Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

TGIF

 

Chớm thu ở trường Võ bị West Point

TGIF

Nguyễn thị Hải Hà

TGIF là chữ viết tắt của Thank God, it’s Friday. Nghĩa là Cảm ơn Giời. Hôm nay là thứ Sáu rồi.

Người Mỹ làm việc chỉ có năm ngày một tuần nhưng dường như đến thứ Sáu là họ đuối sức chỉ muốn nghỉ ngơi. Tôi cũng bắt chước họ. Không phải vì không quen nặng nhọc, hay lười biếng, nhưng tuổi già làm cho mình mệt mỏi.

Từ ngày hôm qua và đặc biệt là sáng nay đi đâu cũng thấy những bài báo nói về Alice Munro, được giải văn chương Nobel 2013. Sự kiện bà Munro được trao giải Nobel là một điều đáng mừng cho giới viết văn. Mừng ở chỗ người ta không cần phải viết những quyển tiểu thuyết nặng kí, mỗi quyển cân nặng mấy kí lô như truyện của Murakami, hay nói chuyện tục tĩu đầy vẻ hoang đường quái dị như Mo Yan, hay phải lồng lịch sử và những cuộc chiến tranh để nói lên cái to lớn vĩ đại của thời cuộc như Steinbeck hay Hemingway. Chỉ cần viết về cuộc sống nhẩn nha hằng ngày với những đau nhức của vợ chồng, con cái, hàng xóm, và truyện nào dài nhất thì cũng chỉ mấy chục trang; viết đều đặn mấy chục năm được một số giải thưởng của quốc gia cũng được giải Nobel văn chương cao quý.

Tôi không đọc hết tất cả truyện của bà Munro, chỉ đọc chừng chục truyện. Tôi phải đọc lúc tâm hồn tôi thanh thản vì truyện của bà diễn tiến chậm, ít khi có tình tiết éo le, không đổ máu bắn phá loạn xạ, không sex siếc rên rỉ oằn oại um sùm. Phải đọc hết truyện, nhận ra cấu trúc lắt léo, có dàn dựng chủ ý, có những đau đớn âu lo gói ghém suốt truyện, đôi khi mình nhận ra nhân vật đối diện với cái nguy hiểm có thể bị giết chết dù bà không nói thẳng ra.

Bà Munro viết rất ngầm (subtle), kín đáo. Nếu Margaret Atwood là nhà văn viết về chủ đề nữ quyền lộ liễu thì bà Munro là một nhà văn nữ quyền rất ngầm. Rất nhiều truyện của bà nói về sự phong tỏa cuộc đời của phụ nữ qua văn hóa, phong tục. Thí dụ như chuyện “chị em nhà Ferguson không người nào có thể lập gia đình”. Chuyện phụ nữ bị đánh đập trẻ con bị giết chết trong truyện ngắn “tôi đã gặp người tôi lấy làm chồng như thế nào”. Tôi nhớ đâu nói đấy nhưng để nói có sách mách có chứng tôi phải tìm lại những truyện ngắn đâu đó tôi đọc. Đa số trong những quyển sách giáo khoa tôi đọc ké của con tôi.

Sách của bà Munro rất dễ tìm. Đầy dẫy trong thư viện chứ không phải như truyện của Muller phải chờ bản dịch cả năm sau mới có. Tôi mua vài quyển sách cũ của Munro trên Amazon với giá 1 cent. Tôi lại có subscription của The New Yorker là nơi đăng rất nhiều truyện ngắn của Munro.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét