Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Trăm vẻ Trăng: Mỹ nữ Trung Hoa - Tsukioka Yoshitoshi


Tsukioka Yoshitoshi


Đây là một tranh nữa trong bộ "Trăm vẻ trăng" của Yoshitoshi. Sách hay gọi đây là tranh "Mỹ nữ Trung Hoa". Ở phần tên tranh, Yoshitoshi chép nguyên bài thơ Đường của Vương Xương Linh.

Đây là bài "Tây cung xuân oán". Phần chữ trong tranh là như sau:

Vương Xương Linh
Tây cung dạ tĩnh bách hoa hương,
Dục quyển châu liêm xuân hận trường.
Tà bão vân hoà thâm kiến nguyệt,
Mông lung thụ sắc ẩn Chiêu Dương.

Dịch ra như sau:
Cung Tây đêm vắng trăm hoa ngát hương
Muốn cuộn rèm châu, nỗi hận mùa xuân lại dài hơn
Ôm nghiêng đàn "vân hòa" mà nhìn trăng thăm thẳm
Mông lung sắc cây che mất điện Chiêu Dương.

Để hiểu được ý của bài thơ và ý tranh, ta cần đọc hai chú thích. Một là cung Tây là tên gọi của một cung điện xây trong thành Trường An để làm nơi ở cho các cung phi ít được đoái hoài. Hai là đối lập với cung Tây là điện Chiêu Dương, là nơi ở của người ái phi. Bài thơ nói lên nỗi sầu muộn của người ở cung Tây nhìn về phía Chiêu Dương, là nơi hằng mong muốn, ngặt nỗi, đến cả nhìn thôi cũng không được vì bóng cây đã che mất.

Tranh vẽ hoàn toàn theo ý bài thơ. Một người phụ nữ trẻ ngồi ôm cây đàn trong đêm lặng. Một người hầu gái kéo chiếc rèm lên, để lộ ra ánh trăng. Bóng cây ngoài song cửa hiện ra. Và qua bài thơ, ta hiểu rõ được nỗi sầu muộn và cô đơn của người thiếu phụ.

Tôi đọc một số bình tranh của tiếng Tây cho bức này của Yoshitoshi, không có lời bình nào làm toát lên được tinh thần sầu muộn của bài thơ đi kèm. Nhiều nơi chỉ bảo người thiếu phụ bị ánh trăng mê hoặc, hay đang đánh đàn bị ánh trăng làm phân tán tâm trí. Nghệ thuật và thi ca của các quốc gia thuộc nền văn hóa Á Đông có mối liên hệ mật thiết thông qua chủ đề, cũng như ngôn ngữ. Và chúng ta có điều kiện về mặt này hơn hẳn người phương Tây khi tiếp cận nghệ thuật phương Đông.


Từ FB Mỗi ngày một tranh Ukiyo-e

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét