Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

TRUYỆN TRUYỀN KỲ TRUNG QUỐC - Địch Phu Nhân



Lâm Ngữ Đường bình: "Địch Thị" ghi lại truyện một người đàn bà có chồng tư thông với người khác. Trong truyện có một số đặc điểm làm tăng vẻ đặc sắc cho truyện. Tuy là truyện ngoại tình nhưng chỉ vì hôn nhân bất hạnh mà nên nông nỗi, xét về tình có thể cảm thông tha thứ."
Địch Phu Nhân
Hàng năm cứ vào rằm tháng giêng, kinh đô Nam Tống lại mở hội Hoa Đăng. Xét về mọi mặt, đây là ngày lễ hội lớn, náo nhiệt nhất trong năm. Cảnh phồn hoa tráng lệ ấy so với Biện Lương ở phương Bắc đang trầm luân dưới ách của bọn người Hồ thì khác hẳn một trời một vực.
Đêm Hoa Đăng, cả Hàng Châu sáng rực như ban ngày. Từ lầu Thanh Môn đến phố Hải Hoàn nườm nượp khách chơi rong. Lúc này, chính là bọn bất lương thừa cơ hoạt động. Các cặp tình nhân cũng hoan hỉ hẹn hò thầm lén bên hồ. Cửa thành mở thâu đêm suốt sáng. Đêm hôm ấy, trộm cướp tứ tung khắp nơi.
Đám đông chen chúc đổ xô về phố Lục Bộ vì phố này đèn hoa xuất sắc nhất, nơi nơi chói sáng huy hoàng. Hoàng thượng cũng treo đèn hoa chung vui với nhân dân, đặc biệt dựng một tòa nhà lầu cao năm mươi xích (thước Tàu) gọi là "Núi Rùa" kết tơ đủ màu rực rỡ để treo hàng dãy đèn lồng xếp thành chữ.
Các nhà quan, nhà nào cũng dựng nhà rạp, bên trong trang trí màn trướng. Trên nhà rạp treo những chiếc đèn lồng tân kỳ của nhà mình. Ai nấy ở trong nhà rạp của mình, đồng thời cũng đi thưởng thức đèn lồng nhà người. Đàn ông, đàn bà, trẻ con túa ra đầy đường. Mỗi khi các tiểu thư, phu nhân nhà quan dạo phố xem đèn, bọn tôi tớ lại vén những bức bình phong vây quanh lên. Cứ thế, thỉnh thoảng họ dừng lại chuyện trò với đám người náo nhiệt, khen ngợi đèn lồng nhà nọ, trầm trồ đèn lồng nhà kia hoặc mỉm cười chào hỏi đám người huyên náo qua lại.
Lúc ấy, nhà rạp nọ hãy còn trống, chỉ có hai gã tớ trai ở lại trông nom. Đó là nhà rạp của một vị ngự sử. Phu nhân quan ngự sử nức tiếng là "đệ nhất phu nhân" ở kinh đô, không ai không biết tiếng. Đó là danh hiệu dân toàn thành dùng đế tán tụng nàng.
Trong chốn xã giao, những phụ nữ nổi tiếng về đố kỵ thường nói: "Ả ấy mà cũng dám tự cho mình là Địch Phu Nhân ư? Thế thì còn trời đất nào nữa!" hoặc "Cái kiểu bới tóc tân kỳ ấy, nếu là Địch Phu Nhân bới thì đẹp phải biết, chứ vào cáì bộ mặt phèn phẹt những phấn, núc ních những thịt kia, trông tởm chết đi được".
Địch Phu Nhân là tiểu thư con nhà dòng dõi thư hương, nàng rất ít khi xuất hiện ở chỗ đông người.
Một lúc sau, Địch Phu Nhân đến. Suốt đọc đường, mọi người nhao nhao chào hỏi nàng. Nàng đến nhà rạp cùng với a hoàn và đàn con: một bé trai tám tuổi, hai con gái sinh đôi năm tuổi. Năm nay nàng mới hai mươi tám tuổi.
Địch Phu Nhân ch mặc một bộ áo dài đen giản dị nhưng bằng thứ hàng thượng đẳng. Ngoài hạt châu hình trăng lưỡi liềm, nàng không đeo bất kỳ một món châu báu nào. Có lẽ vì chuộng cao nhã, cũng có thể nàng tự biết bản thân đã là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, chẳng cần phải trang sức, điểm tô bạc vàng chi nữa. Nàng cũng không trang điểm phấn son. Những phụ nữ khác bảo nàng có tính kiêu kỳ, lời ấy quả không sai.
Một phụ nữ lộng lẫy như Địch Phu Nhân mà kiêu kỳ thì cũng đáng lắm chứ. Gương mặt nàng mịn màng, trắng trẻo, đẹp tự nhiên như được tạc bằng ngọc thạch. Đôi môi khít, mỗi khi mỉm cười để lộ hàm răng trắng đều, thanh khiết. Nếu bảo nàng có tí ti khuyết điểm nào đó thì đó là đôi thùy châu hơi nhỏ một chút, hơi mỏng một chút. Đôi vai nàng tròn trặn, tấm thân yểu điệu, khoác một bộ xiêm y không thêu thùa gì cả. Trông thế mà lại ưa nhìn. Đám phụ nữ ngưỡng mộ nàng lắm. Họ cho rằng nàng là người cực kỳ diễm phúc: tuổi trẻ mà đã làm mẹ này, con cái kháu khỉnh xinh đẹp này, chồng mới ba mươi ba tuổi, đường quan lại hanh thông được thăng đến chức ngự sử ...
Các con nhí nhéo hỏi:
- Mẹ ơi! Sao giờ này mà ba vẫn chưa đến hả mẹ?
- Đừng ồn ào, ba bận việc, tí nữa sẽ đến.
Gương mặt Phu Nhân thoáng dợn nét không vui, ngoài a hoàn Hương Liên không ai nhận thấy. Chồng nàng hứa đến nhưng nếu ông không đến, nàng cũng chẳng lạ. Tình hình này Hương Liên cũng biết. Hương Liên là con hầu và cũng là bạn gái của Địch Phu Nhân từ ngày nàng chưa xuất giá. Khi nữ chủ nhân xuất giá, ả cũng theo hầu. Hương Liên nhỏ hơn phu nhân vài tuổi, là kẻ tâm phúc của nàng.
Đối diện với nhà rạp của họ Địch, những nhà rạp xung quanh cha, con, chồng vợ sum vầy đầm ấm. Địch Phu Nhân lớn lên trong gia đình lễ giáo, trước mặt bạn bè, tình cảm đối với chồng, không mảy may để lộ.
Người qua kẻ lại, ai cũng ghé đến ngắm Địch Phu Nhân chứ không thiết ngắm những phụ nữ đeo đầy châu báu khác. Bọn trai tơ lục tục kéo qua, cười nói ồn ào, len lén liếc vị phu nhân lộng lẫy mê hồn, thường khi náu kín ít bước ra ngoài. Nhà rạp của họ Địch lớp lớp người chen chúc nhau nô nức, đông đảo hơn nhiều nơi khác. Quân cảnh vệ kinh đô cũng mon men gần đó tuần sát giúp việc lưu thông đường phố khỏi bị tắc nghẽn. Kỳ thực họ cũng đến ngắm Địch Phu Nhân. Mái tóc nhung mượt mà hợp với bộ xiêm y đen và khuôn mặt trắng càng làm tăng nhan sẩc của nàng.
Ánh đèn lồng lung linh, một vầng trăng tròn lồ lộ, văng vẳng [tiếng] trúc tơ của đội nhạc hoàng gia. Giữa những âm thanh, màu sắc rực rỡ hòa quyện vào nhau, Địch Phu Nhân lại càng lộng lẫy y như tiên nữ ngoài cõi trần. Địch Phu Nhân nhác thấy ni cô Tuệ Trừng đi đến, nàng và Tuệ Trừng vốn quen thân. Phu nhân, tiểu thư các nhà phú quý ở kinh đô đều là thí chủ của các ni cô am miếu; ni cô thường lai vãng nhà họ. Bọn ni cô tự nhiên có cái đặc quyền gần gũi phu nhân, tiểu thư các nhà phú quý. Họ giúp việc chạy tin, đưa thư cho các thí chủ, kể cũng có ích. Cũng vì vậy các ni cô biết được nhiều chuyện bí mật trong dinh thự của các nhà quyền thế. Địch Phu Nhân mời:
- Tuệ Sư Phó, mời sư phó vào chơi!
- Vâng, vâng, tôi vào ngay, xin chờ một tí.
Đầy tớ thả giải tơ ngăn che nhà rạp xuống. Tuệ Trừng bước vào. Phu Nhân chỉ cái ghế dành cho chồng, bảo Tuệ Trừng:
- Mời ngồi chơi một lúc đã.
Tuệ Trừng không ngồi, chỉ đứng sau Địch Phu Nhân:
- Tôi không ngồi đâu. Cái hạt châu mặt nguyệt này, Phu Nhân đeo đẹp ơi là đẹp.
Địch Phu Nhân nài ni cô ngồi xuống, Tuệ Trừng đành ngồi xem đèn hoa và đám người qua lại. Tuệ Trừng hỏi:
- Lão Gia nhà ta không đến à?
Có chứ, ông ấy bảo sẽ đến. Ông ấy bận tiệc tùng với bạn bè, cũng chẳng rõ ở nơi nào.
Có việc gì qua được mắt sắc sảo của Tuệ Trừng. Bà ta nhè nhẹ thử dài bảo:
- Tệ a!
- Tôi chắc ông ấy sẽ đến mà!
Một lúc sau, gần đấy có đám hỗn loạn. Không rõ kẻ nào gây náo loạn. Sau mới biết có mấy sinh viên nhà Thái Học bị bắt. Có người vừa mới rải truyền đơn, trên truyền đơn viết: "Đã đảo quân bán nước! Phái chủ hòa mau từ chức đi !".
Tờ truyền đơn đòi Tể Tướng từ chức. Bi vì Trung Quốc thời ấy, toàn bộ miền Bắc đã bị người Kim xâm chiếm, quốc đô phải dời về Hàng Châu phương Nam. Nhân dân đòi triều đình phải thu về những vùng đất bị mất. Thế mà đại tướng bách chiến bách thắng Nhạc Phi lại bị gọi về triều hạ ngục xử tử. Làm thế để mong hòa hoãn với người Kim. Vì vậy dân tình uất hận mà bọn người nắm giữ đại quyền vẫn chễm chệ ngồi yên trên cao, kiêu xa dâm dật, bo bo giữ chính sách không hề sửa đổi. Thế tất phải dùng đến thủ đoạn bàn tay sắt để kềm chế dư luận.
Tối hôm ấy, sau một hồi ồn ào lộn xộn, khách chơi rong lại tiếp tục vui vẻ thưởng thức đèn hoa trên "Núi Rùa". Chỉ chốc lát sẽ bắn pháo bông.
Tuệ Trừng đứng dậy nói:
- Thôi, xin cáo nhé. Tôi không muốn Lão Gia thấy tôi ngồi ở đây. Lần này tôi mua giúp phu nhân cái vòng châu mặt nguyệt này, đẹp đấy chứ.
- Tôi đặc biệt để dành đến hôm nay mới đeo đây. Nếu Sư Phó thấy ở đâu có vòng cổ thượng đẳng thì đem lại cho tôi nhé!
Địch Phu Nhân rất mê thích hạt châu. Tối nay nàng cũng đeo hai hạt châu ở tai để che đôi thùy châu hơi nhỏ của mình, vả lại cũng là trang điểm.
Mãi khi phóng pháo bông, chồng nàng mới đến. Ông ta người cao, hơi gầy, lông mày thường nhíu lại làm một. Cũng như các sĩ đại - phu thời ấy, ông cũng để râu. Ổng phục sức rất tề chỉnh, mũ cao, để ria mép. Tuy không thế bảo là đẹp trai nhưng cũng không khó coi. Ai cũng biết tiếng ông là người sáng suốt, có năng lực lại có chí ganh đua sôi nổi. Ông lấy được người vợ đẹp như thiên tiên thế này cũng không lạ vì hai nhà đều là danh môn vọng tộc.
Năm xưa, ông say mê nhan sắc tiểu thư, xin cha mẹ cưới cho bằng được. Lúc ấy, mẹ tiểu thư đã mất, cha hai người làm quan đồng triều, cùng một đảng, lại là đôi bạn thân. Ban đầu tiểu thư không bằng lòng song cũng không chê. Chồng nàng cũng giống con cái các nhà phú quý khác, mới sinh ra là đã tốt số, sinh ra là đã có đầy đủ công danh. Thuở ấy, ông đối với vợ một lòng yêu dấu. Vài năm đầu kết hôn, cuộc sống chung thật hạnh phúc, Về sau tình yêu dần nhạt, ông lên nuôi giấu một nhóm ca nữ, giảo đồng, bỏ bê người vợ đẹp ở nhà, khiến ai cũng quái lạ không hiểu nổi.
Mỗi khi chồng được thăng quan, mọi người đến chúc mừng hoặc tỏ lòng hâm mộ nàng tốt phước, nàng cũng chẳng biết nói sao. Tuy vậy, nàng cũng giả vờ là mình rất có hạnh phúc, Tối nay nàng biết chồng lại tùng đảng với một số bạn bè đốn mạt. Hương Liên biết, Tuệ Trừng cùng biết.
Chồng đến. Địch Phu Nhân chẳng nói gì. Họ lặng lẽ xem nốt trò phóng pháo bông. Người bàng quan chỉ thấy đôi vợ chồng này thật là đẹp đôi, diễm phúc.
Về nhà, nàng cũng chẳng buồn hỏi xem chồng đi những đâu. Có điều tối nay nàng thấy bực dọc lạ. Hai vợ chồng đã ngủ riêng phòng. Trước khi đi ngủ, họ nói với nhau vài câu. Nàng vừa tháo vòng hạt châu, vừa nói hờ hững:
- Tối nay, trước khi mình đến, có mấy người Thái Học sinh bị bt vì rải truyền đơn đòi Tể Tướng từ chức.
Chồng bảo:
- Đáng kiếp, toàn một bọn bạo dân hạ lưu vô hêm sỉ, chỉ gây lộn xộn.
Đó là đầu đề khiến vợ chồng họ cãi nhau. Phu nhân ngao ngán bảo:
- Bạo dân làm loạn, gây rối à? Hứ! Trái lại, chính bọn các ông làm loạn gây rối thì có. Chứ những bọn bạo dân này chỉ đòi hỏi thu về những vùng đất bị mất, đòi hỏi bọn quan liêu giá áo túi cơm, dở sống dở chết từ chức. Nhân dân rất căm hờn các ông, các ông có biết không?
Người chồng quát lớn:
- Đàn bà biết gì mà bàn luận chính trị!
Nói rồi sập cửa đánh sầm, đi về phòng mình. Địch Phu Nhân còn nhớ thuở ban đầu tình yêu của mình đối với chồng phai nhạt đi thế nào. Cứ thấy tính cách tham lam vô độ, tàn nhẫn, độc ác, ích kỷ hại nhân của chồng, nàng đã thấy ngao ngán, khinh bỉ.
Phụ thân Phu Nhân lúc sinh thời là người yêu nước sôi nổi. Các tay thuộc phái chủ hòa ai mà chẳng ngán ông. Thế mà nay thấy chồng đang độ thanh niên hăng hái, dám làm lại đi tiếp tay cho bọn quan lại chủ hòa làm điều gian ác. Thực ra, Phu Nhân thừa biết chồng mình sở dĩ a tòng với bọn chủ hòa chỉ cốt được thăng quan tiến chức. Địa vị có ổn mới được bọn đương quyền nâng đỡ che chở. Tim đen của ông ta, ngoài nàng ra, ít ai hiểu thấu.
Có lần Địch Phu Nhân đọc công bảo của triều đình thấy tin một vị trung thần dâng biểu hạch tội Tể Tướng, bị xử lưu đày. Lại một vị trung thần khác dâng biểu hạch tội Tể Tướng, biết không tránh khỏi đại họa nên sau khi dâng biểu liền thắt cổ tự tử. Nàng vô cùng xúc động, ứa nước mắt.
Chồng bảo:
- Khóc nỗi gì, bọn chó chết đó là đồ ngu xuẩn đần độn vô cùng. Em làm sao rõ được chỗ sâu xa của vụ này. Tể Tướng đã hứa dành cho họ những chỗ béo bở trong Khu Mật Viện. Chỉ cần họ đừng dâng biểu kể tội, bằng lòng gia nhập và giúp rập ngài thôi... Thật là những chỗ tốt người ta nằm mơ suốt đời còn không được.
Phu Nhân há hốc miệng, sửng sốt hỏi:
- Chả nhẽ ông không biết thế nào là nghĩa cử vì nước hy sinh hay sao?
- Tôi đếch thèm biết!
- Hương Liên nó còn biết nữa là. Địch Phu Nhân quay hỏi. Em cũng biết phải không, Hương Liên!
Hương Liên không dám trả lời.
Tuy chồng được thăng đến chức Ngự sử nhưng Phu Nhân hoàn toàn không còn trông mong gì ở ông ta. Tình yêu và lòng kính trọng chồng không còn nữa, hết sạch rồi!
Ngự sử là chức vị chuyên việc chỉ trích những chỗ sai, dở của triều đình. Thế mà Tể Tướng đưa bọn chó săn của y lấp dầy vào Ngự sử đài. Y muốn hài tội ai là sai bọn tẩu cẩu hài tội người ấy. Địch đại quan là người sốt sắng nhất, được việc nhất, cúc cung tận tụy nhất, chẳng quản nhọc nhằn nhất nên thành ra người có tài cán đặc biệt.
Dạo trước, có lần chồng trở về nhà, nhơn nhơn đắc ý khoe mình được thăng chức ngự sử. Phu Nhân vừa nghe đã thấy muốn lộn mửa (buồn ói).
- Đường quan vận của tôi hanh thông như thế sao mình không mừng? Tôi chẳng hiểu thế nào mới làm cho mình vừa lòng?
Phu Nhân lạnh nhạt trả lời:
- Ông cũng đừng mong biết làm gì.
Ngự sử là chức quan cao trọng vọng mà Phu Nhân có thái độ như thế rõ là bỉ mặt chồng, xúc phạm nặng nề đến ông. Dạo gần đây, ông lại khoe khoang những bạn mới quen, khoe chức tước của họ, rặt nói chuyện về họ. Phu Nhân bao giờ cũng tỏ ra dửng dưng, nhạt nhẽo. Phu Nhân sinh trong một gia đình phú quý, những chuyện quan trường nàng ít để ý; nhưng nhận thấy chồng lúc nào cũng chỉ vun vén trục lợi, thế bạo táo tợn, làm bất kỳ việc gì không chút kiêng dè, chỉ cốt sao cho mình bay bổng, ngoài ra tuốt tuốt đều chẳng đếm xỉa. Chồng con như vậy nàng cũng thấy h thẹn muôn phần. Mỗi khi thấy chồng huênh hoang khoe mẽ, nàng chỉ ẩn nhẫn, không hề nhếch mép, đôi khi còn tỏ ra khinh khỉnh không thèm để ý.
Người chồng cũng nhận ra vợ khinh mình, nhưng dù Phu Nhân chán ngán chồng bao nhiêu cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng. Sinh con trai rồi nàng quyết định không sinh đẻ nữa. Đối với chồng, như thế là vô phương hàn gắn. Nàng chỉ cầu ông ta đi cho khuất mắt, còn nàng trút hết tình cảm vào các con, thấy các con ngày càng khôn lớn đáng yêu thì cũng thấy đôi phần an ủi.
Ngoài những dịp lễ lạc như dịp tết treo đèn, tết tháng năm, nàng rất ít khi ra ngoài. Vậy mà cũng chẳng tránh được chuyện thị phi.
Bao giờ ra khỏi nhà, kiệu luôn buông rèm trúc dây, người ngoài không thể nhìn thấy bên trong.
Nếu không có biến cố bất ngờ xảy ra, có thể nói cuộc đời nàng trôi qua thật đầy đủ và êm thắm.
Nhưng, cái biến cố trong đêm lễ treo đèn - lúc ấy nàng cũng không biết gì cả - ngờ đâu lại làm đảo lộn cả cuộc đời nàng sau này.
Mười mấy hôm sau, Địch tiên sinh đi công cán xa kinh đô khoảng sáu đến mười tháng. Một hôm, ni cô Tuệ Trừng lại thăm, đem đến một cái vòng đeo cổ bằng hạt châu trị giá ba nghìn đồng. Phu Nhân nói:
- Tôi không sẵn tiền mặt, lão gia vắng nhà.
- Người ta chịu bán phân nửa giá tiền, non một chút cũng được.
- Họ cần tiền gấp lắm à?
- Không cần tiền, họ chỉ xin Phu Nhân giúp cho một việc thôi.
- Việc gì?
- Gần đây, người ấy bị bãi quan, may gặp lúc lão gia vắng nhà, nhờ Phu Nhân nói giúp cho vài lời.
Phu Nhân do dự một lúc rồi nói:
- Để tôi xem đã, bà cứ mang cái vòng này về đi!
- Tôi nghĩ... Phu Nhân cứ giữ lấy thì hơn. Nếu không xong việc thì trả lại cũng không sao. Bây giờ trả nhỡ họ bán cho nhà khác thì uổng. Dù Phu Nhân quyết định thế nào, sáng mai tôi sẽ đến thỉnh ý.
Hôm sau, Tuệ Trừng đến. Phu Nhân bảo nàng muốn mua chiếc vòng hạt châu, còn việc người ta cậy nàng sẽ hết lòng giúp đỡ.
- Nói thật xem, họ đòi giá bao nhiêu?
- Nếu Phu Nhân giúp trót lọt thì chiếc vòng coi như là quà kính lễ. À, nhưng còn điều này nữa, Phu Nhân có cho phép thì tôi mới dám nói. Tôi trót đã hứa với chàng ta rồi.
Địch Phu Nhân đỏ mặt:
- Cái gì? Là chàng trai à?
- Vâng, chính chàng giao cho tôi cái vòng này. Nó là món đồ quý giá. Tất nhiên chàng ta chỉ mong công việc thu xếp êm thắm. Nhưng chàng lại muốn biết người mình nhờ cậy là ai và khao khát được gặp Phu Nhân một lần.
Địch Phu Nhân giẫy nãy, dứt khoát:
- Không, không, nhất định là không.
- Chàng ta chỉ muốn được phục chức chứ không có ý gì khác. Nếu Phu Nhân không bằng lòng thì thôi vậy.
Địch Phu Nhân rất mê cái vòng hạt châu nên dụ dự một hồi rồi nói:
- Thôi thế này nhé. Ngày kia là ngày giỗ anh tôi, tôi cũng định đến miếu cúng. Nhân tiện tôi có thể trao đổi vài lời với anh ta. Tôi không rõ anh ta là hạng người nào. Bà tính, nếu là người già thì tôi cũng chẳng phải giữ ý mấy.
Tuệ Trừng mủm mỉm:
- Phu Nhân ơi! Bà nhầm to. Theo tôi, bà mà gặp người ấy ắt sê thích mê. Chàng này cao lớn, đẹp trai...
Tuệ Trừng liếc Phu Nhân, thấy má nàng đỏ au. Phu Nhân nghiêm mặt bảo:
- Bà liệu giữ mồm giữ miệng, đừng nói năng luông tuồng. Tôi là đàn bà đã có chồng, có con. Bà đem ngay cái vòng này về trả cho người ta. Tôi không cần.
- Ối , Phu Nhân sao lo xa thế. Nếu chàng ta không phải bậc chính nhân quân tử thì đời nào tôi dám giúp hai người đính ước cuộc gặp gỡ này, Chàng chỉ cần Phu Nhân giúp thôi, xin Phu Nhân nể mặt. Chàng là người học thức, có lễ giáo, ai cũng khen. Chàng còn là con nhà quan lớn. Cứ xem cái vòng hạt châu này cũng đủ thấy. Phu Nhân cứ yên lòng gặp chàng ta đi. Nếu tôi nói láo thì từ rày Phu Nhân cứ cấm cửa.
Địch Phu Nhân bật cười:
- Đồ quỷ, thôi được. Tôi sẽ gặp anh ta vậy, nhưng chỉ chốc lát thôi đấy, bảo cho bà biết trước.
Tuệ Trừng niệm một tiếng:
- Mô... Ph... â... ật!
Nhận lời hẹn hò ở am ni cô, Phu Nhân rất ái ngại và cảm thấy mạo hiểm, nàng chỉ dẫn theo Hương Liên. Nàng chưa bao giờ tưởng tượng đến việc gặp gỡ một thanh niên lạ.
Đến nơi, trong miếu chỉ loe hoe năm sáu bà già. Nàng bối rồi, ngập ngừng hỏi Tuệ Trừng:
- Anh ta có mặt chứ?
- Gặp ở đây sao tiện. Đợi tí rồi tôi đưa đi.
Phu Nhân giật mình hoảng hốt vì nàng vẫn nghĩ chỉ gặp nhau ở miếu nói qua loa vài câu.
Tụng kinh xong, đốt vàng mã rồi, Tuệ Trừng dường như đã sắp sẵn kế, ra hiệu cho một tiểu ni dẫn Hương Liên đi chơi ngoài thạch động ở sơn cốc. Tuệ Trừng quay bảo Địch Phu Nhân;
- Nào, theo tôi!
Bà dẫn Phu Nhân đến đây phòng gần đấy. Giọng bà ta văn vẻ khiến người hồi hộp. Họ vào một gian phòng. Ngôi nhà này có cửa sau dẫn đến hoa viên. Trong hoa viên có đào, mận và hòn non bộ. Nhà khách bày biện thanh khiết, trang nhã. Chỉ có vài cái bàn đơn sơ, mấy cái giá xếp đầy sách, hai cửa sổ hình lục giác nhìn ra ngoài hoa viên. Cánh trí thật u tình. Bấy giờ đương dạo tiết tháng ba, không khí phảng phất mùi hương hoa tử định hương. Nhà vắng tanh không một bóng người. Trên bàn bày ly uống rượu và một số hoa quả, toàn là những thứ thơm ngon.
Địch Phu Nhân ngạc nhiên hỏi:
- Thế này là thế nào?
Tuệ Trừng rót một ly rượu, mỉm cười, vẻ giảo hoạt:
- Ta hãy cạn một ly đã, chúc Phu Nhân khỏe mạnh hạnh phúc!
Phu Nhân bồn chồn hỏi:
- Anh ta đâu? Tôi không có nhiều thì giờ. Mau nói thẳng việc này cho ngã ngũ đi nào.
- Gượm đã, để tôi đi tìm chàng ngay đây.
Tuệ Trừng ngoắt ra sau nhà. Một lúc Địch Phu Nhân thấy bà ta cùng một chàng trai đang nhỏ to gì với nhau ngoài hoa viên. Nàng có cảm tưởng chắc họ có âm mưu gì đây. Nàng nghĩ bụng: "Gã này to gan thật!"
Chàng trai đội mũ cao, mặc trường bào tím trông rất ưa mắt. Dáng chàng ta thanh thoát tự nhiên, mặt hồng hào, trán đầy, đôi mắt sáng láng tinh thần. Phu Nhân lẩm bẩm: "Mình đáng chết, khi không đến nơi đây làm gì?"
Nàng cảm thấy mình đang làm một việc dâm tà đốn mạt. Nhưng dù sao, lời Tuệ Trừng quả không sai, Mới nhìn đã thấy chàng trai trông thật dễ ưa.
Tuệ Trừng giới thiệu hai người:
- Đây là Đằng tiên sinh, đây là Địch Phu Nhân.
Đằng sinh vái một vái dài. Địch Phu Nhân mỉm cười đáp lễ. Tuệ Trừng nói:
- Mời hai vị ngồi!
Bà rót đầy hai ly rượu nói:
- Hai vị có chuyện riêng, tôi xin phép tránh mặt.
Địch Phu Nhân hoảng hốt kêu:
- Đừng, đừng đi. Hãy ở lại đây!
Nhưng Tuệ Trừng đã vén rèm, thoáng cái mất dạng.
Hai người ngồi bâng khuâng. Địch Phu Nhân hiểu ngay đây là cuộc gặp gỡ không bình thường. Đằng sinh nâng ly hướng Phu Nhân mời:
- Kính chúc sức khỏe của Phu Nhân.
Địch Phu Nhân giật mình, đáp lễ như đối với một sĩ đại phu:
- Tôi cũng xin kính chúc Tiên Sinh.
Chợt nghĩ đến giá trị của mình, nàng nói nhanh:
- Hình như ông có việc gì cần bàn với tôi?
Dù định làm ra vẻ không dễ xúc phạm, nhưng giọng nàng đã run rẩy.
Đằng sinh nói:
- Vâng, thưa Phu Nhân.
Nói đoạn, nhìn nàng một lúc:
- Tôi không biết nên bắt đầu thế nào đây. Giọng chàng dịu dàng pha chút hồi hộp, xúc động.
Hình như ông muốn tôi giúp đỡ gì đó phải không?
- Vâng, nếu Phu Nhân đoái tưởng, quả thật tôi có việc cảm phiền Phu Nhân.
- Ông bị bãi chức à?
- Ồ, tôi có làm quan chức gì đâu mà bị bãi chức?
Tìm Phu Nhân đập mạnh, ngạc nhiên nhìn Đằng sinh rồi nói thẳng không úp mở:
- Tôi ngỡ ông cần tôi giúp ông phục chức. Nếu không thì ông tặng lễ vật làm gì? Vòng châu đó đẹp lắm.
- Có gì đáng kể, chẳng qua đó là chút đỉnh để tỏ lòng kính mộ. Nếu được hầu chuyện Phu Nhân dăm ba câu thì cái chuỗi đó có đáng kể gì,
Địch Phu Nhân trách:
- Ông to gan, bậy bạ quá lắm!
Nói đoạn đứng dậy. - Ông phải biết tôi là đàn bà có chồng, có con đàng hoàng.
- Xin Phu Nhân lượng thứ, cho phép bỉ nhân thưa mấy lời. Nếu thấy trái tai, Phu Nhân cứ việc trách đuổi. Bỉ nhân cũng rất vinh hạnh được đệ nhất Phu Nhân trong thiên hạ trách mắng. Chỉ chút xíu thời gian lúc này là thời gian quý báu nhất trong đời tôi. Tôi mong được thưa với Phu Nhân vài lời, tự biết như thế là thất lễ. Nhưng vì được lệnh Phu Nhân gọi đến nên tôi đâu dám trái lệnh.
- Sao, tôi mời ông đến à?
Phu Nhân từ từ ngồi xuống. Lời Đằng sinh khiến nàng thú vị:
- Thế ông muốn nói gì nào?
- Vâng, Phu Nhân làm cho tôi hồi hộp quá. Từ tôi hôm rước đèn dạo nọ, được diễm phúc chiêm ngưỡng dung quang. Hình ảnh Phu Nhân cứ ám ảnh tối suốt ngày đêm. Tôi ngủ cũng mơ thấy Phu Nhân, lòng nhớ nhung khôn xiết. Tôi tự nhủ chỉ cần được tiếp xúc với Phu Nhân, được nhìn Phu Nhân một tí dù có chết cũng vui, hoặc phải đi ăn mày, tôi cũng thấy mình là người giàu có nhất trên đời. Bởi vì tim tôi đã khắc ghi hình ảnh ngọc ngà của Phu Nhân...
Giọng chàng có khí khái của bậc đại trượng phu, ánh mắt nồng nàn như lửa cháy. Địch Phu Nhân thích thú nhìn chàng hỏi:
- Bây giờ gặp rồi, vẫn còn cảm thấy thế ư?
- Vâng, tôi thừa nhận làm thế này là rất thất lễ. Nhưng tôi thà liều chết mạo hiểm cầu gặp Phu Nhân một lần. Tuệ Trừng Sư Phó bảo Phu Nhân muốn gặp tôi. Tôi không ngờ mình lại có diễm phúc lớn lao như thế.
Địch Phu Nhân mỉm cười:
- Chắc ông phải hối lộ bà ta nhiều lắm nhỉ?
- Vâng, có vậy thật. Còn ai được gần gũi Phu Nhân hơn bà ta. Tôi tìm khắp cả thành mới gặp, số tôi may mắn thật. Phu Nhân nghĩ xem, những người đàn bà thường chỉ bằng lòng gặp người lạ khi có sự chứng kiến của người khác. Nhưng Phu Nhân thì khác. Tôi muốn gặp Phu Nhân bởi vì tôi yêu Phu Nhân. Phu Nhân có biết đã ban cho tôi hạnh phúc lớn lao biết bao không? Tôi đã đợi Phu Nhân cả buổi. Bây giờ, xin phép Phu Nhân cho tôi được lui. Nhưng trước khi chia tay, tha thiết xin Phu Nhân hãy ban cho lời nữa để tôi vĩnh viễn ghi khắc kỷ niệm về Phu Nhân.
Lặng nghe lời nói như ru, Địch Phu Nhân không nỡ cự tuyệt. Nàng đổi ý nói:
- Khoan hãy đi. Ông đã tốn công đến đây thì cứ cho tôi biết tình hình của ông. Ông là ai?
- Tôi là học sinh nhà Thái Học.
- Ô... thật à... làm chính trị phải không?
- Toàn thể bọn Thái Học sinh chúng tôi đều quan tâm đến chính trị. Đúng ra cũng không phải đơn thun vấn đề chính trị mà là vấn đề danh dự và độc lập của tổ quốc, một việc lớn mà ai cũng phải quan tâm. Còn như chủ hòa hay chủ chiến đều không đáng kể. Chỉ nên quan tâm đến sự vinh nhục của nước nhà thôi. Ai mà không mong mỏi hòa bình nhưng nếu hòa bình mà chịu ô nhục thì chẳng thà quyết chiến.
Lời Đằng sinh khẳng khái hiên ngang. Chàng là lãnh tụ của đám học sinh biểu tình vận động thị uy, phản đối phái chủ hòa. Thời ấy, số Thái Học sinh gần ba vạn người nhiều lần đòi triều đình phải có chính sách cứng rắn đối phó với người Kim. Vì họ là tiếng nói của nhân dân nên các yếu nhân trong chính phủ rất gờm. Lãnh tụ Thái Học sinh như Trần Đống đã bị giết. Sau đó khắp nơi ùn ùn phẫn nộ, triều đình lại phải đổi giọng khen ngợi tuyên dương.
Đằng sinh thổ lộ hết những lời tâm huyết khiến Địch Phu Nhân hết sức khâm phục. Càng nghe càng thấy lời Đằng sinh lâm ly khoái trá cứ như nói giùm hết cả nỗi lòng nàng nữa, khiến nàng hân hoan cao hứng. Đằng sinh ngừng một chút rồi tiếp:
- Tôi vớ vẩn thật, nói những đâu đâu.
- Không, ông nói chí phải. Cha tôi trước đây cũng chủ trương như thế. Đó là chủ trương truyền thống của nhà họ Lý chúng tôi. Lý Cương tiên sinh là chú của mẹ tôi đó.
Đằng sinh ngạc nhiên như muốn nhảy bật lên: Lý Cương là nhân vật trụ cột của phải chủ chiến. Cuôc tranh đấu chính trị giữa hai phải đều lấy ông làm trung tâm. Trong tâm tưởng của Thái Học sinh, ngoài ông trời ra thì chỉ có Lý Cương thôi.
Hai người lại cạn một ly rượu nữa đế kính chúc sức khỏe Lý Cương tiên sinh. Hiện thời ngồi với Đằng sinh, Địch Phu Nhân không còn thấy gượng gạo nữa, nàng cảm thấy an toàn, không lo lắng gì cả. Đằng sinh là người tự nhiên, sảng khoái.
Không khí gặp gỡ tốt đẹp này chắc cũng nằm trong ý liệu của chàng. Hai người cảm thấy tâm đầu ý hợp, thông cảm nhau sâu sc. Địch Phu Nhân quên bẵng sự kiêu kỳ về địa vị của mình, cứ như một người nữ tâm tình với tình nhân vậy. Xưa nay, nàng chưa bao giờ được hưởng hương vị say sưa ngây ngất như vậy. Trước đây cùng chưa bao giờ nàng nói chuyện với bạn bè của chồng thẳng thắn, sảng khoái như vậy.
Giống một con đê bị vỡ, những tháng ngày thanh xuân cuồn cuộn chảy về. Thời con gái sung sướng, nàng có người cha quyền uy vĩ đại, nàng còn tin tưởng vào sự hồn nhiên, ngây thơ và hạnh phúc. Vì bị ức chế quá lâu, bị quên lãng đã quá lâu, trong chớp nhoáng này, tất cả niềm vui sướng thanh xuân phơi phới đều nhất tề ồ ạt quay về:
- Phu Nhân! Tôi yêu em, em đừng trách tôi nhé.
Chàng nói rồi, định hôn tay nàng. Phu Nhân dịu dàng đưa tay cho chàng, lòng xuân lai láng bồi hồi. Nàng gượng lấy lại bình tĩnh bảo:
- Đằng tiên sinh, rất hân hạnh được gặp tiên sinh. Mong rằng từ nay, chúng ta sẽ là bạn thân của nhau.
- Nếu Phu Nhân không chê bỏ. Tôi sung sướng vô ngần.
Có tiếng bước chân, Tuệ Trừng đi vào nhìn chằm chằm hai người hỏi:
- Sao, quý vị bàn việc đã xong chưa?
- Xong rồi. Địch Phu Nhân nói rồi dợm đứng dậy toan ra về. Ơ, không ngờ trời muộn quá rồi. Nàng hấp tấp đứng dậy, mặt đỏ bừng. Bỗng nàng nhăn mặt, cúi gập người, ngã phịch xuống ghế, đau đớn rên rỉ. Tuệ Trừng hỏi:
- Mô Phật, sao thế?
- Tôi không biết. Tự nhiên thấy trong người khó chịu quá.
Tuệ Trừng chạy lại, hít hà nói:
- Mau mau vào tạm phòng kia ngả lưng một chút đã. Rồi dìu Phu Nhân đi. Địch Phu Nhân nằm xuống giường, đắp chăn xong bảo Tuệ Trừng:
- Bà cho người đi với Hương Liên về nhà nhé. Bảo Hương Liên sớm mai cho kiệu đến đón tôi. Nói với người nhà rng tôi bị một cơn đau bụng bất ngờ, tối nay không về nhà được.
Tuệ Trừng thung dung đi ra khỏi phòng, nháy mắt với Đng sinh ghé tai chàng thì thào:
- Đằng tiên sinh, cung hỉ tiên sinh nhé.

o0o

Sóm hôm sau, Địch Phu Nhân bảo Đằng sinh:
- Nếu không gặp anh, cả đời em cầm bằng sống uổng.
Địch Phu Nhân táo tợn thật. Năm mười bảy tuổi đính hôn, xưa nay chưa hề nếm mùi khoái lạc yêu đương. Chưa ai yêu nàng như vậy, mà Đằng sinh thì lại đúng nòi tình. Một phụ nữ danh giá có địa vị như Địch Phu Nhân mà có tình nhân là rất nguy hiểm, dù bà là bà chủ nhà.
Trong nhà chỉ có một bà cụ nằm liệt, tuy vậy cũng không thể đưa tình nhân về nhà lén lút với nhau được, bản thân cũng không thể ra khỏi nhà mà giấu được bọn người làm và phu kiệu. Ngày dài đằng đẵng như năm, đành bấm gan chịu đựng, chỉ hong hóng chờ có dịp là lẻn ra ngoài. Sau này nàng còn gặp tình nhân hai ba lần nữa. Việc làm không thể qua mắt Hương Liên. E chuyện bị lão gia phát giác, Hương Liên vã mồ hôi hột sợ thay cho Phu Nhân. Có lần Phu Nhân nôn nóng quá, vờ bị bệnh nặng để cùng tình nhân vui vầy qua đêm.
Sang thu, chồng từ tỉnh ngoài về kinh. Thấy xâu chuỗi hạt châu đeo cổ bèn hỏi nàng ở đâu ra. Địch Phu Nhân đáp:
- Mua của nhà nọ, hãy còn thiếu tiền người ta. Hẹn họ đợi mình về sẽ giao tiền, giá tiền là sáu nghìn đồng.
Chồng xem qua một lượt, khen qua loa vài câu.
Địch Phu Nhân nhắc:
- Số tiền này còn chưa trả, vài ngày nữa người ta sẽ lại lấy.
Suốt mùa đông, chồng không dời kinh. Địch Phu Nhân phần sợ chồng biết chuyện, phần e miệng người đồn đại và cũng vì được cùng tình nhân hưởng hạnh phúc thỏa thuê, nay muốn bù lấp tội lỗi của mình nên đối xử với chồng có chiều ân cần hơn. Nhưng, chồng vẫn lạnh lùng, không tỏ ra thân mật chút nào. Ngoài những chuyện vặt gia đình, hai người hoàn toàn không nói với nhau chuyện gì khác.
Địch Phu Nhân lại mạo hiểm một lần nữa. Có lần, nàng nhận lời dự tiệc nhà một vị Thượng Thư. Trong bữa tiệc, chỉ toàn là phụ nữ. Nàng dặn Hương Liên giữa bữa tiệc đến tìm nàng nói bà cụ ở nhà mắc bệnh. Rồi hai chủ tớ ln đi gặp Đằng sinh, nửa đêm mới về nhà. Nàng đã sẵn sàng làm việc mạo hiểm như thế, sao tránh khỏi một lần rồi hai lần, rồi ba lần.
Một hôm, Phu Nhân bị cảm phong hàn, thấy trong người rất khó chịu, thế nào cũng không vừa lòng. Nàng bảo với chồng là muốn về nhà mẹ để trị bệnh.
Về nhà cha mẹ phải đi hết cả ngày đường. Đến nơi, nàng cho phu kiệu về dặn nửa tháng sau trở lại đón nàng. Cha mẹ Địch Phu Nhân đều đã mất sớm. Nàng từ kinh trở về, đương nhiên là tự do, tha hồ múa gậy vườn hoang.
Nàng cùng Hương Liên đến núi Thiên Mục gặp tình nhân. Đắm đuối suốt mười ngày, cùng tình nhân dạo chơi dưới cội thông già nghìn năm dưới chân núi. Rồi, đôi tình nhân vui vẻ chia tay.
Lời đồn đại đến tai chồng. Đồn rẳng ngày Phu Nhân về nhà mẹ, phu kiệu thấy một chàng trai đi chung và cùng trở về một ngày với nàng. Hôm ấy, thậm chí hai người còn dừng lại giữa đường ăn trưa với nhau nữa.
Người chồng bắt đầu nghi ngờ. Xưa nay ông làm việc gì cũng rất chắc chắn, không mấy may sơ suất. Ông lẳng lặng đợi chờ, không hề làm thanh động hay giận dữ gì cả.
Đến khi Phu Nhân ốm nghén, nôn mửa, nàng mới hoảng. Trước mặt chồng, nàng hết sức che giấu, nói mình bị nhiễm chứng bệnh vặt không hiểu bệnh gì. Nhưng chồng nàng thừa biết những triệu chứng đó, lòng ngờ vực càng tăng, chẳng qua ông không tra hỏi tới thôi.
Địch Phu Nhân hoảng hốt cuống lên. Ai cũng thấy rõ là nàng lại sắp có con. Có gì lạ đâu? Chỉ có hai vợ chồng là biết rõ, ấy mới gay. Nàng viện cớ này cớ nọ, không chịu nhận là có thai. Nhưng cứ phình phình ở giữa phình ra, ai cũng thấy rõ.
Tối nọ, chồng bắt đầu truy:
- Thằng ấy là thằng nào? Nói ngay!
- Đừng nói bậy. Tôi nghĩ không phải là có thai. Mà nếu có thai thật đi nữa, chẳng phải con ông thì con ai?
- Làm quái gì có chuyện đó. Lẽ nào cô không biết?
- Có một đêm, ông uống rượu say. Chính ông cũng không biết nữa.
Địch Phu Nhân vừa nói vừa nhìn thẳng mặt chồng. Người chồng trừng mắt nhìn nàng. Lý lẽ cũng xuôi, có điều ông không tin. Mặt hầm hầm, ông ta nói:
- Rượu say hay không, tôi cũng không cùng phòng với cô. Cô có chửa ở nhà mẹ cô thì có về nhà mẹ cô mà đẻ.
- Ông tàn nhẫn vô lương tâm lắm. Không biết thế nào là lẽ phải cả.
Địch Phu Nhân òa khóc, vô cùng căm hờn.
Niềm ngờ vực của người chồng dĩ nhiên không ngớt. Ông quyết tâm tìm cho ra gã tình địch đó là ai. Chồng bây giờ đối với nàng có thái độ hết sức khinh bĩ, cũng hệt như trước đây nàng đối với ông ta. Địch Phu Nhân và Đằng sinh cắt đứt hẳn việc đi lại với nhau. Cái thai đã được năm tháng. Nếu không có việc náo loạn về chính trị khiến triều đình phải hỗn loạn thì có lẽ sự việc sẽ êm đềm xuôi trót. Bởi vì sau đó lại có một vị đại thần tâu xin bãi truất Tể Tướng, liền bị phạt trượng, sau đó phải lưu đày.
Đánh đòn đại thần là một việc hiếm có trong lịch sử. Hơn một trăm Thái Học sinh và một số quan viên trong triều phản kháng sự thất sách ấy. Dư luận nhân dân nhao nhao. Họ cử hành một cuộc biểu tình thị uy rất lớn trước hoàng cung, khí thế bừng bừng như lửa bốc, thỉnh cầu được trần tình thẳng với nhà vua. Hàng vạn thị dân cùng tham gia. Trước đó một hôm, Tể Tướng ngồi xe đi đường bị đám đông giận dữ điên cuồng thét:
- Từ chức đi! Từ chức đi!
Hôm trần tình trước hoàng cung, một Thái giám vâng mệnh đi ra đọc thánh chỉ trước đám đông, nội dung tờ chỉ là chấp thuận và sẽ suy nghĩ lại lời thỉnh cầu của nhân dân. Đám đông bất mãn. Vừa tuyên đọc xong thánh chỉ, Thái giám liền bị nện gậy. Mấy tên cấm vệ binh bị giết chết. Đám dân cuồng loạn cuồn cuộn như nước triều dâng, đạp nát bấy mấy tên cấm vệ. Mấy lãnh tụ học sinh bị bắt hạ ngục, nghe nói trong số ấy có Đằng sinh.
Tin những Thái Học sinh bị bắt đồn ầm các tiệm trà quán rượu. Ai cũng nhắc đến tên Đằng sinh. Địch Phu Nhân hết vía, cuống cuồng lo cho tình nhân, không biết phải làm sao.
Chiều hôm ấy, khi chồng về, nàng dịu dàng khuyên chồng tìm cách thả những Thái Học sinh bị bắt ra. Nàng nói:
- Những người ấy cũng chỉ yêu cầu về việc nước nhà thôi, chứ họ nào có ý gì khác.
Người chồng lạnh lùng nói:
- Rặt một bọn bạo dân khn khiếp!
Địch Phu Nhân nài nỉ, khẩn cầu, giọng run run, mặt tái.
Người chồng thấy vậy liền hỏi:
- Cô quan tâm đến chuyện này làm gì? Tôi nghe triều đình muốn trừ tuyệt nọc những trò thị uy xuống đường như thế. Những đứa bị bắt sẽ bị xử tử tất.
Địch Phu Nhân rú khẽ, ràng đánh cầm cập, xây sẫm, mặt mày ngất đi. Một lúc hồi tỉnh lại, nước mất như mưa, vật vã năn nỉ rồi nóng lòng, nàng liều lĩnh gào lên:
- Ông phải lập tức chặn ngay tội ác giết người ấy lại!
- Tôi nào có quyền gì. Nói nghe, cô muốn cứu ai?
Người chồng tra hỏi mãi, nàng không hé răng, ông ta giận dữ đùng đùng bỏ đi.
Địch Phu Nhân lo lắng cho mạng sống của tình nhân quá, suốt đêm không chợp mắt được. Sớm tinh mơ, nàng ra khỏi phòng dò xem sắc mặt của chồng. Chồng vừa đi khỏi, nàng sai Hương Liên lập tức đi dò thăm tên những Thái Học sinh bị bắt. Nàng biết, một khi chồng đã nảy lòng nghi ngờ thì sinh mạng của những học sinh bị bắt sẽ mong manh như tơ tóc.
Hương Liên về báo cáo Đằng sinh mất tích, có người bảo chàng đã trốn thoát. Phu Nhân biết chồng không về nhà ăn trưa. Đến giờ Ngọ, nàng lo lắng như thiêu như đốt, khao khát nhận được tin đích xác. Miên man suy nghĩ phải làm cách nào báo động cho Đằng sinh biết mà thận trọng. Bỗng có người xưng là anh họ của Hương Liên mới ở quê ra, muốn được gặp Hương Liên. Hương Liên ra gặp người nọ. Người nọ ăn mặc kiểu nhà quê, vai khoác túi vải. Hương Liên xộc vào bảo Phu Nhân, mắt long lanh mừng rỡ.
- Nếu là người thân của em thì cứ mời anh ta vào nhà.
Một lúc sau, người lạ được Hương Liên dẫn lên lầu. Đằng sinh giả trang nhưng Phu Nhân thoạt nhìn đã nhận ra ngay, lập tức thì thào:
- Tròi ơi! Làm sao anh trốn thoát được? Đây không phải là chỗ gặp nhau đâu.
- Anh đi ngay đây. Nhưng trước khi đi, anh muốn gặp em. À, lúc ấy có người muốn chạy trốn, thừa lúc nhốn nháo, anh chạy thoát được.
- Anh trốn ngay lập tức. Địch tiên sinh đã nghi ngờ rồi, ông ấy muốn lấy mạng anh đây. Ông ấy nhất định sẽ tra ra lãnh tụ của Thái Học sinh mà tên anh thì đã quá rõ rồi.
Phu Nhân quay vào phòng, cầm ra chuỗi vòng châu đeo cổ.
- Anh cầm lấy vật này đi, mau mau cao chạy xa bay. Khi nào thời cuộc xoay vần hãy trở về. Dọc đường cần đến tiền. Không biết bao giờ chúng mình mới lại gặp nhau.
Nước mắt ứa ra lăn dài trên má. Nàng nghẹn ngào:
- Riêng em, vĩnh viễn chẳng bao giờ quên anh. Em báo cho anh tin mừng. Chúng mình đã có con, khỏi phải lo lắng cho em. Em có con là đủ vui sống rồi. Em yêu con cũng như yêu anh.
Nói rồi, nhét vòng hạt châu vào túi vải của chàng. Chàng nhất định không nhận, nói:
- Anh có tiền rồi, Lỡ ông ấy biết mất cái vòng nàỵ thì sao?
- Không lo, em chỉ việc bảo rơi mất là xong, mất trộm cũng được. Xưa nay, em không hay đeo, ông ấy cũng không biết đâu. Nhờ cái vòng này chúng ta gặp nhau, biết đâu mai này cũng nhờ nó mà chúng ta được trùng phùng.
Đằng sinh nói:
- Thời cuộc mà biến chuyển tốt đẹp thì chúng ta sẽ còn ngày hội ngộ. Thôi, em ở lại, nhớ bảo trọng.
Nói rồi, hối hả ra đi.
Đêm ấy, người chồng trở về dọa những kẻ bị bắt đều bị xử tử hình ráo trọi. Phu Nhân hững hờ nói:
- Giết mấy người yêu nước ấy chắc là do chủ ý của ông chứ gì?
Thấy vợ thản nhiên, người chồng tưng hửng. Hai người im lặng rất lâu.
Một hôm Phu Nhân bảo chồng:
- Tôi muốn về nhà mẹ tôi để sinh.
Nàng không cần chồng đưa đi. Người chồng thờ ơ:
- Tùy ý cô!
Địch Phu Nhân biết chồng không bao giờ dám liều lĩnh bỏ vợ, làm thế tai tiếng sẽ đồn ầm khắp thành. Nàng thừa biết bụng dạ và suy nghĩ của ông ta. Chồng nàng rất coi trọng thế giá, địa vị của ông ta trong xã hội. Vả lại chính gia đình nàng cũng là nhà quan cao tước trọng, anh nàng vẫn còn sờ sờ đó. Tình hình này bỏ vợ đâu phải là chuyện dễ, huống hồ ông ta cũng không nắm trong tay một bằng chứng xác thực nào.
Đứa con ra đời ở quê ngoại. Nàng ở luôn lại nhà cha mẹ không trở về với chồng nữa. Đứa bé mới sinh là con trai. Phu Nhân yêu dấu hơn cả mấy đứa con đầu. Đằng sinh vẫn biền biệt tin tức.
Ba năm sau, hoàng đế băng hà. Vua mới đăng quang, lật lại hết chính sách của triều nước. Các quan lại thuộc phải chủ chiến bị lưu đày đều được triệu về. Chồng Địch Phu Nhân vì tội giết thảm lãnh tụ của các Thái Học sinh nên bị xử lưu đày ra tít biên cương. Trên đường đi đày, ông ta chết một cách đột ngột.
Địch Phu Nhân về sống ở kinh đô, thành một quả phụ. Một hôm, Tuệ Trừng đến hỏi nàng có muốn mua vòng châu đeo cổ không? Nàng biết ngay Đằng sinh đã về.
Hai người trùng phùng trong hoàn cảnh mới. Đằng sinh cho nàng biết chàng hiện đảm nhiệm một chức vụ quan trọng trong bộ Lễ. Gặp nhau lần này vui mừng còn có vui mừng nào hơn.
Sau ba năm tang chồng, Địch Phu Nhân lấy Đằng sinh. Hương Liên cũng lấy một viên văn thư thủ hạ của Đằng sinh.
Vài năm sau, Địch Phu Nhân lại trở thành Phu Nhân quan Ngự sử, lại cũng hưởng mỗi năm một lần đêm lễ Thượng Nguyên treo đèn kết hoa như xưa. Thời đại đổi thay, nàng càng thêm mơ màng. Hiện thời có thêm một vài gương mặt đẹp khác, vẫn đám đông chen chúc xô đẩy nhau. Nàng cùng chồng và các con (con trai đã lên mười) ngồi ở nơi xưa từng ngồi. Mặt nàng có vẻ chín chắn hơn. Nàng không cười cùng không thích đùa vui, nhưng nét mặt chứa chan vẻ ôn hòa hạnh phúc.
Đứa con trai gọi mẹ:
-Mẹ ơi! Tuệ Sư Phó lại kìa!
Tuệ Trừng đến trước mặt Phu Nhân nói:
- Cái chuỗi hạt châu này, Phu Nhân đeo đẹp ơi là đẹp. Cái chuỗi này đem lại cho Phu Nhân biết bao may mắn!

Liêm Bố
Trích Thanh Tôn Lục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét