Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh

 


  • Những thứ họ mang

Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh

 Tim O'Brien

Chuyện này là chân thực. Tôi có một người bạn ở Việt Nam. Tên hắn là Bob Kiley, nhưng ai cũng gọi hắn là Rat tức là Chuột.

Một thằng bạn của hắn chết trận, thế nên khoảng một tuần sau hắn ngồi xuống viết lá thư gửi cho em gái thằng bạn đó. Chuột kể cô ta nghe cô ta có một ông anh tuyệt vời đến thế nào, một anh chàng mười phân vẹn mười, một người bạn và một chiến hữu số một. Một người lính chân chính hơn ai hết, Chuột nói. Rồi hắn kể vào câu chuyện làm rõ ý này, kể rằng ông anh cô ta luôn luôn tình nguyện làm những việc mà cả triệu năm nữa cũng không ai dám tình nguyện, những việc nguy hiểm, kiểu như đi đặc công hay mấy chuyến tuần tra đêm thực sự là chó chết ấy. Thiệt là gan làm bằng thép không gỉ, Chuột kể với cô thế. Anh chàng hơi điên tí, thì đúng, nhưng điên theo lối tốt, một tay liều mạng thứ thiệt, bởi anh ta thích sự thách thức, anh ta thích thử chính mình, một con người đúng nghĩa đối mặt với thằng mặt bủng. Một anh chàng tuyệt, tuyệt ơi là tuyệt, Chuột nói.

Dù thế nào, đấy là một bức thư hay, rất riêng tư và cảm động. Chuột hầu như khóc hu hu khi viết. Hắn nước mắt lưng tròng khi kể về những lúc tươi đẹp hai thằng bầu bạn có nhau, ông anh cô ta làm cho cuộc chiến trở nên hầu như thú vị, luôn luôn nâng địa ngục lên và thắp sáng những ngôi làng và khó khăn kiểu gì cũng vượt qua ngon như ăn kẹo. Lại còn rất có khiếu hài hước nữa chớ. Như cái lần ở chỗ con sông khi hắn đi câu cá bằng cả một rổ toàn lựu đạn. Có lẽ là chuyện tức cười nhất trong lịch sử thế giới, Chuột nói, bao nhiêu là máu với me, ôi thôi cơ man nào là cá chết đếm làm sao cho xuể kể làm sao cho xiết. Anh trai cô, anh ấy lúc nào cũng biết thế nào là phải. Anh ấy biết làm thế nào để luôn vui vẻ ung dung. Dịp Halloween, cái đêm thiệt là khoái tỉ mà cũng thiệt kinh hồn, anh chàng bôi toàn thân đủ thứ màu và đeo cái mặt nạ ghê thấy mụ nội rồi lội bộ đến một ngôi làng để chơi trò cho-gì-đi-không-thì-phá trong khi toàn thân hầu như trụi lủi, có độc cặp bốt với hai cái quả toòng teng và một cây em mờ mười sáu. Một con người siêu quần bạt chúng, Chuột nói. Thi thoảng cũng hơi chậm tí, nhưng ta có thể phó thác cho anh trọn cuộc đời mình.

Thế rồi thư đâm ra rất buồn và nghiêm trang. Chuột dốc hết tâm can. Hắn nói hắn yêu quý anh chàng đó. Hắn nói anh ta là bạn thân nhất của hắn trên đời. Họ như đôi bạn tri kỷ, hắn nói, anh em sinh đôi gì đó, họ có rất nhiều thứ chung. Hắn bảo cô em anh ta rằng hắn sẽ trông nom cô chừng nào hết chiến tranh.

Rồi chuyện gì xảy ra ?

Chuột gửi thư đi. Hắn chờ hai tháng. Con mặt lồn ngu đéo bao giờ trả lời.

 

Một câu chuyện chân thực về chiến tranh chẳng bao giờ dạy đời. Nó không hướng dẫn, không xiển dương đức hạnh, không đưa ra những mẫu mực hay hành vi đúng đắn của con người, không kiềm chế con người đừng làm những việc con người vẫn luôn làm. Nếu một câu chuyện trông có mòi dạy đời, đừng tin nó. Nếu đến cuối câu chuyện về chiến tranh mà bạn cảm thấy tinh thần mình thăng hoa, hay nếu bạn cảm thấy có một chút gì công chính được cứu vãn khỏi sự tàn hại lớn, ấy là bạn đã bị biến thành nạn nhân của một sự dối trá khủng khiếp và cũ rích. Chẳng cái gì là công chính hết. Làm gì có đức hạnh. Vì vậy, quy tắc đầu tiên là: bạn chỉ có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh bằng cách trung thành tuyệt đối với cái ác và với sự tục tằn. Nghe Chuột Kiley mà xem. Con mặt lồn, hắn nói. Hắn không nói con đĩ chó. Hắn chắc chắn không nói bà ấy, hay cô ấy. Hắn nói con mặt lồn. Đoạn hắn nhổ nước miếng và nhìn chăm chăm. Hắn mười chín tuổi – thế là quá nhiều với hắn – cho nên hắn nhìn bạn bằng cặp mắt to buồn hiền lành của kẻ sát nhân mà nói con mặt lồn, bởi vì bạn hắn chết, và bởi chuyện ấy vừa buồn vừa thật đến không tin được: con nhỏ đéo bao giờ trả lời.

Bạn có thể kể một chuyện chân thực về chiến tranh nếu nó làm bạn lúng túng. Nếu bạn không cần sự tục tằn, bạn không cần sự thực; nếu bạn không cần sự thực, hãy dè chừng xem bạn đang bỏ phiếu cho ai. Cứ cho đám thanh niên đi đánh nhau, khỉ trờ về tụi nó toàn ăn nói tục tằn.

Nghe Chuột đi: “Lạy Chúa tôi, tao viết cái lá thư hay ho chết mẹ này, tao cày cục viết, thế rồi chuyện ra sao? Con mặt lồn ngu đéo bao giờ trả lời.”

 

Tên cái thằng đã chết là Curt Lemon. Chuyện xảy ra là, chúng tôi băng qua một con sông ngầu bùn rồi hành quân về phía núi, và đến ngày thứ ba chúng tôi nghỉ chân dọc ngả ba đường mòn trong rừng sâu. Ngay khi đó, Lemon và Chuột Kiley bắt đầu chơi đùa. Tụi nó không biết sợ là gì. Tụi nó là con nít; chỉ là tụi nó không biết. Một cuộc dã ngoại đi vào chốn thiên nhiên, tụi nó nghĩ vậy, thậm chí chả phải chiến tranh, thành thử tụi nó đi vào dưới bóng râm của vài cái cây khổng lồ – bốn tầng tán lá, hoàn toàn không có ánh mặt trời – thế rồi tụi nó cười khúc khích gọi nhau là đồ gà chết và chơi một trò ngốc nghếch tụi nó tự chế ra. Trò này phải dùng lựu đạn khói, vốn là thứ vô hại trừ phi ta làm những chuyện ngu xuẩn, và tụi nó làm thế này: rút chốt rồi đứng cách nhau chừng hơn năm mét và đuổi bắt nhau dưới bóng mấy cái cây khổng lồ đó. Thằng nào sợ mà chạy thì thằng đó là gà chết. Và nếu chả có thằng nào sợ mà chạy thì lựu đạn nổ bụp một cái và cả hai thằng sẽ bị khói bao quanh mù mịt và hai đứa sẽ cười ha hả nhảy múa vòng quanh rồi lại làm lần nữa.

Chính xác như thế.

Chuyện xảy ra, đối với tôi, đã gần hai mươi năm trước, thế nhưng tôi vẫn còn nhớ chỗ ngả ba đường mòn ấy, những cái cây khổng lồ ấy và tiếng nước nhỏ giọt khe khẽ đâu đó phía sau mấy cái cây. Tôi nhớ mùi rêu. Trên tán lá có những bông hoa nhỏ xíu màu trắng, nhưng hoàn toàn không có ánh mặt trời, và tôi nhớ có những bóng râm tỏa xuống dưới gốc cây nơi Curt Lemon và Chuột Kiley chơi trò hù nhau bằng lựu đạn khói. Mitchell Sanders đang chơi thả yo-yo. Norman Bowker và Kiowa Và Dave Jensen đang ngủ gà ngủ gật hoặc nửa thức nửa gà gật, và bốn phía quanh chúng tôi toàn những ngọn núi lởm chởm màu xanh.

Ngoài tiếng cười như nắc nẻ ra thì mọi thứ tĩnh lặng.

Đến một lúc, tôi nhớ là Mitchell Sanders quay lại nhìn tôi, không hẳn là gật đầu, làm như cảnh báo cho tôi về điều gì đó, làm như hắn đã biết, thế rồi lát sau hắn cuộn cái yo yo lại bỏ đi.

Khó mà kể cho bạn biết chuyện gì xảy ra kế đó.

Tụi nó chỉ đang đùa nghịch. Có một tiếng động, chắc vậy, ắt là tiếng ngòi nổ, thế là tôi liếc ra sau thì thấy Curt Lemon đang từ trong bóng râm bước ra ngoài nắng. Khuôn mặt hắn bỗng dưng có màu nâu và ngời sáng. Một thằng nhóc bô trai, thực vậy. Cặp mắt xám sắc sảo, người mảnh dẻ, eo thon, và khi hắn chết thì chuyện ấy gần như là đẹp, khi ánh nắng tràn tới quanh hắn nâng hắn lên rồi hút hắn vào một cội cây đầy rêu đầy dây leo đầy hoa trắng.

 

Trong bất cứ câu chuyện nào về chiến tranh, nhưng đặc biệt là một chuyện chân thực, khó mà tách bạch được điều đã xảy ra với điều dường như đã xảy ra. Cái dường như đã xảy ra đến trước khi nó xảy ra và cần được kể lại theo cách đó. Góc độ nhìn bị lệch lạc. Khi một quả mìn nổ, ta nhắm mắt rồi hụp xuống và bản thân ta dạt ra ngoài. Khi một gã chết, như Curt Lemon, ta ngoảnh đi rồi nhìn lại một thoáng rồi lại ngoảnh đi. Nhưng bức tranh bị xáo trộn; ta có xu hướng bỏ sót nhiều thứ. Rồi sau đó, khi ta đi kể lại chuyện ấy, luôn luôn có cái sự dường như đầy siêu thực ấy, nó làm cho câu chuyện có vẻ như không thực, nhưng trên thực tế lại tiêu biểu cho cái sự thực nghiệt ngã và chân xác như nó vốn dường như thế.

 

Trong nhiều trường hợp một câu chuyện chân thực về chiến tranh không thể tin được. Nếu bạn tin nó, hãy hoài nghi. Đây là chuyện khả tín. Thường thì phần điên rồ nhất là thực còn phần bình thường là không thực, bởi cái phần bình thường cần phải có đấy để làm cho bạn tin cái sự điên rồ quả tình là không thể tin kia.

Trong những trường hợp khác, bạn thậm chí không thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh. Đôi khi nó nằm ngoài khả năng kể lại.

Chẳng hạn, tôi nghe được chuyện này, từ Mitchell Sanders. Lúc ấy mặt trời sắp lặn, chúng tôi đang ngồi trong công sự của tôi dọc theo bờ con sông rộng đầy bùn phía Bắc Quảng Ngãi. Tôi nhớ hoàng hôn thật yên bình làm sao. Một màu hồng hồng sâu thẳm đổ tràn trên sông, dòng sông thì chảy êm không tiếng, đến sáng chúng tôi sẽ băng qua sông và hành quân về phía Tây đến vùng núi. Dịp này thật hợp cho một câu chuyện hay.

“Chuyện thiệt, thề có Chúa Trời,” Mitchell Sanders nói. “Một đội tuần tra sáu người đi lên núi để thi hành một chiến dịch nghe lén thông thường. Mục đích là phục một tuần ở đó, chỉ nằm yên nghe ngóng động tĩnh của đối phương. Họ có mang theo đài phát, để nếu nghe được cái gì khả nghi – bất cứ cái gì – thì phải gọi pháo hoặc máy bay chiến đấu tới ngay, dù xa mấy đi chăng nữa. Ngoài ra thì phải giữ nghiêm kỷ luật chiến trường. Tuyệt đối im lặng. Chỉ nghe thôi.”

Sanders liếc tôi để xem có chắc là tôi hiểu bối cảnh không. Hắn đang nghịch cái yo-yo của hắn, cho nó múa bằng những cú giật nhỏ, ngắn và gắt của cổ tay.

Mặt hắn vô cảm trong ánh chiều.

“Đây là nghe lén đúng quy định, răm rắp theo sách vở hẳn hoi. Sáu thằng đó, tụi nó không hé răng suốt đúng một tuần. Không cựa lưỡi. Dỏng hết tai lên.”

“Đúng,” tôi nói.

“Hiểu tao chớ?”

“Vô hình.”

Sanders gật.

“Đúng quá,” hắn nói. “Vô hình. Vậy nên mấy cái thằng này trốn sâu trong bụi rậm, ngụy trang từ đầu tới chân, rồi tụi nó nằm xuống đợi và chỉ làm độc có vậy thôi, chả làm gì khác, tụi nó nằm đó trọn bảy ngày, chỉ nghe thôi. Mà này, tao bảo mày, rợn lắm đó. Núi kia mà. Mày không biết rợn là thế nào đâu chừng nào mày chưa ở đấy. Ừ thì rừng rậm, chỉ có điều tít ở giữa mây và luôn luôn có sương mù dày đặc – cứ như là mưa, chỉ có điều trời không mưa – cái gì cũng ướt át cũng trơn tuột cũng rối nùi và mày đếch thấy gì, thậm chí đi tè mày cũng đếch thấy cái củ của mình để mà tè. Làm như mày không có cả cơ thể ấy. Rợn thiệt chứ chả chơi. Mày đi cùng với sương với khói – sương mù kiểu như cuốn mày vào… Rồi lại còn âm thanh nữa. Âm thanh vang vang không ngừng. Mày nghe được những thứ mà đáng lẽ đừng một ai nghe mới phải.”

Sanders im một chút, chỉ nghịch nghịch cái yo-yo, đoạn hắn mỉm cười với tôi.

“Vậy là sau khoảng hai ba ngày mấy thằng này bắt đầu nghe thấy thứ nhạc thiệt là êm dịu, nghe lạ hoắc lạ huơ. Nhưng tiếng vọng kỳ quái rồi lại còn gì ấy nữa. Như là ra-đi-ô hay gì đấy, nhưng không phải ra-đi-ô, mà là thứ nhạc kỳ quái của tụi vàng vọng ra từ ngay trong đá. Lúc thì nghe như xa lắm, nhưng mà lại cũng ngay gần. Tụi nó ráng lờ đi. Nhưng tụi nó đang phục ở đây để nghe mọi thứ, phải không? Thành thử tụi nó nghe. Và đêm nào tụi nó cũng nghe cái cuộc hòa nhạc khỉ gió đó của tụi vàng. Đủ thứ chuông ngân với lại đàn hơi. Mày tính, đây là chốn thâm sơn cùng cốc – không thể nào, chuyện này làm sao mà là thực được – nhưng mà nó đấy, cứ như núi non đã được chỉnh sang kênh Ra-đi-ô Hà Nội chó chết ấy. Lẽ tự nhiên tụi nó như ngồi trên đống lửa. Một thằng tự nhét kẹo trái cây vô tai. Thằng khác thiếu tí nữa là điên. Thế nhưng, tụi nó đâu thể báo cáo về là có tiếng nhạc, vấn đề là thế. Tụi nó đâu thể đeo tai nghe vô gọi về căn cứ mà nói, ‘Ê, nghe nè, tụi này cần tí hỏa lực, tụi này phải bùm cho tan xác cái ban nhạc rốc da vàng khốn kiếp này.’ Tụi nó không làm vậy được. Ai mà nghe được. Cho nên tụi nó nằm đó trong sương mù và ngậm miệng. Rồi lại còn tệ hơn nữa là, coi đó, mấy thằng ôn tội nghiệp này không thể dung dăng dung dẻ như thường được. Không thể đùa cho qua được. Thậm chí không thể nói chuyện với nhau ngoại trừ thì thì thào thào, mà chuyện đó chỉ càng làm cho chim tụi nó thêm nhúc nhích. Chúng chỉ làm mỗi việc là nghe.”

Một lần nữa lại im lặng trong khi Mitchell Sanders nhìn ra con sông. Bóng tối giờ đang kéo đến dày, về phía Tây tôi thấy dựng lên đường viền của núi, mọi điều huyền bí và xa lạ.

“Phần kế mày không tin được đâu,” Sanders nhỏ nhẹ nói.

“Chắc là không,” tôi nói.

“Mày không tin đâu. Mà mày biết tại sao không?” Hắn cười với tôi một nụ cười dài, mệt mỏi. “Bởi vì nó đã xảy ra. Bởi vì mỗi một chữ nói ra đều tuyệt đối đúng trăm phần trăm sự thực.”

Sanders làm một âm thanh trong họng, nghe như thở dài, tựa hồ hắn không quan tâm liệu tôi có tin hắn hay không. Nhưng hắn có quan tâm. Hắn muốn tôi cảm nhận được sự thật, tin bằng cái sức mạnh nguyên sơ của cảm xúc. Theo cách nào đó, hắn có vẻ buồn.

“Sáu thằng đó,” hắn nói, “tụi nó giờ đã teo cu lắm rồi, thế mà đêm kia tụi nó bắt đầu nghe thấy những giọng nói. Như là ở bữa tiệc cốc tai ấy. Nghe giống vậy đó, cái tiệc cốc tai linh đình này của tụi vàng ở đâu đó trong sương mù. Nhạc nhẽo rồi tán gẫu rồi lại còn những gì gì nữa. Tụi nó nghe rõ mấy cái ly chuyên dùng uống mác ti ni. Rất chi trịnh trọng, rất chi lịch lãm văn minh, chỉ có điều đây đếch phải văn minh gì ráo. Đây là Việt Nam.

“Dù sao, mấy thằng này vẫn ráng giữ bình tĩnh. Tụi nó cứ nằm đó thưởng thức, nhưng sau một hồi tụi nó bắt đầu nghe thấy – mày không tin được đâu – tụi nó nghe tiếng nhạc thính phòng. Tụi nó nghe thấy tiếng đàn vi ô lông với xen lô. Tụi nó nghe thấy giọng nữ cao rất chi là tuyệt của một mụ Việt nam. Rồi lát sau tụi nó nghe thấy một vở ô-pê-ra của tụi vàng rồi một nhóm đồng ca rồi thì Hợp ca Thiếu nhi Hải Phòng rồi một ban hát a ca gì đó rồi đủ thứ ca với hát thiệt là quái gở rồi thì cả Phật này Bụt nọ. Và suốt ngần ấy thời gian, nơi hậu cảnh, vẫn cứ là cái tiệc cốc tai ấy. Những giọng nói khác nhau ấy. Có điều không phải giọng người, bởi đó là núi. Theo kịp tao chứ? Đá – nó đang nói chuyện. Mà cả sương mù nữa, rồi cả cỏ và cả mấy con cầy man-gút trời đánh nữa. Cái gì cũng nói chuyện. Cây cối nói chuyện chính trị, tụi khỉ nói về tôn giáo. Cả cái xứ này. Việt Nam. Chốn này nó lên tiếng nói. Hiểu không? Việt Nam – nó nói.

“Mấy thằng này không kham nổi. Tụi nó thua. Tụi nó bật ra-đi-ô lên báo cáo về động thái của địch – cả một đạo quân, tụi nó nói – và tụi nó yêu cầu hỏa lực. Tụi nó gọi cao xạ và trực thăng chở quân. Tụi nó gọi pháo kích. Và tao nói với mày, tụi nó nghiền nát cái tiệc cốc tai đéo mẹ đó. Suốt cả đêm tụi nó hun khói mấy trái núi. Tụi nó nghiền rừng ra thành nước quả. Tụi nó cho nổ tung cây cối cho nổ nhóm đồng ca và bất cứ cái gì có đấy để mà cho nổ. Đốt sạch. Tụi nó rải na pan tới rồi lui mấy cái rặng núi. Tụi nó cho biệt kích cho F-4 tới, tụi nó dùng đạn phốt pho dùng chất nổ mạnh dùng bom cháy. Toàn là lửa. Tụi nó cho mấy ngọn núi cháy thành tro.

“Cho đến quãng bình minh thì mọi thứ rốt cuộc trở nên yên tĩnh. Cứ như mày chưa bao giờ nghe thấy yên tĩnh bao giờ ấy. Một trong những cái ngày thật sự dày, thật sự mù mịt – toàn mây với sương, tụi nó lại đang ở cái vùng đặc biệt này – và núi non tuyệt đối im lìm. Như Brigadoon9 ấy – toàn hơi nước, mày hiểu không? Cái gì cũng bị hút vào trong sương mù hết. Tĩnh không tiếng động, ngoại trừ tụi nó vẫn nghe thấy nó.

“Thế là tụi nó gói ghém ba lô rồi đi. Tụi nó tiến về phía núi, quay về căn cứ, và khi tới nơi tụi nó đếch nói năng gì. Tụi nó không nói chuyện. Không một lời, cứ như tụi nó câm điếc rồi ấy. Sau đó thằng cha đại tá phì lủ mới đến hỏi cái quái gì xảy ra ở đó vậy hả. Tụi nó nghe thấy gì? Sao phải cần tới bấy nhiêu đạn dược? Thằng cha nổi khùng, khăng khăng làm cho ra lẽ. Chớ sao nữa, họ tiêu hết sáu ngàn tỉ đô cho súng đạn, thế nên thằng đại tá đít bự này cần câu trả lời, thằng chả muốn biết thật ra cái chuyện đéo mẹ này là sao.

“Nhưng mấy thằng này, tụi nó nín khe. Tụi nó chỉ nhìn thằng chả một hồi, phần như hơi tức cười, phần như kinh ngạc, và toàn bộ cuộc chiến tranh nằm ngay trong cái nhìn ấy. Nó nói tất cả những gì mày chả bao giờ nói được. Nó nói là, nè ông bạn, tai ông bị nút sáp rồi. Nó nói là, thằng chó chết tội nghiệp ơi, mày chả bao giờ biết được đâu – sai tần số – mà thậm chí mày sẽ chả bao giờ muốn nghe cái đó đâu. Đoạn tụi nó đứng nghiêm chào thằng chả rồi bỏ đi, bởi vì có một số chuyện mày chả bao giờ kể.”

 

Bạn có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh theo cái lối nó chẳng bao giờ có vẻ kết thúc. Khi đó, không, và vĩnh viễn chẳng bao giờ. Không kết thúc khi Mitchell Sanders đứng dậy bỏ đi vào trong bóng tối.

Tất cả vẫn đang diễn ra.

Ngay cả bây giờ, tại khoảnh khắc này, tôi nhớ cái yo-yo đó. Theo nghĩa nào đó, hẳn vậy, bạn phải có mặt ở đấy, bạn phải nghe nó, nhưng tôi có thể hiểu Sanders tha thiết muốn tôi tin hắn đến thế nào, nỗi thất vọng của hắn khi không thể truyền đạt chân xác các chi tiết, không thể vạch được rõ ràng cái sự thực tối hậu và chung quyết.

Và tôi nhớ mình đã ngồi trong công sự suốt đêm ấy, nhìn những bóng đen của Quảng Ngãi, nghĩ về ngày mai sẽ đến, về chuyện chúng tôi sẽ qua sông và hành quân về phía Tây đến những ngọn núi kia, về tất cả những cách có thể khiến cho tôi chết, tất cả những gì tôi không hiểu.

Khuya hôm đó Mitchell Sanders chạm tay vào vai tôi. “Tao mới nghĩ ra,” hắn thì thầm. “Ý tao là vấn đề tinh thần. Chả ai để tai nghe. Chả ai nghe thấy cái gì. Như cái thằng đại tá đít bự đó. Đám chính trị gia, hết thảy cái đám dân sự. Con bạn gái mày. Bạn gái tao. Con bạn gái nhỏ xinh ngọt ngào trinh trắng của bất cứ thằng nào. Cái tụi nó cần là đi làm một chuyến rình nghe lén. Hơi nước, mày ạ. Cây và đá – mày cần phải lắng nghe kẻ thù của mày.”

Thế rồi, đến sáng, Sanders lại tới chỗ tôi lần nữa. Trong đội đang chuẩn bị lên đường, kiểm tra vũ khí, tiến hành tất cả những nghi thức nhỏ nhặt trước một cuộc hành quân quan trọng này. Nhóm dẫn đầu đã băng qua sông và đang dàn ra tiến về phía Tây.

“Tao có cái này cần tự thú,” Sanders nói. “Đêm qua tao đã phải bịa ra vài thứ mày ạ.”

“Tao biết.”

“Nhóm đồng ca. Chả có nhóm đồng ca nào hết.”

“Phải.”

“Không có ô-pê-ra.”

“Quên đi, tao hiểu mà.”

“Ừ, nhưng mà nghe này, nó vẫn cứ thực. Sáu thằng đó, tụi nó nghe thấy âm thanh ma quái ở đó. Tụi nó nghe thấy thứ âm thanh mày chẳng bao giờ tin nổi.”

Sanders xốc lại ba lô, nhắm mắt một chút, đoạn gần như mỉm cười với tôi. Tôi biết điều gì sắp xảy ra.

“Được rồi,” tôi nói, “thế thì bài học là gì?”

“Quên đi.”

“Không, nói đi.”

Hắm im một hồi lâu, nhìn đi chỗ khác, rồi im lặng cứ kéo dài cho đến khi hầu như chúng tôi lúng túng. Rồi hắn nhún vai và nhìn tôi bằng cái nhìn chằm chằm kéo dài đến cả một ngày.

“Nghe thấy tĩnh lặng không, mày?” hắn nói. “Tĩnh lặng đến thế – chỉ lắng tai nghe thôi. Bài học của mày đó.”

 

Trong một câu chuyện chân thực về chiến tranh, nếu như có một bài học nào đấy, thì đó là: nó giống như sợi dệt nên tấm vải. Bạn không thể xé nó ra. Bạn không thể rút ra ý nghĩa mà không tháo mở ý nghĩa sâu hơn. Và cuối cùng, kỳ thực, chẳng có gì nhiều để nói về một câu chuyện chân thực về chiến tranh, có chăng là ngoại trừ “Ồ”.

Chuyện chân thực về chiến tranh không khái quát. Chúng không dung sự trìu tượng hay phân tích.

Chẳng hạn: chiến tranh là địa ngục. Như một tuyên ngôn có tính tinh thần, chủ nghĩa vị tha xưa cũ có vẻ như hoàn toàn chân thực, thế nhưng bởi nó trừu tượng hóa, bởi nó khái quát hóa, cho nên tôi không thể tin nó bằng bụng dạ tôi. Chẳng có gì quặn lên trong đó.

Nó phải chạm đến bản năng trong cật ruột. Một chuyện chiến tranh chân thực, nếu kể một cách chân thực, sẽ làm cho cật ruột tin.

 

Chuyện này làm được điều đó với tôi. Trước đây tôi đã kể chuyện này rồi – nhiều lần, nhiều dị bản – nhưng đây mới là những gì thực sự xảy ra.

Chúng tôi băng qua sông và hành quân về phía Tây vào trong núi. Vào ngày thứ ba, Curt Lemon giẫm lên một quả mìn 105 ly. Hắn đang chơi đuổi bắt với Chuột Kiley, cười ha hả, thế rồi hắn chết. Cây cối rậm dày, phải mất gần một giờ mới phát quang được một bãi đáp cho trực thăng.

Sau đó, khi lên cao hơn trên núi, chúng tôi bắt gặp một con nghé của Việt Cộng. Nó đang làm gì ở đó thì tôi không biết – chẳng có nông trại hay đồng lúa gì ráo – nhưng chúng tôi đuổi bắt nó rồi tròng dây thừng mà dắt nó theo đến một ngôi làng vắng ngắt ở đó chúng tôi dừng chân nghỉ qua đêm. Sau khi ăn tối Chuột Kiley lại gần vuốt mũi con nghé.

Hắn mở một lon khẩu phần C, thịt heo với đậu, nhưng con nghé không quan tâm.

Chuột nhún vai.

Hắn lùi lại rồi bắn xuyên qua đầu gối chân trước bên phải của con nghé. Con vật không kêu một tiếng. Nó ngã ụp xuống, rồi lại đứng dậy, và Chuột nhắm kĩ rồi bắn bay một bên tai. Hắn bắn vào cẳng sau nó và vào cái bướu nhỏ trên lưng nó. Hắn bắn hai lần vào hai bên sườn nó. Không phải bắn để giết; mà bắn để làm đau đớn. Hắn kề họng súng vào mõm và bắn bay cái mõm. Chẳng ai nói gì nhiều. Toàn trung đội đứng đó nhìn, cảm thấy đủ mọi thứ, nhưng chẳng có mấy lòng thương hại dành cho con nghé. Curt Lemon đã chết. Chuột Kiley đã mất thằng bạn tốt nhất của nó trên đời. Về sau, trong tuần lễ ấy, hắn sẽ viết một bức thư riêng dài gửi cho em của thằng bạn, con bé rồi sẽ không trả lời, nhưng lúc này thì vấn đề là nỗi đau đớn. Hắn bắn bay cái đuôi. Hắn bắn bay từng mảng thịt dưới xương sườn. Quanh chúng tôi toàn mùi khói bùn mùi cây rừng rậm rạp, chiều hôm đó rất ẩm rất nóng. Chuột chuyển sang chế độ bắn liên thanh. Hắn bắn lung tung, hầu như bạ đâu bắn đấy, bòm bòm lia lịa vào bụng và mông. Rồi hắn nạp lại đạn, ngồi xổm xuống, bắn vào đầu gối trước bên trái nó. Con vật lại ngã uỵch rồi gắng gượng dậy, nhưng lần này nó không dậy nổi. Nó loạng choạng rồi đổ vật xuống, nghiêng qua một bên. Chuột bắn vào mũi nó. Hắn khom tới thì thầm gì đó, như đang nói với con thú cưng nuôi ở nhà, rồi hắn bắn vào cổ họng nó. Suốt thời gian ấy con nghé im lặng, hoặc hầu như im lặng, chỉ có một âm thanh lục bục nhỏ nơi từng là cái mũi. Nó nằm rất im. Chẳng có gì cục cựa trừ cặp mắt, rất to, hai con ngươi đen láy và ngốc nghếch.

Chuột Kiley khóc. Hắn cố nói gì đó, nhưng rồi hắn đặt súng vào chỗ cũ đoạn bỏ đi một mình.

Đám còn lại chúng tôi đứng thành một vòng tròn nham nhở quanh con nghé. Hồi lâu không ai nói năng. Chúng tôi vừa chứng kiến một cái gì đó cốt tử. Cái gì đó hoàn toàn mới và sâu thẳm, một mẩu của thế giới gây điếng người đến mức hãy còn chưa có tên cho nó.

Ai đó đá vào con nghé.

Nó vẫn còn sống, dù chỉ thoi thóp, chỉ trong cặp mắt.

“Kỳ thú,” Dave Jensen nói. “Cả đời tao chưa bao giờ thấy cái gì như vầy.”

“Chưa bao giờ?”

“Chưa bao giờ. Chưa một lần.”

Kiowa và Mitchell Sanders khênh con nghé dậy. Họ lôi nó qua khoảnh đất giữa làng, nhấc cao nó lên, thả nó xuống cái giếng làng.

Sau đó, chúng tôi ngồi đợi Chuột bình tâm lại.

“Kỳ thú,” Dave Jensen cứ nói mãi. “Vụ mới này quá hay. Xưa nay chưa bao giờ thấy.”

Mitchell Sanders lôi cái yo-yo ra. “Hà, đây là Việt Nam,” hắn nói. “Vườn Ác. Ở đây, mỗi tội ác đều sống sít và chưa hề có.”

 

Bạn làm thế nào để khái quát hóa?

Chiến tranh là địa ngục, nhưng chừng đó chưa bằng một nửa sự thực, bởi chiến tranh cũng còn là bí ẩn là kinh khủng là mạo hiểm là can đảm là khám phá là thiêng liêng là thương xót là tuyệt vọng là mong mỏi là tình yêu. Chiến tranh thật hào hứng; chiến tranh thật chán ngắt. Chiến tranh làm cho ta thành người; chiến tranh làm cho ta chết.

Các sự thực thường mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, có thể tranh cãi rằng chiến tranh là ghê tởm. Nhưng trên thực tế chiến tranh cũng là cái đẹp. Dù có rùng rợn đến đâu, ta không thể không há hốc mồm sững sờ trước sự hùng vĩ đáng sợ của chiến trận. Ta tròn mắt nhìn những quả pháo chỉ đường vút qua bóng tối vẽ thành những dải băng đỏ sáng ngời. Đi phục kích ta chui rúc như một vầng trăng lạnh, hờ hững trồi lên trên những cánh đồng giữa đêm thâu. Ta ngưỡng mộ sự cân đối mềm dẻo của các đạo quân khi chuyển động, sự hài hòa của âm thanh của hình dáng của tỷ lệ, những dòng đạn lửa đồ sộ tuôn ra từ dưới máy bay chiến đấu, những quả pháo sáng, lửa phốt pho trắng, màu cam tía của na pan, ánh lóe đỏ của tên lửa. Nó không xinh xẻo đáng yêu, chắc chắn rồi. Nó gây choáng. Nó làm no con mắt. Nó mạnh hơn ta. Ta ghét nó, nhưng mắt ta thì không. Như một đám cháy rừng chết chó, như bệnh ung thư dưới kính hiển vi, bất kỳ trận đánh nào trận ném bom nào cuộc giội pháo nào cũng có vẻ đẹp thẩm mỹ thuần khiết của sự vô phân biệt tuyệt đối về đạo đức – một cái đẹp hùng mạnh, tàn nhẫn – và một câu chuyện chân thực về chiến tranh thì sẽ kể sự thực về điều này, mặc dù sự thực thì xấu xí.

Khái quát hóa về chiến tranh thì cũng như khái quát hóa về hòa bình. Hầu như mọi thứ đều thực. Hầu như chẳng có gì là thực. Có lẽ, trong cốt lõi, chiến tranh chẳng qua là một cái tên khác của cái chết, thế nhưng mỗi người lính đều sẽ nói với bạn, nếu họ nói thực, rằng tiến gần đến cái chết thì cũng đi kèm với một sự tiến gần tương ứng đến sự sống. Sau một trận đọ súng, luôn luôn có cái niềm vui lớn lao về sự sống. Cây cối đang sống. Cỏ, đất – tất thảy. Vạn vật quanh ta thuần túy là đang sống, và ta ở giữa lòng chúng, và việc ta đang sống khiến ta run rẩy. Ta cảm thấy một nhận thức sâu xa, vượt ngoài da thịt rằng ta là một cái tôi đang sống – cái tôi thực nhất của ta, cái con người ta muốn là và rồi trở thành chỉ nhờ sức mạnh của niềm mong muốn đó. Trong lòng sự ác ta muốn trở thành người tốt. Ta muốn có phẩm giá. Ta muốn công lý muốn sự lịch lãm muốn sự hài hòa giữa những con người, những thứ ta chưa bao giờ biết là mình muốn. Ở nó có một sự kiểu như là lớn lao, kiểu như là thiêng liêng. Dù kỳ quặc, nhưng ta chưa bao giờ sống nhiều hơn khi ta hầu như chết. Ta nhận ra cái gì là có giá trị. Một cách mới mẻ, như thể lần đầu tiên, ta yêu những gì tốt đẹp nhất trong ta và trên thế giới, tất cả những gì có thể mất. Lúc hoàng hôn ta ngồi trong công sự nhìn ra dòng sông rộng đang trở màu hồng đỏ, những ngọn núi bên kia sông, và mặc dù sáng ra ta sẽ phải qua sông để tiến vào trong núi đặng làm những chuyện kinh khủng và có thể chết, dù có vậy, ta vẫn nhận ra mình đang chiêm ngắm những màu sắc tinh tế trên dòng sông, ta thấy trầm trồ kính sợ trước cảnh mặt trời đang lặn, và lòng ta tràn đầy tình yêu khắc khoải, đau đớn trước chuyện thế giới lẽ ra có thể ra sao và luôn luôn nên ra sao, song hiện tại thì không.

Mitchell Sanders nói đúng. Đối với người lính bình thường, ít nhất, chiến tranh cho ta cái cảm giác – kiểu như chất thể tinh thần của nó – giống như một làn sương mù vĩ đại ma quái, dày đặc và trường cửu. Không có chút gì sáng sủa. Mọi thứ xoay tít. Những quy tắc cũ không còn áp dụng được, những chân lý cũ không còn đúng nữa. Đúng trở thành sai. Trật tự trộn lộn với hỗn loạn, tình yêu với hận thù, xấu xí với đẹp đẽ, luật pháp với vô chính phủ, văn minh với dã man. Hơi nước hút ta vào. Ta không biết mình đang ở đâu, tại sao ta ở đó, và cái duy nhất chắc chắn là sự mù mờ mạnh hơn tất cả.

Trong chiến tranh ta đánh mất cảm quan cái gì là xác định, do đó là cảm quan về bản thân sự thực, và do đó cũng có thể nói trong một câu chuyện chân thực về chiến tranh chẳng có gì là tuyệt đối thực.

 

Thường thì trong một câu chuyện chân thực về chiến tranh thậm chí chẳng có một ý chính nào, mà nếu có thì phải hai mươi năm sau bạn mới ngộ ra, trong giấc ngủ, thế là bạn choàng tỉnh, lay vợ dậy và bắt đầu kể cho vợ nghe, chỉ có điều kể đến đoạn cuối thì bạn đã lại quên ý chính nọ là gì. Thế rồi bạn nằm đó hồi lâu quan sát câu chuyện diễn ra trong đầu bạn. Bạn lắng nghe tiếng vợ mình thở. Chiến tranh đã kết thúc. Bạn nhắm mắt lại. Bạn mỉm cười nghĩ, Lạy Chúa, ý chính là gì?

Chuyện này làm tôi thức dậy.

Trên núi, ngày hôm đó, tôi quan sát Lemon xoay nghiêng người lại. Hắn phá lên cười và nói gì đó với Chuột Kiley. Rồi hắn bước một nửa bước nom kỳ khôi, tiến từ bóng râm ra ngoài nắng chói, và quả mìn 105 ly nổ tung quăng hắn lên cây. Các bộ phận cứ treo trên đó, nên Dave Jensen và tôi được lệnh trèo lên mà bóc hắn ra. Tôi nhớ khúc xương trắng của một cánh tay. Tôi nhớ những mẩu da và cái gì đó vàng vàng ướt ướt chắc là ruột. Cảnh xác vãi với máu me thật khủng khiếp, và còn mãi với tôi. Nhưng cái làm tôi thức dậy hai mươi năm sau là cảnh Dave Jensen hát “Lemon Tree” trong khi chúng tôi ném dần từng bộ phận cơ thể xuống

 

Bạn có thể kể về một chuyện thực về chiến tranh qua những câu hỏi mà bạn hỏi. Ai đó kể một câu chuyện, ví dụ vậy, và sau đó bạn hỏi, “Có thực không?” và nếu câu trả lời là quan trọng, ấy là bạn đã có câu trả lời.

Chẳng hạn, chúng ta đều nghe chuyện này. Bốn anh chàng đi dọc một đường mòn. Một quả lựu đạn ném tới. Một anh nhảy tới úp người lên quả lựu đạn, hứng trọn cú nổ và cứu mạng ba bằng hữu của mình.

Có thực không?

Câu trả lời là quan trọng.

Bạn cảm thấy bị lừa nếu chuyện đó chẳng hề xảy ra. Không có cái thực tại làm nền tảng thì nó chỉ là thứ bốc phét cũ mèm, thuần túy Hollywood, không thực, đúng như cái kiểu mọi câu chuyện như thế đều không thực. Thế nhưng thậm chí dù nó có xảy ra thật – và cũng có thể có, chuyện gì cũng có thể –, ngay cả chừng đó bạn vẫn biết nó không thể là thực, bởi một câu chuyện thực về chiến tranh không cần tới thứ sự thực đó. Có tuyệt đối xảy ra thực đi chăng nữa thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Một chuyện có thể xảy ra song là dối trá hoàn toàn; một chuyện khác có thể không xảy ra nhưng còn thực hơn cả thực. Chẳng hạn: bốn anh chàng đi dọc một đường mòn. Một quả lựu đạn ném tới. Một anh nhảy tới úp mình lên lựu đạn và hứng cú nổ, nhưng đó là một quả lự đạn sát thương mạnh nên dù sao chăng nữa mọi người đều chết. Song, trước khi chết, một trong mấy tay bị chết nói, “Mày làm thế để làm cái chó gì?” thì anh chàng nhảy lên lựu đạn đáp, “Để người ta viết truyện về đời tao mày ạ,” thế là tay kia nhe răng cười nhưng mà y đã chết.

Đó là một câu chuyện chân thực chẳng bao giờ xảy ra.

 


Hai mươi năm sau, tôi vẫn còn thấy ánh nắng trên mặt Lemon. Tôi vẫn còn thấy hắn xoay người, ngoảnh lại nhìn Chuột Kiley, đoạn hắn phá lên cười và bước cái nửa bước kỳ khôi đó từ bóng râm ra ngoài nắng, mặt hắn bất thần nâu lại và ngời chói, và khi chân hắn giẫm xuống, ngay khoảnh khắc đó, ắt hẳn là hắn nghĩ chính ánh nắng đang giết chết hắn. Không phải ánh nắng. Mà là quả mìn 105 ly. Nhưng nếu tôi không thể nào kể đúng câu chuyện, kể về ánh nắng có vẻ như tụ lại quanh hắn nhấc hắn lên nâng hắn lên cao tận trên cây, nếu tôi có thể bằng cách nào đó tái tạo cái màu trắng chết người của ánh sáng đó, cái ánh lóe nhanh, cái nhân và cái quả hiển nhiên, thì bạn hẳn sẽ tin điều cuối cùng mà Lemon tin, mà đối với hắn chắc hẳn là sự thực cuối cùng.

 

Thi thoảng, khi tôi kể chuyện này, sau đó lại sẽ có ai đấy đến bảo bà ta thích nó. Đấy luôn luôn là phụ nữ. Thường thì đó là một phụ nữ trọng tuổi tính tình dễ mến và có quan điểm nhân bản. Bà ta sẽ giải thích cho tôi rằng về nguyên tắc bà ghét những chuyện về chiến tranh; bà không hiểu nổi tại làm sao người ta muốn nuốt lấy tất cả những máu me giết chóc rùng rợn đó. Nhưng chuyện này thì bà thích. Con nghé đáng thương, nó khiến bà buồn. Đôi khi, thậm chí có cả những giọt lệ nhỏ. Điều tôi nên làm, bà nói, là để lại tất cả sau lưng tôi. Tìm những chuyện mới để viết.

Tôi không nói ra nhưng tôi sẽ nghĩ về điều đó.

Tôi sẽ hình dung khuôn mặt Chuột Kiley, nỗi đau của hắn, và tôi sẽ nghĩ, Con mặt lồn ngu xuẩn.

Bởi bà ta không lắng nghe.

Đó không phải chuyện về chiến tranh. Đó là chuyện về tình yêu.

Nhưng bạn không thể nói thế. Việc duy nhất bạn làm được là kể nó thêm lần nữa, một cách nhẫn nại, thêm vào và bớt đi, bịa ra thêm vài thứ để có được sự thật đích thực. Không có Mitchell Sanders, bạn bảo bà ta. Không có Lemon nào hết, chả có Chuột Kiley nào hết. Chả có ngả ba đường mòn nào. Chả có con nghé nào. Chẳng có dây leo chả có rêu chả hoa trắng hoa đen gì hết. Từ đầu tới cuối, bạn bảo bà ta, toàn bịa tuốt. Mỗi một chi tiết trời đánh – nào núi nào sông và nhất là cái con nghé tội nghiệp kia –, toàn bịa. Chả có gì xảy ra thực hết. Không gì hết. Mà thậm chí dù có xảy ra thực thì cũng chẳng xảy ra trên núi, mà là xảy ra trong cái làng nhỏ trên bán đảo Batangan, và lúc đó trời mưa như điên, và một gã tên Stink Harris choàng thức dậy gào rú với một con đỉa bám vào lưỡi. Bạn có thể kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh nếu bạn cứ kể nó mãi.

Và rốt cuộc, dĩ nhiên, một câu chuyện thực về chiến tranh chẳng bao giờ là về chiến tranh. Nó là về ánh nắng. Nó là về chuyện hoàng hôn trải ra trên một dòng sông trông mới đặc biệt làm sao, dòng sông mà ta biết ta sẽ băng qua để rồi hành quân vào núi và làm những việc ta sợ phải làm. Nó là về tình yêu và ký ức. Nó là về nỗi buồn. Nó là về những người chị người em gái chẳng bao giờ hồi âm thư và những người chẳng bao giờ chịu lắng nghe.

--------------

[9] Brigadoon là một phim ca nhạc nổi tiếng, nhạc của Frederick Loewe, lời của Alan Jay Lerner.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét