CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ? (KỲ 22)
NHÀ
VĂN TÔ HOÀI (1)
Mới đây, một anh bạn nhà văn khá nổi tiếng sau khi đọc loạt
“Chân dung hay chân tướng nhà văn” gọi điện khuyên tôi không nên
viết các nhà văn quá cố, bởi người chết không còn cãi được mà chỉ nên viết
người đang sống, còn “phản biện” được.
Chiều lòng anh bạn, kỳ này xin nói tới một nhà văn cao tuổi:
lão nhà văn Tô Hoài.
Sinh thời, ông trùm văn hoá mác xít Việt Nam, nhà phê bình
văn học Như Phong “khái quát “ về nhà văn Tô Hoài vẻn vẹn có mỗi một câu:
“thằng ngoại ô láu cá, văn chương đẽo gọt”.
Văn chương khoan nói, nhưng về cái sự khôn lỏi, láu cá
đầy phong cách “ngoại ô” thì Hội nhà văn phải lấy “ông này tiên sư”.
Thời bao cấp, đi nước ngoài “tham quan, hội thảo, gặp gỡ” (
hồi đó chưa có từ “giao lưu”) còn là một mơ ước xa vời với các bác có chân
trong Hội nhà văn Việt Nam.
Từ khâu đầu tiên được Ban đối ngoại Hội dự kiến, Ban thường
vụ Hội duyệt rồi qua Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá, Bộ Ngoại giao rồi tới Vụ Văn
Nghệ, Ban tuyên giáo trung ương, Ban bí thư… là cả một “con đường
sấm sét” muôn vàn trắc trở. Cử ai đi chứ cái thằng
cha X. này phải coi lại. Nghe nói tư tưởng “có vấn đề”. Nghe nói phát ngôn lung
tung. Nghe nói viết lách không rõ ràng… Bằng ngần ấy ông “gác cửa”, chỉ cần một
ông “phán cho một câu” là rớt đài… đợi chuyến sau.
Ấy vậy mà lọt qua được bằng ấy cửa tử rồi, vẫn cứ phải chờ
“anh Lành” (tức đồng chí Tố Hữu) gật cho một phát mới gọi là tạm yên tâm và bắt
đầu hồi hộp chờ nhận comlê, cavát, hộ chiếu, vé máy bay đợi ngày xuất ngoại.
Hội nhà văn Việt Nam hồi đó có hơn 150 Hội viên mà hàng năm
chỉ có dăm bảy suất, bởi vậy đó là cuộc đấu tranh sinh tử, giành giật âm thầm
và quyết liệt chẳng thua gì vũ đài quyền Anh.
Nhà văn nổi tiếng và có nhiều tác phẩm giá trị như Nguyễn
Thế Phương, tác giả tiểu thuyết “Đi bước nữa”, “Đào chèo”… mà đến
tận cuối đời mới được đi Trung Quốc ngắn ngày, còn nhà thơ Quang Dũng, từ
“Đôi mắt người Sơn Tây” tới “Nhà Đồi”, viết lách cả ngàn trang văn học
cách mạng mà … chưa ra khỏi biên giới lần nào.
Ấy thế mà riêng Tô Hoài, tổng kết lại trong thời bao cấp ông
đã xuất ngoại tới cả trăm lượt, đủ các nước Á, Âu, Mỹ , Úc, Phi đến
mức dân gian có câu:
“Đảng đoàn là Đảng đoàn Thông,
Ở đâu có rượu là ông tới liền
Đảng đoàn là Đảng đoàn Hoài,
Hễ đi nước ngoài là có ông ngay…”
Hồi đó ông nhà thơ Hoàng Trung Thông và ông nhà văn Tô Hoài
đều có chân trong Đảng đoàn Hội nhà văn Việt Nam. Các bác Hội viên “ cả
đời chưa một lần đặt đít lên ghế tàu bay” phải ca cẩm:
“cái thằng ranh ma thế, có mỗi con dế mèn mà bay khắp thế
gian”.
Xem vậy đủ hiểu bác Tô Hoài luồn lách, chen lấn , cỡ
cao thủ võ lâm mới lập kỳ tích số lần đi nước ngoài đáng đưa vào Guiness Hội
nhà văn Việt Nam.
Vậy nhưng cái tính “ngoại ô láu cá” ấy của bác Tô Hoài chẳng
phải do cách mạng hun đúc mà ngay từ hồi còn phong kiến đế quốc bác đã có
nó rồi. Ngày nay đọc lại “Dế mèn phiêu lưu ký” mới thấy “anh
Sen làng Nghĩa Đô” ( tên thật của tô Hoài) đã ranh ma từ độ ấy, mới
giật mình, sao chú dế oắt “ngoại thành” này “khôn lỏi” thế? Lo toan cho cái
thân mình thế? Mới nứt mắt chú đã:
“Ngày nào cũng vậy, suốt buổi, tôi chui vào trong cùng hang,
hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành cái giường ngủ sang
trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ dế, tôi đào hang sâu sang hai ngả
làm những con đường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp việc
nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được… Bởi ăn uống điều độ, làm việc có
chừng mực nên tôi chóng lớn lắm…”
Từ thủa ấu thơ đã “phòng thân” kỹ lưỡng vậy trách gì
khi trưởng thành chẳng rút ngay bài học “chui tọt” vào hang sau khi lớn
giọng trêu chị Cốc “vặt lông cái Cốc cho tao, tao nấu tao nướng, tao xào tao
ăn” để mặc thằng Dế Choắt bị chị Cốc “giận cá chém thớt” mổ cho đến chết,
trong lúc đó Dế Mèn ta “lên giường nằm khểnh, vắt chân chữ ngũ”, thây kệ
thằng Dế Choắt ăn đòn thay mình.
Sau này, trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, dù chàng Dế Mèn chẳng
dám chọc tức Đảng câu nào, nhưng cũng “tự đấm ngực nhận lỗi” trên báo
Nhân Dân số ra ngày 12 tháng 3 năm 1958:
“Tư tưởng xấu của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã tiếp tục
len vào cơ quan của Hội nhà Văn, trên báo Văn, gây nhiều tác hại. Quan niệm mơ
hồ của tôi, khách quan đã tạo điều kiện cho khuynh hướng tư tưởng nhóm ấy lợi
dụng diễn đàn báo Văn và một số cơ quan khác của Hội Nhà Văn như nhà xuất bản,
câu lạc bộ, đã gieo rắc quan điểm chính trị và nghệ thuật nguy hại. Sự yên tâm
vô lý của tôi trước tình hình đó là do tôi đã hầu như không để ý rằng miền Nam
còn nằm trong lưới đế quốc Mỹ. Bộ máy chiến tranh tâm lý của Mỹ Diệm ngày đêm
tìm mọi cách gieo rắc tư tưởng thù địch để phá hoại sự nghiệp xây dựng miền Bắc
của chúng ta. Trong văn học hiện nay không thể quên mỗi tư tưởng đều hoặc có
lợi cho ta hoặc có lợi cho địch.”
Rồi thì thây kệ “chị Cốc” cứ “mổ” la
liệt các “chàng Dế Choắt”: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm,
Phùng Quán… đuổi đi đào đất, vác than. Chàng Dế Mèn chui tọt ngay vào cái hang
“đề tài miền núi” viết toàn chuyện “quan thống lý Pá Tra” đàn áp,
bóc lột “vợ chồng A Phủ” tức “người Mèo ta khi chưa có
Đảng”, tránh xa mọi chuyện hiểm nguy nơi phố thị, tha hồ cho “chị Cốc”
hoành hành, chàng cứ ung dung “toạ hưởng kỳ thành”, vắt chân chữ ngũ lâu lâu lại
“cưỡi con dế mền” bay đi tham quan nước bạn.
Thành công đó là nhờ Tô Hoài đã rút “kinh nghiệm” của chú Dế
Mèn ngày xưa:
“Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không
biết nghĩ, sớm muộn gì cũng mang vạ vào thân”.
Cái đám Nhân văn Giai Phẩm kia đúng là “hung hăng
bậy bạ”, “có óc mà không biết nghĩ”, “ Ôi thôi, chú mày ơi. Chú mày
có lớn mà chẳng có khôn” (lời Dế Mèn dậy Dế Choắt) thì bị Đảng cho ăn
đòn còn oan nỗi gì? Phải khôn ranh, láu cá thì mới giữ được thân, hưởng lộc dài
dài, chẳng thế mà hiền lành như nhà văn Bùi Hiển cũng phải than:
“Tôi lại có cảm giác là anh (Tồ Hoài) có khuynh
hướng hơi e ngại, hơi dè chừng…”.
Giống như chú Dế Mèn trong suốt cuộc phiêu lưu,
chẳng thấy “hành hiệp giang hồ”, đánh kẻ mạnh cứu kẻ yếu, toàn đi “chọi “ với
Cào Cào, Châu Chấu… mà cứ hễ thua là bỏ chạy. Tô Hoài cũng vậy, suốt cả mấy
thập kỷ ngồi ghế “lãnh đạo văn nghệ” (hết Hội nhà văn Trung ương lại tới Hội
nhà văn Hà Nội), bao nhiêu nhà văn Hà Nội bị “Cốc mổ” như Nguyễn
Xuân Khánh, Châu Diên, Vũ Bão, Lê Bầu… mà chưa lần nào thấy ông Dế Mèn lên
tiếng bênh vực đàn em, chưa kể có khi còn xúi “chị Cốc” mổ thêm cho chết.
Hoá ra “triết lý con lươn” của Nguyễn Khải – cứ gặp rắc rối
là tiết chất nhờn lủi mất, còn thua xa bí kíp “chui tọt xuống hang” của bác Dế
Mèn. Cứ chữ “thọ” đeo sau lưng, Nhân văn – Giai Phẩm lủi lên Tây Bắc, Mỹ đánh
bom Hà Nội, chuồn lên rừng… cứ thế làm gì bác chẳng lập kỷ
lục Guiness “hễ đi nước ngoài là có ông ngay”.
Vậy nhưng “cứ tọt xuống hang” vậy rồi sự nghiệp văn
chương chữ nghĩa của bác rồi sẽ đi về đâu?
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét