CHÂN DUNG HAY CHÂN TƯỚNG NHÀ VĂN ? (KỲ 23)
Tác giả: Nhật Tuấn
NHÀ VĂN TÔ HOÀI |
Nhìn vào bản liệt kê tác phẩm của Tô Hoài, ta
phải ngả mũ bái phục về khối lượng đồ sộ của “lão nhà văn” tuổi ngoài tám mươi
vẫn viết không ngưng, không nghỉ:
“Lão đồng chí, Núi cứu quốc, Ngược sông Thai,
Đại đội Thăng Bình, Xuống làng, Truyện Tây Bắc, Khác trước, Vỡ tỉnh, Người ven
thành, Mười năm, Miền Tây,Tuổi trẻ Hoàng văn Thụ, Những ngõ phố, Người đường
phố, Thành phố Lêningrat, Trái đất tên người, Kim Đồng, Vừ A Dính, Ông Gióng,
Con mèo lười, Trâu húc, Đảo hoang, Sự tích Thăng Long, Nhả chữ vân
vân…” và nhất là hồi ký “Cát bụi chân ai”.
Trong “Chân dung nhà văn”, nhà thơ
Xuân Sách chọn mấy cuốn mà ông coi là tiêu biểu: “Dế mèn phiêu lưu ký”,
“Mười năm“, “O chuột”, “Miền tây”, “Giăng thề”, “Đảo hoang”
“Dế mèn phiêu lưu ký”, “O chuột” ,“Giăng thề”
viết trước cách mạng 1945, còn lại vài ngàn trang viết sau đó, Xuân Sách
chọn có “Mười năm”, “Miền tây” và “Đảo hoang”.
“Mười năm” , tiểu thuyết dầy 400 trang viết về
làng Hạ gần Hà Nội vào 1936-1945, thời kỳ Mặt trận Bình Dân tới Cách mạng tháng
Tám. Cái làng nghề dệt lụa này đang vào thời kỳ suy sụp, khung cửi xếp xó, xóm
làng xác xơ gây nên thảm trạng “con đánh bố”, “trai gái sắp chết đói
vẫn đòi ngủ với nhau”…
“Có áp bức là có đấu tranh”, thế là đám thanh
niên trong làng như Lê, Lạp, Trung quên cả đói “chơi trò” trốn thuế, diễn
kịch, lập hội Ái hữu, rải truyền đơn… và sau “Mười năm” trui rèn trong lửa cách
mạng, Lạp và Trung đã trở thành “đảng viên cộng sản lãnh đạo quần chúng
cướp chính quyền ở xã và phủ”, còn chị Hai Tâm, goá chồng, dâm đãng, bị một
thằng đểu nó lừa… sau này cũng trở thành đảng viên cộng sản, có chân trong Đội
Danh dự làm “công tác đặc biệt”.
Vậy là mọi ngả đường của phần lớn các
nhân vật đều đi tới … vào Đảng cộng sản cả. Ca ngợi cách mạng đến mức đó mà
“Mười năm” vừa mới ra lò đã bị Như Phong, nhà phê bình mác xít “choang
cho một búa”:
“Phong trào cách mạng của ta trong thời kỳ
ấy, nếu ai muốn tìm hiểu nó trong cuốn “Mười năm” thì sẽ luôn luôn gặp những
hình ảnh rất lạ lùng, lờ mờ, nguệch ngoạc và có khi méo mó đến làm ta sửng sốt
được…”.
Nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ thì răn đe:
“Nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa không
chấp nhận lối viết hồn nhiên, tự phát, kinh nghiệm… mà đòi hỏi một sự nhận thức
sâu sắc về những quy luật xã hội, một trình độ tổng hợp và khái quát ngày càng
cao…”.
Ôi thôi, thế mới biết đi theo đường lối văn
học hiện thực xã hội chủ nghĩa của Đảng đâu có dễ. Nào nhận thức quy luật, nào
tổng hợp, nào khái quát, các nhà văn đi theo cách mạng đừng tưởng bở dễ ăn theo
được Gorki, Sôlôkhốp, Fađêép … những nhà văn cộng sản lẫy lừng thời đó.
Vậy là “Mười năm” đã bị “khai đao”
ngay lúc mới sinh và cho tới bây giờ đọc lại thấy vẫn “đầu Ngô mình Sở”, may ra
còn được vài trang tả cảnh “những phiên chợ lụa, những chái nhà sâu dặt dìu
tiếng khung cửi, những mảnh sân vào những đêm trăng cuối thu thoang
thoảng mùi hoa thiên lý, hoa cau, hoa ngọc lan, hoa móng rồng”.
Nếu như trước cách mạng, Tô Hoài thường đi sâu
miêu tả cá nhân trong thân phận mỗi người, sang “thời đại mới”, ông sốt
sắng đi theo con đường hiện thực XHCN theo cách hiểu của ông, chuyển hướng sang
“phản ánh” cả một phong trào, một thời kỳ cách mạng.
Bởi thế cái đích ngắm của Tô Hoài trong “Miền
Tây” là “phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp gay go và phức tạp ở các vùng cao
những năm 1954-1957 giữa một bên là “bọn phản động” Đèo văn Long, Mùa Sống Cổ…
“xưng vua” và một bên là nhân dân và chính quyền cách mạng.
Tiếc thay, “phe phản động” chẳng thấy đâu,
hoặc chỉ là những bóng ma lẩn khuất trong rừng đâu có dễ dàng lộ diện cho
nhà văn tiếp xúc để mà “nhận thức quy luật”, “khái quát” để mà “phản ánh
cuộc đấu tranh giai cấp gay go”, bởi thế Tô Hoài phải dùng lại cái “chiêu” cũ:
mô tả cái đói cái cơ cực trước cách mạng và cái “đổi dời” khi cách mạng về của
đồng bào miền núi.
Tuy nhiên, gọi là “bám rễ” vùng cao, Tô
Hoài cũng chỉ quẩn quanh trụ sở Uỷ Ban, Đảng uỷ… gặp gỡ các “nòng
cốt” của Đảng chứ đâu có “ba cùng” được với bà con trong bản. Bởi thế nhân vật
trong “Miền Tây”, dù cho có là nhân dân lao động đi chăng nữa cũng được sản
xuất theo một công thức: cơ cực khi chưa có Đảng, đổi đời khi cách mạng về.
“Vừ Soá Toả, suốt ba đời đi ở đúc lưỡi cày
cho thống lý, bây giờ trở thành Chủ tịch xã…”
“Thào Khay , con bà Giàng Súa đã trở thành y sĩ, thành người cán bộ của
Đảng, có chân trong châu uỷ Châu Mộc…” vân vân và vân vân.
“Nhân vật” trong tiểu thuyết Miền Tây đã hiếm
hoi lại được đúc ra từ một khuôn kiểu vậy, bù lại, lấp cho đầy những trang
giấy, Tô Hoài đi sâu vào “tả cảnh”.
“Những đêm đầu mùa hè mây dày từng mớ, từng
lớp vàng đẫm ánh trăng ủ trên những cánh rừng tít tắp chân mây , những thung
lũng làng mạc xa lạ…”
“Bóng tối trĩu nặng từng quãng nhanh và dữ dội
, gió chồm lên rồi chết đứng từng đợt ngay giữa các triền núi , những dòng suối
chảy ra lưng trời, chảy ngang người ngang ngựa…”.
Tuy nhiên, những đoạn văn có “mùi Nguyễn Tuân”
như thế rất hiếm hoi, còn thường là Tô Hoài dùng “thủ pháp đen trắng”,
so sánh “ngày ấy, bây giờ”:
“Trước kia mỗi phiên chợ Phiềng Sa, người đói
muối đông nghìn nghịt chen chúc nhau, chồng đống lên nhau như đá đè, tiếng chửi
rủa kêu khóc vang cả một góc núi. Bây giờ những ngày phiên chợ giáp Tết là
những ngày hội tưng bừng của các dân tộc vùng cao. Sự thật kỳ diệu nhất
sau ngày giải phóng là sự thay đổi vận mệnh của những con người, những người nô
lệ bây giờ đứng lên làm chủ đất nước…”.
Chẳng hiểu có cái gì làm ông nhà văn bốc đồng
đến thế, quên ngay mình đang viết tiểu thuyết mà nhảy phắt sang viết… xã luận
báo Nhân Dân.
Khởi nghiệp bằng truyện con nít, “Dế mèn
phiêu lưu ký” đã đưa ông đi khắp thế gian, Tô Hoài không quên xuất xứ, nên
trong sự nghiệp văn chương của ông có tới trên 40 dầu sách viết cho thiếu nhi.
“Đảo hoang” là “tiểu thuyết thiếu nhi” được
viết theo truyền thuyết An Tiêm nhưng thua xa “Quả dưa đỏ” của Nguyễn Trọng
Luật ngày xưa. Trong “Đảo hoang”, Tô Hoài đã tuỳ tiện “sáng tác “ thêm
hai nhân vật là Mơn và và Gái – con trai, con gái của An Tiêm. Rồi trên hoang
đảo lại có thêm chàng trai tên Mali từ đâu dạt tới để sau này cùng
với cô Gái sánh duyên đi xây dựng… miền đất mới.
Cái “cảm hứng” xây dựng miền đất mới , cuộc
sống mới, con người mới, xã hội mới làm cho những “tiểu thuyết thiếu nhi”
của Tô Hoài nặng về giáo dục làm mệt đầu con nít vốn đã bị nhà trường nhồi nhét
đủ thứ “mới” ở trên đời. Bởi thế chúng nó bỏ anh Dế Mèn chạy tới
với những Đôrêmôn, Harry Potter, cùng lắm Nguyễn Nhật Ánh dẫn tới nguy cơ “mặt
hàng giành cho thiếu nhi” của nhà văn Tô Hoài không khéo bị lưu kho. Âu đó
cũng là… quy luật tất yếu của cuộc sống.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét