Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (15)

 TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (15)

 

Milan Kundera

PHẦN VII

Biên thùy

KỲ 1

1.

Anh luôn luôn thấy gương mặt người đàn bà trong lúc đang làm tình là cái gì thú vị nhất. Cử động của hai thân hình như hình ảnh một cuốn phim chiếu lên mặt người đàn bà, như trên màn ảnh TV, một cuốn phim mê say đầy cảm xúc rung động, đầy chờ đợi, và không thiếu những cơn nổ bùng, đớn đau, những tiếng kêu la, và thậm chí cả sự ác độc. Nhưng mặt Edwige trống trơn như màn ảnh không hình và Jan không thể nào đặt mắt lên mặt cô được, anh thấy khổ sở với những câu hỏi không có trả lời: Cô chán anh rồi chăng? Hay cô mệt? Hay cô chỉ làm tình một cách miễn cưỡng? Hay anh không bằng những người tình cũ của cô trước anh? Hay đằng sau bộ mặt bất động vô cảm ấy, cô che giấu một cảm xúc gì đó mà anh chẳng mảy may nhận ra?

Lẽ dĩ nhiên, anh có thể hỏi thẳng cô. Nhưng có cái gì không bình thường xảy ra giữa hai người. Mặc dù họ hay nói chuyện và cởi mở với nhau, nhưng khi trút bỏ y phục, khi hai thân xác trần truồng cọ xát vào nhau, họ mất mọi khả năng trò chuyện, hỏi han.

Anh không hiểu nổi sự im lặng đó. Có lẽ bởi vì, ngoài chuyện làm tình, Edwige luôn luôn là người dạn dĩ, tháo vát hơn anh. Mặc dù kém tuổi anh, cô nói nhiều hơn anh gấp ba lần, còn bảo ban, khuyên lơn này nọ thì hơn anh cả chục lần. Cô như một bà mẹ khôn ngoan, dịu dàng cầm lấy tay anh dẫn dắt anh đi qua cuộc đời.

Lúc làm tình, anh muốn thầm thì rót vào tai cô những lời dâm tục để gợi hứng. Nhưng thậm chí giữa giây phút tình tứ như thế anh vẫn thất bại. Nếu làm thế, anh đoan chắc hiện ra trên mặt cô sẽ là một nụ cười trách cứ hiền lành, một cử chỉ mắng yêu, nó là nụ cười của bà mẹ bắt gặp quả tang thằng con trai yêu quý lấy trộm cái bánh quy trong tủ chè.

Hoặc giả anh tưởng tượng thầm thì vào tai cô câu nói tầm thường, thô lỗ nhất một người đàn ông có thể nói với người tình của mình: “Này, em thích như thế này không?”. Với những người đàn bà khác, hỏi như thế luôn luôn nghe như có cái gì dâm ô, gợi dục. Cụm từ tránh tục “như thế này” dùng để gợi ý hành vi làm tình, ngay tức khắc khiến anh muốn tìm kiếm những từ khác, những từ phản chiếu tình yêu nhục dục như thể hai thân xác nhập cuộc trong một gian sảnh ốp toàn gương soi. Nhưng hình như anh biết trước phản ứng của Edwige: Dĩ nhiên, em thích chứ, cô sẽ ôn tồn bảo anh. Anh nghĩ em không thích mà làm được sao? Jan à, anh hãy hợp lý hơn một chút đi.

Và bởi thế anh chẳng bao giờ rót vào tai cô lời dâm tục, mà cũng không hề hỏi cô có thích “như thế này” không. Anh im lặng suốt thời gian thân xác hai người vồ vập nhau, như một cuộn phim không có phim chạy ro ro trong máy chiếu.

Anh hay ngẫm nghĩ và cho rằng chính anh là kẻ có lỗi, anh là thủ phạm những đêm làm tình trong câm lặng. Anh vẽ ra trong đầu bức biếm họa người tình Edwige giờ đây là vật cản giữa hai người, nó không cho anh tiến đến con người thật của cô. Trí tuệ cô, cái dâm bị che đậy kín đáo, cả hai anh đều không cách gì với tới được. Thật tình, sau mỗi lần làm tình trong im lặng, anh lại tự nhủ sẽ không làm tình với cô nữa. Anh yêu cô vì cô thông minh, chung thủy, cô là người bạn không người thay thế, chứ không phải nhân tình. Nhưng quả vô cùng khó khăn tách biệt bạn ra khỏi nhân tình. Mỗi lần anh đến thăm cô, hai người ngồi nói chuyện đến khuya, Edwige rót rượu uống, đưa ra thuyết này thuyết nọ, ban lời dạy bảo, và cuối cùng, lúc Jan đã mệt lử thì cô đột nhiên im lặng, nụ cười hiền hậu nở sáng trên khuôn mặt. Thế rồi, như thể bị lôi cuốn bởi một sức hút không kềm hãm được, Jan đưa tay sờ ngực cô, và cô đứng dậy cởi bỏ áo quần.

Tại sao nàng muốn làm tình với mình? Anh thường tự hỏi như thế, nhưng anh không tìm ra câu trả lời. Anh chỉ biết rõ một điều, anh làm tình với cô trong im lặng, không khác hơn được, như người công dân đứng nghiêm chỉnh khi nghe bài quốc ca vang lên, mặc dù chắc chắn cả bản thân người công dân lẫn cái quốc gia của hắn chẳng hề xem đó là vui thích.

2.

Trong vòng hai trăm năm qua, loài hắc điểu dần dà bỏ rừng để trở thành chim thành phố. Thoạt tiên là ở Anh vào cuối thế kỷ thứ mười tám, rồi vài thập kỷ sau là Paris và Thung lũng Ruhr. Suốt thế kỷ thứ mười chín, chúng lần lượt chinh phục hết thành phố này đến thành phố nọ ở châu Âu. Chúng xâm chiếm Vienna và Praha vào quãng năm 1900, rồi tràn lan về hướng đông đến Budapest, Belgrade, Istanbul.

Nhìn từ quan điểm của hành tinh quả đất thì sự việc loài hắc điểu xâm lăng thế giới loài người chắc chắn là hệ trọng hơn cuộc xâm lăng đất đai Nam Mỹ của người Tây Ban Nha hay sự trở về Palestine của người Do Thái. Sự xoay chuyển quan hệ giữa những sinh vật khác nhau trên mặt đất (muông thú, con người, cây cỏ) là một dịch chuyển ở tầm mức cao hơn nếu đem so với thay đổi trong quan hệ giữa những nhóm khác nhau trong cùng một giống. Đối với quả địa cầu, sự việc người Celt hay người Slav vào xâm chiếm đất Bohemia, hoặc người Romania hay người Nga chinh phục Bessarabia đều chẳng khác biệt bao nhiêu. Nhưng khi giống hắc điểu từ bỏ thiên nhiên theo gót con người đi vào một thế giới nhân tạo, phi tự nhiên, thì đó là thay đổi thuộc về cấu trúc hữu cơ của quả đất.

Thế nhưng chẳng ai dám diễn dịch hai thế kỷ qua là lịch sử loài hắc điểu vào xâm chiếm các thành phố con người. Tất cả con người chúng ta, ai nấy là tù nhân của một tư duy cứng nhắc nhận thức cái gì hệ trọng và cái gì không, chúng ta dán đôi mắt lo lắng vào những điều hệ trọng, trong lúc ẩn nấp sau lưng ta những điều không hệ trọng âm thầm tiến hành chiến tranh du kích, để cuối cùng thay đổi vận mệnh thế giới và bất thần giáng xuống đầu ta những đòn chí tử.

Nếu có kẻ viết tiểu sử của Jan, kẻ ấy có thể tóm lược thời đoạn cuộc đời anh mà tôi đang miêu thuật nơi đây như sau: Cuộc tình giữa anh và Edwige đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc đời anh chàng Jan bốn mươi lăm tuổi. Sau cùng, từ bỏ lối sống vô tích sự và trống rỗng, anh quyết định dọn nhà từ một thị trấn miền tây châu Âu sang Mỹ để tập trung nguồn năng lực mới vào những việc quan trọng, mà những thành tựu đáng kể đạt được là, vân vân và vân vân.

Nhưng làm cách nào kẻ viết tiểu sử tưởng tượng ấy có thể giải thích cho tôi hiểu rằng cuốn sách Jan ưa thích vào thời điểm ấy lại là cuốn truyện cổ Daphnis và Chloe? Chuyện tình của hai kẻ yêu nhau, hai đứa trẻ thì đúng hơn, và cả hai chẳng biết tí gì về tình yêu xác thịt. Tiếng kêu be be của con sơn dương hòa lẫn tiếng sóng biển, một đàn cừu gặm cỏ dưới tàng cây ô-liu. Hai người trẻ tuổi trần truồng nằm bên nhau, cả hai đều cảm thấy trong tim nỗi đam mê cuồng nhiệt nhưng thật mơ hồ. Họ quấn quýt ôm nhau không rời, và cứ như thế thật lâu, lâu lắm mà không biết làm gì thêm. Họ nghĩ ôm nhau như vậy là khởi đầu và kết thúc của hoan lạc tình yêu. Họ cảm thấy hưng phấn, tim họ đập nhanh, nhưng họ không biết làm tình là gì.

Vâng, Jan cảm thấy mê hoặc với đoạn văn này.

3.

Cô diễn viên Hanna ngồi xếp bằng như một tượng Phật bày bán trong bất cứ tiệm bán đồ cổ nào trên thế giới. Miệng cô nói liên tục trong lúc nhìn ngón tay cái của mình chầm chậm vẽ hình vòng tròn trên mặt chiếc bàn nhỏ kê cạnh xô-pha.

Không phải cử chỉ máy móc của người thần trí bất an có thói quen giậm chân hay gãi đầu, mà là hành vi ý vị, yêu kiều có ý thức và chủ đích. Cô muốn vạch một vòng tròn mầu nhiệm xung quanh cô để cô có thể tập trung toàn diện vào cô và những người khác cũng có thể tập trung vào cô như thế.

Cô thích thú nhìn theo ngón tay cái của mình, chốc chốc ngước nhìn Jan đang ngồi đối diện. Cô bảo anh cô mới trải qua một cơn chấn động tâm thần bởi vì cậu con trai cô, vẫn sống với người chồng cũ, đã trốn nhà bỏ đi mấy hôm rồi. Người cha của cậu tàn nhẫn đến độ anh ta gọi điện báo tin cho cô biết nửa giờ trước khi cô lên sân khấu. Hanna quỵ xuống, nhiệt độ trong người tăng cao, đầu thì nhức khủng khiếp và lạnh băng. “Cái mũi tôi, nó nghẹt đến nỗi tôi không tài nào hỉ ra được!”. Cô bảo Jan trong lúc ngước nhìn anh với đôi mắt to đẹp não nùng. “Cái mũi tôi, nó như một bông cải súp-lơ!”.

Cô có nụ cười của người đàn bà biết trên mặt mình, thậm chí cái mũi đỏ ửng cũng duyên dáng, xinh đẹp. Cô sống với sự hài hòa khuôn mẫu với chính cô. Cô yêu cái mũi, và cô cũng yêu sự dạn dĩ dám gọi cảm lạnh là cảm lạnh và cái mũi là bông cải súp-lơ. Bởi thế, cái đẹp bất quy ước của cái mũi lên tiếng ngợi khen cái dạn dĩ thông minh, và vòng tròn ngón tay cái cô đang vẽ thu gom cả hai cái duyên dáng đó vào bên trong chu vi huyền nhiệm của nó, biểu hiện sự nhất quán không thể chia cắt của cá tính con người cô.

“Tôi lo tôi bị sốt nặng. Anh biết bác sĩ của tôi, ông ấy nói gì không? ‘Hanna, tôi có một lời khuyên cho cô, cô đừng lấy nhiệt độ trong người!’”.

Cô phá lên tràng cười sau câu nói đùa của ông bác sĩ, đoạn nói tiếp: “Anh biết tôi mới gặp ai không? Passer!”.

Passer là một người bạn cũ của Jan. Lần cuối anh gặp Passer là cách đây vài tháng, lúc anh ta sắp phải lên bàn mổ. Ai cũng biết anh ta bị ung thư, mọi người trừ chính Passer, anh ta vẫn sinh hoạt bình thường như người khỏe mạnh đầy năng động đáng kinh ngạc, và nhất quyết không tin bác sĩ, cho rằng hội đồng y khoa đã chẩn bệnh sai. Dù sao chăng nữa, ca mổ của anh ta thập phần nguy hiểm, và sau đó lúc chỉ có Jan bên cạnh, anh ta bảo: “Sau vụ mổ, cậu biết tôi không còn là đàn ông nữa. Đời sống tôi như một người đàn ông chấm dứt rồi”.

Hanna lại nói: “Tôi gặp anh ta tuần rồi tại căn nhà dưới quê của vợ chồng Clevis. Thật là một con người tuyệt vời! Anh ta trẻ hơn bọn mình! Tôi thích anh ta lắm cơ”.

Lẽ ra Jan phải vui khi biết bạn mình được một diễn viên đẹp yêu thích, nhưng điều đó chẳng gây ấn tượng gì nơi anh bởi vì ai cũng yêu thích Passer. Những năm gần đây, danh vọng xã hội của anh chàng bỗng nổi lên như cồn. Tại các tiệc tùng ăn uống linh tinh phù phiếm trong thị trấn, bao giờ người ta cũng bàn tán đôi điều hay ho về Passer, điều đó trở nên gần như một thông lệ.

“Anh biết cánh rừng tuyệt đẹp xung quanh căn nhà dưới quê của vợ chồng Clevis chứ gì? Có nhiều nấm mọc trong cánh rừng đó lắm, và tôi rất mê đi hái nấm! Lúc tôi hỏi có ai muốn theo tôi đi hái nấm không thì không ai muốn đi, ngoại trừ Passer, anh ta bảo: ‘Tôi sẽ đi hái nấm với cô!’. Anh thử nghĩ xem, Passer, một người bệnh! Tôi đã bảo anh rồi đấy, anh ta trẻ hơn bọn mình!”.

Cô lại cúi xuống nhìn theo ngón tay cái, nó vẫn không giây phút ngừng chuyển động thành vòng tròn trên mặt chiếc bàn nhỏ. Cô nói tiếp: “Thế là chúng tôi đi hái nấm, tôi và Passer. Tuyệt lắm, anh Jan ạ. Chúng tôi lạc đường, quên mất lối về nhà, rồi chúng tôi thấy một quán cà phê. Một quán cà phê ở đồng quê trông đen đúa, xấu xí, bụi bặm, nhưng tôi thích lắm. Ở những nơi như vậy, anh uống vang rẻ tiền y như khách trong vùng hay lui tới. Passer tuyệt vời lắm. Tôi thích anh ta quá mất thôi!”.

4.

Vào thời điểm đó, tại những bờ biển miền tây châu Âu, mùa hè phụ nữ ra tắm biển, phơi nắng, mặc áo tắm thường để ngực trần. Dân chúng chia thành hai phe, chống và ủng hộ. Gia đình Clevis – gồm có cha, mẹ và cô con gái mười bốn tuổi – ngồi xem TV, đang theo dõi một buổi tranh luận về đề tài áo tắm không che ngực, trong đó đại diện của gần như tất cả các nhóm trí thức của thời đại đều có mặt. Họ hùng hồn bảo vệ luận điểm của mình. Nhà phân tâm học nhiệt tình bênh vực việc phụ nữ để ngực trần ngoài bờ biển. Ông ta nói về sự phá vỡ các quy ước, để giải phóng chúng ta ra khỏi cái toàn năng của huyễn tưởng tình dục. Nhà lý luận Mác-xít thì lửng lơ, không bênh cũng không chống (Đảng Cộng sản có người bảo thủ nhưng cũng có đảng viên tin theo chủ nghĩa tự do, ngả về một phe là thất sách, thiếu khôn ngoan), thay vào đó, ông ta khôn khéo chuyển hướng tranh luận nhắm vào một vấn đề cơ bản hơn, tính đạo đức giả của xã hội tư sản, mà theo ông ta thì sắp đến hồi cáo chung. Suy nghĩ của đại diện phe Thiên Chúa Giáo có vẻ nghiêng về quan điểm nên duy trì áo che ngực, nhưng ông ta trình bày luận điểm của mình một cách yếu ớt, chỉ bởi ông ta không thoát ra nổi cái tinh thần thời đại phủ trùm; để chống việc phụ nữ để ngực trần, ông ta chỉ có thể nói rằng sự ngây thơ trong trắng của trẻ em thì ai cũng phải có nhiệm vụ và bổn phận tôn trọng và bảo vệ. Ông ta chưa dứt lời, một phụ nữ năng nổ trong bàn hội luận đã lớn tiếng cắt lời bảo nên dẹp bỏ những ta-bu đạo đức giả ấy đi. Hãy cho trẻ em thấy trần truồng không xấu và cha mẹ nên tập cho con cái có cái nhìn mới mẻ này bằng cách không mặc quần áo đi lại trong nhà.

Jan đến nhà Clevis ngay lúc trên TV người đàn bà điều hợp chương trình kết thúc buổi hội luận, nhưng sự hào hứng sôi nổi vẫn tiếp tục hâm nóng mọi người trong căn hộ một lúc khá lâu. Vợ chồng Clevis là người có viễn kiến, và bởi thế họ ủng hộ phụ nữ để ngực trần. Đối với họ, hành vi hàng triệu phụ nữ đồng loạt, như thể nghe theo tiếng hô ra lệnh, ném vào sọt rác mảnh vải không mấy hay ho đó, là biểu tượng con người bứt phá xích xiềng nô lệ. Thử tưởng tượng một đoàn phụ nữ ngực trần diễu hành trên con phố ngang căn hộ vợ chồng Clevis trông như đoàn giải phóng quân hùng dũng tiến bước.

Như tôi đã nói, vợ chồng Clevis là người có viễn kiến, họ có những quan niệm cấp tiến. Có nhiều loại quan niệm cấp tiến khác nhau, và vợ chồng Clevis luôn luôn ủng hộ những quan niệm tốt đẹp nhất. Một ý tưởng cấp tiến tốt đẹp nhất chứa đựng một liều lượng khích động đủ mạnh để những kẻ hỗ trợ cảm thấy hãnh diện về tính cách độc đáo của nó, nhưng đồng thời nó thu hút thật nhiều người ủng hộ để nguy cơ có thể biến thành một ngoại lệ riêng lẻ ngay tức khắc tan biến với sự đồng lòng ồn ỹ của đám đông say men chiến thắng. Thí dụ, giả sử vợ chồng Clevis chẳng những ủng hộ phụ nữ để ngực trần, mà còn chống cả chuyện mặc áo quần nói chung, giả sử họ tuyên bố rằng người ta nên trần truồng khi đi dạo phố, thì đó cũng là một ý tưởng cấp tiến, nhưng chắc chắn không hay nhất. Nó khiến người ta khó ăn khó nói bởi có cái gì quá đáng, người ta sẽ phải hao tổn năng lượng nhiều lắm để bênh vực nó (trong khi một ý tưởng cấp tiến hay nhất, tự thân, đã bênh vực được cho chính nó), và những kẻ nhiệt tâm hỗ trợ sẽ không bao giờ có được thỏa mãn nhìn vị thế bất tùng phục lề thói của mình đột nhiên trở thành vị thế của tất cả mọi người.

Ngồi nghe gia đình nhà Clevis lên án mảnh vải che ngực phụ nữ, Jan bỗng nhớ đến một dụng cụ nhỏ bằng gỗ gọi là ống thăng bằng, mà ông nội anh, một người thợ nề, thường dùng để lấy độ bằng phẳng của bức tường đang xây. Tại ngay giữa món đồ là cái ống thủy tinh nhỏ bên trong đựng chất lỏng với cái bong bóng không khí, vị trí của bong bóng cho biết bức tường gạch ngang hàng hay bị lệch. Gia đình Clevis có thể phục vụ như cái bong bóng không khí trí tuệ. Đặt gia đình này vào một ý tưởng nào đó, ta sẽ biết ngay nó là một ý tưởng cấp tiến tốt đẹp nhất hay không.

Cả ba cái miệng nhà Clevis tranh nhau thuật lại toàn bộ buổi hội luận hào hứng cho Jan nghe, sau đó Papa Clevis chồm người về phía anh, nói với giọng mỉa mai, chế giễu: “Cậu có nghĩ là, nếu ngực các bà trông đẹp thì rất có thể vụ cải cách này sẽ được dễ dàng chấp thuận không?”.

Tại sao Papa Clevis lại biểu lộ suy nghĩ của mình bằng thứ ngôn từ đó? Ông là một chủ nhà tuyệt hảo và luôn luôn tìm những câu nói thích hợp cho mọi người xung quanh. Nhưng bởi Jan mang tiếng là gã đàn ông săn đuổi đàn bà, nên Clevis đã không trình bày thái độ ủng hộ phụ nữ để ngực trần của mình dựa trên nguyên lý quyền lợi hay ý nghĩa sâu sắc của nó; đó là sự đồng lòng mang tính đạo đức. Đằng này, ông đưa ra một thỏa hiệp (tương ứng phẩm vị của Jan và trái ngược niềm xác tín của chính ông); đó là sự đồng lòng mang tính thẩm mỹ về cái đẹp của vú đàn bà.

Ông cố tìm sự chính xác, và cùng lúc, khôn khéo như một nhà ngoại giao: ông không dám nói toạc ra là các cặp vú xấu thì nên che lại. Tuy thế, dù không nói thẳng thừng, cái ý tưởng tuyệt đối không thể chấp nhận, quá rõ ràng từ câu nói của ông, biến thành mục tiêu cho cô con gái mười bốn tuổi tấn công bố.

“Còn cái bụng to tướng của các ông thì Papa tính sao? Những cái bụng phệ phưỡn ra đi lại trên bờ biển chẳng biết xấu hổ là gì!”.

Mama Clevis bật lên tràng cười khoái trá, bà vỗ tay khen con gái: “Bravo!”.

Papa Clevis cũng vỗ tay theo. Ngay tức khắc ông hiểu con gái ông đúng, và thêm một lần nữa ông là nạn nhân của cái thiên hướng thỏa hiệp không tốt, mà vợ con ông luôn luôn trách móc. Nhưng ông là con người ưa chuộng sự hòa giải sâu đậm đến nỗi ông bênh vực ý kiến trung dung của mình bằng vẻ nhún nhường hiếm có và ngay lập tức đồng ý với cô con gái cực đoan. Hơn nữa, lời lẽ đáng kết tội ông vừa thốt ra khỏi miệng không phải suy nghĩ của ông, mà là của Jan, ông dám chắc như vậy; và bởi thế, ông có thể hoan hỉ đứng về phe con gái, không chút do dự, chưa kể còn thấy hãnh diện về con mình.

Thấy cha mẹ vỗ tay tán thưởng, cô gái bèn nói tiếp: “Các ông nghĩ là chúng tôi cởi áo che ngực là để cho các ông thỏa mãn ư? Lầm! Lầm to! Chúng tôi làm vậy là cho chính chúng tôi, bởi vì chúng tôi thích thế, bởi vì chúng tôi cảm thấy sung sướng, bởi vì làm như thế thân thể chúng tôi gần mặt trời hơn! Các ông chỉ có khả năng nhìn chúng tôi như một món đồ chơi tình dục mà thôi!”.

Papa và Mama Clevis lại vỗ tay, nhưng lần này sự tán dương của hai người đượm một giọng điệu khang khác. Câu nói của cô con gái hiển nhiên là đúng, chẳng thể cãi lại được, nhưng nó chẳng thích hợp tí nào với một thiếu nữ mười bốn tuổi. Nó như cậu trai tám tuổi bảo mẹ mình: “Mama, có tên cướp nào trấn lột Mama, con sẽ bảo vệ Mama đến cùng”. Ở trường hợp đó, cha mẹ cậu bé cũng sẽ hoan hô tán thưởng cậu là đứa trẻ dũng cảm, nhưng bởi nó cho thấy sự tự tin thái quá, lời tán dương từ miệng cha mẹ cậu như bị nhiễu xạ bởi nụ cười nào đó. Với nụ cười như thế, lời tán dương con gái lần thứ hai nghe không như lần đầu. Cô gái “nghe” được nụ cười trong giọng nói của cha mẹ cô và cô không bằng lòng, cô bướng bỉnh một cách khó chịu, lặp lại câu nói: “Không thèm nói nữa. Nhưng một điều chắc chắn, tôi không là đồ chơi tình dục của bất cứ ai”.

Không cười, cha mẹ cô chỉ gật gù, ông bà thấy vậy đã đủ rồi, và không muốn khích động con gái mình thêm nữa.

Nhưng Jan không kềm chế được, anh bảo cô gái:

“Hỡi cô gái mến yêu của tôi, phải chi cô biết được để không trở thành một món đồ chơi tình dục thì dễ dàng như thế nào”.

Anh thốt câu nói với giọng nhỏ nhẹ, nhưng đượm một nỗi buồn chân thật nên nó vang vọng trong gian phòng một lúc lâu. Thật khó khăn giữ im lặng bỏ ngoài tai câu nói, nhưng cũng chẳng biết phải trả lời sao. Nó không xứng đáng để tán đồng, bởi nó không cấp tiến, nhưng cũng không thể tranh luận, bởi hiển nhiên nó không ngược lại sự tiến bộ. Chẳng có gì tệ hại hơn câu nói Jan vừa thốt ra, bởi nó nằm ngoài mọi vấn đề tranh cãi chỉ đạo bởi tinh thần của thời đại. Nó ở xa cái tốt lành, cũng không gần cái ác, nó là một ý tưởng không xứng hợp với bất cứ điều gì người ta đang quan tâm.

Gian phòng bỗng chìm vào im lặng, Jan cười gượng gạo như thể xin mọi người thứ lỗi cho điều mình vừa thốt, thế rồi Papa Clevis, bậc sư của nghệ thuật hàn gắn sứt mẻ giữa những người thân, đổi đề tài nói về Passer, người bạn chung của hai người. Cả hai đều ngưỡng mộ Passer: vùng đất này an toàn hơn. Clevis tán dương tính lạc quan của Passer, một cõi lòng khát sống không một biện pháp y khoa nào có thể dập tắt. Và giờ đây hiện hữu của Passer bị đóng khung vào một khoảnh hẹp đời sống, không đàn bà, không ăn ngon, không rượu, không đi đứng bình thường, và không tương lai. Mới đây anh chàng đến thăm gia đình Clevis tại ngôi nhà dưới đồng quê, và hôm đó cô diễn viên Hanna cũng có mặt.

Jan thắc mắc nếu đem cái ống thăng bằng Clevis đặt lên cô diễn viên Hanna thì sẽ thấy ra điều gì. Ở con người Hanna anh thấy toàn những dấu hiệu của tính duy ngã không chịu đựng nổi. Nhưng Jan đã đoán sai cái bong bóng nước nói điều gì. Clevis hoàn toàn tán đồng cung cách đối xử của cô diễn viên đối với Passer. Cô đã nhiệt tình quan tâm tới anh chàng. Cô quả có tính độ lượng thương người, mặc dù ai cũng biết cô vừa trải qua bi kịch gia đình.

“Bi kịch gì?”. Jan ngạc nhiên hỏi lại, anh thật tình quên khuấy chuyện con trai Hanna bỏ nhà đi mấy hôm rồi. Cô ấy bị chấn động, tâm thần hoảng loạn, nhưng với Passer, kẻ đang đứng bấp bênh bên bến bờ tử sinh, thì cô ấy không nghĩ đến mình nữa, và để tìm cách giải khuây cho Passer, cô vui vẻ nói to với mọi người: “Tôi mê đi hái nấm lắm! Có ai muốn theo tôi đi hái nấm không?”. Passer nói anh muốn đi, những người khác không muốn tháp tùng anh ta vì họ nghĩ anh ta muốn đi riêng với cô. Họ đi lang thang trong cánh rừng cả ba tiếng đồng hồ trước khi đặt chân vào một quán cà phê uống rượu đỏ. Bác sĩ đã cấm Passer không được đi bộ nhiều và nhất là không uống rượu. Lúc trở lại trông anh chàng vui vẻ lắm, nhưng ngày hôm sau thì phải đưa vào nhà thương.

“Tôi nghĩ tình trạng của Passer không khá lắm đâu,” Papa Clevis nói thêm như trách móc: “Cậu nên vào thăm hắn một tí”.

5.

Jan tự nhủ: “Tại khởi đầu của đời sống tình dục, có hưng phấn nhưng không có cực khoái, và tại kết thúc, có cực khoái những không có hưng phấn”.

Hưng phấn mà không cực khoái là Daphnis. Cực khoái mà không hưng phấn là cô gái bán hàng trong tiệm cho thuê đồ thể thao.

Cách đây khoảng năm trời, lúc mới gặp cô, anh rủ rê cô lại chỗ anh ở, cô tuyên bố một câu để đời: “Nếu chúng mình làm tình, về mặt kỹ năng tôi chắc sẽ tốt lắm, nhưng tôi không chắc về mặt cảm xúc”.

Anh bảo cô rằng, riêng về phần anh, cô có thể tuyệt đối chắc chắn về mặt cảm xúc, và cô chấp nhận sự đảm bảo đó từ anh y như cô thường ngày nhận tiền đặt cọc của khách hàng vào tiệm thuê dụng cụ trượt tuyết, và cô không bao giờ hé môi nói thêm nửa lời về cảm xúc. Còn về mặt kỹ năng thì thật tình cô làm anh càng ngày càng đuối sức.

Cô là loại đàn bà cuồng dâm và cô thích đạt tuyệt cảm ái ân. Đối với cô tuyệt cảm ái ân là một tôn giáo, một mục đích, một yêu cầu cao nhất cho sự sạch sẽ, một biểu tượng tốt về sức khỏe, nhưng nó cũng là nguồn hãnh diện, một phương tiện để tách rời cô ra khỏi những người đàn bà thiếu may mắn khác, như sở hữu một chiếc du thuyền hay có một vị hôn phu tiếng tăm lừng lẫy.

Nhưng chẳng dễ dàng cho Jan chút nào để thỏa mãn cô. Lúc làm tình, cô cứ la lên: “Nhanh lên, nhanh lên”, đoạn, “Chậm lại, chậm lại, từ từ nào”, rồi, “Mạnh vào, mạnh vào”, như người trưởng toán thuyền đua luôn mồm hối thúc đoàn chèo thuyền chèo thật mạnh để chiếc thuyền phóng tới như tên bắn. Cô tập trung vào những vùng nhạy cảm trên da thịt mình rồi hướng dẫn tay anh vào đúng chỗ, đúng lúc. Mồ hôi mồ kê tươm ra nhễ nhại trên người, anh nhìn thấy vẻ mất kiên nhẫn trong mắt cô gái, thân thể cô quằn quại không ngừng như lên cơn sốt, cái cơ thể như một cỗ máy cho ra một cảm giác nổ bùng, một cảm giác mang ý nghĩa và cũng là mục đích của mọi thứ trên đời.

Hôm rời chỗ ở của cô lần cuối cùng, Jan bỗng nhớ đến Hertz. Ông ta là giám đốc đoàn opera tại thành phố vùng Trung Âu nơi anh lớn lên. Tại những buổi tập dượt đặc biệt, ông ta bắt các ca sĩ nữ phải cởi bỏ y phục, hoàn toàn trần truồng từ trên xuống dưới trong suốt buổi tập. Để nắm chắc dáng điệu thân thể các ca sĩ, ông ta bắt họ cắm một cây bút chì vào hậu môn. Cây bút chì chỉ xuống sàn sân khấu là đường nối dài của cột sống, nhờ đó ngài giám đốc nặng tính khổ luyện ấy có thể kiểm tra từng bước đi, cử chỉ, điệu bộ thân hình các ca sĩ, với mức độ chuẩn xác khoa học.

Một hôm, một cô ca sĩ soprano trẻ cãi nhau với ngài giám đốc, và cô đem vụ việc tố cáo lên ban điều hành. Hertz tự bào chữa, nói ông ta chưa bao giờ lợi dụng sàm sỡ các cô, chưa bao giờ đặt tay lên người bất cứ cô nào. Điều đó đúng, nhưng nó khiến cái trò tiểu xảo cắm bút chì vào hậu môn thậm chí bỉ ổi hơn, và Hertz phải bỏ thành phố mà đi biệt trong ô nhục.

Vụ đó gây xôn xao dư luận, và bởi thế ngay từ khi còn rất trẻ Jan đã thích đi xem opera. Nhìn những cô ca sĩ hát trên sân khấu, bộ tịch này nọ, đầu hất ngược về phía sau, miệng há thật to, anh tưởng tượng tất cả đều trần truồng. Giàn nhạc rên xiết, các cô đưa tay lên bóp vú trái, và Jan tưởng tượng cây bút chì thò ra từ những mông đít trần trụi. Tim anh đập mạnh: hưng phấn của Hertz khiến anh hưng phấn! (Cho đến tận ngày hôm nay, anh vẫn không thể thưởng thức một vở đại nhạc kịch bằng cách nào khác, anh đặt chân vào đại thính đường với lòng dạ hồi hộp của cậu trai mới lớn lén lút chui vào rạp chiếu phim con heo).

Jan lại tự nhủ: Hertz quả là tay phù thủy lão luyện khi lão tìm ra công thức tạo hưng phấn với cây bút chì cắm vào đít. Và anh cảm thấy xấu hổ với lão già quái quỷ: Hertz sẽ không bao giờ chịu vất vả lao động như Jan đã hì hụi đổ mồ hôi hột trên thân thể trần truồng của cô gái bán hàng trong tiệm cho thuê đồ thể thao.

6.

Loài hắc điểu xâm lăng vào thành phố xảy ra ở mặt trái lịch sử châu Âu, tương tự như thế, câu chuyện tôi đang thuật cũng xảy ra ở mặt trái đời sống Jan. Tôi đang thu gom những biến cố rời rạc, mà có lẽ Jan không mấy để ý đến, bởi ở mặt phải đời sống anh lúc đó là những biến cố và lo toan khác: anh được nhận sang Mỹ làm việc, một công việc chuyên ngành, và anh đang chuẩn bị lên đường.

Mới đây anh tình cờ chạm trán Barbara ngoài phố. Cô trách móc tại sao anh chẳng bao giờ quá bộ đến nhà cô lúc cô mở tiệc. Ai cũng biết nhà Barbara là cái tổ quỷ chuyên bày những trò giao hợp tập thể. Jan thậm ghét thói ngồi lê đôi mách ác độc của thiên hạ và suốt mấy năm qua anh từ chối lời mời của cô. Nhưng lần này anh cười cười nhận lời: “Vâng, tôi sẽ vui vẻ đến”. Anh biết anh sẽ chẳng bao giờ quay lại thị trấn này nữa, vì thế chẳng sợ ai nói gì về mình. Anh tưởng tượng cảnh nhà Barbara đầy đàn ông đàn bà trần truồng, vui vẻ lui tới tự nhiên, ồn ỹ tiệc tùng, và anh nhủ thầm, tốt, một cách rất tốt để ăn mừng ngày mình ra đi.

Bởi Jan sắp đi. Vài tháng nữa thôi anh sẽ bước chân ngang qua đường biên ranh giới, một biên thùy. Và khi nghĩ đến đó, từ “biên thùy” trong ý nghĩa địa dư thông thường nhắc nhở anh một biên thùy khác, một biên thùy phi hình tượng và phi vật thể, mà anh nghĩ đến nhiều trong thời gian gần đây.

Biên thùy gì?

Người đàn bà anh yêu nhất (lúc đó anh ba mươi tuổi) bảo anh (lúc nghe chuyện anh gần như tuyệt vọng) rằng cô đang bám víu vào sự sống bằng một sợi tơ. Vâng, cô muốn sống lắm, đời sống đem lại cho cô nhiều vui sướng, nhưng cô cũng biết rằng cái “em muốn sống” của cô chỉ được nâng đỡ trên những sợi tơ mong manh của cái mạng nhện. Chỉ cần một chút xíu, một chút xíu cực nhỏ, để thấy ta đứng ở bên kia biên thùy, nơi tất cả mọi thứ – tình yêu, niềm xác tín, đức tin, lịch sử – không còn ý nghĩa gì nữa. Toàn thể cái bí nhiệm của đời sống con người nằm trong sự kiện nó ở ngay sát biên thùy, và thậm chí trực tiếp va chạm nhau, khoảng cách giữa nó và biên thùy không đo bằng ki-lô mét mà mi-li mét.

7.

Mỗi người đàn ông đều có hai bản tiểu sử đời sống tình dục. Bản thứ nhất là những điều người đời bàn tán về anh ta, nó liệt kê những cuộc tình anh ta nếm trải.

Bản tiểu sử kia chắc chắn thú vị hơn: nó trưng ra một đoàn đàn bà anh ta thèm muốn nhưng chẳng bao giờ có, một lịch sử đớn đau về những khả thể không có được.

Nhưng cũng tồn tại một bản thứ ba, một thể loại kỳ bí khó hiểu khiến ta khổ sở. Đó là những đàn bà ta thích và cũng thích ta, nhưng ta chỉ thấy họ trong một thoáng chốc và chẳng bao giờ tiến đến gần, bởi trong quan hệ giữa ta và họ, ta là kẻ đứng ở phía bên kia biên thùy.

Trên một chuyến tàu hỏa Jan ngồi đọc sách. Bỗng cửa buồng xịch mở và một người đàn bà trẻ đẹp bước vào ngồi xuống đối diện anh (ghế chỉ còn mỗi chỗ đó trống), anh không biết cô, nhưng lúc ngồi xuống cô nhìn anh gật đầu chào. Anh gật đầu chào lại, và cố lục lạo trí nhớ xem mình có gặp cô ở đâu không. Đoạn anh quay về với cuốn sách đang đọc dở trên tay, nhưng anh không tài nào đọc sách được nữa. Anh có cảm tưởng người đàn bà ngồi đối diện đang tò mò nhìn anh và chờ đợi anh lên tiếng.

Anh gấp sách, hỏi cô: “Hình như tôi gặp cô ở đâu rồi, phải không?”.

Vâng, cô bảo anh, tôi gặp anh tại nhà một người bạn, cách đây năm năm. Nhớ lại chuyện cũ, anh hỏi cô từ đó đến nay làm gì, những người bạn đó ra sao, hiện tại cô đang làm nghề gì, có thú vị không.

Anh luôn luôn biết cách biến báo để tạo sự thân mật giữa anh và bất cứ người đàn bà nào. Nhưng lần này anh có cảm tưởng mình là người của phòng nhân viên một công ty đang phỏng vấn người đàn bà xin việc.

Anh ngưng nói, mở sách ra đọc tiếp, nhưng cảm giác của anh bây giờ là đang ngồi trước một hội đồng giám tuyển, với hồ sơ của anh mở rộng trên bàn, và bị chú mục chăm chăm. Anh cố đặt mắt vào trang sách, nhưng vẫn không đọc được, anh biết cái hội đồng giám tuyển đó đang kiên nhẫn đếm từng giây phút im lặng để tính toán hạng điểm cho anh.

Một lần nữa anh gấp sách và gợi chuyện với người đàn bà trẻ, lần này câu chuyện nhẹ nhàng hơn, nhưng cũng chẳng đi tới đâu.

Có lẽ tại ngồi chung buồng với người lạ nên không có cảm giác riêng tư? Anh đoán thế và anh rủ cô xuống toa ăn uống, tìm bàn hai chỗ ngồi, và nói chuyện tiếp. Tại đây anh nói chuyện dễ dàng hơn nhưng vẫn không tài nào đánh que diêm lóe sáng điều muốn đạt.

Hai người quay về buồng tàu. Anh mở sách đọc tiếp, và vẫn như cũ, không đọc được chữ nào.

Người đàn bà ngồi im lặng trước mặt anh một lúc lâu, đoạn cô đứng dậy bước ra hành lang tựa thành cửa sổ xem cảnh.

Anh cảm thấy khó chịu lắm với chính mình. Anh thích cô, và hành động cô bước ra ngoài hiển nhiên là sự mời mọc không lời bảo anh ra theo với cô.

Vào phút cuối, một lần nữa anh cố cứu vãn tình thế. Anh bước ra hành lang đứng cạnh cô. Anh bảo cô anh không nhận ra cô vì có lẽ cô đổi kiểu tóc. Anh đưa tay lên trán cô vén mớ tóc lòa xòa trên khuôn mặt mà nhìn vào anh thấy đột nhiên đổi khác.

“A, bây giờ tôi nhận ra cô rồi”, anh bảo cô. Dĩ nhiên, anh nào nhận ra cô, nhưng chuyện đó không quan hệ. Anh chỉ muốn đặt tay mình lên mái tóc cô, nhè nhẹ đẩy khuôn mặt ngước lên một chút, và nhìn vào đôi mắt.

Trong đời, đã bao nhiêu lần anh làm cử chỉ đó với đàn bà? Lấy tay đẩy nhẹ khuôn mặt cho ngước lên rồi nói bằng giọng êm ái du dương: “Xem nào, cái mặt đẹp của em”. Sự va chạm sống sượng và cái nhìn kẻ cả ngay tức khắc đảo ngược tình thế, như thể nó chứa đựng mầm mống (lấy từ tương lai) viễn ảnh rực sáng anh hoàn toàn làm chủ cô.

Nhưng lần này hành động tình tứ đó của anh không hề có một hiệu ứng nào. Cái nhìn của anh vào mắt cô yếu hơn nhiều so với cái nhìn của hội đồng giám tuyển đang chiếu tia mắt nghi ngờ lên anh, cái hội đồng ấy biết rõ anh đang lặp lại chính anh và bảo anh rằng tất cả những gì lặp lại chỉ là đồ mạo hóa và tất cả đồ mạo hóa đều vô giá trị. Đột nhiên Jan nhìn thấy chính anh trong đôi mắt người đàn bà. Nhưng đó là một gã đóng kịch câm thảm thương diễn đi diễn lại một hành động cũ kỹ sáo mòn, chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nó mất cái ngẫu phát tự nhiên rồi, ý nghĩa tức thời cũng không có, và anh cảm thấy cổ tay mình như đeo quả tạ sáu kí-lô. Ánh mắt người đàn bà chiếu vào anh tạo một từ trường lạ lùng khiến quả tạ nặng lên gấp mười lần.

Anh không thể nào tiếp tục cái trò diễn dở ấy được nữa. Anh lấy tay về, im lặng, đưa mắt nhìn phong cảnh chạy giật lùi ngoài cửa sổ.

Chuyến tàu đỗ tại trạm đến. Anh và người đàn bà cùng bước ra khỏi ga, cô bảo anh chỗ cô ở gần đây và mời anh quá bộ đến chơi.

Anh từ chối lời mời.

Anh nghĩ ngợi về chuyện đó cả mấy tuần lễ sau: làm sao mình có thể từ chối một người đàn bà mình thích?

Trong quan hệ giữa anh và người đàn bà đó, anh đứng ở phía bên kia biên thùy.

8.

Người ta hay nói về cái nhìn của đàn ông lên đàn bà. Nó có vẻ như là cái nhìn lạnh lẽo dán lên người đàn bà như thể đang đo lường, đong đếm, định lượng, chọn lựa, nói cách khác, như thể biến cô thành món đồ.

Ít nghe hơn là người đàn bà không hẳn hoàn toàn vô phương tự vệ trước cái nhìn đó. Nếu cô bị biến thành món đồ thì cô cũng nhìn lại đàn ông với đôi mắt của món đồ. Như thể chiếc búa đột nhiên có mắt và nó nhìn chăm chăm người thợ mộc đang nắm chặt nó giáng xuống cây đinh. Thấy con mắt dữ dội của chiếc búa, người thợ mộc hoảng hốt mất tự tin và đập trúng ngón tay cái mình.

Người thợ mộc là chủ chiếc búa, nhưng chiếc búa có lợi thế hơn người thợ mộc, bởi tuy chỉ là một dụng cụ nhưng nó biết chính xác phải sử dụng như thế nào, trong khi kẻ sử dụng nó chỉ biết đại khái phải làm gì thôi.

Khả năng nhìn lại khiến chiếc búa biến thành một sinh vật, người thợ mộc giỏi là kẻ biết chịu đựng cái nhìn ngạo ngược của nó, và với tay nắm thật chắc biến nó trở lại thành món đồ. Như thể người đàn bà biến thiên từ hạ giới lên thượng giới, từ thượng giới xuống hạ giới, từ vật thể biến thái thành sinh thể và từ sinh thể biến thái thành vật thể.

Chuyện này xảy ra càng ngày càng thường xuyên hơn cho Jan khiến anh không đem cái trò cây-búa-người-thợ-mộc ra chơi được nữa. Đàn bà nhìn lại anh với ánh mắt chao chác, ngạo ngược. Họ phá hỏng trò chơi. Phải chăng bởi họ đã bắt đầu tổ chức và nhất quyết cải cách truyền thống ngàn đời của phụ nữ? Hay bởi Jan già đi và anh nhìn đàn bà khác thuở trước, anh thấy cái nhìn của họ lên anh cũng khác? Thế giới đổi thay, hay tại anh?

Khó nói. Điều chắc chắn là người đàn bà trẻ đẹp trên chuyến tàu hỏa nhìn anh từ trên xuống dưới với đôi mắt nghi ngờ dè dặt, và anh đã buông chiếc búa, thậm chí không buồn nhấc nó lên.

Mới đây anh tình cờ gặp Pascal. Vừa gặp nhau, anh chàng đã mở lời than phiền về Barbara. Barbara mời Pascal lại nhà dự tiệc, tại đó anh ta gặp hai cô gái lạ. Chủ khách chuyện trò rôm rả, bỗng Barbara bỏ vào bếp đem ra một chiếc đồng hồ báo thức lớn loại cổ bằng thiếc. Chẳng nói chẳng rằng cô cởi quần áo và hai cô gái kia cũng làm theo.

Pascal rên lên với Jan: “Cậu phải biết chúng nó cởi quần áo một cách bình thản, dửng dưng như thể tôi là con chó hay cái bình hoa”.

Đoạn Barbara ra lệnh cho Pascal cũng phải cởi quần áo. Không muốn đánh mất cơ hội làm tình với hai cô gái lạ, anh chàng mau mắn tuân lời. Lúc anh chàng trần truồng như nhộng, Barbara nâng cao chiếc đồng hồ báo thức: “Pascal, anh nhìn vào kim chỉ phút. Trong vòng một phút mà anh không cứng thì anh phải cút xéo khỏi nhà tôi”.

“Chúng nó nhìn chăm chăm vào hạ bộ tôi, và trong lúc chiếc đồng hồ kêu tíc toóc tíc toóc thì chúng nó bắt đầu phá lên cười ngặt nghẽo!”.

“Thế rồi?…”. Jan hỏi.

“Chúng nó ném tôi ra khỏi nhà chứ còn gì nữa”.

Đó là trường hợp cây búa quyết định thiến người thợ mộc.

“Em biết Pascal là thằng đàn ông ham hố và thô lỗ, anh đồng ý với biện pháp trừng trị của Barbara và hai nữ tướng của cô ta, đã cho hắn một bài học”. Jan nói với Edwige. “Hơn nữa, Pascal và mấy tên bạn khả ố của hắn từng xử ác với đàn bà con gái y như Barbara làm với hắn. Một lần, có cô gái tới chỗ hắn để tham gia cuộc vui, Pascal và mấy tên bạn đó hè nhau lột quần áo cô rồi trói cô vào giường. Cô không phản đối chuyện bị trói, vì đó là một phần trò chơi. Cái gây xì-căng-đan chính là việc mấy gã đó chẳng làm gì cô, chạm tay vào da thịt cô cũng không, bọn chúng để cô nằm đó không đi đâu được, rồi bâu xung quanh xem xét thân thể cô như thể đó là một hiện vật kỳ lạ. Cô gái có cảm tưởng như cô bị bề hội đồng”.

“Điều đó có thể hiểu được”. Edwige đáp lời anh.

“Nhưng anh có thể dễ dàng tưởng tượng cô gái thấy hưng phấn lúc bị trói và những con mắt đàn ông hau háu nhìn vào từng phân vuông da thịt mình. Ở hoàn cảnh tương tự, Pascal sẽ không thấy hưng phấn. Hắn như bị thiến”.

Đêm đã khuya, họ ngồi uống rượu tại nhà Edwige, trên bàn trước mặt, chai whiskey còn lưng nửa. “Anh muốn nói cái gì?”. Edwige không hiểu, hỏi lại.

Jan bảo cô: “Anh chỉ muốn nói là cùng một chuyện, đàn ông đàn bà không giống nhau. Đàn ông hiếp đàn bà, đàn bà thiến đàn ông”.

“Ý anh muốn nói thiến đàn ông thì ác độc, còn hiếp đàn bà thì không sao, có phải thế không?”.

“Anh chỉ muốn nói hiếp là một phần của tình dục, còn thiến là cái gì ngược lại”.

Edwige ực một hơi cạn ly rượu, cô giận dữ trả lời anh:

“Nếu hiếp là một phần của tình dục thì toàn bộ cái gọi là tình dục ấy quay lại chống đàn bà, và nếu thế thì cần phát minh ra một loại tình dục khác”.

Jan nhắp một ngụm rượu, anh im lặng một lúc lâu rồi nói tiếp:

“Nhiều năm trước, khi anh còn ở xứ anh, anh và mấy thằng bạn lúc đó có làm một bảng liệt kê những tiếng các cô gái nói nhiều nhất trong lúc làm tình. Em biết tiếng gì thốt ra từ miệng con gái nhiều nhất không?”.

Edwige bảo không biết.

“Tiếng ‘không’. Tiếng ‘không’ phát ra liên tục thành: ‘Không, không, không, không, không, không, không…’. Cô gái đến chỗ ở của cậu trai để làm tình, nhưng khi cậu trai ôm cô vào lòng thì cô đẩy cậu ra và nói ‘Không’. Tiếng ‘không’ khiến hành động yêu đương như rực đỏ và biến nó thành hiếp dâm. Thậm chí lúc sắp lên đến tuyệt đỉnh, các cô gái cũng kêu ‘Không, không, không, không, không’, và nhiều cô còn kêu lớn ‘Không’ ngay lúc tuyệt đỉnh. Từ lúc đó trở đi, đối với anh, ‘không’ là một từ khoác ngự bào. Còn em thì sao? Có bao giờ em nói ‘Không’ không?”.

Edwige bảo anh cô không bao giờ nói “Không”. Tại sao phải nói điều mình không muốn nói? Đàn bà nói ‘không’ tức là ‘có’. Cái câu truyền miệng của đàn ông hạ giá đàn bà ấy luôn luôn làm em nổi giận. Nó ngu xuẩn như tất cả lịch sử loài người”.

“Thế nhưng lịch sử ấy nằm bên trong ta, và ta chẳng thể nào vuột thoát nó được”, Jan đáp lời cô. “Đàn bà chạy trốn và tự vệ. Đàn bà cho, đàn ông nhận. Đàn bà lấy vải che người, đàn ông xé toạc ra. Đây là những ảnh tượng từ ngàn xưa mà ta mang trong người!”.

“Cổ hủ và ngu xuẩn hết chỗ nói! Ngu xuẩn như những ảnh tượng thánh thần. Nhưng nếu đàn bà bắt đầu chán, không thích tuân theo lề thói nữa, nếu sự lặp lại muôn đời ấy khiến đàn bà muốn mửa, nếu họ muốn sáng tạo những ảnh tượng khác, trò chơi khác, thì sao?”.

“Đúng, đó là những ảnh tượng ngu xuẩn được lặp lại một cách ngu xuẩn. Em hoàn toàn đúng. Nhưng nếu lòng ham muốn thân xác đàn bà của đàn ông tùy thuộc vào chính những ảnh tượng cổ hủ ngu xuẩn ấy, thì sao? Nếu triệt tiêu những ảnh tượng ấy trong lòng đàn ông thì liệu đàn ông còn làm tình với đàn bà được nữa không?”.

Edwige phá lên cười: “Jan ơi, em nghĩ anh không cần lo lắng như thế”.

Đoạn cô nhìn anh với ánh mắt một từ mẫu: “Và anh cũng không nên nghĩ tất cả đàn ông đều giống anh. Làm sao anh biết được đàn ông khác như thế nào lúc họ nằm một mình với đàn bà?”.

Thực tình làm sao Jan biết được đàn ông khác như thế nào lúc họ nằm một mình với đàn bà. Giây phút im ắng sau đó nụ cười hạnh phúc nở trên môi Edwige, có nghĩa là đã khuya lắm rồi, và đã đến lúc Jan bấm máy cho chạy cuốn phim không hình ảnh trên thân thể cô.

Sau một lúc ngẫm nghĩ, cô nói thêm: “Nói cho cùng, làm tình không quan trọng”.

Hai tai Jan vểnh lên: “Em không nghĩ làm tình là quan trọng ư?”.

Nụ cười trìu mến vẫn đọng trên môi cô, cô dịu dàng bảo anh: “Không, em nghĩ làm tình không quá quan trọng như người ta thường nghĩ”.

Jan đột nhiên quên sạch mọi chuyện anh và cô vừa tranh luận, bởi anh vừa khám phá ra điều hệ trọng hơn nhiều: đối với Edwige, tình yêu xác thịt chỉ là một dấu hiệu, một hành động tượng trưng khẳng định tình bạn giữa hai người.

Đêm hôm đó, lần đầu tiên Jan dám mở miệng than mệt với cô. Anh nằm cạnh cô trên giường như một người bạn trong sạch, anh không bấm máy, mà để cuốn phim đứng im. Trong lúc vuốt tóc cô, anh thấy cái cầu vồng an bình mọc cao trên vòm trời tương lai của hai người.

*Trịnh Y Thư dịch từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh ngữ của Aaron Asher.

(Còn tiếp)

Milan KunderaTrịnh Y Thư

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét