- Những thứ họ mang
Cuộc sống của những người chết
Tim O'brien
Nhưng cả điều này cũng đúng: những câu chuyện có thể cứu chúng ta. Tôi nay bốn mươi ba tuổi, là nhà văn, thế nhưng, ngay tại đây, tôi vẫn cứ mơ Linda còn sống. Cả Ted Lavender, cả Kiowa, cả Curt Lemon nữa, rồi một thanh niên mảnh dẻ mà tôi đã giết, rồi một ông già nằm ườn ra bên chuồng heo, và vài người khác mà tôi từng khênh xác lên ném vào xe tải. Họ đều chết cả. Nhưng trong một câu chuyện, vốn là một thứ mơ, đôi khi những người chết mỉm cười ngồi dậy và quay trở về thế giới.
Bắt đầu ở đây: một thằng nhóc không tên. Vào một buổi chiều năm 1969 trung đội bị trúng hỏa lực bắn tỉa từ một ngôi làng nhỏ bẩn thỉu dọc biển Đông. Cuộc bắn tỉa chỉ kéo dài một hai phút, chẳng ai bị thương, nhưng dù vậy Thiếu úy Jimmy Cross vẫn gọi vô tuyến bảo máy bay tới oanh tạc. Trong nửa tiếng đồng hồ sau đó chúng tôi nhìn ngôi làng cháỵ. Đó là một sáng mát mẻ trong xanh, như tiết đầu thu, những chiếc phản lực trông đen trũi bóng lưỡng trên nền trời. Khi vụ đó đã xong, chúng tôi dàn đội hình thưa càn quét về phía Đông, qua ngôi làng. Tan hoang hết. Tôi nhớ mùi rơm cháy; tôi nhớ những hàng rào gãy những cây cối bị xé tanh bành những đống đá đống gạch đống bát đĩa bằng đất nung. Ngôi làng vắng tanh – người không, thú cũng không – kẻ duy nhất được xác nhận bị giết là một ông già nằm úp mặt gần chuồng heo ở chính giữa làng. Tay phải ông già bay mất. Nơi mặt ông già đã có nhiều ruồi, ruồi lớn ruồi con.
Dave Jensen tiến lại bắt tay ông già. “Khỏe không tía,” hắn nói.
Lần lượt những người khác cũng làm vậy. Họ không làm phiền cái xác, họ chỉ túm tay ông già và tặng mấy lời rồi bỏ đi.
Chuột Kiley cúi xuống trên cái xác. “Cho tao con năm đi,” hắn nói.“Danh dự đấy.”
“Khoái cả thằng nhỏ lẫn thằng lớn,” Henry Dobbins nói.
Hồi đó tôi còn mới toe với cuộc chiến này. Đó là ngày thứ tư tôi đi lính; tôi còn chưa có được cảm quan hài hước. Lập tức, y như vừa nuốt cái gì, tôi cảm thấy một cơn buồn nôn ẩm ướt dâng lên trong họng. Tôi ngồi xuống cạnh cái chuồng heo, nhắm mắt, kẹp đầu giữa hai gối.
Một thoáng sau Dave Jensen chạm vào vai tôi.
“Lịch sự coi nào,” hắn nói. “Tới tự giới thiệu đi. Có gì phải sợ hả, chi một ông già tử tế thôi mà. Tỏ ra kính lão tí coi.”
“Không đời nào.”
“Chắc là quá thực đối với mày hả?”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Quá thực.”
Jensen cứ thúc tôi, nhưng tôi không đến gần cái xác. Tôi thậm chí không nhìn vào nó trừ khi tình cờ chạm mắt tới. Từ lúc đó cho tới hết ngày hôm ấy cơn buồn nôn vẫn còn trong tôi, nhưng không hẳn do cái xác ông già, mà do cái hành vi kinh khủng là chào hỏi người chết. Tôi nhớ rằng, đến một lúc, họ dựng cái xác lên tựa vào hàng rào. Họ bắt tréo hai chân cái xác và chuyện vãn với ông ta. “Khách danh dự,” Mitchell Sanders nói, rồi hắn đặt một lon cam xắt lát vào lòng ông già. “Vi-ta-min C,” hắn nhẹ nhàng nói. “Sức khỏe con người là thứ quan trọng nhất.”
Họ đề nghị nâng cốc. Họ nâng bi đông uống mừng gia đình với lại tổ tiên của ông già, cháu chắt ông già, cuộc sống mà ông già mới kiếm được sau khi chết. Đấy không chỉ là nhạo báng. Có cái gì đó nghiêm trang ở đó, như một đám tang không có sự buồn.
Dave Jensen nháy mắt với tôi.
“Nè, O’Brien,” hắn nói, “mày có nghĩ ra lời chúc nào không? Cư xử cho đàng hoàng thì chả bao giờ muộn hết.”
Chiều tối hôm đó, ngay trước khi mặt trời lặn, Kiowa đến hỏi liệu hắn có thể ngồi trong hố cá nhân của tôi một chút không. Hắn chìa cho tôi một cái bánh quy Giáng sinh lấy từ lô bánh ông già hắn gửi cho. Giờ đã tháng Hai, nhưng bánh vẫn còn ngon.
Kiowa nhìn trời một lát.
“Hôm nay mày đã làm một việc tốt,” hắn nói. “Cái trò bắt tay chó chết ấy, nó không đàng hoàng. Tụi nó cứ thúc mày cả một hồi – nhất là Jensen – nhưng mày cứ nói không. Đáng lẽ tao cũng làm thế. Phải gan lắm, tao biết.”
“Không phải gan. Tao sợ.”
Kiowa nhún vai. “Chả khác gì nhau.”
“Không, tao không làm được. Có cái gì đó ngăn lại trong trí hay sao đó… Tao không biết, chỉ thấy ghê thôi.”
“Ừ, mày là lính mới. Rồi mày sẽ quen.” Hắn dừng một thoáng, săm soi những tia óng ánh màu lục và đỏ trên một cái bánh quy. “Hôm nay – chắc đây là lần đầu mày nhìn một cái xác phải không?”
Tôi lắc đầu. Suốt cả ngày tôi cứ hình dung khuôn mặt Linda, cách nàng cười.
“Nghe thì tức cười,” tôi nói, “nhưng ông già tội nghiệp đó, ổng làm tao nhớ tới… tao muốn nói là hồi trước tao có quen một cô. Tao có một lần đưa cổ đi xem phim. Lần hẹn hò đầu tiên của tao.”
Kiowa nhìn tôi một hồi lâu. Rồi hắn ngả người ra sau và mỉm cười.
“Chao ôi,” hắn nói, “hẹn gì mà dở quá.”
Linda hồi đó chín tuổi, cũng như tôi, nhưng chúng tôi yêu nhau. Chuyện đó là thật. Khi tôi viết về nàng lúc này, ba thập niên sau, tôi cứ cảm thấy muốn coi đó chỉ như một trò vụng dại, niềm đam mê ngu ngốc của trẻ con, nhưng tôi biết rằng trên thực tế tình cảm của chúng tôi đối với nhau hồi đó cũng sâu sắc và phong phú như tình yêu đích thực. Nó có tất cả những cung bậc sắc thái và những phức tạp của tình yêu nơi người lớn, có khi còn hơn, bởi hãy còn chưa có từ để gọi nó, và bởi nó hãy còn chưa được cố định để đem ra so sánh hay đưa vào biên niên ký hay áp vào những phương cách mà người lớn hay dùng để đo lường những gì như thế.
Tôi yêu nàng, thế thôi.
Nàng có phong thái điềm nhiên và phẩm cách đường hoàng. Tôi nhớ, mắt nàng màu nâu sẫm như tóc nàng vậy, nàng mảnh mai, thật trầm lặng, trông mong manh dễ vỡ.
Ngay hồi đó, mới chín tuổi, tôi đã muốn sống bên trong thân thể nàng. Tôi muốn tan chảy vào trong xương cốt nàng – tình yêu như vậy đó.
Thế nên vào mùa xuân năm 1956, khi hai chúng tôi đang học lớp tư, tôi hẹn đi chơi với nàng – cuộc hẹn đầu đời của tôi, thực ra là cuộc hẹn kép, với cả ba mẹ tôi. Mặc dù tôi không nhớ chính xác sự thể trước sau ra sao, nhưng mẹ tôi đã thu xếp thế nào đấy với ba mẹ Linda, và vào cái đêm xuân ẩm thấp ấy ba tôi lái xe trong khi Linda và tôi ngồi băng sau nhìn ra cửa sổ hai bên, cả hai chúng tôi đều cố giả bộ như chẳng có gì đặc biệt hết. Tuy vậy, với tôi, chuyện này thật đặc biệt. Sâu trong lòng tôi có những lời hệ trọng để nói với nàng, những điều lớn lao sâu xa, nhưng tôi không thốt được lời nào. Khó khăn lắm tôi mới thở được. Thỉnh thoảng tôi liếc qua nàng, nghĩ nàng đẹp xiết bao: làn da trắng của nàng, đôi mắt nâu sẫm của nàng, cái kiểu nàng luôn luôn cười với thế gian – dường như luôn luôn – như thể khuôn mặt nàng đã được tạo hình theo cách đó. Nụ cười không bao giờ biến khỏi đấy. Đêm đó tôi nhớ nàng đội cái mũ len mới màu đỏ, tôi thấy nó thật hợp mốt và tinh tế, thật khác thường, về cơ bản đó là mũ len ôm kín đầu, ngoại trừ phần vuốt nhọn lên trên chỏm trông có vẻ quá dài, hầu như quá sức dài, như cái đuôi mọc ra từ gáy nàng vậy. Nó khiến tôi nghĩ tới mấy cái mũ mà các chú lùn của ông già Noel hay đội, cũng hình dáng và màu sắc như thế, cũng cái chỏm lông trắng trên đỉnh giống như thế.
Ngồi đó nơi băng sau xe, tôi muốn tìm cách nào đó để cho nàng biết cảm xúc của tôi, một lời khen sao đó, nhưng tôi chỉ thốt được mỗi một lời nhận xét ngốc nghếch về cái mũ len. “Chààà,” chắc tôi đã nói thế, “mũ thế mới là mũ chớ.”
Linda mỉm cười nơi cửa số – nàng biết thật ra tôi muốn nói gì – nhưng mẹ tôi thì quay sang nhìn tôi vẻ nghiêm khắc. Tôi ngạc nhiên quá. Làm như tôi vừa khơi ra một bí mật ghê gớm nào đó vậy.
Từ lúc đó cho tới hết chuyến đi tôi ngậm miệng. Chúng tôi đỗ xe trước cửa hàng Ben Franklin rồi thả bộ dọc Phố Chính về phía Nhà hát Quốc gia. Ba mẹ tôi đi đầu, sánh đôi nhau, rồi tới Linda với cái mũ len mới màu đỏ của nàng, rồi tới tôi lẽo đẽo sau cùng cách một quãng mười, hai mươi bước. Lúc đó tôi chín tuổi; tôi còn chưa có cái khả năng chuyện vãn linh tinh. Thỉnh thoảng mẹ tôi ngoái lại, dùng tay khẽ ra hiệu bảo tôi đi nhanh lên.
Nơi quầy vé, tôi nhớ Linda đứng tách một bên. Tôi đi lại khu bán hàng, săm soi quầy kẹo, và cả hai chúng tôi đều rất thận trọng cố tránh không để hai cặp mắt gặp nhau mà thành khó xử. Chúng tôi biết yêu là thế nào bằng cách đó. Thuần là biết. Tôi cho rằng chắc hẳn hai chúng tôi chẳng ai nghĩ tới việc dùng từ ấy, tình yêu, nhưng qua việc không nhìn nhau, và không nói chuyện, chúng tôi hiểu một cách rõ ràng mà không cần lời lẽ rằng chúng đang chia sẻ với nhau một cái gì lớn lao hằng hữu.
Sau lưng tôi, trong nhà hát, tôi nghe tiếng nhạc phim hoạt hình.
“Này, bước lên nào,” tôi nói, hầu như có can đảm để nhìn nàng. “Cậu thích bắp rang hay gì?”
Vấn đề của một câu chuyện là ta mơ thấy nó trong khi kể nó, hy vọng rằng những người khác rồi sẽ có thể cùng mơ với ta, và bằng cách này ký ức và trí tưởng tượng và ngôn ngữ kết hợp cùng nhau làm nên những linh hồn ở trong tâm trí. Có ảo tưởng về sự sống thực. Chẳng hạn, hồi ở Việt Nam, Ted Lavender có thói quen mỗi ngày tọng bốn năm viên thuốc an thần. Đó là cách của hắn để đương đầu, để chịu nổi thực tại, và thuốc giúp hắn nguôi ngoai qua ngày đoạn tháng. Tôi nhớ mắt hắn mới bình an làm sao. Ngay cả trong những tình huống xấu hắn cũng có vẻ mặt dịu dàng mơ mộng, đó chính là điều hắn muốn, một kiểu giải thoát. “Cuộc chiến hôm nay thế nào?” ai đó hỏi, và Ted Lavender sẽ khẽ mỉm cười nhìn lên trời nói, “Ngon lành – hôm nay là một cuộc chiến êm xuôi dễ chịu.” Thế rồi đến tháng Tư hắn bị vào đầu ở ngoài làng Thần Khê. Kiowa cùng tôi và vài người khác được lệnh lo liệu đưa xác hắn lên trực thăng cứu thương. Tôi nhớ mình ngồi xổm xuống, không muốn nhìn nhưng vẫn cứ nhìn. Xương hàm trái của Lavender bay mất. Quanh mắt hắn có quầng đen sưng húp. Nhanh chóng, cố đừng cảm thấy gì, chúng tôi lục hết các túi của thằng nhóc. Tôi nhớ lúc đó tôi ước gì mình có găng tay. Không phải tôi ghét máu, mà là ghét sự chết. Chúng tôi cho hết đồ cá nhân của hắn vào một túi nhựa rồi cột túi ấy vào tay hắn. Chúng tôi lột bỏ bi đông và băng đạn, tất cả mấy thứ nặng, rồi gói hắn vào trong tấm pông-sô của hắn và mang hắn tới một cánh đồng khô ráo, để hắn nằm đó.
Mãi một hồi chẳng ai nói gì nhiều. Rồi Mitchell Sanders nhìn về phía tấm pông-sô nhựa màu xanh lục mà phá lên cười.
“Nè, Lavender,” hắn nói, “cuộc chiến hôm nay thế nào?”
Có một quãng lặng ngắn.
“Nhẹ nhàng,” ai đó nói.
“Ừ, vậy thì tốt,” Sanders lẩm bẩm, “tốt, tốt lắm. Giờ thì bình tĩnh đi.”
“Nè, đừng lo, tao ngon lành mà.”
“Vậy thư giãn đi. Đừng uống thuốc gì hết á. Tụi tao gọi cái trực thăng mắc dịch tới rồi, lần này là chuyến phiêu diêu cả đời đó nha.”
“Ồ phải, ngon lành!”
Mitchell Sanders cười. “Nó kìa bồ ơi, cái trực thăng này sắp chở mày lên vừa cao lại vừa mát. Thư giãn đi nha. Thay đổi toàn bộ cách nhìn của mày về cái vụ cứt đái chó đẻ này đi nha.”
Chúng tôi hầu như thấy được cặp mắt xanh da trời mơ mộng của Ted Lavender. Chúng tôi hầu như nghe hắn nói.
“Đụ bà nó,” ai đó nói. “Tao sẵn sàng bay rồi đây.”
Có tiếng gió, tiếng chim và buổi trưa tĩnh mịch, vốn là cái thế giới chúng tôi đang ở.
Một câu chuyện, nó làm điều ấy. Những cái xác trở nên sống. Ta làm cho người chết nói năng. Họ đôi khi nói những câu như, “Đụ bà nó.” Hoặc họ nói. “Timmy, nín đi,” cũng là câu Linda nói với tôi sau khi nàng đã chết.
Mãi bây giờ tôi vẫn có thể thấy nàng đi dọc lối đi giữa hai hàng ghế trong Nhà hát Quốc gia cũ ở Worthington, Minnesota. Tôi có thể thấy mặt nàng nhìn nghiêng trước mắt tôi, đôi má hơi nhuốm sáng do các nhân vật trên phim đang xuất hiện.
Bộ phim đêm đó là Người không bao giờ hiện hữu. Tôi nhớ rõ cốt truyện, hay ít nhất là tứ truyện, vì nhân vật chính là một xác chết. Tôi biết, nội một chuyện ấy thôi cũng đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Đó là phim về Thế chiến Thứ hai: phe Đồng minh bày ra một mưu đồ đánh lừa bọn Đức về địa điểm sắp xảy ra cuộc đổ bộ lên châu Âu. Họ dùng một cái xác, lính Anh, hình như vậy; họ mặc cho anh ta đồng phục sĩ quan, nhét giấy tờ giả vào túi áo túi quần anh ta, rồi ném anh xuống biển và để các dòng hải lưu tấp anh lên một bãi biển Đức Quốc xã. Người Đức tìm thấy chỗ giấy tờ đó; trò lừa bịp đã thắng trong cuộc chiến. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn nhớ được tiếng bõm ghê sợ khi cái xác rơi xuống biển. Tôi nhớ khi đó mình liếc sang Linda, nghĩ rằng thế này e quá sức nàng, nhưng trong ánh xám lờ mờ nàng dường như đang cười về phía màn ảnh. Mắt nàng có những nếp nheo nheo, môi nàng mở hé, hai bên khóe hơi cong. Tôi không hiểu được. Chẳng có gì để cười. Tình thực, một hai lần tôi phải nhắm mắt lại, nhưng cũng chẳng ích gì lắm. Kể cả khi đó tôi vẫn cứ thấy cái xác anh lính rơi lộn nhào xuống nước, đánh tòm rất mạnh, cái xác cứng đơ đơ và nặng trịch thế nào, hoàn toàn chết ra sao.
Thật nhẹ cả người khi cuối cùng phim cũng hết.
Sau đó, chúng tôi giong xe đến Dairy Queen ở bên rìa thành phố. Đêm có vẻ dày bình bịch, trĩu xuống, như chất nặng cái gì, và quanh chúng tôi những đồng cỏ Minnesota trải dài thành những làn sóng ngô và đậu tương nối nhau liền liền không dứt, mọi thứ phẳng phiu, mọi thứ hệt nhau. Tôi nhớ khi đó mình ăn cà rem nơi băng sau chiếc Buick, một chuyến đi dài vô vị trong bóng tối, rồi thì đỗ lại trước nhà Linda. Mọi điều hẳn đã được nói ra khi đó, nhưng giờ đây tất cả đã qua đi, chỉ vài hình ảnh cuối cùng còn lại. Tôi nhớ đã tiễn nàng đến cửa trước. Tôi nhớ ngọn đèn trước cổng bằng đồng với quầng sáng màu vàng dữ dội, hai bàn chân của chính tôi, những bụi bách xù dọc mấy tam cấp dẫn lên cửa trước, cỏ ướt, Linda bên tôi. Chúng tôi yêu nhau. Chín tuối đầu, phải, nhưng đó là tình yêu đích thực, và lúc này chỉ có chúng tôi nơi mấy bậc tam cấp trước nhà. Rốt cuộc chúng tôi nhìn nhau.
“Chào nhé,” tôi nói.
Linda gật rồi nói, “Chào.”
Mấy tuần sau đó Linda ngày nào cũng đội cái mũ len mới màu đỏ đến trường. Nàng chẳng khi nào bỏ mũ ra, ở trong lớp cũng không, thế nên nàng bị vài lời trêu chọc là điều không tránh khỏi. Hầu hết lời trêu chọc là của một thằng nhóc tên Nick Veenhof. Ngoài sân chơi, lúc nghỉ giữa giờ, Nick hay rón rén tới phía sau nàng túm lấy cái mũ, gần như giật phắt mũ ra, rồi co giò chạy. Cứ thế hàng tuần liền: đám con gái cười rúc rích, lũ con trai thúc nó làm tới. Lẽ tự nhiên tôi muốn làm cái gì đó, nhưng đơn giản là không thể. Tôi còn phải nghĩ tới thanh danh mình. Tôi có niềm kiêu hãnh của mình. Rồi lại còn thằng Nick Veenhof nữa. Thế nên tôi đứng ra một phía, chỉ quan sát, thầm mong làm được những điều mình không thể làm. Tôi nhìn Linda dùng lòng bàn tay níu chặt cái mũ xuống, giữ nó đó, mỉm cười với Nick như thể chẳng có gì thực sự đáng kể.
Dẫu vậy, với tôi, nó có đáng kể. Đến giờ vẫn vậy. Lẽ ra tôi phải bước vào can thiệp; mình mới học lớp tư đâu phải là cái cớ. Ngoài ra, chuyện đó không làm tôi nhẹ lòng hơn cùng với thời gian, và mười hai năm sau, khi Việt Nam bày ra những lựa chọn còn khó khăn hơn nhiều, được thực tập ít nhiều để thành ra can đảm hẳn là cũng có ích chút nào đấy.
Dù sao, lẽ ra tôi đã ngăn chặn được điều xảy ra sau đó. Cũng có thể không, nhưng ít nhất là có khả năng làm được.
Hầu hết chi tiết tôi đã quên, hoặc có thể không muốn nhớ, nhưng tôi biết đó là một buổi chiều cuối xuân, chúng tôi đang làm kiểm tra chính tả, được nửa chừng thì Nick giơ tay xin được dùng cái gọt bút chì. Lập tức bọn trẻ phá lên cười. Rõ ràng nó đã cố tình làm gãy bút chì, nhưng chuyện đó mình không chứng minh được, cho nên thầy giáo gật đầu bảo nó nhanh nhanh lên. Đấy là một sai lầm. Chẳng hiểu từ đâu ra Nick có dáng đi tập tễnh kinh khiếp. Nó đi chậm rì, lê lết tới chỗ cái gọt bút chì rồi cẩn thận đút bút chì của nó vào và gọt lâu ghê gớm. Chắc là lúc ấy trò này thật buồn cười. Nhưng trên đường về chỗ Nick đi một quãng đường vòng ngắn. Nó len giữa hai cái bàn, quay ngoắt sang phải, rồi tiến dọc lối đi về phía Linda.
Tôi thấy nó nhe răng cười với một thằng trong đám bạn cánh hẩu của nó. Tôi biết điều gì sắp xảy ra.
Khi đi ngang qua bàn Linda, nó làm rớt bút chì và ngồi thụp xuống lượm lên. Khi nhổm dậy, tay trái nó trượt sau lưng nàng. Có một chút do dự khoảng nửa giây. Có lẽ nó đang cố ghìm mình lại, có lẽ khi đó, chỉ thoáng qua, nó thấy cái gì đó hơi hơi gần cảm giác tội lỗi. Nhưng cái ấy chưa đủ. Nó nắm lấy cái chỏm màu trắng, đứng dậy, nhẹ nhàng rút mũ của nàng ra.
Ai đó chắc đã cười to, tôi nhớ có một tiếng vang ngắn, nhỏ xíu. Tôi nhớ Nick Veenhof ráng mỉm cười. Đâu đó sau lưng tôi, một đứa con gái nói, “Ơ,” hoặc tiếng gì đó tương tự.
Linda không nhúc nhích.
Đến tận bây giờ, mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn còn nhìn thấy cái màu trắng bóng lưỡng của da đầu nàng. Nàng không hói. Không hẳn. Không hoàn toàn. Có vài nhúm tóc, những mảng lờm xờm nâu nâu xám xám. Nhưng cái tôi thấy khi đó, và đến giờ vẫn thấy, là cái màu trắng kia. Một màu trắng nhẵn nhụi, nhợt nhạt, trong suốt. Tôi thấy được xương và mạch máu; tôi thấy được chính xác cấu trúc của sọ nàng. Có một đoạn băng sau gáy nàng, một hàng mũi khâu màu đen, một miếng gạc dán phía trên tai trái nàng.
Nick Veenhof lùi một bước. Nó vẫn đang mỉm cười, nhưng nụ cười đang có những diễn biến kỳ lạ.
Suốt thời gian đó Linda nhìn thẳng trước mặt, mắt dán vào bảng đen, hai tay khoanh lại để hờ trên lòng mình. Nàng không nói gì. Tuy nhiên, sau một hồi, nàng ngoái lại nhìn tôi ở phía bên kia phòng. Chỉ trong một khoảnh khắc, nhưng tôi có cảm giác như đã có cả một cuộc nói chuyện diễn ra giữa chúng tôi. Không sao chứ? nàng nói, còn tôi thì nói, Hẳn rồi, không sao cả.
Sau đó nàng khóc một lát. Thầy giáo giúp nàng đội mũ lên lại, rồi chúng tôi kết thúc bài kiểm tra chính tả và học thêm đôi chút môn vẽ bằng ngón tay, và hôm đó khi tan học Nick Veenhof cùng tôi đưa nàng về nhà.
Và nay như một nhà văn, tôi muốn cứu mạng Linda. Không phải cơ thể nàng, mà là sự sống của nàng.
Nàng đã chết, dĩ nhiên. Mới chín tuổi đầu, nàng chết. Là do u não. Nàng sống qua hết mùa hè và sang phần đầu tháng Chín, thế rồi nàng chết.
Nhưng trong một câu chuyện tôi có thể đánh cắp linh hồn nàng. Tôi có thể làm hồi sinh, ít nhất là trong ngắn ngủi, cái vốn là tuyệt đối và bất chuyển. Trong một câu chuyện, phép màu có thể xảy ra. Linda có thể mỉm cười ngồi dậy. Nàng có thể chìa tay, sờ cổ tay tôi mà nói,“Timmy, nín đi.”
Tôi cần loại phép màu ấy. Đến một lúc tôi hiểu ra rằng Linda đang ốm, thậm chí đang hấp hối, nhưng tôi yêu nàng nên không thể chấp nhận điều ấy. Tôi nhớ dạo giữa hè mẹ tôi cố giải thích với tôi về chứng u não. Mẹ nói rằng thỉnh thoảng có những thứ xấu xa bắt đầu lớn lên bên trong ta. Đôi khi ta có thể cắt bỏ nó đi nhưng cũng có khi không, và với Linda đây là một trong những lúc ta không thể cắt.
Tôi nghĩ về chuyện ấy suốt mấy ngày. “Thôi được,” cuối cùng tôi nói.“Vậy cô ấy có sẽ khá hơn không?”
“Ừm, không,” mẹ tôi nói. “Chắc là không.” Mẹ nhìn vào một điểm phía sau vai tôi. “Đôi khi người ta không khá hơn. Đôi khi họ chết.”
Tôi lắc đầu.
“Linda thì không,” tôi nói.
Nhưng vào một chiều tháng Chín, giữa giờ giải lao buổi trưa, Nick Veenhof đến gặp tôi giữa sân trường. “Bạn gái mày,” nó nói, “con nhỏ đi đá xô rồi.” Ban đầu tôi không hiểu.
“Nó chết rồi,” nó nói. “Lúc ăn trưa má tao bảo tao vậy. Không láo đâu, nó đi tàu suốt thiệt rồi.”
Tôi chỉ có thể gật đầu. Vì sao đó tâm trí tôi không ghi nhận được điều này. Tôi quay đi, nhìn xuống hai tay mình trong một thoáng, rồi đi về nhà mà chẳng nói ai hay.
Tôi nhớ lúc đó là sau một giờ chiều một chút, nhà chẳng có ai.
Tôi uống một ít sữa sô cô la rồi nằm xuống đi văng nơi phòng khách, không hẳn buồn, mà chỉ là bồng bềnh, cố hình dung xem chết là thế nào. Tôi chẳng nghĩ ra được gì nhiều. Tôi nhớ mình nhắm mắt lại thì thầm tên nàng, hầu như van vỉ, cố làm nàng quay lại. “Linda,” tôi nói, “làm ơn đi mà.” Rồi tôi tập trung. Tôi cầu mong nàng sống lại. Đó là một giấc mơ, chắc vậy, hoặc là một giấc mơ ngày, nhưng tôi đã làm nó xảy ra. Tôi thấy nàng đi dọc chính giữa Phố Chính, một mình nàng. Trời gần như đã tối, đường vắng ngắt, xe cộ không người cũng không, và Linda mặc áo váy màu hồng mang giày đen láng bóng. Tôi nhớ mình ngồi xuống bên vệ đường để nhìn. Toàn bộ tóc nàng đã mọc lại. Những vết sẹo và mũi khâu đã biến mất. Trong giấc mơ, nếu đó là mơ, nàng đang chơi trò chơi nào đó, vừa chạy vừa cười vang suốt dọc con đường vắng vẻ, chân đá một cái xô nước to bằng nhôm.
Ngay lúc đó tôi bật khóc. Lát sau Linda dừng lại và mang cái xô đến chỗ vệ đường, đoạn hỏi tôi sao tôi buồn vậy.
“Chúa ơi,” tôi nói, “bồ chết rồi.”
Linda gật đầu với tôi. Nàng đứng dưới một ngọn đèn đường màu vàng. Một cô bé chín tuổi, chỉ là đứa con nít, thế nhưng có cái gì đó không tuổi trong mắt nàng – không phải con nít, không phải người lớn – chỉ là một sự bình lặng sáng láng vô tận, cũng cái đau ran ran do thứ ánh sáng vĩnh hằng mà ngày nay tôi thấy trong mắt chính tôi khi Timmy cười với Tim từ những bức ảnh xám xịt của ngày đó.
“Chết,” tôi nói.
Linda mỉm cười. Đó là một nụ cười bí ẩn, như thể nàng biết những điều không ai biết, đoạn nàng chìa tay sờ cổ tay tôi mà nói, “Timmy, nín đi. Không sao đâu mà.”
Ở Việt Nam cũng vậy, chúng tôi có những cách để làm cho người chết xem ra không đến nỗi chết cho lắm. Bắt tay, đó là một cách. Bằng cách làm cho cái chết nhẹ đi, bằng cách đóng kịch, chúng tôi vờ như đó không phải điều khủng khiếp dù nó đúng là khủng khiếp. Bằng ngôn ngữ của mình, thứ ngôn ngữ vừa tàn nhẫn vừa u sầu, chúng tôi biến các xác chết thành những đống phế thải. Vậy nên, khi ai đó bị giết, như Curt Lemon, thì xác hắn không thực là cái xác, mà đúng hơn là một dúm phế thải nhỏ giữa một đống phế thải lớn hơn nhiều. Tôi học được rằng ngôn từ tạo nên sự khác biệt. Đương đầu với một cái xô bị đá – kicked bucket – thì dễ hơn là với một cái tử thi – corpse; nếu nó không phải là người thì nó có chết cũng nào quan trọng gì. Vậy nên một y tá Việt Cộng bị bom na pan nướng chín là một con nho nhỏ giòn tan. Một đứa bé người Việt nằm bên cạnh là một đậu phộng nướng. “Khô ran giòn rụm,” Chuột Kiley nói trong khi giẫm lên cái xác.
Chúng tôi giữ cho người chết sống bằng những câu chuyện. Khi Ted Lavender bị bắn vào đầu, đám lính nói chưa bao giờ họ thấy hắn nhã nhặn đến thế, hắn điềm tĩnh làm sao, rằng không phải viên đạn mà chính mấy viên thuốc an thần đã làm nổ tung trí hắn. Hắn không chết, chỉ là hắn thuần tính đi. Trong bọn chúng tôi có người là tín đồ Công giáo, như Kiowa, vốn tin vào những chuyện trong Tân Ước về sự sống sau khi chết. Những chuyện khác thì được lưu truyền từ lính cựu sang lính mới giống như huyền thoại. Tuy nhiên, hầu hết là chúng tôi tự đặt ra. Thường thì đấy là những chuyện thổi phồng quá mức, hoặc là láo toét rành rành, nhưng đó là một cách để nối liền lại thể xác và tinh thần, hay là một cách để làm ra những thể xác mới cho linh hồn trú ngụ. Chẳng hạn, có một chuyện kể rằng Curt Lemon đi chơi trò cho-gì-đi-không-tui-phá vào dịp Halloween. Ấy là một đêm tối trời, ma quái, thành thử Lemon đeo một cái mặt nạ ma và vẽ lên người đủ thứ màu rồi bò qua cánh đồng tới chỗ một ngôi làng đang ngủ say – hắn hầu như trần tô hô, chuyện kể thế, chỉ mang mỗi đôi bốt cùng với đạn và một khẩu M-16 – và trong đêm tối hắn đi từ nhà này qua nhà nọ – đi rung chuông, hắn gọi thế – rồi thì vài giờ sau, khi hắn luồn về lại vòng ngoài doanh trại, hắn đem theo một ba lô đầy nhóc các thứ về chia cho chiến hữu: nến nè, nhang nè, rồi hai bộ pyjama đen và mấy bức tượng Phật cười nữa. Là chuyện kể vậy. Những dị bản khác thì phong phú hơn, đầy miêu tả và nhiều mẩu thoại. Chuột Kiley thích thêm mắm thêm muối bằng cách bổ sung chi tiết: “Thấy không, chuyện là khi đó kiểu như bốn giờ sáng, Lemon đeo cái mặt nạ con ma ghê thấy mẹ đó mà lẻn vào một cái nhà. Ai cũng đang ngủ khì, đúng không? Thế là hắn đánh thức bà già dễ thương nọ dậy. Cù chân bả. ‘Nè mama-san,’ hắn nói, nhỏ nhẹ hết biết luôn. ‘Nè mama-san, cho-gì-đi-không-tui-phá.’ Phải chi tụi mày thấy cái mặt bả. Sợ té đái chớ gì nữa, tự nhiên ở đâu ra cái con ma truồng tô hô đứng đó, thế rồi hắn gí cây M-16 vô tai bả thì thào, ‘Nè mama-san, cho gì đi không thì đù má tui phá à nha!’ Đoạn hắn lột bộ pyjama của bả. Tuột hết trọi của bả. Nhét bộ pyjama vô ba lô rồi đi sang nhà kế.”
Ngừng một chút, Chuột Kiley cười toe toét rồi lắc đầu. “Thề có Chúa trời,” hắn lẩm bẩm. “Cho-gì-đi-không-tui-phá. Lemon – màn ấy là số một trong thiến hạ.”
Nghe chuyện đó, nhất là khi Chuột Kiley kể, ta không bao giờ biết rằng Curt Lemon đã chết. Hắn vẫn còn đó trong bóng tối, trần như nhộng vẽ đủ thứ màu, chơi trò cho-gì-đi-không-tui-phá, đeo cái mặt nạ trắng toát điên rồ mà luồn từ nhà này sang nhà nọ. Nhưng hắn chết rồi.
Vào tháng Chín, một hôm sau ngày Linda chết, tôi xin ba tôi đưa tôi đến Nhà Tang lễ Benson viếng xác. Hồi đó tôi học lớp năm; tôi khá tò mò. Trên đường xuống phố ba tôi cứ nhìn thẳng đằng trước. Tôi nhớ là đến một lúc ông phát ra một âm thanh kèn kẹt trong cổ họng. Mãi hồi lâu ông mới châm được điếu thuốc.
“Timmy nè,” ông nói, “chuyện này con có chắc không?”
Tôi gật với ông. Dĩ nhiên, trong thâm tâm tôi không chắc, thế nhưng tôi phải nhìn thấy nàng thêm lần nữa. Có lẽ cái tôi cần là một sự xác nhận cuối cùng nào đó, một cái gì để tôi mang theo sau khi nàng đã ra đi.
Khi chúng tôi đã đậu xe phía trước nhà tang lễ, ba quay sang nhìn tôi.“Nếu vô trỏng mà con thấy làm sao đó thì cứ nói. Mình sẽ rời khỏi đây nhanh. Được chưa?” ông nói.
“Vâng,” tôi nói.
“Hoặc nếu con thấy buồn mửa hay…”
Không đâu ạ, tôi nói.
Vào trong, cái đầu tiên tôi nhận thấy là cái mùi, nặng và ngọt, giống như thứ gì đấy xịt ra từ một cái bình. Phòng viếng xác trống rỗng ngoại trừ Linda cùng với ba và tôi. Tôi cảm thấy một cơn kinh hoảng trong khi hai cha con bước dọc lối đi. Cái mùi đó khiến tôi chóng mặt. Tôi ráng cưỡng lại, chậm bước một chút, thở từng hơi ngắn, nông qua miệng. Nhưng đồng thời tôi thấy hưng phấn một cách kỳ quặc. Hồi hộp, theo cách nào đó – cũng cái cảm giác lúng túng ngượng ngập khi tôi đi dọc theo vỉa hè đến nhấn chuông nhà nàng vào hôm đầu tiên hai đứa hẹn nhau. Tôi muốn gây ấn tượng với nàng. Tôi muốn có gì đó xảy ra giữa hai đứa tôi, một dấu hiệu bí mật kiểu gì đấy. Căn phòng thắp sáng tù mù, hầu như tối, nhưng ở đầu cuối lối đi cỗ quan tài trắng của Linda được một dãy đèn ở trên trần rọi sáng. Mọi thứ lặng như tờ. Ba tôi đặt tay lên vai tôi, thì thào gì đó, rồi lui lại. Sau một thoáng tôi dấn tới vài bước, nhón chân lên để nhìn cho rõ.
Trông không thật. Chắc có lầm lẫn, tôi nghĩ. Cô bé nằm đó trong cỗ quan tài trắng không phải Linda. Giống thì giống, có thể, nhưng trong khi Linda luôn luôn mảnh dẻ, trông mỏng manh, hầu như toàn xương bọc da, thì cái thân thể nằm trong quan tài đó béo mập, phồng lên. Trong một giây tôi tự hỏi liệu có phải ai đó đã phạm sai lầm khủng khiếp hay không.
Mộr sai lầm về kỹ thuật: kiểu như họ đã bơm vào nàng quá nhiêu phoóc môn hoặc chất lỏng ướp thơm hay bất cứ cái gì họ thường dùng. Hai tay nàng, mặt nàng sưng húp. Da nơi hai má nàng bị kéo thẳng căng, giống như lớp vỏ cao su một quả bóng ngay trước khi nó nổ tung. Ngay cả các ngón tay nàng cũng có vẻ múp míp. Tôi ngoái lại nhìn sau lưng nơi ba tôi đứng, nghĩ đây có thể là một trò đùa – mong đó là một trò đùa – hầu như tin rằng Linda sẽ từ sau một trong mấy bức rèm kia nhảy ra cười ngặt nghẽo và réo to tên tôi.
Nhưng nàng không làm vậy. Phòng lặng ngắt. Khi nhìn lại cỗ quan tài, tôi lại thấy chóng mặt. Trong tâm khảm tôi tin chắc, tôi biết đây là Linda, nhưng thậm chí dù vậy đi nữa tôi cũng chẳng tìm thấy gì nhiều để nhận ra. Tôi cố làm bộ là nàng đang ngủ một chút, hai tay nàng xếp để trên bụng, chỉ là ngủ trưa thôi. Chỉ có điều nàng không có vẻ ngủ. Nàng trông có vẻ chết. Nàng trông nặng nề và hoàn toàn chết.
Tôi nhớ mình đã nhắm mắt lại. Một lát sau ba tôi bước lại cạnh tôi.
“Đi thôi,” ba nói. “Mình đi mua ít cà rem.”
Trong mấy tháng sau khi Ted Lavender chết, có nhiều cái xác khác nữa. Tôi chẳng bao giờ bắt tay – cái đó thì không – nhưng một chiều nọ tôi trèo lên một cái cây và ném xuống đất những gì còn lại của Curt Lemon. Tôi quan sát bạn Kiowa của tôi chìm vào bùn nhão dọc sông Trà Bồng. Và đầu tháng Tám, sau một trận chiến trên vùng núi, tôi được phiên chế vào một phân đội sáu người để dọn dẹp xác quân địch bị giết trong chiến đấu. Có tất cả hai mươi bảy xác, và những bộ phận của vài xác nữa. Người chết khắp nơi. Vài người nằm chất đống. Một số nằm một mình. Có một xác, tôi nhớ, nhìn như đang quỳ. Một xác khác gập người từ thắt lưng trở lên trên một hòn đá nhỏ, đỉnh đầu nằm trên đất, hai tay ngay đơ, hai mắt nheo nheo tập trung như thể hắn sắp sửa thực hiện tư thế trồng cây chuối hay nhào lộn. Đó là ngày tồi tệ nhất của tôi trong cuộc chiến. Suốt ba giờ chúng tôi mang mấy cái xác từ trên núi xuống một khoảng đất trống dọc con đường đất hẹp. Chúng tôi ăn trưa ở đó, rồi thì một chiếc xe tải đến, chúng tôi chia thành tốp hai người một chất xác lên xe. Tôi nhớ chúng tôi đòng đưa từng cái xác rồi liệng lên. Mitchell Sanders túm hai chân, tôi túm hai tay, tụi tôi đếm tới ba, lấy đà, tung xác lên cao và nhìn nó nảy tưng rồi nằm im giữa mấy xác khác. Đám chết này chết đã hơn một ngày. Tất cả đều đã sưng phù tệ hại. Áo quần họ thẳng căng như vỏ xúc xích, và khi chúng tôi nhặt họ lên, vài người phát ra tiếng bụp sắc gọn giống như ga bị xì ra. Mùi thật khủng khiếp. Đến một lúc Mitchell Sanders nhìn tôi nói, “Nè mày, tao mới nghĩ ra một điều.”
“Gì?”
Hắn chùi mắt rồi nói rất nhỏ nhẹ, như thể bàng hoàng vì sự thông thái của chính mình.
“Chết thiệt là chó má,” hắn nói.
Nằm trên giường giữa đêm khuya, tôi đặt ra những câu chuyện chi li phức tạp ngõ hầu đưa Linda còn sống vào trong giấc mơ của tôi. Tôi chế ra những giấc mơ của riêng mình. Nghe thì không thể, tôi biết, nhưng tôi đã làm thế. Tôi hình dung một bữa tiệc sinh nhật ai đó – phòng chật ních người, tôi nghĩ, và một cái bánh sô cô la to cắm nến hồng – và rồi chẳng mấy chốc tôi mơ thấy giấc mơ ấy, và một hồi sau Linda xuất hiện, tôi biết nàng sẽ xuất hiện mà, trong giấc mơ hai đứa tôi nhìn nhau chẳng nói gì nhiều, bởi chúng tôi ngượng ngùng, nhưng sau đó tôi tiễn nàng về nhà và chúng tôi ngồi nơi bậc tam cấp trước cửa nhà nàng nhìn ra bóng tối, chỉ hai đứa với nhau.
Đôi khi trong giấc mơ ấy nàng nói những điều kỳ lạ. “Một khi mình sống, mình không thể chết được,” nàng nói.
Hoặc nàng nói, “Trông tui có giống như chết không?”
Đó là một kiểu tự thôi miên. Một phần là sức mạnh ý chí, một phần là niềm tin, các câu chuyện ra đời bằng cách ấy.
Nhưng hồi đó có cảm giác như đó là một phép màu. Những giấc mơ của tôi đã trở thành một nơi gặp gỡ bí mật, và suốt nhiều tuần sau khi nàng chết tôi cứ nóng lòng đợi đến khi mình thiếp ngủ về đêm. Tôi bắt đầu đi ngủ càng ngày càng sớm, đôi khi giữa lúc trời còn sáng bạch. Tôi nhớ cuối cùng một sáng nọ mẹ tôi hỏi về chuyện đó giữa bữa ăn sáng. “Timmy, có gì không ổn vậy?” mẹ hỏi, nhưng tôi chỉ có thể nhún vai nói: “Đâu có gì. Chỉ là con cần ngủ thôi mà.” Tôi không dám nói sự thật. Nói thật thì khó xử, chắc thế, nhưng cũng còn vì đó là một bí mật quý báu, giống như một mẹo thần kỳ, nếu tôi cố giải thích nó ra hay thậm chí chỉ cần nói về nó là sự hồi hộp và huyền bí sẽ biến mất. Tôi không muốn mất Linda.
Nàng đã chết. Tôi hiểu điều đó. Xét cho cùng, tôi đã thấy xác nàng, thế nhưng dù mới chín tuổi tôi cũng đã bắt đầu thực hành phép thần kỳ của những câu chuyện. Đôi khi chỉ là tôi nghĩ trong đầu. Lúc khác thì tôi viết chúng ra – cảnh trí và đối thoại. Và về đêm tôi buông mình vào giấc ngủ, biết rằng Linda ở đó chờ tôi. Tôi nhớ có một lần chúng tôi đi trượt băng mãi đến khuya, lướt theo những vòng xoắn và vòng tròn dưới ánh đèn vàng. Sau đó chúng tôi ngồi sưởi ấm bên bếp lò bằng gỗ trong nhà, chỉ hai đứa với nhau, và một lát sau tôi hỏi nàng chết thì thấy thế nào. Rõ là Linda nghĩ câu hỏi đó thật ngu ngốc. Nàng mỉm cười nói, “Trông tui giống như chết sao?”
Tôi bảo không, nàng trông thật tuyệt. Tôi chờ một chút rồi hỏi lại, và Linda khẽ thở dài. Tôi ngửi thấy mùi những chiếc găng tay len của chúng tôi đang khô dần trên bếp lò.
Nàng im lặng vài giây.
“Chà, ngay lúc này thì tui không chết,” nàng nói. “Nhưng khi tui chết thì… giống như là… Tui không biết, chắc là giống như mình ở trong một cuốn sách không ai đọc.”
“Một cuốn sách?” tôi hỏi.
“Một cuốn sách cũ. Nó nằm trên kệ sách trong thư viện, cho nên mình an toàn và đủ thứ, nhưng đã lâu rất lâu rồi chả có ai mượn cuốn sách hết. Mình chỉ có thể đợi. Chỉ là hy vọng ai đó sẽ cầm lấy nó mà đọc.”
Linda mỉm cười với tôi.
“Dù sao thì cũng không tệ quá,” nàng nói. “Ý tui là khi mình chết rồi, mình phải là chính mình.” Nàng đứng dậy, đội mũ len lên đầu.“Chuyện này ngốc lắm. Mình đi trượt thêm tí đi.”
Vậy là tôi theo nàng xuống cái hồ đóng băng. Đã khuya lắm, chẳng còn ai ở đó, và chúng tôi nắm tay nhau trượt hầu như suốt đêm dưới ánh đèn vàng.
Thế rồi chuyển thành năm 1990. Tôi bốn mươi ba tuổi, nay là nhà văn, vẫn còn mơ thấy Linda còn sống y như thế. Nàng không phải là Linda hiện thân thành xương thịt; nàng hầu như được tạo mới, với một căn cước mới và cái tên mới, giống như con người không bao giờ hiện hữu. Tên thật của nàng không quan trọng. Nàng chín tuổi. Tôi yêu nàng và rồi nàng chết. Thế nhưng ngay ở đây, trong quyền phép của ký ức và tưởng tượng, tôi vẫn có thể thấy nàng như thể qua lớp băng, hồ như tôi đang nhìn sang một thế giới khác, một nơi không có chứng u não nào và chẳng nhà tang lễ nào, nơi hoàn toàn không một xác chết nào. Tôi thấy cả Kiowa, cả Ted Lavender và Curt Lemon, và đôi khi tôi thấy cả Timmy trượt băng cùng Linda dưới ánh đèn vàng. Tôi trẻ và hạnh phúc. Tôi sẽ không bao giờ chết. Tôi lướt qua bề mặt lịch sử cá nhân của chính tôi, lướt nhanh, cưỡi trên lớp nước băng tan dưới các lưỡi nhọn của đôi giày trượt, lượn những vòng xoắn vòng xoay, và khi tôi tung mình lên cao trong bóng tối rồi hạ xuống ba mươi năm sau, tôi nhận ra rằng đó như thể Tim đang cố cứu cuộc đời Timmy bằng một câu chuyện kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét