Một số tác phẩm của Milan Kundera được Nhã Nam xuất bản |
TẬP SÁCH CÁI CƯỜI & SỰ LÃNG QUÊN (14)
13.
Tại sao Tamina lạc
loài trên hòn đảo nhỏ toàn trẻ con? Tại sao tôi tưởng tượng cô như thế?
Tôi không biết.
Có thể do hôm cha tôi chết, tôi nghe vang vang tiếng trẻ con hát những bài hát hùng mạnh, vui tươi.
Tại tất cả những vùng
đất phía đông sông Elbe, thanh thiếu niên đều phải tham gia những tổ chức có
tên gọi là Thiếu niên Tiền phong. Chúng đeo khăn quàng đỏ, họp hành y như người
lớn, và thi thoảng đồng ca bài “Quốc Tế Ca.” Chúng có tục lệ thắt khăn quàng đỏ
vào cổ một nhân vật người lớn quan trọng nào, và trao tặng người đó tước hiệu
Tiền phong danh dự. Người lớn thích trò này lắm, và người tuổi càng cao càng
thích nhận khăn quàng đỏ từ trẻ con để bài trí, tô điểm quan tài của mình.
Bọn họ, ai cũng từng
nhận khăn quàng đỏ – Lenin có một chiếc, Stalin cũng thế, và cả Masturbov,
Sholokhov, Ulbricht, Brezhnev. Riêng Husak thì nhận ngay hôm đó trong buổi lễ
tại lâu đài Praha.
Cơn sốt của Papa có
thuyên giảm đôi chút. Trời tháng Năm, chúng tôi mở cửa sổ trông ra vườn. Màn
ảnh TV căn nhà đối diện đang chiếu cảnh buổi lễ, âm thanh len lỏi xuyên qua
cành lá cây táo đang đơm bông lọt vào tai chúng tôi. Chúng tôi nghe tiếng trẻ
em hát đồng ca giọng cao vút.
Vị bác sĩ cũng có mặt
trong phòng, ông ngồi cạnh giường, gương mặt đăm chiêu nhìn Papa. Papa không
nói được nữa. Ông bác sĩ quay sang tôi, nói to: “Ông ấy không còn biết gì nữa,
não đang chết”. Tôi thấy đôi mắt xanh biếc của Papa vẫn mở to.
Lúc vị bác sĩ rời nhà,
tôi cảm thấy luống cuống vì muốn nói gì đó để chặn cái âm thanh từ TV nhà hàng
xóm vọng sang. Tôi chỉ tay ra cửa sổ: “Papa nghe thấy gì không? Thực là khôi
hài! Chúng nó đang làm lễ trao tặng Husak tước hiệu Tiền phong danh dự!”.
Papa bỗng bật lên
cười. Ông cười để cho tôi thấy rằng não bộ ông vẫn tốt và tôi có thể tiếp tục
nói chuyện cùng vui đùa với ông.
Len lỏi xuyên qua cành
lá cây táo, giọng Husak lọt vào tai cha con chúng tôi: “Các cháu thân mến! Các
cháu là tương lai”.
Đoạn, tiếp theo: “Các
cháu chớ bao giờ quay đầu nhìn lại!”.
“Con ra đóng cửa sổ để
mình khỏi phải nghe, nhé Papa”. Tôi nháy mắt với Papa, và nhìn tôi với nụ cười
đẹp vô hạn, ông khẽ gật đầu.
Vài giờ sau, cơn sốt
trong người ông một lần nữa đột nhiên tăng. Ông cưỡi ngựa thêm vài hôm, và
không bao giờ thấy lại tôi nữa.
14.
Nhưng lạc lõng giữa
đám trẻ con, cô biết làm gì bây giờ, cậu trai chèo thuyền và chiếc thuyền biến
mất, xung quanh cô là hồ nước mênh mông.
Cô sẽ chiến đấu.
Thực là buồn, ở cái
tỉnh lị nhỏ bé miền tây châu Âu đó, cô chẳng bao giờ phải cố gắng đạt cái gì,
còn tại đây, giữa lũ trẻ con (thế giới của sự vật không trọng lượng), cô lại
phải chiến đấu ư?
Nhưng cô phải chiến
đấu như thế nào?
Hôm mới đặt chân lên
đảo, cô không chịu chơi với lũ trẻ và lên giường nằm như trốn tránh trong tòa
thành kiên cố, cô có cảm tưởng lũ trẻ không mấy thiện cảm với cô và cô sợ hãi.
Giờ đây cô phải cố gắng tự đứng ra cầu thân với chúng. Để làm như thế, cô phải
tự đặt mình như bọn chúng, làm quen với thứ ngôn ngữ chúng sử dụng trong lúc
nói chuyện. Thế là cô bắt đầu tham dự tất cả những trò chơi, góp ý với lũ trẻ,
và dùng sức mạnh của mình để những trò chơi trở nên thú vị hơn. Chẳng bao lâu
nhờ sự nhiệt tình thân thiện, bọn trẻ trở nên yêu mến cô hơn.
Tự đặt mình như bọn
chúng có nghĩa là cô phải hy sinh phần riêng tư. Cô tắm chung với chúng, mặc dù
hôm đầu tiên cô nhất định không chịu theo chúng vào phòng tắm, bởi cô không thể
tắm trong lúc chúng dán mắt vào thân hình trần truồng của cô.
Phòng tắm ốp gạch men,
rộng lắm. Nó là trung tâm đời sống và những ý nghĩ thầm kín của lũ trẻ. Ở một
bên phòng có mười bàn cầu, và phía bên kia là mười cái bồn tắm. Trong lúc một
đội ngồi trên bàn cầu, áo ngủ dài vén lên bụng, thì đội khác đứng trần truồng
trong bồn tắm. Những đứa ngồi trên bàn cầu nhìn những đứa đứng trong bồn tắm,
những đứa đứng trong bồn tắm nhìn những đứa ngồi trên bàn cầu. Có cái gì đó
phảng phất sự mê đắm xâm lấn cả căn phòng, nó đánh thức một ký ức mơ hồ bên
trong Tamina, mà cô đã quên từ lâu lắm.
Tamina ngồi trên bàn
cầu, áo ngủ vén lên bụng, và tất cả những đứa trẻ đội Hổ đứng trần truồng trong
bồn tắm dán mắt vào cô. Đoạn một loạt tiếng nước dội cầu kêu ùng ục, đội Sóc
đứng lên cởi áo ngủ và bước lại bồn tắm, đội Hổ đi ra, đội Mèo từ ngoài bước
vào, chúng ngồi xuống bàn cầu chỗ đội Sóc vừa đứng lên rồi giương mắt nhìn
Tamina với vùng hạ thể đen mướt và cặp vú to đang kỳ cọ trong bồn tắm cùng
những đứa trẻ đội Sóc.
Cô không thấy xấu hổ
nữa. Cô có cảm tưởng với thân xác người lớn của cô, đứng giữa những cái háng
nhẵn thín không một sợi lông, cô là một nữ hoàng.
15.
Bởi thế, có vẻ như
chuyến du hành đến hòn cù lao giữa hồ này không phải một âm mưu cốt hãm hại cô
như cô tưởng hôm thoạt trông thấy ngôi nhà tập thể và chiếc giường. Ngược lại,
cuối cùng nó là nơi chốn cô hằng vọng tưởng: cô quay lại thời kỳ thật xa xưa,
thời điểm khi chồng cô không hiện hữu, không có trong ký ức và cũng không là
cái cô khao khát, thời điểm không có trọng lượng, không có điều gì phải ân hận.
Phẩm tiết cô, chẳng có
gì để nói, nó luôn luôn toàn vẹn (phẩm tiết là cái bóng thủy chung của tình
yêu), và tại nơi đây cô phơi bày thân thể trần truồng của mình cho hàng chục
đôi mắt lạ nhìn vào. Lúc đầu cô cứ giật mình và cảm thấy khó chịu, nhưng chẳng
bao lâu cô quen dần, bởi sự trần truồng của cô chẳng dính dáng gì đến phẩm
tiết, nó chỉ giản dị mất đi mọi ý nghĩa và trở nên vô cảm, xơ cứng, chết. Thân
xác mà mỗi phân vuông trên đó đều mang dấu vết tình yêu vợ chồng nay co rút lại
thành cái vô nghĩa, và trong đó là sự an nghỉ thảnh thơi.
Nhưng vào lúc cảm giác
rạo rực xác thịt người lớn trong cô bắt đầu tan biến, thì bỗng dưng một kích
thích khác từ quá khứ xa xăm dần dà ló dạng. Ký ức tưởng đã hoàn toàn lãng quên
bỗng quay về. Thí dụ như (thảo nào từ lâu lắm cô đã quên bẵng chuyện ấy, bởi
một Tamina trưởng thành sẽ thấy nó buồn cười đến độ lố bịch, và không thể xảy
ra được): năm học lớp Một bậc Tiểu học, cô thần tượng cô giáo trẻ đẹp trong
lớp, và suốt mấy tháng dài cô mơ mình tắm chung với cô giáo.
Bây giờ ngồi trên bàn
cầu, miệng mỉm cười và hai mắt mơ màng nửa khép nửa mở, cô tưởng tượng cô là cô
giáo lớp Một đó và đứa bé gái mặt tàn nhang ngồi tại bàn cầu bên cạnh đang nhìn
cô không chớp mắt là con bé Tamina của thuở xa xăm. Đôi mắt đắm đuối bên trên
hai gò má lấm tấm tàn nhang của con bé khiến cô thấy rúng động đến nỗi nó chui
vào thật sâu trong ký ức mịt mùng, và nửa tỉnh nửa mê, cô cảm thấy rạo rực
trong lòng y như lúc cô mơ được tắm chung với cô giáo mình.
16.
Nhờ Tamina, đội Sóc
thắng gần như tất cả các trò chơi, và chúng quyết định chính thức ban thưởng
cô. Bọn trẻ thi hành mọi trừng phạt hay ban thưởng trong phòng tắm, và phần
thưởng của Tamina là mọi đứa trong đội sẽ phục vụ cô tối hôm đó: tối đó, cô
không được phép đụng đến thân thể mình – mọi việc sẽ do những đầy tớ trung
thành của cô, tức đội Sóc, tận tình thi hành, chúng sẽ làm tất cả cho cô.
Và thế là chúng phục
vụ cô: chúng bắt đầu bằng việc chùi cô thật sạch trên bàn cầu, xong nhấc cô lên
và dội cầu, đoạn chúng cởi áo ngủ trên người cô và đưa cô lại bồn tắm, tại đây
tất cả xúm vào tắm cho cô, chúng lau rửa đôi vú và bụng cô, tranh nhau nhìn vào
phần da thịt nằm giữa hai đùi cô, thò tay vào sờ xem nó như thế nào. Đôi lúc cô
đẩy chúng ra, nhưng khó khăn lắm: cô không thể nào tàn nhẫn thẳng thừng với lũ
trẻ, bởi chúng đang chơi một trò chơi với tất cả hào hứng đáng khâm phục, chúng
chỉ giả vờ phục vụ cô như một hình thức ban thưởng thôi.
Sau cùng chúng đưa cô
vào giường chuẩn bị đi ngủ, và một lần nữa chúng kiếm ra cả ngàn lý do để sờ
soạng, vuốt ve thân thể cô. Chúng đông quá đến nỗi cô không thể nào nhận ra tay
hay môi đứa nào. Cô cảm thấy thân thể cô chỗ nào cũng có bàn tay chúng, nhất là
những chỗ cô khác chúng. Cô nhắm hai mắt, và có cảm tưởng thân thể cô đang đong
đưa, đong đưa chầm chậm như nằm trong nôi: một cảm giác khoan khoái, hoan lạc,
an bình kỳ thú chưa từng có bao giờ lan tỏa khắp người cô.
Cảm giác ấy khiến khóe
môi cô run lên. Cô mở mắt thấy một đứa trẻ đang dí mặt sát vào mặt cô, nó nhìn
khóe môi cô run run rồi quay sang nói với đứa bên cạnh: “Nhìn! Nhìn này!”. Cô
thấy hai cái mặt chụm vào chăm chú quan sát khóe môi đang mấp máy trên mặt cô
một cách thú vị như thể chúng đang nhìn những cơ phận cái đồng hồ được tháo gỡ
hay một con ruồi bị vặt cả hai cánh.
Nhưng cô có cảm tưởng
cái cô nhìn thấy bằng mắt hoàn toàn không giống cái cơ thể cô đang va chạm,
giữa thị giác và xúc giác không có sự liền lạc nào, những đứa trẻ bò lổm ngổm
thò tay sờ soạng khắp thân thể cô chẳng dính dáng gì đến cảm giác khoan khoái
đong đưa, êm ả râm ran trong người cô. Và cô lại nhắm mắt để tận hưởng cảm giác
đê mê ấy, bởi lần đầu tiên trong đời thân xác nếm mùi hoan lạc với sự vắng mặt
của tâm hồn. Không tưởng tượng, không hoài nhớ, tâm hồn cô đã lặng lẽ bước ra
khỏi phòng.
17.
Năm tôi năm tuổi, đây
là điều Papa dạy tôi: trong âm nhạc, mỗi khóa nhạc là một triều đình hoàng gia
nho nhỏ. Ông vua (quãng nhất của âm giai) thi hành quyền lực với sự trợ giúp
của hai hoàng tử (quãng năm và quãng tư). Dưới trướng họ là bốn ông quan khác,
mỗi ông có riêng một quan hệ đặc biệt với nhà vua và hai hoàng tử. Triều đình
cũng thu nạp năm âm khác, mà ta gọi là bán âm. Dĩ nhiên ở những khóa nhạc khác,
chúng chiếm ngôi vị thứ nhất, nhưng ở đây chúng chỉ là khách.
Bởi mỗi âm trong mười
hai âm đều có riêng một vị trí, một tước hiệu, một chức năng, nên bất kỳ khúc
nhạc nào ta nghe đều không hẳn chỉ là một khối âm thanh vô tổ chức: nó là một
hành động triển khai trước mặt ta. Đôi khi những biến cố đó rối mù vào nhau
(như nhạc của Mahler, hay càng rối rắm hơn ở nhạc của Bartók hay Stravinsky),
nơi đây, các hoàng tử từ những triều đình khác bỗng nhiên xen vào và chẳng bao
lâu mình chẳng biết âm nào thuộc về triều đình nào, hay là nó cùng lúc tôn phù
nhiều ông vua khác nhau. Nhưng ngay cả thế, kẻ dốt nhạc nhất vẫn có thể đồ
chừng âm nhạc nghe như thế nào. Cho dù phức tạp đến đâu chăng nữa, âm nhạc vẫn
nói cùng một ngôn ngữ.
Papa bảo tôi thế, và
tiếp theo sau là của riêng tôi: một hôm, một vĩ nhân thấy rằng, sau cả ngàn
năm, ngôn ngữ âm nhạc đã hao mòn đến độ nó chỉ biết lặp lại chính nó cái thông
điệp sáo rỗng, cũ mèm. Bằng một sắc lệnh mang tính cách mạng, ông phá bỏ cấu
trúc cấp bậc của các âm và cho chúng bình đẳng ngang nhau. Ông đưa ra điều luật
rất nghiêm khắc, không cho bất cứ âm nào trong một khúc nhạc có quyền xuất hiện
nhiều hơn các âm khác, tức là ông tước bỏ đặc quyền phong kiến xưa cũ để tiến
tới một thế giới đại đồng, không ai hơn ai. Thế là những triều đình hoàng gia
bị phế bỏ một lần và mãi mãi, và được thay thế bởi một đế quốc duy nhất dựa
trên nguyên lý bình đẳng, gọi là hệ mười hai âm.
Có thể nhờ vậy âm nhạc
nghe lạ tai và thú vị hơn trước, nhưng người nghe, vốn cả ngàn năm đã quá quen
thuộc với khóa nhạc tuân thủ trật tự vua quan trong triều đình hoàng gia rồi,
nên họ nghe mà chẳng hiểu gì. Dẫu sao, đế quốc mười hai âm chẳng bao lâu biến
mất. Sau Schoenberg là Varèse, ông này phá bỏ chẳng những khóa nhạc mà cả âm
nữa (âm giọng hát con người, âm nhạc cụ), và thay vào là một cấu trúc các tiếng
động tinh tế, và không thể nghi ngờ, phi thường. Ông khai mở lịch sử của cái khác
dựa trên những nguyên lý khác và một ngôn ngữ khác.
Hôm Milan Hübl đến
thăm tôi, ông chia sẻ với tôi ý nghĩ dân Czech có thể tan biến vào đế quốc Nga.
Cả hai chúng tôi đều biết rằng ý tưởng này tuy hợp lý nhưng nằm ngoài tầm với
của chúng tôi, chúng tôi đang nói về cái không sao tưởng tượng nổi.
Con người không bất tử, và có những điều hắn không sao tưởng tượng nổi: chung
cuộc của không gian, thời gian, lịch sử, và dân tộc, bởi hắn luôn luôn sống
trong một vô hạn ảo.
Kẻ bị mê hoặc bởi ý
tưởng tiến bộ không bao giờ có thể ngờ rằng bất cứ cái gì xê dịch về phía trước
cùng lúc tiến gần đến chung cuộc. Những cụm từ văn hoa bóng bẩy như “tiến lên”
hay “xa hơn” là tiếng gọi quyến dụ của cái chết thúc giục ta hãy nhanh lên đến
với nó.
(Nếu sự mê hoặc với
cụm từ “tiến lên” đã trở thành phổ quát, thì phải chăng tiếng gọi của cái chết
đã văng vẳng đâu đây xung quanh ta?).
Khi Schoenberg thiết
lập đế quốc mười hai âm, âm nhạc trở nên phong phú hơn bao giờ, nó khiến ta say
đắm với tự do. Ý tưởng âm nhạc có ngày tàn lụi không hề xẹt ngang đầu óc bất cứ
ai. Không mệt mỏi! Không hoàng hôn xế bóng! Cái tinh thần táo bạo trẻ trung đã
khích động Schoenberg. Chọn lựa con đường khả hữu duy nhất tiến lên, niềm tự
hào chính đáng tràn trề trong người ông. Lịch sử âm nhạc cáo chung với sự táo
bạo và ước vọng tưng bừng nở hoa.
18.
Nếu âm nhạc thật sự đã
cáo chung thì cái gì còn lại? Sự lặng thinh ư?
Không đâu! Âm nhạc bây
giờ có nhiều lắm, nhiều hàng chục, hàng trăm lần so với thời kỳ hoàng kim nhất
của nó. Âm nhạc bây giờ là những loa phóng thanh ngoài đường phố, những chiếc
máy hát kinh hãi trong nhà, trong tiệm ăn, những chiếc radio con
con người ta cầm theo lúc ra ngoài đường.
Schoenberg chết rồi,
Ellington cũng chết, nhưng chiếc đàn ghi-ta thì sống mãi. Hòa âm khuôn đúc,
giai điệu tầm thường, nhịp tiết lặp đi lặp lại độc nhất một điệu nhàm chán – đó
là tất cả những gì còn lại của âm nhạc, đó là miên viễn của âm nhạc. Qua phương
tiện một kết hợp đơn giản những thanh âm, ai cũng có thể kết bạn với nhau được,
bởi âm nhạc ở đây là tiếng kêu vui sướng “Tôi ở đây!”. Không có sự đồng thuận
nào ồn ào, nhất trí hơn sự đồng thuận với nhân sinh. Ở ý nghĩa đó, người Ả Rập
nhập bọn người Do Thái, người Czech khoác tay người Nga. Những thân hình lắc lư
điên cuồng theo điệu nhạc, họ say sưa với ý thức họ đang hiện hữu. Đó là lý do
vì sao không một trước tác âm nhạc nào của Beethoven tạo được đam mê tập thể
như tiếng thùng thùng liên miên không dứt của chiếc đàn ghi-ta.
Quãng một năm trước
khi Papa mất, trong lúc đi bộ xung quanh khu phố, chúng tôi nghe tiếng hát,
tiếng nhạc ồn ỹ vang lên khắp nơi. Càng buồn người ta càng mở nhạc. Họ khuyên
bảo cái xứ sở bị chiếm đóng đó hãy quên đi niềm cay đắng của lịch sử để đắm
chìm vào nỗi vui của đời sống. Papa dừng chân ngửng đầu lên nghe ngóng xem
tiếng nhạc từ đâu phát ra, tôi có cảm tưởng ông muốn nói điều gì quan hệ lắm.
Tôi thấy ông cố gắng tập trung tư tưởng để diễn tả ý nghĩ, và rồi, thật chậm
chạp và khó khăn, ông nói: “Cái ngu xuẩn của âm nhạc”.
Ông muốn nói gì khi
bảo tôi vậy? Có thật ông muốn hạ nhục âm nhạc không? Âm nhạc là đam mê cả đời
ông, chẳng lẽ bây giờ ông đành đoạn ruồng bỏ nó sao? Không đâu, tôi nghĩ ông
muốn bảo tôi rằng có một trạng thái nguyên sơ của âm nhạc, một
trạng thái tiền lịch sử, trước khi có những câu hỏi ban đầu, trước những suy
ngẫm khởi đầu, trước những trò chơi với mô-típ và nhạc đề. Trạng thái nguyên sơ
đó của âm nhạc (âm nhạc không tư duy) phản ánh tính ngu xuẩn cố hữu của con
người. Để âm nhạc vượt lên trên sự ngu xuẩn cốt lõi đó, cần có một tâm lực cố
gắng phi thường, và nét huy hoàng rực sáng của châu Âu hàng thế kỷ đã như cái
tên lửa lên đến đỉnh điểm đường bay trên không trung thì đột ngột tắt ngúm.
Lịch sử âm nhạc có thể
tan mất, nhưng tiếng thùng thùng điên loạn của chiếc đàn ghi-ta thì còn mãi. Âm
nhạc ngày nay trở về trạng thái nguyên sơ của nó, trạng thái sau câu hỏi cuối
cùng, sau suy ngẫm cuối cùng, sau khi lịch sử cáo chung.
Năm 1972, khi Karel
Klos, một ca sĩ nhạc thời trang người Czech bỏ xứ ra đi thì Husak thấy lo sợ.
Ngay lập tức ông ta viết một lá thư riêng cho anh chàng ca sĩ, lúc đó đã ở
Frankfurt, mà tôi trích dẫn sau đây, không bịa một chữ nào: “Karel thân mến:
Chúng tôi không muốn gì từ anh. Làm ơn trở về, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì
anh muốn. Chúng tôi sẽ giúp anh, anh sẽ giúp chúng tôi…”.
Hãy suy nghĩ về điều
này: Không một chút đắn đo, do dự, Husak cho phép bác sĩ, học giả, khoa học gia
thiên văn, lực sĩ, nhà dựng kịch, nhà làm phim, công nhân viên, kỹ sư, kiến
trúc sư, sử gia, ký giả, nhà văn, họa sĩ ra nước ngoài sinh sống, nhưng ông ta
không thể nào chấp nhận nổi anh ca sĩ Karel Klos bỏ xứ ra đi. Chỉ vì Karel Klos
đại biểu cho âm nhạc không có ký ức, thứ âm nhạc mà chôn vùi muôn kiếp bên dưới
là xương của Beethoven và Ellington, tro của Palestrina và Schoenberg.
Tổng thống của Lãng
quên và gã Khùng của Âm nhạc là hai biệt loại, nhưng cả hai làm cùng một việc
như nhau. “Chúng tôi sẽ giúp anh, anh sẽ giúp chúng tôi”. Không ai có thể xoay
xở được nếu không có kẻ kia.
19.
Nhưng bên trong ngọn
tháp nơi sự minh triết của âm nhạc ngự trị, đôi khi chúng ta khao khát một nhịp
tiết đơn điệu của tiếng kêu vô hồn đến với chúng ta từ bên ngoài. Lúc nào cũng
chỉ biết Beethoven thôi thì nguy hiểm lắm, tương tự những vị trí ưu đãi thường
dẫn đến tai họa.
Tamina luôn cảm thấy
xấu hổ khi phải thừa nhận rằng cô hạnh phúc với chồng mình. Cô sợ người khác có
lý do ganh ghét cô.
Giờ đây cô bị giằng xé
giữa hai cảm giác: Tình yêu là sự ưu đãi, và tất cả ưu đãi đều không đáng được
và phải trả giá. Để trừng phạt, cô bị đẩy ra hòn đảo toàn trẻ nít này.
Nhưng cảm giác ấy chẳng
bao lâu nhường chỗ cho cảm giác khác: Sự ưu đãi của tình yêu không chỉ là thiên
đường, nó còn là địa ngục. Cuộc sống trong tình yêu là căng thẳng, sợ hãi, bồn
chồn thường xuyên. Cô ở đây giữa đám trẻ nít là để nhận ban thưởng, cuối cùng
cô được hưởng chút yên bình, tĩnh lặng.
Cho đến thời điểm này,
dục vọng xác thịt trong người cô bị tình yêu chiếm cứ (tôi nói “bị chiếm cứ”
bởi dục vọng xác thịt không phải tình yêu mà chỉ là phần đất bị tình yêu chiếm
cứ), và do đó nó tham dự vào cái gì đầy kịch tính, cái gì hữu nhiệm, nghiêm
túc. Ở đây, giữa bọn trẻ nít, vương quốc của cái thô thiển, dại khờ, sinh hoạt
dục tính biến thái ngược trở lại thành cái nó vốn nguyên thủy là: một món đồ
chơi cỏn con đem hoan lạc cho thể xác.
Hoặc nói cách khác:
dục tính một khi không bị quỷ yêu trói buộc vào tình yêu nữa thì nó trở thành
niềm vui thiên thần vô tư lự.
20.
Nếu lần đầu bọn trẻ
nít hiếp dâm Tamina mang ý nghĩa lạ lùng đó, thì ở những lần sau nó mau chóng
tan mất tính cách màu nhiệm, như một thông điệp càng lúc càng trở nên trống
rỗng và chẳng còn lại gì ngoài một trò chơi bẩn thỉu.
Chẳng bao lâu sau, lũ
trẻ cãi cọ lẫn nhau. Những đứa thích trò chơi xác thịt bắt đầu ra mặt ghét
những đứa không thích. Và giữa những đứa yêu Tamina, sự hục hặc bất hòa cũng
càng ngày càng lớn. Đó là giữa những đứa cảm thấy được Tamina âu yếm chiếu cố
và những đứa cảm thấy bị hắt hủi, bỏ quên. Tất cả những thái độ bất bình, chống
đối bắt đầu chĩa vào Tamina, cô như bị đè nặng xuống.
Một hôm trong lúc bọn
trẻ bâu xung quanh thân thể trần truồng của cô (chúng hoặc quỳ trên giường,
hoặc đứng bên cạnh, đứa ngồi xoạc chân bên người cô, đứa ngồi xổm ngay đầu hay
giữa hai chân cô), đột nhiên cô thấy đau nhói. Một đứa trẻ ngắt đầu vú cô. Cô
thét lên, và không kềm chế được, cô vung hai tay đập lia lịa, đuổi tất cả bọn
chúng ra khỏi giường.
Cô nhận ra là đứa quỷ
nhỏ nào đó cố tình làm cô đau, vì nó ghét cô chứ chẳng có lý do nào khác. Thế
là cô quyết định chấm dứt trò chơi thân mật và dâm dật với lũ trẻ.
21.
Đột nhiên bên trong
cái vương quốc nơi sự vật nhẹ như làn gió thoảng không có hòa bình nữa.
Chúng chơi lò cò, nhảy
từ ô vuông này sang ô khác, thoạt đầu chân phải, rồi chân trái, xong đặt cả hai
chân xuống mặt đất. Tamina cũng nhảy với bọn chúng. (Tôi hình dung thân hình
cao lớn của cô giữa đám trẻ thấp bé, co chân nhảy từng bước, mái tóc tung bay
lòa xòa trước mặt, với nỗi chán chường đè nặng trong lòng). Ngay lúc đó, đội
Kim Tước bỗng kêu lớn bảo cô giẫm chân lên đường vạch.
Dĩ nhiên đội Sóc phản
đối: cô đâu có giẫm chân lên đường vạch. Cả hai đội chạy lại chúi đầu xuống sát
mặt đất quan sát dấu chân cô. Nhưng đường vạch trên cát không rõ, và vết gót
chân Tamina cũng chỉ thấy lờ mờ. Hai phe gân cổ cãi nhau đến cả mười lăm phút
mà không ngã ngũ.
Đến đây Tamina làm một
hành vi chết người; cô giơ hai tay lên, nói: “Được rồi, đúng là tôi đã giẫm lên
đường vạch”.
Mấy đứa đội Sóc quay
lại tru tréo bảo cô nói điêu, cô điên à, cô đâu có giẫm lên đường vạch. Nhưng
chúng nó thua, nói gì cô cũng không chịu nghe, và đội Kim Tước hò hét sung
sướng vì thắng cuộc.
Lũ trẻ đội Sóc tức
điên lên, chúng la lớn bảo Tamina phản bội, một thằng con trai còn xô cô thật
mạnh khiến cô suýt ngã. Cô đánh trả, và đó là dấu hiệu cho bọn chúng xúm vào
cấu xé cô. Tamina chống trả tự vệ, cô là người lớn, mạnh hơn một đứa trẻ nhiều
(và lòng chán ghét tràn ứ trong người cô, vâng, cô đánh lũ trẻ như đánh cái gì
cô căm ghét bấy lâu), và chẳng bao lâu mặt mũi đứa nào cũng bê bết máu. Nhưng
rồi một hòn đá vụt ném trúng ngay trán cô, cô loạng choạng, đưa tay lên bịt vết
máu trên trán trong lúc lũ trẻ dạt sang một phía. Cả đám đột nhiên im lặng, và
cô chậm chạp lê bước về ngôi nhà tập thể. Cô nằm vật xuống giường, nhủ thầm sẽ
không bao giờ tham dự trò chơi với lũ trẻ nữa.
22.
Tôi thấy Tamina đứng
giữa ngôi nhà tập thể, xung quanh lũ trẻ nằm ngồi la liệt trên giường. Cô là
trung tâm cho tất cả mọi đứa trông vào. Từ góc phòng có tiếng la lớn: “Vú!
Vú!”. Những đứa khác phụ họa theo, và chuỗi âm thanh “Vú! Vú! Vú…” biến thành
tiếng kêu từng hồi như tiếng hò từ từng ấy cái miệng dồn dập vang dội căn phòng.
Đôi vú tuyệt đẹp và
lớp lông mịn đen dưới háng cô, mới đây thôi, cô còn hãnh diện và dùng làm khí
giới, giờ đây là mục tiêu cho lũ trẻ tấn công, hành hạ. Trong mắt lũ trẻ, thân
hình người lớn của cô biến thành một quái hình: đôi vú trông quái đản như hai
cục u bướu, còn hạ thể lông lá như thế kia chỉ súc vật mới có.
Cô bị đẩy vào chân
tường mất rồi. Chúng đuổi theo cô khắp nơi trên hòn đảo nhỏ, thấy cô đâu là ném
đá, ném gỗ vụn. Cô chỉ có cách ôm đầu chạy trốn, nhưng trốn đâu cô cũng nghe
tiếng chúng gọi tên cô: “Vú! Vú! Vú! Vú…”.
Chẳng gì nhục nhã hơn
kẻ mạnh phải chạy trốn kẻ yếu. Nhưng chúng đông quá. Cô chạy và thấy nhục vì
mình chạy.
Một hôm cô phục kích
chúng. Cô tóm được ba đứa; một đứa nằm quay lơ sau khi bị cô đập cho một nhát,
hai đứa kia bỏ chạy, nhưng cô nhanh chân hơn và túm được tóc chúng.
Bỗng một chiếc lưới từ
trên cao phủ xuống chụp lên người cô, và một chiếc khác, rồi một chiếc nữa.
Vâng, đó là những chiếc lưới bóng chuyền giăng thấp là là mặt đất trước ngôi
nhà tập thể. Chúng giăng bẫy đợi cô lọt vào. Ba đứa bị cô tóm chỉ là mồi nhử.
Cô lăn lộn gào thét bên trong lưới trong lúc lũ trẻ miệng tru lên từng hồi và
tay lôi cô xềnh xệch đằng sau.
23.
Tại sao mấy đứa trẻ tệ
đến thế?
Này, bọn chúng có gì
tệ đâu! Trái lại là đằng khác, chúng luôn luôn tử tế với nhau và cho thấy tình
bạn thiết thân. Không đứa nào muốn giữ Tamina cho riêng mình. “Nhìn! Nhìn
này!”. Lúc nào chúng cũng la to lên với nhau như thế. Thân thể Tamina bị những
sợi lưới bó chặt, cấn sâu vào da thịt, lũ trẻ lại chỉ trỏ cho nhau nhìn những
vết máu trên người cô, và khuôn mặt lấm lem giàn giụa nước mắt, nhăn nhó vì đau
đớn. Chúng đồng chia sẻ niềm vui thú, cô trở thành chất keo gắn chặt tình huynh
đệ của chúng.
Lý do cho sự bất hạnh
của cô không phải vì bọn chúng tệ, mà vì cô nằm ngoài biên thùy thế giới bọn
chúng. Con người không phản đối việc bò bị giết trong lò sát sinh. Bò nằm ngoài
luật pháp con người, y như Tamina nằm ngoài luật pháp của bọn trẻ con.
Chính Tamina mới là kẻ
chất chứa thù hận trong lòng, không phải bọn trẻ. Chúng thích gây đau đớn cho
kẻ khác, điều đó tích cực và vui vẻ lắm, đáng được gọi là niềm vui. Chúng nhắm
vào kẻ ở ngoài biên thùy để gây đau đớn chỉ vì chúng muốn nâng cao thế giới và
luật pháp của chúng lên.
24.
Thời gian tích cực làm
công việc của nó, và tất cả những thú vui cùng trò tiêu khiển trở nên nhàm chán
nếu cứ lặp đi lặp lại mãi; kể cả trò săn đuổi Tamina. Hơn nữa, lũ trẻ đâu đến
nỗi quá tệ. Thằng bé đái lên người cô lúc cô bị bó rọ trong lưới nằm dưới chân
nó, mấy hôm sau gặp cô, nó nở một nụ cười đẹp, rất ngây thơ.
Tamina trở lại chơi
với bọn trẻ con, nhưng bây giờ cô im lặng trong lúc chơi. Một lần nữa, cô nhảy
từ ô vuông này sang ô khác, thoạt đầu chân phải, rồi chân trái, xong đặt cả hai
chân xuống mặt đất. Cô sẽ không bao giờ đặt chân vào thế giới của bọn chúng,
nhưng cô cũng cẩn thận không để mình lọt ra ngoài quá xa. Cô cố giữ sao cho vị
thế đứng ngay tại lằn ranh biên giới.
Thế nhưng cái lắng
dịu, cái bình thường, cái modus vivendi[1] dựa trên một thỏa hiệp ngầm không chắc chắn thường đem lại
viễn ảnh khủng khiếp. Trước đó không lâu, là con vật bị săn đuổi, Tamina quên
hết mọi ý niệm thời gian cùng khoảng trống bao la của nó, giờ đây những vụ tấn
công bạo hành như thế qua đi, và sự trống rỗng hoang phế của thời gian từ bóng
tối mon men tiến lại gần, như cái vô hạn, làm đau đớn, nghiền nát cô.
Tuy nhiên, một lần
nữa, xin bạn ghi khắc điều này vào tâm trí: Tamina phải nhảy từ ô vuông này
sang ô khác, thoạt đầu chân phải, rồi chân trái, xong đặt cả hai chân xuống mặt
đất, và cô phải hết sức cẩn thận không để chân mình giẫm lên đường vạch. Cô sẽ
phải nhảy như thế ngày này qua ngày khác, và trong lúc nhảy, hai vai cô như bị
trì kéo xuống bởi sức nặng của thời gian như chiếc thập tự giá càng ngày càng
nặng hơn.
Cô còn nhìn lại quá
khứ nữa không? Cô còn nghĩ đến chồng cô và thành phố Praha nữa không?
Không. Hoàn toàn
không.
25.
Bóng ma những tượng
đài bị kéo sập đi luẩn quẩn xung quanh những cái bệ trống không, và ông Tổng
thống của Lãng quên đứng trên diễn đàn với chiếc khăn quàng đỏ quấn trên cổ.
Trẻ con bên dưới vỗ tay reo hò tên ông.
Tám năm trời trôi qua
rồi mà tôi vẫn nhớ lời ông nói xuyên qua kẽ lá cây táo đang đơm bông vẳng vào
tai tôi.
Ông nói, “Hỡi các
cháu! Các cháu là tương lai!”, và giờ đây tôi nhận ra lời nói này không cùng
một ý nghĩa hiển nhiên tôi hiểu lúc ban đầu. Trẻ con là tương lai không phải vì
ngày nào đó chúng sẽ trở thành người lớn, mà vì con người càng ngày càng giống
trẻ nít, vì trẻ nít là ảnh tượng của tương lai.
Ông hét to: “Hỡi các
cháu! Các cháu chớ bao giờ quay đầu nhìn lại!”, và điều này có nghĩa là chúng
ta chớ bao giờ cho phép sức nặng của ký ức trì kéo tương lai xuống. Bởi trẻ nít
không có quá khứ, và đó chính là tất cả bí nhiệm nơi nụ cười ngây thơ của
chúng.
Lịch sử là một chuỗi
những thay đổi phù vân, chóng tàn, trong khi những giá trị miên viễn thì không
thể chia cắt, và vĩnh viễn vận hành bên ngoài lịch sử, chúng không cần đến ký
ức. Husak là Tổng thống của cái miên viễn, không phải cái phù vân. Ông ta đứng
về phe trẻ nít, và trẻ nít là đời sống, và sống là “nhìn, nghe, sờ mó, ăn uống,
tiêu tiểu, nhảy xuống nước, nhìn bầu trời, khóc, cười”.[2]
Hình như sau khi Husak
đọc xong bài diễn từ phủ dụ đám khán giả thanh thiếu niên (lúc đó tôi đã đóng
cửa sổ, và Papa đang chuẩn bị một lần nữa trèo lên ngựa), thì anh chàng ca sĩ
Karel Klos bước lên sân khấu bắt đầu hát. Nghe anh chàng hát, nước mắt chảy dài
trên hai gò má Husak, những giọt nước mắt do cảm xúc dâng lên quá mạnh, và
những nụ cười tươi tắn, rạng rỡ nở ra khắp nơi như ánh tinh quang khúc xạ qua
nước mắt của Husak. Ngay tại thời điểm trọng đại đó, người ta thấy cầu vồng
hiện trên bầu trời thành phố Praha.
Ngước mặt nhìn lên cầu
vồng, đám trẻ con vỗ tay, cười.
Gã Khùng của Âm nhạc
kết thúc bài hát, ông Tổng thống của Lãng quên đứng dậy dang rộng hai cánh tay
la lớn: “Hỡi các cháu! Sống là vui!”.
26.
Cả hòn đảo nhỏ bây giờ
rung rinh với tiếng ồn, tiếng hát, tiếng đàn ghi-ta điện đinh tai nhức óc.
Chiếc máy hát chạy băng được đem ra đặt tại sân chơi trước ngôi nhà tập thể.
Đứng bên cạnh là một cậu trai, Tamina nhận ra cậu chính là người đã chèo thuyền
đưa cô đến đây. Bất giác cô tỉnh người. Nếu nó là người chèo thuyền thì chiếc
thuyền phải ở ngoài bãi. Đây là cơ hội cho cô thoát hiểm, không thể bỏ qua
được. Tim cô đập mạnh, và từ lúc đó trở đi, không phút giây nào trôi qua mà cô
không nghĩ đến chuyện bỏ trốn.
Cậu trai, mắt nhìn
chiếc máy hát, thân hình lắc lư theo điệu nhạc. Lũ trẻ từ trong nhà chạy túa ra
sân, chúng bắt chước cậu trai làm những động tác nhảy múa: tay này đưa ra, tay
kia vung lên, tiến tới, đầu hất ngược phía sau, lúc vẫy tay, lúc đưa ngón trỏ
ra như đe dọa ai, và miệng ngoác ra hát theo bài hát đang phát từ máy.
Tamina núp sau một
thân ngô đồng to, cô không muốn chúng thấy cô, nhưng cũng không rời mắt khỏi
chúng được. Chúng nhảy múa những điệu dâm dật như người lớn, hạ thể ưỡn tới ưỡn
lui như đang giao cấu. Cảnh tượng thô bỉ chập lên những hình dáng trẻ con cho
thấy sự tương phản rõ rệt giữa thô bỉ và ngây thơ, giữa trong sáng và nhơ nhớp.
Cái gợi cảm trở nên kinh tởm, cái ngây thơ trở nên kinh tởm, ngôn từ tan vữa
cả, và Tamina cảm thấy buồn nôn: như thể dạ dày cô trống rỗng.
Tiếng ghi-ta điện điên
khùng vẫn rú lên từng hồi, lũ trẻ vẫn lắc lư cuồng nhiệt theo điệu nhảy, ưỡn
người, uốn éo bụng, và cô thấy cảm giác buồn nôn trong người cô xuất phát từ
cái vô trọng lượng. Sự trống rỗng trong dạ dày cô chính xác là sự vắng mặt khôn
kham của cái nặng. Và như tất cả những gì đi đến cực điểm có thể bất cứ lúc nào
quay đầu về lại thái cực trái ngược bên kia, cái nhẹ đi đến cực điểm trở
thành sức nặng của cái nhẹ. Nó khiếp hãi khôn lường, và Tamina
biết rằng cô không thể nào chịu nổi thêm giây phút nào nữa. Cô quay người bỏ
chạy.
Cô chạy dọc theo con
đường nhỏ hai bên trồng ngô đồng ra đến bờ hồ.
Đến nơi cô dáo dác
nhìn xem chiếc thuyền có neo ở đó không. Tuyệt nhiên không có chiếc thuyền nào.
Cô men theo bờ nước
chạy vòng quanh đảo như hôm đầu tiên đến. Không thấy thuyền đâu. Sau cùng cô
quay lại chỗ con đường nhỏ đâm xuống hồ. Lũ trẻ hào hứng bỏ sân chơi chạy
xuống.
Cô dừng lại.
Lũ trẻ thấy cô rồi và
chúng chạy ùa tới, vừa chạy vừa la hét inh ỏi.
27.
Cô nhảy xuống nước.
Không phải cô sợ lũ
trẻ. Thật ra cô đã nghĩ đến điều này từ lâu. Hôm từ đất liền đi thuyền ra đảo,
cô thấy không lâu lắm. Mặc dù không thấy bờ bên kia đâu, nhưng cô đồ chừng
không cần sức mạnh một siêu nhân để bơi vào bờ!
Lũ trẻ chạy đến chỗ cô
vừa nhảy xuống nước, một vài hòn đá ném xuống nước xung quanh cô. Nhưng cô bơi
nhanh lắm và chẳng bao lâu đã ra khỏi tầm ném đá của những cánh tay yếu mềm.
Trong lúc bơi, lần đầu
tiên sau một thời gian dài, cô cảm thấy tinh thần phấn chấn. Cô cảm nhận được
thân thể mình, cảm nhận được sức mạnh khi xưa của mình. Cô là tay bơi hạng cừ
mà, và cô thấy mỗi sải tay là một niềm thống khoái trong lòng. Nước hồ lạnh,
nhưng cái lạnh làm cô vui thích, như thể nó rửa sạch da thịt cô những thứ bẩn
thỉu của lũ trẻ, nước bọt trong miệng chúng, ánh mắt tò mò, soi mói nhiễu trên
da thịt cô.
Cô cứ thế bơi, lâu
lắm, và mặt trời bắt đầu lừ đừ chạm mặt nước.
Rồi bóng tối phủ trùm,
chẳng bao lâu trời tối đen, không trăng sao, và Tamina vẫn gắng hết sức nhắm
hướng trước mặt, bơi.
28.
Cô đang cố quay về
đâu? Về Praha ư?
Không. Thậm chí cô
quên nó từng hiện hữu.
Về cái thị trấn nhỏ ở
miền tây châu Âu ư?
Không. Cô chỉ giản dị
muốn bỏ đi.
Điều đó có nghĩa là cô
muốn chết?
Không, không, không
đời nào. Ngược lại là đằng khác, cô muốn sống, muốn sống ghê gớm lắm.
Nếu thế, chắc cô có
vài ba ý tưởng về thế giới cô muốn sống bên trong!
Không nốt. Cô chẳng hề
biết thế giới cô muốn sống bên trong phải có những gì. Tất cả còn lại trong cô
là nỗi khao khát được sống, và thân xác mình. Không gì khác ngoài hai điều này.
Hoàn toàn không. Cô muốn bứng hai điều đó ra khỏi hòn đảo và cất giữ chúng.
Thân xác cô và nỗi khao khát được sống.
29.
Trời sáng dần. Cô nheo
mắt cố nhìn xem có bến bờ đâu không.
Chẳng có gì ngoài nước
và nước trước mắt cô. Cô quay đầu nhìn phía sau. Không xa lắm, khoảng trăm
thước thôi, là bãi cát của hòn đảo cây xanh.
Cái gì? Bơi suốt đêm
mà vẫn ở nguyên một chỗ à? Cô bỗng thấy tuyệt vọng cùng cực, và từ lúc đó trở
đi tay chân cô trở nên yếu ớt, làn da tê buốt vì nước lạnh không chịu nổi. Cô
nhắm mắt và cố bơi tiếp. Cô không còn hy vọng bơi đến bờ bên kia nữa, tất cả
những gì cô suy nghĩ bây giờ là cái chết, và cô muốn chết ở nơi nào giữa hồ
nước mênh mông, cách xa tất cả con người, không gì khác, chỉ mình cô với đàn
cá. Hai mắt cô nhắm lại, và cô bỗng thiếp đi trong một khoảnh khắc, nước trào
vào phổi, và trong lúc ho sặc sụa, cô bỗng nghe tiếng trẻ con léo nhéo bên tai.
Rẽ nước, ho, nhìn
quanh. Cách cô vài sải tay, cô trông thấy chiếc thuyền chở đầy trẻ con. Chúng
đang la hét, nhưng khi biết cô nhìn thấy thì chúng im lặng. Chúng lại gần nhìn
cô chằm chằm. Cô thấy chúng nhốn nháo trên thuyền.
Cô sợ chúng vớt cô lên
và bắt cô tiếp tục chơi với chúng. Cô kiệt sức lắm rồi, tay chân cô đã bắt đầu
tê cứng.
Chiếc thuyền trôi đến
gần sát bên cô, năm khuôn mặt trẻ con cúi xuống nhìn cô như nhìn một hiện tượng
lạ.
Tamina lắc đầu trong
tuyệt vọng, như thể cô muốn bảo, Hãy để tôi chết, đừng cứu tôi.
Nhưng cô không có lý
do để sợ. Mấy đứa trẻ trên thuyền chẳng làm gì cả, không đứa nào đưa mái chèo
ra, một cánh tay cũng không, không đứa nào tìm cách cứu cô. Chúng chỉ nhìn cô,
đứa nào đứa nấy hai mắt mở to nhìn. Một đứa trai dùng mái chèo làm tay lái để
giữ chiếc thuyền không trôi ra xa.
Nước lại trào vào
phổi, lại ho, hai cánh tay cô đập đập trên mặt nước, cô biết mình không còn hơi
sức nữa và cô sắp chìm. Hai chân cô càng lúc càng nặng, như muốn kéo cô xuống
đáy hồ.
Đầu cô chìm dưới mặt
nước. Vùng vẫy, cô ngoi lên được vài lần; mỗi lần như thế cô vẫn thấy chiếc
thuyền và mắt của mấy đứa trẻ đang nhìn cô.
Đoạn cô biến mất dưới
mặt nước.
………………………….
Chú thích của người
dịch:
[1] modus vivendi: Tạm ước.
[2] Trích ngôn này tác giả lấy từ cuốn Parole
de femme (Lời đàn bà) của nhà văn Annie Leclerc, xuất bản năm 1976.
(Xem thêm Phần III của sách).
*Trịnh Y Thư dịch
từ The Book of Laughter and Forgetting, Milan Kundera, ấn bản Anh
ngữ của Aaron Asher.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét