Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Lính ma

 

  • Những thứ họ mang

Lính ma

 Tim O'brien

Tôi bị trúng đạn hai lần. Lần đầu, ở ngoại ô Trị Bình, nó quật vào vách ngôi chùa, rồi thì tôi bật ngược lại xoay mòng mòng và rốt cuộc ngã vào lòng Chuột Kiley. Thế là may, bởi Chuột là lính quân y. Hắn quấn băng rồi bảo tôi tranh thủ nghỉ đi, đoạn hắn chạy về phía chỗ đang đánh nhau. Tôi ngồi một mình hồi lâu, lắng nghe trận chiến, bụng nghĩ Mình trúng đạn rồi, mình trúng đạn rồi: tất cả những phim Gene Autry tôi đã xem hồi còn nhỏ. Thật ra tôi hầu như mỉm cười, trừ mỗi chuyện lúc ấy tôi đã chớm nghĩ có khi mình chết mất. Chủ yếu là do sợ, nhưng tôi cảm thấy choáng váng, rồi thì tôi đang chìm sâu xuống nước. Cầu Chúa phù hộ Chuột Kiley. Thỉnh thoảng, tới bốn lần không chừng, hắn chạy lại xem tôi ra sao rồi. Làm thế phải can đảm lắm. Trận đánh thật ác liệt, tụi nó chạy nháo nhào, hết bắn thì tập hợp lại rồi thì lại chạy nháo nhào, ồn ào kinh khủng, nhưng Chuột Kiley chấp nhận rủi ro. “Không sao đâu,” hắn bảo tôi, “chỉ bị thương bên sườn, chả nhằm nhò gì trừ phi mày đang có bầu.” Hắn lột băng ra, thay băng mới, đoạn bảo tôi lấy ngón tay ấn cho chặt. “Đè mạnh,” hắn nói. “Đừng lo cho đứa nhóc.” Rồi hắn bỏ đi. Khi trận đánh chấm dứt trời hầu như đã tối, trực thăng tới chở tôi và hai tay đã chết đi. “Chúc đi may mắn,” Chuột nói. Hắn giúp tôi lên trực thăng rồi đứng đó một lát. Đoạn hắn làm một việc kỳ cục. Hắn khom mình vào trong khoang máy bay, kê đầu lên vai tôi, hầu như ôm tôi. Chuột Kiley mà làm như thế thì là chuyện mới đây.

 

Trên đường đến Chu Lai, tôi cứ chờ cái đau ập tới, nhưng kỳ thực tôi chả thấy đau gì mấy. Nhưng nhức, thế thôi. Cả khi tôi nằm bệnh viện thì vẫn không tệ lắm.

Khi tôi quay về với Đại đội Alpha hai mươi sáu ngày sau, vào giữa tháng Mười hai, Chuột Kiley đã bị thương và được chở bằng tàu sang Nhật; một lính quân y khác tên là Bobby Jorgenson thế chỗ hắn. Jorgenson chả phải là Chuột Kiley. Hắn non người trẻ dạ, non tay, sợ ỉa ra quần. Thành thử khi tôi bị thương lần thứ hai, nơi mông đít, ở ven sông Trà Bồng, thằng chó đẻ phải mất tới mười phút mới gom được đủ tinh thần đặng bò tới chỗ tôi. Tới khi đó thì tôi đã ngất vì đau. Về sau tôi mới biết mình đã gần như chết vì bị choáng. Bobby Jorgenson chả biết gì về choáng, mà dẫu có biết thì nỗi sợ cũng khiến hắn quên. Còn tệ hơn, hắn băng bó như mèo mửa, nên hai ba tuần sau mông tôi bắt đầu thối hoắc. Thậm chí lấy móng tay lột từng mảng da ra còn được nữa kìa.

Cái ấy gần như là hoại thư. Mãi một tháng trời tôi toàn nằm sấp; không đi được không ngồi được; không ngủ được. Tôi cứ thấy mãi bộ mặt trắng bệch vì sợ của Bobby Jorgenson. Hai con mắt ốc nhồi, rồi cái kiểu môi hắn co rúm lại, và rồi cái lý do ngu xuẩn hắn đưa ra để mà nuôi ria mép. Sau khi chỗ thịt thối được chữa lành, khi đã có thể suy nghĩ đâu ra đó, tôi dành rất nhiều thời gian nghĩ cách trả thù hắn.

 

Bị trúng đạn hẳn là một trải nghiệm mà từ đó ta có thể rút ra chút tự hào nào đấy. Ý tôi không phải là chuyện ta đây người hùng hay gì. Ý tôi chỉ là ta nên có khả năng kể về chuyện ấy: cái tiếng thịch khản đặc của viên đạn, như một cú đấm, cái kiểu nó đánh bật hết không khí ra khỏi người ta và khiến ta ho, mười năm sau ta vẫn nghe thấy tiếng súng nổ nó ra làm sao, và cái cảm giác choáng váng, cái mùi của chính ta, những gì ta nghĩ tới và nói và làm ngay sau đó, cái kiểu mắt ta dán vào một hòn sỏi trắng bé tí hay một lá cỏ và ta bắt đầu nghĩ. Ôi trời ơi, đó là cái cuối cùng mình còn thấy, hòn sỏi ấy, lá cỏ ấy, nghĩ thế mà chỉ muốn khóc.

Tự hào chẳng phải là từ đúng. Tôi không biết dùng từ gì đúng. Tôi chỉ biết là, ta không nên thấy lúng túng. Sự hạ mình không nên là một phần của nó.

Phát ban con nít, các y tá gọi nó thế. Chắc là đùa thôi. Nhưng nó khiến tôi căm thù Bobby Jorgenson kiểu như một số kẻ căm thù Việt Cộng, căm thù tận xương tận tuỷ, kiểu căm thù cứ ở với ta hoài hoài ngay cả khi ta nằm mơ.

 

Tôi đoán là mấy người ở tít trên kia quyết định rằng tôi bị bắn thế đủ rồi. Vào cuối tháng Mười hai, khi tôi được cho ra khỏi Quân y viện số 91, người ta chuyển tôi sang Văn phòng Ban tham mưu S4, bộ phận cung ứng cho tiểu đoàn. So với trong rừng ngoài ruộng thì công việc này quá ư nhàn nhã. Chúng tôi làm theo giờ giấc hẳn hoi. Có câu lạc bộ cho mình uống bia xem phim, đôi khi còn có cả show trình diễn sống, toàn bộ cái chuyển dịch chầm chậm lờ đờ của chốn hậu phương. Lần đầu tiên trong nhiều tháng tôi mới thấy mình quả thật an toàn. Căn cứ hoả lực của tiểu đoàn được xây dựng trong lòng một ngọn đồi ngay cạnh Quốc lộ 1, vây quanh tứ phía là đồng lúa phẳng phiu, và ngăn giữa chúng tôi với các đồng lúa có những boong ke bằng bê tông, những đài quan sát rồi thì những súng bắn pháo sáng và những cuộn thép gai sắc như dao cạo. Dĩ nhiên ta vẫn có thể chết – mỗi tháng chúng tôi bị hoả lực súng cối nã cho một lần – nhưng ta cũng có thể chết trên những khác đài không mái che ở Sân vận động Met tại Minneapolis nếu như Harmon Killerbrew đang đánh bóng cơ mà.

Tôi chẳng kêu ca. Tuy nhiên, kể cùng kỳ, có những lúc tôi buồn nhớ sự phiêu lưu, thậm chí hiểm nguy của cuộc chiến tranh đích thực ngoài kia trong rừng ngoài ruộng. Khó mà giải thích được điều này cho những ai chưa hề cảm thấy, nhưng sự hiện diện của cái chết và sự hiểm nguy có một cách gì đó để khiến ta hoàn toàn tỉnh thức. Nó làm cho mọi sự sống động. Khi ta sợ, thực sự là sợ, ta thấy những vật trước kia chưa từng thấy, ta chú ý đến thế giới. Ta kết bạn tri kỷ với người khác. Ta trở thành một phần của một bộ tộc và ta chia sẻ với nhau cùng dòng máu – cho nó đi là cùng cho cả, nhận nó về là cùng nhận cả. Mặt khác, tôi đã bị trúng hai viên đạn; tôi vốn mê tín; tôi tin vào sự may rủi một cách nồng nhiệt như bạn Kiowa của tôi từng tin Chúa Giê-su, hay như kiểu Mitchell Sanders tin vào sức mạnh của tinh thần. Giá như không có cái đau thường trực nơi mông đít thì tôi tin chắc mọi việc hẳn đều tốt đẹp.

Nhưng nó đau.

Ban đêm tôi phải nằm sấp ngủ. Nghe thì không có gì ghê gớm, nhưng ấy là nếu chưa tính đến chuyện suốt đời tôi toàn nằm ngửa. Tôi nằm đó cứng đờ mà lại bồn chồn, rồi sau một lát toi cảm thấy cơn giận trào dâng, vặn vẹo tứ phía, chửi thề, gần như phát điên vì đau, và chẳng mấy chốc tôi bắt đầu nhớ lại Bobby Jorgenson hầu như đã giết chết tôi ra sao. Choáng, tôi nghĩ – làm thế nào hắn lại quên chữa khi người ta bị choáng kia chớ? Tôi nhớ hắn đã phải mất bao lâu mới đến chỗ tôi, ngón tay hắn run bắn rồi lại cứ lập cà lập cập, rồi lại còn cái kiểu môi hắn cứ méo xệch đi dưới hàm ria mép nhỏ xíu chả giống ai nữa chớ.

Đêm nào cũng đến là khốn khổ. Đôi khi tôi lang thang khắp căn cứ. Tôi thường đến tận chỗ rào kẽm gai nhìn ra bóng tối, nơi có cuộc chiến, vừa nhìn vừa nghĩ mình có thể làm những cách gì để Bobby Jorgenson cảm thấy chính những gì tôi cảm thấy. Tôi muốn làm hắn đau đớn.

 

Vào tháng ba, Đại đội Alpha đến nghỉ xả hơi. Tôi ra chỗ bãi đáp đón mấy chiếc trực thăng. Mitchell Sanders với Azar, Henry Dobbins, Dave Jensen và Norman Bowker đập tay với tôi để chào nhau, sau đó tụi tôi chất đồ đạc của họ lên chiếc jeep của tôi và đánh xe về lán của Alpha. Tụi tôi chơi bời xả láng cho tới giờ xực. Xực xong tụi tôi lại xả láng tiếp. Đó là một trong nhiều nghi thức. Cho dù chẳng có lòng dạ nào đi nữa, ta vẫn cứ làm theo nguyên tắc.

Nửa đêm thì tới giờ kể chuyện.

“Morty Phillips xài sạch vận may của hắn rồi,” Bowker nói.

Tôi mỉm cười chờ. Kể chuyện là phải có nhịp điệu tiết tấu hẳn hoi. Bowker gỡ một cái nhọt nơi ngón tay rồi ngậm cái ngón tay ấy mà mút.

“Tiếp đi,” Azar nói. “Thằng ngu đạp mẹ nó vận may của mình xuống sông xuống bể mà đếch được cái chó gì.”

Norman Bowker gật, Bắn đầu nói, nhưng rồi lại im, đoạn đứng dậy đi tới chỗ thùng lạnh thọc sâu cả hai tay vào nước đá. Hắn trần thùi lụi, chả có gì trên người ngoài cái quần cộc với mấy cái thẻ nhận diện. Theo cách nào đó, tôi ghen tị với hắn – với tất cả bọn họ. Màu da đen cháy của họ, những vết trầy vết rộp, những câu chuyện, rồi thì cái chuyện họ là người-trong-cuộc-với-nhau. Tôi thấy mình gần gũi họ, đúng, nhưng tôi thấy mình xa cách họ, cảm giác này là mới. Những mệt mỏi của tôi được đem hồ bột; tôi có đầu tóc gọn gàng, có cái mùi sạch sẽ, vô trùng của hậu phương. Bọn họ vẫn là bạn tôi, ít nhất là ở một cấp độ, nhưng một khi ta đã rời khỏi rừng khỏi rú thì toàn bộ cái vụ anh em chiến hữu nọ kia quay ngược một trăm tám mươi độ. Ta trở thành dân thường. Ta mất tư cách thành viên của cái gia đình đó, của tình huynh đệ máu mủ ruột rà đó, và dù có cố đến đâu, ta vẫn không thể giả vờ là một phần của nó.

Tôi cảm thấy như vậy đó – mình như một dân thường và nghĩ thế tôi buồn. Mấy anh chàng này từng là anh em của tôi. Chúng tôi từng yêu quý nhau.

Norman Bowker khom mình tới trước vục một ít đá cục lên ấp vào ngực, ép chặt một lát, rồi moi ra một lon bia, bật khoen đánh tách.

“Chuyện là ở gần Mỹ Khê,” hắn nói nhỏ nhẹ. “Dạo ấy ngày nào cũng nóng như điên, ấy cũng một ngày như thế, nóng thôi là nóng, cả lũ tụi tao cứ phải tọng mấy thỏi muối đặng giữ cho mình tỉnh táo. Thở cũng khó. Ai cũng nằm vạ vật, nằm mà hưởng cho đã mẹ cái đời, thế rồi sau một hồi ai đó nói, ‘Nè, Morty đâu rồi?’ Thế là Thiếu uý bèn đếm đầu người, và biết sao không? Chả có Morty.”

“Biến rồi,” Azar nói. “Bụp. Đéo còn Morty.”

Norman Bowker gật. “Dù sao thì tụi tao cũng cử hai thằng đi tuần tra để kiếm. Chả tăm hơi. Chả dấu vết gì.” Ngừng một giây, Bowker rót một tẹo bia lên chỗ rộp trên người hắn mà liếm. “Khi đó rời sắp tối. Thiếu uý Cross, hắn sắp nổi tam bành lên – mày biết hắn nổi tam bành lên ra làm sao rồi chớ hả? – rồi thì, biết sao không? Đoán coi.”

“Morty chường mặt ra,” tôi nói.

“Đúng rồi đó mày. Morty ló mặt. Suýt nữa tụi tao đã ghi tên nó là MIA – mất tích trong khi làm nhiệm vụ – thế mà đùng một cái, nó chường mặt ra.”

“Ướt như chuột lột,” Azar nói.

“Nè, nghe đây…”

“Ừ, thì kể đi.”

Norman Bowker cau mày. “Ướt như chuột lột,” hắn nói. “Té ra cái thằng ngu nó đi bơi. Mày có tin không? Mình ên, nó cứ thế chuồn khỏi trại, cuốc bộ vài cây, tìm ra một con sông, bèn cởi đồ nhảy ùm xuống và bắt đầu màn bơi ếch chết bầm hay ba cái thứ cứt chó kiểu đó. Chả an ninh, chả gì ráo chọi. Thằng ôn đi bơi độc có bộ da trần.”

Azar cười khi khí. “Nóng quá mà.”

“Đâu nóng dữ vậy,” Dave Jensen nói.

“Thì cũng nóng.”

“Hiểu chưa hả?” Bowker nói. “Đây đang nói chuyện Mỹ Khê à nha, Việt Cộng đâu cũng có, vậy mà thằng đó, nó đi bơi.”

“Điên,” tôi nói.

Tôi nhìn khắp căn lán. Có hai ba chục người ở đó, vài người uống, vài người ngủ, nhưng tôi nói không thấy Morty Phillips trong số họ.

Bowker mỉm cười. Hắn với tay đặt lên đầu gối tôi mà bóp.

“Từ đó mà thành chuyện đó mày. Morty đâu còn nữa.”

“Là sao?”

“Vận may của Morty bị xài hết trọi rồi,” Bowker nói. Tay hắn vẫn đặt trên đầu gối tôi, rất nhẹ. “Vài ngày sau, có khi một tuần, nó thấy chóng mặt dữ. Mửa quá trời, nhiệt độ lên quá cỡ. Thằng lỏi bị bệnh,là vậy mà. Jorgenson nói chắc nó nuốt nhằm nước độc khi đi bơi bữa đó rồi. Nuốt nhằm vi rút của Việt Cộng hay gì đó.”

“Bobby Jorgenson,” tôi nói. “Hắn đâu?”

“Bình tĩnh đi.”

“Thằng bạn thiết Bobby Jorgenson của tao đâu?”

Norman Bowker tặc lưỡi một cái cộc lốc. “Mày có muốn nghe chuyện này không? Có hay không?”

“Dĩ nhiên có.”

“Vậy nghe cho hết đi. Morty đổ bệnh. Mày chưa bao giờ thấy ai bệnh dữ vậy đâu. Bệnh này mới thiệt là dữ hồn, nó đi không đi được nói chả nói được, địt cũng không luôn. Gì cũng không hết. Như là bị liệt. Chắc là bại liệt rồi.”

Henry Dobbins lắc đầu. “Không phải bại biệt. Mày đoán sai rồi.”

“Chắc là bại biệt.”

“Làm gì có chuyện,” Dobbins nói. “Không phải bại liệt.”

“Ơ,” Bowker nói. “Jorgenson nói gì thì tao nói vậy thôi. Chắc bại liệt bại lung gì đó. Hay là bệnh voi gì đó. Bệnh voi là thứ bệnh đéo mẹ gì đó.”

“Ừa, nhưng bại liệt thì không.”

Bên kia lán, ngồi một mình, Azar cười toe toét và búng ngón tay tanh tách. “Dù sao thì mày cũng sẽ thấy thôi. Đừng vất mẹ vận may vào những chuyện nhỏ nhặt. Lo mà giữ lấy.”

“Vậy đó,” Mitchell Sanders nói.

“Morty hết hạn rồi,” Dave Jensen nói.

“Đĩ bà bại liệt,” Henry Dobbins nói.

Chúng tôi ngồi lặng thinh một hồi. Không cần phải nói, bởi chúng tôi đang nghĩ tới cùng những điều như nhau: về Morty Phillips về chuyện vận may giúp mình thế nào tính được chuyện ngẫu nhiên. Có hàng triệu cách để chết. Trúng đạn là một cách, hầm chông và mìn và hoại thư và choáng và bại liệt vì một con vi rút của Việt Cộng.

“Jorgenson đâu?” tôi nói.

 


Một chuyện khác. Ba lần một ngày, dù có thế nào, dù đang làm gì, tôi cũng phải dừng. Tôi phải đi tìm một chỗ riêng tư, tụt quần ra bôi mỡ diệt trùng. Cái thứ này để lại vết ố nơi đũng quần tôi, từng đốm to vàng khè, cho nên lẽ tự nhiên là sinh ra vài chuyện tếu. Có một chuyện kể về nghĩa vụ canh giữ hậu phương. Một chuyện khác kể về bệnh trĩ và về chuyện tôi phải khó khăn vất vả lắm mới bỏ lại quá khứ đằng sau được. Mấy chuyện khác thì không tếu được thế.

Ngày đầu tiên Đại đội Alpha được nghỉ xả hơi trọn vẹn, tôi không lần nào chạm mặt Bobby Jorgenson. Giờ ăn không gặp, trong câu lạc bộ cũng không, cả trong mấy buổi say sưa bét nhè của tụi tôi ở lán Đại đội Alpha cũng không luôn. Đến một lúc tôi hầu như đi kiếm hắn, nhưng Mitchell Sanders bạn tôi bảo tôi quên đi.

“Cho qua đi,” hắn nói. “Thằng nhóc lúc đó làm ăn lôi thôi, ờ thì đúng, nhưng mày phải tính tới chuyện nó còn non nớt tới cỡ nào. Lính mới ra ràng, nhớ không? Thực tình bây giờ nó làm khá hơn nhiều rồi. Ý tao muốn nói là, nghe nè, thằng ôn biết việc nó làm. Mày muốn nói gì cứ nói, nhưng nhờ có nó mà Morty Phillips sống.”

“Rồi cứ thế là ổn à?”

Sanders nhún vai. “Con người ta thay đổi. Hoàn cảnh thay đổi. Tao ghét phải nói ra điều bày mày ạ, nhưng giờ mày ở xa rồi. Jorgenson, giờ nó là người của tụi tao.”

“Còn tao thì không?”

Sanders nhìn tôi một thoáng.

“Không,” hắn nói. “Chắc là không.”

Cứng đờ, như một kẻ xa lạ, Sanders đi qua phía bên kia lán, nằm xuống, cầm một tờ tạp chí làm bộ đọc.

Tôi cảm thấy có gì đó dịch chuyển bên trong tôi. Đó là nỗi tức giận, một phần, nhưng đó cũng là cảm giác mất mát thuần tuý và trọn vẹn: tôi không còn phù hợp nữa. Họ là lính, tôi thì không. Vài ngày nữa họ lại khăn gói lên đường quay lại rừng tú bụi bờ, còn tôi đứng ở bãi đáp trực thăng nhìn họ bước xa dần, rồi sau khi họ đi khỏi tôi sẽ lại suốt ngày tiếp tế cho trực thăng cho đến khi tới giờ xem phim hoặc chơi bài hoặc uống một mình kỳ đến lúc ngủ vùi. Cũng buồn cười, tôi cảm thấy mình bị phản bội.

Mãi một hồi tôi chỉ nhìn chăm chăm vào Mitchell Sanders.

“Thuỷ chung,” tôi nói. “Một bằng hữu như thế.”

 

Sáng ra tôi tình cờ chạm trán Bobby Jorgenson. Tôi đang chất đồ tiếp tế cho mấy chiếc Huey nơi bãi đáp trực thăng, và khi chiếc cuối cùng cất cánh bay đi rồi, trong khi đang mặc lại sơ mi, tôi nhìn lên thì thấy hắn đang tựa người vào xe jeep của tôi mà đợi tôi. Thật lạ. Trông hắn nhỏ con hơn là tôi vẫn nhớ, loắt choắt như con sóc nhỏ, lùn tịt, trông rắn chắc.

Hắn gật đầu vẻ bồn chồn.

“Nè,” hắn nói.

Thoạt tiên tôi chỉ nhìn xuống đôi bốt của hắn. Đôi bốt ấy: tôi nhớ chúng từ khi bị bắn. Dọc sông Trà Bồng, một viên đạn nằm trong tôi, đau là thế, nhưng vì lý do nào đấy cái còn mãi trong ký ức tôi là bề mặt bằng da phẳng lì sạch như lau như li của đôi bốt mới và bảnh choẹ hắn mang. Đen như mới ra lò, không trầy không bụi không đất sét đỏ. Đôi bốt ấy là một trong những chi tiết sống động mà ta không thể quên. Như một hòn sỏi hay lá cỏ, ta cứ nhìn chằm chằm mà nghĩ, Chúa ơi, đây là thứ cuối cùng trên thế gian mà ta còn nhìn thấy.

Jorgenson chớp mắt, cố mỉm cười. Lạ, tôi hầu như cảm thấy có phần thương hại hắn.

“Nè,” hắn nói. “Mình nói chuyện được không?”

Tôi không nhúc nhích. Tôi không nói tiếng nào. Lưỡi Jorgenson thò ra, chuyển động dọc theo mép bộ tia của hắn, rồi lủi mất.

“Nè, ông, lúc ấy tui làm như cứt,” hắn nói. “Tui còn nói gì được nữa? Tui xin lỗi. Khi ông bị thương, tui cứ tự bảo mình tiến tới đi, tiến tới đi, nhưng tui không làm được, cứ như tui đã nốc cả đống xì ke hay sao ấy. Có bao giờ ông thấy vậy chưa? Như là mình nhúc nhích cũng còn không nổi ấy?”

“Không,” tôi nói. “Tao chưa hề.”

“Nhưng ít nhất chẳng lẽ ông không thể…”

“Tha lỗi hả?”

Môi Jorgenson méo xệch. “Không, tui đã làm như cặc. Chấm hết. Sợ cứng người lại, chắc vậy. Nào tiếng ồn ào nào súng bắn nào mọi thứ – lần đầu tiên tui lâm trận mà – tui không chịu nổi… Khi nghe tui nói về vụ choáng, về hoại thư… tui thấy mình sao mà khốn khổ quá. Cả ác mộng nữa. Tui cứ thấy ông nằm đó, nghe tiếng ông hét, nhưng mà cứ như hai chân tui đầy nhóc cát, không làm sao nhúc nhích được. Tui cố mãi nhưng không làm sao bắt cặp chân chó má của tui nhúc nhích được.”

Hắn phát ta một âm thanh nhỏ trong cuống họng, cái gì đó trầm nhẹ bẫng, và trong một giây tôi cứ sự hắn khóc tu tu lên tới nơi. Nếu thế thì chắc đã xong chuyện. Tôi hẳn tự chủ được. Hắn nuốt cái âm thanh đó đi dù đó là gì đi nữa, tồi gượng cười và toan bắt tay tôi. Chuyện đó cho tôi một cái cớ để nhìn trừng trừng vào hắn.

“Đâu có dễ vậy,” tôi nói.

“Tim nè, tui đâu dễ quay ngược về mà làm lại cho êm đẹp được.”

“Lỗ đít tao nè.”

Jorgenson cứ chìa tay ta trước mặt tôi. Trông hắn quá sốt sắng, quá buồn và quá bị tổn thương, đến nỗi hầu như tôi thấy mình có lỗi. Nhưng không hẳn vậy. Sau một thoáng tôi lầm bầm gì đó rồi trèo vào xe jeep, lái xuống sàn đỗ, mặc hắn đứng một mình đó.

Tôi căm thù hắn vì đã làm tôi thôi căm thù hắn.

Cái gì đó không ổn. Hồi mới bước vào cuộc chiến này tôi còn là loại người trầm lặng ưu tư, mới học xong đại học, toàn điểm tốt, tốt nghiệp hạng tối ưu, bằng cấp này kia đủ cả, nhưng sau bảy tháng trong rừng rú tôi nhận ra rằng những cái bẫy cao vời đầy văn minh kia bằng cách nào đó đã bị nghiền nát dưới sức nặng của những thực tại giản đơn hằng ngày. Tôi đâm ra hèn hạ bên trong. Thậm chí đôi khi còn hơi hung bạo. Dù được học hành là thế, dù có những chẩn mực về tự do đẹp đẽ là thế, giờ đây tôi cảm thấy một sự lạnh lẽo sâu xa ở bên trong mình, một cái gì đó tối tăm, nằm ngoài lý trí. Thú nhận điều này thật khó, nhất là với chính tôi, nhưng tôi có khả năng làm điều ác. Tôi muốn gậy hại cho Bobby Jorgenson đúng như hắn đã gây hại cho tôi. Suốt nhiều tuần lễ nó là một lời thề – ta sẽ trị nó, ta sẽ trị nó – nó nằm sâu trong tôi như tảng đá. Ừ thì cứ cho là tôi không căn thù hắn nữa, và tôi đã đánh mất ít nhiều nỗi oán hận cùn sự tha thiết muốn trả thù, nhưng nhu cầu trả thù vẫn cứ gặm nhấm tôi. Về đêm thỉnh thoảng tôi uống rượu quá nhiều. Tôi nhớ lại lúc mình bị trúng đạn nằm thét gọi lính cứu thương rồi thì đợi, đợi hoài đợi mãi, ngất đi một lần, đoạn tỉnh lại và thét thêm chặp nữa, rồi thì cứ như tiếng thét lại gây ra những cơn đau mới, mùi thối hoắc kinh khủng của chính tôi, mồ hôi và nỗi sợ, mấy ngón tay lập cà lập cập của Bobby Jorgenson khi rốt cuộc hắn cũng bò tới được để chăm sóc tôi. Tôi cứ nghiền đi ngẫm lại chuyện ấy, từng chi tiết. Tôi nhớ cái nóng mềm, ướt rượt của chính máu tôi. Choáng, tôi nghĩ, và tôi cố bảo cho hắn biết thế, song lưỡi tôi không sao nối với đầu tôi được. Tôi muốn thét lên. “Đồ ngu, là choáng đó – tao sắp chết rồi!” nhưng tôi chỉ làm được mỗi một chuyện là hí lên như ngựa và tru tréo. Tôi nhớ chuyện ấy, nhớ bệnh viện, nhớ mấy y tá. Tôi nhớ đến cả nỗi phẫn uất. Nhưng tôi không còn thấy phẫn uất được nữa. Rốt cuộc, tôi chỉ còn thấy mỗi sự lạnh lẽo kia sâu trong ngực mình. Thứ nhất: thằng đó thiếu điều thì đã giết chết tôi. Thứ hai: đã thế thì phải có hậu quả, không thể khác.

Chiều hôm đó tôi đề nghị Mitchell Sanders giúp tôi một tay.

“Chả đâu đớn gì đâu,” tôi nói. “Trò tâm lý cơ bản, thế thôi. Quậy cho thằng oắt điên cái đầu một tí.”

“Không,” Sanders nói.

“Doạ cho thằng chó đẻ sợ mất mật chơi.”

Sanders lắc đầu. “Dào ôi, mày bệnh hoạn quá.”

“Tao chỉ muốn là…”

“Bệnh hoạn.”

Im lìm, Sanders nhìn tôi một giây rồi bỏ đi.

Tôi đành phải lôi Azar vào vụ này.

Hắn không có trí thông minh như Mitchell Sanders, nhưng hắn có cảm quan sắc bén hơn về công lý. Sau khi tôi giải thích kế hoạch, Azar nhe răng mỉm cười với tôi hồi lâu.

“Tối nay?” hắn hỏi.

“Miễn là đừng đi quá đà.”

“Tao á?”

Vẫn cười, Azar chớp một mí mắt và bắt đầu búng ngón tay tanh tách. Đó là một cố tật của hắn. Bất cứ khi nào mọi chuyện trở nên gay go, bất cứ khi nào có cơ may hành động, hắn đều búng ngón tay kiểu đó. Chẳng ai quan tâm tới hắn, kể cả tôi.

“Hiểu chớ?” tôi nói.

Azar nháy mắt. “Ô kê. Chỉ đùa chơi, phải không?”

 


Chúng tôi gọi quân thù là ma. “Đêm xui rồi,” chúng tôi nói, “ma đầy ngoài kia rồi.” Trong tiếng lóng, “bị ốp” không chỉ có nghĩa là bị sợ mất mật mà còn là bị giết.” “Đừng bị ốp đó,” chúng tôi hay nói. “Bình tĩnh, sống mà về.” Hoặc chúng tôi hay nói: “Cẩn thận nha, đừng chịu thua ma.” Bản thân vùng đồng quê trông cũng ma quái – những bóng đen những cái hầm rồi thì nhang thắp trong bóng tối. Vùng đất này bị ám. Chúng tôi là những lực lượng chiến đấu không tuân theo các quy luật khoa học thế kỷ hai mươi. Đêm khuya, khi ta canh tác, dường như toàn bộ Việt Nam sống động và nhấp nháy: những hình thù kỳ dị chao đảo tới lui giữa cánh đồng, mấy con bù nhìn mang dép, những linh hồn múa trong mấy ngôi chùa cổ. Đây là xứ sở của ma quỷ, và Việt Cộng là con ma chủ chốt. Cái kiểu hắn xuất hiện trong đêm. Ta chả bao giờ thấy hắn, chỉ đinh ninh mình có thấy. Hầu như có phép màu – thoắt hiện, thoắt biến. Hắn có thể nhập vào đất làm một, thay hình đổi dạng, trở thành cây cỏ. Hắn có thể cất mình lên không. Hắn biết bay. Hắn có thể đi qua hàng rào thép gai và tan biến đi như nước đá và bò lên mình ta không tiếng động không tiếng bước chân. Hắn đáng sợ. Ban ngày có thể ta không tin mấy chuyện này. Ta cười ha hả rồi quên. Ta đùa cợt. Nhưng đêm đến ta biến thành kẻ có tin: đã chui xuống hố công sự rồi thì chẳng còn kẻ hoài nghi nữa.

 

Azar hứng chí tợn. Suốt buổi chiều, trong khi chúng tôi chuẩn bị các thứ, hắn cứ hát lui hát tới: “Halloween, Halloween.” Chuyện ấy, cộng với chuyện hắn búng tay tanh tách, gần như khiến tôi thôi không làm vụ này nữa. Tôi phân vân chẳng biết nghĩ sao. Mitchell Sanders không thèm nói năng với tôi, điều đó có chiều làm tôi bớt hứng, nhưng rồi tôi lại nhớ lại thứ này thứ nọ. Tôi chỉ là một thứ vô cảm, từng động tác, cứng nhắc, như đếm, chẳng chút hứng thú hay cảm xúc thực sự nào. Tôi thiết kế các hiệu quả đặc biệt của mình, kiểm tra địa hình, đo khoảng cách, thu thập đủ vũ khí đạn dược và thiết bị chúng tôi cần. Tôi đủ chuyên nghiệp trong chuyện này, tôi không phạm sai sót, nhưng vì sao đó tôi cứ cảm thấy như mình đang chuẩn bị cho cuộc chiến của ai khác chứ không phải tôi. Tôi không có cái nỗi nhiệt thành yêu nước ấy.

Giá như tôi có lối thoát nào đó trong danh dự, chắc tôi sẽ viện tới ngay. Bobby Jorgenson phía bên kia bàn ăn, và khi rốt cuộc hắn nhìn lên tôi, gần như gật đầu, tôi chỉ còn thiếu tí nữa là bảo hắn thôi mọi chuyện xí xoá hết. Có lẽ tôi đang chực chờ gì đó. Một lời xin lỗi cuối – nói ra hoặc bằng cách nào đó trước mặt mọi người. Nhưng Jorgenson chỉ nhìn chằm chằm lại tôi. Đó cũng là một cái nhìn kỳ lạ, nhìn thẳng vào mắt, chả sợ gì, làm như xin lỗi xin phải chẳng còn cần thiết nữa. Hắn đang ngồi đó với Dave Jensen và Mitchell Sanders cùng vài người khác, và hắn có vẻ rất là hợp cạ, cả hội cứ cười suốt rất chi thân ái.

Có lẽ đó là điều khiến tôi quyết định.

Tôi đi về lán của mình, tắm rửa, cạo râu, quẳng mũ cối qua tường, nằm xuống một chút, trở dậy, rón rén đi quanh, tự nói với mình, bôi thêm ít dầu mới, rồi đi tìm Azar.

Ngay trước khi trời tối. Đại đội Alpha đứng điểm danh. Sau đó mọi người chia thành hai nhóm. Vài người đi viết thư hoặc tụ tập bù khú hoặc đi ngủ.

Những người khác kéo nhau đi ra vòng ngoài căn cứ, ở đó, trong vòng mười một giờ kế tiếp, họ sẽ thay nhau gác đêm. Lịch chuẩn là thế: thay nhau đêm này gác đêm kia nghỉ.

Đêm nay Jorgenson gác. Chuyện này tôi biết trước, dĩ nhiên. Và tôi biết hắn được phân công gác boong ke nào: Boong ke Sáu, một đống bao cát ở góc Tây Nam của vòng ngoài. Sáng hôm sau đó tôi đã do thám vị trí của hắn đến từng phân một; tôi biết những điểm mù, những gợn mấp mô nhỏ trên mặt đất, những chỗ hắn có thể nấp được khi có chuyện. Dẫu vậy, chỉ là để phòng lỡ ra có chuyện gì bất trắc làm hư bột hư đường, Azar và tôi theo đuôi hắn đến tận chỗ hàng rào kẽm gai. Chúng tôi quan sát hắn trải tấm pông-sô ra rồi lắp mấy quả mìn Claymore vào thiết bị bắn. Khe khẽ, như thằng con nít, hắn huýt sáo cho mình mình nghe. Hắn thử đài vô tuyến, mở giấy gói một phong kẹo, rồi ngồi xuống ngả người ra, súng tì vào ngực cứ như con gấu bông.

“Bồ câu,” Azar nói. “Bồ câu rán giòn trên chảo. Tao nghe mùi nó sôi liu rui.”

“Chỉ có điều này không phải thực.”

Azar nhún vai. Sau một giây hắn chìa tay vỗ vai tôi, không thô bạo nhưng cũng chẳng nhẹ nhàng. “Cái gì là thực?” hắn nói. “Tám tháng ở xứ kỳ ảo, nó có khuynh hướng làm cho ranh giới mờ đi. Thề có Chúa, đôi khi tao chẳng nhớ thực là thế nào nữa.”

Tâm lý – cái đó thì tôi biết. Đâu thể tìm cách doạ cho ai đó sợ giữa ban ngày ban mặt. Cần phải đợi. Là do bóng tối, nó siết chặt ta lại ở bên trong chính mình, cho nên ta bị cắt rời khỏi thế giới bên ngoài, trí tưởng tượng đâm thắng thế. Đó, tâm lý sơ đẳng chỉ có vậy. Tôi đã gác đêm đủ nhiều phiên để biết nỗi sợ nhân lên như thế nào khi ta ngồi đó hết giờ này sang giờ khác, chả có ai trò chuyện, chả có gì làm ngoài nhìn chăm chăm cái lỗ đen to tướng ở ngay chính giữa tấm linh hồn thảm hại của chính mình. Giờ khắc cứ trôi qua và ta đánh mất khả năng giữ cho mình định tĩnh; tâm trí ta bắt đầu lan man. Ta nghĩ tới những cái tủ đen ngòm, những kẻ điên, những tên giết người núp dưới giường, tất tật những nỗi sợ thời thơ ấu. Quỷ lùn rồi lại người khổng lồ. Ta muốn chặn nó lại mà không được. Ta nhìn thấy ma. Ta che mắt lại, lắc đầu. Chết tiệt, ta tự nhủ. Nhưng rồi ta nhớ lại những thằng đã chết: Curt Lemon, Kiowa, Ted Lavender, và còn nửa chục đứa khác mà ta không còn nhớ nổi mặt mày ra sao nữa. Rồi thì chả mấy chốc ta bắt đầu ngẫm nghĩ những câu chuyện từng kể về ma thuật của Việt Cộng. Cái lần mấy thằng quân mình dồn được hai Việt Cộng vào một cái hầm cụt, không có lối ra, nhưng rồi, khi người ta ném lựu đạn vào cái hầm đó lùng sục thì lại chả thấy gì ngoài một đống chuột chết. Hàng trăm chuyện. Những bóng ma quét sạch cả một trung đội thuỷ quân lục chiến trong vỏn vẹn hai mươi giây. Sau một hồi, đêm xuống dày hơn, ta cảm thấy một tiếng o o kỳ cục ở trong tai. Những âm thanh nhỏ xíu trở nên cao hơn và bị méo mó đi. Lũ dế trò chuyện bằng mật mã; đêm đâm ra nghe ran ran quái dị giống như âm thanh điện tử. Ta nín thở. Ta co quắp lại, căng cơ bắp, lắng nghe, khớp ngón tay cứng ngắc, mạch giần giật trong đầu. Ta nghe tiếng cười ha hả của hồn ma bóng quế. Không đùa đâu, cười ha hả. Ta giật thót, ta cứng người, ta căng mắt nhìn trong bóng tối. Nhưng chả có gì. Ta cài vũ khí sang chế độ hoàng toàn tự động. Ta khom mình xuống thấp hơn, ta đếm số lựu đạn và kiểm tra cho chắc là chốt đã gập xuống đặng ném cho nhanh rồi thì hít một hơi sâu và lắng nghe và ráng không kinh hoảng. Thế rồi sau đó, sau khi thời gian trôi qua vừa đủ, mọi chuyện bắt đầu đâm ra tồi tệ.

 

“Đi mà,” Azar nói, “mình làm đi,” nhưng tôi bảo hắn hãy kiên nhẫn. Mẹo là biết chờ đợi. Thế nên bọn tôi đi xem phim, lại Barbarella, đêm thứ tám liên tục. Phim chả ra gì, tôi nghĩ, nhưng nó làm cho Azar bận rộn. Hắn phát điên vì Jane Fonda. “Janie ngọt như mía lùi,” hắn cứ nói mãi. “Janie ngọt ngào làm tăng nhuệ khí kẻ nam nhi.” Rồi, bằng một ngón tay, hắn cho tôi xem bộ phận nào của nhuệ khí hắn vừa được tăng lên. Đó là một trò đùa cũ rích. Cái gì cũng cũ. Bộ phim, cái nóng, rừng rậm, chiến tranh. Tôi ngũ gục giữa chừng cuốn thứ hai – một giấc ngủ nóng bừng, giận dữ – và bốn mươi phút sau tôi bừng dậy mông đau nhừ, tâm trạng thì cáu kỉnh điên khùng.

Vẫn chưa tới nửa đêm.

Chúng tôi cuốc bộ tới câu lạc bộ và len tới chỗ một đám chơi bài tay sáu. Mitchell Sanders đang ở đó, tại một bàn khác, nhưng hắn vờ không thấy tôi.

Khi sắp đến giờ quán đóng cửa, tôi gật đầu với Azar.

“Hê, tới giờ quậy rồi nha,” hắn nói.

Chúng tôi đi về lán của tôi, nhặt nhanh đồ lề các thứ, rồi băng qua đêm tối đến chỗ hàng rào. Tôi lại cảm thấy mình như người lính. Lại trở về rừng rú, hồ như vậy. Chúng tôi tuân thủ kỷ luật chiến trường, không nói chuyện, bám theo những cái bóng và nhập mình vào bóng tối. Khi đến gần Boong ke Sáu, Azar giơ ngón tay cái lên rồi tách khỏi tôi và bắt đầu vòng về phía Nam. Như ngày xưa, tôi nghĩ. Cũng hồi hộp như thế, cũng chộn rộn như thế.

Khẽ khàng, tôi xốc đồ lề lên vai, băng qua một đống tảng đá nhô lên phía trên chốt gác của Jorgenson. Tôi ở ngay trên đầu hắn. Chính xác là cách ba mươi hai mét. Ngay cả trong bóng tối như mực, trăng chưa lên, tôi vẫn thấy rõ đường viền thân thể thằng đó: cái mũ cối, đôi vai, báng súng trường. Hắn xây lưng lại tôi. Hắn nhìn chăm chăm ra phía hàng rào và đồng lúa bên kia rào, nơi hiểm nguy rình rập.

Tôi quỳ xuống lôi mười quả pháo sáng ra, vặn nắp, xếp chúng thành hàng trước mặt rồi kiểm tra đồng hồ đeo tay. Hãy còn năm phút nữa. Tì người lên hông trái, tôi mò mẫm tìm mấy sợi dây thừng chăng sẵn từ hồi chiều. Tôi tìm thấy, liền kiểm tra độ căng, tồi lại xem giờ lần nữa. Bốn phút. Có cảm giác nhẹ nhõm trong tim tôi, vừa lâng lâng chấp chới lại vừa căng cùng một lúc. Tôi nhớ cái hồi còn ở rừng. Choáng váng và nghi hoặc và kinh sợ, hết thảy những thứ ấy và triệu lần hơn thế. Ta tự hỏi mình đang mơ chăng. Như thể ta đang trong một bộ phim. Có máy quay chĩa vào ta, thế là ta bắt đầu diễn, ta là kẻ nào đó khác. Ta nghĩ về hết thảy những bộ phim từng xem, Audie Murphy và Gary Cooper và Cisco Kid, hết thảy các người hùng ấy, và ta không khỏi cậy vào bọn họ như là mẫu mực về hành xử đường hoàng. Khi phục kích, ngồi thu lu trong bóng tối, ta chật vật kiểm soát mình. Đừng cục cựa nhiều quá. Ta chỉnh lại tư thế cho ngay ngắn; ta ráng cười toe; ta chú ý giữ nhịp thở đều. Mắt mở, cảnh giác – những mệnh lệnh xưa cũ, những bộ phim xưa cũ. Tất cả cùng xoáy tròn, những thứ sáo mòn rỗng tuếch trộn với cảm xúc thực của chính ta, và rốt cuộc ta chẳng còn phân biệt nổi đâu vào đâu nữa.

Có cái sự lãnh lẽo đó bên trong tôi. Tôi không phải chính mình. Tôi cảm thấy mình rỗng hoác và nguy hiểm.

Tôi hít một hơi, sờ sợi thừng đầu tiên, giật nhẹ nhưng gắt. Lập tức có tiếng lách cách bên ngoài rào. Tôi vẫn đang chờ tiếng động ấy, thậm chí còn căng ra vì nó, thế nhưng tim tôi vẫn thót lại một cái.

Rồi đây, tôi nghĩ. Giờ mở màn đây.

Tám thừng tất cả. Tôi có bốn, Azar có bốn. Mỗi thừng móc vào một dụng cụ gây ồn do tôi tự chế ra, bố trí ở đằng trước boong ke của Jorgenson – là tám cái thùng đạn nhét đầy băng đạn súng trường. Tinh vi, không ồn ào gì cả. Nếu không để tai, để tai hết sức thì chả nghe ra đâu. Nhưng Jorgenson thì để tai nghe. Ngay khi có tiếng lách cách đầu tiên nho nhỏ, đường viền thân hình hắn đã tuồng như đông cứng lại.

Lại lách cách nữa, lần này là Azar. Chúng tôi để nguyên như thế trong mười phút, xen kẽ nhịp điệu – ồn, im, lại ồn – để làm cho căng thẳng tăng dần.

Nheo mắt nhìn xuống vị trí của Jorgenson, tôi nghe cảm giác quyền lực lớn lao cồn lên trong mình. Đó là cảm giác mà Việt Cộng ắt phải có. Như con búp bê. Mình giật dây, rồi xem cái thằng lính gỗ ngu si nhảy nhót vặn vẹo. Chuyện đó làm tôi mỉm cười. Từng dây một, tuần tự, tôi giật các dây thừng, và tiếng ồn trôi ngược lại chỗ tôi với một sự vô hình thể mềm mại, khó dò: một con rắn chuông, chắc vậy, hay tiếng kèn kẹt của cánh cửa một cái bẫy sập, hay bước chân trên gác xép – tuỳ, muốn hiểu thế nào thì hiểu.

Theo cách nào đó tôi muốn ngừng mình lại. Làm thế là ác, tôi biết, nhưng đúng với sai đang nằm ở đâu đó kìa, không phải đây. Đây là thế giới của linh hồn.

Tôi nghe tiếng mình cười.

Thế rồi trong một chốc tôi đâm ra tách rời khỏi thế giới tự nhiên. Tôi cảm thấy mọi bản lề tuột mất. Mắt nhắm, tôi dường như trỗi lên khỏi thân thể chính mình, trôi qua bóng tối xuống vị trí của Jorgenson. Tôi vô hình; tôi không hình dạng, không chất thể; tôi còn nhẹ hơn hư không. Tôi cứ thế trôi. Đó là tưởng tượng, dĩ nhiên, nhưng mãi một hồi lâu tôi lượn lờ lơ lửng phía trên boong ke của Jorgenson. Như thể qua lớp kính tối màu tôi nhìn thấy hắn nằm ẹp giữa vòng bao cát, lặng thinh, sợ sệt, lắng nghe. Dụi mắt. Tự nhủ đây chỉ là trò đùa của bóng tối thôi mà. Bắp cơ căng, tai dỏng – tôi nhìn thấy thế. Giờ, ngay khoảng khắc này, hắn ngước lên trời, thầm mong có trăng hay vài ngôi sao. Nhưng trăng không, sao không. Hắn sẽ bắt đầu tự nói với mình. Hắn sẽ cố tập trung nhìn đêm cho thật kỹ, mong mỏi nhìn thấy mọi thứ trước sau như một, nhưng nổ lực ấy sẽ chỉ gây ra những kỳ hình dị tướng. Bên kia hàng rào, những đồng lúa sẽ tuồng như xoay tít tròng trành; cây cối mang dáng người; những búi cỏ ướt trong bóng đêm như những tay lính đào công sự. Cái xứ sở này y chang một cái nhà cười: những tấm gương lừa cặp mắt, những đường cong khúc vẹo, những con quái vật từ đâu nhảy xổ ra. “Chả có gì đâu,” hắn lẩm bẩm, “có gì đâu, có gì đâu,” nhưng chẳng thể nào không có gì đâu được.

Những cái đó tôi thấy hết.

Tôi đang ở dưới đó với hắn, bên trong hắn. Tôi là một phần của đêm. Tôi chính là cái đất này – mọi thứ, mọi nơi – đom đóm, đồng lúa, trăng, những xào xạc lúc nửa đêm, những ánh nhấp nháy phốt pho lạnh lẽo của sự ác – tôi là sự tàn bạo – tôi là lửa của rừng già, trống của rừng già – tôi là cái nhìn chòng chọc mù loà trong mắt tất cả những bạn bè xấu số, đáng thương, đã chết của tôi – tất thảy những cái thây ma trẻ trung xanh lét đó, Lee Strunk và Kiowa và Curt Lemon – tôi là con thú dữ trên mộ họ – tôi là Việt Nam, là sự rùng rợn này, là cuộc chiến này.

“Sợ hết hồn,” Azar nói, “Sởn da gà, đái ra quần.” Hắn đưa cho tôi một lon bia, nhưng tôi lắc đầu.

Chúng tôi cởi bốt, ngồi trong ánh sáng tù mù của lán tôi, lắng nghe Mary Hopkin hát trên máy quay đĩa.

“Tiếp theo là gì?”

“Đợi,” tôi nói.

“Ừ thì đợi, nhưng ý tao…”

“Câm mồm mà nghe đi.”

Cái giọng tao nhã ấy. Ngày nào đó, khi cuộc chiến này kết thúc, tôi sẽ đến London hỏi cưới Mary Hopkin làm vợ. Đó là một điều khác mà Việt Nam làm cho ta. Nó khiến ta thành ra đa cảm; nó khiến ta những muốn theo đuổi những cô nàng như Mary Hopkin. Cuối cùng, ta cũng biết được rằng ta sẽ chết, thế nên ta ra sức bám lấy cuộc sống, cái đứa trẻ nhẹ nhàng ngây thơ vốn là ta ngày xưa, nhưng rồi ít lâu sau cảm xúc lại mạnh hơn ta, và cả nỗi buồn, bởi vì ta biết một điều hiển nhiên rằng ta không thể lấy lại gì nữa cả. Ta không thể. Ngày ấy qua rồi, cô ta hát.

Azar tắt băng.

“Cục cứt, cái thằng này,” hắn nói. “Mày không hiểu nhạc là sao hả?”

 

Và giờ đây, rốt cuộc, trăng cũng lên. Chúng tôi trườn trở lại vị trí của mình, lại bắt tay vào việc với mấy sợi thừng. Lần này to hơn, riết róng hơn. Ánh sao lấp lánh trên dây kẽm gai, có những ánh phản chiếu những tầng bóng tối thật kỳ thú, và vầng trăng lớn màu trắng còn thêm âm hưởng của mình vào nữa. Không có gió. Đêm thật toàn bích. Chầm chậm, chúng tôi kéo mấy thùng đạn đến gần boong ke của Bobby Jorgenson hơn, và điều này, cộng với trăng, gây ra cảm giác hiểm nguy đang đến gần, cái ác đang từ từ bò đến.

Lúc ba giờ sáng Azar bắn quả pháo sáng đầu tiên.

Có một tiếng bụp nhỏ, rồi một tiếng xì xì phía trước Boong ke Sáu. Đêm dường như bục làm đôi. Ánh trắng loé lên cách boong ke mười bước.

Tôi cho nổ thêm ba quả nữa, thế là nháy mắt đã sáng như ban ngày.

Chừng đó Jorgenson động đậy. Hắn bật ra một tiếng kêu ngắn, trầm – thật ra chẳng phải tiếng kêu, chỉ là một tiếng hực ngắn ngủn từ trong phổi và họng – rồi thì một loạt hình ảnh nhòe mờ, hắn hụp sang một bên rồi lăn về phía đống bao cát ngồi thu lu ở đó ôm khẩu súng trường chờ đợi.

“Đó,” tôi thì thầm. “Giờ mày biết rồi đó.”

Tôi đọc được tâm trí hắn. Tôi đang ở đó cùng hắn. Cùng nhau chúng tôi hiểu thế nào là sự kinh hoàng: ta không còn là người nữa. Ta là một cái bóng. Ta tuột ra khỏi bộ da của chính ta, như chim thay lông, trút bỏ lịch sử của mình tương lai của mình, bỏ lại đằng sau tất tật những gì ta từng là hoặc từng muốn hoặc từng tin. Ta biết mình sắp chết. Và đây không phải một bộ phim, ta không phải một người hùng và việc độc nhất ta có thể làm là thút thít rên rỉ và chờ đợi.

Cái đó, lúc này đây, là một thứ hai chúng tôi có chung nhau.

Tôi thấy gần gụi hắn. Đó không phải đồng cảm, chỉ là gần gụi. Hình dáng hắn bị đóng khung như một tấm bìa cứng cắt ra trên nền những ánh pháo cháy rực.

 

Trong bóng tôi bên ngoài lán, cho dù đang cúi về phía Azar, hầu như mũi chạm mũi, tôi chỉ thấy được có mỗi hai lòng trắng bóng lưỡng của hắn.

“Đủ rồi,” tôi nói.

“Ừ, đủ.”

“Nghiêm chỉnh đó.”

Azar mỉm nụ cười nhẹ và mỏng dính với tôi.

“Nghiêm chỉnh hả?” hắn nói. “Với tao vậy là hơi bị nghiêm chỉnh quá đó – tao là thằng chuyên làm trò cho mày mà.”

Khi hắn lại cười, tôi biết thế là vô vọng rồi, nhưng tôi vẫn cố. Tôi bảo hắn rằng tôi với thằng kia vậy là hòa. Chúng tôi đã san bằng tỷ số, tôi nói, không cần làm tới nữa.

Azar nhìn tôi chằm chằm.

“Tội thằng nhỏ quá, tội quá,” hắn nói. Còn lại là uốn giọng và tròng trắng mắt.

 

Một giờ trước bình minh chúng tôi lại bò vào làm nốt màn cuối. Azar giờ là chỉ huy, tôi chỉ theo chân hắn, hy vọng mình có thể ngăn hắn được nếu cần.

“Mày đừng giận cái thằng tao làm gì cho mệt,” Azar nói nhẹ nhàng.Đó là điểm yếu về tính cách của tao. Chỉ là tao đã làm gì thì muốn làm đến nơi đến chốn thôi.”

Tôi không nhìn hắn. Khi chúng tôi đến gần hàng rào, Azar đặt tay lên vai tôi, kéo tôi về phía đống đá. Hắn quỳ xuống kiểm tra dây thừng và pháo sáng, tự gật đầu với mình, nhòm về phía boong ke của Jorgenson, gật đầu lần nữa, rồi bỏ mũ cối ra mà ngồi lên.

Hắn lại đang mỉm cười.

“Mày biết gì không?” hắn nói. Giọng hắn cò vẻ sầu tư. “Ngoài này, lúc ban đêm, tao hầu như cảm thấy tao lại là thằng nhóc. Ý tao là, cái trải nghiệm Việt Nam này, ôi chao, tao yêu cái đồ cứt đái này.”

“Này, ta hãy…”

“Suuỵtttt.”

Azar kề ngón tay lên môi. Hắn vẫn đang mỉm cười với tôi, hầu như hiền hậu.

“Chính đây là thứ mày từng muốn,” hắn nói. “Mày khoái chơi trò đánh nhau, đúng không? Thì đây, chính nó đây. Một trò đánh trận nho nhỏ dễ thương ở sân sau nhà. Những ngày chinh chiến này, nó khiến mày nhớ lại ngày xưa, tao cá đó. Chỉ có điều giờ mày không còn là lính nữa rồi. Mày giờ chỉ là một trong mấy thằng cha của Liên đoàn Cựu chiến binh, mấy thằng cha khoái diện quân phục tinh tươm rồi ra đường mà chơi trò ấy. Đã thảm chưa. Tao thì cái lỗ đít tao có nổ toác ra tao cũng chịu, miễn là được chơi trò thật.”

Môi tôi có cảm giác như bằng sáp, giống như đá xteatit.

“Thôi nào,” tôi nói. “Bỏ đi.”

“Thảm.”

“Azar ơi, vì Chúa.”

Hắn vỗ má tôi. “Thảm quá đi,” hắn nói.

Chúng tôi chờ thêm mười phút nữa. Giờ thì trời trở lạnh, và ẩm. Ngồi bệt xuống, đột nhiên tôi nghe một cảm giác giòn giòn dễ vỡ tràn ngập tôi, cảm giác rỗng không, như thể ai đó có thể với tay ra mà bóp nát tôi như một món đồ trang trí cây thông Giáng sinh. Đó cũng chính là cảm giác tôi từng có hồi ở bên sông Trà Bồng. Như thể tôi đang đánh mất chính mình, mọi thứ đổ ra ngoài cả. Tôi nhớ viên đạn đã gây ra một tiếng thịch nhỏ như thế nào bên trong tôi. Tôi nhớ mình nằm đó hồi lâu, lắng nghe dòng sông, tiếng súng, những giọng nói, tôi gào to gọi lính quân y gọi hoài gọi mãi nhưng không ai tới và cuối cùng tôi bò lui lại chạm tới được hố của mình. Máu ấm như nước rửa bát. Tôi có thể cảm thấy quần mình đầy sũng máu. Ngần này máu, tôi nghĩ – mình sẽ rỗng mất thôi. Rồi cái cảm giác giòn giòn kia đập vào tôi. Tôi ngất đi một chốc, rồi khi tôi tỉnh lại thì trận đánh đã chuyển đi nơi khác xa hơn, xuôi theo dòng sông. Tôi vẫn đang rỉ máu. Tôi tự hỏi Chuột Kiley đâu, nhưng Chuột Kiley khi đó ở Nhật rồi. Có tiếng súng trường nổ đâu đó bên phải tôi, và tiếng người la hét, chỉ có điều chăng có gì còn vẻ thật nữa. Tôi ngửi thấy mình đang chết. Viên đạn đã chui vào theo một góc độ dốc, dập xuống xuyên qua hông và ruột kết. Mùi hôi thúi khiên tôi co giật sang trái rồi sang phải. Tôi quay lại áp tay lên vết thương, cố bịt nó lại. Rỉ máu đến chết, tôi nghĩ. Thế rồi tôi cảm thấy điều đó xảy ra. Như là một thiên thần xoáy mòng mòng chui ra khỏi cái chai – như một đám mây bằng khí – tôi đang bốc lên trên, ra khỏi thể xác mình. Tôi nửa trong nửa ngoài. Một phần của tôi vẫn dang nằm dó, phần xác, nhưng tôi cũng chính là thiên thần ấy đang nhìn mà nói, “Đấy, đấy,” khiến cho tôi bắt đầu thét lên. Tôi không ghìm được. Khi Bobby Jorgenson đến chỗ tôi, tôi hầu như đãđiên lên vì sốc. Tôi chỉ làm được mỗi một việc là thét. Tôi căng cứng lên rồi gập lại, c gắng dằn không cho máu rỉ, nhưng làm thế chỉ tổ càng tệ hơn, và Jorgenson đấm tôi thùm thụp bảo tôi thôi đi. Tôi cố nói, “Sốc,” nhưng không làm sao nói cho ra hồn. Jorgenson lật nghiêng tôi, dận đầu gối lên lưng tôi, ghì chặt tôi, và tôi cứ ra sức nói,Sốc, thằng kia, trị sốc đi.” Tôi tỉnh – mọi thứ đều rõ ràng – nhưng lưỡi tôi không động đậy được thành lời. Đoạn tôi ngất đi một hồi. Khi tôi tỉnh lại, Jorgenson đang dùng dao cắt quần tôi. Hắn tiêm moóc phin, làm tôi sợ muốn chết, thế là tôi la lên gì đó và cố gắng trườn ra, nhưng hắn cứ đè chặt lưng tôi. Chỉ có điều giờ thì không phải Jorgenson mà là vị thiên thần kia, ông ta từ trên cao cười xuống với tôi, và nháy mắt, mà tôi thì không thể nào tung vó đá ông ta đi cho khuất mắt. Sau đó, mọi thứ dần dần trở lại như cũ, từng tí một, như phim quay chậm. Cò lẽ nhờ moóc phin. Tôi tập trung nhìn đôi bốt mới toanh của Jorgenson, rồi một hòn sỏi, rồi khuôn mặt chính tôi đang trôi bồng bềnh cao phía trên tôi – thứ cuối cùng tôi nhìn thấy. Tôi không thể ngoảnh đi chỗ khác. Tôi chợt nghĩ ra rằng mình đang chứng kiến cái gì thật hiếm hoi.

Ngay cả bây giờ, trong bóng tối, vẫn có cái gì đó gợi lên thế giới của linh hồn.

Azar nói, “Ê, mày thức đó chớ?”

Tôi gật.

Dưới Boong ke Sáu, mọi thứ yên tĩnh. Tuồng như chốn bị bỏ hoang.

Azar cười toe toét và bắt tay thao tác với mấy sợi thừng. Nó bắt đầu như một hơi gió thoảng, một tiếng thở dài khe khẽ. Tôi vòng tay ôm chặt chính mình. Tôi nhìn Azar khom người tới châm quả pháo sáng đầu tiên. “Làm ơn mà,” suýt nữa tôi đã nói, nhưng mấy chữ đó chựng lại, tôi chỉ ngẩng nhìn theo ánh lóe sáng phía trên boong ke của Jorgenson. Nó nổ hầu như không gây tiếng ồn: một ánh lóe đỏ êm đềm.

Có tiếng rên rỉ. Thoạt tiên tôi nghĩ đó là Jorgenson.

“Làm ơn,” tôi nói.

Tôi kìm mình lại, khoanh tay và co rúm lại. Tôi run lẩy by.

Hai lần nữa, mau lẹ, Azar cho nố thêm hai quả pháo đó. Đến một lúc hắn quay lại nhìn tôi, nhướn mày.

“Timmy, Timmy ôi,” hắn nói. “Có thứ nào như thứ này hả.”

Tôi đồng ý.

Tôi muốn làm gì đó, ngăn hắn lại bằng cách nào đấy, nhưng tôi ngửa người ra sau mà nhìn Azar nhặt một trái lựu đạn cay lên rút chốt, đứng dậy ném. Hơi cay phụt ra thành một đám mây mỏng che kín một phần Boong ke Sáu. Thậm chí từ xa ba chục mét tôi vẫn ngửi thấy và nếm được nó.

“Lạy Chúa, làm ơn mà,” tôi nói, nhưng Azar lại liệng thêm trái nữa, chờ cho hơi cay xịt ra nghe xì một cái, rồi bò tới sợi dây thừng chúng tôi chưa dùng tới.

Đó là ý tưởng của tôi. Tôi đã tự thiết kế ra nó: một cái bao cát sơn trắng, một hệ thống ròng rọc.

Azar giật nhanh sợi thừng, thế là đằng trước Boong ke Sáu, cái bao cát trắng tự cất lên lơ lửng trên không giữa một đám hơi cay mịt mù xoáy cuộn.

Jorgenson bèn nổ súng. Ban đầu chỉ một phát, một viên đạn dẫn đường độc nhất màu đỏ ghim phập vào bao cát và cháy rụi.

 ồ ồ ồ!” Azar lẩm bẩm.

Nhanh chóng, vừa tự nói với mình Azar vừa quăng trái lựu đạn cuối cùng, bắn thêm quả pháo sáng nữa, rồi lại giật sợi thừng làm cho cái bao cát trắng múa may.

“Ố ồ ồ ồ!” hắn ngâm nga. “Sao sáng, sáng sao.”

Bobby Jorgenson không phát cuồng vì sợ. Lặng lẽ, gần như một cách đường hoàng, hắn đứng dậy ngắm kỹ rồi bắn thêm phát nữa vào cái bao cát. Tôi thấy rõ dáng người hắn trên nền những ánh lòe đỏ. Mặt hắn trông thư thái, không méo mó cũng không la hét. Hắn nhìn chăm chăm vào bóng tối trong mấy giây, như đang quyết định việc gì, đoạn hắn lắc đầu mỉm cười. Hắn đứng thẳng dậy. Trong một thoáng hắn dường như đang thu hết can đảm. Thế rồi, thật chậm, hắn bắt đầu đi thẳng bước về phía hàng rào; dáng hắn thẳng tắp; hắn không lom khom không đi ngoằn ngoèo cũng không bò. Hắn đi thẳng. Hắn đi với vẻ ung dung cao nhã. Khi đến sát cái bao cát, Jorgenson dừng chân rồi quay lại gọi to tên tôi, đoạn hắn chĩa nòng súng vào cái bao cát trắng.

“O’Brien!” hắn hét, rồi hắn bắn.

Azar buông thừng xuống.

“Chà,” hắn lẩm bẩm, “trò vui chấm dứt.” Hắn nhìn xuống tôi với vẻ thương hại pha lẫn với coi thường. Sau một giây hắn lắc đầu. “Nè mày, tao nói mày nghe cái này. Mày là một ca dỏm, quá ư là dỏm.”

Tôi đang run rẩy. Tôi cứ vòng hai tay tự ôm mình, đảo người sang hai bên rồi từ trước ra sau, nhưng không làm sao hết run cho được.

“Tởm,” Azar nói. “Ca dỏm nhất tao chưa từng thấy trong đời.”

Hắn nhìn Jorgenson, rồi nhìn tôi. Mắt hắn có thứ b mặt đùng đục, nhẵn bóng như đá. Hn tiến ti trước làm như để giúp tôi đứng dậy. Thế rồi hắn dừng lại mỉm cười. Hầu như là sau khi nghĩ lại, hắn đávào đầu tôi.

“Buồn,” hắn lầm bầm, đoạn quay lưng bỏ đi ngủ.

 

“Chả có gì to tát đâu,” tôi bảo Jorgenson. “Kệ nó.”

Nhưng hắn dẫn tôi xuống boong ke rồi lấy khăn lau vết thương nơi trán tôi. Thật ra thì không nặng. Tôi hơi chóng mặt, nhưng cố không để lộ.

Bậy giờ gần như đã bình minh, một bình minh màu bạc nhiều sương. Hồi lâu chúng tôi không nói gì.

“Vậy đó,” cuối cùng hắn nói.

“Phải.”

Chúng tôi bắt tay nhau. Cả hai chúng tôi chẳng ai để nhiều cảm xúc vào đó cho lắm, và chúng tôi không nhìn vào mắt nhau.

Jorgenson chỉ về phía cái bao cát bị bắn vỡ toang.

“Giỏi đó,” hắn nói. “Suýt nữa thì tao đã…” Hắn bỏ lửng câu, nheo mắt nhìn ra đồng lúa phía Đông, nơi bầu trời bắt đầu nhuốm màu sắc.Dù sao thì cũng kịch tính ra trò đó. Mày có khiếu thiệt chớ chả chơi. Ngày nào đó có khi mày nên theo nghe điện ảnh hay gì đấy.”

Tôi gật đầu nói, “Ý hay.”

“Thêm một Hitchcock nữa. Bầy chim, mày coi phim đó chưa?”

“Coi sợ thấy mồ,” tôi nói.

Chúng tôi ngồi thêm lát nữa, rồi tôi dợm đứng dậy, chỉ có điều tôi vẫn nghe lảo đảo trong đầu. Jorgenson chìa tay ra giữ tôi cho vững.

“Giờ tụi mình huề chớ?” hắn nói.

“Cũng tạm.”

Một lần nữa, tôi cảm thấy sự gần gụi giữa con người với con người. Hầu như là chiến hữu với nhau. Chúng tôi gần như đã bắt tay lần nữa nhưng rồi bỏ ý đó đi. Jorgenson lượm mũ cối lên, phủi bụi, rồi nhìn cái bao cát thêm lần nữa. Mặt hắn nhem nhuốc.

Lên tới lán quân y, hắn rửa rồi băng trán cho tôi, đoạn chúng tôi đi ăn. Chúng tôi không có gì nhiều để nói. Tôi bảo hắn tôi xin lỗi; hắn cũng nói y như thế. Sau đó, ngập ngừng, tôi nói, “Mình giết Azar đi.”

Jorgenson mỉm cười. “Nhát cho nó sợ chết thôi, đúng không?”

“Đúng.”

“Vậy mới là phim chớ!”

Tôi nhún vai. “Chắc rồi. Hay là cứ giết quách nó.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét