Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

NHẬT KÝ LÝ QUỲ - P.2



“Nhật ký Lý Quỳ - Tụ Nghĩa sảnh” đã khơi nguồn cho một trào lưu văn học mới trên toàn đại lục, nhiều tác phẩm thuộc thể loại “tiểu thuyết quan trường” này, như: “Nhật ký Sa tăng”, “Bí sử thiên đình” v.v.… lần lượt ra đời, vạch mặt kể tội bộ máy công quyền từ trên xuống dưới, chẳng chừa một ai.Hai năm sau đó, tháng 7-2016, đáp lại mong chờ của độc giả, Thương Thổ lại tung nốt phần sau của tác phẩm, “Nhật ký Lý Quỳ - Trung Nghĩa đường”, kể tiếp chuyện hậu trường của Lương Sơn kể từ Tống Giang lên làm đảng trưởng. Trong đó, dưới lá cờ “Thế thiên hành đạo” là cả một trường điên đảo xâu xé tưng bừng.Ở Trung quốc, “Nhật ký Lý Quỳ” là hiện tượng gây sốc, nhưng ở Việt Nam, chẳng mấy ai biết tới nó. Kẻ hèn mọn này nhân thấy vận khí nước ta ngày một cuồn cuộn dâng cao như hải triều thịnh nộ. Ngọn cờ chính nghĩa “chống tham nhũng” ngót một phần tư thế kỷ nay liên tục hùng dũng phất phơ, khí thế hừng hực thậm chí biến công cuộc tham nhũng trở thành văn hóa phi vật thể, tạo nên nếp sống mới trong sinh hoạt cộng đồng.Ở xứ ta, cách tốt nhất để chống tham nhũng là phải nắm vững cơ cấu của nó, đặng sống chung với nó trên từng cây số. Về mặt này, “Nhật ký Lý Quỳ” thấm đẫm tinh túy của Cộng đảng, đầy chất nhân văn, sẽ mang lại nhiều bổ ích thiết thực. Đồng thời, tác phẩm này có thể coi là kinh điển, đáng để các quan chức nước ta gối đầu giường để sống, học tập, tu dưỡng và làm theo; nó sẽ giúp quý ông bà tiết kiệm được nhiều xương máu trên chốn quan trường đầy cạm bẫy, do các đồng chí mình bủa giăng. Nay xin trân trọng dịch, à ha! (Vinhhuy Le)

NHẬT KÝ LÝ QUỲ - P.2

(6) SỰ TÍCH MỘT LÃNH TỤ
“Có khi chỉ vì gặp một người nào đó mà đời mình hoàn toàn thay đổi”, lời này của quân sư Ngô Dụng khiến tôi lấy làm thấm thía.
Nếu không gặp Cao Cầu, hẳn Lâm Xung hiện còn là Giáo đầu phủ Khai Phong, ban ngày thao luyện quân sĩ, tối về hú hí vợ con; bằng vào mối quan hệ rộng rãi của ông già vợ, sớm muộn gì hắn cũng lên được Tổng giáo đầu.
Nếu không gặp Kim Thúy Liên, Lỗ Trí Thâm sẽ còn là Đề hạt phủ Kinh lược Đông Kinh, đụng chuyện thì ra trận giết giặc lập công, thái bình thì chàng hãng ngồi chơi tán dóc ra oai với lính lác. Dựa vào mối quan hệ gần gũi với quan Kinh lược sứ, hắn lên làm Đoàn luyện sứ khỏe re.
Dương Chí nếu không gặp Tiều Cái thì Sinh thần cang sẽ không bị cướp, hắn đã yên ổn về phủ Đại Danh, tiếp tục làm Điện tư chế Sứ quân với tiền hô hậu ủng, tả hữu tùy tòng; được Lương trung thư đỡ đầu, lo gì sau này không vẻ vang dòng họ.
Còn tôi... Năm đó làm ngục tốt Giang Châu, tuy không kiếm chác được nhiều nhưng cũng công chức triều đình. Tới tháng thì lãnh lương, thỉnh thoảng còn được ân cần đút lót; rảnh rỗi thì đánh bạc hoặc ăn nhậu, tán dóc, tháng ngày tha hồ tự tại tiêu dao. Cứ theo đà đó, ít năm nữa sang vài mẫu đất, cất vài căn nhà là chuyện trong tầm tay, sau đó sẽ nhờ Vương bà bên thôn Tây làm mai mối, cưới vợ đẻ con, nửa đời sau đã an nhàn thoải mái. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào, tôi lại gặp Tống đại ca.
Lúc mới gặp Tống đại ca, tôi sướng cứ tưng tưng: hơn hai mươi năm sống trên trần thế, rốt cuộc đã thấy có thằng xấu xí hơn mình. Tống đại ca đã mập chướng lại lùn tịt đen thui, càng nhìn càng giống trái cà *** dê bị nướng, được cái tánh ảnh rộng rãi, trước sau biếu tôi vài trăm lạng bạc. Tất nhiên tôi chẳng ăn chùa, đáp lại cũng miễn cho ảnh các đòn roi tra tấn cũng như tạp dịch khổ sai, lại ưu tiên cho phép ra vô nhà tù tùy ý. Ảnh dân nhà giàu, án hai năm cũng sắp mãn, ắt sẽ không tính chuyện đào thoát vượt ngục, nên thường ngày tôi chẳng hơi đâu để ý quản thúc.
Tôi làm sao ngờ được, tên vô lại đó nốc vài cân rượu chưa đủ mèo đái đã n.ứng mần thơ; mần thơ cũng chả chết ai, ngặt cái hắn lại mần thơ tạo phản; thơ tạo phản cũng không sao, thằng đàn ông nào chả ít nhiều chất nổi loạn, mượn hơi men chửi bới triều đình cũng chuyện thường tình, nhưng ngàn vạn lần không nên đề thơ tạo phản trên vách lầu Tầm Dương. Đó là nơi hợp tác làm ăn với phủ huyện, khách lui tới đều bọn oai quyền; làm vậy khác nào bẹo mồi ngay miệng cọp, khoe vú non trước mặt dê già, muốn chết đây mà!
Thôi thì lỡ đề thơ phản nghịch cũng chưa tới nỗi, đàng này hắn còn ghi rõ họ tên để dương danh, mà lại ghi tên họ thiệt mới chết một cửa tứ, thiệt là hết thuốc!
Tống đại ca bị bắt làm Đái Tông quýnh đít. Đái Tông khi đó là thượng cấp của tôi, so với tôi tâm địa cũng đen tối hơn, mánh lới càng thần sầu, hai năm qua hắn đớp của Tống đại ca không ít, mới bày kế cho ảnh giả điên.
Tống đại ca kể cũng tận lực can trường, bốc nguyên đống cứt ăn ngon lành như người ta xực bánh bao. Xém chút đã qua truông, dè đâu tới phút chót, Tống đại ca lại không trụ nổi. Bị đòn đau quá, hắn khai tuốt luốt từ chuyện hồi nhỏ trộm hành ngắt tỏi của ai, cho tới lúc dậy thì rình gái nhà nào tắm, tất nhiên bao gồm cả vụ đút lót cho tôi. Oan ôi là uổng một đống cứt!
Tôi lúc đó không rành luật lệ, cứ tưởng vài trăm lạng bạc đủ để mất đầu, máu nóng nổi lên, bèn dứt khoát theo đại ca làm phản. Sau này mới biết chút đó tham ô chẳng đáng tử hình, hối hận sình ruột thì đã muộn.

(7) KHI HÀO KIỆT RẢNH
Hai ngày nay không có vụ gì mới. Tiều thiên vương vẫn mời mọi người ăn nhậu đều đều. Tống đại ca vẫn lăng xăng tìm khắp tri kỷ bày giãi tâm tình.
Lâm Xung nhờ Công Tôn Thắng bện giúp hình nhân bằng rơm, dán tên họ Cao Cầu lên đó, rồi ngày hai cử sáng chiều, hễ tới giờ linh, hắn lại lấy kim chích hình rơm một phát.
Võ Tòng thì đánh nhau với Lỗ Trí Thâm. Hai thằng rảnh quá bèn chơi đổ xí ngầu, ai thua phải ăn bộp tai. Lỗ Trí Thâm thua liền mười tám ván, mặt mày bị tát sưng phồng, chần dần như cái bánh đa, hắn nổi quạu đổ thừa Võ Tòng ăn gian, Võ Tòng thì khẳng định tại Lỗ Trí Thâm quá ngốc. Lời qua tiếng lại một hồi nóng máu, hai đứa đập nhau luôn. Quyền bay cước vụt vù vù, lũ huynh đệ nghe thấy ẩu đả liền bu lại đông ken, gõ nồi khua chảo hoan hô cổ võ rần rần, thậm chí còn gầy sòng bắt độ coi thử thắng thua.
Hai thằng đánh nhau hồi lâu chớ thấy đứa nào can, đành phải dừng tay. Lỗ Trí Thâm hầm hầm tuyên bố: sau này nếu còn trò chuyện với Võ Tòng thì mình là quân khốn kiếp; Võ Tòng cũng chắc cú, nếu tiếp tục giao du với Lỗ Trí Thâm thì mình thuộc loài chó đẻ.
Chưa đầy nửa canh giờ, quân khốn kiếp cho biết, nếu Võ Tòng đừng nhắc tới món nợ cờ bạc ban nãy thì sẽ bỏ qua cho, phường chó đẻ cũng gật đầu cái rụp, hứa không đòi nợ nữa, tình bạn lại thân thiết như thuở ban đầu.
Tần Minh thì xô xát với anh vợ. Cớ sự là bởi Tần Minh nhậu sương sương về nhà đạp mái, đang cơn sướng thấu óc o lại nhè kêu tên vợ trước, Hoa Nhị Nương nổi sùng đạp hắn lọt sàn, té thôi u đầu mẻ trán. Vương Nụy Hổ còn phỏng đoán: cặp đôi lúc đó ắt là dính lẹo theo tư thế “Vượn non ẵm chậu” vốn thất truyền từ lâu. Tần Minh vốn nóng tánh, liền bò dậy dộng Hoa Nhị Nương một đấm. Hoa Vinh hay tin, chẳng kịp xỏ giày lật đật chạy qua, vừa vô tới cửa đã xáng luôn Tần Minh hai bộp tai.
Đôi bên đều võ tướng, võ nghệ ngang cơ, lại cùng là lãnh đạo cấp sảnh, chẳng đứa nào phải nể thằng nào, vậy là nện nhau thẳng cánh. Lúc đầu, Tần Minh cưỡi lên mình Hoa Vinh mà dộng, Hoa Nhị Nương thấy anh thất thế nên nhào vô, nhè ngay đầu Tần Minh mà giở Hổ hạc Song hình quyền; chừng Hoa Vinh đè được Tần Minh thì Nhị Nương lại xót chồng, níu tay Hoa Vinh cứng ngắc, hiện trường hỗn loạn như nồi cháo đậu.
Lãnh đạo uýnh nhau, lũ chúng tôi tất nhiên chẳng dám reo hò cổ võ; mà dầu gì người ta cũng sui gia với nhau, mình tài lanh nhảy vô can có khi còn bị anh em nhà nó uýnh hội đồng. Nên ai nấy xếp re đứng ngó, ngoài miệng la làng đừng đánh nữa, nhưng trong bụng thảy trông mong chúng đánh sao cho tưng bừng khói lửa, kẻo lâu nay chẳng có trò vui, đang buồn rụng rún.
Mãi khi Tống đại ca chạy tới cho mỗi thằng một bạt tai, cả hai mới chịu giải lao. Vương Nụy Hổ xớ rớ gần đó cũng bị vạ lây một tát, đáng đời, ai biểu hễ thấy đại ca là xáp xáp!
Con mắt Tần Minh nở bung củ dền, cái mỏ Hoa Vinh cũng thè lè như cái tu na, cả hai đều lui về ấp ổ, chẳng ai chường mặt ra khỏi cửa. Hoa Nhị Nương cuốn nóp dọn về nhà anh mình, Tần Minh ngồi bưng con mắt sưng, suốt ngày than thở: “Cái giống đàn bà thiệt là khó dạy”…
Ba anh em nhà họ Nguyễn thì vì chuyện phụng dưỡng cha già mà xảy ra đụng chạm. Ba người này đều mang theo gia quyến lên Lương Sơn, lúc đầu được Tiều thiên vương ưu ái chia cho một khu tứ hợp viện[*]. Đại gia đình góp gạo nấu cơm chung, ngày nào cũng nổ ra chửi lộn ì xèo, mà toàn chuyện vụn vặt: vợ Tiểu Nhị nạnh vợ Tiểu Ngũ ăn xong không rửa chén, vợ Tiểu Ngũ ghét vợ Tiểu Thất sáng dậy không quét sân, vợ Tiểu Thất bực vợ Tiểu Nhị kho cá nêm quá mặn.
Sau đó phải nhờ Ngô Dụng tách thửa ngăn ra, đồng thời giao hẹn mỗi nhà luân phiên nuôi cha một tháng, lại e anh em lật kèo, mới làm thêm tờ thỏa thuận, ghi cụ thể lịch nuôi cha: Nguyễn Tiểu Nhị tháng Sáu, Tiểu Ngũ tháng Bảy, Tiểu Thất tháng Tám… có ký tên đóng dấu đàng hoàng.
Ai dè, mới qua tháng Bảy cô hồn bỗng lòi ra năm nay nhuận, có hai tháng Bảy. Vợ Tiểu Ngũ cho là nhà mình đã nuôi ông già đủ tháng, giờ phải tới phiên Tiểu Thất. Vợ Tiểu Thất thì trưng ra tờ thỏa thuận, thề quyết tâm chỉ nhận ông già đúng vào tháng Tám.
Vụ này quá ư éo le hóc búa, cả Tiều thiên vương lẫn Tống đại ca đều né, chẳng ai muốn dính vô. Ngô Dụng là người lập tờ thỏa thuận, lại có ký tên làm chứng, để khỏi mất mặt, y đành viện cớ bị mụt nhọt, trốn luôn trong nhà không dám chường ra.
Mỗi ngày, thái lão gia nhà họ Nguyễn lại ra trước sơn trại réo ba thằng con ôn vật trời đánh mà chửi sa sả.

[*] Tứ hợp viện: kiểu nhà bốn căn ở bốn hướng chầu lại một sân chung.

(8) CHUYỆN QUÁ KHỨ CỦA LỖ TRÍ THÂM

Hôm nay nói về Lỗ Trí Thâm.
Hắn là một trong ba người được cho là dũng mãnh nhất sơn trại, hai người kia là Võ Tòng và tôi. Kiểu đánh giá này khiến tôi vừa khoái lại vừa bực, khoái vì mình được xếp ngang Võ Tòng, bực vì phải đồng hạng Lỗ Trí Thâm.
Kiểu bị đánh đồng với Lỗ Trí Thâm khiến tôi bất mãn lắm luôn; dù trí thông minh có hạn, tôi cũng biết điều đó là đại sỉ nhục. Để giữ mình khỏi phải cá mè một lứa với Lỗ Trí Thâm, mỗi khi có ai nhắc tới hắn, tôi đều hắng giọng nhấn mạnh: “Vui lòng đừng nhắc tên đó với tôi, tôi không quen biết hắn, cám ơn nhiều!” Hiềm một nỗi Võ Tòng cũng nói y vậy, chỉ khác ở chỗ thay vì “tên đó”, hắn lại bảo là “hai tên đó”.
Đã cố giữ khoảng cách, nhưng không hiểu sao trong mắt mọi người, hai chúng tôi vẫn cùng một giuộc. Tuy vậy, tôi vẫn cho rằng về cơ bản, tôi với Lỗ Trí Thâm hoàn toàn khác biệt. Bản tính tôi sở dĩ táo bạo là ở chỗ chịu chơi, dám bất chấp hậu quả, còn hắn chỉ đơn giản là táo tợn theo bản năng, đứa trẻ ba tuổi cũng xỏ mũi hắn được. Đánh giá Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng nói ngắn gọn: “Chất phác”, tôi cho rằng có thể rút gọn trong một từ: Ngu!
Nhắc lại những trò hổng giống ai của Lỗ Trí Thâm, tôi không khỏi mắc cỡ giùm tên ba trợn.
Hồi còn làm Đề hạt ở Vị Châu, hắn đã bị cha con Kim Thúy Liên dắt mũi. Kim Thúy Liên là hầu thiếp của Trịnh Đồ, vì không yên phận muốn chơi trèo, chọc máu ghen vợ lớn nên bị đuổi đi. Đây là vụ xào xáo riêng tư trong nhà người ta, vốn chẳng liên can tới người ngoài. Nhưng nghe Thúy Liên khóc lóc kể lể một hồi, Lỗ Trí Thâm bỗng dưng **** máu, đi kiếm chuyện với Trịnh Đồ, lúc ra tay lại chẳng biết nặng nhẹ, làm người ta chết ngắc.
Trịnh Đồ tuy chẳng tốt đẹp gì, nó là thứ ác bá chuyên hà hiếp dân lành, chẳng việc ác nào không dám làm. Nhưng dầu gì nó cũng hạng máu mặt đất Quan Tây, quen biết khắp trong phủ huyện, hắn công khai đánh chết nó giữa ban ngày tức làm rúng động một vùng, bảo sao Kinh lược sứ đành phủi đít làm ngơ, không sao cứu bồ đặng.
Trời xanh có mắt, dun rủi thế nào Lỗ Trí Thâm sau đó lại tái ngộ cha con họ Kim ở huyện Nhạn Môn. Tên ngu này chẳng thèm hỏi rõ cha con tụi nó đã nhận tiền hắn cho, sao không về quê ở Đông Kinh, mà lại qua tuốt Nhạn Môn làm vợ bé người ta. Mà chuyến này mới tuyệt diệu: chỉ cần vài câu bá láp, hắn bị dụ nhảy một phát thoát luôn tam giới, cạo đầu làm thầy chùa quách.
Lên núi Ngũ Đài chưa nóng đít, hắn lại bị Trí Thanh trưởng lão dụ khị, xúi qua chùa Đại Tướng Quốc làm chấp sự tăng. Thiệt ra hắn cũng cóc biết chấp sự là cái giống chi, thấy vẻ trịnh trọng của lão Trí Thanh thì tưởng ngon ăn, xách đít đi liền. Tới Đại Tướng Quốc, ghế chấp sự đâu chớ thấy, lại bị lão Trí Chân dỗ ngọt, trở thành đứa giữ vườn rau… Bị dụ một lần có thể tại sơ ý, nhưng bị hết lần này tới lần khác thì rõ ràng đầu óc có vấn đề.
Hồi vợ Lâm Xung bị Cao Nha Nội thả dê, thái độ của Lỗ Trí Thâm khiến người ta càng sửng sốt. Trường hợp con vợ bị lưu manh quấy nhiễu, khi thằng chồng nổi điên quát lớn: “Tao phải giết mầy!” nếu gặp bạn bè tốt sẽ can: “Thôi vuốt giận bỏ qua đi, không sao là tốt rồi!” Đàng này, tên lưu manh đã hoảng hồn xin tha mạng, ôm đầu lủi mất dạng, vậy mà kẻ nổi điên lại là Lỗ Trí Thâm, khiến Lâm Xung là chồng phải quay ra can ngăn ông bạn. Màn náo nhiệt đó khiến người ta không khỏi phân vân: rốt cuộc là vợ đứa nào bị bóp vú?
Khi có việc gấp, chớ nên cho Trí Thâm biết, kẻo hắn sẽ gấp hơn cả đương sự, thiệt là thầy chạy!

(9) LỖ TRÍ THÂM ĐI THĂM BỆNH

Ông già của Trương Thuận bệnh nặng. Tôi với Trương Thuận là bạn đồng hương, mối quan hệ rất tốt, mấy bận tôi lén xuống núi qua nẽo doanh trại Trương Thuận trấn giữ, hắn đều giả bộ làm ngơ thả cho đi, nên dịp này phải đi thăm.
Nghe nói ông lão thích mứt táo, tôi định bụng mua biếu hai ký, tới nhà hàng Tống Thị hỏi giá thì hai lạng bạc một ký. Hừm, chặt cho cố sát, có biết bọn tao phải thí mạng cô hồn, chém bao nhiêu thủ cấp mới được vài lạng bạc thưởng không hả, huống hồ tiền lương tháng này chỉ còn năm lạng, thôi thì ráng giữ nó đừng sứt mẻ, lỡ ra còn có cái phúng điếu ông già. Nhưng không thể mặt mo thăm viếng tay không, tôi phải luồn rừng hái nấm làm quà.
Bệnh tình Trương lão gia coi bộ nguy ngập, hấp hối tới nơi, cặp mắt ông lão đã lờ đờ, hai mép giựt giựt, chỉ có hít vô mà chớ thấy thở ra. Anh em tới thăm đông đúc lắm, đại khái gồm hai loại: một là bọn thuộc hạ của Trương Thuận, và hai là tụi chưa bị chết cha. Còn thứ vừa mồ côi vừa không dưới quyền hắn như tôi thì hiếm lắm.
Ai nấy khệ nệ tay xách nách mang thịt thà cây trái, chỉ Lỗ Trí Thâm lững thững tới tay không, nhưng hắn lại hào phóng đưa luôn cho Trương Thuận mười lạng bạc, Trương Thuận tất nhiên không dám nhận, vội xua tay khước từ lia lịa. Lỗ Trí Thâm nổi dóa, tuôn ra một câu động trời: “Đàng nào thì trong vòng hai hôm nữa ông già cũng ngủm, coi như tôi phúng điếu trước, được chưa?” Cả đám sững sờ, im phăng phắc. Bàn tay của Trương Thuận huơ nửa chừng bỗng cứng đơ, không biết hắn là đang giơ lên hay tính hạ xuống.
Tôi muốn đóng vai hòa giải xua tan không khí sượng sùng, bèn giơ tay đỡ lấy: “Số bạc này để tôi cất giùm, hai hôm nữa tụi mình cúng luôn một lượt”.
Trương Thuận đang lúc hoang mang, liền vuốt đuôi theo: “Vậy cũng được, cứ để Hắc xì dầu tạm cất vài hôm”. Lời thốt ra xong mới thấy không ổn, giựt mình ngẫm lại, té ra bọn mình đang bàn chuyện gì vậy? Tôi với Trương Thuận ngơ ngác nhìn nhau, quai hàm cả hai cùng cứng ngắc.
Trương lão gia không biết do hồi dương cú chót hay bị bọn tôi chọc tức tới mức hoàn hồn, ông già bỗng ngồi phắt dậy, ngó Lỗ Trí Thâm lom lom:
 “Chẳng hay ngươi còn thân nhân nào tại thế chăng?” Trí Thâm bèn khoe, ngoài hắn ra, cả nhà đều xuống lỗ ráo trọi. Ông già gật gù: “Vậy tốt lắm, bạc đó lão xin nhận đem theo, đặng chuyển cho toàn gia quý quyến; còn sau này ta mà chết, ngươi phải cúng thêm khoản khác”.
Lỗ Trí Thâm rầu rĩ: “Thì cứ vậy đi, được lão bá hào hiệp trực tiếp chuyển ngân, ắt khỏi lo hao hụt cước phí”.

(10) MỒM MIỆNG LỖ TRÍ THÂM

“Thà đánh nhau với kẻ biết điều, còn hơn phải chuyện trò với tên ba trợn”, đó là nhận định chung của các huynh đệ về Lỗ Trí Thâm.
Nhiều khi, tôi cứ thắc mắc: có phải tên này hồi nhỏ bị lừa đá trúng đầu, nên giờ hộp sọ lỏng le, ngôn ngữ không thông qua đại não mà trực tiếp phát luôn từ mồm, nên nói chẳng nể lời, một câu thốt ra là cả đám phải bàng hoàng.
Chuyện nghiêm túc cỡ nào, hễ được hắn xía vô thế nào cũng khuấy đảo thành nồi cháo heo.
Phàm khi người ta bạn cũ tương phùng, ắt sẽ ôm nhau ấm áp, nhìn nhau lâng lâng, kỷ niệm tuôn trào thao thao tháo cống, trước là khách sáo: dạo này ông bạn phát tướng ra, trắng trẻo đẹp trai quá; sau là rôm rả hỏi thăm: gia cảnh mần ăn có khấm khá, cha mẹ có còn đủ nguyên một cặp, con cái học hành có tấn tới vân vân… Lỗ Trí Thâm thì khác, hồi hắn mới lên Lương Sơn, vừa gặp lại Lâm Xung thì câu đầu tiên là hỏi thăm vợ người ta: “Bà xã anh đâu?” Vẻ mặt Lâm Xung lúc đó như có mây đen bao phủ, lạnh lùng đáp: “Chết rồi”. Lỗ Trí Thâm kiên trì hỏi gặng: “Tại sao chết?” Lâm Xung nổi sùng: “Đang ăn mắc nghẹn, chết”. Tên cốt đột nhất quyết không tha: “Mắc xương gà hay xương cá?”
Có lần đang nhậu, Ngô Dụng uống đã bộn, bắt đầu khoe khoang học lực năm xe tài cao tám đấu. Cố tật của quân sư mỗi khi chuếnh choáng là phải nổ văng miểng, cả đám đã rành sáu câu, nên đều giả đò lóng tai chăm chú…
Khi lãnh đạo đang cơn n.ứng lựu đạn, chính là dịp tốt để bọn bộ hạ tán dương tỏ dạ trung thành, ai nấy nhao nhao chộp lấy cơ hội, bao nhiêu mỹ từ cùng căn mạt kiếp đều được tung ra, nào lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng, danh nhân văn hóa thế giới, văn hào kiệt xuất linh tinh lung tung… Thiết khiếu tử Nhạc Hòa bưng bô đạt mức thượng thừa, bảo là: “Sở học trong thiên hạ có mười bồ, quân sư trại ta đã chiếm hết chín bồ rưỡi!” Câu tán tụng này vừa thâm hậu vừa chuẩn xác gãi ngay chỗ ngứa, khiến Ngô Dụng sướng lâng lâng, hả họng cười toang hoác.
Cuộc nhậu sắp kết thúc thành công mỹ mãn thì Lỗ Trí Thâm bỗng đế vô một câu vô duyên mất âm đức: “Quân sư văn tài xuất chúng làm vậy, cớ làm sao cái tú tài cũng không đậu?” Cú giò lái này làm Ngô Dụng đang chín tầng mây té lại ta bà, sa sầm nét mặt nói chẳng nên lời, buổi tiệc liền tan.
Hai hôm trước, Lỗ Trí Thâm còn chọc giận cả Tôn Nhị Nương. Mẫu dạ xoa tổ chức sinh nhật, diện bộ đồ mới, bên dưới vận chiếc váy đỏ rực, trên mang áo khoác bông gòn xanh lục mát mắt, mặt bự phấn đỏ bầm, đang đứng trước gương tươi cười hoa ghen thua thắm, thì Lỗ Trí Thâm thản nhiên phang cho một câu: “Y chang cái lồng đèn!” Vẻ mặt Tôn Nhị Nương lúc đó dài ra gần bằng cái lưỡi cày.
Có cả đống trường hợp mắc dịch kiểu vậy, các huynh đệ ai cũng bực tên cốt đột vô duyên thiếu mạch máu não, nếu không phải hắn ta võ nghệ cao cường ắt đã thúi hẻo từ khuya.

 (11) VẤN NẠN TIẾT TRUNG THU

Sắp tới Trung Thu, các anh em chém vè lia lịa. Kể cũng khó trách họ ý chí kém kiên cường, dù là giặc cướp thì ai ai cũng cha sinh mẹ đẻ, đã bao năm các đẳng cô hồn, tin nhà vắng bặt tăm hơi, dịp Trung Thu biểu sao họ khỏi mong muốn được về đoàn tụ gia đình. Dẫu mệnh hệ nào cũng phải vác thây về, đặng tránh cái cảnh một ngày nào đó, vợ mình dắt con đi thăm nấm mộ người dưng, lâm râm dạy con khấn vái: “Người nằm dưới mộ kia tuy không phải cha ruột, nhưng mà đáng mặt cha mầy…”
Cái dòng giặc cướp đặc thù ở chỗ tụ bầy thì khó chứ tan đảng lẹ làng, thành thử phải ban hiệu lệnh khắp trong sơn trại: kẻ nào tự ý xuống núi, chém ngay lập tức!
Để ngăn ngừa anh em đào ngũ, Tiều thiên vương và Tống đại ca tạm gác hiềm khích để chung lo đại cuộc, kẻo tình trạng hỗn loạn kéo dài thì uy quyền lãnh tụ cả hai thành ra mù u cùi bắp. Tiều thiên vương có thiên tài giết hiếp, Tống đại ca sở trường kết bè kéo cánh, Ngô quân sư cũng là người có lý luận bạc cắc ba xu, nhưng tình huống này cả ba đều phải bó tay, chỉ còn nước triệu tập hội nghị, cán bộ cấp đường chủ trở lên đều phải tham dự, đặng chung mưu tìm kế sách cứu vãn tình hình.
Nghề của tôi là giết người phóng hỏa, gặp hung hiểm cỡ nào cũng chưa từng cau mày, nhưng đụng chuyện phải vận dụng đầu óc thì ngoan ngoãn ngậm miệng khoanh tay, tự biết mình có bao nhiêu cân lượng.
Võ Tòng hiến kế, áp dụng quy tắc trách nhiệm liên đới: phân nhóm cứ mười người là một tổ, hễ trong tổ có một người đào ngũ thì chém cụt đầu chín đứa còn lại. Võ Tòng quá ngây thơ, đến mức nghĩ ai ai cũng như mình, trọng nghĩa khí không nỡ liên lụy đến huynh đệ. Thiệt là lầm to, khi mang thân làm giặc cướp là đã cam tâm liên lụy cả cha mẹ vợ con, thì huynh đệ nhằm nhò cái đách! Biện pháp của hắn mới áp dụng có một ngày đã phải gấp rút bãi bỏ, bởi cứ theo đó mà làm thì các đồng chí chưa kịp trốn hết đã bị chém sạch.
Vương Nụy Hổ được cách của Võ Tòng gợi ý, bèn nảy ra kế lạ, kêu bằng biện pháp ràng buộc: mỗi tổ bầu ra một tổ trưởng, mỗi tối trước khi ngủ, tổ trưởng phải trói gô các tổ viên lại. Kết quả là sáng hôm sau, các tổ đều vắng bà nó thằng tổ trưởng.
Tôn Nhị Nương bày ra một kế, là phong tỏa tài khoản: đóng băng toàn bộ lương thưởng, đợi qua tiết Trung Thu sẽ phát bù. Cách này thiệt là hay như hạch, thử nghĩ: anh em ra sức liều mạng chém giết mà chỉ được huê hồng có mười phần trăm, còn lại bao nhiêu giao nạp trung ương, tiền lương ba cọc ba đồng chưa đủ dắt răng, ai rảnh trông mong vào đó.
Lỗ Trí Thâm cũng hiến được một kế, là giết gà dọa khỉ: bắt được đứa đào ngũ thì bêu đầu thị chúng. Nhưng cũng là vô dụng, người ta đã cùng đường mạt lộ mới đâm đầu làm giặc cướp, tìm nẽo sinh trong cửa tử, quen thấy thây ma rồi, có đứt đầu bất quá cũng chỉ thêm vết thẹo trên cổ, hai mươi năm sau lại làm hảo hán, hỏi cái chết còn dọa được ai?
Nhìn thủ hạ vơi đi từng ngày, Tiều thiên vương và Tống đại ca nóng đã như hơ, miệng sùi bọt mép, nhưng đành vô kế khả thi …

1 nhận xét: