TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (16 – HẾT)
Milan Kundera
PHẦN VII
Biên thùy
KỲ 2
9.
Mười năm trước, Jan hò hẹn với một người đàn bà có chồng. Họ quen nhau đã lâu nhưng họa hoằn mới gặp nhau vì người đàn bà bận nhiều công việc. Tìm được chút thời gian gặp nhau, họ không bỏ phí giây phút nào. Cô ngồi xuống ghế bành nói vài ba câu thăm hỏi, nhưng chỉ hai ba phút thôi, rồi Jan đứng dậy lại gần nâng cô đứng dậy ôm vào lòng và hôn cô.
Đoạn anh buông cô ra,
hai người rời nhau một chút và họ vội vã cởi áo quần. Jan ném chiếc áo khoác
xuống ghế. Cô cởi áo len vắt trên thành ghế. Anh cởi khuy quần và cho nó tụt
xuống chân. Cô cúi xuống lột vớ dài ra khỏi chân. Sấp sấp ngửa ngửa. Họ đứng,
áp mặt gần sát nhau, Jan rút một chân ra khỏi quần, xong đến chân kia (anh giơ
chân lên như người lính diễu hành), cô cúi gập người vê chiếc vớ tới mắt cá
chân, xong ngồi xuống ghế bành giơ hai chân chĩa lên trần nhà, lột ra.
Lần nào cũng thế, cùng
một phân cảnh lặp đi lặp lại, nhưng bỗng một hôm xảy ra một chuyện, cỏn con
chẳng có gì ghê gớm, nhưng không hiểu sao anh không quên được: Cô nhìn anh và
cô không giữ được nụ cười. Nó gần như là nụ cười trìu mến, đầy âu yếm và thông
cảm, một nụ cười e thẹn như tìm kiếm sự tha thứ cho chính nó, nhưng không thể
chối cãi được, nó là nụ cười gây nên bởi một cảnh tượng khôi hài mà đột nhiên
tràn lan ra toàn cảnh. Anh không biết phải đáp lại nụ cười ấy của cô ra sao.
Bởi, hiện ra từ bóng tối của thói quen, anh cũng nhận ra sự khôi hài bất ngờ
cái cảnh hai người sấp ngửa giơ chân lên cao như vậy. Chỉ cách một đường tơ kẽ
tóc là anh phá lên cười. Nhưng anh biết nếu anh cười thì hai người không thể
làm tình với nhau được nữa. Cái cười ở tình huống đó là cái bẫy khổng lồ kiên
nhẫn chờ đợi trong căn phòng, ẩn nấp đằng sau vách ngăn. Khoảng cách giữa tình
yêu xác thịt và cái cười chỉ là vài mi-li-mét, và anh sợ bước chân qua nó lắm.
Chỉ vài mi-li-mét giữa anh và phía bên kia biên thùy, nơi sự vật mất mọi ý
nghĩa.
Anh cố nhịn cười, đá
văng chiếc quần và vội vàng ôm chầm người đàn bà, thân thể ấm áp của cô đánh
lui con quỷ sứ yêu ma có tên gọi là cái cười.
10.
Anh được báo tin tình
trạng của Passer càng lúc càng nguy kịch. Chỉ một liều moóc-phin mới giúp anh
ngồi dậy, và mỗi ngày chỉ khỏe được vài tiếng đồng hồ. Jan lấy tàu hỏa đi thăm
anh tại một bệnh viện ở xa, ngồi trên tàu anh không ngớt tự trách mình đã không
đi thăm bạn thường hơn. Thật dễ sợ nhìn thấy Passer già đi như thế nào. Mái tóc
nâu dầy dợn sóng trước đây bây giờ chỉ còn lại vài sợi bạc lưa thưa. Khuôn mặt
anh chỉ là ký ức của khuôn mặt dạo trước.
Như thường lệ, Passer
mừng rỡ thấy Jan đến thăm, anh ôm Jan rồi lôi vào phòng ngồi xuống bàn trò
chuyện.
Hồi mới quen, Passer hay
nói với Jan về hy vọng của anh đối với con người, anh có thói quen đấm tay
xuống mặt bàn mỗi khi sôi nổi nói điều gì anh xem là hệ trọng, đôi mắt to của
anh lóe sáng. Giờ đây anh không nói về hy vọng của con người nữa mà của chính
cơ thể anh. Các bác sĩ bảo nếu anh tiếp tục cho chích thuốc loại mạnh và chịu
đau nhiều trong vòng hai tuần lễ nữa, thì rất có thể anh sẽ vượt qua cơn bệnh.
Trong lúc nói, anh lại đấm nắm tay xuống mặt bàn, và đôi mắt trợn ngược. Anh
vẫn sôi nổi hy vọng cơ thể anh sẽ lành mạnh như xưa, nhưng nó là tiếng dội buồn
bã của hy vọng vào con người trước đây. Cả hai đều mù quáng như nhau. Nhưng mắt
anh vẫn lóe lên tia hy vọng, lúc trước cũng như bây giờ.
Đoạn anh nói về cô
diễn viên Hanna. Với giọng ấp úng, anh thú nhận với Jan rằng thêm một lần nữa
anh lên cơn điên. Điên với một người đàn bà đẹp, và vẫn biết đó là thứ điên
khùng dễ sợ nhất trong các loại điên. Đôi mắt vẫn long lanh sáng, anh kể hôm
anh và cô diễn viên rủ nhau vào rừng hái nấm như đi tìm kho tàng, và quán cà
phê nơi hai người ghé vào uống rượu đỏ.
“Hanna tuyệt vời lắm!
Cậu biết không, cô ấy không giả dối đóng vai y tá lăng xăng hỏi han tôi này nọ,
cô ấy không nhìn tôi với cặp mắt thương hại, nhắc nhở bệnh tật và sự yếu đuối
của tôi. Không, cô ấy cười nói luôn miệng và uống rượu với tôi. Chúng tôi uống
cạn cả lít rượu đấy! Tôi cảm thấy mình trẻ lại như tuổi mười tám! Tôi đang ngồi
ở phòng đợi, chờ tử thần đến rước đi và tôi muốn cất tiếng hát vui sướng”.
Passer lại đập tay
xuống bàn, anh nhìn Jan mắt trợn ngược, trên đầu anh mái tóc nâu dầy biến đâu
mất, chỉ còn lại ba sợi bạc rung rinh.
Jan bảo tất cả chúng
ta, ai nấy đều đang ngồi ở phòng đợi, chờ tử thần đến rước đi. Cả thế giới, một
thế giới chìm đắm trong bạo động, tàn nhẫn, mọi rợ, cũng đang ngồi ở phòng đợi
đó. Anh bảo Passer rằng anh phẫn nộ lắm, bởi vì Passer, người anh thương mến,
người chỉ biết đập bàn mỗi khi sôi sục điều gì trong lòng, mà lại chết trước
cái thế giới khốn nạn không xứng đáng được yêu thương này. Anh cố tìm cách kéo
ngày tận thế lại gần hơn để Passer có thể chịu đựng nổi những ngày còn lại.
Nhưng Passer không chấp nhận tận thế và anh lại đập bàn nói về hy vọng của loài
người. Anh bảo chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên có những thay đổi lớn
lao.
Jan chẳng bao giờ chia
sẻ với Passer về quan điểm này, anh cảm phục lòng khao khát của Passer muốn thế
giới thay đổi, anh xem nó như là lòng khao khát xưa cũ nhất của con người, tính
cách bảo thủ nhất của chủ nghĩa bảo thủ của loài người. Mặc dù đồng ý với lòng
khao khát ấy, nhưng anh muốn lấy nó ra khỏi con người Passer bây giờ bởi anh
đang ngồi ở phòng đợi, chờ tử thần đến rước đi. Anh cố xóa mờ tương lai trong
mắt Passer để anh bớt tiếc nuối, được chút nào hay chút đó, cuộc sống anh đang
mất.
Anh bảo Passer: “Mọi
người, ai nấy đều bảo là chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên vĩ đại. Clevis
nói về sự cáo chung của chủ thuyết Do-Thái-Thiên-Chúa-Giáo, những kẻ khác nói
về cách mạng thế giới và chủ nghĩa cộng sản, tất cả những điều ấy đều vô nghĩa
lý. Nếu kỷ nguyên của chúng ta là một khúc quành trọng đại thì nguyên do là cái
khác chứ không phải mấy điều vớ vẩn đó”.
Passer nhìn anh chăm
chăm, đôi mắt vẫn sáng, ba sợi tóc bạc rung rinh thế chỗ cho mái tóc nâu dầy.
Jan nói tiếp: “Cậu có
nghe chuyện tiếu lâm về vị lãnh chúa người Anh bao giờ không?”.
Passer nói chưa, nắm
tay lại đập xuống mặt bàn.
“Buổi sáng sau đêm tân
hôn, vị lãnh chúa bảo cô dâu: ‘Hỡi người vợ yêu quý của ta, ta hy vọng nàng đã
thụ thai, vì không ai có thể bắt ta lặp lại cái hành động khôi hài ấy được”.
Passer mỉm cười, nhưng
anh không đập tay xuống bàn. Nó không thuộc về chuyện có thể làm anh sôi nổi.
Jan lại nói: “Nhắc đến
chuyện cách mạng thế giới! Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên lịch sử mà
hành động tình dục biến thái thành hành động khôi hài”.
Một nụ cười tinh tế
khó hiểu nở trên môi Passer, nhưng Jan biết rõ nụ cười ấy. Nó không phải nụ
cười vui thích hay đồng ý, mà là bao dung. Suy nghĩ của hai người khác nhau xa,
ở vài trường hợp sự khác biệt quá lộ liễu, và họ nở nụ cười như thể để khẳng
định với nhau rằng tình bằng hữu giữa họ chẳng hề sứt mẻ.
11.
Tại sao hình ảnh biên
thùy cứ lởn vởn trong suy nghĩ của Jan?
Anh tự bảo, bởi vì
mình già đi: Mỗi lần sự vật lặp lại, chúng lại mất đi một phần nhỏ ý nghĩa. Hay
chính xác hơn, chúng mất dần sức mạnh vốn cần thiết để duy trì ý nghĩa ảo của
chúng. Do đó, đối với Jan, biên thùy là liều lượng cực đại của sự lặp lại.
Có lần anh đi xem một
chương trình diễn hài. Đang diễn, anh hài nổi tiếng bỗng ngừng lại, anh ta chậm
chạp đếm “một, hai, ba, bốn…” với sự tập trung tinh thần tuyệt đối, mỗi con số,
anh ta hô lớn với giọng chắc nịch, như thể nó bay vuột mất và bằng mọi giá anh
ta phải tóm nó lại: “năm, sáu, bẩy, tám…”. Đến con số “mười lăm”, khán giả bắt
đầu cười, con số càng cao anh ta càng tập trung tâm trí đếm càng chậm, và khi
đến con số “một trăm” thì khán giả cười ngả nghiêng lọt ra khỏi ghế.
Tại một buổi diễn
khác, cũng anh chàng đó, lần này anh ta ngồi xuống piano và với tay trái chơi
phần đệm một bản Valse: ùm-pá-pá, ùm-pá-pá. Tay phải anh ta giơ lên
cao, tức là không có giai điệu mà chỉ có những tiếng ùm-pá-pá, ùm-pá-pá lặp đi
lặp lại, anh ta vênh mặt nhìn xuống khán giả như thể khúc Valse anh
ta đang chơi là khúc nhạc tuyệt luân đầy cảm xúc, và đáng được ngợi khen hết
lời. Anh ta chơi đi chơi lại chỉ chừng đó, ùm-pá-pá, ùm-pá-pá, hai chục, ba
chục, năm chục, một trăm lần, và khán giả lại được một trận cười no bụng.
Vâng, khi bạn vượt qua
biên thùy, cái cười phải tuôn ra. Nhưng nếu bạn tiếp tục đi dấn, vượt qua cả
cái cười, thì sao?
Jan tưởng tượng những
thần linh Hy Lạp thoạt đầu tham gia một cách nhiệt tình vào những cuộc phiêu
lưu của con người. Nhưng rồi họ rút về bám trụ trên đỉnh núi Olympus, nhìn
xuống trần gian cười khoái trá. Và bây giờ họ đã ngủ, ngủ từ lâu lắm rồi.
Tuy thế, tôi nghĩ Jan
đã sai khi anh nghĩ rằng biên thùy là đường biên đánh dấu một giai đoạn đời
người tại một thời điểm đặc trưng, rằng nó là phút giây nào đó trên chiếc đồng
hồ cuộc sống. Không. Tôi dám chắc, trái lại là đằng khác, biên thùy thường hằng
ở với chúng ta, bất kể thời điểm nào trong đời, nó hiện hữu ở đó, lúc ẩn lúc
hiện tùy vào những cảnh ngộ khác nhau.
Người đàn bà Jan
thương yêu nhất đã đúng khi cô bảo cô chỉ còn dính vào đời sống bằng một sợi
tơ. Chỉ cần một làn gió rất nhẹ là có thể dịch chuyển sự vật từ trạng thái này
đột biến sang trạng thái khác, cái ta tưởng có thể hy sinh mạng sống vì nó, chỉ
vài giây đồng hồ, đột biến thành cái phi lý.
Jan có nhiều bè bạn
cũng lìa bỏ quê hương ra đi như anh, họ bỏ tâm trí, thời gian vào việc phục
hưng lại tự do cho tổ quốc. Nhưng đôi khi tất cả đều có cảm tưởng rằng sợi dây
nối liền họ với quê hương chỉ là ảo tưởng và đó chẳng qua chỉ là một quán tính
cố hữu sẵn sàng chết cho cái họ chẳng quan tâm. Tất cả đều biết rõ cảm tưởng đó
và cùng lúc họ sợ, không dám nhìn nhận nó; họ quay mặt đi, bởi họ sợ nhìn thấy
biên thùy, họ sợ nếu họ bước qua nó đi về phía bên kia, họ sẽ ngã lộn nhào (như
thể đứng cạnh bờ vực bị choáng). Bên kia biên thùy, tiếng kêu của đồng bào họ
đang bị hành hạ nghe tầm thường chẳng khác tiếng chim kêu.
Bởi định nghĩa biên
thùy của Jan là liều lượng cực đại có thể chấp nhận của sự lặp lại, tôi thấy có
bổn phận sửa sai anh: biên thùy không phải phó sản của sự lặp lại. Sự lặp lại
chỉ là một trong những đường lối khiến biên thùy hiện ra thôi. Đường biên bị
lớp bụi che phủ, và sự lặp lại là cái phất trần dùng phẩy đi lớp bụi.
Tôi muốn nhắc lại một
trải nghiệm khó quên từ thời thiếu niên của Jan để anh nhìn thấu đáo hơn: Lúc
đó mười ba tuổi, anh nghe người ta bàn tán nhiều về đời sống người hành tinh
ngoài địa cầu, và anh thả trí tưởng tượng mình bay bổng, ngẫm nghĩ rằng rất có
thể người hành tinh có nhiều bộ phận sinh dục hơn người quả đất. Lấy trộm được
từ đâu bức ảnh khỏa thân một cô vũ nữ, cậu trai mười ba tuổi lén nhà xem một
mình và thấy hưng phấn, nhưng cậu cũng có cảm tưởng là đàn bà quả đất tầm thường,
giản dị quá, chỉ có một tam giác gồm hai cái vú và bộ phận sinh dục, họ thiếu
hấp dẫn. Cậu mơ tưởng đàn bà hành tinh lạ với một thân hình có mười, hai mươi
bộ phận gợi dục thay vì cái tam giác nghèo nàn, một thân thể cho con mắt thỏa
mãn đến cực độ, không bao giờ biết chán.
Điều tôi muốn nói là
vào quãng giữa đường cuộc hành trình rất dài của chàng trai Jan còn trinh, cậu
đã biết chán ngấy thân thể đàn bà rồi. Ngay cả trước khi thật sự nếm mùi đàn bà
lần đầu, tinh thần cậu đã đến hồi kết thúc, chẳng còn thấy hưng phấn nữa. Một
tình trạng kiệt quệ hưng phấn.
Do đó, từ thuở thanh
xuân Jan đã sống luẩn quẩn phía bên kia vùng biên thùy kì bí, nơi đôi vú đàn bà
chỉ là hai cái gò mềm mềm thõng xuống trên ngực. Biên thùy đó là miền đất của
anh từ lúc ban đầu. Ở tuổi mười ba, cậu trai Jan mơ các phần gợi dục trên thân
thể đàn bà và đã biết rõ y như người đàn ông Jan ba mươi năm sau.
12.
Trời gió và xám xịt.
Người đưa đám đứng túm tụm thành hình bán nguyệt trước huyệt mộ chưa chôn. Jan
có mặt tại đó cũng như tất cả bạn anh, cô diễn viên Hanna, vợ chồng Clevis,
Barbara, và dĩ nhiên vợ con Passer: người vợ và đứa con trai nước mắt giàn
giụa, nhưng cô con gái thì ráo hoảnh.
Tang lễ hình như đã
xong, hai công nhân mặc áo bảo hộ kéo dây chão nâng quan tài lên. Ngay lúc đó,
một người đàn ông tay cầm mảnh giấy từ đâu chạy vào trước huyệt, quay mặt về
phía hai công nhân đoạn giơ mảnh giấy lên và bắt đầu đọc to. Nhìn ông ta, hai
người đào mồ ngập ngừng không hiểu có nên đặt quan tài trở lại xuống mặt đất
hay tiếp tục hạ huyệt, nhưng chỉ trong giây lát họ đưa quan tài chầm chậm hạ
xuống cái lỗ sâu hoắm, như thể họ quyết định giúp kẻ xấu số vừa qua đời không
phải nghe thêm bài điếu văn thứ tư.
Chiếc quan tài đột
nhiên biến khỏi mặt đất khiến người đàn ông lúng túng. Toàn bộ bài điếu văn của
ông viết ở ngôi thứ hai. Nó tâm tình với người vừa nhắm mắt, nó hứa hẹn, đồng
ý, bảo đảm, cảm ơn, và trả lời những câu hỏi của người đó do người đọc dựng ra.
Quan tài chạm đáy huyệt, hai công nhân rút dây chão lên rồi nghiêm trang đứng
cạnh huyệt. Thấy người đọc điếu văn hùng hồn như lửa bốc, họ chỉ biết lặng lẽ
cúi đầu.
Người đàn ông hình như
nhận ra tình cảnh trái ngoe này, bài điếu văn của ông chủ đích nói với người
nằm trong quan tài, nhưng chiếc quan tài biến đâu mất rồi, ông nhìn hai người
đào mồ đang đứng nghiêm trang kính cẩn, đoạn nhướng mắt về phía đám đông, nhưng
ngay cả thế bài điếu văn viết ở ngôi thứ hai nghe vẫn kỳ quặc làm sao, bởi nó
khiến người ta nghĩ người chết đang ẩn núp đâu đó phía sau đám đông.
Người đàn ông phải
nhìn vào chỗ nào bây giờ? Bối rối quá, ông ta bèn quay lại với mảnh giấy trên
tay, và mặc dù thuộc lòng bài điếu văn, mắt ông ta từ giây phút đó trở đi không
nhìn vào đâu khác.
Gió bỗng thổi mạnh và
đám đông có vẻ xao động. Papa Clevis kéo mũ xuống quá thái dương, nhưng một
luồng gió thốc thổi bay chiếc mũ khỏi đầu ông, rơi xuống khoảng đất trống giữa
huyệt và hàng đầu chỗ gia đình Passer.
Thoạt đầu ông định
lách người chạy ra nhặt chiếc mũ, nhưng nghĩ lại ông thấy không nên, bởi ông sợ
người ta nghĩ ông xem chiếc mũ quan trọng hơn không khí trang nghiêm của buổi
lễ tiễn đưa bạn ông. Ông đứng yên xem như chẳng có gì xảy ra. Nhưng đó không
phải một giải pháp hay. Từ phút giây chiếc mũ đáp xuống khoảng đất trống trước
huyệt, đám đông trở nên xao động hơn và không cách nào lắng nghe bài điếu văn
của người đàn ông được nữa. Chiếc mũ nằm im tưởng vô hại nhưng thật ra đã gây
xáo trộn buổi lễ nhiều hơn là Clevis chạy ra nhặt nó. Thế là cuối cùng ông nói
“Xin lỗi” người đứng trước và bước lên. Ông ra khoảng đất trống (trông như một
sân khấu nhỏ) giữa đám người và cái huyệt. Ông cúi xuống nhặt chiếc mũ, nhưng
ngay lúc đó một cơn gió mạnh nữa lại thổi ào tới nhấc nó lên, và lần này nó rơi
trúng ngay chân người đàn ông đang đọc điếu văn.
Bây giờ Papa Clevis và
chiếc mũ biến thành trung tâm của buổi lễ, chẳng ai còn tâm trí đâu nghe người
đàn ông nói gì. Thậm chí ông ta cũng cảm thấy có chuyện đang xảy ra cho đám
khán giả của mình, mặc dù ông không hề biết có chiếc mũ nằm dưới chân. Ông rời
mắt khỏi mảnh giấy và kinh ngạc tột độ khi thấy có người đứng cách mình hai
bước trong tư thế như đang sà xuống vồ mồi. Ông vội vàng hạ mắt xuống tờ giấy
với hy vọng lúc nhìn lên thì cái cảnh tượng kỳ quái đó sẽ biến mất. Nhưng ngước
mắt lên ông vẫn thấy người đó đứng nhìn mình.
Papa Clevis không tiến
cũng chẳng lùi. Ông thấy kỳ cục hết sức nếu mình cúi mọp xuống chân người đang
đọc điếu văn nhặt chiếc mũ, nhưng cũng khôi hài quá thể nếu mình tay không trở
về chỗ cũ. Và thế là ông cứ đứng đó như bị trời trồng, chẳng biết làm sao bây
giờ.
Ông ước ao phải chi có
người giúp ông. Ông liếc nhìn hai người đào mồ. Họ đứng yên phía bên kia huyệt,
mắt nhìn vào chân người đọc điếu văn.
Một cơn gió khác lại
thổi đến, chiếc mũ bay là là gần tới bờ huyệt. Clevis quyết định. Ông bước mạnh
về phía trước, cúi xuống chụp chiếc mũ, nhưng hụt, ông suýt nắm được nó trong
tay, nó vẫn bay là là, cuối cùng ra tới bờ huyệt và rơi xuống bên dưới.
Clevis vẫn duỗi tay
như ra dấu cho chiếc mũ trở lại với ông, nhưng rồi ông nhận thấy chẳng làm gì
được nữa và đành giả bộ tịch như thể chiếc mũ không hề hiện hữu và chỉ là sự
tình cờ vớ vẩn nào đó ông bước ra cạnh huyệt người bạn ông thôi. Ông cố giữ bộ
dáng tự nhiên và thoải mái, nhưng không dễ dàng chút nào bởi hàng chục cặp mắt
đang đổ dồn vào ông. Sự thật là ông ngượng đến chín cả người; ông bước lại hàng
đầu đứng cạnh cậu con trai của Passer, lúc đó vẫn đang sụt sùi khóc.
Không còn bóng ma của
người trong tư thế sà xuống vồ mồi, người đàn ông với mảnh giấy trên tay lấy
lại bình tĩnh nhướng mắt nhìn đám đông. Chẳng ai buồn nghe ông nói nữa, và ông
đóng lại bài diễn văn. Nhìn hai người đào mồ, ông long trọng tuyên bố: “Victor
Passer! Những người yêu thương bạn sẽ không bao giờ quên bạn. Xin trái đất nhẹ
tay với bạn!”.
Đoạn ông tiến lại
huyệt, bên cạnh có một ụ đất trên cắm một chiếc xẻng không lớn lắm. Ông lấy
xẻng xúc một ít đất rồi nghiêng người nhìn xuống huyệt như kéo dài nghi thức
trọng thể ông là người đầu tiên lấp mộ người bạn thương quý. Ngay lúc đó, mọi
người ai nấy phải cố gắng lắm mới không bật lên tiếng cười. Bởi họ biết người
đàn ông với chiếc xẻng trên tay nhìn xuống huyệt sẽ thấy một chiếc mũ nằm trên
nắp quan tài, như thể người chết, trong một ước vọng hão huyền muốn mình trịnh
trọng ngay cả lúc chết, không thể để đầu trần giữa giây phút như thế này được.
Người đàn ông lấy lại
tự chủ, ông hất xẻng đất xuống huyệt và cố không cho rơi trúng chiếc mũ, như
thể đó là mũ Passer đang đội. Đoạn ông trao xẻng cho quả phụ. Vâng, tất cả đều
phải uống cạn chén cám dỗ đến tận cặn. Họ phải sống qua cuộc chiến kinh khiếp
chống lại cái cười. Tất cả, kể cả người vợ và cậu con trai, sẽ phải cầm xẻng
xúc tí đất và nghiêng mình trên huyệt, bên dưới là cái quan tài với chiếc mũ
nằm trên nắp, như thể Passer, với hoạt khí và tính lạc quan đến bất trị, đang
cố thò đầu ra khỏi quan tài.
13.
Có khoảng hai mươi
người tụ tập tại biệt thự của Barbara. Phòng khách rộng và họ ngồi la liệt trên
xô-pha, ghế bành, và cả dưới sàn. Giữa phòng, xung quanh một đám khách không
mấy chú tâm, một cô gái bộ dáng như dân tỉnh lẻ đang vặn vẹo thân hình đủ kiểu cho
mọi người xem.
Barbara ngồi chễm chệ
như một bà hoàng trong chiếc ghế bành lớn. “Này, có vẻ như cô kéo dài cái trò
này hơi lâu rồi đấy nhé!”. Cô nhìn cô gái với cái nhìn ngoa ngoắt.
Cô gái nhìn lại
Barbara, cô xoay vai như có ý trỏ vào những người xung quanh và than phiền mấy
người này chẳng ai thèm để ý cô. Nhưng cái nhìn ngoa ngoắt của Barbara không
cho phép cô chạy tội dễ dàng, và cô gái, vẫn đưa đẩy thân hình những động tác
vô duyên nhạt nhẽo, bắt đầu đưa tay lên cởi áo.
Từ giây phút đó trở
đi, Barbara không quan tâm đến cô gái nữa, cô chú mục vào những người khách
khác, hết người này đến người kia. Hình như hiểu được cái nhìn đó, họ ngưng trò
chuyện quay lại nhìn cô gái đang thoát y. Đoạn Barbara tốc váy mình lên, dạng
hai chân và đặt bàn tay xuống hạ thể. Trong lúc làm như thế, cô quắc mắt quan
sát khắp phòng xem các vận động viên có làm đúng theo chỉ thị của mình không.
Mọi việc từ từ rồi
cũng ăn nhịp đâu vào đấy, cô gái tỉnh lẻ, trần truồng đã lâu, nằm gọn trong tay
một gã đàn ông, những cặp khác tản mác ra khắp các phòng. Barbara thì xông xáo
khắp nơi, cô không cho phép bất cứ cặp nào trốn riêng vào chỗ kín đáo. Thấy Jan
ôm vai một cô gái trong góc buồng tối, cô xông lại quát to: “Nếu cô muốn hắn
cho riêng mình thì cô lại phòng hắn mà làm! Đây là một bữa tiệc!”. Đoạn cô nắm
cánh tay cô gái lôi sang phòng khác.
Jan bắt gặp tia mắt
của một gã trẻ hói đầu nhưng trông khá thiện cảm. Gã không có ai và nãy giờ
ngồi theo dõi hành vi của Barbara. Jan mỉm cười với gã, thấy vậy gã cũng mỉm
cười bước lại gần, nói nhỏ: “Thống chế Barbara đấy!”.
Gã cười lớn, nói tiếp:
“Cô ả là huấn luyện viên của chúng tôi đi thi Olympic”.
Hai người đàn ông, Jan
và gã trẻ đầu hói, ngồi quan sát những việc làm tuần tự của Barbara:
Quỳ bên cạnh một cặp
đang làm tình, cô thò đầu chen vào giữa mặt hai người rồi ép miệng mình lên môi
người đàn bà. Gã đàn ông vội nhường chỗ cho Barbara vì gã tưởng cô muốn chiếm
người đàn bà hết cho mình. Barbara ôm chặt người đàn bà và trong lúc môi cô vẫn
dính cứng môi cô ta, cô giơ ngón tay trỏ lên vẽ những đường tròn thật nhanh
trong không khí. Gã đàn ông ngoan ngoãn đứng xem hai người đàn bà hôn nhau, gã
biết Barbara đang ra dấu cho mình, nhưng gã không rõ cô ra lệnh cho gã xéo đi
chỗ khác hay ở lại. Gã cứ đứng đó luống cuống không biết phải làm gì trong lúc
ngón tay trỏ của Barbara vẽ vòng tròn càng lúc càng nhanh như mất cả kiên nhẫn.
Cuối cùng Barbara rời môi người đàn bà và ngước đầu lên bảo gã cô muốn gì. Nghe
xong gã gật đầu và chuồi xuống ép sát thân hình vào lưng người đàn bà. Cô ta
bây giờ bị kẹp giữa gã đàn ông và Barbara.
“Tất cả bọn ta là
những nhân vật trong giấc mơ của Barbara”. Jan bảo gã trai hói đầu.
“Đúng”, gã đáp lời.
“Nhưng nó không bao giờ hoạt động theo ý muốn. Barbara giống như người thợ làm
đồng hồ, nhưng cái đồng hồ tự nó không chạy được mà người thợ cứ phải đẩy hai
mũi kim cho nó chạy”.
Gã đàn ông nằm đúng vị
trí, nhưng Barbara bỏ hai người nằm đó, bước lại góc phòng nơi có một cặp trai
gái còn rất trẻ có vẻ ngượng nghịu lúng túng đang quấn lấy nhau. Họ chỉ mới
tháo bỏ y phục nửa người, và gã con trai tìm mọi cách dùng thân thể mình che
đứa con gái. Giống như những diễn viên không đối thoại trên sân khấu kịch, dùng
cử chỉ thế cho lời nói, hai người cố làm ra vẻ như đang chìm đắm trong hoan
lạc, không muốn ai quấy rối và tránh người khác.
Nhưng làm sao qua mắt
Barbara được. Cô lại gần quỳ xuống cạnh hai người trẻ, vuốt tóc họ và nói gì
đó. Đoạn cô biến dạng vào phòng khác và trở lại cùng ba gã đàn ông trần truồng.
Cô lại quỳ xuống bên cặp trai gái trẻ, ôm đầu cậu trai và hôn cậu ta. Trước đó
cô đã lừ mắt ra hiệu cho ba gã đàn ông phải làm gì, ba gã cúi xuống cô gái và
lột nốt y phục trên người cô.
“Sau cái màn cụp lạc
này sẽ có một buổi họp”, gã trẻ hói đầu bảo Jan. “Barbara sẽ tụ họp bọn mình
lại đứng thành hình bán nguyệt, cô ả đứng trước mặt, đeo cặp kính lên mắt và
phân tích bọn mình đã làm cái gì đúng và cái gì sai, rồi cô sẽ khen thưởng
những học viên cần mẫn, tốt, và khiển trách những kẻ lười biếng”.
Hai người trẻ tuổi có
tính e thẹn cuối cùng chia sẻ thân xác mình với kẻ khác. Barbara bỏ họ đấy quay
sang Jan và gã hói đầu. Cô nhìn Jan nhoẻn miệng cười nhưng quay sang ôm gã hói
đầu. Cùng lúc, Jan cảm thấy một làn da mềm mại ôm lấy mình, thì ra là cô gái
tỉnh lẻ mà màn thoát y của cô khai mạc chương trình đêm nay. Anh nhủ thầm cái
đồng hồ của Barbara làm việc không đến nỗi tệ lắm.
Cô gái tỉnh lẻ săn sóc
anh kỹ lắm, nhưng mắt anh cứ nhìn về phía bên kia căn phòng, nơi gã hói đầu
đang được đôi tay Barbara tận tình chiếu cố. Cả hai cặp đều ở vị thế giống
nhau. Hai người đàn bà cúi xuống thân thể hai người đàn ông cùng làm một động
tác, một việc như nhau; trông họ như hai người làm vườn đang chăm chỉ trồng bón
luống hoa của mình. Mỗi cặp là tấm gương soi phản chiếu cặp kia. Tia mắt hai
người đàn ông gặp nhau, Jan thấy thân hình gã hói đầu run lên vì cố nén cười.
Anh và gã, hai người liên kết nhau, như món vật và hình ảnh nó trong gương, cho
nên một người run, người kia cũng run theo. Jan quay mặt đi chỗ khác bởi anh
không muốn xúc phạm cô gái tỉnh lẻ đang vuốt ve mơn trớn anh. Nhưng thật khó
cưỡng được hình ảnh phản chiếu của chính mình, nên anh lại quay sang nhìn, anh
thấy hai con mắt gã như lồi ra vì nín cười. Hai người đàn ông như có luồng điện
thần giao cách cảm mạnh gấp năm lần giao nhau. Người này chẳng những biết người
kia đang nghĩ gì, mà còn biết người kia biết điều mình nghĩ. Tất cả những so
sánh hai người kháo nhau vừa rồi về Barbara quay trở lại, và họ còn phát minh
ra nhiều điều mới. Họ chạm mắt nhau nhưng ngay tức khắc phải ngoảnh ra chỗ
khác, bởi họ biết cái cười ở đây là sự phạm thánh như trong giáo đường lúc vị
linh mục dâng thánh lễ. Nhưng từ lúc sự so sánh ấy thoáng qua trí óc, họ chỉ
muốn cười. Họ yếu lắm, trong khi cái cười thì mạnh, người họ căng cứng.
Barbara nhìn lên đầu
gã bạn tình. Gã hói đầu chịu thua rồi, gã phá lên cười như điên dại. Như thể
biết được nguyên do của trò yêu quỷ này, cô ngước sang nhìn Jan. Ngay lúc đó,
cô gái tỉnh lẻ thầm thì hỏi anh:
“Chuyện gì vậy anh?
Tại sao anh khóc?”.
Nhưng Barbara đã xuất
hiện ngay bên cạnh, cô rít lên qua kẽ răng: “Anh đừng tưởng là anh giở được với
tôi cái trò xảy ra tại đám tang Passer!”.
“Xin lỗi”, Jan đáp
lời; anh cười đến nỗi nước mắt giàn giụa hai bên má.
Barbara yêu cầu anh ra
khỏi nhà cô.
14.
Trước khi dọn nhà sang
Mỹ, Jan đưa Edwige đi chơi biển. Đó là một hòn đảo nhỏ vắng vẻ chỉ có vài ngôi
làng nhỏ xíu, thảo nguyên có đàn cừu gặm cỏ vô tư lự. Bờ biển hàng rào che kín
và trên đó có một cái khách sạn duy nhất. Họ thuê phòng ở riêng.
Anh gõ cửa phòng cô.
Tiếng cô vọng ra từ cuối căn phòng bảo anh cứ vào. Bên trong, anh không thấy
ai.
“Em đang tè”, từ phía
trong cánh cửa phòng tắm khép hờ, cô nói to với anh.
Anh quá quen chuyện
đó. Ngay cả khi có khách khứa trong nhà, cô vẫn thản nhiên tuyên bố cô đi tè và
để cửa mở hờ nói chuyện với khách. Đó không phải sự đùa cợt chớt nhả, cũng
không phải bản tính không biết xấu hổ là gì. Ngược lại là đằng khác, nó là sự
quyết tâm dẹp bỏ tính đùa cợt chớt nhả và tính không biết xấu hổ.
Edwige không chấp nhận
những truyền thống gây phiền toái cho con người. Cô không chịu chấp nhận lý lẽ
cái mặt trần trụi thì ngây thơ dễ thương, còn cái mông đít trần trụi thì nhục
nhã xấu hổ. Cô không hiểu tại sao chất lỏng mằn mặn chảy ra từ đôi mắt thì thi
vị một cách linh diệu, còn chất lỏng thải ra từ hạ thể dưới bụng thì kinh tởm
phát khiếp. Tất cả nghe ngu xuẩn, giả dối và không hợp lý đối với cô. Cô ứng xử
những quy ước đó như cô gái nổi loạn trong ký túc xá trường đạo Công giáo.
Từ phòng tắm bước ra,
cô cười với Jan và để anh hôn lên hai bên má: “Mình đi chơi biển chứ?”.
Anh gật đầu.
“Anh để quần áo lại
đây”, cô bảo anh, đoạn cô lấy khăn tắm trên người xuống để lộ thân hình trần
truồng.
Jan luôn luôn cảm thấy
không tự nhiên khi cởi quần áo trước mặt người khác, và anh ghen tị với Edwige
bởi, có mảnh vải trên người hay hoàn toàn khỏa thân, cô đều đi lại thoải mái,
bình thường. Kỳ thực, không mặc gì hết trông cô tự nhiên hơn là có mặc, như thể
chối bỏ quần áo cô cũng chối bỏ luôn thân phận khó khăn của đàn bà để giản dị
trở thành một con người không giới tính. Như thể giới tính nằm nơi y phục, còn
trần truồng là trạng thái trung tính, phi giới tính.
Hai người khỏa thân
theo bậc cấp xuống bờ biển, tại đó có nhiều nhóm người khỏa thân đang chơi đùa,
tản bộ, bơi: những bà mẹ và đám con khỏa thân, bà nội, bà ngoại, cháu, chắt
khỏa thân, đàn ông già, trẻ khỏa thân. Có không biết cơ man nào mà kể vú đàn
bà, đủ mọi kiểu: đẹp nhiều, đẹp vừa, xấu, xấu vừa, to bự, teo tóp. Jan buồn bã
nhận ra rằng bên cạnh vú trẻ, vú già không trẻ lại, ngược lại là đằng khác, vú
trẻ già đi, và tất cả gộp lại trông vừa lạ lùng vừa vô nghĩa.
Một lần nữa cái ý nghĩ
mơ hồ, kỳ bí về biên thùy lại quấy nhiễu tâm trí anh. Anh có cảm tưởng như đang
ở ngay trên lằn ranh, đang bước qua nó. Một cảm giác buồn bã lạ lùng xâm chiếm
tâm tư anh, và từ cảm giác ấy như từ trong sương mù, một ý nghĩ khác thậm chí
lạ lùng hơn hiện ra: một đám người Do Thái trần truồng đi vào phòng hơi ngạt.
Anh không hiểu vì sao hình ảnh đó cứ lởn vởn quay lại trí óc anh, và ý nghĩa
của nó là gì, anh cũng không rõ. Có lẽ ý nghĩa của nó là vào thời khắc đó người
Do Thái cũng đang ở phía bên kia biên thùy và do đó, sự trần
truồng là đồng phục đàn ông đàn bà mặc ở phía bên kia. Rằng sự trần truồng là
tấm màn che phủ.
Nhìn những thân thể
trần truồng trên bờ biển, Jan thấy nỗi buồn vô hạn trong lòng mình càng lúc
càng không chịu nổi. Anh bảo Edwige: “Những thân thể trần truồng ở đây, thật lạ
lùng…”.
Edwige gật đầu: “Đúng,
và cái lạ lùng hơn nữa là tất cả những thân hình ấy đều đẹp. Nhìn kìa, thậm chí
người già yếu không mặc áo quần trông cũng đẹp. Đẹp như thiên nhiên. Cây già
không xấu hơn cây non, con sư tử ốm đau vẫn là chúa sơn lâm. Cái xấu của con
người là cái xấu của quần áo”.
Edwige và anh, họ
chẳng bao giờ hiểu nhau, nhưng họ luôn luôn đồng ý với nhau. Người này diễn
dịch ý người kia theo cách hiểu và suy nghĩ của mình, nhưng có sự hài hòa tuyệt
vời giữa họ. Không thông hiểu nhau dẫn đến sự nhất trí tuyệt diệu. Anh biết rõ
chứ, và anh thấy vui vui chứ không bực dọc.
Họ đi chầm chậm bên
nhau dọc theo bờ biển, cát dưới chân nóng bỏng, tiếng kêu be be của con sơn
dương hòa lẫn tiếng sóng biển, một đàn cừu gặm cỏ dưới tàn cây ô-liu. Jan nhớ
Daphnis. Chàng trai trẻ nằm bên cạnh Chloe, cả hai trần truồng, chàng trai thấy
hưng phấn, nhưng chàng không hiểu sự hưng phấn đó dẫn dắt chàng về đâu, bởi thế
nó kéo dài vô tận và không thể nào thỏa mãn nó được. Jan bỗng thấy một nỗi khao
khát dấy lên trong lòng, nỗi khao khát muốn quay trở về. Quay về chàng trai trẻ
đó. Quay về nguyên thủy loài người, nguyên thủy đời sống, nguyên thủy tình yêu.
Anh khao khát chính sự khao khát. Anh khao khát nhịp đập cuồng loạn của trái
tim. Anh muốn nằm bên cạnh Chloe, không biết tình yêu xác thịt là gì, không
biết tuyệt đỉnh nhục cảm là gì. Để biến chính anh thành sự hưng phấn, sự hưng
phấn kỳ bí, kỳ diệu, không hiểu nổi của người đàn ông trước thân xác người đàn
bà. Anh buột miệng kêu to: “Daphnis!”.
Đàn cừu vẫn đang gặm
cỏ, Jan thở dài lẩm bẩm: “Daphnis, Daphnis…”.
“Anh đang gọi Daphnis
đấy ư?”.
“Ừ, anh đang gọi
Daphnis”.
“Hay lắm. Chúng ta cần
quay trở lại với Daphnis, trở lại thời trước khi Thiên Chúa giáo hủy hoại loài
người. Ý anh muốn nói là như thế, phải không?”.
“Đúng”, Jan trả lời,
mặc dù điều anh muốn nói hoàn toàn khác.
“Thuở đó, có lẽ còn có
một tí thiên đường. Đàn cừu và người chăn cừu. Con người thuộc về thiên nhiên.
Tự do ăn ngủ, hít thở. Có phải Daphnis nghĩa là như thế đối với anh?”.
Một lần nữa anh khẳng
định điều cô vừa nói đúng là ý nghĩ của anh. Edwige kêu lên: “Đúng rồi! Anh nói
đúng, và mình phải gọi hòn đảo này là Đảo Daphnis!”.
Và bởi anh thấy thích
thú thổi phồng sự đồng ý giữa hai người dựa trên sự hiểu lầm nhau, Jan nói
thêm: “Và khách sạn chúng ta ở phải gọi là Ở Phía Bên Kia”.
“Đúng!”. Edwige hào
hứng cất tiếng phụ họa. “Ở phía bên kia nhà tù, phía bên kia văn minh của chúng
ta!”.
Vài nhóm nhỏ người
khỏa thân tiến đến gần, Edwige giới thiệu Jan với họ. Họ bắt tay xã giao chào
anh, tự giới thiệu tên tuổi chức tước. Đoạn họ nói lan man từ nhiệt độ nước
biển đến tính đạo đức giả của xã hội đang làm suy đồi linh hồn và thể xác con
người, đến vẻ đẹp của hòn đảo.
Khi nói đến vẻ đẹp của
hòn đảo, Edwige bảo những người đó: “Jan vừa đặt tên cho hòn đảo này là Đảo
Daphnis. Tôi nghĩ anh ấy đúng”.
Mọi người tươi cười
thấy thú vị với ý nghĩ độc đáo bất ngờ đó. Một người đàn ông với cái bụng phệ
vĩ đại bắt đầu tràng giang đại hải nói văn minh Tây phương cuối cùng sẽ thoái
lui và nhân loại sẽ được giải phóng ra khỏi truyền thống
Do-Thái-Thiên-Chúa-giáo. Những điều đó Jan đã nghe qua cả chục, cả trăm, cả
ngàn lần trước đây. Khoảng đất vài mét vuông trên bờ hòn đảo chẳng mấy chốc
biến thành một thính đường. Người đàn ông bụng phệ vẫn nói, những người khác
lắng nghe, bộ phận sinh dục của họ nhìn xuống cát một cách ngu xuẩn và buồn
thiu.
(Hết)
*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of
Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét