- Những thứ họ mang
Xoáy
Cuộc chiến tranh không phải chỉ là kinh khủng và bạo lực. Đôi khi mọi sự có thể hầu như trở nên ngọt ngào. Chẳng hạn, tôi nhớ có một thằng bé có một bên chân giả. Tôi nhớ nó nhảy cà thọt tới chỗ Azar xin một thanh sô cô la – “GI3 số dzách,” thằng nhóc nói – thế là Azar phá lên cười mà đưa thanh sô cô la. Khi thằng nhỏ cà thọt bỏ đi, Azar tặc lưỡi nói, “Chiến tranh là đồ chó.” Hắn lắc đầu buồn bã. “Một giò, lạy Chúa. Thằng cặc chó chết nào đó thiếu đạn đây mà.”
Tôi nhớ cảnh Mitchell Sanders ngồi lặng lẽ dưới bóng cây đa già. Hắn dùng ngón cái khều rận trên người, khều nhẩn nha chậm rãi, cẩn thận cho lũ rận vào một phong bì USO màu xanh dương. Mắt hắn lờ đờ. Ấy là hai tuần dài đằng đẵng trong rừng. Sau khoảng một giờ hay gì đấy hắn dán phong bì lại, viết MIỄN PHÍ ở góc trên bên phải, rồi đề địa chỉ là ban tuyển quân của hắn ở Ohio.
Tôi nhớ chiều nào cũng vậy, trước khi trời tối, Norman Bowker và Henry Dobbins chơi cờ đam. Đó là một thứ nghi lễ đối với họ. Họ đào công sự cá nhân rồi lôi bàn cờ ra và chơi những ván cờ dài, im lặng trong khi bầu trời chuyển từ hồng sang tía. Lũ còn lại chúng tôi đôi khi dừng chân xem. Có cái gì đó thật yên bình ở đó, cái gì đó thật chân phương và khiến an lòng. Có những quân đỏ và những quân đen. Sân chơi được bố trí thành ô kiểu lưới rạch ròi phân minh, không địa đạo không núi non không rừng rậm. Ta biết ta đang đứng ở đâu. Ta biết tỷ số. Các quân cờ đều nằm đó trên bàn, ta thấy được kẻ thù, ta có thể quan sát các chiến thuật được triển khai thành chiến lược lớn hơn. Có kẻ thắng người thua. Có luật chơi.
Tôi nay bốn ba tuổi, là nhà văn, cuộc chiến đã qua lâu. Hầu hết những gì về cuộc chiến khó mà nhớ được. Tôi ngồi nơi máy chữ này, nhìn chăm chăm xuyên qua con chữ mà thấy Kiowa chìm vào bùn sâu của một cánh đồng cứt, hay Curt Lemon treo lủng lẳng thành từng mẩu trên cây, và trong khi tôi viết về những điều đó, sự nhớ lại trở thành một thứ kiểu như là tái diễn. Kiowa hét gọi tôi, Curt Lemon bước từ bóng râm ra ngoài nắng gắt, mặt hắn nâu bóng, rồi hắn bay vút lên cây. Những điều tồi tệ chẳng bao giờ thôi diễn ra: nó sống trong chiều kích riêng của nó, cứ diễn đi diễn lại không ngừng.
Nhưng cuộc chiến không phải khi nào cũng thế.
Như khi Ted Lavender uống quá nhiều thuốc an thần. “Cuộc chiến hôm nay thế nào?” ai đó nói, thì Ted Lavender sẽ khẽ mỉm cười mơ màng mà nói, “Khoái lắm bạn à. Hôm nay tụi mình có một cuộc chiến khoái ơi là khoái.”
Và như cái lần chúng tôi tuyển một ông bô người Việt4 để dẫn chúng tôi qua mấy bãi mìn ngoài bán đảo Batangan5. Ông già đi cà nhắc, chậm, lom khom, nhưng ông biết chỗ nào an toàn còn chỗ nào ta phải cẩn thận và chỗ nào thậm chí dù ta đã an toàn thì cũng có thể tan tành xác pháo. Ông có sự nhạy cảm của diễn viên đi dây đối với mặt đất dưới chân mình – sức căng bề mặt của nó, độ đàn hồi của thứ này thứ nọ. Sáng nào chúng tôi cũng dàn hàng dài, ông già đi đằng trước, và suốt ngày chúng tôi tiến lên sau lưng ông, bám sát dấu ông, chơi trò theo chân thủ lĩnh từng li từng tí, dứt khoát không bao giờ được trệch. Chuột Kiley chế ra một bài vè rất hợp điệu, và chúng tôi cùng nhau nghêu ngao: Bước khỏi hàng, nổ cái oàng, theo đúng nơi, đời vẫn tươi. Bốn phía quanh chúng tôi, chốn này đầy rẫy Bouncing Better và Toe Popper và đạn cao xạ nổ chậm, nhưng trong năm ngày đó trên bán đảo Batangan chẳng ai trong chúng tôi bị làm sao cả. Chúng tôi thảy đều yêu mến ông già.
Thật là một cảnh buồn khi trực thăng tới đưa chúng tôi đi. Jimmy Cross ôm chặt ông già. Mitchell Sanders và Lee Strunk nhét vào tay ông cả đống đồ hộp khẩu phần C.
Thực sự có nước mắt trong mắt ông già.
“Theo đúng nơi, đời vẫn tươi,” ông nói với mỗi chúng tôi.
Nếu ta không lết (hump, tức là hành quân ấy) thì ta đợi. Tôi nhớ sự đơn điệu. Đào công sự cá nhân. Đập muỗi. Mặt trời và cái nóng và những cánh đồng bất tận. Ngay cả trong rừng sâu, khi ta có thể chết theo vô số cách, cuộc chiến vẫn chán ngắt một cách trần trụi và hung hãn. Nhưng nó là một sự chán ngắt kỳ lạ. Nó là sự chán ngắt có bước ngoặt, kiểu chán ngắt gây rối loạn bao tử. Ta ngồi trên đỉnh ngọn đồi cao, những cánh đồng phẳng lì trải ra bên dưới và ngày hôm đó bình lặng và nóng và trống rỗng vô cùng, và ta cảm thấy sự chán ngắt nó nhỏ giọt vào bên trong ta như một cái vòi bị rò, chỉ có điều đây không phải nước, mà là một thứ a-xít, và cứ mỗi giọt là ta lại cảm thấy cái thứ đó ăn mòn những cơ quan nội tạng trọng yếu của ta. Ta cố thả lỏng. Ta giãn nắm đấm ra và để mặc cái đầu nghĩ gì thì nghĩ, ừ, bạn nghĩ, thế này đâu tệ lắm. Thế rồi ngay khi đó ta nghe tiếng súng sau lưng, ruột ta liền lộn lên đến họng và ta liền rống như lợn rống. Kiểu chán ngắt như thế đó.
Thỉnh thoảng tôi thấy mình có tội. Đã bốn ba tuổi đầu mà tôi vẫn đang viết truyện chiến tranh. Con gái Kathleen của tôi bảo thế là tôi bị ám ảnh rồi, rằng tôi nên viết về một cô bé tình cờ bắt gặp một triệu đô la và dùng toàn bộ khoản đó để mua một con ngựa Shetland. Nhưng cái sự nhớ, nó là thế này: đã nhớ là ta không quên. Ta lấy chất liệu ở bất cứ đâu ta tìm thấy, tức là trong cuộc đời chính mình, nơi giao cắt giữa quá khứ và hiện tại. Dòng lưu chuyển của ký ức nạp vào một cái máy quay trong đầu ta, ở đó nó quay vòng vòng một hồi, thế rồi chẳng mấy chốc trí tưởng tượng tràn vào và thế là toàn bộ dòng lưu chuyển đó nhập lại và tẽ ra thành hàng ngàn con phố khác nhau. Với tư cách nhà văn, ta chỉ có thể làm mỗi một việc là chọn lấy một con phố và lái xe trên ấy, ghi thứ này thứ nọ xuống ngay khi chúng đến với ta. Đó mới là sự ám ảnh đích thực. Toàn bộ các truyện ấy.
Không nhất thiết là những truyện máu me. Cả những truyện vui tươi nữa, và thậm chí một vài truyện hòa bình.
Đây là một truyện ngắn về hòa bình.
Một tay nọ vắng mặt không xin phép. Trốn đi chơi ở Đà Nẵng cùng một cô y tá Chữ thập đỏ. Thật là tuyệt – cô y tá yêu hắn chết thôi – thằng cha đó muốn gì có nấy muốn đâu được đó. Chiến tranh dứt rồi, hắn nghĩ. Chỉ có quằm nhau và tìm những thế mới mà thôi. Nhưng rồi một hôm hắn quay về đơn vị hắn ở trong rừng. Nóng lòng muốn trở lại chiến đấu. Cuối cùng một trong mấy chiến hữu mới hỏi vậy cô y tá giờ sao rồi, sao lại nhấp nhổm muốn đánh nhau đến thế, thì thằng chả nói, “Cái hòa bình đó ấy mà, nó tuyệt đến nỗi làm tao đau, mày ạ. Tao muốn làm đau lại nó.”
Tôi nhớ Mitchell Sanders mỉm cười khi hắn kể tôi nghe chuyện đó. Hầu hết là hắn bịa, tôi tin chắc, nhưng dù vậy nó vẫn cho tôi cảm giác bịa mà như thật. Bởi tất cả đều thật gần gũi. Ta bị chết gí trong một cái hố trời đánh giữa một cánh đồng, mạng của ta hết một nửa là tiêu rồi, thế nhưng trong một vài giây ngắn ngủi mọi thứ bỗng yên lặng và ta nhìn lên thấy vài cụm mây trắng như bông, và cái sự thanh tĩnh mênh mông ấy nó làm chói hai nhãn cầu của ta – toàn bộ thế giới được bài trí lại – và mặc dù đang bị chết dí vào một cuộc chiến tranh nhưng ta chưa bao giờ cảm thấy bình an hơn thế.
Thường thì, những cái hằn vào ký ức là những mẩu vụn nhỏ chẳng đầu chẳng cuối.
Norman Bowker một đêm nọ nằm ngửa, ngắm sao, rồi thì thào với tôi, “Tao nói mày nghe cái này, O’Brien à. Nếu tao được một lời ước, ước gì cũng được, tao sẽ ước gì ba tao viết cho tao lá thư nói là nếu tao không được cái huy chương nào thì cũng chả sao. Ông già tao cứ nói hoài, nói mãi chuyện ấy, chả nói gì khác. Ông già sốt ruột muốn thấy mấy cái huy chương chết tiệt của tao quá trời quá đất.”
Hay Kiowa dạy cho Chuột Kiley và Dave Jensen điệu múa cầu mưa, cả ba thằng chân đất vừa hú vừa nhảy lúp xúp loanh quanh trong khi một đám dân làng đứng xem với vẻ thích thú pha lẫn khiếp vía song vẫn cười khúc khích. Sau đó Chuột nói, “Nhưng mà mưa đâu?” thì Kiowa nói, “Đất thì thấp, nhưng trâu vẫn bền gan,” thế là Chuột ngẫm nghĩ rồi nói, “Ừm, nhưng mưa ấy mà, nó đâu?”
Hay Lavender nuôi một con chó mồ côi, cho nó ăn bằng cái muỗng nhựa và nhét nó trong ba lô cho đến cái ngày Azar buộc nó vào một quả mìn sát thương Claymore rồi siết thiết bị châm ngòi.
Tuổi trung bình trong trung đội chúng tôi chắc khoảng mười chín hai mươi, hệ quả là mọi chuyện thường nhuốm bầu không khí nghịch ngợm kỳ khôi, như một sự kiện thể thao ở một trường cải huấn khác thường nào đấy. Cuộc ganh đua có thể chết người, nhưng vẫn cứ có một sự quá cỡ nào đó kiểu trẻ con, rất nhiều trò nghịch ngợm và chơi khăm. Như khi Azar cho nổ con chó của Ted Lavender. “Có gì mà mọi người bức xúc dữ vậy?” Azar nói. “Lạy Chúa, tôi chỉ là thằng con nít thôi mà.”
Tôi nhớ cả những chuyện này nữa.
Cái mùi ẩm mốc của một cái túi ngủ rỗng.
Trăng thượng huyền mọc trên đồng lúc về đêm.
Henry Dobbins ngồi lúc hoàng hôn, vừa khâu cái quân hàm hạ sĩ mới toe của hắn lên áo vừa khẽ hát, “A tisket, a tasket, a green and yellow basket.”6
Một đồng cỏ voi nặng trĩu gió, cúi rạp mình dưới cánh quạt trực thăng quay, cỏ sẫm màu và nhu thuận, gập xuống thấp, nhưng rồi dựng thẳng dậy ngay khi trực thăng đi khỏi.
Một đường mòn đất sét đỏ ngoài làng Mỹ Khê.
Một quả lựu đạn cầm tay.
Một gã trai mảnh dẻ, chết, tuấn tú, chừng hai mươi tuổi.
Kiowa nói, “Không có cách nào, Tim. Mày có thể làm gì khác?”
Kiowa nói, “Đúng không?”
Kiowa nói, “Nói tao nghe.”
Bốn mươi ba tuổi, cuộc chiến diễn ra cách nay đã nửa đời người, thế mà sự nhớ làm cho nó trở thành hiện tại. Và đôi khi sự nhớ sẽ dẫn đến một câu chuyện, câu chuyện làm cho cuộc chiến trở thành mãi mãi. Chuyện về chiến tranh là thế. Những câu chuyện là để gắn liền quá khứ vào tương lai. Những câu chuyện là dành cho những giờ khuya khoắt khi ta không còn nhớ được bằng cách nào mình đã chuyển từ nơi mình từng ở tới nơi mình đang ở. Những câu chuyện là dành cho sự vĩnh hằng, khi ký ức đã bị xóa sạch. Khi chẳng còn gì để nhớ ngoài câu chuyện.
--------------------
[3] GI: Tên “lóng” dùng để gọi quân nhân Mỹ (viết tắt từ “galvanized iron”, tuy nhiên cũng có thể là của “Government Issue” hay “General Infantry”.)
[4] Nguyên văn: “an old poppa-san” – “poppa-san” là tiếng lóng lính Mỹ dùng để chỉ một người đàn ông Việt.
[5] Tức bán đảo Ba Làng An, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, không xa căn cứ quân sự Chu Lai (trước đây) và làng Mỹ Lai nơi xảy ra vụ thảm sát khét tiếng trong lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Nơi này mang tên như vậy có thể là do có ba làng cùng tên An: Vân An, An Chuẩn, An Hải. Thời thuộc Pháp, người Pháp gọi bán và mũi đất này là Batangan.
[6] Câu đầu trong một bài hát đồng dao của trẻ em Mỹ từ cuối thế kỷ 19: “A-tisket a-tasket / A green and yellow basket / I wrote a letter to my love / And on the way I dropped it, / I dropped it, / I dropped it, / And on the way I dropped it, / A little boy he picked it up and put it in his pocket.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét