Thứ Hai, 11 tháng 11, 2019

Ý Nghĩa Câu Chú: OM MANI PADME HUM

Ý Nghĩa Câu Chú: OM MANI PADME HUM
Om Mani Padme Hum là một câu thần chú tiếng Phạn, được xem là thần chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) và là thần chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”.
Om : Quy mệnh
Mani : Viên ngọc như ý
Padme : Bên trong hoa sen
Hum : Tự ngã thành tựu

Có thể dịch câu này là Om, ngọc quý trong hoa sen, Hum. (Om, to the Jewel in the Lotus, hum).
Theo âm Hán-Việt, câu này được đọc là Úm ma ni bát ni hồng hoặc Án ma ni bát mê hồng.
Thông thường người ta không giảng nghĩa thần chú, nhưng ở đây cần nói thêm là: “ngọc quý” biểu hiện cho Bồ-đề tâm (bodhicitta), “hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên thần chú có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Đối với Phật giáo Tây tạng thì Om Mani Padme Hum chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới.

*
Dịch Việt : Mỹ Thanh
Các thần chú là biểu hiện của âm thanh bắt nguồn từ sự rỗng không. Nó là âm thanh xác thực của khoảng trống không.
Bắt nguồn từ khái niệm về chân lý tuyệt đối và trạng thái rỗng không, câu chú không hiện hữu. Không có âm thanh hay câu chú. Âm thanh và câu chú, như tất cả những dạng biểu thị khác nhau, đều ở vị trí của cõi tương đối xuất hiện từ rỗng không. Trong cõi tương đối, mặc dù âm thanh chính nó không có thực thể, nó vẫn có năng lực để chỉ định, đặt tên, và có sự hoạt động ở tâm thức.
Thí dụ, khi có ai đó nói với chúng ta “Anh là một người tốt” hoặc “Anh là một người khó ưa”, những chữ “tốt” hoặc “khó ưa” không phải là “vật gì”. Đó chỉ là những âm thanh mà tự nó không “tốt” hay “khó ưa”, nhưng đơn giản gợi lên ý nghĩ về “tốt” hoặc “khó ưa”, và gây ra một tác dụng nơi tâm thức. Cũng như vậy, trong phạm vi tương đối nơi hành động, thần chú được phú cho một năng lực không thể sai lạc.
Các câu chú thường là tên các vị Phật, Bố Tát, hoặc thần thánh. Thí dụ, OM MANI PADME HUNG (ÁN MA-NI BÁT DI HỒNG) là cách gọi ngài Chenrezig (Quán Âm). Từ quan điểm tuyệt đối, Chenrezig không có tên, nhưng trong phạm vi ý nghĩa tương đối hoặc nghĩa đen, ngài có tên gọi riêng. Những tên nầy là trung gian của lòng từ bi, vẻ thanh nhã, và sức mạnh cùng các nguyện ước của ngài làm lợi ích cho chúng sinh. Bằng cách niệm danh hiệu của ngài để những phẩm chất tâm thức nầy được truyền đến ta. Ở đây, việc giải nghĩa về năng lực lợi ích của thần chú, danh hiệu của ngài. Như chúng ta đồng hóa chúng ta với tên họ và những gì liên hệ đến nó, cũng bằng cách nầy, trên bình diện tương đối, thần chú đồng nhất với vị thần. Cả hai trở thành một thực tại duy nhất. Khi một người niệm chú, người ấy nhận được vẻ thanh nhã của vị thần; bằng cách hình dung vị thần, vị thánh ấy, người niệm chú nhận được vẻ thanh nhã không khác biệt của các vị thánh.
Thần chú OM MANI PADME HUNG đôi lúc được giải thích với những ý nghĩa cầu kỳ và thần bí. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, đây đơn giản chỉ là tên của Bố Tát Quan Âm (Chenrezig) được đặt giữa hai âm thanh truyền thống và thiêng liêng, OM và HUNG.
– OM tượng trưng cho thân các vị Phật, các thần chú đều bắt đầu từ âm nầy.
– MANI nghĩa “châu báu” trong Sanksrit;
– PADME, phát âm theo Sankrit, or PEME trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa “hoa sen”;
– HUNG tượng trưng cho tâm thức tất cả các vị Phật và thường là câu cuối trong các thần chú.
– MANI nói về châu báu mà Bố Tát Quan Âm (Chenrezig) cầm trong hai tay giữa và PADME là hoa sen cầm ở tay trái thứ nhì. Khi gọi MANI PADME là gọi tên ngài Chenrezig xuyên qua những phẩm hạnh của ngài: “Người đang cầm châu báu và hoa sen.”
“Chenrezig” hoặc “Hoa sen báu” là hai tên gọi của ngài Chenrezig (Quán Âm).
Khi chúng ta niệm chú, thật ra chúng ta đang tiếp tục lặp lại tên ngài Chenrezig. Thực tập nầy có lẽ trông lạ lùng. Tỷ như có một người mang tên Sonam Tsering và chúng ta lặp đi lặp lại tên người đó không ngừng nghỉ theo kiểu đọc thần chú. Sonam Tsering, Soanm Tsering, Sonam Tsering, v..v.. Điều nầy thật là lạ và có thể là vô dụng. Mặt khác, nếu như niệm câu chú OM MANI PADME HUNG thì có ý nghĩa hơn, vì câu chú nầy được “đầu tư” bởi sự thanh nhã và năng lực tâm thức của ngài Quan âm (Chenrezig), ngài Chenrezig đã gom sự thanh nhã và từ bi của tất cả các vị Phật và Bố Tát. Trong cách nhìn nầy, câu chú được phú cho khả năng vén màn tâm tối, và thanh tịnh hóa tâm thức chúng ta. Thần chú mở mang tâm thức thương yêu và từ bi, đưa đến sự tỉnh thức giác ngộ.
Các vị bồ tát và thần chú là một nguyên thể, nghĩa là một người có thể niệm chú mà không cần thiết phải hình dung, tưởng tượng. Niệm chú vẫn có hiệu quả.
Phẩm chất xác thực của mỗi âm trong sáu âm của câu chú được giải thích rất phù hợp.
Trước tiên, hãy để chúng ta xem mỗi âm giúp chúng ta đóng cánh cửa tái sanh đau khổ, một trong sáu cõi hiện hữu của vòng luân hồi:
– OM đóng cánh cửa luân hồi trong cõi trời;
– MA, cánh cửa cõi thần, A-tu-la
– NI, cánh cửa cõi người
– PAD, cánh cửa cõi súc sanh
– ME, cánh cửa cõi ngạ quỷ;
– HUNG, cánh cửa cõi địa ngục.
Mỗi âm tiết được xem như có ảnh hưởng thanh tịnh hóa:
– OM thanh tịnh hóa bản thân;
– MA thanh tịnh hóa lời nói;
– NI thanh tịnh hóa tâm thức;
– PAD thanh tịnh hóa những cảm xúc mâu thuẫn;
– ME thanh tịnh hóa điều kiện ẩn tàng;
– HUNG thanh tịnh hóa tấm màn che phủ trí tuệ.

Mỗi âm tiết là một bài cầu nguyện:
– OM lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật;
– MA lời cầu nguyện hướng về lời nói của các vị Phật;
– NI lời cầu nguyện hướng về tâm thức các vị Phật;
– PAD lời cầu nguyện hướng về những phẩm chất của các vị Phật;
– ME lời cầu nguyện hướng về hoạt động của các vị Phật;
– HUNG gom góp sự thanh nhã của thân, khẩu, ý, phẩm chất, và hoạt động của các vị Phật.

Sáu âm tiết liên hệ đến sáu ba-la-mật, sáu sự hoàn hảo được chuyển hóa:

– OM liên hệ đến sự rộng lượng;
– MA, đạo đức;
– NI, kiên trì, nhẫn nhịn,
– PAD, chuyên cần,
– ME, chú tâm,
– HUNG, trí tuệ.

Sáu âm tiết cũng liên quan đến sáu vị Phật, ngự trị trên sáu Phật gia:

-OM liên hệ đến Ratnasambhava (Bảo-Sanh Phật);
– MA, Amaghasiddi (Bất-Không-Thành-Tựu Phật);
– NI, Vajradhara (Kim Cương Trì / Phổ-Hiền Bồ Tát);
– PAD, Vairocana (Lô-Xá-Na Phật);
– ME, Amitabha (A-Di-Đà Phật);
– HUNG, Akshobya (A-Súc-Bệ Phật).

Cuối cùng, sáu âm tiết liên hệ đến sáu trí tuệ:

– OM = Trí tuệ thanh thản, an bình;
– MA = trí tuệ hoạt động;
– NI = trí tuệ tự tái sanh;
– PAD = trí tuệ pháp giới;
– ME = trí tuệ phân biệt;
– HUNG = trí tuệ như gương


Ở Tây Tạng, mọi người thường tụng niệm thần chú của ngài Chenrezig (Quan Âm). Sự đơn giản và phổ thông của thần chú không làm giảm đi sự to tát của thần chú, và còn có giá trị to lớn hơn. Điều nầy được thể hiện trong câu nói khôi hài sau:

Ở đoạn khởi đầu, không có đau khổ vì không biết,
Ở đoạn giữa, không có lòng tự kiêu vì hiểu biết,
Ở đoạn cuối, không sợ quên câu chú.

Không có sự hiểu biết về lý luận, y học, chiêm tinh học, và những môn khoa học khác là sự đau khổ, bởi vì một người có thể bỏ nhiều năng lực, cố gắng và chấp nhận nhiều mệt mỏi để học hỏi nó. Tuy nhiên, trong vài giây ngắn ngủi đã đủ để học thuộc thần chú của ngài Chenrezig. Không cần đối diện với đau khổ từ si mê cho đến hiểu biết. Bởi vì vậy, “Ở đoạn đầu không có đau khổ vì không biết.”

Một người sau mấy năm học hỏi môn khoa học khó khăn sẽ nhận được danh vọng hoặc chức vị ở xã hội, và họ hoàn toàn hài lòng với bản thân và tin rằng họ giỏi hơn tất cả những người khác. Thần chú đơn giản của ngài Chenrezig giúp cho một người tránh rơi vào tình trạng nói trên. Như vậy, “Ở đoạn giữa, không kiêu ngạo khi hiểu biết.”
Cuối cùng, nếu chúng ta không gìn giữ câu chú, sự hiểu biết mà chúng ta thâu thập được trong y học, chiêm tinh học, hoặc những môn khoa học khác có thể dần dà bị mai một. Nhưng không thể nào quên được sáu âm tiết câu chú. OM MANI PADME HUNG. Vậy, “Ở đoạn cuối, không sợ quên câu chú.”
Cũng vậy, từ những bài ghi chú của tôi “Cơn mưa liên tục làm lợi ích cho Chúng Sinh”:

– OM là màu TRẮNG;
– MA, màu XANH LÁ CÂY;
– NI , màu VÀNG;
– PAD, màu XANH DA TRỜI;
– ME, màu ĐỎ;
– HUNG, màu ĐEN.
Câu chú có thể được tóm tắt như sau : “Tôi cầu xin hiện thân của năm dạng và năm ý thức chuyển hóa, Vị bồ tát sỡ hữu viên ngọc và hoa sen để bảo hộ tôi thoát khỏi những nỗi đau khổ của chúng sinh trong sáu cõi.”
OM MANI PADME HUNG là bản tóm tắt của bộ sưu tập kiến thức trực tiếp của tất cả các vị Phật. Những chỉ dẫn bao gồm trong mỗi âm của sáu âm tiết, là bản chất Tinh Thông Bí mật về các vị Phật, là nguồn gốc của tất cả mọi phẩm chất và hạnh phúc sâu sắc, gốc rễ của các thành tựu lợi ích, sung sướng, và là con đường vĩ đại đưa đến những hiện hữu và tự do cao cả.
*
Nguồn: Phần phụ lục sách: “Tạng thư Sống Chết”
The Tibetan Book Of Living And Dying
Sogyal Rinpoche
Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch

Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé Hung. Thần chú này tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ-tát, nhất là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo thân, và thần chú của ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẫn của chư Phật đối với hữu tình. Nếu Ngài Liên Hoa Sinh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhất của họ, là vị thần hộ mệnh của dân tộc này. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẫn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nỗi một hài nhi vừa biết nói tiếng “Mẹ” là đã biết đọc thần chú này, OM MANI PADME HUM.

Tương truyền vô lượng kiếp về trước có một ngàn thái tử phát tâm Bồ-đề nguyện thành Phật. Một vị nguyện thành Phật Thích Ca mà ta đã biết; nhưng Quán Tự Tại thì nguyện sẽ không đạt thành Chính giác khi mà tất cả ngàn thái tử chưa thành. Với tâm đại bi vô biên, ngài còn nguyện giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi khổ sinh tử luân hồi trong lục đạo. Trước mười phương chư Phật, ngài phát nguyện: “Nguyện cho con cứu giúp được tất cả hữu tình, và nếu có khi nào con mệt mỏi trong công việc lớn lao này thì nguyện cho thân con tan thành một ngàn mảnh”.
Đầu tiên, ngài xuống cõi địa ngục, tiến lên dần đến cõi ngạ quỷ, cho đến các cõi trời. Từ đấy ngài tình cờ nhìn xuống và trông thấy than ôi, mặc dù ngài đã cứu vô số chúng sinh thoát khỏi địa ngục, vẫn còn có vô số khác đang sa vào. Điều này làm cho ngài đau buồn vô tận, trong một lúc ngài gần mất tất cả niềm tin vào lời nguyện vĩ đại mà ngài đã phát, và thân thể ngài liền nổ tung thành ngàn mảnh. Trong cơn tuyệt vọng, ngài kêu cứu tất cả chư Phật. Những vị này từ mười phương thế giới đều bay đến như mưa tuyết để tiếp cứu. Với thần lực nhiệm mầu, chư Phật làm cho ngài hiện toàn thân trở lại, và từ đấy Quán Tự Tại có mười một cái đầu, một ngàn cánh tay, trên mỗi lòng tay có một con mắt. Ý nghĩa rằng sự phối hợp giữa trí tuệ và phương tiện thiện xảo là dấu hiệu của đại bi chân thực. Trong hình thức này, ngài còn sáng chói rực rỡ, và có nhiều năng lực hơn trước để cứu giúp tất cả chúng sinh. Tâm đại bi của ngài khi ấy còn mãnh liệt hơn nữa, và ngài lại phát lời nguyện này trước chư Phật: “Con nguyện không thành Chính giác khi tất cả chúng sinh chưa thành”.
Tương truyền rằng vì đau buồn trước nỗi khổ luân hồi sinh tử, hai giọt nước mắt đã rơi từ đôi mắt ngài, và chư Phật đã làm phép biến hai giọt nước mắt ấy thành hai nữ thần Tara. Một nữ thần có màu xanh lục, năng lực hoạt động của tâm đại bi, và một nữ thần có màu trắng, khía cạnh như mẹ hiền của tâm đại bi. Tara có nghĩa là người giải cứu, người chuyên chở chúng ta vượt qua biển sinh tử.
Theo kinh điển đại thừa, chính Quán Tự Tại đã cho đức Phật câu thần chú, và đức Phật trở lại giao phó cho ngài công tác cao quý đặc biệt là cứu giúp tất cả chúng sinh tiến đến giác ngộ. Vào lúc ấy, chư thiên tung hoa xuống ca ngợi hai ngài, quả đất chấn động, và không trung vang lên âm thanh OM MANI PADME HUM HRIH.

Có câu thơ về ngài ý nghĩa như sau:
Quán Thế Âm như vầng trăng, với ánh sáng mát dịu, dập tắt những thiêu đốt của sinh tử. Trong ánh sáng ấy, đóa sen từ bi – lọai hoa nở về đêm – mở ra những cánh trắng tinh khôi” .
Giáo lý giải thích rằng mỗi âm trong sáu âm của thần chú OM MANI PADME HUM có một hiệu quả đặc biệt để mang lại sự chuyển hóa thuộc nhiều tầng lớp khác nhau của bản thể ta. Sáu âm này tịnh hóa tất cả sáu phiền não gốc, biểu hiện của vô minh khiến chúng ta làm những ác nghiệp của thân, lời, ý, tạo ra luân hồi sinh tử và những khổ đau của chúng ta, trong đó kiêu mạn, ganh tị , dục vọng, ngu si, thèm khát và giận dữ, nhờ thần chú mà được chuyển hóa trở về bản chất thực của chúng, trí giác của sáu bộ tộc Phật thể hiện trong tâm giác ngộ. (Chú thích: Giáo lý thường nói đến năm bộ tộc Phật, bộ tộc thứ sáu là tổng hợp của năm bộ tộc trên).
Bởi thế, khi ta tụng thần chú OM MANI PADME HUM thì sáu phiền não nói trên được tịnh hóa, nhờ vậy ngăn ngừa được sự tái sinh vào sáu cõi, xua tan nỗi khổ ẩn tàng trong mỗi cõi. Đồng thời thần chú này cũng tịnh hóa các uẩn thuộc ngã chấp, hoàn thành sáu hạnh siêu việt của tâm giác ngộ (sáu ba la mật): bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Người ta cũng nói rằng thần chú OM MANI PADME HUM có năng lực hộ trì rất lớn, che chở ta khỏi những ảnh hưởng xấu và các thứ tật bệnh.

Thường có chủng tự HRIH của Quán Thế Âm được thêm vào sau câu thần chú, làm thành OM MANI PADME HUM HRIH. HRIH là tinh yếu tâm đại bi của tất cả chư Phật, là chất xúc tác đã khởi động tâm đại bi chư Phật để chuyển hóa các phiền não của ta thành bản chất trí tuệ của các ngài.
Kalu Rinpoche viết:
Một cách khác để giải thích thần chú này là: OM là tính chất của thân giác ngộ, MANI PADME tiêu biểu ngữ giác ngộ, HUM tiêu biểu ý giác ngộ. Thân, ngữ, ý của tất cả chư Phật được tàng ẩn trong âm thanh của thần chú này. Thần chú này tịnh hóa những chướng ngại của thân, lời, ý, và đưa tất cả hữu tình đến trạng thái chứng ngộ. Khi tụng thần chú này, mà phối hợp với đức tin và tinh tiến thiền định thì năng lực chuyển hóa của thần chú sẽ phát sinh và tăng trưởng. Quả vậy, chúng ta có thể tịnh hóa bản thân bằng phương pháp ấy.
Đối với những người đã quen thuộc với thần chú này, suốt đời tụng đọc với nhiệt thành và niềm tin, thì Tử Thư Tây Tạng nói, ở trong cõi Trung Ấm: “Khi âm thanh của pháp tính gầm thét như ngàn muôn sấm sét, nguyện cho tất cả tiếng này trở thành âm thanh của thần chú sáu âm”. Tương tự, kinh Lăng Nghiêm cũng nói:
“Mầu nhiệm thay là âm thanh siêu việt của Quán Thế Âm. Đấy là âm thanh tối sơ của vũ trụ… Đó là tiếng thì thầm âm ỉ của thủy triều trầm lắng. Tiếng mầu nhiệm ấy đem lại giải thoát bình an cho tất cả hữu tình đang kêu cứu trong cơn đau khổ, và đem lại một sự an trú thanh tịnh cho tất cả những ai đang tìm sự thanh tịnh vô biên của niết bàn”.
*
Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng, Hồng Như Việt dịch
Nguyên bản tiếng Anh: Om Mani Padme Hum, by HH the Dalai Lama
Hồng Như chuyển Việt ngữ.

Trì tụng minh chú Om mani padme hum [Án ma ni bát di hồng] là một việc rất tốt. Tuy vậy, khi tụng chú cần phải nhớ nghĩ đến ý nghĩa của lời chú, vì sáu âm này mang ý nghĩa thâm sâu quảng đại vô cùng. Âm thứ nhất, OM, là tổng hợp của ba mẫu tự A, U và M, tượng trưng cho thân miệng ý ô nhiễm của người tụng chú, đồng thời cũng tượng trưng cho thân miệng ý thanh tịnh của Phật đà.
Có thể nào chuyển thân miệng ý ô nhiễm thành thân miệng ý thanh tịnh được không? hay đây là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt? Tất cả chư Phật đều là đã từng là chúng sinh, nhờ bước theo đường tu nên mới thành đấng giác ngộ; Phật Giáo không công nhận có ai ngay từ đầu đã thoát mọi ô nhiễm, mang đủ mọi tánh đức. Thân miệng ý thanh tịnh đến từ sự tách lìa trạng thái ô nhiễm, chuyển hóa ô nhiễm thành thanh tịnh.
Chuyển hóa bằng cách nào? Phương pháp tu được nhắc đến qua bốn âm kế tiếp. MANI [ma ni], nghĩa là ngọc báu, tượng trương cho phương tiện, là tâm bồ đề, vì chúng sinh mà nguyện mở tâm từ bi, đạt giác ngộ. Cũng như viên ngọc quí có khả năng xóa bỏ cảnh nghèo, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng xóa bỏ sự bần cùng khó khăn trong cõi luân hồi và niết bàn cá nhân. Như ngọc như ý có khả năng chu toàn mọi ước nguyện của chúng sinh, tâm bồ đề cũng vậy, có khả năng chu toàn mọi ước nguyện chúng sinh.
Hai chữ PADME [bát mê], nghĩa là hoa sen, tượng trưng cho trí tuệ. Hoa sen từ bùn mọc lên nhưng lại không ô nhiễm vì bùn. Tương tự như vậy, trí tuệ có khả năng đặt người tu vào vị trí không mâu thuẫn ở những nơi mà người thiếu trí tuệ đều sẽ thấy đầy mâu thuẫn. Có nhiều loại trí tuệ, trí tuệ chứng vô thường, trí tuệ chứng nhân vô ngã (con người không tự có một cách độc lập cố định), trí tuệ chứng tánh không giữa các phạm trù đối kháng (nói cách khác, giữa chủ thể và khách thể) và trí tuệ chứng sự không có tự tánh. Mặc dù có nhiều loại trí tuệ, nhưng chính yếu vẫn là trí tuệ chứng tánh Không.
Trạng thái thanh tịnh có được là nhờ sự kết hợp thuần nhất giữa phương tiện và trí tuệ, được thể hiện qua âm cuối, HUM [hồng]. Âm này ứng vào trạng thái bất nhị, không thể phân chia. Trong hiển thừa, phương tiện và trí tuệ bất nhị có nghĩa là phương tiện ảnh hưởng trí tuệ, và trí tuệ ảnh hưởng phương tiện. Trong mật thừa, sự hợp nhất này ứng vào một niệm tâm thức trong đó phương tiện và trí tuệ đồng loạt hiện hành. Nói về chủng tự của năm vị Thiền Phật, HUM là chủng tự của Bất Động Phật [Akshobhya], sự đứng yên không gì có thể lay chuyển nổi.
Vậy Lục Tự Đại Minh Chú, Om mani padme hum, có nghĩa là dựa vào đường tu kết hợp thuần nhất phương tiện và trí tuệ mà người tu có thể chuyển hóa thân miệng ý ô nhiễm của mình thành thân miệng ý thanh tịnh của Phật. Thường nói người tu không thể tìm Phật ở bên ngoài, tất cả mọi nhân tố dẫn đến giác ngộ đều sẵn có từ bên trong. Đức Di Lạc Từ Tôn có dạy trong bộ Tối Thượng Đại Thừa Mật Luận (Uttaratantra) rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh trong tâm. Chúng ta ai cũng mang sẵn trong mình hạt giống thanh tịnh, cốt tủy của Như Lai (Tathatagarbha – Như lai tạng), đó là điều cần nuôi nấng phát triển đến mức tột cùng để bước vào địa vị Phật đà.
*
Lạt ma Thubten Zopa Rinpoche
Người dịch: Thanh Liên
Nguyên tác: The Benefits of Chanting Om Mani Padme Hum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét