Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy...
Nguyễn Huy Thiệp
Trong vài thế hệ người Việt Nam, không có
ai không từng thuộc thơ Trần Đăng Khoa. Có lẽ Trần Đăng Khoa là nhà thơ gây
được thiện cảm chân thành nhất và lương thiện nhất trong lòng người đọc. Mười
tuổi Trần Đăng Khoa xứng danh là một ông lớn trên thi đàn. Hơn thế nữa, Trần
Đăng Khoa là một thần đồng.
Với thời gian, đọc lại thơ Trần Đăng
Khoa, biết thêm về con người, về gia cảnh, về cách nhìn nhận của Khoa Lớn đối
với thơ, với văn học, với nghiệp cầm bút (qua tập sách gần đây nhất, tập Chân
dung và đối thoại Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1998) thấy nhiều điều hay.
Nói về sự chất phác, người xưa từng coi đó là
giá trị quý báu nhất của vạn vật, của đạo. Theo Lão Tử: Đạo thường vô danh,
phác.
Sự chất phác của một tâm hồn trẻ thơ trong
trắng là yếu tố số một trong thơ Trần Đăng Khoa, trong sự tích Trần Đăng Khoa
(sự tích chứ không phải hiện tượng văn học, chữ hiện tượng nay dùng đã quá dung
tục). Những câu thơ đọc rơi nước mắt của Trần Đăng Khoa là những câu thơ chất
phác thốt ra từ miệng thiên thần: Hạt gạo làng ta / Có bão tháng bảy /
Có mưa tháng ba / Giọt mồ hôi sa / Những trưa tháng sáu / Nước như ai nấu /
Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ / Mẹ em xuống cấy....
Từ thơ Trần Đăng Khoa ngày nào đến Chân
dung và đối thoại là một chặng đường, một chặng đời chắc chắn đắng cay. Người
ta thấy chân dung Khoa Lớn được vẽ ra trong thời điểm này có phần kiêu bạc và
đượm buồn. Đây là lời Trần Đăng Khoa tự kể: Y chẳng đam mê gì và nói chung, y
là một gã... (sách đã dẫn trang 7). Vậy nhà thơ vấp phải đời phàm tục kể từ khi
nào? Linh cảm của người mẹ Trần Đăng Khoa không nhầm. Người mẹ nông dân ấy biết
rằng con mình rồi sẽ gặp rắc rối to, rồi sẽ dung tục và quăng quật, rồi hắn sẽ
bị mổ xẻ (dĩ nhiên rồi). Đây là lời của người mẹ nông dân khi người ta (trường
hợp này là Xuân Diệu) xem xét tâm hồn con trai mình: Bác ấy kiểm tra mày nói có
đúng không? Khổ, có thế nào thì cứ nói như thế, đừng đặt điều thêm ra, lại mang
tiếng là mình ăn ở không thật thà. Thấy bác ấy đến kiểm tra tao lo quá. Thế có
làm sao không, hả con? (sách đã dẫn trang 30).
Chân dung và đối thoại là một tập sách
hay. Sự giận dữ với cõi nhân gian phàm tục được giấu đi dưới nụ cười nhợt nhạt
đớn đau và kiềm chế của thi sĩ. Cũng có thể lấy câu thơ của Phạm Tiến Duật để
làm đề từ cho cuốn sách này:
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay...
Sự tích Trần Đăng Khoa là một vùng
mẫn cảm trong văn học Việt Nam hiện đại. Sự yêu mến của người đọc với Trần Đăng
Khoa đã ấn định vĩnh viễn trong tiềm thức không hề phôi pha của một vài thế hệ
người Việt Nam rồi. Hiếm hoi mới có một thi sĩ làm được điều này. Với sự chất
phác bẩm sinh (căn nguyên của đạo) dù thế nào, nhà thơ cũng quy ư phác (trở về
với phác). Không phiền ai phải lo lắng cho Khoa Lớn nữa. Trần Đăng Khoa không
cần phải được dặn dò như ngày xưa anh đã phải học người lớn dặn dò em gái Thuý
Giang thân yêu của anh:
Đừng ra ao cá trước sân
Đuổi con bươm bướm trượt chân ngã nhào
Đừng đi bêu nắng nhức đầu
Đừng vầy nghịch đất, mắt đau, lấm người
Ốm đau là mất đi chơi...!.
(*)
Bài đã in báo Tiền phong, ký bút danh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét