Nhà văn Alice Munro. Ảnh AP. |
ALICE MUNRO, CUỘC ĐỜI YÊU DẤU
Nguyễn Đức Tùng
Năm 2013, khi trao giải Nobel về văn
học cho Alice Munro, người phụ nữ thứ mười ba trên thế giới nhận giải thưởng
này, đại diện của Hàn lâm viện Thụy Điển đã gọi bà là “bậc thầy của truyện ngắn
đương đại”. Một đánh giá cao về thành tựu nghệ thuật và tất nhiên khó khăn mới
đạt được. Lúc ấy, nhiều người đã ngạc nhiên hỏi nhau: bà này ở đâu ra?
Thật ra Alice Munro đã viết văn từ năm mươi năm nay, với tác phẩm đầu tay Vũ điệu của bóng mờ hạnh phúc, xuất bản 1968. Trong các tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Hoa Kỳ, tôi nhận thấy tên bà xuất hiện rất đều đặn, gần như hàng năm, được chọn lựa bởi các nhà văn hay nhà phê bình có quan điểm khác nhau. Nhà văn cũng nhận nhiều giải thưởng, trong đó ba lần giải Governor General danh giá của Canada, và Man Booker International, năm 2009. Giữa nhiều nhà văn viết tiếng Anh, bà được kính trọng và yêu mến một cách đặc biệt. Tuy vậy, tính tình kín đáo, khiêm cung, Alice Munro ít khi xuất hiện trên báo chí, ngoại trừ bằng tác phẩm của mình. Cách đây vài năm, khi tôi đến dự một buổi hội thảo ở Vancouver sau giải Man Booker International vừa nói, với sự tham gia của nhiều nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood, họ đọc những tham luận xúc động về sự nghiệp của bà và diễn đọc những trích đoạn tác phẩm, Alice Munro cũng đã không có mặt.
Sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1931 ở
Wingham, Ontario, Canada, Alice Munro có tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw.
Cha của bà là chủ nông trại, mẹ là cô giáo. Bà trải qua tuổi thơ ở Huron
County, rồi theo học đại học Western Ontario, nhưng rời trường sớm khi lập gia
đình năm hai mươi tuổi. Bà và gia đình từng sống ở Vancouver và trên một hòn đảo
ngoài khơi Vancouver nhiều năm. Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, bà trở về
quê cũ ở Huron County, và tình cờ gặp lại người bạn thời thơ ấu, một giáo sư đại
học, và họ mau chóng trở thành đôi bạn thân, sau đó lập gia đình với nhau.
Ontario là bang lớn nhất Canada, bên bờ Ngũ Đại Hồ. Vùng phía Nam của bang có
khí hậu ôn hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng phẳng, nhiều sông hồ.
Nhờ vào những truyện ngắn nổi tiếng của bà, quang cảnh vùng đất Huron County xuất
hiện nhiều lần trong truyện, trở thành một xứ sở được nhiều người biết, gần như
huyền thoại.
Có nguồn gốc tổ tiên từ Scotland,
truyền thống Thiên chúa giáo, bà lớn lên trong thời Đệ nhị thế chiến và những
giai đoạn kinh tế khó khăn. Sự phân tích tinh tế, sự quan sát sắc bén đối với
các hành vi cá nhân và khác biệt giai cấp, cảnh giàu nghèo, sự hy sinh, tính
chung thủy, sự dối trá, những tình cảm gia đình, được ghi lại một phần nhờ những
kinh nghiệm bà đã có được khi lớn lên ở vùng thị trấn nhỏ. Có người nhận xét rằng
Munro ít viết về tình yêu, nhưng thật ra nhiều truyện của bà đều phảng phất một
thứ tình tuy được diễn tả chấm phá nhưng với nét bút mạnh mẽ, dường như đầy ẩn
ý. Ngòi bút của bà khi đề cập đến các đề tài khác như phụ nữ, tình dục, đều táo
bạo bất ngờ.
Tác phẩm: Vũ điệu của bóng mờ
hạnh phúc (Dance of The Happy Shades) (giải Governor General), Cuộc
đời những cô gái và đàn bà (Lives of Girls and Women), Bạn nghĩ bạn là ai kia?
(Who Do You Think You Are), Những mặt trăng của Mộc tinh (The Moons of The
Jupiter), Tiến triển của tình yêu (The Progress of Love) (giải
Governor General), Chạy trốn (Runaway). Năm 80 tuổi, xuất bản
tập Quá sức hạnh phúc (Too Much Happiness). Tiếp sau đó, trước
sự ngạc nhiên của nhiều người, năm 81 tuổi, tác phẩm mới Cuộc đời yêu dấu
(Dear Life). Một chuyện tình cảm động, đã được Sarah Polley chuyển
thành phim với các tài tử Julie Christie và Gordon Pinsent.
Alice Munro viết về đời sống những
người bình thường với ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, đẹp. Nhưng đó là bề ngoài dễ
gây ngộ nhận. Thật ra văn của Munro không dễ hiểu. Người đọc cần chú tâm đến từng
dấu hiệu mà bà để lại dọc đường. Bên trong là sức mạnh của sự phân tích các xung
đột, sự nghiêm khắc với thói dung tục, tính hài hước, lòng trắc ẩn. Truyện của
bà biểu hiện một nghệ thuật quan sát mà mô tả xác thực, có khi tường tận, một
cách cố ý. Nhưng đằng sau bản mô tả khách quan ấy, đằng sau bức tranh về một cảnh
vật cụ thể và sinh động, bản tường trình về cuộc đời, người đọc cảm nhận có một
điều gì khác nữa như một hiện thực thứ hai, Alice Munro đã nói về lối đọc truyện
và viết truyện của mình.
“Tôi sẽ bắt đầu bằng cách giải thích
cách tôi đọc truyện của nhà văn khác như thế nào. Có thể nói, tôi bắt đầu đọc
chúng bất kỳ ở đâu, từ đầu truyện đến cuối truyện, từ cuối truyện ngược lên, từ
bất cứ điểm nào ở giữa chúng, theo hướng xuôi hay ngược. Như vậy rõ ràng tôi
không nắm lấy một câu chuyện và cứ đi theo như thể đó là con đường, sẽ mang tôi
tới nơi nào đó, với những quang cảnh và lối rẽ rất gọn gàng dọc theo con đường ấy.
Tôi bước vào truyện ngắn, đi lui đi tới, ngồi xuống nơi này nơi kia, hoặc ở lại
đó đây một lát. Truyện ngắn giống như ngôi nhà. Mọi người đều biết ngôi nhà là
gì, nó chứa các phòng, những cửa ngách liên lạc giữa các phòng và trình bày một
khuôn mặt ngoài mới mẻ như thế nào. Đây là cách gần nhất với sự giải thích mà
tôi có thể có về việc một truyện ngắn ảnh hưởng ra sao đối với tôi, như người đọc,
và tôi muốn những truyện ngắn của mình làm gì với người đọc của tôi.”(1)
Thật ra các nhà phê bình có những
cách nhìn nhận rất khác nhau đối với nghệ thuật của Munro. Tác phẩm của bà là
hiện thực hay là tưởng tượng? Đầy xúc cảm hay hoàn toàn lạnh lùng? Những cuộc đời
trong ấy là của những người bình thường mà ta hay gặp hay là những số phận đặc
biệt, lạ kỳ, ngoại hạng? Bà là nhà văn của người đọc bình dân hay là nhà văn của
giới tinh hoa, bác học? Là một kiểu mẫu Chekhov thứ hai hay là người chống lại
Chekhov?
Tập truyện Cuộc đời yêu dấu
(Dear Life) gồm mười bốn truyện: 1. Trôi về Nhật Bản (To Reach
Japan), 2. Thị trấn bạch dương (Amundsen), 3. Ly hương (Leaving Maverley),4. Sỏi
đá (Gravel), 5. Tổ ấm (Haven), 6. Lòng tự hào (Pride), 7. Người tình (Corrie),
8. Xe lửa (Train), 9. Thấp thoáng mặt hồ (In Sight of The Lake), 10. Búp bê
(Dolly), và bốn truyện sau cùng được tác giả xem là tự truyện, vì có yếu
tố tiểu sử: 11. Con mắt (The Eye), 12. Đêm (Night), 13. Giọng nói
(Voices) và 14. Cuộc đời yêu dấu (Dear Life) (2). Đây có
thể xem là một trong những tác phẩm cuối cùng của Alice Munro, vì lúc nó ra đời
năm 2012, bà đã ngoài 80 tuổi và tuyên bố không viết nữa.
Những mô tả tỉ mỉ trong truyện của
Munro có thể rất dài nhưng bao giờ cũng nằm trong một cấu trúc cần thiết, đôi
khi là sự chuẩn bị bắt buộc phải có, như trong trường hợp
chúng dẫn đường cho người già đi vào một cõi trần gian khác (truyện Thấp
thoáng mặt hồ). Một người thanh niên quen với một thiếu nữ, nhập ngũ, trở về,
rồi quen với một người phụ nữ khác, trải qua bao biến đổi, tựa như một cuốn tiểu
thuyết thay vì truyện ngắn, những nhân vật lạ lùng xa lánh tình dục và sợ hãi sự
thân mật của con người (truyện Xe lửa). Câu chuyện phiêu lưu tình cảm
của một nhà thơ, một người mẹ trẻ (truyện Trôi về Nhật Bản). Cô đến
dự một buổi tiệc của một tờ báo, uống say bằng một thứ nước mà cô ngỡ là nước
trái cây nhưng thật ra có rượu. Một ký giả từ Toronto lái xe đưa cô về nhà,
nhưng bất chấp sự chờ đợi, đã không hôn cô. Thế là cô đem lòng thương nhớ. Rồi
một dịp hai mẹ con cô và đứa con gái lên một chuyến xe lửa, bỏ người chồng ở lại,
và mối quan hệ vợ chồng của họ cũng có chút nghi vấn. Đó là một chuyện tình
yêu, nhưng lại không phải là chuyện tình chúng ta hay gặp. Có một thứ tình cảm
khác, sâu xa, ẩn mình phía sau, có một lời nói thầm, nửa cảnh giác, một sự chú
ý lặng lẽ đối với thói vô tâm của con người. Lặng lẽ nhưng đau đớn. Cũng tương
tự như thế, trong truyện Sỏi đá, việc ngoại tình của một người đàn
bà, thói phiêu lưu, sự thờ ơ trưởng giả của một người đàn ông, lối sống phóng
túng và vô trách nhiệm của chàng nghệ sĩ, đưa đến những hậu quả không ngờ.
Trong khi trong truyện Đêm, người đọc có ấn tượng tất cả mọi cảnh vật
bên ngoài đều chỉ là biểu hiện hiện thực của những tư tưởng thầm kín của một
thiếu nữ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Geoff
Hancock (3), Munro cho rằng cả yếu tố cốt truyện và khung cảnh câu chuyện đều
không quan trọng lắm trong truyện ngắn. “Điều gì xảy ra như một sự kiện thật chẳng
quan trọng gì. Khi một sự kiện trở thành vấn đề quan trọng, truyện ngắn đó
không có khả năng phát triển”. Sự cảm xúc, theo bà, đóng vai trò lớn hơn. “Tôi
cũng không nghĩ khung cảnh truyện là hệ trọng. Nhiều người nghĩ rằng tôi là một
nhà văn viết truyện địa phương. Và tôi sử dụng các địa phương nơi tôi lớn lên
làm vật liệu sáng tạo. Nhưng tôi không biết cách nào để diễn tả một điều gì đó,
ở một nơi nào đó, với mục đích định trước. Những việc ấy xảy ra và nơi chốn là
một phần của nó. Chẳng qua đó chỉ là sự tình cờ.”
Có thể cho rằng cái mà Alice Munro gọi
là cảm xúc (feeling) chính là khí hậu của truyện. Khí hậu ấy thường xoay quanh
một hình ảnh trung tâm, hình ảnh ấy được chiếu rọi bởi một bên là khả năng quan
sát khách quan, gần như lãnh đạm, và một bên là khả năng thương yêu nồng nàn
sâu kín. Hay phương pháp hiện thực và khuynh hướng chống lại, gần như căm phẫn,
đối với cái tệ hại. Truyện của Munro phát triển qua một thời gian dài, tuy vậy
khác với nghệ thuật tiểu thuyết, sức mạnh của bà nằm ở các mối tương quan trong
cùng một thời gian, như trong một bức tranh. Bà nhìn thấy các nhân vật trong những
chớp sáng của đời họ, tức là trên những khúc quanh của số phận. Vì vậy truyện
ngắn của bà, tuy dài, gần như một loại tiểu thuyết ngắn, được viết với ngôn ngữ
chân phương nhưng tinh tế, tinh tế nhưng không hiền lành chút nào, thực ra phần
nào gần với ngôn ngữ thơ ca.
Sự mô tả đối với các tình huống, các
tâm trạng, các diễn biến đi vào chi tiết và chính xác, vì chi tiết nên chính
xác, và vì chính xác nên chi tiết. Chính vì vậy bà để mất một số độc giả không
quen với việc đọc truyện kiểu ấy, lối đọc tinh tế, tuy đồng cảm nhưng lại không
thương cảm bi ai, và ngược lại, trở thành nỗi quyến rũ không ngớt đối với nhiều
người đọc khác, những người cũng đặt cược vào sự chính xác như bà. Từ sự chính
xác ấy mà các quyết định riêng tư của cá nhân, những hy sinh và sai lầm của họ,
các ngã rẽ của số phận bỗng lộ diện bất ngờ, làm kinh ngạc bất cứ một người đọc
điềm tĩnh nào.
Thật ra, sự chính xác cũng là bổn phận
của tình yêu.
Nguyễn Đức Tùng
(1) The Art of Short Fiction by Gary
Geddes, 1993, Harper Collins, p.824.
(2) Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu
các truyện này, theo thứ tự được đánh số như trên. Các chú thích dưới mỗi truyện
là của người dịch.
(3) Sách đã dẫn, p.513
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét