Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

NHẬT KÝ LÝ QUỲ

NHẬT KÝ LÝ QUỲ - P.1
Vinhhuy Le

Tháng 9 năm 2012, từ Bắc Kinh, nhà xuất bản tiếng tăm chuyên về văn học cổ điển “Trung quốc thư điếm” cho phát hành tác phẩm “Nhật ký Lý Quỳ - Tụ Nghĩa sảnh” của Thương Thổ. Ngay lập tức, quyển sách mỏng chưa đầy 150 trang chữ vuông này làm xôn xao văn đàn đại lục. Thương Thổ chỉ là bút hiệu, chẳng ai biết được tên thật, và thân thế của tác giả cũng rất mơ hồ. Người ta chỉ biết đó là một anh chàng sinh khoảng 198x, sống đâu đó ở miền duyên hải, từng làm công chức, sau chuyển qua xí nghiệp quốc doanh, rồi bỏ về lấy việc sáng tác làm vui. “Nhật ký Lý Quỳ” dựa trên những trải nghiệm của hảo hớn Hắc toàn phong hai búa bặm trợn, qua đó mô tả bản chất các nhân vật Lương Sơn, cùng mối quan hệ bề ngoài thuận thảo nhưng bên trong chứa chan thù nghịch giữa họ với nhau. Vì quyền lợi riêng tư, 108 anh hào sẵn sàng bôi nhọ, chà đạp, hạ nhục và sát hại lẫn nhau, bằng mọi giá và mọi thủ đoạn. Chỉ đọc vài trang, người ta nhận thấy ngay, tác phẩm này tuy kể chuyện thảo khấu nhưng thực ra là phê phán quan trường. Và “Nhật ký Lý Quỳ - Tụ Nghĩa sảnh” đã khơi nguồn cho một trào lưu văn học mới trên toàn đại lục, nhiều tác phẩm thuộc thể loại “tiểu thuyết quan trường” này, như: “Nhật ký Sa tăng”, “Bí sử thiên đình” v.v.… lần lượt ra đời, vạch mặt kể tội bộ máy công quyền từ trên xuống dưới, chẳng chừa một ai. Hai năm sau đó, tháng 7-2016, đáp lại mong chờ của độc giả, Thương Thổ lại tung nốt phần sau của tác phẩm, “Nhật ký Lý Quỳ - Trung Nghĩa đường”, kể tiếp chuyện hậu trường của Lương Sơn kể từ Tống Giang lên làm đảng trưởng. Trong đó, dưới lá cờ “Thế thiên hành đạo” là cả một trường điên đảo xâu xé tưng bừng.Ở Trung quốc, “Nhật ký Lý Quỳ” là hiện tượng gây sốc, nhưng ở Việt Nam, chẳng mấy ai biết tới nó.Kẻ hèn mọn này nhân thấy vận khí nước ta ngày một cuồn cuộn dâng cao như hải triều thịnh nộ. Ngọn cờ chính nghĩa “chống tham nhũng” ngót một phần tư thế kỷ nay liên tục hùng dũng phất phơ, khí thế hừng hực thậm chí biến công cuộc tham nhũng trở thành văn hóa phi vật thể, tạo nên nếp sống mới trong sinh hoạt cộng đồng. Ở xứ ta, cách tốt nhất để chống tham nhũng là phải nắm vững cơ cấu của nó, đặng sống chung với nó trên từng cây số. Về mặt này, “Nhật ký Lý Quỳ” thấm đẫm tinh túy của Cộng đảng, đầy chất nhân văn, sẽ mang lại nhiều bổ ích thiết thực. Đồng thời, tác phẩm này có thể coi là kinh điển, đáng để các quan chức nước ta gối đầu giường để sống, học tập, tu dưỡng và làm theo; nó sẽ giúp quý ông bà tiết kiệm được nhiều xương máu trên chốn quan trường đầy cạm bẫy, do các đồng chí mình bủa giăng.Nay xin trân trọng dịch, à ha!
* * *
NHẬT KÝ LÝ QUỲ - TỤ NGHĨA SẢNH


LỜI NÓI ĐẦU

Hồi nẳm, vì trí nhớ kém, e sẽ quên đi nhiều thứ, tôi bèn ghi nhật ký. Sau đó lại lười biếng nên lần hồi bỏ qua, không viết nữa.
Hôm nay tôi quyết định viết tiếp, vì nghiệm ra rằng: nhật ký không chỉ để nhắc nhở bản thân mình, mà còn có thể dùng nhắc nhở kẻ khác. Chẳng hạn hôm kia, Nụy cước hổ Vương Anh bảo: “Ê, Hắc xì dầu, anh còn thiếu tôi hai mươi lạng bạc, tính chừng nào trả?” Tôi bực dọc hỏi mình thiếu tiền hắn hồi nào? Vương Nụy Hổ cau có nhắc, ngày đó tháng đó năm đó, vì cớ gì đó, tôi mượn hắn hai mươi lạng, chẳng lẽ mau quên vậy sao? Tôi đứng đực ra hồi lâu, gãi đầu gãi tai mãi chẳng nhớ ra manh mối, đành bảo: “À, đợi tôi về tra lại nhật ký coi thử”. Vương Nụy Hổ có phần hồi hộp, hỏi gặng: “Anh ghi cả nhật ký kia à?” “Ừm!”
Buổi tối, tôi đương lật hòm moi tủ tìm cuốn nhật ký thì tên lùn hộc tốc chạy tới, thổ hổn hển: “Hắc xì dầu, thiệt là có lỗi, tôi nhớ lộn, té ra không phải anh nợ tôi!”
Tôi thở phào nhẹ nhõm, phải viết tiếp thôi!
* * *
CHƯƠNG I: LÃNH ĐẠO LÀ LOÀI ĐỘNG VẬT ĐẠO ĐỨC GIẢ

(1) CON CỦA HỖ TAM NƯƠNG GIỐNG AI?

Nhất trượng thanh Hỗ Tam Nương sanh rồi, được đứa trẻ bụ bẫm. Tôi hơi lấn cấn: mới đám cưới hồi tháng hai, mà nay chỉ đầu tháng tám, vụ này ắt ẩn chứa huyền cơ.
Lại hội họp ở Tụ Nghĩa sảnh, vô duyên lãng xẹt, tôi chả ưa mấy vụ họp hành này tẹo nào, nhưng dây mơ rễ má chằng chịt, ra đụng vào chạm, không dự cũng khó ăn nói, mà tới đó lại phải gò bó lễ nghi…
Thiệt là tình, tôi chỉ là tên đường chủ, cán bộ quèn, lương bổng mỗi tháng trơ khấc hai mươi lạng bạc. Vài ngày trước, Phích lịch hỏa Tần Minh mần đám cưới, tôi đã phải ói ra mười lạng. Hắn là cán bộ trung ương cấp sảnh, mừng ít quá sẽ khó coi; huống hồ, chẳng kính thầy chùa cũng nể mặt Phật, sau này có thể tôi sẽ về làm thuộc cấp dưới quyền anh vợ hắn, là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh. Tuy vậy trong bụng không khỏi rủa thầm: thằng Tần Minh mất dạy, cưới vợ bé thôi mà, có cần phải linh đình vậy không? Cầu cho mầy đẻ con không lỗ đít!
Hỗ Tam Nương và Vương Nụy Hổ cũng là đường chủ, cấp bực chỉ ngang tôi. Nụy Hổ võ nghệ làng nhàng, nhân phẩm xí mứng, định bụng mừng hai lạng là vừa. Nhưng tiếng nói của Hỗ Tam Nương coi bộ nặng ký với Tống đại ca, sắp tới lại có đợt luân chuyển cán bộ, lúc này đang giai đoạn nước rút, thôi thì từ bi xả lũ, thí cho mẹ con nhà nó năm lạng vậy!
Còn lại năm lạng phải để dành, bởi nghe đâu ông già của Lãng lý Bạch điều Trương Thuận cũng sắp sửa đứt hơi tới nơi.
Hên hú hồn, tháng này xuống núi ăn hàng trúng mánh, theo quy định trích mười phần trăm huê hồng của sơn trại, chắc mình cũng được chia cỡ mười lạng. Sáng mai phải xin tạm ứng, không thôi là hút gió.
Tiệc tùng long trọng, các huynh đệ đều đủ mặt, ai cũng chẳng tiện tới tay không. Tên lùn hớn hở lắm, bản mặt chành bạnh ra, cười không giống cười, mếu chẳng phải mếu, càng nhìn càng dị hợm. Hừm, chẳng hiểu sao Hỗ Tam Nương lại nhắm mắt ưng tên này, uổng cụm bông lài cắm bãi cứt trâu.
Buổi tiệc xảy chuyện không vui, Thiết tháp thiên vương Tiều Cái với Cập thời vũ Tống Giang lại cự lộn. Chuyện chẳng đáng gì, Tiều thiên vương nói đứa bé giống cha, Tống đại ca thì bảo là giống mẹ. Tào lao, đi tranh cãi ba chuyện ruồi bu, thiệt là quá rảnh!
Cãi nhau một hồi bất phân thắng phụ, cả hai mặt đỏ bầm bầm như gà cồ nứng máu. Chướng một nỗi họ lại quay ra dắt bầy, đốc xúi lũ đàn em phải ra mặt. Báo tử đầu Lâm Xung bèn giả đò say tới bến, đâm đầu lao ra ngoài móc họng ói mửa, Thần hành Thái bảo Đái Tông thì bất thần bị điếc. Công Tôn Thắng, Lưu Đường, ba anh em nhà họ Nguyễn theo hùa Tiều thiên vương; Hoa Vinh, Võ Tòng với Lỗ Trí Thâm thì phụ họa Tống đại ca. Ngô Dụng chẳng hổ danh Trí đa tinh, khen là đứa bé có cái mũi giống cha, cặp mắt giống mẹ, người học thức quả là lẻo lự lắm chiêu!
Tới lượt mình, tôi trầm ngâm ngắm nghía một hồi mới phán: “Sai bét, thằng nhóc này giống mỗ!” Hỗ Tam Nương nổi tam bành, hắt chén rượu vô mặt tôi. Cả đám cười hô hố, vậy là qua truông.
Thiệt ra, thằng nhóc đen thui xấu hoắc, liếc sơ giống hệt Tống đại ca, nhưng mà tôi không dám nói.

(2) RƯỢU SAY LÒI BỔN TÁNH

Rượu thiệt hay, nó giúp người ta quên đi hiềm khích.
Tiều thiên vương uống nhiều rồi, Tống đại ca nốc cũng bộn. Đôi bên trước đó đỏ mặt tía tai, lộn lòng mề chẳng đội trời chung, tưởng nuốt sống đối phương không nhả miếng xương, thoắt cái đã tay nắm vai kề, tâm đắc hàn huyên kỷ niệm thời kháng chiến, thân thương hơn cả anh em cùng máu mủ. Cha chả, trở mặt lẹ như trở bánh phồng, xem ra muốn làm lãnh tụ không phải chuyện dễ!
Vậy là ổn, có thể thả ga uống rồi. Hồi nãy tôi cứ luýnh quýnh: hai bên mà đập lộn, mình biết tính sao cho phải? Tiều thiên vương bự con vạm vỡ, mạnh như trâu cui; Tống đại ca nhỏ téo héo queo, nếu uýnh nhau ắt là lỗ nặng.
Theo lý mà nói, tôi là đệ ruột Tống Công Minh, tất phải ra tay giúp ảnh, mà làm vậy là chọc giận Tiều thiên vương, người ta nắm oai quyền, đì cho một phát thì mình tiêu đời; bằng cứ khoanh tay, thế nào Tống đại ca cũng cho mình là đứa hai lòng…
Tôi bèn nảy ra diệu kế: giả say lăn quay ra là thượng sách. Nhưng vừa ngó xuống chọn chỗ đã thấy Thanh diện thú Dương Chí chui sẵn dưới đít ghế tự hồi nào, hắn vừa chụp chân Hỗ Tam Nương vừa gào rót thêm chén nữa. Mình là đứa khù khờ, màn này khó bì Dương Chí, chi bằng quay qua dộng cho Xích phát quỷ Lưu Đường hai đấm. Hắn là thân tín của Tiều thiên vương, làm vậy có thể tỏ lòng trung của mình với Tống đại ca, mà cũng không đến nỗi đắc tội chủ trại. Chỉ thiệt thòi Lưu Đường, tôi với hắn bạn bè thân thiết, ngặt nỗi đương khi nguy cấp, chẳng hơi đâu đếm xỉa tình nghĩa khê thiu. Được cái tên quỷ tóc đỏ cũng sáng ý, hắn trợn mắt xắn tay áo nhào tới phối hợp liền, hai tụi tôi sắp xáp lá cà thì vừa lúc hai trự kia cũng giảng hòa.
Tiều thiên vương nắm riết Tống đại ca mà lèm bèm: “Hồi nẳm, cướp sinh thần cang, nếu không có hiền đệ báo tin kịp thời thì bọn mỗ đã tiêu tùng. Đệ chính là đại ơn nhơn của Lương Sơn Bạc, ngôi chủ trại này phải nhường đệ ngồi mới xứng”. Tống đại ca lắc đầu lia lịa, ríu lưỡi líu lo: “Bận đó cướp pháp trường Giang Châu, nếu không được lão đại kịp thời kéo anh em tới cứu, e thân này đã thành quỷ không đầu, ghế chủ trại cứ cho anh ngồi mới đáng”.
Mấy vụ này, họ đã lải nhải miết hơn tám trăm lần, thiếu điều quện thành kén lùng bùng đầy lỗ tai. Thần cơ Quân sư Châu Võ thì cười khẩy. Còn tôi cũng biết, đàng sau đó không phải chỉ đơn giản vì hai chữ “nghĩa khí” suông...
Ngô Dụng phe phẩy cây quạt lông chim lộng gió bốn phương, ngâm nga lãng dang: “Ước gì nhà cất muôn gian, Để cho hàn sĩ hân hoan mặt mày”[*]. Bộ dạng, thần thái đó, ngó thiệt là đau lòng, cứ như cha hắn vừa mới chết. Tôi thầm nhủ, người trí thức quả là xạo con bà nó xự. Lũ chúng ta là giặc cướp, nhà cửa dân lành bị bọn ta đốt, đàn bà trẻ con bị bọn ta hiếp giết, ngươi còn ở đó làm bộ độn thêm nhưn cho bánh bao, quân chết bầm! Nhưng lời đó lại chẳng thể thốt ra, bởi dù gì người ta cũng là lãnh đạo.
Cái giống lãnh đạo bẩm sinh đã là động vật đạo đức giả, không thấy Tống đại ca với Tiều thiên vương đó sao: tuy sau lưng, họ vẫn thường hỏi thăm cụ thể ông bà nội ngoại mười tám đời nhau, nhưng ngoài mặt vẫn ân cần thân thiết xưng huynh gọi đệ!
Còn Nhập vân long Công Tôn Thắng vốn là đạo sĩ. Theo lý, người xuất gia không được uống rượu, y ta bèn uống toàn rượu gạo, rồi chống chế rượu gạo chính là rượu chay, nên mình không hề phạm giới. Hừm, những chuyện giết người phóng hỏa y đều đã nhúng tay, vậy mà còn ra vẻ sĩ diện ba mớ râu ria; đã làm đĩ còn muốn tiết hạnh khả phong, thiệt quân điếm thúi! Coi Hoa hòa thượng Lỗ Trí Thâm kìa, cũng xuất gia nhưng người ta đàng hoàng biết mấy, muốn uống rượu là uống, muốn ăn thịt là ăn, có ai cười nhạo hắn đâu?


[*] Thơ Đỗ Phủ, bài “Mái nhà tranh bị gió tốc”:
安得廣廈千萬間 An đắc quảng hạ thiên vạn gian
大庇天下寒士俱歡顏 Đại tý thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan
《茅屋為秋風所破歌》“Mao ốc vị thu phong sở phá 



Dịch nghĩa: Mong sao có được ngàn vạn gian nhà lớn, Để giúp cho hàn sĩ trong thiên hạ đều được vui vẻ.



(3) BA ĐIỀU ĐÁNG XẤU HỔ CỦA DÂN NHẬU


Dân nhậu có ba điều đáng xấu hổ: một là mình nhậu say ôm vợ bạn, hai là vợ uống say ôm bạn mình, và ba là vợ bạn uống say ôm mình.
Điều thứ nhất là kinh nghiệm của Lỗ Trí Thâm. Nghe nói có lần quá chén, hắn níu riết vợ Báo tử đầu Lâm Xung mà lải nhải dây dưa. Lâm Xung đứng kế bên chẳng xen được câu nào, giận tím mặt mày, muốn trở mặt lại e sứt mẻ tình bạn, cuối cùng nhịn hết xiết mới kéo tay áo hắn mà rằng: “Đại sư à, đây là vợ tôi”, chừng đó hắn mới sượng sùng buông tay. Tuy nhiên đó đã là chuyện xưa lắc, hồi họ còn chưa nhảy bưng theo vẹm.
Điều thứ hai là thu hoạch của Một vũ tiễn Trương Thanh: Cừu Quỳnh Anh, vợ hắn, hễ rượu vô gặp trai là quấn. Mỗi lần bị vậy, hắn ngồi ngây ra đó, mặt giận trắng bệch ngó y cái củ cải trắng; vụ này tế nhị, anh em chẳng tiện an ủi, hắn cắm đầu uống rượu mình ên, qua ba vòng xoay tua thì mặt mày bắt đầu đỏ ửng như trái cà chua; tới chừng tan tiệc, hắn quắc cần câu, mặt vàng như trái dưa gang. Lâu ngày chầy tháng, được thiên hạ ban luôn cho ngoại hiệu là “Vườn rau củ”.
Điều thứ ba là tổng kết của Hành giả Võ Tòng. Hắn đẹp trai bảnh tỏn, gái thấy liền ưa, nên thường xuyên bị phụ nữ quấy rầy, trong đám đó có chính chị dâu hắn, và người đàn bà đó đã bị hắn giết. Chân tướng vụ này hắn không hề hé môi, và tất nhiên cũng chẳng ai dám hỏi.
Tôi không có những trải nghiệm tương tự, bởi ba lý do: một là tôi ế vợ, nên miễn được nỗi nhục phải thấy vợ ôm ông bạn mình; hai là tôi uống say toàn ôm gốc cây khóc rống, tuyệt không ôm đàn bà, hay đúng ra là chẳng đàn bà nào dám chịu tôi ôm; ba là nào giờ không phụ nữ nào cả gan ôm tôi, dù trong cơn say, thậm chí dù có say tới bến, lúc nhìn thấy tôi, e là họ cũng phải tỉnh con bà nó rượu.
Tôi chỉ khám phá ra một quy luật: diện mạo đàn ông có tác động lớn tới tửu lượng đàn bà. Tỷ như ngồi cạnh tôi, phụ nữ nào cũng thành anh thư lẫm liệt, giơ thoi xắn áo, uống ngàn chén vẫn tỉnh queo, có khi còn văng vài câu mẹ kiếp; đổi lại nếu ngồi kế Võ Tòng, thì họ mới nhấp hai ngụm là mặt mày đỏ ửng, hết than vãn nhức đầu lại lảo đảo lắc lư y như vong nhập.
Tối nay, Mẫu dạ xoa Tôn Nhị Nương lại quá chén. Váy đỏ xệ lòi nây bụng, con mẻ giẫm một chân lên ghế, phun nước bọt phèo phèo, một hai níu kéo Võ Tòng đòi cụng chén. Võ Tòng lúng túng đỏ mặt, uống cũng dở mà không uống cũng dở... À ha, hóa ra bảnh trai cũng là gánh nặng.
“Cái giống đàn bà, ba ngày không ăn đòn là lộng hành tốc nóc”, đó là lời Vương Nụy Hổ giáo huấn Thái viên tử Trương Thanh. Trương Thanh rầu rĩ cho biết, mình vẫn thường xuyên có đòn, nhưng là bị ăn đòn. Tên Trương Thanh này đúng mạt vận, thế quái nào lấy nhằm con chằn lửa ngựa bà, khiến bỏ nó thì không dám bỏ, mà đánh nó thì đánh không lại, phải ngậm ngùi tội nợ một đời; cỡ gặp tay tôi, đã xáng con vợ bạt tai văng vách.

(4) CƠN THỊNH NỘ CỦA LÂM XUNG

Trong tiệc rượu ồn ào, các anh em thù tạc tưng bừng, riêng Lâm Xung ngồi góc sảnh rót uống mình ên, tôi bèn mò qua cụng chén. Thiệt lòng tôi không mấy ưa tính cách ngọn cỏ đầu tường, gió chiều nào phất phơ chiều nấy của người này. Chẳng qua, ai nấy đều bận rộn, chỉ mỗi hắn đang huỡn; vả lại, nhiều khi hai thằng đàn ông ngồi uống với nhau, đâu cần phải lý do gì.
Lâm Xung tửu lượng ghê hồn, tôi chưa từng thấy hắn say bao giờ. Nhưng hôm nay có khác, hắn ngồi đó, gương mặt lạnh tanh, hai mắt đỏ ngầu, nốc liền tù tì hết chén này qua chén khác, tâm trạng coi bộ không mấy ổn.
Cũng phải, nhìn chim sáo sang sông, mấy ai khỏi chạnh lòng. Hỗ Tam Nương là do hắn đánh bại, chiếu theo luật lệ nghìn đời, nàng phải thuộc về hắn, đôi bên lại trai tài gái sắc vừa đẹp đôi. Dè đâu, lễ vật đã nạp đủ, khăn đỏ cô dâu cũng sắm sẵn, thậm chí râu đã cạo láng, tắm vừa ráo mình, chỉ còn chờ động phòng là bung vách, thì Vương Nụy Hỗ bỗng thọc gậy bánh xe. Tên lùn khóc lóc kể lể với Tống đại ca, rằng Hỗ Tam Nương do hắn bắt đặng, nên phải gả cho hắn. Lâm Xung hồi đó khù khờ chưa biết phải quấy, chỉ bấu víu nhờ vả mỗi một bên là Tiều thiên vương, khiến Tống đại ca đổ quạu duyệt luôn cho Nụy Hổ.
Tội cho Hỗ Tam Nương, lúc mới bị bắt, cô nàng khăng khăng thà chết không cam khuất nhục. Tống đại ca hết mực dỗ dành, bảo là sẽ gả cho vị đầu lãnh võ nghệ cao cường, nhân tài xuất chúng, đã từng giao đấu với nàng. Hỗ Tam Nương tưởng bở là Lâm giáo đầu, mới e thẹn xiêu lòng. Chừng bái xong thiên địa, vào trong buồng cưới mới tá hỏa là tên Vương thấp cẳng. Cừu non sa nhằm hang sói, hối hận đã muộn màng, nàng ngậm ngùi phải vâng duyên phận.
Lâm Xung vốn đã ít nói lại càng lặng lẽ, cả ngày bản mặt ó đâm cứ trơ ra thườn thượt, từ đó hắn càng ít qua lại với Vương Nụy Hỗ. Cũng khó trách hắn, mối hờn bị giựt vợ, dễ vài chén rượu có thể nguôi ngoai.
Lúc này, thấy Vương Nụy Hỗ mặt mày bí xị đi ngang, Lâm Xung chận lại kiếm chuyện: “Nhà có tiệc vui, sao ngó bộ anh rầu rĩ vậy? Bọn này có ăn chùa đâu, mà anh đặt tiệc cũng chỉ mấy món sơ sài, bữa nay kiếm bộn còn gì?”
Vương Nụy Hổ sượng sùng: “Kiếm đâu mà bộn, lỗ sặc gạch đây! Tiền mừng được ngàn lạng bạc, mà vốn đặt tiệc tới hai ngàn mốt!” Lâm Xung vỗ bàn quát: “Nói láo! Rau cải toàn tập tàng, cá mú chài dưới hồ, thỏ thì bắt trong rú, đều là của không vốn, làm gì ngốn tới nhiêu đó tiền?” Lâm Xung hơi lớn tiếng, nên Vương Nụy Hổ giơ ngón tay suỵt nhỏ: “Tiệc là đặt của nhà hàng Tống Thị!” Lâm Xung giằng cạch đôi đũa xuống bàn: “Nhà hàng đứa nào cắt cổ dữ bây?” Tôi giựt cùi chỏ, nhắc nhẹ: “Chủ nhà hàng Tống Thị là Thiết phiến tử Tống Thanh, em ruột Tống đại ca!”
Lâm Xung như bị nhúng qua thùng nước nhuộm, sắc mặt thoắt đỏ liền trắng, hết trắng lại xanh, bao nhiêu nộ khí bỗng chốc tiêu tan, hắn sầm mặt nhiếc móc Vương Nụy Hổ: “Bữa tiệc hôm nay vậy là đáng giá: rau cải tươi non, súp cá bổ dưỡng, thỏ xào thơm ngọt, giá hai ngàn mốt là nới cho anh lắm rồi, có phải vậy không, hả?” Vương Nụy Hổ nửa cười nửa mếu: “Anh nói đúng, thiệt là phải phải!” nói xong, hắn liền chuồn mất.
Hỡi ơi, làm người đã khó, làm giặc cướp càng khó hơn, nhưng muốn làm tên giặc cướp cho ra hồn mới là thậm khó!

(5) TÀI TRÍ BẬC ĐÀN ANH


Đêm đã khuya lắc, tôi vẫn chưa dám ngủ, vì phải chờ cửa Tống đại ca.

Sau khi lên Lương Sơn, hành tung Tống đại ca trở nên chập chờn bất định. Ảnh hiếm khi ngủ ở nhà mình, nửa đêm nếu không qua gọi cửa chỗ tôi thì cũng gõ bên nhà Hoa Vinh hoặc Võ Tòng, mà cũng chẳng khi nào ảnh ngủ yên một chỗ quá hai đêm.
Lạ lắm, nhà Tống đại ca như bị quỷ ám, nếu không thình lình bốc cháy thì cũng bỗng dưng sập tường, thậm chí hôm bữa còn bất thần vọt đâu ra nguyên cặp rắn độc. Tôi thiệt không biết, cha nội này kiếp trước lỡ gây nên tội nghiệt gì!
Chuyện Tống đại ca tới ngủ, tôi miễn ý kiến ý cò. Ảnh không đòi ngủ giường nệm, cũng không lăn ra choán nền gạch, cứ hễ vừa tới là lẳng lặng trèo lên nằm sấp trên xà nhà, còn khoe từ nhỏ đã quen ngủ kiểu vậy. Không biết ảnh quen cỡ nào, sáng ra toàn thấy ảnh nằm lăn mặt đất, lỗ mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc, ke nhễu lầy nền.
Hồi nãy trong bữa tiệc, tôi hỏi ảnh lát nữa có ghé chỗ tôi không. Tôi chẳng có ý gì sâu xa, chỉ là muốn biết cho chắc đặng thức canh cửa, không thôi tôi đã ngủ thì trời gầm không dậy. Dè đâu câu hỏi bình thường lại làm Tống đại ca chạm nọc, lúc đó mặt ảnh sa sầm, dài thượt như mặt ngựa, sẵng giọng bảo luôn không ghé. Tôi biết ngay là ảnh sẽ tới, bởi lời nói của đại ca luôn mang ý nghĩa trái ngược, nếu nói không ghé là nhất định sẽ ghé, còn nếu dặn ghé thì thì chắc chắn không ghé, tôi biết tỏng điều này từ khuya.
Quả nhiên đúng như tôi đoán, giữa đêm thì Tống đại ca mò tới. Vừa bước vô, ảnh đã cười toét: “Sao hả, Hắc xì dầu, không dè anh đến phải không?” Đại ca đắc ý quá đi, tôi liền dụi dụi đôi mắt, làm bộ kinh ngạc: “Ủa, Tống đại ca, lúc nãy anh nói không tới mà?” Đại ca cười ha hả: “Hư tức là thực, thực tức là hư, hư hư thực thực, quỷ thần không hay; đó mới là cảnh giới tối cao của binh pháp Tôn tử[*]”.
Tôi nhủ thầm trong bụng: “Vậy thì hoặc tôi đây quá thông minh, hoặc là Tôn tử kia quá ngốc”. Bất giác, tôi tự hỏi, phải chăng những khi tôi tưởng mình thông minh, chính là lúc thiên hạ đang giả đò si ngốc?
[*] Tôn tử binh pháp, thiên 6 – Hư thực.

Phần 2 Ở đây

Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Playing For Change

Chương trình Playing For Change: Hòa bình thông qua âm nhạc, có bài "Stand By Me", bài hát đầu tiên của nhiều bài hát trên khắp thế giới do Playing For Change sản xuất. Tính năng Ben E. King này có các nhạc sĩ trên toàn thế giới do đội Playing For Changes ghi lại trong chuyến đi của họ. Bài hát này tiếp tục nhắc nhở chúng ta rằng âm nhạc có sức mạnh để phá vỡ ranh giới và vượt qua khoảng cách giữa con người.









STAND BY ME — ĐỨNG BÊN EM

Đôi khi ta chỉ cần có một người đứng bên cạnh, đứng bên cạnh chỉ để đứng bên cạnh, đứng bên cạnh và chẳng làm gì cả ngoài việc đứng bên cạnh, là ta có thể vững tâm đối diện cả thế giới đang sụp đổ.
Đứng bên em

Khi đêm đã đến
Và mặt đất đã tối
Và mặt trăng là ngọn đèn duy nhất ta thấy
Không em sẽ không sợ, không em sẽ không sợ
Khi anh còn đứng bên em, đứng bên em
Và anh yêu, anh yêu, Ồ bây giờ bây giờ hãy đứng bên em
Đứng bên em, đứng bên em
Nếu bầu trời ta đang nhìn
Loạng choạng và rơi
Và núi sập vào biển
Em sẽ không khóc, em sẽ không khóc, không em sẽ chẳng nhỏ dù chỉ một giọt nước mắt
Khi anh còn đứng bên em, đứng bên em
Và anh yêu, anh yêu, đứng bên em, ô hãy đứng bên em
Đứng bên em, đứng bên em, đứng bên em, vâng
Khi anh gặp khó khăn anh sẽ đứng bên em phải không, ô bây giờ bây giờ hãy đứng bên em
Ô đứng bên em, đứng bên em, đứng bên em
Anh yêu, anh yêu, đứng bên em, đứng bên em,
Ô đứng bên em, đứng bên em, đứng bên em.

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

“MEDITATION FROM THAIS” CỦA JULES MASSENET

 

Bản nhạc “Meditation from Thais” của nhà soạn nhạc Jules Massenet sẽ chạm vào trái tim của tất cả các bạn. Bản nhạc có gì đó đau khổ và hùng vĩ như Thượng Đế vậy.


Đây là bản nhạc trong vở Opera “Thais” nói đến sự chuyển biến tâm trạng của một cô gái tên là Thais.
Thais là một cô gái vô cùng xinh đẹp ở thành phố Alexandria ở Ai cập vào thời kỳ Byzantine. Cô là cô gái của ái tình và yêu rất nhiều chàng trai.

Một nhóm các tu sĩ, nổi bật là tu sĩ Athanaël người có lối sống khổ hạnh nhất, tìm cách cải đạo cho cô gái Thais thành một cơ đốc nhân để đưa cô về sống trong tu viện.
Trong bữa tiệc, Thais đã từ chối lời dạy “coi thường xác thịt và yêu sự đau đớn” của Athanaël. Cô hát lên một bài hát ái tình.
Nhưng khi tiệc tàn, Thais bắt đầu không thỏa mãn với cuộc sống trống rỗng và nghĩ đến một ngày kia tuổi tác sẽ đến và sắc đẹp của cô sẽ lụi tàn. Cô bước ra gặp tu sĩ Athanaël đang đợi. Ông Athanaë, lòng thầm yêu Thais, đã cầu nguyện xin Thượng không cho ông nhìn thấy sắc đẹp của Thais. Ông nói với Thais là ông yêu cô về mặt tinh thần chứ không phải theo cách xác thịt. Ông đã cố gắng giải thích được với Thais rằng nếu cô cải đạo cô sẽ có cuộc sống vĩnh hằng. Thais đã bị thuyết phục cải đạo.

“Khúc suy tưởng của Thais” được chơi giữa màn II nói lên suy chuyển biến tâm trạng của Thais. Giai điệu của đoạn nhạc tuyệt đẹp và có gì đó rất đau khổ.

Ông Athanaël sau đó đã yêu cầu cô đốt đi căn nhà của mình, chối bỏ những gì thuộc về vật chất và vào tu viện. Cô chỉ xin ông cho giữ lại một bức tượng của thần tình yêu và nói: “Tình yêu là một đức hạnh hiếm có. Con đã mắc tội không phải vì nó mà vì đã chống lại nó.” Ông Athanaël tuy nhiên vẫn bắt cô hủy bỏ bức tượng.
Khi về tu viện, Athanaël phát hiện ra là ông yêu rất yêu cô Thais. Ông dằn vặt, đau khổ và đi thú tội. Ông tuyệt vọng và nằm mơ thấy Thais đang sắp chết. Ông lao vội tới gặp Thais và thấy cô sắp chết. Ông bảo với Thais là tất cả những gì ông từng nói với cô đều là nói dối, rằng “không có điều gì đúng, chỉ có cuộc sống và yêu thương con người”. Thais chết và ông Athanaël gục ngã trong tuyệt vọng.
Ôi, cuộc đời trống rỗng dưới ánh sáng mặt trời đâu có nghĩa là chối bỏ cuộc đời. Thêm vào cuộc đời Giê su hay Phật chứ đâu phải lối sống của tu viện.

(Đọt Chuối Non)

Khúc nhạc được mở đầu bằng đoạn giới thiệu ngắn của đàn harp, sau đó violin nhanh chóng bắt đầu motif. Sau khi violin biểu diễn giai điệu hai lần, khúc nhạc đi vào đoạn được biểu thị animato, dần dần càng lúc càng trở nên say đắm (Massenet viết poco a poco appassionato). Cao trào của khúc nhạc đạt đến chỗ được biểu thị poco piu appassionato (thêm một chút say đắm) và sau đó được tiếp nối bằng một khúc chuyển đoạn ngắn có tính chất cadenza từ nghệ sĩ độc tấu và quay lại chủ đề chính. Sau khi chủ đề chính được biểu diễn hai lần, nghệ sĩ độc tấu cùng dàn nhạc chơi những hòa âm ở quãng âm cao trong khi đàn harp và bộ dây chơi êm ả ở quãng âm dưới.




Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

Văn hóa tín ngưỡng phồn thực trong đền Khajuraho

Ở Ấn Độ, ngôi đền có kiến trúc độc đáo với những hình vẽ chạm khắc cảnh “quan hệ” nam nữ được xây dựng trong gần hai thế kỷ và đã tồn tại hơn 1000 năm qua.



Đền Khajuraho ban đầu là nơi quy tụ của gần 100 ngôi đền nhỏ được xây bằng đá sa thạch và có kiến trúc vô cùng lộng lẫy, tại một thị trấn nhỏ của bang Mahhya Pradesh ở miền Trung Ấn Độ. Theo sự tàn phá của thời gian, hiện tại nơi đây chỉ còn sót lại khoảng hơn 20 ngôi đền.

Nằm trải dài trên diện tích khoảng 20 km vuông, nơi đây từng là một đô thị phồn hoa, tráng lệ và là thủ phủ của đế chế Chandela giàu mạnh. Sau đó một thời gian, ngôi đền dần bị trôi vào quên lãng và bị bao phủ bởi cây cối, rừng rậm. Mãi đến vài thế kỷ sau, ngôi đền mới được thực dân Anh phát hiện ra. Vật liệu chính để xây dựng ngôi đền là đá sa thạch. Điều đặc biệt, các kiến trúc sư đã không dùng đến vữa khi xây đền. Tất cả các phiến đá được gắn chặt với nhau bởi các lỗ mộng và lực hấp dẫn đã liên kết chúng chặt chẽ lại với nhau.


 Điều nổi bật nhất là các bức tượng, hình vẽ được chạm khắc trong các ngôi đền Khajuraho cũng là những kiệt tác nghệ thuật vô cùng quý giá. Nó thể hiện một nét văn hóa phồn thực của người xưa. Phần lớn, chúng khắc họa các khung cảnh sinh hoạt của người dân dưới thời đại đế chế Chandela, từ cảnh cuộc sống xa hoa của vua chúa, các nữ thần và cả người dân thường.


 Những cụm tượng mô phỏng cảnh hưởng thụ hoan lạc, quan hệ nam nữ trong nhiều tư thế, thậm chí có cả những bức tượng chạm khắc người thứ ba đang nhìn trộm. Nhưng tất cả đều mang tính biểu cảm, nhẹ nhàng với lối khắc họa đầy nghệ thuật chứ không diễn tả một cách thô tục. Bên cạnh đó, một số ngôi đền còn có hai lớp tường và được chạm khắc những hình thù nhỏ về đời sống tình dục.



 Người ta đưa ra rất nhiều lời giải thích, cho việc khắc họa những hình ảnh nhạy cảm này lên ngôi đền thờ các vị thần. Có giải thích cho rằng, nơi đây từng là đất sinh sống của một giáo phái Hindu. Giáo phái này thường thờ cúng những biểu tượng thể xác và lạc thú trong đời. Cũng có lý giải khác cho rằng, việc khắc họa hình ảnh này là cách để con người tu tâm dưỡng tính tránh được những cám dỗ trong cuộc đời.

Kiến trúc đền thờ Hindu giáo



 “Ấn Độ là xứ sở của tôn giáo, tôn giáo của tăng lữ,

đồng thời là tôn giáo của vũ nữ” *


Thời cổ đại
Các sử gia nói đền Hindu đã không tồn tại trong thời kỳ Vê Đa (1500 – 500 trước Công nguyên). Những phần còn lại của cấu trúc ngôi đền đầu tiên được phát hiện ở Surkh Kotal, một nơi ở Afghanistan bởi một nhà khảo cổ học người Pháp vào năm 1951. Nó đã không dành riêng để thờ cúng cho một vị thần nhưng lại dành để thờ cúng vua Kanishka (127-151)
Các cấu trúc ngôi đền đầu tiên không được làm bằng đá hoặc gạch. Trong thời cổ đại, đền thờ công cộng hoặc cộng đồng đã có thể làm bằng đất sét với mái lá được làm bằng rơm hoặc lá. Đá chỉ trở thành vật liệu được ưa thích trong những giai đoạn xây dựng sau này, hình thức ban đầu là những những đền thờ khắc sâu vào trong đá tạo thành các hang động – đền thờ,  là hình thức kiến trúc đục ngầm trong đá  (rock-built hoặc rock-cut).

The Undavalli Caves

Thời trung đại. Phù điêu và thần tượng đã được tìm thấy trong khoảng thế kỷ thứ II và III, nhưng không có một kiến trúc đền thờ nào còn sót lại.  Các học giả đưa ra giả thuyết rằng những ngôi đền cổ của Hindu giáo được mô phỏng theo cấu trúc một ngôi nhà của cư dân bản địa, hoặc một cung điện.  Những ý tưởng thiết kế và xây dựng đền thờ Hindu giáo giai đoạn này được cho là lấy hình mẫu từ những đền thờ của đạo Jain và Phật giáo,  nhưng sau đó đã có sự phát triển và tiến hóa mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh của các tôn giáo với nhau.
Đặc điểm các phong cách kiến trúc
Phong cách Nagara
Còn gọi là phong cách Bắc Ấn, hình thành từ thế kỷ thứ IX, mái đền có cấu trúc hình dáng những đường cong mềm vươn lên, trên đặt cái mũ hình lẳng bẹt, có một tháp cao gọi là Shikhara; công trình không có sân, đặt đơn độc trên những khu đất trống, bao gồm mặt bằng môn sảnh, thần đường, phòng cầu phúc đều có hình dáng vuông. Phong cách Nagara được xây theo lối hướng thượng, các tháp cao dần đều từ cổng vào đến tháp chính.

Đền thờ Kandariya Mahadeo, Khajuraho
Phong cách Dravida
Còn gọi là phong cách Nam Ấn, hình thành từ thế kỷ thứ XI đến thể ký XVIII mái đền có cấu trúc hình kim tự tháp đỉnh bằng, đặt trong những tường bao nhiều lớp hình thành các sân trong, tháp cổng cao lớn gọi là Gopura. Kiến trúc Nam Ấn có tính truyền cảm mãnh liệt, nhiều mái tháp cao đến 50-60m, tổ hợp bởi những đường thẳng khúc chiết, vươn lên sừng sững, khiến cho tổng thể công trình rất có sức mạnh, mang tính chất hướng về trung tâm.
Đền thờ mang phong cách Dravidian cơ bản có 4 phần, có thể thêm bớt tùy theo điều kiện từng vùng và từng giai đoạn lịch sử: (1) chính điện được gọi là Vimana (2) Các cửa hoặc Mandapas (3) Cổng – kim tự tháp, gọi là Gopurams (4) Hội trường, Chawadis. Bên cạnh đó, một ngôi đền luôn có hồ nước hoặc giếng nước, sử dụng cho các mục đích thiêng liêng, hay phục vụ sinh hoạt cho các tu sĩ.


Đền thờ Meenakshi Amman
Phong cách Vasara
Còn gọi là phong cách Trung Ấn, phát triển ở cao nguyên Decan.Đây là tên được đặt cho một phong cách kiến trúc phát triển trong những thế kỷ thời trung cổ và kết hợp cả hai phong cách Nagara và phong cách Dravida.
Phong cách này làm giảm chiều cao của các tầng riêng biệt mà không làm giảm số lượng của các tầng. Các cấu trúc hình bán nguyệt của Phật giáo cũng được kết hợp trong một số các ngôi đền của phong cách này. Các ngôi đền của Halebid, Belur, Somanathapura và Pattadakal là một số ví dụ về phong cách này.

Đền thờ Halebidu
Kiến trúc cơ bản của một ngôi đền Hindu giáo
Cấu trúc đền Hindu hầu như giống nhau trên khắp đất nước Ấn Độ. Mặc dù có thể có thêm bớt một số công trình phụ khác nhau theo ảnh hưởng của từng vùng đất, do khả năng tài chính của từng ngôi đền, thỉnh thoảng là do ảnh hưởng chính trị. Chẳng hạn, trong chính điện có thể có cùng lúc hai pho tượng (một tượng thật, một phiên bản) hoặc những bức tường cao xung quanh các ngôi đền ở Nam Ấn ban đầu là để bảo vệ đền trước những người Hồi giáo xâm lăng, về sau trở thành đặc trưng cho phong cách kiến trúc Nam Ấn.
Người Hindu cúng bái không theo nhóm, chủ yếu là cúng riêng, trừ những dịp lễ đặc biệt. Vì vậy cấu trúc đền thờ dựa theo nguyên tắc chỉ có một chính điện nhỏ gọi là Garbha Griha (phần A trong sơ đồ), nơi đặt tượng thần. Có một lối đi xung quanh chính điện này. Đây là trung tâm của ngôi đền, trên đó thường là mái vòm tròn hoặc mái xoắn ốc, trừ những ngôi đền Nam Ấn, mái xoắn thường ở ngay lối vào. Sau khi cầu kinh, nhất thiết phải đi xung quanh chính điện, cho nên lối đi xung quanh tượng thần là phần cốt yếu trong cấu trúc ngôi đền.
Có một lối đi nhỏ gọi là antrala (B) nối giữa chính điện và mandapa (C), tức là sảnh lớn với những hàng cột, nơi các tín đồ tập hợp để cầu cúng. Những cái cột phần lớn bằng cẩm thạch trên đó chạm khắc hình những nữ thần, những tiểu thần, những hoạt động trong đời sống của các vị thần chính, thỉnh thoảng là cảnh trong những thiên trường ca.

Sơ đồ cấu trúc cơ bản một đền thờ HIndu giáo
Ở một số ngôi đền hình chạm khắc thường xuất hiện trên rất nhiều cột đá cẩm thạch và trên bề mặt các bức tường bên ngoài đền. Cổng vào đền gọi là ardha mandapa (D). Những ngôi đền lớn còn có những khu vực gọi là maha mandapa (E) và kalyana mandapa (F) tăng thêm chỗ cho nhiều tín đồ trong dịp lễ hội.

Sự khác biệt giữa phong cách kiến trúc Nam Ấn và Bắc Ấn
Thiết kế
Đền thờ Hindu được thiết kế theo hình học gọi là Vastu-Purusha-Mandala.  Mandala có nghĩa là những đồ hình có dạng đối xứng, cân đối quanh một trục trung tâm, như hình vuông và hình tròn. Purusha là bản chất phổ quát ở cốt lõi của Hindu giáo truyền thống, nghĩa là linh hồn vũ trụ – đại ngã, trong khi vastu nghĩa cấu trúc nhà ở. Các thiết kế đưa ra một ngôi đền Hindu trong một cấu trúc tự lặp đi lặp lại đối xứng bắt nguồn từ niềm tin trung ương, thần thoại, hài hòa và nguyên tắc toán học.

Hình đồ Vastu-Purusha-Mandala
Bốn hướng chính giúp tạo ra các trục của một ngôi đền Hindu, xung quanh hình thành một hình vuông hoàn hảo trong không gian có sẵn. Các vòng tròn của Mandala tạo thành quảng trường. Hình vòng tròn được lấy ý tưởng từ những gì con người quan sát trong cuộc sống hàng ngày (mặt trăng, mặt trời, chân trời, giọt nước, cầu vồng). Các hình vuông được chia thành những ô vuông nhỏ gọi là padas (thường có 64, hoặc 81 ô vuông). Mỗi padas là khái niệm được gán cho một nguyên tố tượng trưng, ​​đôi khi là một vị thần. Trung tâm của hình vuông dành riêng cho Brahman, và được gọi là Brahma padas.
Các ngôi đền có cửa hướng về phía mặt trời mọc, và lối vào cho các tín đồ cũng thường là phía đông, một số ngôi đền Nam Ấn có cửa vào phía Nam.
Bên dưới Mandala là Garbha-Griya, một khoảng không gian khép kín, hình vuông, không cửa sổ. Trong không gian này thường là một Murti – tượng thần. Đây là Murti của các vị thần chính, và điều này thay đổi tùy theo mỗi ngôi đền.
Phía trên Vastu-Purusha-Mandala là một cấu trúc thượng tầng với một mái vòm gọi Shikhara ở phía Bắc Ấn Độ, và Vimana ở miền Nam Ấn Độ. Đôi khi, trong những ngôi đền tạm, mái vòm có thể được thay thế bằng tre. Mái vòm dạng chóp tròn hoặc mái vòm được thiết kế như một kim tự tháp, hình nón hoặc hình dáng núi. Các học giả cho rằng hình dạng này được lấy cảm hứng từ ngọn núi vũ trụ của Meru hay đỉnh núi Kailash của Himalaya, nơi các vị thần ngự trị.
Ngôi đền lớn có đại sảnh với hàng cột gọi là Mandapa phục vụ như phòng chờ cho khách hành hương và tín đồ. Các mandapa có thể là một cấu trúc riêng biệt trong các đền thờ cũ, nhưng trong ngôi đền mới hơn không gian này được tích hợp vào cấu trúc thượng tầng đền thờ. Những ngọn tháp có nhiều kiểu dáng và hình dạng, nhưng tất cả đều có độ chính xác toán học và các biểu tượng hình học, chủ đề và nguyên tắc thường thấy là hình tròn và hình vuông.
Những bức tường của đền thờ được trang trí trực quan với nghệ thuật chạm khắc, tranh vẽ hoặc hình ảnh để truyền cảm hứng cho các tín đồ. Các trụ cột, tường và trần nhà thường cũng có chạm khắc rất công phu. Những hình ảnh này xuất xứ từ những sử thi của người Ấn Độ, những câu chuyện thần thoại Veda về đúng và sai, đức hạnh và ngược lại. Họ là những vị thần, hay những vị anh hùng.
Đôi khi, những tác phẩm điêu khắc trên các bức tường bên ngoài đền thờ miêu tả cảnh quan hệ tình dục, như ở đền thờ Khajuraho, thể hiện triết lý của đạo Hindu về sự phân cách mong manh giữa thiêng liêng và phàm tục, không gian bên trong (thiêng liêng) và bên ngoài đền thờ (phàm tục) chỉ ngăn cách nhau bởi một bước chân.
Một bức điêu khắc trên tường bên ngoài đền thờ Khajuraho, 

mô tả cảnh quan hệ tình dục tập thể


Một ngôi đền Hindu điển hình là nơi thể hiện sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ – từ những bức tranh điêu khắc, từ các biểu tượng tượng trưng để chạm khắc, cho đến cách bố trí chu đáo của không gian để phản ánh sự tổng hợp của các nguyên tắc toán học với tinh thần Hindu.
Văn bản tiếng Phạn cổ phân loại thần tượng và hình ảnh trang trí trong đền thờ theo nhiều cách. Ví dụ, một trong những phương pháp phân loại theo hình thức:
– Chitra – hình ảnh có 3 chiều và hình thành hoàn chỉnh, tức là những bức tượng tròn.
– Chitrardha – hình ảnh được khắc trên mặt phẳng, những bức phù điêu.
– Chitrabhasa – hình ảnh có 2 chiều như những bức tranh trên tường và các loại vải vóc.
Một cách khác để phân loại là bởi tình trạng biểu cảm của hình ảnh:
– Raudra hoặc ugra – là những hình ảnh mang ý nghĩa sợ hãi. Những vị thần thường mắt tròn, mang vũ khí, đem những vòng trang sức bằng hộp sọ và xương. Những vị thần này được thờ cúng bởi những người lính trong chiến tranh, trước khi ra trận, hoặc những người trong những lúc đau khổ hay có lỗi. Đền thờ loại này không được thiết lập bên trong làng và thị trấn, chúng được xây dựng bên ngoài và ở các khu vực xa xôi.

Nữ thần Durga giết quỷ Mahishasu
– Shanta và saumya – là những hình ảnh yên tĩnh, thái bình và diễn đạt tình yêu, lòng từ bi, lòng tốt và đức tính tốt đẹp khác trong đền thờ Hindu. Những hình ảnh này sẽ mang biểu tượng của hòa bình, kiến thức, âm nhạc, sự giàu có, hoa, gợi cảm…. Ở Ấn Độ cổ đại, những ngôi đền này là yếu tố nổi bật trong làng và thị trấn.

Nữ thần Lakshmi mangd đến tài lộc
Đặc điểm của kiến trúc đền thờ Hindu giáo
Sự tượng trưng của trung tâm và phương hướng.
Đền thờ Hindu xuất hiện muộn hơn kiến trúc Phật giáo, do thời kỳ đầu của tôn giáo này là sát sinh tế lễ, làm các dàn tế là chính, nguyên nhân thứ hai là do các đoàn thể tôn giáo Hindu thành lập muộn, đến thế kỷ thứ IX mới xuất hiện.
Đặc điểm của hình thức mái là giống như đỉnh núi Meru, là dạng Nagara ở phía Bắc hay dạng Doravida ở phía Nam. Núi Meru là nơi ở của thần quyền Hindu giáo, được coi là trung tâm của vũ trụ, vì thế việc biểu hiện trung tâm là chủ thể quan trọng nhất của đền thờ Hindu giáo.
Phần ngoài của các ngôi đền hình đỉnh núi được trang trí rất phức tạp, đa phần thể hiện tinh thần ham muốn nhục dục, điều đó phụ thuộc vào tâm lý hảo phồn của người Ấn Độ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng sự nhấn mạnh tính biểu trưng của núi Meru mới là quan trọng nhất.

Đền thờ Arunachaleshwara, Tiruvannamalai
Hình thức mái (tường ngoài) của đền thường có gấp khúc để chứa đựng được nhiều hình điêu khắc hơn, hình thức này gọi là Ratha. Trong khi đó, mái đền (Shikhara) thì được thu dần về phía trên , tạo cảm giác động thái mãnh liệt để nhấn mạnh ngôi đền mang ý nghĩa tượng trưng là trung tâm vũ trụ. Ý nghĩa tượng trưng này sau này còn được gắn vào  một dạng tháp cổng lớn có tên là Gopura của các ngôi đền Nam Ấn.
Ví dụ tiêu biểu cho sự biểu tượng trung tâm của đền đài Ấn Độ là ngôi đền Kandariya Mahadeva ở Khajuraho. Ngôi đền này có hình thức mái vươn mạnh mẽ và kết thúc bằng một phần đỉnh gọi là bảo tháp.
Chủ đề trung tâm không chỉ thể hiện ở ngoại thất mà còn thể hiện ở nội thất. Các mặt thất nhỏ để cúng các vị thần luôn chiếm các vị trí quan trọng. Phần quan trọng nhất trong một ngôi đền Hindu là chánh điện Garbhagriha. Căn phòng được xây dựng ở ngay chính trung tâm ngôi đền với rất ít cửa sổ, trong đó đặt biểu tượng của vị thần mà ngôi đền thờ phụng. Ví dụ: trong ngôi đền của thần Shiva, thường đặt Linga cho biểu tượng của vị thần này. Năng lượng tuôn trào từ chánh điện.  Ba cửa của căn phòng chỉ là cửa giả để nguồn năng lượng của thần linh được lưu giữ trong Garbhagriha. Kiểu xây dựng này cũng phản ánh cho toàn bộ phần bao quanh ngôi đền.
Các đền thờ Hindu khi xây dựng đều tuân thủ nghiêm ngặt cấu trúc hình khối như kiểu Mandala thị Hindu giáo thường được quy hoạch theo một trật tự nhất định với đồ hình vuông. Mandala/Mạn-đà-la trong tư tưởng Ấn Độ là một đồ hình huyền thuật tượng trưng cho vũ trụ, hoặc vuông hoặc tròn đồng tâm tượng trưng cho vị trí trung tâm. Bình đồ bố cục hình vuông của ngôi đền Ấn Độ giáo dựa trên đồ hình này mà hình thành gọi là Vatsupurusa-mandala/Mạn-đà-la của hiện thể con người vũ tru (Kramrisch 1978: 46-50; Michell 1988: 71-3, fig. 28). Ngôi đền Prambanan ở Indonesia được kiến thiết rất cẩn trọng bởi các kiến trúc sư tài ba dựa trên quy hoạch chính của một đồ hình Mandala mà sau này thường thấy trong Phật giáo Mật Tông. Theo những luận thuyết Ấn cổ, các kiến trúc đền đài, nhà ở, đô thị Hindu giáo thường được quy hoạch theo một trật tự nhất định với đồ hình vuông.
Tính phương hướng của đền thờ Hindu giáo có hai cách thể hiện: cách thứ nhất là biểu hiện ở bố trí cửa đền ở hướng Đông, cửa của sự sống.  Cửa hướng đông là cửa mở duy nhất, ba cửa còn lại của mỗi ngôi đền đều được bít kín, gọi là cửa dụ, vì người Hindu giáo quan niệm rằng cửa mở chỉ dành cho người phàm, còn thần linh có phép thần thông sẽ ra vào các cửa dụ. Lối vào từ hướng Đông là dành cho hầu hết các thần. Lựa chọn thứ hai là các hướng khác ngoại trừ hướng Nam. Tuy nhiên những thần như Shree Kali Mata và Shree Hanuman lại thíc quay về hướng Nam.  Người dân Ấn Độ tin rằng 4 hướng được canh giữ bởi 4 vị thần:
1) Shree Indra ở hướng Đông : vua của các vị thần

2) Shree Varuna ở hướng Tây: thần mưa, nước
3) Shree Kubera ở hướng Bắc: thần của cải
4) Shree Yama ở hướng Nam: thần chết chóc.

Đền thờ mỗi vị thần khác nhau sẽ quay về những hướng khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Cách thứ hai là phần bên trong các Garbhagriha bao giờ cũng có một hành lang dành cho “nghi thức xoay phải”, người đến thăm đền sẽ di chuyển dọc các hành lang theo chiều kim đồng hồ.
Quan niệm chính và phụ, âm và dương.
Kiến trúc “tạc đá” của Ấn Độ có hai loại chính là “kiến trúc động đá” (kiến trúc đục ngầm trong đá” và”kiến trúc đá tảng”.
“Kiến trúc đá tảng” là kiến trúc tạo thành từ việc tạo khắc các khối đá khổng lồ, kiến trúc đá tảng thường chỉ có không gian bên ngoài, không có không gian bên trong hay có một phần rất ít. Ví dụ tác phẩm “Chiến xa” ở Mamallapuram, một tác phẩm kiến trúc tạc đá nổi tiếng  khác là đền thờ số 16 Kailasa Shiva thuộc quần thể động đá Ellora (756-773 sau CN), cách thi công đền thờ này  là đầu tiên người ta tạc phần ngoài  của tảng đá lớn trên một vách núi, sau đó mới tạc không gian bên trong nó.
Về quan niệm, kiến trúc động đá và kiến trúc đá tảng là bộc lộ hình thức kiến trúc “chính”, “phụ”. Kiến trúc động đá bộ lộ quan niệm “phụ”(âm) vào không gian kiến trúc, còn kiến trúc đá tảng bộc lộ quan niệm “chính” (dương) vào thực thể kiến trúc.
Quan niệm âm dương còn thể hiện qua kiến trúc của một đền thờ. Đền thờ Nagara có hình dạng như 1 nữ thần đang ngồi và phần chính điện thờ “linga” cũng chính là “yoni” của nữ thần. Lối kiến trúc này thể hiện sự hòa hợp về âm dương giữa thần Shiva và vợ  nữ thần Kali.

Quan điểm âm – dương trong kiến trúc đền thờ Hindu giáo
Ở đền thờ Nam Ấn, kiến trúc lại có hình dạng của 1 vị thần đang nằm nếu nhìn nghiêng và có dạng Mandala hình vuông khi nhìn từ trên xuống. Chân thần tượng trưng cho những tháp cổng Gopuram và qua chiếc cổng  đó, đi dần vào bên trong sẽ là trung tâm Mandala, chính điện Kalasha.
Hình ảnh tượng trưng của nước và bậc cấp
Nước có ý nghĩa quan trọng đối với một đất nước có khí hậu nóng nực và oi bức. Tầm quan trọng của nước đã ăn sâu vào tư tưởng cũng như tôn giáo Ấn Độ. Ý nghĩa của nước chính là nguồn gốc của sinh mệnh. Do đó, giếng nước đóng vai trò quan trọng trong làng quê Ấn Độ, giếng nước có ở đền thờ đạo Hindu, đạo Hồi, cung điện hay pháo đài, thành quách. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng  nói đến văn hóa Ấn Độ mà không nói đến giếng nước hay hồ nước là một thiếu sót thật sự. Vì vậy, những hồ chứ  nước thường được tìm thấy trong các đền thờ Hindu. Nguồn nước được cho là nước thánh từ sông Hằng được sử dụng đề thanh tẩy hoặc dùng trong những nghi lễ hiến tế.
Bậc cấp trong đền thờ Nagara cũng là một yếu tố quan trọng khác của văn hóa kiến trúc  Ấn Độ. Muốn vào được bên trong đền thờ phải vượt qua những bậc cấp này, thể hiện tinh thần hướng thượng. Kiểu kiến trúc lộ thiên này rất gắn bó với đời sống của người Ấn  Độ, họ thường ngồi nghỉ hoặc ngủ trên kiến trúc lộ thiên này. Bậc cấp tại bến phà sông Hằng ở Varanaxi là một ví dụ, ở đó người ta tắm rửa, trừ tà, nghỉ ngơi, giao lưu, hỏa táng, tồn tại, đó là nơi giao tiếp công cộng quan trọng.
Đền thờ Nam Ấn cũng có bể tắm nghi lễ hoặc hồ bơi, có thể có mái vòm rộng, được bao quanh bởi tường và tháp cổng gopura. Những kiến trúc vòng ngoài này thường trở nên mở rộng và hùng vĩ hơn theo thời gian, thậm chí to hơn cả kiến trúc bản thân ngôi đền. Những đặc điểm này hiện còn tồn tại trong ngôi đền Brihadishvara ở Tanjavur.
Ở Ấn Độ, các yếu tố gắn bó với tập quán sống và môi trường sống đều được coi là quan trọng, mang tính chất đa năng và đồng nhất với văn hóa. Yếu tố nước như vậy đã tạo thành tính cách của văn hóa kiến trúc Ấn Độ.
Kết luận
Các tôn giáo đều là nguồn gốc tạo nên các biểu hiện của nghệ thuật với mục đích là tỏ lòng thành kính với các vị thần. Các tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất trong kiến trúc Hindu giáo đều thể hiện sự hòa hợp giữ thiêng liêng và trần tục, giữ con người và thần linh.
Đền thờ Hindu phản ánh các lĩnh vực nghệ thuật, các bổn phận, niềm tin, giá trị và cách sống của những người theo đạo Hindu. Đó là sự liên kết giữa con người, thần thánh, và Vũ trụ Purusa.
Cấu trúc “Parama Sayika” ,9×9 (81), được tìm thấy ở hầu hết những ngôi đền Hindu tế lễ rộng lớn. Theo cấu trúc hình học này, mỗi vòng tròn đồng tâm mang 1 ý nghĩa khác nhau. Lớp ngoài cùng, Paisachika tượng trưng cho Asura và cái ác; lớp tiếp theo là Devika tượng trưng cho Deva và cái thiện. Giữa lớp thiện và ác là Munusha tượng trưng cho đời sống con người. Tất cả những lớp đó bao quanh vòng Brahma, tượng trưng cho năng lượng sáng tạo. Trung tâm vòng tròn là Grabhgriya tượng trưng cho nguồn gốc của vạn vật trong vũ trụ.
Trong các văn bản cổ xưa của Ấn Độ, đền là nơi để hành hương – Tirtha. Ngôi đền chứa đựng những giáo lý của đạo Hindu, đồng thời thể hiện toàn bộ những nhân tố tự nhiên giúp tạo ra và duy trì cuộc sống – từ lửa đến nước, từ những hình tượng thiên nhiên đến các vị thần, từ nữ tới nam, âm thanh, mùi vị cho đến hư vô.
Susan Lewandowski nhấn mạnh rằng yếu tố cơ bản trong một đền thờ Hindu được xây dựng trên niềm tin rằng vạn vật đều là một, chúng có sự kết nối với nhau. Một cuộc hành hương được thực hiện trong một không gian theo cấu trúc toán học cấu trúc 64, 81, một tập hợp đầy nghệ thuật của những cột trụ được điêu khắc và những bức tượng được trưng bày và tôn vinh 4 mục tiêu đời sống: Artha (của cải), Kama (Ái dục), Dharma (bổn phận), Moksha (giải thoát).
Ở giữa đền, thông thường là bên dưới hay bên trên và có khi là bên cạnh các vị thần, có một khoảng trống tượng trưng cho Purusa, “nguồn gốc tối cao” (Supreme Principle), đó là vũ trụ linh thiêng, không hình dạng, tượng trưng cho mọi nơi, kết nối mọi thứ, và là bản chất của mọi người. Một ngôi đền có ý nghĩa trong việc giúp những người mộ đạo thấy được bản thân của mình, thanh tẩy tâm trí và hình thành quá trình nhận thức của họ. Các vị thần trong từng ngôi đền khác nhau phản ánh những khía cạnh tinh thần khác nhau. Đó là nơi để những người theo đạo Hindu giải phóng tâm trí của họ và tập trung vào những thế lực tâm linh bên trong ngôi đền.
Theo truyền thống Hindu, không có ranh giới giữa cái phàm và cái thiêng. Chính vì vậy, đền thờ Hindu không chỉ là những nơi linh thiêng mà còn là nơi thế tục. Ngoài cuộc sống tinh thần, ý nghĩa và mục đích đền thờ Hindu còn được thể hiện trong những nghi lễ xã hội và cuộc sống hằng ngày, vì vậy chúng có chức năng xã hôi. Đền còn là nơi để tổ chức lễ hội, những tiết mục nghệ thuật như ca hát, nhảy múa, lễ kết hôn, sinh nhật, tang ma, những sự kiện quan trọng trong đời người. Ngoài ra nó còn là nơi chứng kiến sự kế vị của các triều đại và các vùng lãnh thổ cùng với sự phát triển kinh tế của những triều đại đó.
Những ngôi đền Hindu đóng vai trò hạt nhân trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế, nghệ thuật và tri thức trong suốt thời kỳ cổ-trung đại ở Ấn Độ. Burton Stein nói rằng những ngôi đền Nam Ấn nắm giữ chức năng phát triển vùng, như là hệ thống tưới tiêu, khai hoang đất và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Những hoạt động này được trả bằng đóng góp của những người mộ đạo. Những ngôi đền này có một lượng lớn tài sản, chúng còn có chức năng như những ngân hàng.
Ngày nay, khi những người di cư và những cư dân Do Thái từ Nam Á xây dựng một đền thờ Hindu, họ cũng đã góp phần tạo dựng một cộng đồng xã hội, giúp làm giảm những định kiến, đồng thời xây dựng quyền công dân cho vùng đất này.Kiến trúc truyền thống Ấn Độ đã để lại nhiều bài học lớn cho thế hệ sau, nhất là các kiến trúc sư đương đại Ấn Độ.
Có nhiều vấn đề đặt ra cho thấy nền kiến trúc cổ đại Ấn Độ có thể tạo tiền đề cho việc tìm ra một cái cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, như vấn đề cộng sinh đa nguyên và vấn đề hình học trong kiến trúc. Việc ứng dụng quan niệm trung tâm và phương hướng, việc gợi lại những triết lý về nước trong đời sống Ấn Độ, việc gợi lại sơ đồ hình học Mandala không chỉ thấy trong nhiều tác phẩm kiến trúc mà còn thấy trong nhiều các mặt bằng đô thị.
(theo Lạc Hoa Viên)