Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Nói về lòng can đảm

 

  • Những thứ họ mang

Nói về lòng can đảm

 Tim O'brien

Chiến tranh đã kết thúc và chẳng có nơi nào để đi. Norman Bowker theo con đường đắp hắc ín kéo thành hình thòng lọng dài bảy dặm quanh hồ, rồi hắn lại khi đầu từ đầu, lái chậm, cảm thấy an toàn trong chiếc Chevy to đùng của cha hắn, thỉnh thoảng lại nhìn ra hồ ngắm mấy con thuyền ngắm những người trượt nưc và phong cảnh. Hôm ấy là Chủ nhật, đang hè, thị trấn xem chừng vẫn như mọi khi. Hồ phng lặng màu xám bạc dưi ánh mặt trời. Dọc con đường tất cả nhà cửa đều xây theo kiểu mặt bằng rộng, thấp tầng, giật cấp và hiện đại, cng trưc rộng, cửa sổ một cánh rộng nhìn ra mặt nưc. Sân cỏ rộng thênh thang. Phía bên đường dọc ven hồ, nơi nhà đất có giá nhất, các ngôi nhà đều đẹp đẽ và xây sâu hẳn vào trong, được trông nom kỹ, sơn màu sặc sỡ, có bến thuyền nhô ra giữa hồ, có những con thuyền neo đậu được che kín bằng vải bạt, những khu vườn tinh tươm, đôi khi có cả thợ làm vườn, và những sân trong rải sỏi có que xiên và vỉ để nưng thịt ngoài trời, có những tm biển gỗ cho biết ai sống  đâu. Phía bên kia đường, bên tay trái hắn, các ngôi nhà cũng đẹp mặc dù ít đắt tiền hơn, quy mô nhỏ hơn và không có bến thuyền không có thuyền không có thợ làm vườn. Con đường này như là một kiểu ranh gii ngăn giữa những người sung túc và những người gần như sung túc, và sống bên phía ven hồ của con đường là một trong số ít những đặc quyền tự nhiên  một thị trấn vùng thảo nguyên – sự khác biệt giữa ngắm mặt trời lặn trên đồng bắp hay trên mặt nưc.

Đó là một cái hồ duyên dáng, cỡ khá to. Hồi còn học trung học, về đêm, hắn thường lái vòng vòng quanh hồ cùng vi Sally Kramer, vừa lái vừa tự hi liệu cô ấy có muốn đỗ vào nhà nghỉ tạm  Sunset Park hay không, vào những lúc khác thì cùng bạn bè hắn, vừa đi vừa bàn những vấn đề bức thiết, tự hi về sự hiện hữu của Chúa Trời và các thuyết nhân quả. Hồi đó còn chưa có chiến tranh. Nhưng đã luôn luôn có cái hồ, mà cái hồ là lý do tồn tại đầu tiên của thị trấn này, một nơi cho những người phiêu bạt từ nơi khác ti dỡ đồ đạc xuống định cư. Trưc những người định cư đó thì có người Sioux, trưc người Sioux thì có thảo nguyên mênh mông, trưc thảo nguyên mênh mông thì chỉ có băng. Cái h được đào nên bởi mũi tiến xa nhất về cực Nam của sông băng Wisconsin. Không được sông suối nào cấp nưc, cái hồ thường xuyên đầy bùn rêu, chỉ được tiếp tế nhờ những trận mưa rỉ rả vùng thảo nguyên. Du vậy, nó vẫn là nguồn nưc quan trọng trong vòng bốn mươi dặm, một nguồn tự hào, ngắm rất đẹp vào những ngày hè nắng t, còn đến xế chiều nó sẽ được pháo bông tô màu sắc. Lúc này, buổi xế chiều, nó nằm bình yên phẳng lặng, một cử tọa tốt cho sự lặng im, một chu vi bảy dặm mà ta có thể đi giáp một vòng bằng ô tô chạy chậm trong hai mươi lăm phút. Hồ này mà bơi thì không tốt lắm. Sau khi học xong trung học, hắn bị một chứng nhiễm trùng tai hầu như khiến hắn không thể tham chiến. Và cái hồ này đã dìm hết bạn hắn là Max Arnold, khiến cậu ta hoàn toàn không tham chiến được. Max từng là một trong những ngưi thích trò chuyện về sự hiện hữu của Chúa Tri. “Không, tao không nói vậy,” cậu ta nói át tiếng động cơ rì rì. “Tao nói là có thể có chuyện ấy, như là một ý niệm, thậm chí nhất thiết là một ý niệm, một cái nguyên nhân sau cùng trong toàn bộ cơ cấu nhân quả.” Giờ có lẽ cậu ta biết rồi. Trưc chiến tranh, họ từng lái xe quanh hồ như đôi bạn, nhưng nay Marx chỉ còn là một ý niệm, còn hầu hết bạn bè khác của Norman Bowker đều sống  Des Moines hay Sioux City, hoặc đi học đâu đó, hoặc đang làm việc này việc nọ. Các cô gái thời trung học nay đều đã đi xa hoặc ly chồng cả. Sally Kramer, ảnh cô ấy hắn từng có thời mang trong bóp, là một trong những người đã đi lấy chồng. Tên cô nay là Sally Gustafson và cô sống  một tòa nhà màu xanh dương thích mắt nm về phía rẻ tiền hơn của con đường ven hồ. Về nhà đến ngày thứ ba thì hắn gặp cô ta ra ngoài xén cỏ, trông vẫn xinh xắn trong cái áo cánh đỏ kiểu ren và quần soóc trắng. Trong một thoáng hắn đã toan tấp xe vào, chỉ để trò chuyện, nhưng rồi hắn lại nhấn mạnh chân ga. Cô có vẻ hạnh phúc. Cô có nhà có chồng mới, thành thử thật ra hắn chẳng có gì để nói với cô.

Thị trấn trông có vẻ xa lạ sao đó. Sally đã lấy chồng còn Max chết đuối còn cha hắn thì ở nhà xem bóng chày trên kênh truyền hình quốc gia.

Norman Bowker nhún vai. “Chẳng sao,” hắn lẩm bẩm.

Ngược chiều kim đồng hồ, như theo quỹ đạo, hắn lái chiếc Chevy làm thêm một vòng bảy dặm quanh hồ.

Ngay cả lúc xế chiều trời vẫn nóng. Hắn bật máy lạnh trên xe, rồi tới ra-đi-ô, đoạn hắn ngả người ra để cho khí lạnh và âm nhạc lùa vào hắn. Dọc đường có hai thằng bé đi dã ngoại, lưng vác ba lô tay cầm súng đồ chơi và bi đông, vừa đi vừa đá mấy hòn đá trước mặt. Hắn nhấn còi khi vượt qua, nhưng không đứa nào ngẩng lên. Hắn đã đi qua chúng sáu lần, gần ba tiếng không dừng. Hắn quan sát bọn trẻ xa dần trong kính chiếu hậu. Chúng trở thành một màu xam xám, giống như cát, trước khi hoàn toàn biến mất.

Hắn nhấn nhẹ lên chân ga.

Giữa hồ có một chiếc thuyền máy dừng lại vì chết máy; người lái đang cúi xuống động cơ với một cái cờ lê và một cái cau mày. Đằng xa phía sau chiếc xuồng chết máy là ba thuyền khác, dăm người trượt nước, mặt nước tháng Bảy lặng lờ, và một sự bằng phẳng mênh mông khắp nơi. Hai con gà nước dập dềnh cứng quèo cạnh một bến thuyền màu trắng.

Con đường uốn về phía Tây, nơi mặt trời đã chìm xuống thấp. Hắn hình dung bây giờ là gần năm giờ, năm giờ hai mươi phút, hắn đoán vậy. Chiến tranh đã dạy cho hắn đoán biết thời gian mà không có đồng hồ, thậm chí về đêm, chợt tỉnh giấc khi đang ngủ, hắn thường có thể xác định được lúc đó là mấy giờ, chỉ hơn kém trong vòng mười phút. Điều hắn nên làm, hắn nghĩ, là dừng lại nhà Sally để gây ấn tượng với cô với cái mẹo đoán biết giờ mà hắn mới có được này. Họ chắc sẽ trò chuyện một hồi, cho nhau biết về việc này việc nọ, rồi hắn sẽ nói, “Chà, chắc anh phải về thôi, bây giờ là năm giờ ba mươi tư phút,” và cô sẽ liếc đồng hồ đeo tay mà nói : “Ơ này, làm sao anh biết vậy?” thì hắn sẽ nhún vai ra điều có gì đâu, rồi bảo cô rằng đó chỉ là một trong những việc người ta dần dần tập được. Hắn sẽ giữ sao cho mọi thứ nhẹ nhàng. Hắn sẽ không nói gì về bất cứ chuyện gì. “Lấy chồng rồi thì thấy sao?” hắn có thể hỏi, rồi cô có đáp gì hắn cũng sẽ gật đầu, hắn sẽ chẳng nói gì về chuyện hắn hầu như đã giành được huân chương Sao Bạc nhờ công trạng.

Hắn lái xe ngang qua Công viên Slater rồi băng con đường đắp cao và đi ngang qua Công viên Sunset. Phát thanh viên trên ra-đi-ô nói năng nghe mệt mỏi. Nhiệt độ ở Des Moines là tám mốt độ F, rằng lúc này là năm giờ ba lăm phút, và “Các bạn nào đang ở trên đường, hãy lái xe cẩn thận vào ngày Bốn tháng Bảy đẹp trời này.” Nếu Sally chưa lấy chồng, hoặc nếu cha hắn không phải là tay máu mê bóng chày đến thế, thì đây hẳn là thời điểm tốt để nói chuyện.

“Sao Bạc hả?” cha hắn chắc sẽ nói.

“Vâng, nhưng con không được. Gần như, song rốt cuộc thì không.”

Và cha hắn chắc sẽ gật đầu, biết quá rõ rằng có nhiều người dũng cảm của mình, còn nhiều người khác được huân chương dù chẳng làm gì. Thế rồi, để làm điểm xuất phát, có lẽ thế, Norman Bowker chắc sẽ liệt kê bảy cái huân chương hắn được trao: Huy hiệu Bộ binh Anh dũng, Huân chương Không quân, Huân chương Tuyên dương Quân đội, Huân chương Hạnh kiểm tốt, Huân chương Chiến dịch Việt Nam, huân chương Sao Đồng, và Huân chương Trái Tim Tía, mặc dù đấy chẳng phải vết thương ghê gớm gì, chả để lại vết sẹo nào, cũng chẳng đau và chưa bao giờ đau. Hắn chắc sẽ giải thích với cha rằng không một cái nào trong số huân chương huy hiệu đó là cho công trạng hơn người. Chỉ là cho công trạng thường tình. Những chuyện xoàng xĩnh, lập đi lập lại hàng ngày – chỉ là vượt khó, chỉ là chịu gian chịu khổ – song như thế cũng là đáng một cái gì đấy, phải không? Có, đáng chứ. Đáng nhiều. Những dải ruy băng trông đẹp đẽ trên bộ quân phục trong tủ hắn, và nếu cha hắn có hỏi, hắn sẽ giải thích rằng mỗi cái có ý nghĩa gì và hắn tự hào về tất cả huân huy chương, nhất là cái Bộ binh Anh dũng, bởi nó hàm nghĩa rằng hắn từng là người lính thực thụ, đã từng làm tất cả những gì lính tráng thường làm, và bởi vậy cho dù hắn không thể nâng mình lên đến mức dũng cảm hơn người thì cũng đâu phải chuyện gì to tát.

Thế rồi chắc hắn sẽ nói về cái huân chương hắn đã không giành được và tại sao không giành được.

“Con suýt nữa đã giành được Sao Bạc,” chắc hắn sẽ nói.

“Sao lại thế?”

“Là do tí chuyện thôi mà.”

“Kể cha nghe đi,” cha hắn chắc sẽ nói.

Thế là, chậm rãi, Nowman Bowker chắc hẳn sẽ vừa đánh xe vòng quanh hồ vừa bắt đầu mô tả sông Trà Bồng. “Một con sông toàn bùn, phẳng lờ, chậm rì rì,” chắc hắn sẽ nói. Chắc là hắn sẽ giải thích rằng vào mùa khô con sông giống hệt như bất kỳ con sông nào khác, chẳng có gì đặc biệt, nhưng vào tháng Mười hễ mùa mưa bắt đầu là toàn bộ tình hình thay đổi. Suốt một tuần mưa không bao giờ dứt, một lần cũng không, thế là sau mấy ngày sông Trà Bồng tràn bờ và đất biến thành bãi lầy sâu, đặc sệt rộng mỗi bên nửa dặm. Bãi lầy – không có từ nào khác. Giống như cát lầy, hầu như vậy, chỉ có khác là thối không chịu nổi. “Thậm chí ngủ cũng không được,” hắn sẽ kể với cha thế. “Đêm đến mình tìm một chỗ cao, rồi mình thiếp đi, nhưng rồi mình sẽ thức dậy bởi vì mình đã bị vùi trong cái đống nhầy nhụa đó. Mình cứ thế chìm vào. Mình cảm thấy nó ộc lên vùi khắp người mình và kiểu như hút mình xuống. Và suốt trong khi đó mưa cứ dầm dề. Tức là mưa không bao giờ dứt, không một lần nào dứt.”

“Nghe ướt nhỉ,” cha hắn chắc sẽ nói, đoạn ngừng một chút. “Thế chuyện gì xảy ra?”

“Cha muốn nghe thật sao?”

“Này, cha là cha con cơ mà.”

Norman Bowker mỉm cười. Hắn nhìn ra hồ và hình dung cảm giác khi lưỡi hắn chạm vào thực sự. “Chà, thì có một lần, một đêm khi ở bên con sông… con đã không dũng cảm lắm.”

“Con có bảy huy chương.”

“Hẳn rồi.”

“Bảy cái. Đếm đi. Con cũng chẳng phải thằng hèn.”

“Vâng, chắc là không phải. Nhưng con đã có cơ hội thế mà lại làm hỏng mất. Mùi thối, nó là cái đã tác động tới con. Con không thể chịu được cái mùi khủng khiếp khốn nạn đó.”

“Nếu con không muốn thì đừng nói gì nữa.”

“Con muốn nói.”

“Được rồi. Chậm rãi từ tốn, chẳng việc gì mà vội.”

Con đường đổ xuống vùng ngoại ô thị trấn, rẽ hướng Tây Bắc chạy ngang qua trường trung học và những sân tennis, rồi rẽ ngang qua Công viên Chautauqua, nơi có những cái bàn trải nhựa nhiều màu và người đi picnic ngồi nơi ghế xếp nghe ban nhạc trường trung học chơi mấy bản hành khúc Sousa dưới cái mái hình vỏ sò. Cách vài khối nhà thì tiếng nhạc bặt đi. Hắn lái xe dọc một dải bờ hồ trống trải, đoạn ngang qua các bến đậu thuyền của thành phố, nơi một phụ nữ đi thuyền đạp chân đang quăng lưới bắt cá bống. Chẳng còn loài cá nào khác trong hồ ngoại trừ cá pecca và dăm con cá chép chẳng đáng giá gì. Hồ này bơi cũng dở mà quăng chài cũng dở.

Hắn lái chậm. Chẳng vội, chẳng có chỗ nào để đi. Bên trong chiếc Chevy không khí mát và có mùi dầu. hắn lấy làm thích thú với âm thanh đều đều của động cơ cùng máy lạnh. Theo nghĩa nào đó thì cảm giác giống như khi đi du lịch bằng xe buýt, chỉ có điều cái thị trấn hắn đang thăm quan có vẻ đã chết. Qua cửa sổ, như thể trong một bức ảnh chụp chậm, nơi này nom như vừa bị trúng hơi độc đánh vào hệ thần kinh, mọi thứ tĩnh lặng không sức sống, kể cả con người. Thị trấn này không biết nói chuyện cũng chả biết lắng nghe. “Mi có thích nghe kể về chiến tranh không?” hắn có thể hỏi, nhưng nơi này chỉ có thể chớp mắt, nhún vai. Nó không có ký ức, vì vậy không có tội. Thuế má được trả phiếu bầu được đếm và các cơ quan chính phủ làm phận sự một cách nhanh nhảu và lịch thiệp. Nó là một thị trấn sáng láng, lịch thiệp. Nó chẳng biết cái cứt gì về những thứ cứt đái, và cũng không thèm biết.

Norman Bowker ngả người ra ghế, tự hỏi về chủ đề này hắn có thể nói gì. Hắn biết những thứ cứt đái. Đó là chuyên môn của hắn. Đặc biệt là cái mùi, nhưng ngoài ra còn nhiều thứ bề mặt và vị khác nhau nữa. Một ngày nào đó hắn sẽ thuyết trình về chủ đề này. Mặc com lê đeo cà vạt đứng trước mặt câu lạc bộ Kiwanis kể cho lũ chó chết đó nghe về tất cả những thứ cứt đái tuyệt cú mèo mà hắn biết. Có khi còn làm mẫu nữa.

Mỉm cười trước chuyện đó, hắn ngoặt vô lăng chỉ hơi chệch khỏi tâm một tí về bên phải, tạo ra một chuyển động êm ru theo chiều kim đồng hồ bám theo khúc uốn của con đường. Chiếc Chevy tuồng như tự nó biết đường.

Mặt trời giờ đã thấp hơn. Năm giờ năm lăm, hắn nghĩ, cùng lắm là sáu.

Dọc theo một đường nhánh xe lửa không sử dụng, năm công nhân đang làm việc trong cái nóng như thiêu đốt, họ đang lắp một cái nến và mấy bệ phóng bằng thép để bắn pháo hoa tối nay. Họ ăn mặc giống nhau, quần kaki, sơ mi lao động, mũ có kính bảo vệ mắt, giầy bốt nâu. Mặt họ đen đúa nhem nhuốc. “Có muốn nghe chuyện cái huân chương Sao Bạc tôi suýt nữa được trao không?” Norman Bowker lẩm bẩm, nhưng không ai trong đám công nhân ngẩng lên. Ít nữa người ta sẽ cho nổ tung màu sắc lên trời. Cái hồ sẽ tóe ra màu đỏ màu xanh dương xanh lục, như một tấm gương, và những người đi picnic sẽ khe khẽ trầm trồ thán phục.

“Ừm, thế này, trời mưa hoài mưa mãi không ngừng,” chắc hắn sẽ nói. Đâu cũng sình lầy, chả làm sao thoát được.

Hắn chắc sẽ ngừng một chút.

Đoạn chắc hắn sẽ kể về cái đêm họ đóng quân dã chiến trên một cánh đồng dọc sông Trà Bồng. Một cánh đồng to lầy lội bên cạnh sông. Có một cái làng gần đó, xuôi dòng năm mươi mét, thế là lập tức có chừng mười bà má chạy ra la hét. Một cảnh tượng kỳ cục, chắc hắn sẽ nói. Các bà má cứ đứng đó dưới mưa, ướt như chuột lột, la hét về chuyện cánh đồng này chẳng tốt lành gì. Nâm bờ ten, họ nói. Đất dữ. Chẳng phải đất tốt cho những chú GI tốt. Cuối cùng Thiếu úy Jimmy Cross phải rút súng lục ra nã vài viên chỉ để xua họ đi. Đến khi đó trời hầu như đã sụp tối. Thế là họ dựng công sự vòng ngoài, ăn tối, rồi chui xuống dưới mấy tấm pông sô và cố yên vị qua đêm.

Nhưng mưa càng lúc càng to. Và đến nửa đêm thì cánh đồng biến thành xúp đặc.

“Xúp tuôn ộc ộc, sâu ngần này,” chắc hắn sẽ nói. “Như nước cống hay gì ấy. Vừa đặc vừa quánh. Mình không ngủ được. Mình thậm chí không nằm được, nằm lâu thì không được, vì mình sẽ chìm xuống dưới xúp ấy. Quá thảm. Mình cảm thấy được cái thứ chó chết đó trào lên ở trong bốt trong quần mình.”

Đến đây, Norman Bowker chắc sẽ nheo mắt trước mặt trời đang lặn. Chắc hắn sẽ giữ giọng bình thản, không tự thương mình.

“Nhưng tệ nhất là cái mùi,” chắc hắn sẽ nhẹ nhàng nói. “Một phần là do con sông – mùi cứ như cá chết – nhưng còn là cái gì khác nữa. Cuối cùng thì có ai đó nghĩ ra. Thì ra là nó, là một cánh đồng cứt. Cái nhà xí của cả làng. Không có đường xả trong nhà chứ gì? Thì họ dùng cánh đồng. Ý con là, bọn con đã hạ trại trên một cánh đồng cứttrời ơi đất hỡi.”

Hắn hình dung Sally Kramer nhắm mắt.

Nếu cô ấy đang ở đây cùng hắn, trong xe, chắc cô sẽ nói, “Đừng. Em không ưa chữ đó.”

Đúng là thế mà. “

“Thì vâng nhưng anh đâu nhất thiết cứ phải dùng chữ ấy.”

“Được. Vậy ta nên gọi nó là gì.”

Chắc cô sẽ liếc nhìn hắn. “Em không biết. Nhưng anh đừng nói thế nữa.”

Rõ ràng đây không phải là một câu chuyện danh cho Sally Kramer, hắn nghĩ. Cô nay là Sally Gustafson. Nếu là Max thì nhất định hắn sẽ khoái, nhất là khoái phần mỉa mai trong ấy, nhưng Max đã trở thành một ý niệm thuần túy, mà bản thân chuyện ấy đã là một sự mỉa mai. Đúng thật là quá tệ. Giá như cha hắn có đây, lái xe vòng vòng quanh hồ, ông già chắc hẳn sẽ liếc sang trong một giây, hiểu rất rõ rằng đây không phải là chuyện dùng lời lẽ thô tục, đây là sự thực. Cha hắn chắc là sẽ thở dài và khoanh hai tay và đợi.

“Cánh đồng cứt,” Norman chắc sẽ nói. “Và sau đó trong đêm ấy lẽ ra con giành được huân chương Sao Bạc vì lòng dũng cảm.”

“Phải,” cha hắn chắc sẽ lẩm bẩm, “cha nghe con.”

Chiếc Chevy lăn bánh êm ru qua một cầu vượt rồi tiến lên con đường hẹp rải hắc ín. Về bên phải là hồ trải rộng. Về bên trái, bên kia đường, hầu hết các bãi cỏ đều bị thiêu cháy sém giống như bắp tháng Mười. Một cách vô vọng, hết lượt này đến lượt khác, một máy tưới xoay tròn phun nước hồ lên vườn rau của bác sĩ Mason. Thảo nguyên giờ đã bị nung khô rang, thế nào sang tháng Tám sẽ còn tệ nữa. Hồ sẽ chuyển sang xanh lục toàn tảo, sân gôn sẽ nóng như lửa và lũ chuồn chuồn sẽ vỡ toác ra vì thiếu nước sạch.

Chiếc Chevy to đùng vòng qua Centennial Beach và quán bia không cồn A&W.

Đây là vòng thứ tám chạy quanh hồ của hắn.

Hắn men theo con đường đi qua những ngôi nhà xinh xẻo có bến thuyền và bảng tên bằng gỗ. Quay lại Công viên Slater, qua cầu vượt, vòng lại Công viên Sunset, như thể lái trên những con đường mòn hằn dấu.

Hai thằng nhóc vẫn đang lầm lũi trên con đường cuốc bộ dài bảy dặm.

Giữa hồ, người đàn ông trên con thuyền chết máy vẫn loay hoay với cái động cơ. Cặp gà nước trôi dật dờ như mấy con vịt mồi bằng gỗ, những người trượt nước trông rám nắng và khỏe mạnh thể thao, ban nhạc trung học thì đang gói gém nhạc cụ, còn người đàn bà đi xuồng đạp chân cẩn thận móc mồi lại vào lưỡi câu để thử lần cuối.

Thật kỳ quặc, hắn nghĩ.

Đang giữa ngày hè nóng bức, tất cả đều có vẻ kỳ quặc, xa lạ. Bốn công nhân đã gần như xong việc chuẩn bị cho tối bắn pháo hoa.

Lại đối diện với mặt trời. Norman Bowker kết luận giờ đã gần bảy giờ. Chẳng bao lâu sau tay phát thanh viên mệt mỏi trên ra-đi-ô xác nhận điều này, giọng anh ra tự ru mình vào một giấc ngủ sâu ngày Chủ nhật. Giá Max Arnold có ở đây, cậu ta chắc sẽ nói gì đó về cơn mệt mỏi của tay phát thanh viên, và liên hệ nó với màu hồng rực rỡ của bầu trời, với cuộc chiến và với lòng dũng cảm. Thật tiếc Max đã ra đi. Và thật tiếc cho cha hắn, ông có cuộc chiến của riêng mình và giờ đây chỉ ưa im lặng.

Dẫu vậy, vẫn có quá nhiều điều để nói.

Về chuyện mưa không bao giờ dứt. Về chuyện cái lạnh ngấm tận xương tận tủy. Đôi khi việc dũng cảm nhất trên đời là ngồi cho đến hết đêm mà cảm thấy cái lạnh trong xương tủy. Lòng can đảm không phải bao giờ cũng là chuyện có hay không. Đôi khi can đảm có nhiều cấp độ, cũng như cái lạnh; đôi khi ta rất dũng cảm cho tới một điểm nào đó, rồi khi đã vượt qua điểm đó thì ta không còn dũng cảm như thế nữa. Trong một số tình huống ta có thể làm những điều không thể tin được ta có thể tiến thẳng về phía hỏa lực quân thù, nhưng trong những tình huống khác, vốn không hề tệ hại đến thế, ta lại phải khó khăn lắm mới đừng nhắm mắt. Đôi khi, như cái đêm trên cánh đồng cứt đó, sự can đảm và hèn nhát là một cái gì đó nhỏ nhặt và ngu xuẩn.

Cái kiểu đất cứ sủi bong bóng. Và cái mùi.

Bằng giọng nhỏ nhẹ, không màu mè, hắn chắc sẽ kể chính xác sự thật.

“Khuya hôm đó,” chắc hắn sẽ kể. “Bọn con bị một trận tập kích súng cối.”


Hắn chắc sẽ giải thích rằng trời vẫn đang mưa, rằng những đám mây dám chặt lấy cánh đồng, rằng những viên đạn súng cối tuồng như từ ngay trên mây giội xuống. Cánh đồng nổ tung. Mưa và bùn nhão và mảnh đạn, chả có chỗ nào để chạy, và tất cả những gì họ có thể làm là vục xuống dưới sình trốn kỹ và chờ đợi. Hắn chắc sẽ mô tả những chuyện điên rồ hắn thấy. Những chuyện dị kỳ. Như là đến một lúc hắn để ý thấy một thằng cha nằm cạnh hắn trong bùn quánh, toàn thân vùi kín trừ cái mặt, và sau một thoáng thằng cha đảo mắt mà nháy với hắn. Tiếng ồn thật dữ dội. Sấm rền, đạn cối, người hét. Một vài người bắt đầu bắn pháo sáng. Chớp đỏ chớp xanh chớp bạc, đủ màu, và mưa đổ xuống thì Tếch ních cô lo.

Cánh đồng sôi sùng sục. Vỏ đạn tạo ra những hố thủng sâu hoắm nhão nhớt, phơi bày ra tất tật những thứ phế thải suốt bao năm qua, hàng thế kỷ, và cái mùi đó lục bục trồi lên khỏi đất. Hai quả đạn cối dập bên cạnh, Rồi đến quả thứ ba, còn gần hơn, và ngay lập tức, về bên trái, hắn nghe ai đó thét. Đó là Kiowa, hắn biết. Âm thanh đó rách nát và khản đặc, nhưng dù có vậy hắn vẫn nhận ra giọng đó. Một giọng ùng ục lạ lùng. Lăn mình sang bên, hắn bò về phía tiếng thét trong bóng tối. Mưa tầm tã và đều đều. Dọc theo vòng công sự ngoài có những tiếng súng nổ rời rạc. Một quả đạn nữa dập xuống bên cạnh, làm cứt và nước bắn tung tóe, và trong vài giây hắn dúi mình xuống dưới bùn. Hắn nghe tiếng những cái van tim hắn. Hắn nghe thấy các vách tim đập nhanh, hào hển như kéo bễ. Thật khác thường, hắn nghĩ. Khi hắn trồi lên, một cặp chớp đỏ bật ra, một ánh lóe yếu ớt lờ mờ, và trong ánh lóe hắn thấy cặp mắt mở to của Kiowa chìm xuống bùn. Trong một loáng, hắn chẳng thể làm gì khác ngoài nhìn. Hắn nghe chính mình rên. Đoạn hắn lại di chuyển, bò như cua tới trước, nhưng khi hắn tới nơi thì Kiowa đã hầu như hoàn toàn chìm nghỉm. Có một cái đầu gối. Có một cánh tay đeo cái đồng hồ đeo tay màu vàng và một phần của một chiếc bốt.

Hắn không thể mô tả những gì xảy ra sau đó, chưa bao giờ, nhưng dù sao hắn cũng sẽ cố. Hắn chắc sẽ nói năng cẩn thận sao cho bất cứ ai nghe cũng sẽ thấy là thật.

Có những bong bóng nổi lên nới chỗ mới đó là đầu Kiowa.

Bàn tay trái xòe ra cong queo, các móng tay bẩn thỉu; cái đồng hồ đeo tay phát ra ánh sáng phốt pho xanh lục trong khi nó chuồi xuống dưới lớp nước dày.

Hắn chắc sẽ nói về điều đó, và về chuyện hắn đã túm lấy bốt của Kiowa cố kéo thằng ấy ra. Hắn kéo mạnh nhưng Kiowa đã đi mất, thế rồi đột ngột hắn cảm thấy chính hắn cũng đang muốn đi luôn. Hắn nếm được cái ấy. Cứt nằm trong mũi trong mắt hắn. Có những ánh lóe những quả đạn cối, và mùi thối ở khắp nơi – nó ở trong hắn, trong phổi hắn – và hắn không chịu nổi nữa. Ở đây thì không, hắn nghĩ. Không phải như thế này. Hắn buông bốt của Kiowa ra va nhìn nó chuội đi. Chầm chậm, nhoai người lên, hắn vươn mình dậy khỏi bùn sâu, đoạn hắn nằm im nếm vị cứt trong mồm hắn và nhắm mắt lắng nghe mưa nghe những tiếng nổ và những tiếng lục bà lục bục.

Hắn chỉ một mình.

Hắn đã làm mất vũ khí nhưng chẳng hề gì. Hắn chỉ muốn độc một điều là tắm.

Chẳng gì khác. Một bồn tắm nóng đầy xà phòng.

Trong khi vòng quanh hồ, Norman Bowker nhớ lại bạn Kiowa của hắn đã biến mất dưới bùn dưới nước ra sao.

“Con không nổi điên,” hắn chắc sẽ nói. “Con rất tỉnh. Giá như mọi chuyện đâu vào đó, giá như không có cái mùi ấy, chắc con đã giành được Sao Bạc.”

Một chuyện hay về cuộc chiến, hắn nghĩ, nhưng đó không phải là một cuộc chiến để có những câu chuyện về chiến tranh, cũng không phải để nói về đức can trường và chẳng ai ở thị trấn này muốn biết về cái mùi thối kinh khiếp ấy. Họ muốn những ý định tốt và những hành vi tốt. Nhưng thị trấn này chả đáng tránh, thực ra là vậy. Nó là một thị trấn nhỏ tốt lành, rất phồn thịnh, với những căn nhà chỉn chu nền nếp và mọi thứ tiện nghi bảo đảm vệ sinh.

Norman Bowker châm một điếu thuốc rồi xoay kính xuống. Bảy giờ ba lăm, hắn đoán chắc.

Hồ đã chia thành hai nửa. Một nửa còn lấp lánh, nửa kia chìm trong bóng tối Dọc con đường đắp cao, hai thằng bé vẫn đang điên cuồng giật dây hòng khởi động máy, và hai con gà nước đáng kiếm bữa tối nơi đáy hồ, hai cái đuôi bập bà bập bềnh. Hắn đi qua Công viên Sunset một lần nữa, lại thêm nhiều nhà, lại trường trung học và mấy sân tennis, rồi thì những người đi picnic, lúc này họ ngồi đợi xem bắn pháo hoa tối nay. Ban nhạc trung học đã đi khỏi. Người đàn bà đi xe đạp chân vẫn kiên nhẫn nghịch nghịch dây câu.

Mặc dù chưa hoàng hôn, A&W đã sáng trưng ánh đèn nê ông.

Hắn xoay xở đưa chiếc Chevy vào một trong mấy ô đỗ xe, vẫn để động cơ nổ, ngả lưng vào ghế. Nơi này đang kinh doanh ngày nghỉ khá thành công. Hầu hết là trẻ con, hình như vậy, và dăm ba nông dân nhân ngày hôm nay mới đến. Hắn không nhận ra khuôn mặt nào. Một ả bồi mảnh mai eo nhỏ đi qua, nhưng khi hắn nhấn còi, ả chừng như không nghe thấy. Mắt ả liếc ngang. Ả mang một cái khay vào cửa sổ một chiếc Firebird, bật cười khẽ, cúi mình tới trước để tán chuyện với ba thằng nhóc trong xe.

Hắn cảm thấy mình vô hình trong ánh chiều chạng vạng êm dịu. Thằng đằng trước, bên kia quầy thức ăn mua đem đi, hàng đàn muỗi tự xử tử nơi một cái máy diệt côn trùng bằng nhôm.

Ấy là một tối mùa hè bình lặng, êm ả.

Hắn lại nhấn còi, lần này tì cả người lên còi. Ả bồi bàn trẻ măng từ từ xoay người lại, như thể bối rối, đoạn nói gì đó với lũ con trai trên chiếc Firebird rồi đi về phía hắn vẻ miễn cưỡng. Ghim trên áo ả là một huy hiệu ghi ĂN BURGER CỠ BỰ ĐI.

Khi đến cửa sổ xe gã, ả đứng thẳng lên khiến cho hắn chỉ thấy được mỗi cái huy hiệu

“Burger cỡ bự,” hắn nói. “Chắc thêm chút khoai chiên.”

Cô gái thở dài, cúi xuống, lắc đầu. Mắt ả lờ đờ nhẹ bẫng giống như kẹo bông vải.

“Anh mù hả?” ả nói.

Ả giơ tay ra gõ gõ lên cái intercom gắn trên một cột thép.

“Nhấn nút này mà gọi món. Tôi chỉ bưng bê thôi.”

Ả nhìn hắn chằm chằm một lát. Hắn thoáng nghĩ rằng có một câu hỏi vương vấn trong cặp mắt đục lờ của ả, nhưng rồi ả xoay người nhấn nút cho hắn, đoạn quay về với mấy đứa bạn trên chiếc Firebird.

Cái intercom kêu léo nhéo rồi nói, “Gọi đi.”

“Burger cỡ bự và khoai chiên,” Norman Bowker nói.

“Rõ như con thỏ. Không bờ khờ cờ hả?”

“Bờ khờ cờ?”

“Là bia không cồn đó mà.”

“Một vại nhỏ.”

“Ô kê xa lem. Nhắc lại: một Bự, một khoai chiên, một bia nhỏ. Làm ngay, hỏa tốc. Đợi tí.”

Intercom kêu léo nhéo rồi tắt phụt.

“Xong.” Norman Bowker nói.

Khi cô gái mang khay lại cho hắn, hắn ăn nhanh không nhìn lên. Tay phát thanh viên mệt mỏi trên ra-đi-ô ở Des Moines thông báo giờ, đã gần tám rưỡi. Bóng đêm đang nén chặt lại, hắn ước gì có một chỗ nào đó để đi. Giá là buổi sáng thì hắn đã kiếm ra việc gì đấy để làm. Tiêu vài tờ xanh ở chỗ tui Liên đoàn Thanh niên Công giáo, hay là rửa chiếc Chevy.

Uống hết vại bia không cồn rồi, hắn lại nhấn nút intercom.

“Gọi đi,” cái giọng nhỉ xíu kia nói.

“Ăn sạch rồi.”

“Vậy hả?”

“Chắc thế.”

“Nè, thư giãn đi,” giọng nói bảo. “Thật ra anh cần gì, anh bạn?”

Norman Bowker mỉm cười.

“Nè,” hắn nói, “anh có muốn nghe kể về…”

Hắn ngừng nói, lắc đầu.

“Nghe gì, bạn?”

“Chả gì hết.”

“Ơ nè,” intercom nói. “Tôi thì tôi đéo có đi đâu hết á. Bị chốt bằng bù loong vô cây cột rồi, tạ ơn Chúa. Nào cứ thử kể tôi nghe coi.”

“Chả có gì.”

“Chắc không?”

“Chắc, Xong cả rồi.”

Máy intercom phát ra một âm thanh nho nhỏ tỏ vẻ thất vọng. “Tùy anh thôi. Báo cáo, hết.”

“Hết,” Norman Borker nói.

Khi vòng quanh hồ tới lần thứ mười hắn đi qua hai thằng con trai đi bộ lần cuối. Người đàn ông trên con thuyền chết máy đã đi rồi; hai con gà mái cũng đi rồi. Bên kia hồ, đằng sau nhà Sally Gustafson, mặt trời đã để lại một cái bớt màu tía trên chân trời. Sân khấu có mái dành cho ban nhạc giờ vắng ngắt, người đàn bà đạp thuyền lặng lẽ thu dây câu, còn cái máy tưới nhà bác sĩ Mason thì cứ xoay tròn xoay tròn.

Khi vòng quanh hồ lần thứ mười một thì hắn tắt máy lạnh, mở cửa sổ, tì cùi chỏ thoải mái lên bệ cửa lái bằng một tay.

Chẳng có gì để nói.

Hắn không thể nói về chuyện đó và sẽ chẳng bao giờ nói. Buổi tối êm đềm ấm áp.

Giá như có thể, mà vốn là không thể, hắn chắc đã giải thích rằng đêm đó bạn Kiowa của hắn đã chuội đi xuống bên dưới cánh đồng lầy lội tối tắm. Hắn bị cuộc chiến cuốn vào, hắn là một phần của thứ cứt đái ấy.

Bật đèn pha lên, lái chậm, Norman Bowker nhớ lại mình đã túm lấy bốt của Kiowa kéo thật lực, nhưng cái mùi đó quá mạnh, thế là hắn thối lui và bằng cách đó hắn đã mất huy chương Sao Bạc.

Hắn ước gì có thể giải thích đôi điều về chuyện ấy. Rằng hắn đã can trường đến mức bản thân hắn chả bao giờ ngờ tới, nhưng hắn đã không can trường được đến mức như hắn muốn. Sự khác biệt ấy quan trọng.

Max Arnold, kẻ yêu những đường ranh tinh tế, hẳn sẽ thấu hiểu điều này. Và cha hắn, người đã biết, hẳn sẽ gật đầu.

“Sự thực là con đã để cho thằng ấy chìm,” Norman Bowker hẳn sẽ nói.

“Có lẽ khi đó hắn đã chìm rồi.”

“Chưa chìm.”

“Nhưng có lẽ.”

“Không, con cảm thất thế. Nó chưa chìm. Cái ấy mình cảm thấy được.”

Cha hắn chắc sẽ trầm ngâm một hồi, mắt ngắm ánh đèn pha rọi lên mặt con đường hẹp rải hắc ín.

“Ừ, thôi thì,” ông già chắc sẽ nói, “dù gì con cũng vẫn còn bảy huy chương.”

“Chắc thế.”

“Bảy hũ mật ong.”

“Vâng.”

Khi hắn vòng quanh hồ lần thứ mười hai, bầu trời rừng rực màu sắc.

Hắn tấp xe vào Công viên Sunset rồi ngừng dưới bóng một lán dành cho dân picnic. Lát sau hắn ra khỏi xe, đi xuống bờ hồ, lội xuống hồ mà không cởi quần áo. Nước trên da hắn nghe ấm áp. Hắn hụp đầu xuống. Hắn mở miệng, chỉ hé một chút, để nếm cái vị, đoạn hắn thẳng người dậy khoanh tay ngắm pháo bông. So với một thị trấn nhỏ, đây là một màn trình diễn khá, hắn nghĩ.

 

Ghi chú 

“Nói về lòng can đảm” được viết vào năm 1975 theo gợi ý của Norman Bowker, ba năm sau anh ấy tự treo cổ trong phòng thay đồ của YMCA13 tại thị trấn quê nhà anh tại miền trung bang Iowa.

Vào mùa xuân năm 1975, gần thời điểm cáo chung của chế độ Sài Gòn, tôi nhận được một bức thư dài rời rạc trong đó Norman Bowker mô tả cái khó của việc tìm cách sử dụng cuộc đời anh sao cho hữu ích sau cuộc chiến. Anh từng làm nhiều nghề nhưng ở đâu cũng chỉ một thời gian ngắn, làm chân bán hàng ở một hiệu phụ tùng xe hơi, làm gác cổng, làm thợ phụ rửa xe, và đảm trách chân đầu bếp phục vụ ăn nhanh ở cửa hàng fast food địa phương. Chẳng việc nào trong số ấy kéo dài quá mười tuần, anh nói. Anh sống với cha mẹ, họ nuôi anh, họ đối đãi với anh với lòng tử tế và yêu thương hiển nhiên. Có một lúc anh đã ghi danh học trường địa học ở thị trấn quê nhà, nhưng anh bảo rằng chương trình học dường như quá ư trìu tượng, quá xa xôi, chẳng liên quan tới cái thực và cụ thể, và chắc chắn là không liên quan tới chiến tranh. Học được tám tháng thì anh bỏ. Sáng nào anh cũng nằm lỳ trên giường. Chiều chiều anh đi chơi bóng rổ ở YMCA, tối đến thì lái xe vòng vòng thị trấn bằng xe của cha anh, hầu hết là chỉ một mình, không thì với sáu lon bia, vừa lái tà tà vừa uống.

“Vấn đề là chẳng có chỗ nào đi,” anh viết. “Không phải chỉ trong cái thị trấn nhỏ chết bầm này đâu. Mà nói chung. Cuộc đời tao, ý tao là thế. Hầu như là tao đã chết từ hồi ở Việt Nam rồi… Khó tả. Cái đêm Kiowa ngoẻo, tao như đã chìm xuống bùn cùng với nó luôm… Thấy như tao vẫn đang nằm sâu dưới sình thối.”

Bức thư dài tới mười bảy trang viết tay, giọng điệu nhảy từ than thân trách phận sang giận dữ sang mỉa mai sang tự buộc tội mình rồi sang một kiểu thờ ơ giả tạo. Anh không biết mình cảm thấy gì. Chẳng hạn, giữa thư, anh tự trách mình vì đã ca cẩm nhiều quá:

Trời ạ, thư này bắt đầu có cái giọng nghe như thằng cựu chiến binh vừa uống bia vừa kêu khóc vừa tự giày vò vừa tự sướng rồi đây. Xin lỗi nha. Tao không phải là thằng vứt đi đâu, dù trong những giấc mơ tệ nhất cũng không. Và tao cũng không cảm thấy có ai đó đang xử tệ với tao hay gì cả, chỉ có điều thỉnh thoảng người ta hành xử quá tử tế. quá lịch thiệp, cứ như họ sợ rằng nhỡ đâu mình hỏi sai câu hỏi chăng … Nhưng tao không nên kêu ca. Một thứ duy nhất tao ghét – rất ghét – là mấy tay cựu chiến binh suốt ngày van vỉ kêu rên. Mấy cái thằng cứ thút thít sao mà mình chẳng được dự cuộc diễu binh nào hết. Thiệt ba láp quá xá cỡ. Có người nào đầu óc bình thường mà lại muốn diễu binh chớ hả? Hay là được một lũ thằng ngu ái quốc vỗ bốp bốp vào lưng, lũ ngu ấy thì biết đếch gì cái chuyện thế nào là giết người hay thế nào là bị bắn hay thế nào là ngủ dưới mưa hay thế nào là nhìn thằng bạn nối khố của mình chìm xuống dưới bùn? Ai cần chuyện ấy?

Dù sao thì về cơ bản tao Trên-Cả-Ổn. Ở nhà, tự do!! Cho nên tại sao lúc nào đấy mày không ghé thăm đây, tụi mình sẽ đi săn gái với lại tán gẫu và kể cho nhau mấy chuyện láo toét cũ mèm về chiến tranh? Tha hồ bốc phét thả dàn, mày hiểu chớ?

Tối cảm thấy chuyện ấy đang đến, và gần cuối thư nó đến. Anh giải thích rằng anh đã đọc cuốn sách đầu tay của tôi, Nếu tôi chết ở vùng chiến sự, cuốn ấy anh thích ngoại trừ “mấy phần về chính trị chảy máu tim”, Suốt nửa trang thư anh nói về chuyện cuốn sách có ý nghĩa đến nhường nào đối với anh, nó mang lại cho anh mọi loại ký ức, những làng mạc những cánh đồng những con sông, và anh nhận ra hầu hết các nhân vật, kể cả chính anh, mặc dù tất cả những cái tên đều bị thay đổi.

Rồi Bowker nói thẳng ra điều đó:

Điều mày nên làm, Tim ạ, là viết một câu chuyện về một thằng cha cảm thấy như mình đã bị giam cứng trong cái hố cứt đó. Một thằng cha không sao quyết được sẽ làm cái gì mà cứ lái xe vòng vòng thị trấn suốt ngày để không thể nghĩ ra một chỗ chó chết nào để đi với lại đằng nào cũng chả biết làm cách nào đi tới đó. Thằng cha này muốn nói về chuyện đó, nhưng không nói được… Nếu mày muốn, mày có thể dùng những thứ trong thư này (Nhưng tên thật của tao thì đừng, được không?). Đáng lẽ tự tao đã viết rồi, chỉ có điều tao không tìm ra được chữ nào, nói vậy chắc mày hiểu, tao cũng chả nghĩ ra được phải nói cụ thể cái gì đây. Điều gì đó về cánh đồng đêm ấy. Cái kiểu Kiowa biến mất trong sình. Mày có mặt ở đó – mày thì kể được.

Thư của Norman Bowker giáng mạnh vào tôi. Đã nhiều năm nay tôi cứ thấy phần nào tự phụ về chuyện mình đã chuyển tiếp từ chiến tranh sang hòa bình một cách dễ dàng như thế nào. Một sự xê dịch nhẹ nhàng êm thấm, chẳng hồi tưởng gì hết, cũng chẳng đổ mồ hôi lúc nửa đêm. Chiến tranh rốt cuộc cũng chấm dứt. Và việc cần làm là tiếp tục sống. Thành thử tôi lấy là tự hào mình đã chuyển đi nhẹ không từ Việt nam sang trường đại học, từ Chu Lai sang Harvard, từ thế giới này sang thế giới khác. Khi trò chuyện thông thường, tôi chẳng bao giờ nói nhiều về cuộc chiến, đi vào chi tiết lại càng không, thế nhưng từ khi trở về tôi đã nói về nó hầu như không ngừng nghỉ thông qua những gì tôi viết. Việc kể những câu chuyện xem ra là một tiến trình tự nhiên, không tránh được, cũng như là hắng giọng. Một phần là tự thanh tẩy, một phần là tương thông giữa người với người, đó là một cách để túm áo thiên hạ mà giải thích cho họ nghe đích xác những gì đã xảy ta với tôi, tôi đã để cho mình bị lôi vào một cuộc chiến sai trái như thế nào, tất thảy những sai lầm tôi đã phạm, tất thảy những điều kinh khủng tôi đã thấy và đã làm.

Tôi đã không xem sáng tác của mình là liệu pháp chữa trị, nay vẫn không. Thế nhưng khi nhận được thư của Norman Bowker, tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng hành động viết đã dẫn tôi qua một vòng xoáy những ký ức mà lẽ ra đã chấm dứt trong sự tê liệt hoặc còn tệ hơn. Bằng cách kể chuyện, ta khách thể hóa trải nghiệm của chính mình. Ta tách nó ra khỏi chính mình. Ta neo chặt lại một số sự thực nào đó. Ta tạo ta một số sự thực khác. Đôi khi ta khởi sự bằng một sự kiện có xảy ra thật, như cái đêm trên cánh đồng cứt, thế rồi ta đẩy nó về phía trước bằng cách tạo ra những sự kiện không xảy ra trên thực tế nhưng dẫu vậy lại giúp làm sáng tỏ và lý giải.

Dù thế nào, thư của Norman Bowker đã có hiệu quả. Nó ám ảnh tôi trong hơn một tháng, không hẳn những câu chữ mà là sự tuyệt vọng của nó, và cuối cùng tôi quyết định làm theo gợi ý của anh về câu chuyện. Dạo ấy tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết mới, Đi tìm Cacciato, và một sáng nọ tôi ngồi xuống bắt tay viết một chương có nhan đề “Nói về lòng can đảm”. Cốt lõi cảm xúc đến trực tiếp từ bức thư của Bowker: cái nhu cầu giản dị là cần nói. Để tạo ra cái khung kịch tính, tôi dồn hết các sự kiện vào một thời điểm và một nơi duy nhất, một chiếc xe hơi chạy vòng vòng quanh một cái hồ vào một buổi chiều êm ả giữa hè, dùng cái hồ làm hạt nhân để cho câu chuyện xoay quanh. Theo đề nghị của anh, tôi không dùng tên Norman Bowker, thay vào đó tôi dùng tên của nhân vật chính trong tiểu thuyết tôi viết, Paul Berlin. Phong cảnh thì tôi lấy chủ yếu từ thị trấn quê nhà của chính mình. Ăn cắp toàn bộ, thực tình là thế. Tôi bứng trọn Worthington, bang Minnesota – cái hồ, con lộ, đường đắp cao, người đàn bà đi thuyền đạp chân, trường trung học, những ngôi nhà đẹp đẽ có bến thuyền và những con thuyền và những công viên – mà đem đi mấy trăm dặm về phía Nam rồi trồng xuống vùng thảo nguyên Iowa.

Quá trình viết diễn ra nhanh chóng dễ dàng. Tôi viết nháp chừng một hai tuần là xong, tô điểm thêm trong khoảng một tuần nữa, rồi cho ấn hành như một truyện ngắn riêng rẽ.

Tuy vậy, hầu như ngay tức khắc, tôi có cảm giác thất bại. Các chi tiết trong câu chuyện của Norman Bowker còn thiếu. Trong dị bản đầu tiên, mà tôi vẫn còn ấp ủ như một phần của cuốn tiểu thuyết, tôi đã buộc phải bỏ qua cánh đồng cứt, cơn mưa và cái chết của Kiowa mà thay bằng chất liệu này, vốn mang những sự kiện thích hợp hơn với dòng tự sự của cuốn sách. Hậu quả là tôi đã đánh mất sự đối trọng tự nhiên giữa cái hồ với cánh đồng. Một sự thống nhất mang tính ẩn dụ đã bị phá vỡ. Cái mà tác phẩm này cần có, và không có, là sức mạnh giết người kinh khiếp của cánh đồng cứt ấy.

Khi cuốn tiểu thuyết triển nở sang tận năm sau đó, và khi các ý tưởng của chính tôi sáng dần lên, tôi dần thấy rõ rằng chương này không có chỗ thích đáng trong dòng chảy tự sự chung. Đi tìm Cacciato là một truyện về chiến tranh, “Nói về lòng can đảm” là một truyện về hậu chiến. Hai thời kỳ khác nhau, hai loạt vấn đề khác nhau. Chẳng có cách nào khác ngoài loại bỏ hoàn toàn chương đó. Sai lầm một phần là ở chỗ tôi đã cố chêm mẩu này vào cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, một cái gì đó ở câu chuyện này là tôi sợ – tôi sợ phải nói thẳng ra, sợ phải nhớ – nên rốt cuộc mẩu chuyện này đã bị là hỏng bởi tôi không kể nổi toàn bộ và đích xác sự thật về cái đêm của chúng tôi trên cánh đồng cứt ấy.

Suốt mấy tháng sau đấy, như vẫn thường hay thế, tôi cố sức xóa bỏ những điểm yếu của câu chuyện ra khỏi trí nhớ, lấy làm tự hào trong một sự hồi tưởng mơ hồ, lý tưởng hóa về những ưu điểm của nó. Khi mẩu chuyện đó xuất hiện trong một hợp tuyển truyện ngắn, tôi gửi một bản cho Norman Bowker, bụng nghĩ chắc là nó sẽ làm anh vui lòng. Phản ứng của anh cụt ngủn và có phần cay đắng.

“Tệ quá thì không,” anh viết cho tôi, “nhưng mày bỏ mất Việt Nam rồi. Kiowa đâu? Cứt đâu?”

Tám tháng sau anh treo cổ tự tử.

Vào tháng Tám năm 1978 mẹ anh gửi cho tôi một mẩu thư nhỏ giải thích chuyện gì đã xảy ra. Anh đang chơi bóng rổ ở YMCA; sau khi chơi hai giờ anh đi uống nước; anh dùng một sợi dây vốn dùng để nhảy; các bạn anh gặp anh treo cổ nơi ống nước. Không có thư tuyệt mệnh, không có thông điệp nào dù thuộc loại gì. “Norman là một thằng bé trầm lặng,” mẹ anh viết, “nên tôi cho rằng nó không muốn làm phiền ai.”

Nay, một thập niên sau khi anh chết, tôi hy vọng rằng “Nói về lòng dũng cảm” đã bù đắp được cho sự im lặng của Norman Bowker. Mặc dù cấu trúc cũ vẫn giữ nguyên, nhưng câu chuyện đã được chỉnh sửa rất nhiều, ở một vài chỗ thì cắt bỏ không thương tiếc, ở một vài chỗ khác thì thêm vào chất liệu mới. Norman lại quay về trong câu chuyện, nơi anh vốn thuộc về, và tôi không nghĩ rằng anh sẽ thấy phiền nếu tên thật của anh xuất hiện. Sự kiện trung tâm – cái đêm dài của chúng tôi trên cánh đồng cứt dọc sông Trà Bồng – đã được tái dựng trong câu chuyện. Viết về chuyện đó thật khó. Kiowa, nói gì thì nói, từng là bạn chí cốt, nên đã suốt nhiều năm tôi tránh nghĩ về cái chết của anh và phần đồng lõa của tôi trong đó. Ngay cả ở đây cũng chẳng dễ gì. Tuy vậy, vì sự thực, tôi muốn làm rõ rằng Norman Bowker không chịu chút trách nhiệm nào trong chuyện xảy ra với Kiowa. Norman đã không trải qua bấn loạn tinh thần trong đêm đó. Anh đã không cứng đờ người hay đánh mất huy chương Sao Bạc cho lòng dũng cảm. Phần đó của câu chuyện là phần của chính tôi.

------

[13] YMCA (hay “the Y”): viết tắt của Young Men's Christian Association (Hiệp hội Thanh niên Công giáo) là một phong trào quốc tế gồm hơn 45 triệu thành viên thuộc 124 liên đoàn quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét