Thứ Hai, 20 tháng 1, 2020

Tượng nữ thần Tara


Tượng nữ thần Tara

Năm 1978, người dân xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam tình cờ phát hiện được tượng phật đồng Tara nữ. Ngay sau khi được phát hiện, bức tượng trở thành đề tài nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và giới chuyên gia.
Toàn bộ đôi tay và phần trên của tượng Tara để trần và thể hiện một thân hình phụ nữ đẹp với cổ cao ba ngấn; Bộ ngực tròn đầy với đôi vú hình bán cầu và gần nhau; Bụng hơi phệ và cách vùng lồng ngực bởi một nếp nhăn đẹp và sâu; Mông nở, vai rộng, đôi tay trần khoẻ mạnh cùng đưa đôi bàn tay xòe to đang cầm một vật gì đó bằng ngón cái và ngón trỏ một cách cân xứng và duyên dáng.


Khuôn mặt

Vài điểm khác biệt nằm ở chi tiết: Tượng Phật Đồng Dương mang huệ nhãn trên vầng trán (urna) trong khi các tượng ở Sri Lanka không có chi tiết này; đôi lông mày trên tượng Phật Đồng Dương được thể hiện như một đường cong nối liền nhau và đôi mắt có con ngươi tròn.


Sự nghiêm trang, quyền uy của thánh mẹ Tara toát ra đày đủ từ khuôn mặt đặt trên ba tầng ngấn cổ cao, to với chiếc mũi nở to nhô cao cân đối, với cặp mắt cũng mở to đang nhìn xuống chúng dân, tròng mắt, con ngươi được chạm cẩn đá quý rất sống động và cặp môi dày khép lại một cách nghiêm nghị. Hai bên là đôi tai phật có phần “dái tai” đục lỗ khá dài. Trán của nữ thánh được tạo hình vuông vức, bất thường với hàng lông mày dày kết liền tạo ranh giới dưới và hai bờ tóc tạo khung thẳng hai bên để hình thành một không gian khá vuông vức cho vị trí của chiếc mắt thần thứ ba hình quả trám dọc đặt chính giữa. Kiểu tạo hình trán vuông vức và bất thường như vậy đã có tác dụng đưa những nét “người” trần tục của bức tượng vào một thế giới của thánh thần. Sự khẳng định uy quyền của bức tượng thánh nữ chính là bộ tóc dày với những đụn xoắn tròn vấn thành hai tầng vương miện có hàng chục đầu rắn vươn lên phía trước và búi bện tôn cao tạo thành một đỉnh kén có hốc hướng tiền như một ngôi đền - nơi ngự trị vĩnh hằng của đức Phật Thích ca mầu ni. Đây chính là phần đặc trưng rõ nhất để gắn bức tượng với Quan âm Bồ tát.

Tạo hình

Nhưng điều đáng hấp dẫn nhất đối với mọi người người chiêm ngưỡng là ở phong cách tạo hình vô cùng xuất sắc, với nét mặt vừa nghiêm trang, thánh thiện vừa hoang sơ, trần tục, đôi vai bằng ngang khỏe khắn đỡ hai cánh tay trần không nhiều cơ bắp, nhưng tràn đày sức lực đang đưa nâng hai tay bàn tay xòe ra đỡ hai vật đã bị bẻ gãy, toàn thân toát lên một phong cách mỹ thuật rất hiện đại.



Nhìn vào bức tượng, cái đập ngay vào mắt người xem là đôi ngực trần với cặp vú tròn căng đày sức sống phồn thực. Hình khối của cặp vú gắn bó hài hòa với đôi vai trần bằng ngang, khỏe khoắn mà vẫn đày nữ tính, đặt trên phần thân eo thu nhỏ, tạo ngấn cho ta thấy phảng phất một phong cách tạo hình rất hiện đại. Đôi cánh tay thả tự nhiên với phần cẳng tay dưới nâng nhẹ nhằm phô diễn hai vật gì đó được cầm một cách khéo léo, tinh tế bởi hai ngón cái và trỏ. Phần cánh tay phía trên hơi kéo về phía sau như có ý đảy dướn phô bày cặp vú nở. 


Dưới cách nhìn bị nhuốm màu Nho giáo, bộ ngực trần có gì đó dung tục, nhưng nếu đặt trong khung cảnh tư duy Chăm Pa cách nay hàng ngàn năm, tương tự tư duy của đồng bào Tây Nguyên hiện nay, thì cặp vú cân xứng, căng phồng đó hứa hẹn một sự bình yên, no đủ và tràn đày hạnh phúc. Đó là điều được hoàng tộc và thần dân Indrapura thờ phụng, mong chờ từ thánh mẹ Bồ tát Quan âm Tara.




Đôi bàn chân trần của bức tượng được thể hiện như các kiểu “bàn chân Siva” truyền thống, nhưng ở đây nó chân thực xiết bao, như thể nghệ nhân mượn từ hình ảnh của bàn chân các bà mẹ Tây Nguyên vậy. Các ngón chân thon dài và phần móng được cắt gọt gọn gang, nhưng đơn sơ, chân thực và toát lên phong cách tạo tượng phóng khoáng, hiện đại.






Điều kỳ thú về sarong

Không chỉ ẩn chứa bí mật trong đôi bàn tay, tượng phật đồng Tara còn mang trong mình điều kỳ thú về chiếc váy quấn (ngôn ngữ Chăm gọi là sarong). Chiếc váy quấn có những đường nếp dọc, bó sát mình và buông dài đến mắt cá chân. Chạy dọc chính giữa sarong bên trong là các nếp xếp chạy dọc theo thân sarong.



Tương phản với phần thân trên để trần, phần dưới bức tượng được che vấn rất kín đáo bằng hai lớp váy quấn kiểu saron ôm sát hông đùi đến tận mắt cá. Ở phần thân dưới này có một chi tiết rất đáng lưu ý trong nghệ thuật tạo hình. Nhìn toàn cảnh bức tượng thánh được đặt trong quy chuẩn nghiêm trang, cân đối. Tuy nhiên rõ ràng nghệ nhân đã cố ý đánh vỡ thế cân xứng mà vì nó có thể sẽ tạo ra vẻ cứng nhắc cho bức tượng, bằng cách để các vạt saron hơi bay lệch nhẹ về phía tay trái nữ thánh, nơi đầu bên trên của cạp saron nhô ra một góc nhọn. Chi tiết “lệch” này phối hợp với sự “kéo lại” của các đường vạch viền vải saron ở phía đối trọng đã gây cảm giác “cân” lại cho bức tượng.



Điều đặc biệt là ngoài chiếc sarong bên trong, tượng Tara còn mặc thêm bên ngoài một chiếc sarong nữa. Chiếc sarong bên ngoài được vận rất khéo: Sau khi đã choàng và ôm sát lấy hai chân ở phía sau, hai mép dưới được kéo chéo lên để vấn vào thành một dạng cạp váy trước bụng.

Tượng Tara có một điểm đáng chú ý là sarong của tượng được vắt vào trong và áp vào chiếc sarong bên trong. Trong khi các tượng khác cùng phong cách thì thân giữa dài của sarong được vắt ra ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét