Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

2. Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

2. Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

GiGi tổng hợp
“Venus với Cupid và Paris”, tượng ngà miền Nam nước Đức, cao 26.7cm. Bức tượng mô tả rất đúng vị thế của giám khảo với thí sinh: Paris tuy có vợ nhưng là trai trẻ. Venus lớn tuổi hơn và đi đâu cũng kè kè thằng con, không thể lấy sắc đẹp (của chính mình) để dụ khị chàng. Quả táo trong tay Paris đúng là một quả táo của mặc cả.
 Ở bài trước có nói đến giám khảo Paris tuy con vua nhưng lại đi chăn bò, đó là do vợ vua Priam của thành Troy, tức hoàng hậu Hecuba, khi mang bầu đã được báo mộng đứa con bà sắp sinh sẽ gây nên tai họa khiến thành Troy diệt vong. Cẩn tắc vô ưu, vua Priam sai một người chăn chiên tên Agelaus bỏ đứa con trai mới sinh vào rừng, hy vọng ác thú sẽ kết liễu đứa bé, tránh tiếng tự tay mình giết con mình. Nhưng rất may cho đứa bé, một con gấu cái đã ấp ủ và cho nó bú trong suốt năm ngày liền. Đến ngày thứ sáu, Agelaus áy náy quay lại, bắt gặp đứa bé vẫn sống, ông lén đem về nuôi, đặt tên là Paris.
Bức tranh (tác giả nào?) diễn tả cảnh Agelaus bế hoàng tử bé (khi ấy chưa tên là Paris). Có người thì cho rằng đây là cảnh Agelaus bế bé về sau khi đã bỏ trên núi vài ngày, giờ trao cho vợ nuôi. Có người thì cho rằng đây là cảnh hoàng hậu Henuba (người chỉ tay về phía núi, ý bảo vứt lên đó) sai Agelaus vứt đứa bé đi. Bạn nào biết rõ thì chỉ giúp Soi với.
Paris nhờ lớn lên dần giữa những người chăn chiên mà trở thành một chàng trai vô cùng tuấn tú. Chàng tuy không tham dự cuộc thi hoa vương, không khoe thân hình trên mạng, nhưng sắc đẹp vẫn thấu cả trời xanh. Và trong lúc làm công việc chăn cừu, dê, bò trên núi Ida thì câu chuyện thi hoa hậu giữa ba nữ thần diễn ra.

Và đây là Paris, trong bức “Chàng chăn chiên Paris” của Jean-Germain Drouais, vẽ khoảng 1786-1787. Đẹp quá nên không có gì phải bàn nữa, nhỉ?

Dĩ nhiên là Paris vô cùng ngạc nhiên khi thấy thần Hermes hiện ra cùng với ba người nữ đẹp siêu phàm. Thần Hermes kể lại câu chuyện về sự xuất hiện của quả táo trên bàn tiệc, đồng thời truyền lệnh của thần Zeus về việc Paris sẽ phải quyết định ai là người phụ nữ đẹp nhất. Nói rồi, thần Hermes đưa quả táo vàng cho Paris và (vội vàng) bay đi mất.
Còn đây là một bức (không rõ tên) của Giulio Romano, một họa sĩ đầu thế kỷ 16. Trong tranh, thần Hermes dẫn ba nàng lặn lội tới núi Ida. Đi đầu là Aphrodite (lại còn dẫn theo thằng Cupid), tiếp theo là Athena đội mũ cầm khiên, Hera dẫn con công (như ngày nay ta dẫn chó) đang đáp từ trên đám mây xuống. Paris đang ngồi với bầy súc vật. Trên cao đám cưới vẫn đang tiếp tục, mờ mờ lưng các thần đang nhậu.

Chàng Paris trẻ tuổi vô cùng bối rối bởi ba người phụ nữ trước mặt đều đẹp mười phân vẹn mười, khó bề phân định ai hơn ai mà bảo là người đẹp nhất. Phụ nữ vốn khôn ngoan hơn đàn ông, không dại gì lao vào đánh nhau, cấu xé, xước mặt lại thành xấu, họ đưa ra giải pháp giúp công việc giám khảo bất đắc dĩ của chàng trở nên dễ dàng hơn. Chàng không buộc phải chọn ai là người đẹp nhất, chàng chỉ cần chọn xem trong số các lễ vật mà ba nữ thần đưa ra, lễ vật nào chàng ưng ý nhất thì người đưa lễ vật sẽ là người đẹp nhất.
Quả là một vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử thi hoa hậu. Mua giám khảo chứ còn gì nữa!
Thần Hera nói sẽ làm cho Paris trở thành ông vua toàn cõi châu Á và châu Phi.
Thần Athena hứa sẽ làm cho Paris trở thành một người thông thái, đồng thời luôn chiến thắng trong mọi cuộc chiến mà chàng tham gia.
Còn thần tình yêu và sắc đẹpAphrodite nói một cách giản dị: “Paris, ta sẽ tặng cho ngươi người con gái đẹp nhất thế gian làm vợ”.
Không ngần ngừ một giây, Paris lập tức trao quả táo vàng cho Aphrodite, chính thức xác nhận nữ thần sắc đẹp và tình yêu là người đẹp nhất trong số các nữ thần. Đối với Paris, đúng tâm lý lâu nay chỉ lấy cừu lắm lông, bò nhiều sữa làm vui, thì giàu có, quyền lực, vinh quang chiến trận không thể nào bì được với một cô vợ đẹp.
Bức ”Judgement of Paris” (Phán quyết của Paris) do Joos de Momper (thế kỷ 14 – 15) vẽ. Đây là bức hiếm hoi cùng đề tài tập trung nhiều vào phong cảnh núi non hơn là thân hình các thần nữ. Núi Ida đây cũng là vùng núi mà thần Zeus được nuôi nấng nên… thần. Trên trời cao, giữa các đám mây, có lẽ là một thiên thần sau khi đội vương miện cho Venus thì bay thẳng (về ăn đám cưới Thetis tiếp?). Paris trong tranh nhìn rất già. Venus hoa hậu dĩ nhiên đứng giữa, Hera quay lưng lại người xem và trông cử chỉ thì có vẻ như đang khiếu nại giám khảo.
“Sự phán quyết của Paris” do Joachim Wtewael năm 1615. Ở tiền cảnh là Paris trao quả táo vàng có ghi “Cho người đẹp nhất” cho Venus; Athena (tức Minerva) đứng bên trái, và Juno (Hera) đứng bên phải. Paris thì rất tinh tướng, chỉ ngồi, phía sau là Mercury. Họa sĩ vẽ tư thế các nhân vật có phần giả tạo, khung cảnh chung quanh thì chất đầy những hoa với đủ loại động vật, phía hậu cảnh lại thấp thoáng đám cưới (của Thetis). Như mọi bức tranh thời ấy, chủ đề chỉ là mượn để nêu bật vẻ đẹp khỏa thân của phụ nữ ở mọi góc cạnh, cũng là một cách thực hành nghệ thuật rất phổ biến thời cuối thế kỷ 16 và đầu 17. 
Bức “Sự phán quyết của Paris” này do một nghệ sĩ khuyết danh người Hà Lan vẽ khoảng 1600, dùng sơn màu trên gỗ sồi. Trong tranh, Paris nom rất già, ba nữ thần với ba “phụ kiện” đi cùng: Hera có con công, Athena có khiên, Venus có Cupid (hình như đang nhắm bắn con chó chăn cừu của Paris). Cũng giống như bức trên, tại khoảnh khắc vinh quang của Venus, có thiên thần lượn trên đầu để đội vương miện cho nàng.


“Sự phán quyết của Paris”, do Anton Raphael Mengs vẽ khoảng giữa thế kỷ 18. Anton là một họa sĩ bậc thầy người Đức nhưng hoạt động chủ yếu ở Rome, là một trong những vị tiền nhân của trường phái Tân cổ điển. Là bạn thân của bậc sát gái Cassanova, Anton cũng ít nhiều giống bạn. Trong bức tranh này, sự khỏa thân có bị quá đà: giám khảo Paris và vị nam thần/ nam nhân đi cùng không mắc mớ gì cũng khỏa thân. Trong tranh, Hera đứng giữa, Athena đi trận nhiều nên đen nhất trong ba nàng. Cả ba đều cách này hay cách khác che được chỗ nhạy cảm nhất mà trông vẫn rất tự nhiên.

Còn bức “Sự phán quyết của Paris" này là của Paul Cezanne, vẽ năm 1862, theo trường phái ấn tượng. Bức tranh sơn dầu này khổ rất bé, 15 x 21cm, có lẽ mượn tích xưa mà vẽ chuyện nay hơn là vẽ bám tích như các họa sĩ thế kỷ trước ông. Trong tranh, Paris tay trái đỡ lưng một nàng (nàng nào?), tay phải trao táo (đỏ chứ không vàng) cho một nàng; mặt mũi nàng này nhem nhuốc. Các vật phụ trợ cho ba nữ thần cũng không có. Vào thời Cezanne sống, cảnh một ông phải giằng co một cách công khai và lịch lãm giữa nhiều bà đã là một vấn nạn rất nhức nhối rồi?

Giữ đúng lời hứa, Aphrodite đã thu xếp cho Paris gặp nàng Helen, người con gái đẹp nhất thế gian, con của thần Zeus với nàng Leda (xem bài “Zeus-kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng”). Paris khi ấy đã có vợ là nàng Oenone, tiên nữ núi Ida, con gái của thần sông và một nàng tiên. Nhưng Paris thuộc vào loại đàn ông coi “vợ người thì đẹp, vợ mình thì tử tế” nên lúc gặp được Helen (cũng đã có chồng là vua Menelaus xứ Sparta) chàng đã quên hết mọi sự. Helen thì cũng chẳng vừa, cũng bị vẻ đẹp rạng ngời của Paris quyến rũ. Và hệt như các vụ mà báo Công An ngày nay hay nêu, hai người dàn dựng một vụ bắt cóc giả để Paris đưa Helen về thành Troy làm vợ. Kết quả là ta có cuộc chiến kéo dài mười năm phá hủy thành Troy, đúng như tiên tri. Trong cuộc chiến này, hai Á hậu 1 và Á hậu 2 là Hera và Athena dĩ nhiên đứng về phía đối địch, do mối thù với cựu giám khảo. Kết luận là gì? Là không bao giờ được phán công khai người phụ nữ nào là đẹp nhất. Những nàng còn lại thể nào cũng tìm được cách để trả thù ta, không là một trận to thì cũng là những trận nhỏ tí ta tí tách.


“Helen thành Troy” do Anthony Frederick Sandys vẽ năm 1867. Trong tranh, Helen như một đứa trẻ hờn dỗi vì không được làm theo ý mình. Nhiều người xem xong đã thắc mắc: “Xấu thế mà cũng làm hàng ngàn chiến thuyền phải ra khơi sao?” Dĩ nhiên là Helen không xấu. Đề tài này sẽ được Soi trở lại trong một lần gần đây.

*
Pha Lê bổ sung:
1.  Vụ bỏ con vào rừng không hẳn là vì “sợ mang tiếng” mà có thể vì hồi xưa tập tục nó thế. Dân chúng sợ không dám làm trái ý thần linh, nếu thần linh muốn nó sống thì nó sống, còn không nó sẽ bị thú dữ ăn thịt theo “ý Trời”. Hy Lạp có rất nhiều tích hết ông vua này đến ông vua kia giết lộn con của thần nên bị trừng phạt; Zeus rất hay biến thành nhiều hình thù (ngỗng, đại bàng v.v…) để lăng nhăng với vợ các vua, rồi bà vợ đẻ ra những đứa con xuất chúng mà những vị vua đấy cứ đinh ninh là “con mình”. Thế nên bố của Paris mới không trực tiếp giết con, đề phòng trường hợp Paris là con Zeus.
2. Một số bản nói Hera hứa sẽ giúp Paris làm vua của mọi vật và mọi người trên thế giới (không chỉ Châu Phi và Châu Á), nếu Paris bỏ qua cơ hội này vì Helen thật thì chàng rõ là si tình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét