Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Ghi chú

 

  • Những thứ họ mang

Ghi chú

Tim O'brien

“Nói về lòng can đảm” được viết vào năm 1975 theo gợi ý của Norman Bowker, ba năm sau anh ấy tự treo cổ trong phòng thay đồ của YMCA13 tại thị trấn quê nhà anh tại miền trung bang Iowa.

Vào mùa xuân năm 1975, gần thời điểm cáo chung của chế độ Sài Gòn, tôi nhận được một bức thư dài rời rạc trong đó Norman Bowker mô tả cái khó của việc tìm cách sử dụng cuộc đời anh sao cho hữu ích sau cuộc chiến. Anh từng làm nhiều nghề nhưng ở đâu cũng chỉ một thời gian ngắn, làm chân bán hàng ở một hiệu phụ tùng xe hơi, làm gác cổng, làm thợ phụ rửa xe, và đảm trách chân đầu bếp phục vụ ăn nhanh ở cửa hàng fast food địa phương. Chẳng việc nào trong số ấy kéo dài quá mười tuần, anh nói. Anh sống với cha mẹ, họ nuôi anh, họ đối đãi với anh với lòng tử tế và yêu thương hiển nhiên. Có một lúc anh đã ghi danh học trường địa học ở thị trấn quê nhà, nhưng anh bảo rằng chương trình học dường như quá ư trìu tượng, quá xa xôi, chẳng liên quan tới cái thực và cụ thể, và chắc chắn là không liên quan tới chiến tranh. Học được tám tháng thì anh bỏ. Sáng nào anh cũng nằm lỳ trên giường. Chiều chiều anh đi chơi bóng rổ ở YMCA, tối đến thì lái xe vòng vòng thị trấn bằng xe của cha anh, hầu hết là chỉ một mình, không thì với sáu lon bia, vừa lái tà tà vừa uống.

“Vấn đề là chẳng có chỗ nào đi,” anh viết. “Không phải chỉ trong cái thị trấn nhỏ chết bầm này đâu. Mà nói chung. Cuộc đời tao, ý tao là thế. Hầu như là tao đã chết từ hồi ở Việt Nam rồi… Khó tả. Cái đêm Kiowa ngoẻo, tao như đã chìm xuống bùn cùng với nó luôm… Thấy như tao vẫn đang nằm sâu dưới sình thối.”

Bức thư dài tới mười bảy trang viết tay, giọng điệu nhảy từ than thân trách phận sang giận dữ sang mỉa mai sang tự buộc tội mình rồi sang một kiểu thờ ơ giả tạo. Anh không biết mình cảm thấy gì. Chẳng hạn, giữa thư, anh tự trách mình vì đã ca cẩm nhiều quá:

Trời ạ, thư này bắt đầu có cái giọng nghe như thằng cựu chiến binh vừa uống bia vừa kêu khóc vừa tự giày vò vừa tự sướng rồi đây. Xin lỗi nha. Tao không phải là thằng vứt đi đâu, dù trong những giấc mơ tệ nhất cũng không. Và tao cũng không cảm thấy có ai đó đang xử tệ với tao hay gì cả, chỉ có điều thỉnh thoảng người ta hành xử quá tử tế. quá lịch thiệp, cứ như họ sợ rằng nhỡ đâu mình hỏi sai câu hỏi chăng … Nhưng tao không nên kêu ca. Một thứ duy nhất tao ghét – rất ghét – là mấy tay cựu chiến binh suốt ngày van vỉ kêu rên. Mấy cái thằng cứ thút thít sao mà mình chẳng được dự cuộc diễu binh nào hết. Thiệt ba láp quá xá cỡ. Có người nào đầu óc bình thường mà lại muốn diễu binh chớ hả? Hay là được một lũ thằng ngu ái quốc vỗ bốp bốp vào lưng, lũ ngu ấy thì biết đếch gì cái chuyện thế nào là giết người hay thế nào là bị bắn hay thế nào là ngủ dưới mưa hay thế nào là nhìn thằng bạn nối khố của mình chìm xuống dưới bùn? Ai cần chuyện ấy?

Dù sao thì về cơ bản tao Trên-Cả-Ổn. Ở nhà, tự do!! Cho nên tại sao lúc nào đấy mày không ghé thăm đây, tụi mình sẽ đi săn gái với lại tán gẫu và kể cho nhau mấy chuyện láo toét cũ mèm về chiến tranh? Tha hồ bốc phét thả dàn, mày hiểu chớ?

Tối cảm thấy chuyện ấy đang đến, và gần cuối thư nó đến. Anh giải thích rằng anh đã đọc cuốn sách đầu tay của tôi, Nếu tôi chết ở vùng chiến sự, cuốn ấy anh thích ngoại trừ “mấy phần về chính trị chảy máu tim”, Suốt nửa trang thư anh nói về chuyện cuốn sách có ý nghĩa đến nhường nào đối với anh, nó mang lại cho anh mọi loại ký ức, những làng mạc những cánh đồng những con sông, và anh nhận ra hầu hết các nhân vật, kể cả chính anh, mặc dù tất cả những cái tên đều bị thay đổi.

Rồi Bowker nói thẳng ra điều đó:

Điều mày nên làm, Tim ạ, là viết một câu chuyện về một thằng cha cảm thấy như mình đã bị giam cứng trong cái hố cứt đó. Một thằng cha không sao quyết được sẽ làm cái gì mà cứ lái xe vòng vòng thị trấn suốt ngày để không thể nghĩ ra một chỗ chó chết nào để đi với lại đằng nào cũng chả biết làm cách nào đi tới đó. Thằng cha này muốn nói về chuyện đó, nhưng không nói được… Nếu mày muốn, mày có thể dùng những thứ trong thư này (Nhưng tên thật của tao thì đừng, được không?). Đáng lẽ tự tao đã viết rồi, chỉ có điều tao không tìm ra được chữ nào, nói vậy chắc mày hiểu, tao cũng chả nghĩ ra được phải nói cụ thể cái gì đây. Điều gì đó về cánh đồng đêm ấy. Cái kiểu Kiowa biến mất trong sình. Mày có mặt ở đó – mày thì kể được.

Thư của Norman Bowker giáng mạnh vào tôi. Đã nhiều năm nay tôi cứ thấy phần nào tự phụ về chuyện mình đã chuyển tiếp từ chiến tranh sang hòa bình một cách dễ dàng như thế nào. Một sự xê dịch nhẹ nhàng êm thấm, chẳng hồi tưởng gì hết, cũng chẳng đổ mồ hôi lúc nửa đêm. Chiến tranh rốt cuộc cũng chấm dứt. Và việc cần làm là tiếp tục sống. Thành thử tôi lấy là tự hào mình đã chuyển đi nhẹ không từ Việt nam sang trường đại học, từ Chu Lai sang Harvard, từ thế giới này sang thế giới khác. Khi trò chuyện thông thường, tôi chẳng bao giờ nói nhiều về cuộc chiến, đi vào chi tiết lại càng không, thế nhưng từ khi trở về tôi đã nói về nó hầu như không ngừng nghỉ thông qua những gì tôi viết. Việc kể những câu chuyện xem ra là một tiến trình tự nhiên, không tránh được, cũng như là hắng giọng. Một phần là tự thanh tẩy, một phần là tương thông giữa người với người, đó là một cách để túm áo thiên hạ mà giải thích cho họ nghe đích xác những gì đã xảy ta với tôi, tôi đã để cho mình bị lôi vào một cuộc chiến sai trái như thế nào, tất thảy những sai lầm tôi đã phạm, tất thảy những điều kinh khủng tôi đã thấy và đã làm.

Tôi đã không xem sáng tác của mình là liệu pháp chữa trị, nay vẫn không. Thế nhưng khi nhận được thư của Norman Bowker, tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng hành động viết đã dẫn tôi qua một vòng xoáy những ký ức mà lẽ ra đã chấm dứt trong sự tê liệt hoặc còn tệ hơn. Bằng cách kể chuyện, ta khách thể hóa trải nghiệm của chính mình. Ta tách nó ra khỏi chính mình. Ta neo chặt lại một số sự thực nào đó. Ta tạo ta một số sự thực khác. Đôi khi ta khởi sự bằng một sự kiện có xảy ra thật, như cái đêm trên cánh đồng cứt, thế rồi ta đẩy nó về phía trước bằng cách tạo ra những sự kiện không xảy ra trên thực tế nhưng dẫu vậy lại giúp làm sáng tỏ và lý giải.

Dù thế nào, thư của Norman Bowker đã có hiệu quả. Nó ám ảnh tôi trong hơn một tháng, không hẳn những câu chữ mà là sự tuyệt vọng của nó, và cuối cùng tôi quyết định làm theo gợi ý của anh về câu chuyện. Dạo ấy tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết mới, Đi tìm Cacciato, và một sáng nọ tôi ngồi xuống bắt tay viết một chương có nhan đề “Nói về lòng can đảm”. Cốt lõi cảm xúc đến trực tiếp từ bức thư của Bowker: cái nhu cầu giản dị là cần nói. Để tạo ra cái khung kịch tính, tôi dồn hết các sự kiện vào một thời điểm và một nơi duy nhất, một chiếc xe hơi chạy vòng vòng quanh một cái hồ vào một buổi chiều êm ả giữa hè, dùng cái hồ làm hạt nhân để cho câu chuyện xoay quanh. Theo đề nghị của anh, tôi không dùng tên Norman Bowker, thay vào đó tôi dùng tên của nhân vật chính trong tiểu thuyết tôi viết, Paul Berlin. Phong cảnh thì tôi lấy chủ yếu từ thị trấn quê nhà của chính mình. Ăn cắp toàn bộ, thực tình là thế. Tôi bứng trọn Worthington, bang Minnesota – cái hồ, con lộ, đường đắp cao, người đàn bà đi thuyền đạp chân, trường trung học, những ngôi nhà đẹp đẽ có bến thuyền và những con thuyền và những công viên – mà đem đi mấy trăm dặm về phía Nam rồi trồng xuống vùng thảo nguyên Iowa.

Quá trình viết diễn ra nhanh chóng dễ dàng. Tôi viết nháp chừng một hai tuần là xong, tô điểm thêm trong khoảng một tuần nữa, rồi cho ấn hành như một truyện ngắn riêng rẽ.

Tuy vậy, hầu như ngay tức khắc, tôi có cảm giác thất bại. Các chi tiết trong câu chuyện của Norman Bowker còn thiếu. Trong dị bản đầu tiên, mà tôi vẫn còn ấp ủ như một phần của cuốn tiểu thuyết, tôi đã buộc phải bỏ qua cánh đồng cứt, cơn mưa và cái chết của Kiowa mà thay bằng chất liệu này, vốn mang những sự kiện thích hợp hơn với dòng tự sự của cuốn sách. Hậu quả là tôi đã đánh mất sự đối trọng tự nhiên giữa cái hồ với cánh đồng. Một sự thống nhất mang tính ẩn dụ đã bị phá vỡ. Cái mà tác phẩm này cần có, và không có, là sức mạnh giết người kinh khiếp của cánh đồng cứt ấy.

Khi cuốn tiểu thuyết triển nở sang tận năm sau đó, và khi các ý tưởng của chính tôi sáng dần lên, tôi dần thấy rõ rằng chương này không có chỗ thích đáng trong dòng chảy tự sự chung. Đi tìm Cacciato là một truyện về chiến tranh, “Nói về lòng can đảm” là một truyện về hậu chiến. Hai thời kỳ khác nhau, hai loạt vấn đề khác nhau. Chẳng có cách nào khác ngoài loại bỏ hoàn toàn chương đó. Sai lầm một phần là ở chỗ tôi đã cố chêm mẩu này vào cuốn tiểu thuyết. Tuy nhiên, ngoài điều đó ra, một cái gì đó ở câu chuyện này là tôi sợ – tôi sợ phải nói thẳng ra, sợ phải nhớ – nên rốt cuộc mẩu chuyện này đã bị là hỏng bởi tôi không kể nổi toàn bộ và đích xác sự thật về cái đêm của chúng tôi trên cánh đồng cứt ấy.

Suốt mấy tháng sau đấy, như vẫn thường hay thế, tôi cố sức xóa bỏ những điểm yếu của câu chuyện ra khỏi trí nhớ, lấy làm tự hào trong một sự hồi tưởng mơ hồ, lý tưởng hóa về những ưu điểm của nó. Khi mẩu chuyện đó xuất hiện trong một hợp tuyển truyện ngắn, tôi gửi một bản cho Norman Bowker, bụng nghĩ chắc là nó sẽ làm anh vui lòng. Phản ứng của anh cụt ngủn và có phần cay đắng.

“Tệ quá thì không,” anh viết cho tôi, “nhưng mày bỏ mất Việt Nam rồi. Kiowa đâu? Cứt đâu?”

Tám tháng sau anh treo cổ tự tử.

Vào tháng Tám năm 1978 mẹ anh gửi cho tôi một mẩu thư nhỏ giải thích chuyện gì đã xảy ra. Anh đang chơi bóng rổ ở YMCA; sau khi chơi hai giờ anh đi uống nước; anh dùng một sợi dây vốn dùng để nhảy; các bạn anh gặp anh treo cổ nơi ống nước. Không có thư tuyệt mệnh, không có thông điệp nào dù thuộc loại gì. “Norman là một thằng bé trầm lặng,” mẹ anh viết, “nên tôi cho rằng nó không muốn làm phiền ai.”

Nay, một thập niên sau khi anh chết, tôi hy vọng rằng “Nói về lòng dũng cảm” đã bù đắp được cho sự im lặng của Norman Bowker. Mặc dù cấu trúc cũ vẫn giữ nguyên, nhưng câu chuyện đã được chỉnh sửa rất nhiều, ở một vài chỗ thì cắt bỏ không thương tiếc, ở một vài chỗ khác thì thêm vào chất liệu mới. Norman lại quay về trong câu chuyện, nơi anh vốn thuộc về, và tôi không nghĩ rằng anh sẽ thấy phiền nếu tên thật của anh xuất hiện. Sự kiện trung tâm – cái đêm dài của chúng tôi trên cánh đồng cứt dọc sông Trà Bồng – đã được tái dựng trong câu chuyện. Viết về chuyện đó thật khó. Kiowa, nói gì thì nói, từng là bạn chí cốt, nên đã suốt nhiều năm tôi tránh nghĩ về cái chết của anh và phần đồng lõa của tôi trong đó. Ngay cả ở đây cũng chẳng dễ gì. Tuy vậy, vì sự thực, tôi muốn làm rõ rằng Norman Bowker không chịu chút trách nhiệm nào trong chuyện xảy ra với Kiowa. Norman đã không trải qua bấn loạn tinh thần trong đêm đó. Anh đã không cứng đờ người hay đánh mất huy chương Sao Bạc cho lòng dũng cảm. Phần đó của câu chuyện là phần của chính tôi.

----------

[13] YMCA (hay “the Y”): viết tắt của Young Men's Christian Association (Hiệp hội Thanh niên Công giáo) là một phong trào quốc tế gồm hơn 45 triệu thành viên thuộc 124 liên đoàn quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét