Nhà văn Phạm Hải Anh |
Phạm Hải Anh là một nhà văn ngôn ngữ văn học có “bề dày văn
hoá”. Về năng khiếu tiếng Việt không thua gì Ðỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, nữ tác
giả trẻ này (sinh 1970) có ưu thế là khá thành thạo hai ngoại ngữ phương Tây
(tiếng Anh, tiếng Hà Lan) và có chữ Hán (đã từng dạy văn học Trung Quốc tại
khoa Ngữ văn Ðại học Sư phạm Hà nội 1991-1998). Nếu như Nguyễn Huy Thiệp là
ngôi sao sáng trôi qua bầu trời Văn học Việt Nam hai thập kỷ cuối thế kỷ XX thì
Phạm Hải Anh là tinh cầu tháp thoáng mới mọc đâu đó phía chân trời buổi bình
minh của thế kỷ XXI. Một đặc điểm của văn học nước ta những thập kỷ gần đây là
những tác giả, tác phẩm hoặc trực tiếp hoặc cạnh khoé động chạm đến những vấn
đề chính trị, xã hội gai góc thường dễ nổi lên trước công luận. Phạm Hải Anh
chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề này và cách viết này. Những tác phẩm của
chị không nổi lên như một “hiện tượng” văn học, nhưng với ngôn ngữ văn học “có
bề dày văn hoá” chúng có cơ đứng được và chắc là vẫn còn lạỉ những năm tháng
sau này. (Hoàng Ngọc Hiến)
Người không mặt
Phạm Hải Anh
Góc thành cổ ấy vắng người
qua lại. Bức tường rêu xanh xám, ẩm mốc ngay cả trong những ngày nắng to. Nép
vào bóng râm ẩm tối của nó là một quán sách đìu hiu, dăm kệ sách ố cũ, như để
trang trí hơn là bán. Toàn sách cổ. Mỗi lần một quyển sách rời khỏi kệ theo tay
người khác, ánh mắt đã bạc của ông già chủ quán trầm xuống như thể nuối tiếc.
Nắng chẳng bao giờ rọi đến bóng tối trong quán sách, nơi thảng hoặc vẳng ra
tiếng ho khúc khắc. Nhưng ngay cả âm thanh ấy cũng thường tắc nghẹn, như thể
ông già hoảng hốt vì tiếng ho của chính mình.
Năm ấy trời mưa rả rích.
Những tiếng ho từ quán sách vẳng ra dồn hơn, thảng thốt trong bóng tối và cái
lạnh căm căm của tháng chạp. Cho đến một buổi sáng, trời vẫn sầm xì mưa nhưng
góc thành cổ như được nhuộm trong ánh sáng lung linh toả ra từ quán sách. Rêu
phong trên tường thành đổi màu xanh nõn, mềm mướt tựa nhung gấm. Trước quán
sách, mưa đan thành tấm rèm bạc lóng lánh, và trên kệ, những gáy sách cũ kỹ vụt
tươi màu. Người đứng bán sách hôm ấy không phải ông già mà là cô con gái.
Chỉ trong một ngày, số
sách bán được bằng cả năm. Nhưng ông già lại hoảng hốt. Ông gọi con gái đến bên
giường, nhìn đăm đăm vào gương mặt cô. Giọng ông khàn đi, khó nhọc:
"Con bán được nhiều
sách lắm phải không?"
"Thưa cha vâng
ạ."
"Cha không mừng mà lo
lắm... Con có biết vì sao không?"
"Con không biết, thưa
cha...?"
"Con có biết vì sao
bấy lâu nay cha giấu con, không để người ngoài thấy mặt không?"
Cô gái run rẩy. Từ trong
bóng tối, cặp mắt ông già vẫn căng thẳng không rời cô. Một nỗi khiếp sợ mơ hồ
dâng lên. Ông già thở dài, chỉ tay vào góc phòng:
"Con hãy mở cái rương
kia và lấy tấm gương ra cho cha... Được rồi, bây giờ cha cho phép con soi mặt
vào đó."
Cô gái thận trọng nâng tấm
gương lên..., và không kìm được tiếng kêu. Từ trong gương nhìn cô là một gương
mặt thiên thần! Giữa hình phản chiếu của những đồ đạc cũ kỹ, nghèo nàn, gương
mặt ấy như toả sáng thanh khiết. Vẻ đẹp huyền hoặc, mong manh của nụ quỳnh
trắng tuyết đang run rẩy tách cánh đầu tiên... Giọng nói âu lo của ông già làm
cô bừng tỉnh:
"Con ơi, gương mặt
con là gia bảo của nhà ta. Nếu khéo giữ giá thì đời cha con mình có thể trông
cậy vào đấy. Nhưng cha già yếu bệnh tật, lại nghèo, không sức gì gìn giữ nổi.
Thôi từ mai, con lại ở nhà, việc hàng quán để cha lo."
Nhưng ông già không gượng
dậy nổi. Ông lại bàn với con gái:
"Quán sách cần người
trông nom, con đi làm cũng được, nhưng phải để mặt ở nhà cha giữ. Khi nào thật
cần hãy lấy ra dùng. Như thế lỡ con có sơ sẩy cũng không sợ mất mặt, vừa an
toàn, mà mặt đẹp lại không bị bụi bậm làm vấy bẩn đi."
Hôm sau, cô gái buồn rầu
để cha tháo mặt cất vào rương. Ông già cẩn thận lót đáy rương bằng vải thật
mềm, lại mua chiếc khoá đồng lớn, khoá chắc.
Cô gái đứng bán sách. Quầy
sách vốn đã vắng lại càng vắng hơn xưa. Cô gái giấu mình đúng chỗ ông già vẫn
thường ngồi. Khuôn mặt cô giờ là một khoảng trống trần trụi. Không còn những
ánh mắt khát khao ngưỡng mộ. Người ta đi lướt qua cô thờ ơ. Quầy sách bốn mùa
âm u tối. Nhưng trong bóng tối, người ta không cần dùng tới mặt... Đêm đến, ông
già ngủ ngon hơn vì không phải lo giữ mặt cho con gái. Nhưng cô gái không tài
nào ngủ ngay được. Cô rón rén lấy chìa khoá mở rương, soi đèn say sưa ngắm
gương mặt ngủ yên trong đó. Những buồn tủi trong ngày tan đi khi cô tận mắt
thấy gương mặt chính mình, trong trắng không vương chút bụi trần, đẹp không gì
sánh nổi!
... Một lần, run rẩy trước
sắc đẹp của chính mình, cô gái sơ ý để rớt tàn lửa xuống đáy rương. Chiếc rương
bùng cháy. Gương mặt đẹp trong phút chốc bị thiêu thành tro tàn.
Cô gái thành người không
mặt thật sự. Những mụ đàn bà mặt rỗ chằng chịt, mắt lé, mũi tẹt... đi ngang cô
nhổ nước bọt khinh bỉ: "Khiếp! Đồ mặt rỗng!". Những bà già có con
trai lớn nhìn cô thương hại: "Đã nghèo, có cái mặt cũng không giữ
nổi!" Ông già đau đớn an ủi con gái:
"Thôi con ạ. Không có
mặt còn hơn có cái mặt bẩn thỉu, bất thành nhân dạng." Cô gái im lặng.
Trùm lên hai bố con là nỗi hối tiếc đau đớn. Giá cô đã có đủ can đảm để mang
gương mặt mình trong đời!
Cô gái đan một chiếc khăn
quàng đen rộng, che khuôn mặt rỗng. Cô vẫn đi làm chăm chỉ, ít nói, không ai
biết cô nghĩ gì. Đêm, cô thức khuya hơn. Chỉ ông già biết rằng trong bóng tối,
bao lần cô tuyệt vọng lấy bút tô lại khuôn mặt mình. Nhưng hoài công. Nước mắt
làm trôi những nất màu nhoè nhoẹt. Những cái mặt giả chỉ làm cô vướng víu, thất
vọng thêm. Giờ thì cô khao khát có một bộ mặt của riêng mình, xấu xí cũng được
nhưng đừng rỗng không như thế!
Cô gái không biết rằng có
một người chẳng câu nệ cô có mặt hay không. Đó là một hoạ sĩ chuyên vẽ chân
dung. Một tay anh đã vẽ không biết bao nhiêu mặt người đủ loại. Tiền bán tranh
cũng đủ sống, và anh cũng có chút tiếng tăm. Nhưng hoạ sĩ thuờng bị ám ảnh bởi
một cơn ác mộng. Trong mơ, những mặt người đủ kiểu vây lấy anh. Chúng nhảy nhót
trên các giá gỗ cứng đờ rồi bất chợt đưa tay gỗ lên vuốt mặt. Từng cái mặt rơi
lả tả, chỉ còn lại khung rỗng với hai hốc mắt trắng toát nhìn anh. Hoạ sĩ cuống
quít tô đi vẽ lại, nhưng nét bút cứ trượt đi, nhoè nhoẹt. Anh quăng bút, ứa
nước mắt. Chẳng thể làm gì được với đám mặt nạ này. Phải đi tìm thôi, một khuôn
mặt mới, thật sự có hồn người!
Rồi bỗng nhiên, hoạ sĩ gặp
cô gái. Cô có gương mặt giống như trong cơn ác mộng của anh: trần trụi đến rỗng
không. Chỉ khác là cô không đeo mặt nạ để che nó đi. Điều đó làm hoạ sĩ ngạc
nhiên, để ý. Dần dà, anh phát hiện ở cô-gái-không-mặt bao vẻ đẹp mà những
người-có-mặt không có. Hoạ sĩ lại nằm mơ. Những giấc mơ về khuôn mặt rỗng trơ
trụi, nhưng ẩn sau đó mơ hồ có một cái gì. Anh muốn đến gặp cô gái nhiều hơn.
Nhưng khổ thay, mỗi lần thử nói chuyện, những lời nói của anh cứ trượt đi trên
khuôn mặt rỗng, chẳng thu được chút biểu cảm nào. Hoạ sĩ bỏ đi...
Để tìm cho cô gái một
khuôn mặt xứng hợp! Hoạ sĩ lang thang khắp nơi, tìm ra bao nhiêu là khuôn mặt.
Này là bộ mặt phì nộn, cười toe toét treo ở hàng ăn. Này là bộ mặt đã được tỉa
tót cho đẹp, có cặp mắt đa tình và nụ cươi lơi lả bán sẵn ở cửa hàng mặt lớn
nhất trong thành phố. Trên một đỉnh núi cao hoang sơ, anh bắt gặp một bộ mặt
hồn nhiên như đoá hoa rừng đang khúc khích cười. Nó rất dễ thương, nhưng vẫn
chưa hợp với cô gái của anh. Và những bộ mặt dầy đóng dấu chất lượng, mặt rỗ
giảm giá, mặt trái xoan hợp mốt, mặt điềm đạm tóc xoăn, mặt trán hói uyên
bác... Cả những bộ mặt chuột kẹp với hai mắt lạc hết tinh thần bị vứt ở hàng
đồng nát... Nhưng chưa hề thấy khuôn mặt mà anh cố công tìm kiếm.
Một đêm trăng ló, hoạ sĩ
lấy bút vẽ gương mặt anh hằng khao khát. Nét mộng mơ, nét đắng cay, nét đợi chờ
rồi nét yêu thương... Khi nhát bút cuối cùng dừng lại, hoạ sĩ bỗng sững sờ.
Trước mắt anh là một khuôn mặt cực kỳ sống động, đẹp lạ lùng. Anh quyết định
đem mặt về tặng lại cho cô gái.
Cô gái đeo thử khuôn mặt
mới được làm từ những bền bỉ đợi chờ lâu đến thế của cô và từ tấm lòng tha
thiết đến thế của hoạ sĩ. Nó vừa khít. Cô biết rằng mình sẽ không bao giờ đánh
mất nó nữa. Đôi mắt nhung của cô làm anh ngây ngất. Bây giờ thì anh có thể nhìn
sâu vào mắt cô và nói một điều...
Nhưng có thể đó chỉ là
giấc mơ của chàng hoạ sĩ .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét