CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN (20)
Tác giả: Nhật Tuấn
NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN (3)
“Thời kỳ Nhân văn giai phẩm, Nguyễn
Tuân trở lại với tính nghệ sĩ cứng đầu, viết những bài tiểu luận khá ngang
tàng, phê bình chế độ và một số lãnh đạo văn nghệ”.
Ôi chao là ngộ nhận, bởi lẽ ngay sau khi
được đồng chí Như Phong (GĐ NXB Văn Học) uốn nắn trên báo Nhân Dân, đầu
chẳng cứng mà khí phách cũng chẳng ngang tàng (từ sau cách mạng chưa bao giờ
chàng có được cả hai phẩm chất này để mà “trở lại”), Nguyễn Tuân sám hối ngay
một bài “Nguyễn Tuân tự phê bình” in trên Văn Nghệ, tự nhận “hồi
Nhân văn Giai Phẩm tôi đã có sai lầm hữu khuynh…”, “trong lòng mình
thẩm lậu một con đê chưa hàn khẩu” (riêng câu này, bà Thuỵ Khuê có thể dùng
để minh chứng thêm cho cái bà gọi là “thi pháp Nguyễn Tuân”, nhưng “thi pháp”
nào cũng còn có ý nghĩa gì khi nó gói ghém một điều giả dối ?), thành khẩn
không thua gì trong “Lột xác”, báo cáo thu hoạch sau đợt học tập chính
trị hồi còn ở Việt Bắc.
Tuy nhiên lần này có khác, kiểm
điểm xong, Đảng mời Nguyễn Tuân “đi thực tế mãi trên Điện Biên” và lại còn dặn:
“Các đồng chí mắc sai lầm lần này phải
cố gắng đi thực tế…”.
Những tưởng cái “ngang tàng, cứng đầu”
trong con người Nguyễn Tuân vùng dậy mà quăng đi cái mũ cối bị chụp lên đầu,
hoặc chí ít cũng có một lần thở dài trong trang viết của mình, nào ai có ngờ,
những bài viết của Nguyễn Tuân trong đợt đi thực tế này lập tức được các nhà lý
luận của Đảng vỗ tay reo mừng. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ sốt sắng:
“Chưa bao giờ câu văn Nguyễn Tuân có
được cái âm điệu hùng tráng vui tin và lạc quan đến thế. Đáng quý ở đây là sự
hòa hợp với cuộc sống mới xung quanh, ý thức đóng góp phần mình vào cái
công trường không lồ của chủ nghĩa xã hội”.
Nhà nghiên cứu Trương Chính
khẳng định:
“Chính trong chế độ mới, ông đã tìm ra
con người chân thực của ông”.
Nhà văn Nguyên Ngọc cũng reo mừng:
“Tôi muốn chào mừng ở anh Nguyễn Tuân một
cách đứng mới, một vị trí mới, không những chỉ là một vị trí mới của anh trong
tác phẩm mà trước hết là một vị trí mới của anh trong cuộc sống mới. Anh đã đi
rất nhiều, rất say sưa về những con người mới mà lòng hy sinh cao cả của họ đã
hiến dâng hết cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội..”
Tập “Tuỳ bút Sông Đà”của Nguyễn
Tuân viết sau đợt đi Tây Bắc đã được dán rất nhiều tem đỏ kiểu thế. Bởi
lẽ, vượt cả yêu cầu của đồng chí Tố Hữu, ông đã coi những người bị đầy đi làm
kinh tế mới, những công nhân lầm lũi đập đá vá đường trên những vùng rừng núi
xa xôi, heo hút là “những thỏi vàng của một khối vàng xã hội chủ
nghĩa Đảng ta đem đầu tư vào Tây Bắc”.
Niềm tin yêu Đảng lúc này
chẳng biết thực hay vờ làm Nguyễn Tuân cất lên những trang viết đầy hào sảng:
“tâm hồn tôi đã in sâu và vang động tất
cả cái ý thức xã hội chủ nghĩa của người đi mở đường
miền Tây”,
“Tiếng máy nổ của kế hoạch kinh tế sẽ
trùm lên tiếng cối nước. Ba năm chưa được thì lại năm năm và cuối cừng là rừng
ở đây sẽ quấn quanh lấy người, lấy hơi người, mười đầu ngón tay con người sẽ
giao hoà với cuống hoa đầu quả, hoa không còn là ngàn hoa vô định, cỏ cũng
không còn cỏ dại dặm dài. Hoa chẩu, hoa các cây công nghiệp, cây ép dầu,
cây bóng mát, cây ăn quả sẽ đua tươi với mọi thứ hoa hương và hoa sắc. Hẳn vì
đã thấy trước cái triển vọng thơm ngọt tươi thắm ấy của lũ chúng ta ngày nay
trên con đường lớn này, mà trên đồi ngục Sơn La, từ những ngày hoa cỏ bị dập
vùi, các đồng chí tiên liệt Đảng ta đã tượng trưng giồng lên mấy gốc đào…”
Ôi chao ôi là chàng Nguyễn, lên cơn “thi
pháp ” mà vẫn không quên cây đào của đồng chí Tô Hiệu, tiền bối cộng sản, trồng
ở nhà ngục Sơn La mà ngày nay đã có người đặt nghi vấn liệu hình tượng này có
thuộc loại “cây đuốc sống” Lê Văn Tám?
Chỉ tiếc không đầy 20 năm sau giá
như ông lại ngược sông Đà chuyến nữa để thấy các đồng chí cán bộ Đảng tại
nơi ông đã đi qua cùng với đám lâm tặc phá rừng như thế nào – hơn 10 triệu ha
rừng nguyên sinh, rừng gỗ quý, rừng phòng hộ đã bị chặt nát biến thành những
“phủ” lộng lẫy, những tiện nghi sa hoa, những xe hơi đắt tiền .
Ngày nay đọc lại những “ Sông
Đà”, “Tờ hoa”, “Tình rừng” của Nguyễn Tuân, người ta chỉ còn thấy đôi chút
giá trị ở những tư liệu dư địa chí mà ông đã thừa nhận lấy của “một ông tây”:
“Tôi đọc ở Thư viện khoa học một bộ
bảy quyển dầy và to “La mission Pavie” của một học giả thực dân Pháp viết rất
kỹ về Lai Châu.Những kiến thức ấy cho tôi những trang viết sinh động trong tập
Sông Đà…”, còn phần lớn là những trang tán nhăng tán cuội về những
“con người giả” như anh bộ đội Điện Biên trở về quê “vận động cả gia đình
lên Tây Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy núi rừng
miền Tây làm quê hương thứ hai…” hoặc như anh cán bộ Phương, người kinh lên
vùng cao công tác, được Nguyễn Tuân ca ngợi:
“Cán bộ Đảng ta, nhất là ở Tây bắc, nhất
là đối với một số đồng chí gây cơ sở ở vùng địch hậu cũ, cán bộ Đảng nó
cứ như là một con dao pha ấy. Vứt đâu cũng được, cái gì rồi cũng làm. Loay hoay
ngày đầu, nhưng có ý thức trách nhiệm, rồi cũng tìm ra, vừa làm vừa học…”.
Gíá như Nguyễn Tuân sống thêm chục năm
nữa, hẳn ông sẽ thấy tầng lớp cường hào ở nông thôn ngày nay đều là “cán bộ
Đảng ta” như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng bị cướp đầm tôm.
Tuy nhiên, dẫu đã hát hay thế mà Nguyễn
Tuân vẫn bị “bắt bẻ” trong “Tờ hoa”, “Tình rừng” vì dám lên án kẻ
đốt rừng. Ô hay, bác Hồ đã dậy: “Dẫu có phải đốt sạch cả
dẫy Trường Sơn để thống nhất đất nước thì vẫn cứ phải đốt”. Nhà văn Nguyễn
Tuân có “quán triệt” lời bác dậy không mà bóng gió lên án “kẻ đốt rừng”?
Sau hai “tai nạn nghề nghiệp” này,
Nguyễn Tuân thôi không chơi “cảnh”, chơi “rừng” nữa, ông dứt khoát trở thành
một chiến sĩ dùng ngòi bút làm vũ khí xung phong trên mặt trận “chống Mỹ cứu
nước”:
“Cho giặc Mỹ ăn một cái Tết ta” “Hà Nội
ta diệt B52” “Hà Nội giải tù Mỹ đi qua phố Hà Nội”…
Chửi Mỹ như một
bà nhà quê mất gà. Nào là “những tên phát xít Hoa kỳ hợm hĩnh về súng
đạn và du côn du kề lộng hiểm”. Nào là: “từ lòng đường xông lên mùi của
Thần Chết, một cái thứ khắm thối Hoa Kỳ mà không thứ nước huê đế quốc nào tẩy
tan được…”. Nào là : “Thằng Tổng thống kẻ cướp Mỹ ấy
càng leo thang xâm lược càng nện dùi mạnh vào cái mặt trống hòa
bình…” “Nước Hoa Kỳ đã đi một lèo từ man rợ thẳng tới đoạ lạc mà không có thông
qua giai đoạn văn minh, văn hiến nào…”.
Cứ như thế “cơn bão ngôn từ” của Nguyễn
Tuân lên tới đỉnh điểm ở bài ký nổi tiếng “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”.
Trong bài này ngoài giọng chửi Mỹ xoe xoé, Nguyễn Tuân còn phủ lên cái chết
tang thương của bao người Hà Nội một thứ “lạc quan cách mạng” phi nhân:
“Chợ Ngọc Hà không phải là vỡ chợ mà là
xác thù đã vỡ tan trên buổi chợ chiều”.
Ô hay, bom rơi xuống chợ, người chết,
nhà cháy, toàn là dân ta cả, có “xác thù” nào đâu mà nhà văn khéo tưởng tượng.
Rồi thì “cô gái trại hàng hoa
vứt đó cái ô- doa sắp tưới vườn chiều, cầm vội tay súng…”, hi hi, chắc
cô này không chồng, không con, không nhà, không cửa nên bom ném vào xóm là cầm
ngay lấy… cây súng.
Rồi thì “Tôi đi giữa Hà Nội hôm nay
đã chói thắm Huân chương Độc Lập hạng Nhất. Hà Nội phấn khởi đón
mừng Huân Chương thi đua lập thành tích mới… Hoa sấu vẫn nở vãi vương khắp thủ
đô tưng bừng chiến thắng…”.
Lậy đức Chúa nhân từ,
máu đổ, người chết, nhà sập… bao nhiêu bi thương đó ông không thấy,
chỉ thấy có “thành tích với huân chương”? Phải chăng tâm hồn nghệ sĩ của “thiên
tài Nguyễn Tuân” (nói theo bà Thuỵ Khuê) đã trơ như đá, rắn như sắt, cứng
như thép mất rồi.
Người ta có thể tôn vinh Nguyễn Tuân như
một “phù thuỷ ngôn từ”, một “Thần bút và một thi pháp đặc biệt “
(bà Thuỵ Khuê), người ta có thể ví ông như “một nhà làm xiếc chữ ở trên dây”,
tiếc thay, từ sau năm 1945, cái dây đó đã đặt xuống đất rồi mà ông cứ vờ như nó
vẫn dăng cao để ông cứ còn uốn éo mãi trên cả ngàn trang chữ.
Phải chăng đó là “thi pháp Nguyễn Tuân”
theo nghiên cứu của bà Thụy Khuê?
Tuy không có di cảo “tái nhận thức” như
Nguyễn Khải, Chế Lan Viên … nhưng những năm cuối đời, ông không còn viết những
trang “hùng tráng” như “Hà nội ta đánh Mỹ giỏi” nữa. Khoảng giữa
năm 1978 Hội nuôi ong Việt Nam mời một số nhà văn trong đó có tôi và
Dương Thu Hương lên Tam Đảo nghe báo cáo về nghề. Sau đó tôi có viết bút ký “Thành
phố con ong” về “tổ chức xã hội loài ong” mà nếu ta đi sâu sẽ phải nghĩ tới
sự có mặt của …Thượng Đế, về vai trò con ong chúa sau một đời tận tụy, cuối đời
thu hết tàn lực bay ra khỏi tổ chết cô đơn trên mặt đất khỏi làm ô nhiễm tổ
ong. Bài ký đăng trang nhất báo Văn Nghệ, Nguyễn Tuân có đọc bởi lẽ gặp tôi ở
giữa cầu thang NXB Văn Học, ông nhìn thẳng vào mặt tôi rồi vừa đi ông vừa nói
như người ngủ mê: “Thành phố con ong… thành phố con ong…”. Lúc đó tôi
thầm đoán tuy không nói ra nhưng chắc Nguyễn Tuân cũng mong muốn “một con ong”
chúa hy sinh cao thượng vì cộng đồng, một xã hội loài ong ưu việt gấp mấy lần
“xã hội bầy cừu”. Hẳn là chuyến đi Sài gòn sau ngày 30 tháng 4 năm
1975 đã làm ông suy nghĩ nhiều.
Nhìn rõ những bước lận đận của Nguyễn
Tuân, nhà thơ Xuân Sách đã làm thơ chân dung ông:
“Vang bóng một thời đâu dễ quên,
Sông Đà cũng muốn đẩy thuyền lên
Chén rượu Tình rừng cay đắng lắm
Tờ hoa lại trút lệ ưu phiền”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét