5. Odysseus giả điên,
Achilles giả gái
GiGi tổng hợp
Lời tiên tri của kẻ nuốt lời
Lại nói chuyện hoàng tử thành Troy là Paris, sau khi cuỗm được nàng Helen kiều diễm, vợ vua Menelaus xứ Sparta, về làm vợ, không
hề biết rằng đã mang tai ương về cho xứ sở của mình (hầu hết đàn ông trên thế
gian này đều thế cả). Chỉ duy nhất có một người biết được số phận của thành
bang Troy phụ thuộc vào hành động cướp vợ người của Paris, đó là công chúa
Cassandra, em gái của Paris (em chồng nào cũng biết chị dâu mình là tai ương).
Cassandra tuy người trần nhưng lại có tài tiên
tri là nhờ có thần… Apollo. Nói chính xác hơn là nhờ tình yêu của vị thần đẹp
trai có cây cung bạc và những mũi tên bằng vàng này. Gặp Cassandra, thần Apollo
bị sắc đẹp của nàng quyến rũ và đem lòng yêu thương. Để cưa đổ cô công chúa
thành Troy, thần Apollo hứa rằng nếu Cassandra đáp lại tình yêu, thần sẽ ban
cho Cassandra một thứ mà phụ nữ nào cũng thích, đó là khả năng tiên đoán
được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Cassandra đồng ý và có được năng lực
tiên tri đó, nhưng đến khi có được rồi, nàng bèn xù luôn, không nhận lời yêu
thần Apollo nữa.
Có thể hình dung ra cơn giận gớm ghê của thần
Apollo như thế nào khi một người trần lại dám giỡn mặt thần! Nhưng trót mang
tiếng là vị thần của thơ ca, âm nhạc, Apollo không thể sử dụng bạo lực với
người mình yêu (kiểu xẻ ra nhiều mảnh như khá phổ biến hiện nay). Thần đưa ra
một lời phán truyền khắc nghiệt với Cassandra: hỡi quân dám lừa dối phụ bạc cả
thần linh, sẽ không có ai tin vào bất cứ lời tiên tri nào của ngươi cả!
Bởi thế mà những lời cảnh báo của Cassandra về
hiểm họa mà anh trai Paris của nàng sẽ mang đến cho thành Troy do hành vi cướp
Helen đã không được vua cha Priam để ý đến. Từ tích này đã xuất hiện thuật ngữ
Lời tiên đoán Cassandra để chỉ những lời dự báo thông minh, sáng suốt, biết
trước tai họa sẽ xảy ra, nhưng không có cách nào thuyết phục được những người
xung quanh tin, và như thế cũng chẳng giúp được ai tránh được các hậu quả bi
thảm…
Cassandra
và Apollo. Appolo là thần thi ca, nhạc, thuốc… nên đi đâu cũng mang theo đàn.
Theo truyền thuyết thì Cassandra được đề nghị vào ở trong đền thần Apollo một
đêm. Tại đó sẽ có một con rắn đến liếm tai nàng sạch thật là sạch để có thể
“nghe” được những điều xảy đến trong tương lai. Điều vô lý là nếu đã có khả
năng tiên tri đó rồi, sao Cassandra lại không thấy được tương lai của mình một
khi “xù” Apollo?
Nghệ
sĩ người Đức Max Klinger (1857-1920) – được mệnh danh là một trong những “ông
hoàng nghệ thuật” vĩ đại cuối cùng, đã mô tả Cassandra như thế này. Max Klinger
thích đề tài này, ông có nhiều phiên bản Cassandra, cái bằng đồng, cái bằng hoa
cương, cái có tay, cái không tay. Cassandra của ông trông đứng đắn. Hãy chú ý
những đường nét ở cổ và gáy qua bàn tay của bậc thầy.
“Cassandra
cảnh báo dân thành Troy”, tranh khắc của Bernard Picart, họa sĩ Pháp sống ở
cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Tranh khắc của ông thường là để… minh họa sách.
Trong tranh, dân thành Troy không tin lời Cassandra: người ta hoặc là quay sang
tán dóc với nhau, hoặc là chỉ mặt Cassandra vẻ công kích.
Tranh
tường khoảng năm 20 – 30 CN cho thấy Cassandra (đứng giữa) dùng tay phải rút
xăm tiên đoán sự sụp đổ của thành Troy trước mặt bố là vua Priam (ngồi, bên
trái), Paris (nhỏ xíu, cạnh Priam, tay cầm trái táo bất hòa), và một chiến binh
bên phải, có lẽ là anh trai Hector. Hiện đoạn tranh này lưu ở Bảo tàng Khảo cổ
học Quốc gia (Naples). Vẽ Paris phải nhỏ để chứng tỏ là con?
Khi cuỗm Helen, Paris không biết rằng đang ôm
một người đẹp nhất thế gian là ôm một đoàn quân rùng rùng sau
lưng.
Lý do là sau bao nhiêu rắc rối của một chân
dài, bố (trên giấy tờ) của Helen là vua Tyndareus quyết định gả quách Helen đi
(lần chót) cho nhẹ nợ. Nhưng ông biết rằng nếu “chỉ định thầu” trong số 99 anh hùng
cái thế đang vây quanh cô con gái thì 98 tay còn lại sẽ là kẻ thù.
Vua Tyndareus cần đến ý kiến tư vấn của một
nhà thông thái, và đó chính là Odysseus (tiếng La tinh là Ulysses), vua xứ
Ithaca, một người nổi tiếng khôn ngoan.
Odysseus nghĩ ngay ra một mẹo, rằng trong
chuyện cầu hôn này, không ai đủ tư cách quyết định người sẽ làm chồng Helen
ngoài chính nàng! Nhưng tất cả những người cầu hôn sẽ phải lập thệ, rằng một
khi Helen đã đưa ra quyết định tối hậu ai là chồng rồi tất cả những người còn
lại sẽ phải tuân thủ ý nguyện của nàng; bất cứ kẻ nào phá hoại hạnh phúc của vợ
chồng Helen sẽ bị những ứng viên bị loại này đồng tâm hiệp lực chống lại!
Helen lấy vua Menelaus xứ Argos làm chồng. Khi
vua Tyndareus băng hà, ông con rể Menelaus nghiễm nhiên kế vị, lên cai trị
thành bang Sparta.
Nói Tyndareus là bố trên giấy tờ của Helen là vì Helen nở ra từ trứng thiên nga, trong một vụ mây mưa giữa Zeus đội lốt gia cầm với Leda người đẹp. Khi đó Leda lại là vợ của Tyndareus nên theo luật, trứng vào ao nhà nào, nhà nấy nhận. Tyndareus tưởng mình là bố của Helen. Có thể nói, Helen có gien chân dài của mẹ Leda và gien lăng nhăng của bố Zeus. Trong ảnh là tượng Leda của Bartolomeo Ammanati, một điêu khắc gia kiêm kiến trúc sư người Ý, sống vào thế kẻ 16.
“Helen
thành Troy” của nữ họa sĩ chuyên thể loại mỹ miều người Anh, Evelyn de Morgan,
vẽ năm 1898, theo đơn đặt hàng của William Imrie of Liverpool – một người được
gọi là “hoàng tử của các chủ hãng tàu biển”. Được đặt hàng nhưng Evelyn de
Morgan đã gây một thất vọng khi vẽ bức này giống hệt một bức khác của bà là
“Flora and Cassandra”, cũng diễn tả Cassandra tay giơ cao, tóc bay bay, dưới
chân là hoa.
Đây,
cái bức mà Evelyn de Morgan tự lặp lại chính mình đây, “Flora and Cassandra”
“Hector quở trách Helen và Paris” (1820) của Benjamin West. Trong tranh, Hector thì gươm giáo chỉnh tề, sẵn sàng ra trận. Paris thì trần như nhộng, cậu bé chăn cừu bị anh mắng mà vẫn không rời được tay người đẹp. Chú ý vẻ mặt của Helen và có lẽ dưới mắt Benjamin West, mối quan hệ này xúi quẩy vì diễn ra giữa một chàng trai ngây thơ với một người đàn bà từng trải.
Nghệ
sĩ Nga Slava Fokk (sinh năm 1976), được coi là một trong những tài năng hiếm
có, diễn tả “Paris và Helen thành Troy”. Thần tượng của nam họa sĩ này là những
bậc thầy Phục Hưng. Slava vẽ rất tỉ mỉ, trung thành với mẫu, với mầu; bố cục
rất chặt chẽ và xử lý rất sáng tạo với bề mặt tranh, do đó tranh của Slava tuy
nhìn “có vẻ” rất cổ điển nhưng vẫn rất hiện đại. Sau một thời gian rất nổi
tiếng tại Nga, Slava hiện sống và làm việc tại Mỹ.
Kẻ giả gái sập bẫy kẻ giả điên
Cho nên khi Paris bắt cóc Helen đưa về Troy,
đám “thí sinh” bị loại đã buộc phải thực hiện lời thề trước đó của mình. Có tới
42 anh hùng trên toàn cõi Hy Lạp đồng ý tham gia xuất chinh để ủng hộ vua
Menelaus rửa nỗi nhục bị cướp vợ. Họ đóng góp quân cùng các chiến thuyền của
chính mình, tạo thành một hạm đội Hy Lạp cực kỳ hùng mạnh, tiến đánh thành
Troy.
Tuy nhiên người Hy Lạp hiểu rằng chỉ giỏi đi
biển không thôi họ sẽ không thể đánh bại được Troy. Cần phải có sự tham gia của
hai nhân vật: người thứ nhất là Odysseus thông thái. Người thứ hai chính là
Achilles vũ dũng.
Nhưng Odysseus không muốn đi đánh thành Troy
lần này. Vợ chàng, nàng Penelope, vừa mới sinh cho chàng thằng cu con tên
Telemacus đẹp như tranh. Ở nhà ôm vợ trẻ, chơi với con thích hơn là ra trận
đánh nhau chứ! Odysseus bèn giả điên, thắng bò và ngựa vào chung một cái ách
cày, lấy muối vãi thay cho hạt giống để cày ruộng. Ai lại muốn bắt một người
điên phải ra trận cơ chứ!
Thế mà cũng có người ép được Odysseus ra trận
(chuyện này khi nào có dịp, ta sẽ ôn sau). Nhiệm vụ đầu tiên của Odysseus là
đi… chiêu mộ Achilles! Lúc ấy không ai biết Achilles hiện ở đâu. Khi đem con đi
giấu, nữ thần Thetis đã cẩn thận xóa hết mọi dấu vết liên quan đến cậu con trai
của mình. Người Hy Lạp bèn tìm nhà tiên tri Calchas. Ông này tiết lộ đảo Scyros
của vua Lycomedes, nơi Achilles đang ẩn náu trong lốt một cô con gái.
Tranh
“Odysseus và Penelope” tranh của Francesco Primaticcio vẽ khoảng 1563. Đây là
một bậc thầy hội họa người Ý, một kiến trúc sư và một nhà điêu khắc, sống và
làm việc chủ yếu ở Pháp. Penelope là một người rất đẹp, khi chồng chiến chinh
lưu lạc, rất nhiều người theo đuổi nhưng nàng nhất quyết đợi Odysseus về.
Odysseus cũng đào hoa không kém, ngay cả lúc lang thang trên biển, tưởng không
có ai mà cũng có một bầy tiên cá theo tán tỉnh.
Odysseus – Gia Cát Lượng Tây – cùng đồng bọn
đóng giả thương nhân, vào cung vua Lycomedes, bày ra đủ các thứ vải vóc, trang
sức, vòng nhẫn và cả gươm giáo, khiên giáp. Nhà vua cùng các cô con gái, trong
đó có cả Achilles, mải mê ngắm nghía hàng hóa. Đúng vào lúc ấy, bên ngoài có
những tiếng la hét, tiếng vũ khí va nhau xoang xoảng, như thể một đạo quân đang
tiến đánh cung vua. Đó là những người hầu cận của Odysseus được giao nhiệm vụ
giả làm như thể địch quân đang xông vào. Các nàng công chúa “xịn” hoảng sợ bỏ
chạy, trong khi Achilles, mặc dù vận xiêm y như con gái, vội vơ lấy cây giáo,
chụp lấy cái khiên, lao luôn ra cửa…
Vậy là chàng đã bộc lộ thân phận và đành phải
đồng ý tham gia cuộc viễn chinh với những người Hy Lạp.
Trước khi ra trận, Achilles được vua cha
Peleus tặng lại bộ giáp trụ vàng, chiếc lao bằng gỗ tần bì và hai con ngựa bất
tử Balius và Santhus; tất cả đều là quà cưới của thần Zeus, con nhân mã Chiron và
thần biển Poseidon tặng Peleus trong ngày cưới (xem bài của SOI: Cuộc thi hoa
hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus).
Và Achilles ra trận. Thetis tuy thương con nhưng chắc hẳn cũng tặc lưỡi: xét cho cùng,
là nam nhi thì chết dưới gươm giáo còn dễ chịu gấp vạn lần xúng xính trong váy
áo.
”Phát
hiện ra Achilles giữa đám con gái nhà Lycomedes” 1664, tranh của Jan De Bray,
diễn tả một Achilles cánh tay gân guốc đang phải trả lời chất vấn về giới tính
và thân phận mình. Tay chàng vẫn còn cầm kiếm, đầu đội mũ phụ nữ.
“Achilles
bị phát hiện giữa đám con gái nhà Lycomedes”, tranh của Gérard de Lairesse, thế
kỷ 16-17. Ông được coi là họa sĩ nổi tiếng nhất Hà Lan sau Rembrand. Lairesse
cũng là một nhà lý thuyết mỹ thuật, và như thần Apollo, ông giỏi cả thơ ca nhạc
họa, và sân khấu. Đây là thời điểm Achilles bật dậy vớ lấy kiếm khi nghe thấy
tiếng động ngoài cung vua. Những người phụ nữ đang mải mê với xống áo nhìn
chàng đầy ngỡ ngàng, trong khi Odysseus đứng ngay cửa thì hoàn toàn bình tĩnh:
mọi thứ đã đúng như ông tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét