- Những thứ họ mang
Chuyến đi thực địa
Vài tháng sau khi viết xong “Trên cánh đồng” tôi cùng với con gái quay lại Việt Nam, ở đó chúng tôi thăm nơi Kiowa chết, và ở đó tôi tìm những dấu hiệu của sự tha thứ hay của sự cao nhã mang tính cá nhân hay bất cứ gì khác mà xứ sở này có thể trao cho. Cánh đồng vẫn đó, mặc dù không phải như tôi nhớ. Nhỏ hơn nhiều, tôi nghĩ, hầu như chẳng hề đầy đe doạ như thế, và dưới ánh nắng chói chang thật khó hình dung điều gì đã xảy ra trên đất này khoảng hai mươi năm trước. Ngoại trừ vài chỗ lầy lội dọc con sông, mọi thứ đều khô khốc. Chẳng có ma nào – chỉ một cánh đồng phẳng, đầy cỏ. Nơi đây đang thanh bình. Có những con bướm vàng. Có làn gió nhẹ và bầu trời xanh rộng. Ven sông có hai nông dân lội trong nước sâu đến mắt cá chân, đang chữa cũng cái bờ đê hẹp nơi chúng tôi đã đặt xác Kiowa xuống sau khi lôi hắn ra khỏi bùn. Mọi thứ tĩnh mịch. Tôi nhớ là, đến một lúc, một trong hai nông dân ngước lên, giơ tay lên mắt che nắng, nhìn qua cánh đồng về phía chúng tôi, rồi thoáng sau ông ta lau trán và lại làm việc tiếp.
Tôi đứng khoanh tay, nhận thấy cảm xúc và thời gian siết lấy mình. Thật đáng kinh ngạc, tôi nghĩ. Hai mươi năm.
Sau lưng tôi, trong xe jeep, Kathleen con gái tôi ngồi chờ cùng với thông dịch viên của chính phủ, thi thoảng tôi nghe được hai người nói chuyện bằng giọng khe khẽ. Họ đã thành bạn chí cốt của nhau. Chẳng ai trong hai người hiểu được chuyện này là thế nào, tôi nghĩ, tại sao tôi cứ nằng nặc đòi tìm cho bằng được chỗ này. Mất một chuyến đi nhọc nhằn suốt hai tiếng đồng hồ từ thị xã Quảng Trị, qua những con lộ gồ ghề bẩn thỉu dưới nắng nóng tháng Tám, để rồi rốt cuộc dừng ở một cánh đồng trơ trọi giữa chốn xa xôi cách trở.
Tôi lấy máy ảnh ra, chụp vài pô ảnh, rồi đứng nhìn cánh đồng. Một hồi sau Kathleen ra khỏi xe đứng cạnh tôi.
“Ba biết con nghĩ gì không?” cháu nó nói. “Con nghĩ là chỗ này hôi. Hôi như là… Trời ạ, con chả biết như gì nữa. Mùi như thứ gì mục rữa ấy.”
“Hẳn rồi. Ba biết.”
“Vậy khi nào mình đi được?”
“Sắp rồi,” tôi nói.
Cháu nó dợm nói gì đó nhưng rồi ngập ngừng. Cau mày, cháu nheo mắt nhìn ra cánh đồng khoảng một giây, rồi nhún vai và bước trở lại xe jeep.
Kathleen mới tròn mười tuổi, và chuyến đi này kiểu như là quà sinh nhật, chỉ cho cháu nhìn thấy thế giới, cho cháu xem một mẩu nhỏ của chuyện đời ba cháu. Suốt hầu hết chuyến đi cháu xử sự tốt – tốt hơn tôi nhiều – và suốt hai tuần đầu cháu lê chân theo mà chẳng kêu ca gì khi chúng tôi đến những điểm tham quan bắt buộc. Lăng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Một trang trại kiểu mẫu ở ngoại ô Sài Gòn. Địa đạo Củ Chi. Các đài tưởng niệm rồi các cơ quan chính phủ và các trường nuôi dạy trẻ mồ côi. Suốt hầu hết ngần ấy thứ, Kathleen chừng như thích thú cái vẻ xứ lạ, món ăn phương xa thú vật phương xa, và ngay cả trong những giai đoạn chán ngán và khó chịu thì cháu vẫn giữ được sự bao dung dễ mến. Tuy nhiên, đồng thời cháu cũng có vẻ hơi hoang mang. Cuộc chiến tranh đối với cháu cũng xa vời như những người sống trong hang động và loài khủng long.
Một sáng nọ ở Sài Gòn cháu hỏi tôi tất cả chuyện này là sao vậy. “Cả cuộc chiến tranh này,” cháu nói, “tại sao người ta ai cũng khùng lên với mọi người khác như thế?”
Tôi lắc đầu. “Chính ra thì người ta không khùng. Một số người muốn một điều, những người khác lại muốn một điều khác.”
“Ba thì ba muốn gì?”
“Chả gì hết,” tôi nói. “Muốn mình sống sót.”
“Thế thôi à?”
“Ừ.”
Kathleen thở dài. “Chà, con không hiểu. Ý con là trước hết làm thế nào hồi đó ba lại ở đây kia chứ?”
“Ba không biết,” tôi nói. “Vì ba phải ở đây.”
“Nhưng tại sao?”
Tôi cố tìm cho ra điều gì đó đặng nói với cháu, nhưng rốt cuộc tôi nhún vai nói: “Chắc đó là một bí ẩn. Ba không biết.”
Từ lúc đó cho đến hết ngày hôm ấy con bé rất trầm lặng. Tuy nhiên đêm đó, ngay trước khi đi ngủ, Kathleen đặt tay lên vai tôi noi: “Ba biết sao không? Đôi khi ba hơi lạ đấy, đúng không?”
“Ồ không,” tôi nói.
“Cả ba cũng thế.” Cháu nó rụt tay lại và cau mày với tôi. “Như chuyện sang đây chẳng hạn. Có chuyện vớ vẩn gì đấy xảy ra lâu lắm rồi mà ba không làm sao quên được.”
“Vậy thì tệ hả?”
“Không,” cháu khẽ trả lời. “Lạ thôi.”
Vào tuần thứ hai của tháng Tám, gần cuối thời gian lưu lại Việt Nam, tôi thu xếp chuyến đi phụ về Quảng Ngãi. Phần tham quan du lịch thì cũng tốt thôi, nhưng ngay từ đầu tôi đã muốn đưa con tôi đến những nơi tôi từng thấy từ hồi đi lính. Tôi muốn cho cháu thấy cái nước Việt Nam thường khiến tôi thao thức về đêm – một con đường mòn rợp bóng râm bên ngoài làng Mỹ Khê, một chuồng heo cũ hôi rình trên bán đảo Batangan. Tuy nhiên, thời gian của chúng tôi quyết định đưa cháu đến mảnh đất này nơi Kiowa bạn tôi đã chết. Việc này xem ra phù hợp. Với lại, tôi cũng có việc cần làm ở đây.
Lúc này, nhìn cánh đồng, tôi tự hỏi liệu đây có phải một sai lầm chăng. Cái gì cũng tầm thường quá. Một ngày nắng nóng bình lặng, còn cánh đồng thì chẳng phải cánh đồng tôi vẫn nhớ. Tôi hình dung khuôn mặt Kiowa, cái kiểu hắn hay cười, nhưng tôi chỉ cảm thấy mỗi một điều là sự vụng về của hành vi nhớ lại.
Sau lưng tôi, Kathleen bật tiếng cười khúc khích khe khẽ. Tay thông dịch đang diễn cho cháu nó xem mấy trò ảo thuật.
Có chim có bướm, có những âm thanh xào xạc khe khẽ của cánh đồng quê ở bất cứ đâu. Bên dưới, trong lòng đất, tàn tích của sự hiện diện của chúng tôi chắc chắn vẫn còn đó, những vỏ đồ hộp những thắt lưng đeo đạn những bộ đồ nấu nướng và dụng cụ ăn. Cánh đồng nhỏ này, tôi nghĩ, đã nuốt chửng quá nhiều. Người bạn tốt nhất của tôi. Niềm tự hào của tôi. Niềm tin của tôi vào chính mình như một người có chút phẩm giá và chút sự can trường. Thế nhưng, tìm ra một cảm xúc thực sự nào vẫn khó. Đơn giản là nó không có đấy. Sau cái đêm dài trong mưa ấy, dường như tôi đã đâm ra lạnh ở bên trong, mọi ảo tưởng đã biến mất, mọi khao khát và hy vọng xa xưa cho bản thân đã bị hút sạch vào bùn. Suốt nhiều năm, cái lạnh đó chẳng thương hại chẳng đam mê, và theo cách nào đó tôi đổ tội cho nó tước đi con người mà tôi đã từng là. Trong hai mươi năm cánh đồng này đã là hiện thân cho tất cả sự phí hoài vốn dĩ là Việt Nam, tất cả sự tầm thường và ghê rợn.
Nay thì nó chỉ là nó. Phẳng lặng chán ngắt và xoàng xĩnh. Tôi đi về phía sông, cố nắm bắt được vài quang cảnh cụ thể, nhưng chỉ nhận ra mỗi mô đất nhỏ nhô lên nơi Jimmy Cross đặt cứ điểm chỉ huy của hắn vào đêm đó. Không gì khác. Tôi quan sát một hồi hai lão nông đang làm việc dưới mặt trời nóng bức. Tôi chụp thêm vài pô ảnh, vẫy tay với mấy nông dân, rồi quay lưng bước trở lại xe.
Kathleen khẽ gật đầu với tôi.
“Con hy vọng là ba thích,” cháu nó nói.
“Chắc rồi.”
“Mình đi được chưa?”
“Tí nữa,” tôi nói. “Cứ thư giãn đi.”
Nơi phía sau xe tôi tìm thấy cái bọc vải nhỏ tôi đem từ bên Mỹ sang.
Mắt Kathleen nheo lại. “Gì thế?”
“Một thứ ấy mà,” tôi bảo nó.
Cháu nó liếc cái bọc thêm lần nữa, rồi nhảy ra khỏi xe theo tôi quay lại cánh đồng. Chúng tôi đi qua cứ điểm chỉ huy của Cross, qua nơi Kiowa đã chìm xuống đáy, đến chỗ cánh đồng chuyển thành đầm lầy dọc bờ sông. Tôi tháo giày, cởi tất.
“Ơ này,” Kathleen nói, “chuyện gì vậy?”
“Bơi tí mà.”
“Bơi đâu?”
“Ngay đây,” tôi nói. “Ở yên nhé.”
Cháu nó quan sát tôi tháo cái bọc ra. Bên trong là đôi giày da thú cũ của Kiowa.
Tôi cởi quần áo đến khi chỉ còn đồ lót, tháo đồng hồ đeo tay, rồi lội vào bùn. Nước trên da tôi nghe ấm. Lập tức, tôi nhận ra cái bề mặt mềm, phẳng ở dưới đáy. Nước ở đây sâu hai mươi phân.
Kathleen xem chừng bồn chồn. Cháu nó nheo mắt nhìn tôi, hai tay vung tít. “Nghe này, chuyện này ngốc lắm,” cháu nói, “thậm chí ướt ba còn không ướt được nữa mà. Làm sao ba bơi ở đó được?”
“Ba sẽ xoay xở.”
“Nhưng đây không… ôi lạy Chúa, đây thậm chí có phải nước đâu, là bùn hay gì đó chớ.”
Cháu vừa bịt mũi vừa nhìn tôi lội đến chỗ nước ngang đầu gối. Ngay ở đây, tôi kết luận, là nơi Mitchell Sanders đã tìm thấy ba lô của Kiowa. Tôi khom người, đầu tiên còn xổm, sau ngồi bệt hẳn xuống. Lại có cái cảm giác nhận ra kia. Nước lên tới giữa ngực, một màu nâu sậm ngả xanh, hầu như nóng. Những con bọ nước nhỏ nhảy tanh tách trên mặt. Ngay đây, tôi nghĩ. Cúi tới trước, tôi cầm hai chiếc giày thọc vào bùn, cắm sâu vào cái đáy mềm, để cho chúng chuội đi. Những bong bóng nhỏ xíu nổi lên trên mặt. Tôi cố nghĩ về một điều gì đó ra hồn để nói, một cái gì đấy ý nghĩa và đúng đắn, nhưng chẳng nghĩ ra gì.
Tôi nhìn xuống cánh đồng.
“Rồi,” cuối cùng tôi thốt ra. “Nó đây.”
Giọng tôi khiến tôi ngạc nhiên. Nó có một âm thanh thô ráp, vô âm sắc, đầy những thứ mà tôi không biết là có đó. Tôi muốn Kiowa rằng hắn đã là một người bạn tuyệt vời, người bạn tốt nhất, nhưng tôi chỉ làm được mỗi một điều là vỗ hai tay vào nước.
Nắng làm tôi nheo mắt. Hai mươi năm. Nhiều phần như mới hôm qua, nhiều phần như chẳng bao giờ. Có lẽ rằng, theo cách nào đó, tôi đã chìm xuống cùng với Kiowa, và nay sau hai mươi năm cuối cùng tôi đã ngoi lên được. Một trưa nóng bức, mặt trời chói chang tháng Tám, và chiến tranh đã dứt. Mãi một hồi tôi không sao cử động được. Giống như thức dậy từ một giấc ngủ ngắn mùa hè, cảm thấy lười biếng uể oải, thế giới tự nó quần tụ lại quanh tôi. Cách năm mươi mét trên cánh đồng một trong hai nông dân đứng nhìn từ ven bờ đê. Mặt ông ta đen sạm và nghiêm trang. Trong khi chúng tôi nhìn nhau, chẳng ai nhúc nhích, tôi cảm thấy có gì đó đóng lại trong tôi trong khi một cái gì khác mở toang ra. Trong một thoáng, tôi tự hỏi liệu ông già kia có bước tới để trao đổi vài câu chuyện về hồi chiến tranh hay không, nhưng ông ta chỉ nhặt cuốc lên, nâng cao quá đầu và giữ nguyên như vậy một lát, đầy nghiêm trang, như giương một lá cờ, đoạn ông ta hạ cuốc xuống và nói gì đó với bạn mình rồi lại bắt tay đào xuống đất khô cứng.
Tôi đứng dậy lội ra khỏi nước.
“Lôi thôi quá,” Kathleen nói. “Da ba toàn là bùn nhớp quá thôi, thiệt tình ba giống như là… Đợi đó con về méc má, má bắt ba ngủ ngoài ga ra cho coi.”
“Con nói đúng,” tôi nói. “Đừng cho má biết.”
Tôi ngang qua cánh đồng về phía chiếc xe. Những sóng nhiệt mềm mại rung rinh trồi lên khỏi đất.
Khi đến chỗ xe, Kathleen quay lại nhìn ra cánh đồng.
“Cái ông già đó,” cháu nói, “ổng có nổi khùng với ba hay gì đó không?”
“Ba mong là không.”
“Ổng coi bộ nổi khùng.”
“Không,” tôi nói. “Chuyện ấy xong rồi.’
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét