Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Trên dòng sông mưa

 


  • Những thứ họ mang

Trên dòng sông mưa

 Tim O'Brien

Đây là một câu chuyện trước đây tôi chưa bao giờ kể. Không kể với ai. Với cha mẹ tôi, không, với anh chị em, không, cả với vợ tôi cũng không. Tôi luôn luôn nghĩ, kể nó ra thì sẽ chỉ gây lúng túng cho tất cả chúng tôi, khiến ai nấy đều bỗng nhiên cảm thấy cần phải ở nơi nào đó khác, cái phản ứng tự nhiên trước một lời thú nhận. Ngay cả bây giờ, tôi phải thừa nhận, câu chuyện này vẫn khiến tôi bối rối. Đã hơn hai mươi năm qua tôi cố sức sống chung với nó, cảm thấy hổ thẹn, muốn gạt nó đi, và thế là bằng hành vi nhớ lại này, bằng cách đưa các sự kiện lên trang giấy, tôi những mong cất đi được ít nhất là một phần cái gánh nặng đè lên những giấc mơ của tôi. Dẫu vậy, nó vẫn là một câu chuyện khó kể. Tất cả chúng tôi, chắc vậy, đều muốn tin rằng trong tình huống khẩn cấp về đạo đức chúng tôi sẽ hành xử như những người hùng thời niên thiếu của mình, dũng cảm và trung thực, không nghĩ gì đến thiệt thòi hay mất thể diện cá nhân. Nhất định đó là niềm tin chắc của tôi mùa hè năm 1968, Tim O’Brien, một người hùng ẩn dấu. Người Hiệp Sĩ Đơn Độc. Nếu như phần cược cho cuộc chơi đủ lớn – nếu như cái ác đủ ác, nếu cái thiện đủ thiện – tôi sẽ không khơi thông một nguồn dũng khí đã tích lũy trong tôi suốt nhiều năm. Dường như hồi đó tôi nghĩ rằng lòng cam đảm đến với chúng ta theo từng số lượng hữu hạn, cũng như một món thừa kế và tằn tiện, cất kỹ nó đi, để cho nó sinh lãi, ta sẽ dần dần nâng cao được vốn dũng khí của mình đặng chuẩn bị cho cái ngày khi tài khoản cần phải rút sạch. Đó là một giả thuyết làm ta vững dạ. Nó miễn cho ta khỏi phải làm những hành vi cam đảm nhỏ nhặt và nhiễu sự thường ngày, nó ban niềm hy vọng và sự cao nhã cho sự hèn nhát lặp đi lặp lại; nó biện minh cho quá khứ đồng thời dồn mọi thứ cho tương lai.

Vào tháng 6 năm 1968, một tháng sau khi tốt nghiệp trường Macalester, tôi bị động viên đi đánh nhau ở một cuộc chiến mà tôi căm ghét. Tôi lúc đó hăm mốt tuổi. Trẻ, đúng, và ngây thơ về chính trị, nhưng dù vậy cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam tôi vẫn thấy hình như là sai trái. Máu một số người đang đổ ra vì những lý do khập khiễng. Tôi chẳng thấy có sự thống nhất nào về mục đích, chẳng có đồng thuận nào về triết học hay lịch sử hay luật pháp. Bản thân các sự kiện cũng bị che phủ trong mơ hồ nhất định: Đó có phải là nội chiến không? Chiến tranh giải phóng dân tộc hay chỉ là sự xâm hấn? Ai phát động nó, khi nào, tại sao? Điều gì đã thực sự xảy ra với chiến hạm USS Maddox của Hoa Kỳ vào cái đêm đen ấy ở Vịnh Bắc Bộ? Hồ Chí Minh là một tay bù nhìn Cộng sản hay một cứu tinh dân tộc, hay cả hai, hay chẳng đằng nào cả? Hiệp định Genève là thế nào? SEATO và Chiến tranh Lạnh thì sao? Chiến lược domino là gì? Nước Mỹ bị chia cắt về những chuyện đó và hàng ngàn chuyện khác, và cuộc khẩu chiến đã trào ra khỏi sàn Thượng viện Hoa Kỳ mà tràn ra phố xá, những người thông minh sáng láng mặc áo quần bảnh chọe không sao nhất trí được với nhau ngay cả trong những vấn đề cơ bản nhất về chính sách công. Điều duy nhất chắc chắn trong mùa hè đó là sự phân vân về đạo đức. Quan điểm của tôi hồi đó, mà bây giờ cũng vậy, là ta đừng nên gây chiến tranh nếu như không biết vì sao. Tri thức dĩ nhiên là luôn luôn bất toàn, nhưng tôi cảm thấy dường như, nếu một đất nước dấn vào chiến tranh, nó phải có niềm tin hợp lẽ vào công lý và sự chẳng đặng đừng của việc mình làm. Ta không thể sửa chữa sai lầm của mình. Một khi người ta đã chết, ta không làm cho họ thôi không chết nữa.

Dù thế nào thì đó là niềm xác tín của tôi, và từ hồi còn đi học tôi đã có một quan điểm ôn hòa chống chiến tranh. Không có gì cực đoan, chẳng đầu nóng hay gì gì, chỉ là rung vài tiếng chuông cảnh báo về chủ nghĩa McCarthy, viết dăm bài bình luận tẻ ngắt, nhạt nhẽo cho tờ báo của khu học xá. Dù vậy, cũng lạ, đó hầu như hoàn toàn là một hành động thuần trí óc. Tôi có dồn một phần năng lượng vào đó, dĩ nhiên, nhưng đó là thứ năng lượng luôn đi kèm với với bất kỳ nỗ lực nào mang tính trừu tượng; tôi không cảm thấy mối nguy nào cho bản thân mình; tôi không hề thấy có chuyển biến không may nào sắp xảy ra trong đời tôi. Một cách ngu ngốc, với một sự hờ hững đắc ý mà đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi, hồi đó tôi cho rằng ba cái chuyện giết người với chết chóc sẽ không lọt vào cái tỉnh lẻ của riêng tôi.

Thông báo động viên đến vào ngày 17 tháng Sáu năm 1968. Tôi nhớ lúc ấy là một bổi trưa ẩm ướt, nhiều mây và rất tĩnh mịch, tôi vừa đi đánh gôn về. Ba mẹ tôi đang ăn trưa dưới bếp. Tôi nhớ mình đã mở thư, lướt qua mấy dòng đầu, cảm thấy máu dồn lên đặc sệt sau hai mắt. Tôi nhớ một âm thanh trong đầu tôi. Nó không phải suy nghĩ, chỉ là một tiếng hú câm lặng. Một triệu thứ cùng một lúc – tôi là người quá tốt đối với cuộc chiến này. Quá thông minh, quá từ ái, quá đủ thứ. Chuyện này không thể nào xảy ra được. Tôi cao hơn nó. Tôi đã lừa được cả thế giới – nào điểm ưu Phi Beta Kappa nào tốt nghiệp hạng tối ưu nào chủ tịch hội sinh viên nào học bổng toàn phần nghiên cứu sau đại học ở Harvard. Chắc là nhầm thôi – văn thư xếp nhầm hay gì đấy. Tôi chả phải lính lác gì hết. Tôi ghét Hướng đạo sinh. Tôi ghét cắm trại ngoài trời. Tôi ghét bùn ghét lều ghét muỗi. Hễ thấy máu là tôi muốn mửa, tôi cũng không chịu được sự chuyên quyền, tôi cũng chả phân biệt được súng trường khác cái ná ra sao. Tôi là người theo chủ nghĩa tự do, lạy Chúa: Nếu họ cần mấy cái xác tươi, sao không đi mà tuyển một tên hiếu chiến sót lại từ thời đồ đá? Hay một thằng sô vanh ngu si đội mũ cứng quèo và cài khuy có chữ Ném bom Việt Nam, hay một trong mấy đứa con gái xinh của Lyndon Johnson hay cả cái gia đình đẹp đẽ của Westmoreland – nào cháu trai cháu gái nào cháu nội mới sinh. Lẽ ta phải có một cái luật, tôi nghĩ. Nếu ta ủng hộ cuộc chiến, nếu ta nghĩ nó đáng giá, thì được thôi, nhưng ta phải cho tuôn vào đấy cả những dòng chất lỏng của bản thân mình. Ta phải tiến lên tuyến đầu, phải bám theo một đơn vị bộ binh và giúp họ đổ máu. Và ta phải mang vợ mang con mang người tình của mình theo. Phải có một luật như thế, tôi nghĩ vậy.

Tôi nhớ cơn phẫn nộ trong bụng mình. Sau đó cháy rụi thành một nỗi tự thương thân âm ỉ, rồi thành đờ đẫn. Vào một bữa ăn tối ngày hôm đó ba tôi hỏi tôi dự định làm gì. “Chẳng làm gì cả,” tôi nói. “Đợi.”

 

Suốt hè năm 1968 tôi làm việc tại một nhà máy sản xuất thịt cho quân đội ở thị trấn quê nhà, Worthington, bang Minnesota. Nhà máy này chuyên sản phẩm thịt heo, ngày nào cũng vậy tám tiếng đồng hồ tôi đứng ở một dây chuyền lắp ráp dài một phần tư dặm – đúng ra không phải lắp ráp mà là tháo gỡ – việc của tôi là gỡ hết những cục máu vón lại nơi cổ mấy con heo chết. Chức danh công việc của tôi là Declotter, thợ gỡ máu vón, chắc vậy. Sau khi bị giết, lũ heo bị chặt đầu, xé làm đôi, banh ra, moi lòng ruột, rồi treo lên móc dọc một băng truyền tự động ở trên cao. Rồi lực hấp dẫn vào cuộc. Tới khi mấy cái thân heo đến được chỗ tôi trên dây chuyền, các thứ chất lỏng đã gần như chảy kiệt, chảy hết ráo ngoại trừ những cục máu dày vón lại nơi cổ và khoang ngực trên. Để dỡ mấy thứ đó ra tôi dùng một loại súng phun nước. Cái máy này nặng lắm, có khi tới tám chục pao, thả từ trên trần xuống bằng một cáp cao su nặng. Nó hơi bập bênh, bởi độ co giãn đàn hồi lên xuống, cho nên bí quyết là phải xoay xở khẩu súng bằng toàn bộ thân mình, không nhấc hai tay lên, mà cứ để cho cáp cao su làm việc đó thay mình. Ở một đầu là cò súng; ở đầu nút nòng súng là cái miệng vòi nhỏ và cái bàn chải xoay bằng thép. Khi một thân heo đi ngang, ta liền cúi về phía trước, xoay súng lên hướng vào cục vón, bóp cò, tất cả chỉ trong một động tác, thế là bàn chải sẽ xoáy tròn, nước sẽ bắn ra và ta nghe một tiếng xòa nhanh khi mấy cục vón tan ra thành một thứ sương mịn đỏ. Chẳng phải là công việc dễ chịu gì. Nhất thiết phải mang kính che mắt, đeo tạp dề cao su, nhưng dù có vậy đi nữa thì cũng chả khác gì đứng tám tiếng một ngày dưới một trận mưa rào âm ấm toàn máu. Đêm nào về nhà tôi cũng toàn mùi heo. Mùi ấy không sao đi được. Dù đã tắm nước nóng, kỳ cọ ra trò, nó luôn luôn còn đó, như mùi thịt hun khói để lâu, hay xúc xích, một thứ mùi heo nhờn mỡ đặc quánh ngấm sâu vào da vào tóc vào lông tôi. Ngoài những chuyện khác, tôi nhớ những ngày ấy thật khó mà hẹn hò ai. Tôi thấy mình bị tách biệt; phần lớn tôi toàn thui thủi một mình. Rồi lại còn tờ thông báo động viên nhét trong ví nữa.

Chiều chiều tôi hay mượn xe cha tôi lái loanh quanh thị trấn, cảm thấy thương thân, nghĩ về cuộc chiến về nhà máy thịt heo và nghĩ đến chuyện đời tôi dường như đang suy sụp về phía sự giết chốc. Tôi thấy mình tê liệt. Quanh tôi những lựa chọn dường như đang thu hẹp lại, như thể tôi đang lao vút xuống một cái phễu cực lớn đen ngòm, toàn thế giới siết chặt lại từ tứ phía. Không có đường thoát may mắn nào. Chính phú đã chấm dứt hoãn quân dịch đối với hầu hết sinh viên tốt nghiệp; danh sách chờ nhập Vệ binh Quốc gia và Lực lượng Dự bị dài chưa từng thấy; sức khỏe tốt; tôi không đủ tư cách để bị liệt vào hàng Phản đối chiến tranh có ý thức (Conscientious objector, CO) – không có nền tảng tôn giáo, cũng chẳng có tiền sử là người theo chủ nghĩa hòa bình. Hơn nữa, tôi không thể tự xưng mình chống chiến tranh dựa trên một nguyên tắc chung. Tôi tin rằng có những trường hợp một dân tộc được biện chính về việc dùng lực lượng quân sự để đạt được mục đích, để ngăn chặn một tên Hitler hay một cái ác cùng kiểu ấy, và tôi tự nhủ rằng trong những tình huống đó tôi sẽ dằn lòng bước vào trận chiến. Tuy nhiên, vấn đề là ban tuyển quân chẳng cho ta quyền lựa chọn cuộc chiến của mình.

Ngoài mấy chuyện đó ra, hay đúng hơn, nằm ngay trên tâm điểm vấn đề, là cái sự thực thô thiển rằng tôi khiếp sợ, tôi không muốn chết. Chẳng phải là tôi muốn đừng bao giờ chết. Nhưng dẫu chết thì cũng nhất định là không phải khi đó, không phải ở đó, trong một cuộc chiến sai trái. Lái xe dọc theo Phố Chính, qua toàn án qua cửa hiệu Ben Franklin, đôi khi tôi cảm thấy nỗi sợ lan tràn ra bên trong mình như cỏ dại. Tôi không hình dung chính mình chết. Tôi hình dung mình làm những việc vốn không thể làm – xung trận chiếm vị trí của địch, nhắm bắn một con người khác.

Đến một lúc vào giữa tháng Bảy tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ tới chuyện chạy sang Canada. Biên giới chỉ cách vài trăm dặm về phía Bắc, lái xe hết tám giờ là tới. Cả lương thức lẫn bản năng tôi đều bảo tôi cứ làm đi, cứ co giò chạy như điên đừng bao giờ ngừng lại. Ban đầu ý nghĩ đó có vẻ thuần tuý trừu tượng, cái từ Canada hiện tra trong đầu tôi; nhưng sau một hồi tôi nhìn ta được những hình thù và hình ảnh cụ thể, những chi tiết khốn khổ của tương lai chính tôi – một phòng khách sạn ở Winnipeg, một cái va li cũ tả tơi, cặp mắt ba tôi khi tôi cố giải thích qua điện thoại vì sao tôi làm thế. Tôi hầu như nghe được giọng ông, và giọng mẹ tôi. Chạy đi, tôi nghĩ. Rồi tôi nghĩ, không thể được. Rồi một giây sau tôi nghĩ, Chạy đi.

Đó là một kiểu thần kinh phân liệt. Giằng xé về đạo đức. Tôi không sao quyết định được. Tôi sợ chiến tranh, đúng, nhưng tôi cũng sợ cả lưu vong. Tôi sợ phải xa rời cuộc sống của mình, khỏi bạn bè khỏi gia đình, khỏi toàn bộ câu chuyện đời của tôi, bất cứ cái gì quan trọng đối với tôi. Tôi sợ đánh mất niềm tôn trọng của mẹ cha. Tôi sợ pháp luật. Tôi sợ bị người trách móc chê cười. Thị trấn quê tôi là một chốn nhỏ bé bảo thủ vùng đồng bằng, nơi truyền thống rất được xem trọng, nên chẳng khó hình dung người ta ngồi quanh bàn ở quán cà phê Gobble cũ kỹ dưới Phố Chính, mấy cốc cà phê xếp ngay ngắn, cuộc trò chuyện từ từ xoáy vào thằng con nhà O’Brien, cái thằng gà chết trời đánh đó dông sang Canada rồi. Đêm đêm, những khi không ngủ được, đôi khi tôi cãi nhau kịch liệt với những người đó, tôi hét toáng lên với họ, bảo họ rằng tôi ghê tởm cái lối họ thuận theo cuộc chiến tranh này một cách tự động, mù quáng, không suy nghĩ, cái chủ nghĩa ái quốc thiển cận của họ, sự ngu dốt đầy kiêu căng của họ, những câu ba láp kiểu một-là-yêu-hai-là-bỏ của họ, cái lối bọn họ buộc tôi phải tham gia một cuộc chiến tranh mà họ không hiểu và cũng không muốn hiểu. Tôi quy cho họ phải chịu trách nhiệm. Trước Chúa Trời, phải, tôi đã làm như vậy. Tất cả bọn họ – tôi buộc họ, từng người một, với tư cách cá nhân, phải chịu trách nhiệm – những tay Kiwanis7mặc áo vải pô-li-ét-te, các thương nhân các nông gia, những con chiên ngoan đạo chăm đi lễ nhà thờ, những bà nội trợ bẻm mép, Hiệp hội Phụ huynh-Giáo viên và câu lạc bộ Sư tử và Hội Cựu chiến binh và mấy vị thượng lưu lịch lãm ở câu lạc bộ giải trí ngoài trời. Họ không biết Bảo Đại khác với người từ mặt trăng tới ở điểm nào. Họ không biết lịch sử. Họ không biết tí ti gì về sự chuyên quyền tàn bạo của Diệm, hay bản chất chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam, hay thời kỳ bị đô hộ lâu dài dưới ách thực dân Pháp – tất cả chuyện này quá ư phức tạp, muốn biết muốn hiểu thì phải đọc – nhưng không sao, đây là một cuộc chiến nhằm ngăn chặn Cộng sản, rõ ràng và đơn giản, họ thích là thích như vậy đấy, và ta là một tên khốn khiếp phản bội nếu như ta cứ đắn đo suy tính mãi về chuyện giết người hay chuyện chết vì những lý do đơn giản.

Tôi cay đắng, dĩ nhiên. Nhưng còn hơn thế nhiều. Cảm xúc chuyển từ phẫn nộ sang kinh hoàng sang hoang mang sang tội lỗi sang buồn phiền rồi quay trở lại phẫn nộ. Tôi cảm thấy một căn bệnh ở bên trong mình. Thực sự là bệnh.

Hầu hết những điều này tôi đã kể rồi, hay ít nhất là có nhắc bóng gió, nhưng cái tôi chưa bao giờ kể là trọn vẹn sự thật. Rằng tôi đã gục ngã. Rằng một sáng nọ đương làm việc, đứng trên dây chuyền thịt heo, tôi thấy có gì đó vỡ tung trong ngực. Tôi không biết đó là gì. Tôi sẽ chẳng bao giờ biết. Nhưng nó có thực, chừng đó thì tôi biết, nó là một sự đứt gãy có tính vật thể – một cảm giác gãy gập-rò-rỉ-bật tung ra. Tôi nhớ mình đã buông lơi cây súng phun nước. Nhanh chóng, hầu như không suy nghĩ, tôi tháo tạp dề rồi đi nhanh ra khỏi nhà máy, lái xe về nhà. Lúc đó là giữa buổi sáng, tôi nhớ vậy, nhà vắng tanh. Sâu trong ngực tôi vẫn còn cái cảm giác rò rỉ đó, một cái gì đó rất ấm và rất quý giá đang trào ra, người tôi thì đầy máu và mùi hôi của lợn, và suốt một hồi lâu tôi tập trung cố gắng trấn tĩnh lại. Tôi nhớ mình đã tắm nước nóng. Tôi nhớ mình đã gói ghém va li rồi mang xuống bếp, đứng thật im trong vài phút, nhìn kỹ những món đồ quen thuộc xung quanh tôi. Cái máy nướng bánh cũ bằng cờ rôm, cái điện thoại, mặt quầy bếp bằng phoóc mi ca hồng và trắng. Căn phòng đầy nắng sáng. Mọi thứ lấp lánh. Nhà mình, tôi nghĩ. Đời tôi. Tôi không chắc mình đứng đó bao lâu, nhưng cuối cùng tôi ngoáy vội vài chữ cho ba mẹ.

Thư nói gì, nay tôi không nhớ chính xác nữa. Cái gì đó mơ hồ. Con đi, sẽ gọi về, yêu bố mẹ, Tim.

 


Tôi lái xe về phía Bắc.

Nay thì cảnh đó lờ mờ, hồi đó cũng vậy, tôi chỉ nhớ được mỗi một cảm giác tốc độ cao và cảm nhận về cái vô lăng trong tay mình. Tôi đang lái xe bằng adrenalin. Một cảm giác chóng mặt, theo cách nào đó, trừ mỗi chuyện nó có cái khía cạnh mơ màng của điều bất khả – như là đang chạy trong một mê cung toàn ngõ cụt, không lối thoát – nó không thể trở thành một kết cục có hậu, thế nhưng tôi vẫn cứ làm bởi đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ tới đặng mà làm. Đó là chạy chốn thuần túy, nhanh chóng và không suy nghĩ. Tôi chẳng có kế hoạch gì. Cứ thế mà lao thật nhanh đến biên giới rồi bứt ngang qua và cứ thế chạy tiếp. Trời gần tối thì tôi băng qua Bemidji, rồi rẽ hướng Đông Bắc đến International Falls. Tôi ngủ đêm trên xe, đằng sau một trạm xăng đóng cửa cách biên giới nửa dặm. Sáng ra, khi đổ xăng, tôi đi thẳng về phía Tây dọc theo Sông Mưa – Rainy River, sông này ngăn cách bang Minnesota với Canada, và đối với tôi là ngăn cách cuộc đời này với cuộc đời khác. Nơi đây hầu hết là cảnh hoang vu. Đây đó tôi đi qua một khách sạn ven đường hay cửa hàng dành cho khách vãng lai, nhưng ngoài ra thì vùng này toàn cây thông với cây bu lô và cây sơn trải dài ngút mắt. Tuy vẫn đang tháng Tám, không khí đã phảng phất của tháng Mười, mùi bóng bầu dục, những đống lá vàng đỏ, mọi thứ đều mát lạnh và trong sạch. Tôi nhớ bầu trời xanh cao rộng. Bên phải tôi là Sông Mưa, đôi chỗ rộng như cái hồ, còn bên kia Sông Mưa là Canada.

Mãi hồi lâu tôi cứ lái, chẳng nhằm một cái gì, thế rồi gần trưa tôi bắt đầu tìm một nơi tạm lánh một hai ngày. Tôi mệt lắm, lại còn sợ đến phát bệnh, thế rồi khoảng giữa trưa tôi đánh xe vào một khu câu cá cũ gọi là Tip Top Lodge. Kỳ thực đó chẳng phải là nhà nghỉ hay gì cả, mà chỉ là tám chín túp lều nhỏ xíu màu vàng túm tụm trên một bán đảo nhô ra Sông Mưa về phía Bắc. Nơi này trông thật thảm thương. Có một bến thuyền bằng gỗ trông nguy hiểm, một bể nuôi cá tuế, một túp nhà để thuyền bằng giấy dầu tuềnh toàng dọc theo bờ. Căn nhà chính, xây giữa một cụm cây thông trên đất cao, dường như chếch hẳn về một phía, giống như một người què, mái nhà sệ về phía Canada. Tôi thoáng nghĩ đến chuyện quay đi, đành chịu thua, nhưng rồi tôi ra khỏi xe mà đi lại phía cổng trước.

Người đàn ông ra mở cửa ngày hôm đó là người hùng của đời tôi. Làm sao tôi có thể nói thế mà không nghe có vẻ ngớ ngẩn? Nói gọn một tiếng – người đã cứu đời tôi. Ông cho tôi đúng cái tôi cần, không gặng hỏi, không một lời nào hết. Ông đón nhận tôi. Ông ở đó đúng vào thời khắc nước sôi lửa bỏng – một sự hiện diện thầm lặng, thấu hiểu. Sáu ngày sau, khi chuyện đó kết thúc, tôi không tìm được cách nào ra hồn để cảm ơn ông, và tôi cũng chưa hề cảm ơn ông, và bởi vậy, nếu không còn gì khác, câu chuyện này là một hành động tri ân nho nhỏ, muộn hai mươi năm.

Thậm chí dù sau hai thập kỷ tôi vẫn có thể nhắm mắt lại và thấy mình quay về nơi cánh cổng ấy ở Tip Top Lodge. Tôi có thể thấy ông già nhìn tôi chằm chặp. Elroy Berdahl: tám mươi mốt tuổi, gầy nhom teo tóp và hầu như hói trụi. Ông mặc sơ mi vải nỉ và quần lao động màu nâu. Tôi nhớ một tay ông cầm trái táo xanh, tay kia là con dao nhỏ gọt trái cây. Mắt ông có cái màu xám hơi xanh xanh như lưỡi dao cạo, cũng cái ánh bóng láng đó, có cảm giác như cắt được, tựa hồ cái nhìn của ông đang bằng cách nào đó xé toạc tôi ra. Một phần, chắc chắn như vậy, là do cảm giác tội lỗi của chính tôi, nhưng dù có vậy đi nữa tôi cũng tin chắc tuyệt đối rằng ông già chỉ cần nhìn một cái là đã thấu suốt vào tâm điểm sự việc – một cậu trai đang lúc gay go. Khi tôi hỏi thuê phòng, Elroy tặc lưỡi khe khẽ. Ông gật, dẫn tôi đến một trong máy túp lều, rồi thả một chiếc chìa khóa vào tay tôi. Tôi nhớ mình đã cười với ông. Tôi cũng nhớ khi đó tôi ước gì mình đã không cười. Ông già lắc đầu, như muốn bảo rằng chuyện đó chẳng bõ bận tâm.

“Ăn tối lúc năm rưỡi,” ông nói. “Cậu ăn cá không?”

“Gì cũng ăn.”

Elroy nhún vai nói, “Chắc rồi.”

 

Chúng tôi ở cùng nhau sáu ngày tại Tip Top Lodge. Chỉ hai chúng tôi. Mùa du lịch đã qua, chẳng có chiếc thuyền nào trên sông, cả vùng hoang vắng này dường như thu mình lại thành một sự tĩnh lặng mênh mông thường trực. Suốt sáu ngày đó Elroy Berdahl và tôi hầu như bữa nào cũng ăn cùng nhau. Buổi sáng đôi khi chúng tôi cùng đi bộ mãi lâu vào rừng, còn buổi tối chúng tôi chơi cờ đam hoặc nghe đĩa nhạc hoặc ngồi trước cái lò sưởi to bằng đá của ông. Đôi khi tôi ngượng ngập thấy mình là kẻ ngoài xâm nhập vào đây, nhưng Elroy tiếp nhận tôi vào cái nếp thường lặng lẽ của ông mà không hề đon đả hay khách khí. Ông chấp nhận sự có mặt tôi như là lẽ đương nhiên, cũng như ông cho một con mèo đi lạc vào nương náu nhà mình – không thương hại vớ vẩn, không thở vắn than dài – và không bao giờ nói về chuyện ấy. Ngược lại. Tôi nhớ hơn hết là sự im lặng đăm chiêu, hầu như bạo liệt của con người đó. Suốt thời gian ở cạnh nhau, ngần ấy tiếng đồng hồ, ông chẳng bao giờ hỏi câu hỏi quá rõ ràng: Tại sao tôi ở đấy? Sao chỉ một mình? Sao bần thần lo lắng vậy? Nếu Elroy có tò mò đi nữa, ông cũng cẩn trọng không bao giờ nói thành lời.

Dẫu vậy, tôi có linh cảm rằng ông đã biết. Ít nhất là về cơ bản. Xét cho cùng, đấy là năm 1968, đám thanh niên đang đốt thẻ quân dịch, và Canada chỉ cách một quãng thuyền. Elroy Berdahl chẳng phải là dân quê mùa thô kệch. Giường ông nằm, theo tôi nhớ, ngổn ngang những sách và tạp chí. Ông hạ sát ván tôi trên bàn cờ đam mà chả cần tập trung gì mấy, và, những lúc hiếm hoi cần đến lời nói, ông có cái kiểu nén chặt các ý tưởng lớn thành những gói ngôn từ nhỏ, bí hiểm. Một chiều nọ, ngay khi mặt trời lặn, ông chỉ vào một con cú đang lượn vòng trên cánh rừng được chiếu rọi trong màu tím về phía Tây.

“Này O’Brien,” ông nói. “Chúa Giê-su đấy.”

Con người này thật sắc bén – ông hiếm hoi bỏ sót cái gì. Cặp mắt như dao cạo đó. Thỉnh thoảng ông bắt gặp tôi đang nhìn chăm chăm ra dòng sông, bờ phía xa kia, và tôi hầu như nghe được những cái lẫy khóa kêu lách cách trong đầu ông. Có thể tôi nhầm, nhưng chắc là không.

Một điều tôi tin chắc, đấy là ông biết tôi đang có chuyện vô cùng khó xử. Và ông biết tôi không thể nói về chuyện ấy, Chỉ cần một lời sai – hay thậm chí một lời đúng – là tôi sẽ biến mất. Tôi đang rất bồn chồn kích động. Da tôi nghe quá căng. Có một tối nọ sau khi ăn tối tôi nôn mửa, liền quay về lều mình nằm một lát rồi lại nôn; lần khác, lúc giữa trưa, tôi toát mồ hôi và không sao dừng được. Suốt mấy ngày liền tôi cứ váng vất vì buồn. Tô không ngủ được: tôi chẳng nằm yên được. Đêm tôi cứ trăn qua trở lại trên giường, nửa thức nửa mơ, cứ tưởng tượng mình lên xuống bờ sông, âm thầm đẩy một trong mấy chiếc thuyền của ông già xuống sông rồi chèo sang bên Canada. Có những lúc tôi e mình đến nước phát rồ mất. Tôi không còn biết nổi đâu trên đâu dưới, tôi cứ thế rơi, và đêm khuya tôi nằm đó nhìn những hình ảnh kỳ quặc xoáy ngang qua tâm trí tôi. Bị Tuần tra Biên giới săn đuổi – nào trực thăng nào đèn rọi vào nào chó sủa – tôi cứ thế sầm sầm chạy qua rừng, tôi bò bốn chân tay – người ta réo tên tôi – luật pháp siết lại từ bốn phía – ban tuyển quân ở thị trấn quê tôi và FBI và Cảnh sát Cưỡi ngựa của Hoàng gia Canada. Tất cả có vẻ vừa điên rồ vừa không thể có thật. Hai mươi mốt tuổi, một gã trai bình thường với những giấc mơ và tham vọng rất bình thường, chỉ muốn mỗi một điều là được sống cái cuộc đời mình sinh ra để sống – sống như mọi người vẫn sống – tôi thích bóng chày thích hamburger thích Coke vị anh đào – thế mà giờ tôi ở đây mấp mé bên lề kiếp lưu vong, vĩnh viễn rời xa quê hương, chuyện đó với vẻ vừa không thể xảy ra vừa khủng khiếp vừa buồn thảm.

Tôi không biết làm thế nào tôi đã gượng qua được sáu ngày ấy. Hầu hết tôi không còn nhớ được. Có hai, ba buổi chiều, để cho qua thời giờ, tôi giúp Elroy soạn sửa khu nhà nghỉ cho mùa đông, quét dọn các túp lều và kéo thuyền lên bờ, những việc vặt giúp thân thể tôi nhúc nhích. Những ngày đó lạnh và sáng sủa. Đêm thì tối om. Một sáng nọ ông già chỉ cho tôi cách chẻ củi rồi xếp thành đống, và suốt vài giờ chúng tôi lẳng lặng làm việc phía sau căn nhà ông. Tôi nhớ là, đến một lúc, Elroy đặt vồ xuống nhìn tôi hồi lâu, môi ông dẩu ra như thể đang tạo hình cho một câu hỏi khó, nhưng rồi ông lắc đầu và tiếp tục làm. Sự tự chủ của con người này thật đáng kinh ngạc. Ông chả bao giờ tọc mạch dò hỏi. Ông chẳng bao giờ đặt tôi vào cái thế buộc phải nói dối hay chối quanh. Đến độ, tôi hình dung, sự thâm trầm của ông tiêu biểu cho vùng này của Minnesota. Nơi sự riêng tư vẫn còn được người ta kính trọng, và thậm chí dù tôi là một kẻ kỳ hình dị tướng đến độ kinh khiếp – bốn tay ba đầu – đi chăng nữa thì ông vẫn sẽ hiểu rằng lời nói không đủ. Vấn đề đã nằm ngoài mọi bàn luận. Suốt mùa hè dài ấy tôi cứ lật lui lật tới hết lý lẽ này đến lý lẽ kia, những được và mất, và đo bằng một hành vi thuần lý tính nữa. Trí tuệ đã trỗi dậy chống lại cảm xúc. Lương thức tôi bảo tôi chạy trốn, nhưng có một thứ lực phi lý và mạnh mẽ nào đó cưỡng lại, như một trọng lượng lôi tôi về phía cuộc chiến. Rốt cuộc nó trở thành cảm giác xấu hổ, thật ngu ngốc. Nỗi xấu hổ nóng ổi, ngu ngốc. Tôi không muốn người ta nghĩ xấu về tôi. Cha mẹ tôi, không, anh chị em tôi, không, thậm chí những người ngồi ở cà phê Gobbler cũng không. Tôi xấu hổ vì có mặt ở đó, ở Tip Top Lodge. Tôi xấu hổ vì lương tâm của mình, xấu hổ vì đang làm điều phải.

Chút gì đó ở điều này ắt hẳn ông Elroy hiểu. Không phải chi tiết, dĩ nhiên, nhưng là cái sự thực hiển nhiên rằng đang có một nan đề khó giải.

Mặc dù ông già chẳng bao giờ gặng hỏi tôi về nó, nhưng có một lần ông đã tiến gần đến chỗ buộc tôi phải nói thẳng ra toàn bộ sự việc. Lúc ấy xế trưa, hai chúng tôi vừa ăn xong, đương uống cà phê ăn tráng miệng thì tôi hỏi ông xem tôi phải trả bao nhiêu, cho đến giờ nợ bao nhiêu. Mãi một hồi lâu ông già nheo mắt nhìn tấm khăn trải bàn.

“Ờ thì ở căn bản là năm mươi đô một đêm,” ông nói. “Không tính tiền ăn. Bốn đêm rồi phải không?”

Tôi gật. Tôi có ba trăm mười hai đô trong ví.

Elroy vẫn dán mắt vào khăn bàn. “Nhưng đấy là giá lúc vào mùa. Để công bằng, tôi nghĩ ta có thể hạ xuống chút đỉnh.” Ông ngả người vào ghế. “Theo cậu bao nhiêu là hợp lý?’

“Cháu chả biết,” tôi nói. “Bốn mươi?”

“Bốn mươi, được. Bốn mươi một đêm, còn ăn thì sao, thêm một trăm nữa nhé? Tổng cộng hai trăm sáu mươi?”

“Chắc vậy.”

Ông nhướn mày. “Nhiều quá hả?”

“Không, vậy là vừa. Được rồi. Nhưng mà mai… chắc mai cháu đi thì hơn.”

Elroy nhún vai và bắt tay vào dẹp bàn. Ông bận rộn với đống bát đĩa một hồi, vừa làm vừa huýt sáo như thể vấn đề vậy là dàn xếp xong. Sau khoảng một giây ông vỗ hai tay vào nhau.

“Cậu biết chúng ta quên gì không?” ông nói. “Quên tiền công. Mấy việc vặt cậu đã làm ấy. Việc mình phải làm là tính xem thời gian làm việc của cậu quy ra được bao nhiêu tiền. Việc làm gần đây nhất của cậu – mỗi giờ cậu kiếm được bao nhiêu tiền?”

“Không đủ”

“Kém à?”

“Dạ, hơi kém.”

Thế là, chậm rãi, dẫu không định nói dài dòng, tôi kể cho ông nghe về những ngày làm ở nhà máy thịt heo. Thoạt tiên ấy chỉ đơn thuần thuật lại các sự việc, nhưng chưa kịp ngăn mình lại thì tôi đã bắt đầu nói về những cục máu đông về khẩu súng nước về cái mùi đã ngấm vào da không sao gội đi được. Tôi cứ thế kể hồi lâu. Tôi kể về tiếng heo kêu eng éc trong giấc mơ, về chuyện đôi khi tôi choàng tỉnh dậy nghe cái mùi heo nhầy mỡ đó trong cổ họng mình.

Khi tôi nói xong, Elroy gật với tôi.

“Ừm, nói thật,” ông nói, “khi cậu mới tới đây, tôi đã tự hỏi chuyện đó. Là cái mùi đó mà. Mùi nghe cứ như cậu khoái thịt thăn heo đến mức kinh hồn ấy.” Ông già hầu như mỉm cười. Ông khịt khịt mũi, đoạn ngồi xuống với một cây bút chì và một mảnh giấy. “Vậy là cái nghề cu li đó cậu kiếm được bao nhiêu? Mười đô một giờ? Mười lăm?”

“Ít hơn.”

Elroy lắc đầu. “Cứ cho mười lăm đi. Cậu làm ở đây hai mươi lăm giờ, dễ mà. Tính ra là tổng cộng ba trăm bảy lăm đô tiền công. Trừ hai trăm sáu chục tiền phòng với tiền ăn, tôi còn nợ cậu một trăm mười lăm.”

Ông rút bốn tờ năm chục ra khỏi túi áo, đặt lên bàn.

“Coi như sòng phẳng nha.” Ông nói.

“Không.”

“Cầm lấy. Đi mà cắt tóc.”

Món tiền nằm trên bàn suốt buổi chiều hôm đó. Khi tôi quay về lều mình, nó vẫn ở đấy. Tuy nhiên, sáng hôm sau, tôi thấy một cái phong bì giắt vào khe cửa phòng tôi. Trong phong bì là bốn tờ năm mươi đô và một mẩu giấy ghi mấy chữ, QUỸ PHÒNG KHI KHẨN CẤP.

Ông già biết.

 

Nay nhìn lại sau hai mươi năm, đôi khi tôi tự hỏi phải chăng các sự kiện mùa hè năm ấy đã không xảy ra một chiều kích khác, nơi mà cuộc đời ta hiện hữu trước khi ta sống nó, và sau đó nó đi đâu. Chẳng có gì có vẻ là thực cả. Suốt thời gian lưu lại Tip Top Lodge tôi cứ có cảm giác mình đã tuột ta khỏi bộ da của chính mình, treo lơ lửng cách đó chừng một mét trong khi một con lật đật thảm hại nào đó mang cái tên và bộ mặt tôi gắng sức tiến tới một tương lai mà nó không hiểu và không muốn. Cả bây giờ tôi cũng thấy được chính mình như hồi đó. Giống như là xem một bộ phim cũ tự mình quay: tôi trẻ trung rám nắng và khỏe mạnh. Tôi có lông tóc – nhiều lông tóc. Tôi không hút thuốc không uống rượu. Tôi mặc quần gin xanh bạc thếch, áo thun trắng. Tôi có thể thấy mình ngồi trên bến thuyền của Elroy Berdahl một chiều nọ khi mặt trời sắp lặn, bầu trời màu hồng lấp lánh rực rỡ, tôi đang viết nốt bức thư gửi ba mẹ trong đó tôi kể tôi sắp làm gì, tại sao làm và tôi hối tiếc đến nhường nào vì chẳng đủ can đảm nói chuyện với ba mẹ vì chuyện đó. Tôi xin ba mẹ đừng giận. Tôi cố giải thích vài cảm xúc của mình, nhưng không đủ lời, thế nên tôi chỉ nói đó là một việc phải làm. Cuối thư tôi nói về những kỳ nghỉ hè cả nhà tôi thường lên vùng phía Bắc này, ở một nơi gọi là Hồ Cá Trắng, nói rằng phong cảnh ở đây khiến tôi nhớ lại những lần tươi đẹp ấy. Tôi bảo ba mẹ là tôi ổn. Tôi nói với ba mẹ rằng khi đến Winnipeg hay Montreal hay đâu đấy thì tôi sẽ lại viết thư về.

Vào ngày cuối cùng mà tôi ở trọn vẹn tại Tip Top Lodge, ngày thứ sáu, ông già dẫn tôi đi câu trên dòng Sông Mưa. Chiều hôm đó nắng và lạnh. Một làn gió ngột ngạt thổi tới từ phía Bắc, làm tôi nhớ lại con thuyền nhỏ dài hơn bốn mét tròng trành rất dữ khi chúng tôi chống thuyền từ bến ra. Dòng nước chảy nhanh. Tôi nhớ, bốn phía quanh chúng tôi là một thế giới rộng mênh mang, một cảnh nguyên sơ không người, chỉ có cây cối, bầu trời và dòng nước trải dài ngút mắt. Không khí có mùi lành lạnh của tháng Mười.

Trong khoảng mươi mười lăm phút Elroy cho thuyền bơi về phía thượng nguồn, dòng sông gợn sóng màu xám bạc, đoạn ông ngoặt thẳng sang phía Bắc và để động cơ chạy hết ga. Tôi cảm thấy mũi thuyền nâng lên bên dưới tôi. Tôi nhớ gió reo trong tai tôi, âm thanh của chiếc mô tơ Evinrude cũ gắn ngoài thuyền. Trong một lát tôi không chú tâm đến một cái gì, chỉ cảm thấy cái lạnh rây rây trên mặt, nhưng rồi tôi chợt nghĩ ra là có một lúc nào đó ắt hẳn chúng tôi đã tiến sang thủy phận của Canada, băng qua cái đường chấm chấm ngăn giữa hai thế giới khác nhau, và tôi nhớ lúc đó chợt nghe ngực thắt lại khi ngẩng lên nhìn cái bờ xa đang tiến lại gần mình. Đây không phải giấc mơ ngày. Nó sờ mó được, có thực. Trong khi chúng tôi tiến gần đến bờ đất, Elroy tắt động cơ, để cho thuyền bập bềnh nhè nhẹ cách bờ khoảng hai mươi mét. Ông già không nhìn tôi hay nói chuyện. Cúi người xuống, ông mở hộp đồ nghề ra rồi bận bịu với cục bần và vòng xỏ lưỡi câu, vừa làm vừa hát nho nhỏ, mắt cụp xuống.

Chừng đó tôi chợt nghĩ ra là ắt hẳn chuyện này ông lên kế hoạch trước rồi. Không bao giờ biết chắc được, dĩ nhiên, nhưng tôi nghĩ ông có ý khiến tôi phải đối mặt với thực tại, dẫn tôi sang sông và đưa tôi đến mép bờ rồi làm cảnh giới cho tôi trong khi tôi chọn một cuộc sống cho mình.

Tôi nhớ mình nhìn chăm chăm ông già, rồi nhìn tay tôi, đoạn nhìn Canada. Dải bờ sông dày đặc bụi rậm và cây thân gỗ. Tôi thấy những quả dâu nhỏ xíu màu đỏ trên các bụi cây. Tôi thấy một con sóc trên một trong mấy cây dương, một con quạ to đứng trên tảng đá ven sông nhìn tôi. Gần thế – hai mươi mét – tôi có thể thấy những chòm lá đan thành mắt cáo tinh vi, chất đất, những mũi kim nhọn màu nâu dưới các cây thông, cấu hình địa chất và cấu hình lịch sử con người. Hai mươi mét. Tôi có thể làm được chuyện ấy. Tôi có thể nhảy xuống và khởi sự bơi để làm nên cuộc đời tôi. Cả bây giờ, khi viết chuyện này ra, tôi vẫn còn cảm thấy cái quặn thắt đó. Và tôi muốn bạn cảm nhận được nó – gió từ sông phả lên, sóng nước im lặng, biên giới cây rừng. Bạn đang ngồi trên mũi một con thuyền trên Sông Mưa. Bạn hai mốt tuổi, bạn sợ, và có cái sức ép nặng nề siết chặt lấy ngực bạn.

Bạn sẽ làm gì?

Bạn có nhảy không? Bạn có thương thân tủi phận không? Bạn có nghĩ đến gia đình đến thời thơ ấu đến những giấc mơ của mình và đến tất cả những gì bạn bỏ lại phía sau không? Có đau lòng không? Có cảm thấy như đang chết không? Bạn có sẽ khóc như tôi không?

Tôi cố nuốt nó xuống. Tôi ráng mỉm cười, chỉ có điều tôi khóc.

Giờ thì có lẽ bạn hiểu được vì sao trước đây tôi chưa bao giờ kể chuyện này. Không phải chỉ vì bối rối do mình đã khóc. Một phần là thế, nhất định rồi, nhưng cái còn khiến tôi bối rối nhiều hơn gấp bội và luôn luôn thế, là nỗi tê liệt đã siết lấy tim tôi. Một sự đông cứng về tinh thần: tôi không quyết được, tôi không hành động được, tôi không thể tự trấn an mình dù bằng cách giả vở rằng mình có cái phẩm giá bình thường giản dị của con người.

Việc duy nhất tôi làm được là khóc. Lặng lẽ, không bù lu bù loa, chỉ thút thít.

Nơi đuôi thuyền Elroy Berdahl vờ không nhận thấy. Ông cầm cần câu, cúi đầu để giấu cặp mắt đi. Ông cứ ậm ừ ngâm nga một điệu nhạc êm êm, đơn điệu. Dường như khắp mọi nơi, trên cây cối trên mặt nước trên bầu trời, một nỗi buồn lớn lao rộng khắp toàn thế giới đang đè nén xuống tôi, một nỗi buồn nghiến nát tôi, một nỗi buồn tôi chưa bao giờ biết tới. Và tôi nhận ra, đau buồn đến thế là do Canada đã trở thành một thứ huyễn tưởng thảm hại. Ngu ngốc và vô vọng. Nó không còn có khả năng thành sự thực. Ngay khi đó, bờ sông gần đến thế, tôi hiểu mình sẽ không làm gì đáng lẽ nên làm. Đột nhiên tôi cảm thấy mình choáng ngợp cảm giác không người giúp không nơi nương tựa, thấy như mình bị chìm nghỉm, tựa hồ tôi vừa ngã khỏi thuyền và đang bị những làn sóng bạc cuốn đi. Từng mẩu đời đã qua lóe lên trước mắt tôi. Tôi thấy một đứa bé bảy tuổi đội mũ cao bồi trắng, đeo mặt nạ Lone Ranger và giắt cặp súng lục sáu viên đút trong bao súng; tôi thấy một tay shortstop8 mười hai tuổi chơi trong giải bóng chày dành cho thiếu nhi, đang xoay mình đánh cú ăn liền hai chốt; tôi thấy một cậu bé mười sáu tuổi áo quần bảnh chọe sẵn sàng cho cuộc dạo chơi đầu tiên với bạn gái, trông thật bảnh, bộ tuxedo trắng thắt nơ đen, tóc cắt ngắn ép thẳng, giày mới đánh. Cả cuộc đời tôi dường như tràn hết xuống sông, xoáy cuộn rời bỏ tôi, tất cả những gì tôi từng là hoặc từng muốn được là. Tôi không thở được; tôi không giữ mình nổi được; tôi không biết phải bơi theo đường nào. Một ảo giác, chắc thế, nhưng nó cũng thực như bất cứ điều gì tôi từng cảm nhận. Tôi thấy ba mẹ tôi đang gọi tôi phía bờ xa. Tôi thấy anh chị tôi, toàn bộ dân thị trấn, thị trưởng và bộ Phòng Thương mại tất cả thầy cô cũ tất cả bạn gái cũ và bạn bè hồi trung học của tôi. Như là một sự kiện thể thao kỳ khôi nào đấy: mọi người gào thét từ ngoài vòng đấu, hết mình cổ vũ tôi – thứ tiếng gầm đinh tai ở sân vận động. Bánh kẹp thịt và bắp rang – những mùi sân vận động, cái bóng sân vận động. Một đội cổ vũ làm trò nhào lộn dọc bờ Sông Mưa; họ mang loa mang những túm tua và có những bắp đùi nâu nhẵn mịn. Đám bông đu đưa từ bên này sang bên nọ. Một ban quân nhạc chơi những bài ca chiến đấu. Tất cả cô dì chú bác tôi đều ở đấy, cả Abraham Lincoln, cả Thánh George, cả một bé gái chín tuổi tên Linda đã chết vì u não từ hồi học lớp năm, cả một nhà thơ mù hí hoáy viết lên mấy mảnh giấy, cả tổng thống Johnson, cả Huck Finn, cả Abbie Hoffman, và tất cả những người lính đã chết từ dưới mồ sống dậy, cả hàng ngàn người mà rồi sau sẽ chết – dân làng với những vết bỏng ghê rợn, trẻ con không tay không chân – phải, và Bộ Tổng Tham mưu Liên quân cũng ở đó, hai ba giáo hoàng cũng ở đó, cả một thiếu úy tên Jimmy Cross, cả cựu binh cuối cùng từ thời Nội chiến Hoa Kỳ còn sống đến giờ, cả Jane Fonda ăn mặc giả làm Barbarella, rồi một ông già nằm sóng soài cạnh chuồng heo, cả ông tôi, cả Gary Cooper và một phụ nữ có khuôn mặt tử tế mang cây dù và một cuốn Cộng hòa của Plato, và một triệu công dân hung hãn vẫy những lá cờ đủ dạng đủ màu – những người đội mũ cứng, những người đầu quấn dải băng – tất cả đang gào thét đang hòa giọng hát vang và đang giục giã tôi tiến tời bờ này hoặc bờ kia. Tôi thấy những khuôn mặt từ quá khứ xa lắc vào tương lai xa lắc. Vợ tôi ở đó. Đứa con gái chưa ra đời của tôi vẫy tôi, còn hai thằng con trai tôi thì nhảy lên nhảy xuống, và một trung sĩ huấn luyện tên Blyton cười khẩy rồi chĩa một ngón tay lên trời mà lắc đầu. Có một tài xế tắc xi từ Bronx tới. Có một thanh niên mảnh dẻ mà một ngày kia tôi sẽ giết bằng một quả lựu đạn dọc theo một đường mòn đất đỏ gần làng Mỹ Khê.

Con thuyền nhỏ bằng nhôm khẽ bồng bềnh bên dưới tôi. Có gió và có bầu trời.

Tôi cố vận ý chí leo ra khỏi thuyền.

Tôi nắm lấy be thuyền rồi khom người tới và nghĩ, Rồi đây.

Tôi đã thử. Chỉ là không thể được.

Tất cả những con mắt đó đang nhìn tôi – toàn thị trấn, toàn vũ trụ – nên tôi không thể liều mình để phải chịu hổ thẹn. Như thể có một đám đông khán giả quan sát cuộc đời tôi, con xoáy những khuôn mặt dọc theo dòng sông, và trong đầu tôi có thể nghe người ta đang quát tháo tôi. Đồ phản bội! họ thét. Thằng đào ngũ! Quân hèn nhát! Tôi thấy mình đỏ mặt. Điều này tôi không chịu được. Tôi không kham nổi lời đàm tiếu làm ô nhục, hay lời nhạo báng của những kẻ ái quốc. Ngay cả trong trí tưởng tượng, bờ sông cách có hai mươi mét, tôi vẫn không sao buộc được mình dũng cảm. Nó chẳng liên quan gì đến tinh thần. Xấu hổ, chỉ có thế.

Và ngay khi đó tôi buông chịu.

Tôi sẽ tham chiến – tôi sẽ giết người và có lẽ sẽ chết – bởi nếu không thế thì tôi xấu hổ.

Đó mới là điều đau buồn. Thế nên tôi ngồi nơi mũi thuyền mà khóc.

Giờ thì khóc to. Khóc to, khóc như mưa như gió.

Elroy Berdahl vẫn lặng thinh. Ông tiếp tục câu. Ông điều khiển dây bằng đầu ngón tay, kiên nhẫn, nheo mắt nhìn cái nút màu đỏ bồng bềnh trên Sông Mưa. Mắt ông bình thản và vô cảm. Ông không nói. Ông chỉ có đó, như dòng sông và mặt trời cuối hè. Thế nhưng bằng sự hiện hữu của ông, sự trông chừng câm lặng của ông, ông làm cho nó có thực. Ông là một nhân chứng như Thượng đế, hay như các vị thánh thần vẫn luôn tuyệt đối lặng thinh quan sát chúng ta sống cuộc đời mình, quan sát chúng ta lựa chọn hoặc không thể nào lựa chọn.

“Không cắn,” ông nói.

Rồi lát sau ông già thu dây vào và xoay thuyền quay lại Minnesota.

 

Tôi không nhớ mình có chia tay ông hay không. Buổi tối sau cùng chúng tôi ăn với nhau, và sáng ra Elroy làm bữa sáng cho tôi. Khi tôi bảo ông già tôi sắp đi, ông gật đầu làm như đã biết rồi. Ông nhìn xuống bàn mỉm cười.

Đến một lúc nào đó trong buổi sáng có thể là chúng tôi đã bắt tay nhau – chỉ là tôi không nhớ – nhưng tôi biết chắc là đến khi tôi gói ghém đồ đạc xong thì ông già đã đi mất. Đến gần trưa, khi xách va li ra xe, tôi để ý thấy chiếc xe tải con màu đen của ông không còn đỗ trước nhà nữa. Tôi vào trong nhà đợi một lát, nhưng rồi linh cảm cho rằng ông sẽ không quay lại. Theo cách nào đó, tôi nghĩ, điều đó âu cũng thích đáng. Tôi rửa chỗ bát đĩa ăn sáng, để lại hai trăm đô của ông trên quầy bếp, chui vào xe, trực chỉ phía nam, trở về nhà.

Hôm đó nhiều mây. Tôi đi qua những thị trấn có những cái tên xa lạ, qua những rừng thông rồi xuống vùng thảo nguyên, sau đó sang Việt Nam, nơi tôi làm lính, rồi lại trở về nhà lần nữa. Tôi sống sót, nhưng đó không phải một kết thúc có hậu. Tôi đã là một thằng hèn. Tôi đã đi đến cuộc chiến tranh.

------------------

[7] Kiwanis: tên một tổ chức phi chính phủ, đặt trụ sở tại Indianapolis, bang Indiana, có nhiều chi nhánh trên thế giới, gồm những người tình nguyện, với phương châm “thay đổi thể giới, mỗi lần thay đổi một đứa trẻ và một cộng đồng”.

[8] Shortstop: trong môn bóng chày, là vị trí trên sân giữa chốt thứ hai và chốt thứ ba.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét