Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

chuyện thực thời chiến

chuyện thực thời chiến
Tim O'Brien
♦ Chuyển ngữ: Huy Văn Trương và Hồ Như

 

Nguyên tác: “How to Tell a True War Story,” truyện ngắn trong tập những truyện liên kết The Things They Carried (Houghton Miflin: 1990) của Tim O’Brien

Lời người dịch: Chúng tôi chân thành xin lỗi nếu có sai sót trong bản dịch, và mong nhận được đóng góp cho những sai sót ấy.

Tim O’Brien, 23 tuổi, tiểu đoàn LZ Gator, tại một khu “Ấp Đỏ” (Pinkville [vùng xôi đậu]) gần Mỹ Lai, năm 1969

Đây là chuyện có thực.

Ở Việt Nam tôi có một bạn đồng đội tên Bob Kiley, nhưng mọi người đều gọi nó là Rat (1).

Một người bạn của nó bị chết trận, và khoảng một tuần sau đó nó ngồi xuống viết thư cho em gái của thằng đã chết. Rat viết, cô có một người anh rất tuyệt, rất đàng hoàng, một người bạn và đồng đội số một. Một người lính đúng nghĩa. Rồi Rat kể vài chuyện làm bằng, như anh cô lúc nào cũng tình nguyện làm những việc chẳng đời nào có ai khác tình nguyện làm, những việc đầy nguy hiểm, như là thám thính hoặc những cuộc tuần tiễu ghê rợn ban đêm. Rat viết, anh cô gan dạ. Đúng là thằng đó phải hơi điên, nhưng điên mà không khùng, một đứa liều mạng đúng nghĩa, vì nó thích sự thách đố, thích tự thử thách, lấy sức mình chọi bọn da vàng. Một người rất, rất tuyệt.

Lá thư thật hay, thật thân tình và cảm động, Rat suýt òa khóc khi viết thư. Nó ứa nước mắt khi kể lại những lần hai đứa vui vẻ, anh của cô khiến cuộc chiến gần như trò vui, nó không ngớt quậy phá, thiêu rụi làng mạc, nổi khói lửa khắp nơi. Lại có óc khôi hài nữa. Có lần ra sông câu cá, nó mang cả thùng lựu đạn đi ném cá. Rat nói có lẽ trong lịch sử thế giới chưa có gì vui như thế, cảnh máu me với xác chết của tỷ tỷ con cá da vàng. Anh của cô biết sống. Nó biết cách bày trò vui. Ngày Halloween (2), buổi tối trời nóng và rất rùng rợn, nó sơn thân mình nhiều màu khác nhau, đeo một cái mặt nạ quái gở, và gần như trần truồng đi đến một làng quê để xin kẹo, chỉ mang giày bốt cùng hai hòn dái và một khẩu súng M-16. Một người xuất chúng, Rat viết. Có khi khá điên rồ, nhưng mình có thể tin tưởng giao mạng cho nó được.

Rồi lá thư trở nên buồn thảm và nghiêm trang. Rat tuôn lòng mình ra. Nó viết, nó mến thằng đã chết lắm. Thằng đó là bạn thân nhất trên đời của nó. Hai đứa như bạn tri kỷ, như anh em sinh đôi hay gì đó, có rất nhiều điểm tương đồng. Nó bảo em gái thằng đã chết rằng sau cuộc chiến nó sẽ tìm thăm cô.

Rồi thì sao?

Rat gửi thư đi. Nó đợi hai tháng. Con đượi (3) không hề viết trả lời.

Chuyện thực thời chiến không bao giờ là chuyện đạo đức. Nó không dạy dỗ, hoặc khuyến khích đức tính, cũng không gợi ra những khuôn mẫu hành vi con người đúng mực, không kềm giữ đàn ông làm những chuyện đàn ông vẫn làm. Đừng tin nếu câu chuyện có vẻ đạo đức. Nếu cuối câu chuyện thời chiến người ta thấy lên tinh thần, hoặc cảm thấy một mảnh nhỏ chính trực đã được cứu vớt từ đống rác lớn, thì người ấy đã biến thành nạn nhân của lời nói dối tệ hại và cũ rích. Chả có chính trực gì hết. Chả có đức tính. Như thế, quy luật đầu tiên để biết câu chuyện thời chiến có thực là sự tuân thủ tuyệt đối và không chuyển dời đối với sự tục tĩu và xấu xa. Cứ nghe Rat Kiley nói. Nó nói “con đượi”. Nó không nói “đồ đĩ thúi” (4). Chắc chắn nó không nói “con đàn bà”, hoặc “con nhỏ”. Nó nói “con đượi”. Rồi nó nhổ nước bọt và trừng mắt. Nó mười chín tuổi – mọi chuyện quá sức chịu đựng của nó – thế nên nó nói “con đượi” với đôi mắt to, đẹp, hiền lành và buồn bã, vì bạn nó chết, vì chuyện này có thực và buồn không thể tả: cô ta không chịu hồi âm.

Chuyện thực thời chiến là chuyện khiến người ta phát ngượng. Không thích tục tĩu có nghĩa là không thích sự thật; không thích sự thật thì nên cẩn thận khi bỏ phiếu. Gửi nam giới ra trận, trở về họ sẽ nói tục.

Cứ nghe Rat nói: “Chúa ơi, tao viết lá thư hay đéo chịu được, tao hì hụi viết, rồi thì sao? Con đượi không thèm trả lời.”

Thằng chết trận tên là Curt Lemon. Chuyện là, bọn chúng tôi qua một dòng sông bùn lầy, đi về hướng tây vào phía núi, và vào ngày thứ ba chúng tôi tạm nghỉ ở một ngã ba đường mòn sâu trong rừng. Ngay lập tức, Lemon và Rat Kiley bắt đầu giỡn hớt. Hai đứa là trẻ con, đâu biết gì. Tụi nó nghĩ đây là chuyến đi chơi trong rừng, đâu phải chiến tranh, nên tụi nó rời hàng ngũ vào bóng râm của những cây cổ thụ với bốn, năm tầng lá dầy kín không chút ánh nắng, Tụi nó cười khúc khích chửi nhau đồ hèn (5), chơi trò ngớ ngẩn hai đứa nghĩ ra. Trò chơi có lựu đạn khói, thứ vô hại trừ phi kèm theo những hành động ngu xuẩn. Tụi nó kéo ngòi nổ, đứng cách nhau khoảng một mét chơi thảy bắt lựu đạn trong bóng râm của những cây cổ thụ. Đứa nào sợ là đồ hèn. Cả hai đều không sợ thì lựu đạn nổ kêu bụp, khói phủ đầy tụi nó, hai đứa cười và nhảy nhót rồi lập lại màn cũ.

Tất cả đúng y như thế.

Chuyện xảy ra với chính tôi, gần hai mươi năm trước. Tôi vẫn nhớ ngã rẽ đường mòn và những cây cổ thụ và tiếng tí tách nhè nhẹ đâu đó phía sau hàng cây. Tôi nhớ mùi rêu. Trên tàng lá có những đóa hoa nhỏ màu trắng, nhưng không chút ánh nắng, và tôi nhớ bóng râm trải ra dưới những cây, chỗ Curt Lemon và Rat Kiley chơi thảy bắt lựu đạn khói. Mitchell Sanders ngồi chơi yo-yo (6). Norman Bowker và Kiowa và Dave Jensen ngủ gà gật, hoặc lơ mơ, và chung quanh chúng tôi là những ngọn núi xanh lởm chởm.

Ngoài tiếng cười không có tiếng động nào khác.

Tôi nhớ lúc Mitchell Sanders quay nhìn tôi, không hẳn gật đầu, như muốn báo hiệu điều gì, như nó đã biết rồi, và một lát sau nó cuốn cái yo-yo lại, đi chỗ khác.

Khó nói được chuyện gì xảy ra tiếp đó.

Tụi nó chỉ đang đùa giỡn. Tôi đoán có tiếng động gì đó, có thể là tiếng ngòi nổ kích hỏa, nên tôi liếc nhìn về phía sau và thấy Lemon bước từ bóng râm ra vùng nắng chói. Khuôn mặt nó đột nhiên biến màu nâu và sáng rỡ. Thằng nhóc thật điển trai. Mắt xám sắc sảo, eo thon gọn, và cảnh nó chết có thể nói là đẹp tuyệt, ánh nắng tràn đến quanh nó, nâng nó lên, cuốn nó lên cao vào cái cây đầy rêu và dây leo và hoa trắng.

Trong bất cứ câu chuyện thời chiến nào, nhưng nhất là trong chuyện thực, khó phân biệt chuyện đã xảy ra với chuyện dường như đã xảy ra. Chuyện dường như đã xảy ra trở thành một chuyện riêng và phải được kể như thế. Những góc nhìn bị méo mó. Khi một cái bẫy mìn nổ, người ta nhắm mắt, tìm chỗ núp và trôi bồng bềnh ra ngoài thân thể. Khi một đứa chết, như Curt Lemon bị chết, người ta nhìn lảng đi rồi quay nhìn một thoáng rồi lại nhìn lảng đi. Những hình ảnh trở nên lộn xộn; thường có rất nhiều thiếu sót. Sau đó, lời kể lại lúc nào cũng mang vẻ mơ hồ siêu thực khiến câu chuyện dường như không thật, nhưng trên thực tế trình bày một sự thật chính xác và phũ phàng dường như đã xảy ra.

Trong nhiều trường hợp, không thể tin câu chuyện thực thời chiến. Nếu tin, phải kèm thêm nghi ngại. Vấn đề không phải là chuyện có đáng tin hay không. Nhiều khi chuyện khó tin là thật và chuyện thường tình thì không thật, vì cần có chuyện thường tình để chuyện thật sự không tin nổi trở thành đáng tin.

Tim O’Brien: “Hư cấu là điều dối trá giúp chúng ta thấu hiểu sự thật.”

Trong những trường hợp khác, thậm chí không biết được câu chuyện thời chiến là thật hay không. Đôi khi không thể nào biết nổi.

Chẳng hạn, tôi nghe Mitchell Sanders kể chuyện này. Lúc đó gần tối, chúng tôi ngồi trong hố cá nhân của tôi bên một dòng sông rộng đục bùn phía bắc Quảng Ngãi. Tôi nhớ hoàng hôn rất yên bình. Màu đỏ hồng đậm tràn xuống dòng sông lặng lẽ trôi, và sáng hôm sau chúng tôi sẽ qua sông, đi về hướng tây vào vùng núi. Hợp tình hợp cảnh cho một câu chuyện thú vị.

“Thề có Chúa là chuyện thật”, Mitchell Sanders kể. “Một đội sáu đứa lên núi để lập trạm nghe ngóng. Dự định là ở đó một tuần lễ, ẩn mình nghe ngóng di chuyển của địch quân. Tụi nó mang máy truyền tin, nếu nghe được bất cứ điều gì khả nghi thì sẽ gọi pháo hoặc trực thăng vũ trang, bất cứ thứ gì cần thiết để tiêu diệt. Ngoài ra tụi nó giữ đúng quy tắc hành quân. Im lặng tuyệt đối. Chỉ nghe ngóng thôi.”

Sanders liếc nhìn tôi để chắc chắn tôi hiểu rõ tình thế. Nó đang chơi yo-yo, dùng những cái lắc cổ tay gọn nhẹ làm nó nhảy nhót.

Trong ánh hoàng hôn, mặt nó không chút cảm xúc.

“Đây là trạm nghe đúng bài vở, đúng lề luật. Sáu đứa này im re đúng một tuần. Tụi nó không có lưỡi, toàn là tai thôi.”

“Ừ,” tôi nói.

“Hiểu không?”

“Hoàn toàn không lộ diện.”

Sanders gật đầu.

“Nghe rõ (7),” nó nói. “Hoàn toàn không lộ diện.” Chuyện là, tụi nó vào sâu trong rừng, ngụy trang kín mít, rồi chỉ nằm mà đợi, không làm chi khác, nằm đó bảy ngày liền chỉ để nghe ngóng. Tao nói mày biết, dễ sợ lắm. Vùng núi mà. Chưa tới đó thì không biết dễ sợ là như thế nào. Cũng là rừng rậm, nhưng tuốt trên cao, lúc nào cũng có sương mưa – giống mưa mà không phải mưa – mọi thứ ẩm ướt cong quẹo rối nùi vào nhau, chẳng thấy gì ráo, không kiếm ra con cu đi đái nữa. Thậm chí như cả thân thể cũng không có. Rùng rợn lắm lắm. Người hòa cùng hơi nước – sương mù nuốt mất người…Còn tiếng động nữa. Tiếng động truyền đi vô tận. Những thứ lẽ ra không ai phải bị nghe.”

Sanders im lặng một giây, chỉ chơi yo-yo, rồi mỉm cười với tôi.

“Thế rồi một hai ngày sau tụi nó bắt đầu nghe tiếng nhạc rất nhỏ và kỳ quái. Những âm vang và tiếng động lạ lùng. Giống như máy phát thanh hay gì đó, nhưng không phải máy phát thanh, mà tiếng nhạc da vàng lạ tai phát ra từ mấy hòn đá. Như xa mà lại rất gần. Tụi nó cố làm lơ. Nhưng tụi nó là trạm nghe ngóng mà, phải không? Nên tụi nó lắng nghe. Mỗi đêm tụi nó cứ nghe tiếng hòa nhạc da vàng quái đản. Đủ loại tiêu sáo đàn tranh. Chỗ đó trong rừng rậm – không cách gì tiếng nhạc là thực – nhưng mà quả  nhạc, như núi non đã bắt đúng đài Phát thanh chó đẻ Hà Nội. Lẽ tự nhiên tụi nó lo sợ. Một thằng nhét thỏi kẹo sinh gôm Juicy Fruit vào tai. Thằng khác gần nổi khùng. Mà tụi nó đâu thể nào báo cáo chuyện âm nhạc. Tụi nó không thể gọi máy về căn cứ mà nói ‘Nghe nè, tụi tao cần hỏa lực, phải pháo tan tành cái ban nhạc rock da vàng quái đản này.’ Tụi nó không thể làm vậy. Sẽ không ai nghe. Nên tụi nó ngậm miệng nằm trong sương mù. Tệ hơn nữa là mấy thằng không thể đùa giỡn như thường lệ. Không biến nó thành chuyện đùa được. Thậm chí không thể chuyện trò với nhau trừ phi nói nhỏ, nói thầm thì, mà chuyện đó chỉ tăng thêm phần rùng rợn. Tụi nó chỉ còn cách nằm lắng nghe.”

Lại có một khoảng im lặng khi Mitchell Sanders nhìn ra dòng sông. Bóng tối đang rơi nhanh, và tôi có thể thấy bóng những ngọn núi nhô lên ở phía tây, bí mật và xa lạ.

“Phần kế tiếp,” Sanders nói nhỏ, “mày không tin nổi đâu.”

“Chắc là không,” tôi nói.

“Mày không tin nổi đâu. Mày biết tại sao không?” Nó mỉm cười, chậm chạp và mệt mỏi. “Vì đây là chuyện đã xảy ra. Vì mỗi chữ hoàn toàn y boong sự thật.”

Sanders ậm ự trong cổ nghe như tiếng thở dài, như để nói nó không màng chuyện tôi có tin nó hay không. Nhưng nó muốn tôi tin. Nó muốn tôi cảm nhận sự thật, tin tưởng bằng sức mạnh tự nhiên của cảm xúc. Trông nó như có vẻ buồn.

“Sáu đứa này,” nó nói, “đã phờ phạc lắm, rồi đêm nọ lại nghe tiếng nói. Giống như trong một tiệc rượu. Nghe y như một tiệc rượu sang trọng của bọn da vàng đâu đó trong sương mù. Âm nhạc và tiếng trò chuyện đủ thứ. Tao biết chuyện này khó tin, nhưng tụi nó nghe tiếng mở nắp sâm banh. Nghe đúng tiếng ly rượu martini. Rất hào nhoáng, rất lịch sự, chỉ có điều chỗ này đâu phải xứ văn minh. Nam (8) mà mày.

“Dù sao thì tụi nó cũng ráng tỉnh bơ. Tụi nó nằm, ráng cho qua, nhưng sau một lúc tụi nó lại nghe – mày không tin nổi đâu – tụi nó nghe tiếng nhạc thính phòng. Tụi nó nghe tiếng đàn hồ cầm và vĩ cầm. Tụi nó nghe tiếng một mụ điếm da vàng (9) hát giọng soprano rất hay. Rồi sau một lúc tụi nó nghe nhạc da vàng và nhóm hát bè và giàn xướng âm thiếu niên Hải Phòng và một ban nhạc bốn người và đủ loại tụng niệm quái lạ và những thứ Phật này Phật nọ. Suốt thời gian đó, tiệc rượu vẫn đang diễn ra. Tất cả những giọng nói khác nhau. Nhưng không phải giọng người ta. Vì đó là vùng núi mà. Mày hiểu không? Đất đá biết nói. Sương mù nữa, cả cây cỏ và thậm chí lũ chồn đất (10) khốn kiếp. Thứ gì cũng biết nói. Cây cối nói chuyện chính trị, khỉ vượn nói chuyện tôn giáo. Cả xứ sở này. Khắp Việt Nam. Nó biết nói. Nó nói. Hiểu không? Xứ Nam – nó thực biết nói.

“Tụi nó chịu không nổi, phát khùng lên rồi dùng máy truyền tin báo cáo di chuyển của địch quân – cả một đội quân lớn – và gọi hỏa lực. Tụi nó gọi pháo và trực thăng vũ trang. Tụi nó gọi bỏ bom. Tao nói mày nghe, tụi nó phá tan tành cái tiệc rượu đó. Cả đêm tụi nó phóng hỏa mấy ngọn núi. Tụi nó mần cốc-tai rượu rừng (11). Tụi nó nổ bay cây cối và nhóm nhạc bè và bất cứ thứ gì ở đó. Thiêu sạch hết. Tụi nó gọi bom napalm phá triền núi. Tụi nó gọi trực thăng Cobras và phản lực F-4, tụi nó dùng Willie Peter (12) và HE (13) và chất nổ. Tụi nó thiêu rụi cả vùng núi.

“Gần sáng, cuối cùng mọi chuyện êm lại. Như chưa bao giờ được nghe yên lặng như thế. Một ngày mờ mịt, rất ẩm thấp – chỉ mây và mù, tụi nó ở vùng đặc biệt đó mà – và núi non tuyệt đối im lìm. Như cảnh trong Brigadoon (14) – toàn sương khói đó. Mọi thứ bị nuốt trọn trong sương mù. Không một tiếng động, thế nhưng tụi nó vẫn nghe.

“Thế là bọn nó thu dọn bỏ đi. Tụi nó xuống núi, về căn cứ, đến nơi rồi không đứa nào nói gì ráo. Không hề nói. Không một lời, như điếc và ngốc vậy. Sau đó một thằng cha đại tá to mập đến và hỏi đã xảy ra cái quái gì ở đó. Tụi nó đã nghe thấy gì? Tại sao gọi bom pháo tùm lum? Thằng cha đó người ngợm bơ phờ, tra hỏi tụi nó kỹ lắm. Thử nghĩ xem, tụi nó tiêu tốn cả tỷ tỷ đô la pháo bom, và thằng cha đại tá to con muốn có giải đáp, hắn muốn biết thực ra là cái chuyện chó đẻ gì.

“Nhưng tụi nó ngậm tăm. Tụi nó chỉ nhìn thằng cha đại tá một lúc, nửa lạ lùng, nửa ngạc nhiên, cái nhìn chứa cả cuộc chiến, nói lên tất cả những gì không thể nói nổi. Cái nhìn như muốn nói, đồ điếc, mày sẽ không bao giờ biết – lộn tần số rồi – thậm chí mày cũng không muốn nghe đâu. Rồi tụi nó dàn chào thằng chó đẻ và bỏ đi, vì có những chuyện không kể ra được.”

Chuyện thực thời chiến là chuyện dường như không bao giờ kết thúc. Chưa kết thúc lúc hết chuyện, không bao giờ kết thúc. Chưa kết thúc lúc Mitchell Sanders đứng lên đi vào bóng tối.

Mọi chuyện thực đã xảy ra.

Cho đến bây giờ, ngay giây phút này, tôi vẫn còn nhớ cái yo-yo. Tôi đoán người ta phải có mặt ở đó, phải nghe lời kể, nhưng tôi có thể thấy Sanders rất muốn tôi tin nó và khổ sở vì không kể đúng được những chi tiết, không nắm bắt được sự thật tối hậu và trọn vẹn.

Tôi nhớ đêm đó tôi ngồi trong hố cá nhân, nhìn những khoảng tối của Quảng Ngãi, nghĩ về ngày mai khi chúng tôi sẽ băng qua sông, đi về phía tây vào vùng núi, mọi cách tôi có thể chết, mọi thứ tôi không hiểu.

Tối khuya Mitchell Sanders chạm vào vai tôi. “Tao mới nghĩ ra,” nó thì thầm. “Bài học là ‘chẳng ai lắng nghe. Chẳng ai nghe gì ráo.’ Như thằng đại tá to con. Như bọn chính khách, tụi dân sự đủ loại. Như con bồ của mày, con bồ của tao, con bồ còn trinh dễ thương của mọi đứa. Cả bọn đó phải nên đi làm nhiệm vụ nghe ngóng. Sương mù. Cây cối đất đá – phải lắng nghe địch quân.”

Buổi sáng, Sanders lại đến cạnh tôi. Trung đội đang sửa soạn rời đi, kiểm soát vũ khí, thực hiện tất cả những nghi thức vặt vãnh trước một ngày hành quân. Đội đầu tiên đã qua sông, đi hàng một về phía tây.

“Tao phải thú thật,” Sanders nói. “Đêm hôm qua, tao phải bịa vài thứ.”

“Tao biết.”

“Không có câu lạc bộ âm nhạc.”

“Ừ.”

“Không có nhạc.”

“Bỏ đi, tao hiểu mà.”

“Ừ, nhưng nghe nè, vẫn là chuyện thật. Sáu thằng đó, tụi nó nghe những tiếng động độc địa ngoài đó. Tụi nó nghe những tiếng động không tin nổi.”

Sanders đeo ba lô, nhắm mắt một lúc, rồi gần như mỉm cười với tôi. Tôi biết chuyện gì sắp xảy ra.

“Vậy,” tôi nói, “bài học là gì?”

“Bỏ đi.”

“Mày nói đi.”

Nó im lặng một lúc lâu, nhìn lảng đi, sự im lặng kéo dài cho đến khi trở nên gần như ngượng nghịu. Rồi nó nhún vai và nhìn tôi đăm đăm.

“Có nghe cái im lặng đó không?” nó nói. “Cái im lặng đó – lắng nghe đi. Là bài học đó.”

Nếu câu chuyện thực thời chiến có bài học nào, thì nó như sợi chỉ dệt nên tấm vải. Không gỡ nó ra được. Rút được ý nghĩa bài học thì phải tháo gỡ luôn ý nghĩa sâu xa hơn. Rốt lại thì thật ra khó thể nói gì về một câu chuyện thực thời chiến, ngoại trừ có lẽ “À ra thế.”

Chuyện thực thời chiến không có khái niệm tổng quát, không ham mê sự trừu tượng hoặc phân tích.

Chẳng hạn: Chiến tranh là địa ngục. Chân lý xưa cũ này nếu dùng để dạy bảo dường như hoàn toàn đúng, thế nhưng vì nó trừu tượng, nó tổng quát, bụng tôi không tin nổi nó. Không có cảm giác lộn lạo trong người.

Rốt lại là chuyện linh tính. Một câu chuyện thực thời chiến, kể thật, sẽ khiến cái bụng tin.

Câu chuyện này khiến cái bụng của tôi tin. Tôi đã kể nó nhiều lần, với nhiều phiên bản, nhưng đây là chuyện thật sự xảy ra.

Chúng tôi qua sông và đi về phía tây vào vùng núi. Ngày thứ ba, Curt Lemon đạp trúng bẫy mìn quả đạn 105 (15). Nó đang vừa cười vừa chơi ném bắt với Rat Kiley, rồi nó chết. Cây cối rậm rạp; phải mất gần một giờ mới khai quang được bãi đáp để tải thương.

Sau đó, lên độ cao hơn, chúng tôi thấy một con trâu nghé của Việt cộng. Tôi không biết nó làm gì ở đó – chung quanh chẳng có nông trại đồng lúa nào – nhưng chúng tôi đuổi theo buộc thừng vào cổ nó và dẫn nó theo đến một làng bỏ hoang, chỗ chúng tôi nghỉ qua đêm. Sau bữa ăn tối, Rat Kiley đến vuốt mũi con nghé.

Nó mở hộp khẩu phần thức ăn, đậu và thịt heo, nhưng con nghé không muốn ăn.

Rat nhún vai.

Nó lùi lại và bắn con nghé xuyên qua đầu gối chân trước bên phải. Con vật không kêu một tiếng. Nó khụyu xuống, rồi lại đứng lên, và Rat nhắm kỹ rồi bắn bay một tai. Rat bắn nó sau mông và chỗ lưng vồng lên. Rat bắn nó hai lần vào sườn. Bắn không phải để giết, mà để làm đau đớn. Nó đặt nòng súng vào mõm con vật và bắn bay cái mõm. Không ai nói gì nhiều. Cả trung đội đứng đó nhìn, với nhiều cảm xúc khác nhau, nhưng không có bao nhiêu thương xót cho con trâu nghé. Curt Lemon bị chết. Rat Kiley đã mất người bạn thân nhất trên đời. Vài ngày sau nó sẽ viết lá thư dài thân thiết cho em gái của Curt, người không chịu hồi âm, nhưng ngay lúc ấy chỉ là nỗi đau buồn. Nó bắn bay cái đuôi. Nó bắn bay nhiều mảng thịt bên sườn. Quanh chúng tôi là mùi khói, rác rưởi và cây cỏ xanh ngắt, buổi chiều tối hầm hập oi bức. Rat chuyển sang bắn liên thanh. Nó bắn không cần nhắm, gần như lơi khơi, những tràng đạn ngắn vào bụng và mông. Rồi nó nạp thêm đạn, ngồi xổm xuống, bắn vào đầu gối trái đằng trước. Con vật lại gục xuống, rồi lại cố đứng lên, nhưng lần này nó không đứng lên nổi. Nó lảo đảo rồi ngã nằm ngang. Rat bắn vào mũi con vật. Nó cúi xuống, thì thầm điều gì đó như đang nói chuyện với thú nuôi trong nhà, rồi bắn vào cổ họng con vật. Suốt thời gian này con nghé im lặng, hoặc gần như im lặng, chỉ có tiếng sủi bọt nho nhỏ ở chỗ trước kia là cái mũi. Không có gì cử động ngoại trừ đôi mắt thật lớn, đồng tử màu đen bóng và ngu ngốc.

Rat Kiley khóc. Nó muốn nói gì đó, nhưng rồi ôm súng bỏ đi.

Bọn chúng tôi đứng thành một vòng tròn rời rạc quanh con trâu nghé. Trong một lúc không ai nói gì. Chúng tôi đã chứng kiến một điều trọng yếu, một điều mới mẻ và sâu sắc, một mảnh đời đáng kinh ngạc đến mức nó chưa có tên.

Ai đó đá con trâu nghé.

Nó vẫn còn sống, dù chỉ thoi thóp, dù chỉ trong đôi mắt.

“Ngầu thật,” Dave Jensen nói. “Cả đời tao chưa thấy cái gì như vậy.”

“Chưa bao giờ?”

“Chưa hề. Chưa lần nào.”

Kiowa và Mitchell Sanders nhấc con trâu nghé lên. Tụi nó khiêng con vật qua khoảng đất trống, nâng nó lên quăng vào giếng nước của làng.

Sau đó, chúng tôi ngồi chờ Rat bình tĩnh lại.

“Ngầu thật,” Dave Jensen nói mãi. “Một thứ mới mẻ. Tao chưa thấy bao giờ.”

Mitchell Sanders rút con yo-yo ra. “Xứ Nam là thế,” nó nói. “Khu vườn Ác quỷ (16). Ở đây tội ác nào cũng rất ư mới mẻ lạ lùng.”

Phải khái quát thế nào đây?

Chiến tranh là địa ngục, nhưng đấy chỉ là một phần nhỏ, vì chiến tranh còn là bí mật và khiếp sợ và phiêu lưu và dũng cảm và khám phá và thánh thiện và xót thương và tuyệt vọng và khát khao và tình yêu. Chiến tranh đáng tởm; chiến tranh thú vị. Chiến tranh hào hứng; chiến tranh khổ ải. Chiến tranh biến người ta thành đàn ông; chiến tranh khiến người ta chết.

Sự thật luôn mâu thuẫn. Chẳng hạn, có thể nói chiến tranh đáng tởm. Nhưng thật ra chiến tranh cũng có cái đẹp. Chiến trận có nhiều thứ khủng khiếp, nhưng không thể không ngỡ ngàng vì vẻ hùng tráng ghê người của nó khi nhìn những trái pháo vòng vèo trong bóng tối như những sợi ruy băng đỏ rực rỡ, khi co mình chờ phục kích trong lúc vầng trăng lạnh ơ thờ nhô lên trên đồng ruộng trong đêm, khi tán thưởng sự cân đối uyển chuyển trong cách binh lính di chuyển, sự hài hòa của âm thanh và dáng hình và tỷ lệ, những tấm màn hỏa lực khổng lồ tỏa ra từ một trực thăng vũ trang, những đợt hỏa châu, lưu huỳnh màu trắng, napalm rực sắc cam tím, đạn pháo lóe ánh đỏ. Không hẳn là đẹp, mà là đáng kinh ngạc. Nó ngập tràn mắt nhìn. Nó chế ngự con người. Quả là người ta ghét nó, nhưng đôi mắt của người ấy thì không. Như một trận cháy rừng lớn, như tế bào ung thư dưới kính hiển vi, bất cứ trận chiến, cuộc dội bom hoặc pháo kích nào cũng có vẻ đẹp tinh tuyền của sự thờ ơ tuyệt đối về đạo đức – một vẻ đẹp dữ dội, khốc liệt – và câu chuyện thực thời chiến sẽ nói lên sự thật về điều này, dù sự thật ấy xấu xa.

Khái quát về chiến tranh cũng như khái quát về hòa bình. Gần như cái gì cũng đúng. Gần như không có gì đúng. Có lẽ chiến tranh thực chất chỉ là một cái tên khác của cái chết, tuy thế bất cứ người lính nào nói thật cũng sẽ nói rằng cận kề cái chết cũng là cận kề cuộc sống. Sau trận chiến luôn luôn là niềm vui mênh mông của sự sống. Cây cối đang sống. Cỏ, đất – tất cả mọi thứ. Khắp nơi nơi vạn vật đang sống, trong đó có người lính, và sự sống ấy khiến người lính run rẩy. Người ấy cảm thấy một nhận thức mãnh liệt, toàn tâm toàn lực về cái tôi đang sống của mình – con người chân thực nhất, con người như người ấy vẫn muốn trở thành, và đã biến thành nhờ sức mạnh của mong mỏi. Giữa sự tàn ác, người ấy muốn làm người tốt. Người ấy muốn sự tử tế. Người ấy muốn thấy sự công chính và lòng tử tế và sự hòa đồng giữa người và người, những điều người ấy chưa bao giờ biết mình mong muốn, những điều giờ đây có vẻ lớn lao và thánh thiện. Điều lạ lùng là khi một người suýt chết thì người ấy lại thấy tràn trề sự sống hơn bao giờ hết. Người ấy nhận ra cái gì là quan trọng. Người ấy lại yêu, như thể mới lần đầu, những điều tốt đẹp nhất của mình và của thế gian, mọi điều có thể bị mất đi. Lúc hoàng hôn, người ấy ngồi trong hố cá nhân và nhìn ra dòng sông rộng đang chuyển màu đỏ hồng, và dãy núi xa xa, và dù sáng mai người ấy phải qua sông và đi vào núi để làm những việc ghê gớm và có thể chết, cho dù là thế, người ấy vẫn có đủ tâm trí ngắm nhìn những màu sắc đẹp đẽ trên dòng sông, cảm thấy choáng ngợp và ngưỡng mộ với cảnh hoàng hôn, trong lòng ngập tràn một tình yêu khao khát và mãnh liệt dành cho một thế gian tốt đẹp nhất, một thế gian lẽ ra phải như thế, nhưng ngay lúc ấy không được như thế.

Mitchell Sanders nói đúng. Chiến tranh mang cảm giác – nhận thức tâm linh – của một màn sương dày đặc ma quái, mờ mịt và vĩnh viễn, ít nhất đối với một người lính quèn. Không có gì rõ nét. Tất cả xoay mòng. Những luật lệ cũ không còn ràng buộc, những sự thật cũ không còn đúng. Lẽ phải tràn qua sai trái, trật tự hòa lẫn vào hỗn loạn, yêu thương vào thù hận, xấu xa vào vẻ đẹp, luật lệ vào vô pháp, lễ độ vào man rợ. Màn sương cuốn lấy người lính. Người ấy không còn biết mình đang ở đâu hoặc tại sao mình ở đó, và điều chắc chắn duy nhất là sự mập mờ choáng ngợp.

Trong chiến tranh, con người mất cảm giác về sự nhất định, và theo đó cảm nhận về sự thật, và như thế có thể nói rằng trong một câu chuyện thực thời chiến không có gì tuyệt đối là thật.

Thường thì câu chuyện thực thời chiến thậm chí không có ý nghĩa gì, hoặc người lính chỉ hiểu ý nghĩa ấy vào hai mươi năm sau, lúc đang say ngủ, và người ấy thức dậy, lay vợ mình và kể lại câu chuyện, nhưng đến đoạn cuối lại quên mất ý nghĩa của nó. Rồi người ấy nằm rất lâu, dõi theo câu chuyện đang xảy ra trong đầu. Lắng nghe hơi thở của vợ. Cuộc chiến đã chấm dứt. Người ấy nhắm mắt. Mỉm cười và nghĩ: Trời ạ, ý nghĩa gì cơ chứ?

Chuyện này khiến tôi thức giấc.

Trong núi ngày hôm ấy, tôi nhìn Lemon xoay ngang người. Nó cười vang và nói gì đó với Rat Kiley. Rồi nó đi nửa bước rất lạ, từ bóng râm ra vùng nắng chói, và bẫy mìn quả đạn 105 nổ tung nó lên cây. Những mảnh xác dính trên đó, nên tôi và Dave Jensen được lệnh leo lên gỡ ra. Tôi nhớ màu trắng xương cánh tay. Tôi nhớ những mảnh da và thứ gì ướt vàng chắc là một phần ruột. Cảnh máu me khủng khiếp khiến tôi không quên nổi. Nhưng điều khiến tôi thức giấc hai mươi năm sau là Dave Jensen ca bài “Cây chanh” (17) trong lúc chúng tôi quăng những mảnh xác xuống.

Người ta biết chuyện thời chiến là thực qua những câu hỏi. Chẳng hạn ai đó kể một câu chuyện, và ai khác hỏi: “chuyện có thật không?” Nếu câu trả lời là quan trọng, đấy là câu trả lời.

Ví dụ, ai cũng đã nghe câu chuyện này. Bốn thằng đang đi trên đường mòn. Một trái lựu đạn bay ra. Một thằng nhảy đến ôm lựu đạn, chịu bị nổ để cứu ba đồng đội.

Chuyện có thật không?

Tùy câu trả lời.

Người ta sẽ có cảm giác như bị lừa nếu chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra. Không có thực tế làm căn cứ, nó chỉ là một trò láo khoét, thuần túy trò Hollywood, cùng kiểu giả dối như mọi câu chuyện đại loại. Thế nhưng, cho dù chuyện ấy đã thật xảy ra – một việc có thể, vì chuyện gì cũng có thể xảy ra – cho dù thế, người ta cũng biết chuyện không thể là thật, vì câu chuyện thực thời chiến không tùy thuộc vào thứ sự thật ấy. Những việc tuyệt đối đã xảy ra không quan trọng. Một điều có thể đã xảy ra mà vẫn là giả dối; một điều khác có thể đã không xảy ra mà thật hơn cả sự thật. Ví dụ: Bốn thằng đang đi trên đường mòn. Một trái lựu đạn bay ra. Một thằng nhảy ra ôm lựu đạn chịu bị nổ, nhưng đó là trái lựu đạn có sức công phá lớn nên tất cả đều chết. Tuy nhiên, trước khi tụi nó chết, một thằng nói, “Mày làm thế làm quái gì?” Và thằng nhảy ra nói, “Chuyện đời tao là thế,” và thằng kia mỉm cười nhưng nó ngủm mất rồi. Đó là một câu chuyện thật chưa từng xảy ra.

Hai mươi năm sau, tôi vẫn còn có thể nhìn thấy ánh nắng trên gương mặt của Lemon. Tôi có thể nhìn thấy nó xoay mình, ngoái nhìn Rat Kiley, rồi cười vang và đi nửa bước kỳ quặc ấy từ bóng râm ra ánh nắng, gương mặt nó chợt biến màu nâu và sáng rỡ, và khi chân nó chạm đất, trong khoảnh khắc ấy, chắc nó đã nghĩ rằng chính ánh nắng đã giết chết nó. Không phải là ánh nắng. Mà là bẫy mìn quả đạn 105. Nhưng nếu có lần nào tôi kể được đúng câu chuyện, cảnh ánh nắng dường như tụ lại quanh nó và nhấc nó vươn lên cây, nếu bằng cách nào đó tôi có thể tái tạo màu trắng chết người của vùng ánh sáng ấy, vẻ rực chói của nó, hệ nhân quả rất rõ ràng, thì người nghe sẽ tin điều cuối cùng Curt Lemon tin, tức là sự thật tối hậu đối với nó.

Thỉnh thoảng, khi tôi kể lại câu chuyện, có người sẽ đến nói với tôi rằng người ấy thích nó. Luôn luôn là một người phụ nữ. Thường là một phụ nữ đứng tuổi tử tế và có khuynh hướng chính trị nhân đạo. Bà sẽ giải thích rằng, theo lệ thường thì bà ghét chuyện chiến tranh; bà không hiểu nổi tại sao người ta lại muốn ngập ngụa trong từng ấy máu me tàn khốc. Nhưng bà thích chuyện này. Con trâu nghé đáng thương khiến bà thấy buồn. Đôi khi thậm chí có vài giọt lệ. Bà nói tôi nên quên câu chuyện đi. Tìm chuyện khác mà kể.

Tôi sẽ không nói gì, nhưng tôi nghĩ thầm.

Tôi hình dung gương mặt của Rat Kiley, nỗi đau buồn của nó, và tôi nghĩ, Đồ đượi.

Vì bà ta đã không lắng nghe.

Đó đâu phải là chuyện chiến tranh, mà là chuyện tình yêu.

Nhưng đâu thể nói ra những lời ấy. Chỉ còn cách kiên nhẫn kể lại lần nữa, thêm chút bớt chút, bịa đặt vài thứ để nói ra được sự thật thực sự. Kể rằng không có Mitchell Sanders. Không có Lemon, không có Rat Kiley. Không có ngã rẽ đường mòn. Không có con trâu nghé. Không có dây leo hoặc rêu hoặc hoa trắng. Nói rằng từ đầu đến cuối chuyện toàn là bịa đặt. Mọi chi tiết khỉ gió – núi và sông và nhất là con trâu nghé. Không có việc gì xảy ra. Không có việc nào hết. Cho dù có việc nào đã xảy ra chăng nữa, thì nó không xảy ra trong núi, nó xảy ra trong một làng nhỏ ở mũi Ba Làng An (18), trong mùa mưa dầm, một đêm nọ có thằng tên Stink Harris thức giấc la hoảng với một con đỉa bám trên lưỡi. Chuyện thực chiến tranh là chuyện cứ phải tiếp tục kể.

Cuối cùng, dĩ nhiên một câu chuyện thực thời chiến không hề là chuyện chiến tranh. Nó là chuyện ánh nắng. Nó là chuyện bình minh trải ra trên sông đẹp vô cùng khi người lính biết mình phải qua sông hành quân vào núi làm những chuyện người ấy sợ phải làm. Nó là chuyện tình yêu và ký ức. Nó là chuyện đau buồn. Nó là chuyện những cô em không chịu hồi âm và những người không chịu lắng nghe.

______________________

Chú thích:

(1) Rat: loại chuột cỡ vừa, tên khoa học Rattus (không bao gồm chuột nhắt)

(2) Halloween: Lễ người chết, ở Mỹ là ngày vui phần lớn cho trẻ em hóa trang đi xin kẹo (trick or treat: hoặc bị trêu hoặc cho thức ngon)

(3) Cooze: nghĩa đen là bộ phận sinh dục nữ, ý nói người phụ nữ dễ dãi tình dục

(4) Bitch: nghĩa đen là con chó cái, ý mạ lỵ

(5) Yellow mother: một từ mạ lỵ chủng tộc

(6) Yo-yo: Một món đồ chơi. Người chơi cuốn sợi dây dài quanh một vật (thường hình tròn) rồi thả nó xuống cho nó vừa xoay tròn vừa lên xuống theo chiều thẳng đứng.

(7) Affirm: từ dùng trong khi liên lạc để xác nhận

(8) Tên tắt cho Việt Nam

(9) Mama-san: một từ mạ lỵ, thường để chỉ tú bà

(10) Mongoose: có lẽ chỉ Javan mongoose (Herpestes javanicus)

(11) Jungle juice: một loại rượu pha hỗn hợp nhiều rượu mạnh và nước trái cây – ở đây có tính cách chơi chữ, vì nhóm lính Mỹ bắn phá khu rừng, gây hủy diệt và hỗn độn, không khác cách người ta làm cốc-tai bằng cách lắc mạnh ly pha rượu cho chất cồn và chất trái cây hòa hợp với nhau.

(12) Chất lưu huỳnh trắng tự cháy và cháy mạnh

(13) Chất nổ có sức công phá lớn

(14) Brigadoon: tên ngôi làng trong vở nhạc kịch cùng tên của Alan Jay Lerner và Frederick Loewe (soạn nhạc) mỗi trăm năm chỉ xuất hiện một ngày

(15) Quả mìn chế lại từ một trái đạn đại bác 105 ly chưa nổ

(16) Garden of Evil: một cuốn phim sản xuất năm 1954, đạo diễn Henry Hathaway, với Gary Cooper, Richard Widmark, Cameron Mitchell và Susan Hayward

(17) Lemon Tree: Một bản nhạc dân ca do Will Holt viết cuối thập niên 1950, dựa theo một bài dân ca của Brazil

(18) Mũi Ba Làng An thuộc tỉnh Quảng Ngãi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét