nơi mà
người ta còn thờ cả... cứt. Cứt cũng làm giả. Cứt cũng có loại một, loại hai
đấy. Quý nhất là phân ngoại, bón cây cứ là to vật vã nhé .
Từ phân, cô chuyển sang nhà vệ sinh. Giáo sư hay chị
quét rác đều bình đẳng vào chung một nhà xí công cộng. Nghiệt thay, cửa phòng
vệ sinh chỉ cao ngang ngực nên ai cũng cần một cái... mẹt để... che mặt. Mỗi
sáng, hơn hai trăm cái mẹt của hơn hai trăm con người xếp hàng- nhìn hệt như
con rồng đang giương vẩy bay vút lên trời cao. Báo chí, sách vở... , học vấn,
bằng cấp... - có hề chi, chúng cần được tận dụng làm giấy... chùi.
Văn PHA như bị nén chặt lâu ngày, uẩn ức- bục vỡ,
văng túa ra- cào cấu người đọc- với con mắt lửa đỏ rực làm bỏng rát da ta. Tôi
ngây ngất đọc. Tôi cười khách khách thành tiếng. Tôi rùng mình dù trời không
lạnh và rồi tôi- ngậm ngùi. Ôi, sao lại buộc tôi phải nhớ lại một thời cùng cực
của dân vùng thành thị- ngày hôm qua ... .
Giờ thì Phương Thảo đã đi Tây. Ở chỗ thơm tho, Phương
Thảo nhớ cái mùi xóm nhỏ. Lẩn quẩn ghê không (!)
Vậy đó, ở nhà thì bực- bực quá- chửi vung chửi vãi.
Đi xa thì nhớ. Cây dẻ xứ người làm sao bì được với hương hoa sữa ngạt ngào,
ngây ngất từng cho Phương Thảo phiêu lưu vào miền cổ tích? Một triết lý không
lạ nhưng mới toanh về cách thể hiện được tác giả tung vào, đầy cảm hứng: "Bay
mãi rồi cũng rơi về đất !".
Mẹ viết thư tha thiết gọi Phương Thảo về. Xóm nhỏ có
nhiều thay đổi. Dân đi Tây như Phương Thảo thì có gì hay? Thần tượng của cái
xóm ấy giờ là tay "chủ số đề kiêm buôn lậu bao cao su và ảnh cởi truồng
Trung Quốc". Phương Thảo gặp lại ông Giáo- nay già quá, hết thời, mệt mỏi,
lạc lõng như kẻ vô hồn giữa phố xá đông đúc, ồn ào ....
Đang thăm mẹ thì Phương Thảo nhận được tin người bạn
thân từ bên kia đại dương uống thuốc ngủ tự tử. Như một điềm báo, trước khi
Phương Thảo về Việt Nam, anh nói như trối: Nhớ ngắm cúc vàng và ngửi hộ anh mùi
hoa sữa của mùa Thu Hà Nội mình. Phương Thảo đau đớn: Cúc đẹp mấy rồi cũng tàn.
Hương sữa thơm mấy rồi cũng tan. Nắng Thu vàng mấy rồi cũng lịm.... Sao anh lại
vội vã đến thế?
"Vội làm gì đêm nay trăng lên .... Trăng vằng
vặc soi lên vũng nước đái cụ Nhổn loang trên sân ...
Ngày mai , Phương Thảo lại ra đi" .
Phương Thảo ra đi, đau đáu mang theo một câu hỏi
thắt lòng "Những đám mây chẳng ra hình thù gì nối nhau lướt trên vòm hoa
sữa ngậm hương, trôi mãi trôi về đâu ?"
Với truyện Tìm trăng đáy nước , PHA đã mang đến cho
người đọc một nét vẽ (cái nhìn- nhận định) thô mộc nhưng trung thực và sắc bén:
"Trăng trong nước đái cũng sáng như trăng trên trời!" .
Posted 16th
December 2011 by Phạm Thị Thu Thủy
Tìm trăng đáy nước
Truyện ngắn – Phạm Hải Anh
Căn nhà trông ra mảnh sân chung, lúc nào cũng
thấy cái lưng còng của cụ Nhổn nhấp nhô ở đó. Bà cụ chín chục tuổi mà minh mẫn,
lọm cọm làm việc không ngơi tay. Bí quyết trăm tuổi của cụ rất đơn giản. Sáng dậy,
đái một bãi ra tay, xoa khắp mặt, lại uống một ít, thế là bách bệnh tiêu tán. Cụ
khỏe thật, nhưng cái sân chung của xóm, nơi cụ vẫn thực hành "trị bệnh"
thì khai buốt óc. Cụ Nhổn tên cúng cơm là Lê Kim Anh. Cụ Vòng tầng dưới là Kiều
Nga. Tuổi già, đến cái tên đẹp cũng không giữ được. Ai cũng thành cụ tất, chứ
làm sao mà hình dung ra Kim Anh rửa mặt bằng nước đái, Kiều Nga vê cứt mũi ăn
ngon lành, bảo là cốm Vòng! Những cái tên thời con gái như phấn hương, phai cả.
Bấy giờ nó còn là
con cái Choắt. Gọi Choắt nhưng đã khá phổng phao. Mỗi lần ra sân phơi quần áo,
bất kể giờ nào Choắt cũng bắt gặp thằng hàng xóm. Nó đứng giữa cửa, dạng chân,
quần mở banh, con cu như hỏa tiễn chực rời bệ phóng đâm vút vào Choắt. Ông giáo
sư cùng phố cũng hay đến cho mượn sách lúc cả nhà đi vắng. Ông giáo vuốt má cô
cháu gái hờ, hơi thở mỗi lúc một hổn hển làm héo cả lớp lông tơ trên má dậy
thì. Cánh tay ông như gọng kìm, xiết dần, xuống dưới. Quyển sách rơi bộp xuống
đất. Choắt không dám kêu. Ông giáo già hơn tuổi bố, suốt đời độc thân, nghiêm
khắc có tiếng. Mẹ bảo: "Đàn bà con gái, cần nhất là đạo đức." Mẹ bảo
vệ đạo đức cho con gái bằng quần áo cắt may luộm thuộm. Choắt mười bảy tuổi, mặc
áo cũ của mẹ, quần cũ của mẹ, đi dép cao su, đầu đội nón lá già vàng
khè. …
Hôm ấy mưa xuân phây
phẩy, ướt đẫm khóm trúc Phật bà của mẹ. Nhà có khách. Người đàn ông tóc muối
tiêu, người lòng khòng, vừa chửi rất tục, vừa xin lỗi luôn miệng. Ông khách đến
chơi bất ngờ, đi tay không thảnh thơi, cái áo khoác ngoài màu rêu, trùm mông,
chứa đầy bí mật. Móc túi phải, này cháu gái, rang hộ bác mớ lạc. Móc túi trái:
hành khô, tỏi, một túm thì là xanh tươi. Mở nắp túi trên: cút rượu đầy sóng
sánh. Lục lọi túi trong: mấy quả ớt. Vỗ vỗ bên ngực phải: chai mắm tôm Thanh
thơm nức mũi. Cái túi bên hông phồng phồng chứa cả cân bún tươi, trắng nõn. Túi
bên kia là một bọc đầu cá lăng sống, béo vàng. Chưa hết, từ các túi áo trên,
túi quần dưới tiếp tục tuôn ra: nghệ, cà chua, chanh quả, dấm bỗng, bánh phồng
tôm, tiêu hạt, hành tây, hành ta, rau sống… Hôm ấy không cần cặm cụi nhặt sạn
trong rá gạo hôi mùng mục, không bị thâm móng tay vì rau muống mậu dịch già
ngoanh ngoách, cả nhà xúm xít xào nấu, hành tỏi phi điếc mũi hàng xóm. Ông
khách chặn tay Choắt đang tỉ mẩn lột vỏ mấy tép tỏi: "Không cần. Để cả vỏ
đấy, bác có cách." Choắt vâng, tò mò chờ xem phép lạ của ông khách ảo thuật
tách vỏ tỏi không cần bóc. Đến lúc ăn, vỏ tỏi vẫn bám nguyên, phải lấy răng nhằn.
Ông khách vỗ đùi, cười lớn: "Thấy chưa, cách này khỏi cần bóc mà vỏ vẫn đi
đằng vỏ." Choắt bật cười theo, hơi nóng thức ăn làm mồ hôi li ti rịn hai
bên thái dương, má hồng rực. Ông khách nhìn, chợt buông đũa than: "Cháu
ơi, mày ăn mì, ăn bo bo mà sao đẹp thế?". Choắt cúi mặt xuống bát cơm. Lần
đầu tiên Choắt nghe nói mình đẹp, nhưng sao ông khách lại thở dài, và cả nhà im
lặng thế?
Ông khách là bạn
học cũ của bố, muời mấy năm lưu lạc mới gặp lại. Chàng công tử Hà thành ăn chơi
lệch đất, cổ lủng lẳng bình axít, anh chị đầu gấu mấy đụng phải cũng ngán ngẩm
lảng xa. Ông sĩ quan uống đến đái ra rượu, bắt lính cõng về đồn, nửa đường tụt
xuống, ra lệnh: "Mày trèo lên lưng để tao cõng trả, cho công bằng."
Người tù cải tạo chưa từng biết chuyện bếp núc, xung phong đi làm lòng lợn để
hít tí không khí tự do, cầm cả bộ lòng giặt như giặt áo, khi đem về trại lòng
còn nguyên cứt, bị phạt cùm vì tội lừa cán bộ… Người như ông, chẳng biết sợ là
gì, cũng chưa từng nói dối. Choắt trốn vào góc nhà, săm soi mình trong chiếc
gương nhỏ bằng lòng bàn tay. Gò má lấm chấm tàn nhang. Lông mày xếch. Miệng rộng.
Mẹ vẫn than con gái sao giống bố, chẳng được nét gì. Nhưng hôm ấy ông khách đã
nói: "… sao đẹp thế! ". Đêm, Choắt thấy thằng hàng xóm nhìn mình đăm
đắm, cái nhìn buồn bã, ngây dại. Lại thấy hơi thở nóng bỏng của ông giáo sư phà
bên tai. Và cậu bạn trai cùng lớp kín đáo cầm tay, vuốt ve ngón út. Tỉnh dậy,
ngón tay út còn cong lên, mơn man cảm giác. Cái Choắt đã đổi tên thành Phương
Thảo từ lúc ấy. Cọng cỏ ngát hương mướt xanh muời bảy tuổi. Phương Thảo tóc rất
dài, chân dài, đuôi mắt cũng dài, lá cỏ sắc cắt hồn.
Đạo đức cần mà tiền
cũng rất cần. Mẹ đành để Phương Thảo đi bán quán. Nhưng lại dặn làm gì đến mười
giờ tối cũng phải về nhà, giữ tiếng cho bố mẹ. Bố mẹ đã sống một đời giữ tiếng
cho ông bà. Ông bà giữ tiếng cho cụ kỵ. Tiếng là gì mà đời nào cũng phải đa mang?
Me bảo đừng hỗn. Chủ nhà này trước kia là bác sĩ, kĩ sư cả đấy, ăn ở thế nào mà
cứ đi vắng là hàng xóm vứt cứt vào nhà. Từ ngày bố mẹ về đây, cả xóm già trẻ ai
cũng niềm nở. Cô hàng xóm ném cứt giấu tay vẫn bị bà hàng xóm bên kia lột quần
lót trên dây phơi ném vào vũng nước đái cụ Nhổn. Bà hàng xóm ấy thì chốc chốc lại
réo mả tổ cha tiên nhân con đĩ nào đang yên đang lành động cỡn úp ngược cái bếp
dầu của bà để chảy hết cả dầu sao nó không về úp cái đầu lâu bố nó…Quần lót mẹ
phơi trên dây không ai động đến, bếp dầu nằm ngay ngắn, nhà không bị vứt cứt.
Ăn nhau cũng nhờ cái tiếng. Bố mẹ sống như hai bậc hiền giả giữa chốn bụi trần.
Bụi trần cả theo nghĩa đen vì căn nhà cấp bốn trống trải bốn bề lúc nào cũng ngập
bụi từ bốn phương tám hướng đổ về. Bụi nhà máy điện, bụi mùn cưa, bụi cuốn theo
vệt bánh xe ngoài phố… Mẹ dũng cảm chống trả bằng phất trần, chổi, giẻ lau…
nhưng vô ích. Bụi dầy lên bám mờ ảnh thờ, mẹ đành mua tấm lụa đỏ che mặt các cụ,
chỉ ngày giỗ tết mới mở ra. Bàn thờ nhấp nhô những vuông lụa đỏ, quá khứ trở
nên vô hình vô ảnh nhưng bù lại được bọc gói sạch sẽ. Tổ tiên trông xuống con
cháu qua lớp lụa ấy sẽ thấy đời giống y lời bài hát: "hồng như màu của
bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi ". Mẹ gom gạch, xây trước cửa
nhà bồn cây. Sau vài tuần chăm chỉ tưới tắm, hoa lá lên chẳng ra hình thù gì,
nhưng những cái tên thảo mộc nghe thật sướng tai: khóm trúc Phật bà, cây phun
châu nhả ngọc, bụi hồng tỉ muội, cây trinh nữ hoàng cung, lan cẩm cù, hoa trạng
nguyên, lá hoàn ngọc… Thằng Bi nhà bên mỗi sáng mắt nhắm mắt mở lại ra bắc cái
vòi xinh xinh đái vào khóm trúc Phật bà của mẹ. Lá trúc úa vàng, hoa phun châu
nhả ngọc thâm thâm màu đất, hồng tỉ muội còi cọc không hoa, chỉ có khóm trạng
nguyên mỗi độ Noel là đơm bông đỏ chói chang. Năm nào mẹ cũng phấn khởi bảo đấy
là điềm lành.
Điềm lành hay
không chả biết nhưng từ độ Phương Thảo đi bán quán thì cuộc sống ở nhà cũng dễ
chịu lên. Thay vì rượu sắn uống nhức đầu, bố chuyển sang mua rượu gạo. Rượu gạo
thực ra vẫn hại, bố uống bia hơi, bia Tàu, rồi bia lon, mỗi lần uống lại khề
khà bảo bây giờ sướng thật, những thứ này ngày xưa có tiền cũng phải quen mới
được mua phân phối, các cô mậu dịch mặt vác lên tận trời xanh. Mẹ lại có niềm
vui khác. Thỉnh thoảng, Phương Thảo mang từ chỗ làm về đầu tôm hùm, chân gà,
chân cua ghẹ, đầu cá. Mẹ hỉ hả gỡ gạch ở đầu tôm, tuốt thịt cua, chặt chân gà…,
vừa làm vừa mắng tụi Tây phí phạm, không biết ăn miếng ngon. Nó ngu thế mới tới
phần mình. Mình khôn nên chẳng tốn xu nào mà chế biến ra bao nhiêu món đặc sản.
Đầu cá nấu canh riêu, gạch tôm thịt cua làm nem, chân gà hầm tam thất con gái
ăn đỏ da thắm thịt. Nhà ăn không hết, mẹ cho hàng xóm lấy thảo. Uy tín của bố mẹ
trong xóm càng cao, bụi cây trước nhà mặc sức lên tươi tốt không ai bẻ. Ăn đặc
sản, uống bia lon, ngắm hoa trạng nguyên miễn phí. Cuộc đời vẫn đẹp sao!
Có hai điều làm mẹ
chưa được mãn nguyện. Thứ nhất là mùi. Bụi cây cảnh tên rất đẹp của mẹ không lọc
được các mùi hỗn tạp ùa vào từ mảnh sân chung. Mùi nước tiểu của bà già, trẻ
con, chó. Mùi khói bếp than. Mùi dầu hỏa. Mùi vỏ cam, vỏ chuối, cuống rau thối
mục từ tầng trên quẳng xuống mái nhà tầng dưới. Mùi thùng nước gạo lên men.
Nhưng rùng rợn nhất là những ngày đổi thùng. Công nhân vệ sinh đeo khẩu trang,
đi ủng, xách xô, xẻng vào nhà vệ sinh nậy nắp hố xí. Phân tươi tràn ra lênh
láng. Các chị công nhân lấy xô múc, gánh từng thùng ra vào kĩu kịt, phân rải
như hoa sao dọc đường vào ngõ. Nhà nào nhà nấy buông rèm, đóng cửa kín mít, thắp
hương, có người nhạy cảm hơn thì lấy khăn mặt dấp nước quấn quanh mũi như kinh nghiệm
phòng chống hơi ngạt thời chống Mỹ. Chẳng ăn thua gì. Cái mùi nhọn sắc như lưỡi
khoan bén, xuyên qua mũi, xoáy sâu vào tận cùng não bộ, một ngày không quên, một
đời không quên. Chỉ có cụ Nhổn là thản nhiên. Cụ bảo thế ăn thua gì. Cũng là của
con người cả, làm gì mà rầm rĩ nhặng xị lên. Như ở Cổ Nhuế người ta còn thờ cả
cứt. Buổi sáng, chợ phân họp đông đúc. Người bán kẻ mua xắn tay áo lên tận
nách, khuấy vào thùng phân, nặn bóp ngửi xem chất lượng, chê phân này chua,
phân kia nhão. Phân cũng giả đấy. Có đứa trộn đất sét, có đứa nghiền khoai lang
vứt vào, mua bán không cẩn thận là lỗ vốn. Lại chia phân hạng một, hạng hai. Hạng
nhất là phân khu Giao tế, Tôn Đản, bốn quận nội thành nói chung chất lượng tốt.
Ngoại thành nhà quê ăn rau dưa nhiều, phân loãng xanh chẳng quý. Quý nhất là
phân ngoại. Chẳng phải hàng imported gì nhưng là nguồn tuồn từ sứ quán Tây ra.
Phân ấy đắt gấp đôi thường, nghe bảo bón cây nào cũng lên to vật vã như đổi giống…
Xóm mình đây còn đỡ, chứ nhìn sang khu tập thể đối diện mà xem. Hơn hai trăm
con người, tám nhà vệ sinh. Buổi sáng hàng người xếp hàng trước nhà xí như con
rồng tám đầu, đầu vào nhăn nhó, đầu ra thảnh thơi. Từ ông giáo sư đến chị quét
rác vào đây nhất loạt là bình đẳng. Cánh cửa nhà vệ sinh chẳng hiểu sao lại chỉ
cao đến ngang ngực. Người ngoài cứ việc nhìn vào mặt người trong là biết nông nỗi
đoạn trường. Sau có đứa sáng kiến đem mẹt đến đấy bán, vừa để che mặt, vừa phẩy
phẩy chống hơi nóng, mùi hôi, nhất cử tam tứ tiện. Cái thằng bán mẹt ấy kiếm bạc
nghìn ngon ơ. Từ đấy, mỗi người đi vệ sinh lại trang bị thêm cái mẹt tre, như tấm
mộc của hiệp sĩ thời trung cổ. Tưởng tượng hai trăm cái mẹt cùng vẫy lên một
lúc là con rồng trước cửa nhà vệ sinh xòe vây, giương vẩy bay vút lên chín tầng
trời. Sau này đi đây đi đó nhiều, Phương Thảo đôi lúc thấy bọn Tây đơn điệu quá
đâm nhàm. Hố xí nhất loạt giật nước, giấy vệ sinh biến báo thế nào cũng na ná
như nhau. Chúng nó còn lâu mới sáng tạo được như mình. Con bé hàng xóm tâm sự
đi vệ sinh em thích nhất là giấy báo. Vừa đọc giải trí quên thối, khi dùng vò
ra lại mềm, lại dai, lại thấm nước. Nhưng mà báo thì chả phải lúc nào cũng có.
Nhìn vào mớ giấy thải trong nhà vệ sinh mới thấy hết độ phong phú. Giấy kẻ ô li
xé từ vở học trò. Giấy báo Nhân Dân, An Ninh, Văn Nghệ, Pháp Luật, Lao Động. Giấy
sách khoa học, văn chương, từ điển… Miếng được vuốt sắc cạnh rồi mới xé. Miếng
xé vội lam nham. Có những miếng giống nhau đều tăm tắp. Lại có miếng to miếng
nhỏ luộm thuộm. Bao nhiêu mẩu giấy là bấy nhiêu học vấn, thói quen, tính cách.
Tháng một lần, mẹ bịt khẩu trang, lấy chổi cán dài gom mớ giấy lưu cữu thành đống
rồi hỏa thiêu, khói bay ngút trời.
Giờ thì Phương Thảo
đã đi Tây. Ở
đây không gian thơm ngát. Nhà vệ sinh nức hương biển Thái Bình Dương, xà phòng
trầm hương, nước tắm hoa cam, nước gội đầu tổng hợp mùi hoa mùa xuân. Phòng
khách thoảng hương rừng nhiệt đới, nước cọ sàn mùi táo, nước rửa bát hương
chanh Địa Trung Hải, nước rửa tay mùi hoa hồng… Đôi khi cuộn mình trong chăn nệm
thơm tho, Phương Thảo nhớ cái mùi xóm nhỏ. Chẳng biết nên vui hay buồn. Cửa sổ
buồng ngủ bây giờ trông ra cây dẻ lớn. Tháng năm, hoa bừng lên như lửa trắng
trên cây. Mỗi lần gió nổi, cả núi hoa lung lay, xao động. Hoa dẻ hữu sắc vô
hương, không giống như hoa sữa ở nhà. Cây sữa mọc ở đầu mảnh sân chung, khi heo
may về nhú lên những chùm hoa xanh nhạt, bông nhỏ như đinh hương. Duy nhất chỉ
vào dịp ấy, hương hoa sữa lấn át tất cả các mùi hỗn tạp trong xóm. Căn phòng của
bố mẹ bồng bềnh trôi trong biển hương sữa. Những lớp sóng hương ngạt ngào mê
man xô đẩy Phương Thảo hai mươi tuổi vào miền cổ tích. Ở đó chàng hoàng tử
giương cánh buồm đỏ thắm chờ nàng Lọ Lem từ lâu lắm. Mẹ không biết con gái đã
nhận lời đính ước với hoàng tử, có hương hoa sữa làm chứng. Mẹ bắt đầu lo vì
Phương Thảo không bao giờ về muộn, lúc nào cũng đúng mười giờ tối. Đi một mình,
về một mình, như bài học đạo đức của mẹ. Đi qua cầu thang nơi ông hàng xóm đặt
cái tivi để nuôi gà. Tivi panasonic hỏng, moi hết ruột vứt đi, vỏ ngoài chắn lưới
mắt cáo, thành cái chuồng gà hiện đại. Trên nóc tivi là chuồng vẹt Hồng Kông. Vẹt
ỉa xuống đầu gà. Cám gà vãi tung ra đất. Con chó tha thẩn ngửi hít rồi bỏ ra
thùng nước gạo sục mõm tìm xương. Phương Thảo đi qua mảnh sân chung nước đái cụ
Nhổn trộn nước đái thằng Bi. Qua dây phơi trĩu trịt quần lót áo lót. Qua góc bếp
sực mùi than tổ ong, mùi dầu hỏa. Qua khóm trúc Phật bà, hồng tỉ muội, trinh nữ
hoàng cung của mẹ… Đi qua tất cả mà chẳng chạm vào vì Phương Thảo đang bận tâm
sự với hoàng tử. Chàng nàng liên hệ với nhau hai ba tiếng rưỡi trên hai bốn, trừ
nửa tiếng Phương Thảo xếp hàng đi vệ sinh. Lúc đó hoàng tử chẳng nên đến gần.
Lúc đó mới thật là toàn tâm toàn ý như Thiền. Thời gian còn lại, Phương Thảo
nói, hoàng tử lắng nghe và chàng hiểu hết. Bao nhiêu năm, hoàng tử ở bên Phương
Thảo như cuộn giấy thấm tuyệt hảo, hút mãi những nỗi niềm không cạn. Bây giờ
khi nhớ lại, Phương Thảo nghĩ có thể đó là hội chứng hoa sữa, giống người say nấm
độc tự huyễn hoặc mình bởi những ảo ảnh. Một sáng bừng tỉnh sau cơn mê hoa sữa,
Phương Thảo chợt thấy mình đang là vợ goá của hoàng tử. Tài sản thừa kế là một
núi tâm sự không biết trút vào đâu, còn lại thì trống rỗng. Ngoài vườn, hoa dẻ
đã tàn gần hết. Những cánh dẻ như ngàn vạn con bướm trắng phiêu tán theo gió.
Bay mãi rồi cũng rơi về đất.
Thế thì sao không thử bắt đầu từ đất? Nhờ anh
hàng xóm lực lưỡng cuốc giúp mảnh vườn, trồng mấy cây hoa dê dễ sống. Anh hàng
xóm lần nào Phương Thảo mở cửa ra cũng gặp, nhiệt tình hơn cả ông giáo sư cùng
phố ngày xưa cho mượn sách. Hay ừ quách cậu đồng nghiệp đầu vuốt gôm như lông
nhím, chân tay không vạm vỡ bằng nhưng có thể cùng đi dạo biển, buổi tối đàn
ghita phừng phừng mắt đắm đuối môi ướt. Hay thả mình bình yên như cọng cỏ mềm
nép vào lồng ngực chắn gió của người bạn thân rất thân. Hay gặp lại cố nhân
chín năm trước đã theo Phương Thảo về tận gốc cây sữa đầu nhà, người chẳng ngại
bay chín nghìn cây số tìm lại cọng cỏ ngày xưa…Hay là gửi cả tá bình xịt khử
mùi, nước hoa, nước tắm thơm về cho mẹ. Dùng hàng ngoại đánh át mùi nước đái cụ
Nhổn, thằng Bi, xua đuổi hương hoa sữa. Khi đó Phương Thảo có thể về hát
karaoke vô tư với thằng Cà Chô. Cà Chô không phát âm được chữ cà chua nhưng lại
thích hát. Chiều chiều, bố mẹ nó hãnh diện bật giàn karaoke cực xịn để thằng
con ba tuổi gào vào máy: "Chái tim tù lù, anh êu em đến tàn lu". Cà
Chô không đọc được lời bài hát ở dưới: "Trái tim ngục tù, anh yêu em đến
ngàn thu". Chẳng sao, tim tù lù chắc dễ chịu hơn. Có điều Phương Thảo lại
biết đọc, và hiểu rằng chịu ngục tù như thế là sến lắm lắm, nhưng thoát ra bằng
cách nào đây? Thư mẹ viết thiết tha, con ơi về đây sướng khổ có nhau. Bây giờ ở
nhà khác lắm. Mẹ đã lắp xí bệt giật nước kiểu Tây, trước cửa trồng thêm giàn
thiên lý. Hương nó thơm ngọt ngào chứ không gắt như hoa sữa. Về đi mẹ nấu canh
thiên lý giò sống cho mà ăn.
Thì về. Cái xóm nhỏ xem ra cũng nhiều thay đổi.
Cụ Vòng đã quy tiên, bia mộ đề tên Nguyễn Thị Kiều Nga. Cụ Nhổn nhờ nước tiểu
trị liệu nên còn minh mẫn, chỉ tội yếu. Phương Thảo biếu cụ tiền ăn trầu, cụ bảo
thôi thôi nhưng bàn tay khô khỏng móng như vuốt chim giữ chặt tiền không rời.
Thằng hàng xóm ngày xưa giờ một vợ hai con, mặc com lê, lái taxi, chỉ học phất
phơ có một tuần đã lấy bằng tay lái lụa, đi taxi của nó lúc nào cũng có thể là
đi suốt lên thiên đường. Phương Thảo đi giầy đinh, mặc áo hở rốn, tay xách
camera tìm về những con đường ngày xưa. Con đường xao xác hoa kim phượng, cánh
vàng rải lăn tăn trên gạch đỏ màu son. Con đường rợp bóng sấu già, sau cơn mưa,
lá sấu giập thơm mát như úp mặt vào trái dưa hấu mới bổ. Con đường ngày xưa phượng
nở cháy trời, bây giờ không phải mùa hoa, chỉ có những trái già nâu sẫm đung
đưa trong gió… Các chị bán hàng lưu niệm cho Tây "hênô" Phương Thảo,
tụi trẻ tổ bán báo Xa Mẹ mấy lần mời mua postcard cảnh hồ Gươm lung linh cầu
Thê Húc. Phương Thảo nghĩ mình phải đi may gấp áo bà ba lụa tơ tằm cho thiên hạ
đỡ mất công xổ tiếng Tây. Cô thợ may vừa đo vòng ngực, vừa hỏi: "Chắc chị
không phải người ở đây, hay là đi xa lâu lắm mới về?"
Lỗi tại hoa sữa. Mà cũng tại ông khách đã buột
miệng "… sao đẹp thế!". Nếu chẳng bao giờ nghe ông nói, có lẽ Phương
Thảo cứ là cái Choắt. Sẽ vô nhiễm với hoa sữa. Sẽ đóng đô trong xóm nhỏ, yên
tâm phấn khởi cùng đám các bà nội trợ chuyển từ bếp than sang bếp dầu, bếp điện
và thỏa mãn khi mua được bếp ga. Sẽ tự tin giống con bé bán trứng vịt lộn nhà đối
diện. Nó hân hoan khoe với Phương Thảo chiếc váy Siđa mới mua, ngắn đến ngang
đùi. Mặc váy này vào, ngồi sau xe honda của chồng, con bé bán trứng sẽ cởi lốt
thành mệnh phụ, à quên, thành đầm, đầm bây giờ mới môđen chứ mệnh phụ lỗi thời
rồi. Chồng nó đạp xích lô lọng vàng, đậu ở cửa khách sạn ba sao kia kìa, nó sợ
chồng nhìn đầm quen mắt về chê vợ nhà quê nên sắm váy mini bảo vệ hạnh phúc gia
đình. Mới tâm sự hôm trước, hôm sau, Phương Thảo đi ăn sáng, ngạc nhiên thấy
hàng trứng vịt lộn đóng im ỉm. Con bé bán trứng đội nón sùm sụp đi ngang cửa, vẫy
tay chào: "Thằng khốn lạn ló bảo em mặc váy ngắn như con phò. Ló đánh em
tím cả mặt. Em dọn về nhà mẹ đây. Bái bai chị." Tiếc cho thằng chồng không
thức thời!
Phương Thảo tự biết cái mác đi Tây về của
mình không đủ làm con bé bán trứng thán phục. Tây gì mà chỉ thấy lóc cóc đi bộ hoặc
xe ôm, chả bao giờ gọi taxi hay bước lên xích lô lọng vàng của chồng nó. Thần
tượng của con bé bán trứng là bố mẹ thằng Cà Chô, chủ số đề kiêm buôn lậu bao
cao su và ảnh cởi truồng của Trung Quốc tuồn qua biên giới. Mẹ Cà Chô sắm toàn
hàng xịn trong shop thời trang, đeo vàng đỏ chói. Sáng sáng, cô ấy mặc áo lụa mỏng
dính, xịt nước hoa thơm ngồi ở bàn chờ Ôsin* mua phở bưng về ăn điểm tâm. Buổi
chiều hai vợ chồng quần áo thể thao trắng muốt, lái xe ôtô nhà đi đánh tennis,
tối thì đi nhảy đầm. Con bé Ôsin nhà ấy chỉ mặc quần áo thải ra của bà chủ mà
thành niềm mơ ước của tất cả đám Ôsin choai choai khác. Ôsin mặc quần bò thụng,
hai ống xòe ra như cái nơm úp cá, đánh mông đi lại cực kỳ mãn nguyện.
Điện tín từ bên kia bờ đại dương nhắn về. Người
bạn thân hôm qua uống cả vỉ thuốc ngủ. Đêm ấy chia tay, anh bảo tóc Phương Thảo
sao lại có mùi hương hoa sữa. Lần này về Hà Nội đúng vào mùa cúc, nhớ ngắm luôn
cả cho anh. Anh nói như thể hai đứa đã không hẹn nhau một ngày cùng lang thang
trên các phố hàng. Hàng Lược, Hàng Bồ, Hàng Quạt, Hàng Gai, Hàng Đường, Hàng Bạc…
Những gánh cúc vàng rưng rưng trôi nổi khắp các con phố cổ. Cô bán hoa vừa bán
hàng, vừa hốt hoảng trông chừng công an đến phạt. Thành phố mới ra quyết định cấm
bán hàng rong, cho nên những xe hoa trái cứ cuống cuồng rong ruổi. Năm bông cúc
này cho em, năm bông này cho anh, hãy tỉnh lại mình cùng ngắm. Anh vẫn thích
hoa này, bông cúc quý, tàn héo rồi mà cánh chẳng rụng rơi. Những cánh nhỏ bám
chắc lấy đài. Như anh muốn giữ em, như em giữ mùi hương sữa. Ràng buộc nhau thế
để làm gì? Tỉnh mà xem em cắm cúc trong bình gốm sẫm màu. Cánh vàng óng giữ nắng
chiều ở lại. Rồi cũng sẽ tàn phai, cả hoa lẫn nắng. Anh vội làm gì?
Vội làm gì đêm nay trăng lên. Những đám mây
chẳng ra hình thù gì nối nhau lướt trên vòm hoa sữa ngậm hương, trôi mãi trôi về
đâu. Thằng Cà Chô đang hát bài "Trái tim tù lù" ưa thích. Trăng vằng
vặc soi lên vũng nước đái cụ Nhổn loang trên sân. Trăng trong nước đái cũng
sáng như trăng trên trời… Ngày mai, Phương Thảo lại ra đi…
Amsterdam, rằm tháng tư Nhâm Ngọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét