Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi
Nguyễn Huy Thiệp
Đồng Đức Bốn xuất hiện trong làng thơ Việt Nam khoảng 10 năm nay,
viết chừng 80 bài thơ, trong đó có tới trên dưới 15 bài thơ được khách sành văn
chương xếp vào loại cực hay, tài tử vô địch! Còn lại, thực ra
nhiều bài cũng chẳng ra gì.
Dưới đây là bài thơ Vào chùa của
anh in trong tập Trở về với mẹ ta thôi do Nhà xuất bản Hội Nhà
văn xuất bản tháng 11 năm 2000.
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Sao lại đang trưa mà không sáng sớm,
không chiều tối? Chúng ta biết Đồng Đức Bốn in những bài thơ đầu tiên khi anh
không còn trẻ nữa. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng đùa anh là một tên nửa
quê nửa tỉnh cao tuổi (tựa tập thơ Chăn trâu đốt lửa Nhà
xuất bản Lao động 1993). Vậy khoảng thời gian đang trưa mà gã
ăn mày xuất hiện là gì?
Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.
Trong lịch sử, vua Khang Hy Trung Hoa đã từng sắm vai
ăn mày. Chúa Chổm ở Việt Nam đã từng ăn chạc. Ăn mày ở đây không còn phải là
một cá thể nào đó riêng biệt mà là một kẻ tha nhân đại diện của đại
diện đang trôi dạt trong bể trầm luân. Khoảng thời gian đang trưa mà
gã ăn mày ấy, kẻ tha nhân ấy lạc bước (hay cố ý) vào chùa, giống như một cử chỉ
hướng thượng vào chốn cao minh (gặp gỡ tôn giáo) một liệu pháp tâm linh. Đấy là
khoảng thời gian nào vậy của đời người?
Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang.
Khoảng đang trưa là
khoảng nửa gang tay già của một đời người! Đáng sợ thay!
Đấy là lúc người ta có thể kiểm nghiệm được khá nhiều điều tưởng
bở và không tưởng bở:
Sống gần tới phút chia tay
Tỉnh ra mới thấy đời này rỗng không.
Chín xu đổi lấy một hào
Ai mua cái nắng lại vào cái mưa.
Chiều mưa phố Huế một mình
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi?
Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì.
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không...
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng.
Vậy khoảng thời gian gặp gỡ tôn giáo, phút đốn
ngộ (sát-na) vẫn thường xảy ra phải là khi kẻ tha nhân đã Phú
Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng rồi! Chúng ta hãy hình dung một
khách bộ hành mệt mỏi, bụi bặm, râu bạc (kìa râu bạc!), nỗi chán chường âm ỉ
lặn sâu ở trong đôi mắt âm thầm. Y gõ cửa vào chùa:
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Một cử chỉ diễn ra trong im lặng. Có ai có gì mà cho! Thích Ca Mầu Ni nói: Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm mà chưa từng nói một lời... (Phật vô ngôn).
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Thật tiếc cho kẻ tha nhân vội vàng! Y không nhận ra
dấu hiệu ấn chứng nhiệm màu! Từ giây phút ấy y đã biến đổi mà chính y không hay
biết! Đồ bội bạc nông cạn! Kẻ tha nhân đã bước sang một cảnh giới khác mà y
chẳng hề xúc động quái gì! Gớm thay cho đứa vô thần! Đồng Đức Bốn ơi Đồng Đức
Bốn, khi viết những câu thơ dở nhất thì chính anh đã không biết rằng nó dở thế
nào! Những câu thơ rặt giọng Sở Khanh sau đây không dở thì hay sao được:
Cho dù tát cạn bể sâu
Cho dù ngâm giữa vạc dầu đang sôi
Yêu em nếu phải đốt trời
Vẫn vui vẻ chết như chơi vườn đào...
(Gửi Tân Cương)
Cũng giọng điệu ấy, ở một nơi khác thì anh tự thú:
Nhiều người không tóm được ta
Thì sao em mộng ta là tình nhân?
Đồng Đức Bốn ơi Đồng Đức Bốn, khi viết những câu thơ
hay nhất thì chính anh cũng không biết nó hay thế nào! Có ai viết được quang
cảnh nông thôn thần tình như thế này chưa:
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ.
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò, mũ cối giả vờ sang chơi.
Ối mẹ ơi vỡ đê rồi
Mộ cha liệu có lên giời được không?
Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng
Chở con với mẹ qua giông bão này?...
Đây là hình ảnh người con trong ngày tang mẹ:
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này...
Quay trở lại với bài thơ có khẩu khí kém cỏi
nhất trong tập thơ Trở về với mẹ ta thôi:
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
May thay. Bài thơ dấm dớ ấy lại là... một
bài thơ Thiền!
Bạn đọc yêu quý! Nếu bạn có hiểu đôi chút
về Thiền, bạn sẽ nhận ra một xương cốt khác dưới tấm áo rách rưới kia, bạn sẽ
nhận ra một nhân cách bình thản khác dưới vẻ vô tình và thiển học kia. Bạn hãy
đọc kỹ từng câu và suy nghĩ kỹ... Với một bài thơ Thiền thì bình giảng kiểu gì
cũng hóa tầm thường!
Đồng Đức Bốn không phải là một thi sĩ
toàn năng toàn tòng. Vốn văn hóa hạn chế, thái độ lụy
tình hơn lụy lý, thói a dua với nhiều cây bút đương thời (nhại cả Vũ Quần
Phương, Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Bão Vũ, Lê Kim Giao v.v...). Thậm chí người ta còn
dễ thấy xu hướng phú quý giật lùi nếu so sánh thơ Đồng Đức Bốn
với Bùi Giáng, Nguyễn Bính hay Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Trong tập thơ Trở về với mẹ ta
thôi ngoài ý kiến đánh giá của Vương Trí Nhàn (ý kiến này có phần cán
bộ tổ chức của Hội Nhà văn hơn là ý kiến một nhà phê bình văn học) còn có bài
viết có phần nào thái quá của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong phê bình văn học,
sự phê bình chừng mực thực ra là dấu hiệu của sự nhạt nhẽo tầm thường. Có người
nói: Cảm tưởng đầu tiên với cuốn sách nào cũng phải là thiện cảm.
Vẫn biết như thế nhưng sự thái quá đôi khi đâu phải đã hay?
Có thể còn phải bàn nhiều về thơ Đồng Đức
Bốn nhưng gì thì gì, ngày Tết nhẩn nha đọc một câu thơ của anh cũng có được sự
thú vị riêng:
Chân đạp đất đầu đội trời,
Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi...
Tiếc cho Đồng Đức Bốn đọc không nhiều
sách, không chịu học hành, đôi khi bừa bãi ngông cuồng, lại không biết viết
(anh thường làm thơ trong đầu rồi đọc cho người khác chép), vốn từ vựng có lẽ
chỉ ngót nghét có... 600 từ! Nếu không, chúng ta đã có một nhà thơ chân quê
hạng nhất!
Dù sao, Đồng Đức Bốn cũng đã làm xong
nghiệp thơ của anh theo cách của riêng anh:
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích-lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương!
Thế chẳng sướng sao? Qua
cầu Chương Dương phải chăng là từ bờ bên này sang bờ bên kia,
từ bờ Mê sang bờ Giác Ngộ? (*)
Xuân Tân Tỵ 2001
(*) Bài đã in báo Nông nghiệp Việt Nam, ký bút danh.
Xong
rồi chả biết đi đâu
Nguyễn Huy
Thiệp
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu lên cầu Chương Dương!
Câu thơ này là của Đồng Đức Bốn in trong tập Chăn
trâu đốt lửa (Nhà xuất bản Lao động Hà Nội 1993).
Đồng Đức Bốn là nhà thơ có nhiều câu thơ ám ảnh. Thí dụ:
Chiều mưa phố Huế một mình
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi.
Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những thứ nhiều khi không vàng.
Hình như em mới giàu có
Ngôi mộ đang nằm người ta đắp cao hơn.
Thơ là gì đời đã bàn nhiều, nay đang bàn và còn bàn
tiếp. Đây là một công án chưa giải quyết được. Xác định thơ đã khó mà xác định
nhà thơ e chừng khó hơn. Có người tự bạch:
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa... gà!
Tác giả lời tự bạch trên là Nguyễn Bảo Sinh, một người
nuôi chó cảnh, nuôi mèo giống và gà chọi có tiếng ở đất kinh kỳ. Nguyễn Bảo
Sinh có những câu thơ khá ấn tượng:
Tự trói thì gọi là tu
Bị trói thì gọi là tù mọt gông!
Nếu yêu cái xích dưới chân
Thì xiềng xích ấy là thần tự do...
Trong thơ ranh giới chuyên nghiệp và không chuyên
nghiệp rất khó xác định. Thơ dân chủ và... bao la đến nỗi có lần nhà văn Phạm
Thị Hoài (vốn hóm hỉnh) từng mơ đến việc ra đời nước cộng hòa của các nhà
thơ(!).
Trong lịch sử Phật giáo đã xảy ra việc
chia ra hai môn phái Bắc tông (Thần Tú) và Nam tông (Huệ Năng). Môn phái Bắc
tông gọi là tiệm ngộ (giác ngộ dần dần) có phần coi trọng sự học hành kinh điển
và tổ chức. Môn phái Nam tông gọi là đốn ngộ (giác ngộ tức khắc) có phần coi
trọng trực giác nhiều hơn. Thực ra, hai môn phái ấy đều chung một thầy, đều thờ
Phật, đều cùng mục đích hoằng dương Phật pháp.
Xét về mặt nào đấy, trong thơ cũng có thể
chia ra hai môn phái tiệm ngộ (trí năng) và đốn ngộ (trực năng). Chế Lan Viên,
Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Anh Ngọc, Hoàng Trần Cương
v.v... là trí năng chăng? Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Đồng Đức Bốn v.v... là trực
năng chăng? Tiếc là chưa có nhà nghiên cứu văn học nào đi sâu vào phân tích các
hiện tượng thơ như Hoài Thanh, Hoài Chân hay như Chế Lan Viên, Xuân Diệu đã
từng làm. Thơ không có người bình giảng và phân tích, thiếu các fan, không có
con mắt xanh, thiếu tri âm tri kỷ thì thật... phí thơ! Nguyễn Khuyến trước kia
đã từng khóc:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không phải, không tiền, không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia ai gẩy ngẩn ngơ tiếng đàn...
Sân chơi cho các nhà thơ không giống các sân gôn, sân
ten nít... Nó mang ý nghĩa tinh thần, học thuật nhiều hơn. Thiếu một bầu không
khí văn chương, thiếu sự trao đổi cũng rất khó có tác phẩm hay.
Viết xong một bài thơ, khoái hoạt nhất có
lẽ cũng chỉ đến như Đồng Đức Bốn:
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu lên cầu Chương Dương! (*)
(*) Đã in báo Tiền phong, ký bút danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét