Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Đội cầu bát nhã



Đội cầu bát nhã
trích Việt Nam phong tục Phan Kế Bính:
Ở về các vùng nhà quê, thì chỉ dùng mấy thứ đồ minh tinh nhà táng, võng chủ, đèn biển sơ sài mà thôi, không mấy nhà trang hoàng như cách phố xá, nhưng lại có các vãi cầm phướn đi dưỡng dực đôi bên, tụng kinh niệm Phật, gọi là đi hộ phúc, có nhà sư ngồi xe bận áo cà sa, tay gõ mõ, miệng tụng kinh, để cầu nguyện cho linh hồn được về Tây phương cực lạc thế giới, các người qui Phật mà mất, thì các vãi lại đội cầu bát nhã để làm đường cho vong hồn đi sang Tây phương.
----
Nguồn FB Bùi Quang Anh Tú.

三牲 Tam sinh

三牲 Tam sinh.


Thời xưa khi tế tự sử dụng 3 con vật: Trâu (bò), Dê , Lợn để làm vật hi sinh (vật tế lễ). 

Trong sách Hiếu Kinh -Kỷ Hiếu hành- Khổng tử thuyết:
Tam giả bất trừ,tuy nhật dụng tam sinh chi dưỡng,do vi bất hiếu dã.

Ba cái ở đây đã nêu ở phần bên trên của sách là: Kiêu, loạn và tranh. Ba cái đó mà không trừ đi, thì dẫu ngày nào cũng hiếu dưỡng bằng tam sinh thì cũng như là bất hiếu vậy !

Đời thường thì lấy: Gà, Cá, Lợn làm tam sinh.

Trong bài mộ chí minh của Thái học bác sĩ Lí Quân - Hàn Dũ: ngũ cốc tam sinh,diêm ê quả sơ. nhân sở thường ngự。
------
PS: Trong ảnh minh họa là Cụ Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu đang tế lễ, có mâm tế tam sinh như hình tại một ngôi miếu thờ Khổng Tử.






Nguồn FB Bùi Quang Anh Tú.

Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung




Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung 

Xin mời các bạn đọc bài tản văn “Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp Kim Dung” của nhà văn kiêm ký giả Vương Trùng Dương. Tác giả của hai quyển biên khảo “Ngẫm Chuyện Nhân Sinh” và “Văn Nhân & Tình Sử.” 

Tác giả: Vương Trùng Dương 


Tặng Tiểu Muội NTHH 



Trong tiểu thuyết tình yêu vẫn là đề tài của muôn thuở, từ cổ chí kim và Đông sang Tây. Đọc bài viết Tình Yêu Trong Tiểu Thuyết của Nguyễn Thị Hải Hà đề cập đến lãnh vực nầy mà trước đây có nhiều bài viết về tác phẩm, tác giả nhưng NTHH dựa vào những tác phẩm nổi danh để ghi lại rất thú vị, tiêu biểu với các tác phẩm: Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind của Margaret Mitchell, 1936), Anna Karenina (Anna Karenina của Leo Tolstoi, 1877), Heathcliff trong Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights của Emily Bronté (1846), Chàng Gatsby Cao Thượng (The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald, 1925), Tình Yêu Trong Thời Dịch Tả (Love in the time of Cholera của Gabriel Garcia Marquez, 1985), Romeo và Juliet (Romeo and Juliet của William Shakespeare, 1597), Người Đọc (The Reader của Bernhard Schlink, 1997)… 

Một số tác phẩm ở trên được dựng thành phim và đã một thời ăn khách. 


Trong 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đã lấy những chữ đầu đặt thành hai câu đối: “Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc, Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên”


Phi Hồ Ngoại Truyện– Tuyết Sơn Phi Hồ– Liên Thành Quyết– Thiên Long Bát Bộ– Xạ Điêu Anh Hùng– Bạch Mã Khiếu Tây Phong– Lộc Đỉnh Ký.
Tiếu Ngạo Giang Hồ– Thư Kiếm Ân Cừu Lục– Thần Điêu Hiệp Lữ– Hiệp Khách Hành– Ỷ Thiên Đồ Long– Bích Huyết Kiếm– Uyên Ương Đao. Ngoài ra có đoản truyện Việt Nữ Kiếm. 

Đề cập đến tình yêu trong tác phẩm Kim Dung, không thể nào kể hết. Có các bài viết vễ lãnh vực nầy chỉ nêu tổng quát những nhân vật trong cuộc tình nhưng cũng chưa hết, cho thấy sự đa dạng trong toàn bộ tác phẩm. 

Trong mỗi tác phẩm võ hiệp của Kim Dung ngoài chưởng pháp, kiếm thuật, võ công… tình yêu vẫn là đề tài chính. Tình yêu trong thế giới võ lâm hòa hợp với thiên nhiên nên rất lãng mạn. Ngang trái tình yêu trong võ hiệp gay cấn, ly kỳ, cay đắng hơn tiểu thuyết tình cảm vì hận thù giữa chính và tà, hận thù môn phái, chủng tộc, hận thù bởi lời nguyền của sư phụ, chưởng môn… Khi tình yêu đến, vượt qua những hận thù đó phải trải qua bao thăng trầm, bất hạnh, có lúc phải chịu hình phạt, đọa đày, có lúc phải chấp nhận cái chết để bảo vệ tình yêu. 

Không thể nào liệt kê hết những cuộc tình trong toàn bộ tác phẩm của Kim Dung trong bài viết nên chỉ đề cập đến những mối tình tiêu biểu: Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh mới có phái Cổ Mộ dẫn đến cuộc tình đệ tử Dương Qua yêu sư phụ Tiểu Long Nữ. Mối tình đơn phương của gã si tình ngu ngốc Du Thản Chi với A Tử. Mối tình ngang trái về chủng tộc và cay đắng giữa Kiều Phong và A Châu. Mối tình giữa chánh và tà, giữa Hán và Mông Cổ như Vô Kỵ và Triệu Minh. Cuộc tình săn đuổi của cô gái đầy uy quyền trong tà giáo Nhậm Doanh Doanh với chàng trai lãng tử Lệnh Hồ Xung… 

Sự thống hận trong tình yêu biến con người trở thành ác độc, mất nhân tính để trả thù không những cho kẻ bội tình mà còn ảnh hưởng đến những nhân vật khác trong chốn võ lâm, cả trẻ con vô tội. Bởi hận thù sinh ra ác độc mà còn tranh ngôi vị tứ ác xếp theo thứ tự: Ác Quán Mãn Doanh (Đoàn Diên Khánh), Vô Ác Bất Tác (Diệp Nhị Nương), Hung Thần Ác Sát (Nam Hải Ngạc Thần), Cùng Hung Cực Ác (Vân Trung Hạc) trong Thiên Long Bát Bộ. 

Nói về si tình thì trong thế gian không có ai như Du Thản Chi (Thiên Long Bát Bộ). Thiên Long Bát Bộ đăng trên tờ Minh Báo ở Hồng Kông (9 năm 1963 đến tháng 5 năm 1966), khi in sách phần hai gọi là Lục Mạch Thần Kiếm) Du Thản Chi si mê A Tử. A Châu và A Tử, con gái lớn của Đoàn Chính Thuần và Nguyễn Tinh Trúc, A Châu tính tình hiền hậu đạo hạnh, A Tử thất lạc nên trở thành đệ tử của Đinh Xuân Thu phái Tinh Tú. A Tử bản tính tàn bạo và độc ác, thú tính nổi dậy khi tra tấn và làm nhục bất cứ ai xúc phạm mình. 

Vì quá si mê nên Du Thản Chi tình nguyện nô lệ tình yêu vì đó là lẽ sống, hoài bão của cuộc đời trong trường tình. Kiều Phong (Tiêu Phong) yêu A Châu nhưng khi nàng chết A Tử lại yêu Kiều Phong, tình yêu đơn phương không được đáp trả nên A Tử thống hận. A Tử dùng nhiều trò quái đản đối với Du Thản Chi, khiến chàng sống dở chết dở. A Tử ác độc biến chàng si tình làm trò mua vui, nàng biết kẻ mê muội nầy vì tình chấp nhận ngu ngốc để làm vừa lòng người yêu. Du Thản Chi chấp nhận mọi cực hình do nàng bày trò, dù bị đau đớn, sỉ nhục, hành hạ và hủy hoại thân xác lẫn tình thần mà chàng vẫn tưởng “thương cho roi cho vọt” đến nỗi khi A Tử cho người đem khuôn sắt nung chảy lên đầu Du Thản Chi, trở thành người mặt sắt nhưng chàng cũng cam chịu, thân tàn ma dại bò đến bên A Tử, nhìn gót chân hồng của nàng coi như niềm hạnh phúc. 

A Tử phản môn phái bị Đinh Xuân Thu làm cho bị mù đôi mắt. Du Thản Chi lại tự nguyện móc cặp mắt dâng hiến cho nàng nhìn được và chàng trở thành kẻ đui mù. A Tử chẳng động lòng trắc ẩn cho mối tình si, vẫn nặng lòng với Kiều Phong. Cuối cùng A Tử móc mắt trả lại Du Thản Chi, nàng ôm xác Kiều Phong nhảy xuống vực được chết với người mình yêu. 

Võ Lâm Ngũ Bá là tiền truyện của Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ. Xuất hiện 5 nhân vật có võ công cao cường nhất trong võ lâm cho năm phương hướng đông, tây, nam, bắc và trung tâm: Đông Tà (Hoàng Dược Sư), Tây Độc (Âu Dương Phong), Tây Độc (Âu Dương Phong), Nam Đế (Đoàn Trí Hưng, Hoàng Đế Đại Lý, Nhất Đăng Đại Sư), Bắc Cái (Hồng Thất Công và Trung Thần Thông (Vương Trùng Dương). 

Tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung kéo dài từ cuộc tình nầy đến cuộc tình khác từ sư tổ, sư phụ đến đệ tử, từ đời ông bà, cha mẹ đến đời con như trong “tam bộ khúc” Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Hiệp Lữ… 

Cuộc tình Vương Trùng Dương và Lâm Triều Anh. 

Vương Trùng Dương vì nghĩa lớn, hảo hán hành hiệp giang hồ, dựng cờ chống giặc Kim, lập nhiều chiến công nhưng quân Kim quá mạnh, nghĩa quân về sau đại bại, Vương Trùng Dương phẫn uất xuất gia, không màng thế sự nữa, tự xưng là Hoạt Tử Nhân, nghĩa là sống cũng như chết. Chấp nhận sống trong ngôi cổ mộ sau núi Chung Nam. 

Bằng hữu khuyên bảo tái xuất giang hồ nhưng Vương Trùng Dương bất chấp, kiên quyết không bước ra khỏi mộ. Tám năm sau, Lâm Triều Anh, đẹp, thông minh và giỏi võ công, nữ kình địch ngày trước của ông đến bên mộ, gây chuyện, chửi mắng, nhục mạ đối thủ suốt bảy ngày bảy đêm. Chịu hết nổi, ông liền ra giao đấu. Vừa bước ra khỏi mộ, nàng cười to: “Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, không được vào mộ nữa”. Hai người hóa thành bằng hữu, phiêu bạt giang hồ. Vương Trùng Dương tuy có tình cảm với Lâm Triều Anh nhưng vì sự nghiệp chống quân Kim nên “lửng lơ con cá vàng” không muốn kết hôn, từ yêu đến hận dẫn đến trận quyết đấu với nhau. 

Lâm Triều Anh thông minh, võ công tuyệt đỉnh, hai bên ngang ngửa nhau, bất phân thắng bại nhưng Vương Trùng Dương không muốn nàng trút hận tình phải sinh tử, nàng thắng trong cuộc đấu và giành quyền giữ ngôi cổ mộ. Trước khi đấu Lâm Triều Anh ra điều kiện: Nếu huynh thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, huynh phải nhường muội trú trong “hoạt tử nhân mộ”… Trước tình thế đó, Vương Trùng Dương buộc lòng phải thua vì không nỡ thấy nàng tự sát. 

Sau khi vào cổ mộ, Lâm Triều Anh lập ra phái Cổ Mộ, tìm hiểu thêm môn võ công mà Vương Trùng Dương khắc họa ở đây, rồi nghiền ngẫm sáng chế cách khắc chế môn võ công đó viết nên bộ Ngọc Nữ Tâm Kinh nhằm khắc chế toàn bộ võ công của Vương Trùng Dương và phái Toàn Chân. 

Môn võ công này đặc biệt trong cách luyện tập, phải hai người cùng luyện, hai người đó phải là nữ (nam và nữ luyện nhau cũng được nhưng bất tiện) vì khi luyện phải cởi bỏ hết quần áo. 

Lâm Triều Anh cho rằng hiệp nghĩa như Vương Trùng Dương mà vô tình bạc nghĩa thì mọi nam tử trên thế gian đều tệ như vậy cả… Lâm Triều Anh ra qui luật, đệ tử được truyền y bát, phải thề suốt đời sống trong cổ mộ, không được rời khỏi núi Chung Nam, nếu có nam tử cam tâm tình nguyện chết thay thì lời thề coi như được xóa bỏ. Có điều là không được cho nam tử biết trước điều đó. 

Với nam nhân trong tình yêu, khi muốn chia tay nên dùng khổ nhục kế để người tình khỏi oán hận. Du Thản Chi si tình nên dùng khỏ nhục kế để được gần người mình yêu còn Vương Trùng Dương cũng dùng khổ nhục kế để trốn người tình nhưng không thoát khỏi cái bẫy của tình nhân. 

Lâm Triều Anh không thu nhận đệ tử, chỉ có một a hoàn hầu cận, hai người khổ thủ ở trong nhà mộ, hơn mười năm không ra ngoài. Lâm Triều Anh truyền thụ tất cả võ công cho a hoàn. Nữ a hoàn đó thu nhận hai đệ tử là Lý Mạc Sầu và Tiểu Long Nữ.
Với lời thề của phái Cổ Mộ đã quy định, Lý Mạc Sầu xinh đẹp nhưng tàn độc, tính khí lạnh lùng, ích kỷ không dám thề nên sư phụ giao chức chưởng môn cho Tiểu Long Nữ và cho Mạc Sầu hạ sơn. Khi sư phụ qua đời, Lý Mạc Sầu xông vào Cổ Mộ, định đuổi sư muội ra ngoài nhưng trong Cổ Mộ cơ quan xảo diệu, biết lợi hại, đành rút lui. Chính Lý Mạc Sầu truyền tin đồn sư muội của mình xinh đẹp tuyệt trần, đang tỉ võ chiêu thân, ai lấy được nàng sẽ có được toàn bộ những thứ kì trân dị bảo và bí kíp võ công trong Cổ Mộ khiến cho nhiều nhân vật trong võ lâm ùn ùn kéo đến núi Chung Nam. 

Lý Mạc Sầu yêu say đắm Lục Triển Nguyên, bất chấp lễ giáo, chấp nhận mang tiếng phản đồ, tự nguyện dâng hiến nhưng sau đó Lục Triển Nguyên bội ước, từ yêu sang hận, nàng trở thành con người độc ác, gây thù oán trong võ lâm. Trở lại mối thù mười năm trước, Lý Mạc Sầu yêu cầu Lục Triển Nguyên giết chết vợ mình thì mọi hận thù sẽ được xóa bỏ. Không ngờ rằng hai vợ chồng Lục Triển Nguyên đã tự vẫn ngay sau đó. Cuối cùng Lý Mạc Sầu trúng độc hoa tình, không có thuốc giải. Đau đớn và tuyệt vọng, nàng tự tử trong đám cháy Tuyệt Tình Cốc. Cuộc tình nầy ít đề cập đến. 

Cuộc tình của Dương Qua (Dương Quá) và Tiểu Long Nữ được nhắc đến nhiều. 

Con trai duy nhất của Dương Khang, khi ra đời thì Dương Khang đã chết, Quách Tĩnh đặt tên là Dương Qua, nhờ sự bảo bọc và nuôi dạy của Mục Niệm Từ. Dương Qua là đệ tử nhập thất của Toàn Chân giáo, nhưng vì bất mãn với sư phụ Triệu Chí Kính lòng dạ hẹp hòi, chịu mọi giày vò hành hạ nên bỏ trốn, lạc vào Cổ Mộ, gặp được Tiểu Long Nữ và bái nàng làm sư phụ. Tiểu Long Nữ trẻ đẹp, lớn hơn Dương Qua vài tuổi, nên Dương Qua gọi Tiểu Long Nữ là cô cô. Dương Qua được dạy cho các võ công của phái Cổ Mộ. Dương Quá dung mạo tuấn tú nên dễ dàng cuốn hút Tiểu Long Nữ. Sống trong cổ mộ, lửa gần rơm, ngọn lửa tình bốc cháy. Mối tình sư đồ giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ gây nên dị nghị trong chốn giang hồ vì nó đi ngược lại đạo nghĩa sư đồ truyền thống, nhưng Dương Quá không những một mực mặc kệ mà còn ngày càng yêu Tiểu Long Nữ hơn và quyết lấy cô cô làm vợ, bất chấp thị phi (Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng nhẹ nhàng hơn cuộc tình cô yêu trò). 

Cô cô vá Quá nhi (Tiểu Long Nữ thường gọi) tưởng chừng êm thắm trong cổ mộ nhưng lời loan truyền ác ý của Lý Mạc Sầu như đã nhắc ở trên nên nơi nầy trở thành chốn gió tanh mưa máu. 

Tiểu Long Nữ bị Âu Dương Phong điểm huyệt không cử động được. Lợi dụng lúc Tiểu Long Nữ thoát y luyện võ công, Doãn Chí Bình chợt thấy, điểm huyệt, bịt mắt rồi hãm hiếp Tiểu Long Nữ rồi trốn đi, nhưng nàng lúc đó nửa tỉnh nửa mê, cứ nghĩ là Dương Qua. Dương Qua lúc đầu chẳng biết nội tình xảy ra, không chịu nhận Tiểu Long Nữ làm vợ vì biết đó là việc làm trái với đạo nghĩa giang hồ. Tiểu Long Nữ tức giận và bỏ đi. Khưu Xứ Cơ là đạo sĩ chuyên hành hiệp trượng nghĩa, cao thủ bậc nhất trong Toàn Chân thất tử của Vương Trùng Dương. Đệ tử của Khưu Xứ Cơ là Triệu Chí Kinh. Doãn Chí Bình quá tin sư huynh Triệu Chí Kính nên bị hãm hại. Hai đạo sĩ nầy thuộc phái Toàn Chân nhưng thuộc loại thổ tả, Doãn Chí Bình say mê Tiểu Long Nữ nhưng bị nàng không màng đến nên bày trò bỉ ổi. 

Khi xa cô cô, Dương Qua lặn lội khắp chốn giang hồ để mong gặp người tình nhưng kéo dài đến 16 năm. Khi Dương Qua trở thành cao thủ võ lâm, sau khi làm xong đại sự, trở về Tuyệt Tình Cốc chờ Tiểu Long Nữ. Đến kỳ hạn 16 năm, không thấy bóng dáng Tiểu Long Nữ, chàng liền nhảy xuống Đoạn Trường Nhai tự vẫn. Tình cờ thay ở dưới đáy Tuyệt Tình Cốc có một sơn động mà Tiểu Long Nữ đã sống ở đó 16 năm. Dương Qua gặp lại Tiểu Long Nữ, hai người leo lên và trở về thành Tương Dương. Chàng và nàng cùng đồng đạo võ lâm chống giặc, xả thân vì nước. Đây là một trong những mối tình đẹp nhất trong chốn võ lâm. 

Cuộc tình cao cả và bi thương nhất được nhắc nhiều là Kiều Phong và A Châu. Kiều Phong tức Tiêu Phong, gốc Khiết Đan, nước Liêu, trong cuộc xung đột ở Nhạn Môn Quan, cậu bé sống sót sau được Huyền Khổ đại sư cùa Thiếu Lâm đưa về Trung Nguyên, nhận làm đệ tử và được truyền thụ võ công, lớn lên tưởng mình là người Hán. Sau khi Uông Kiếm Thông qua đời Kiều Phong trở thành bang chủ Cái Bang. Trong đại hội Bách Hoa của Cái Bang, Khang Mẫn (vợ của phó bang chủ Mã Đại Nguyên vừa qua đời với cái chết bí ẩn). Khang Mẫn lẳng lơ, đa tình, từng là nhân tình của Đoàn Chính Thuần và Bạch Thế Kính (chấp pháp trưởng lão Cái Bang) tự hào với nhan sắc của mình, liếc mắt đưa tình nhưng Kiều Phong chỉ nhìn thoáng qua. Khang Mẫn sinh hận thù rồi toa rập với tình nhân phanh phui thân thế Kiều Phong còn vu oan tội bất trung, bất hiếu, bất nhân bất nghĩa. Kiều Phong trở thành nạn nhân của võ lâm Trung Nguyên. 

Trước đó, Du Thản Chi là thiếu trang chủ Tụ Hiền Trang, chủ nhân Tụ Hiền Trang tổ chức cuộc hội họp quần hùng võ lâm chính tà, hắc bạch để lên án Kiều Phong và tìm cách tru diệt Kiều Phong. Kiều Phong đột phá Tụ Hiền Trang nên Du Thản Chi lúc đó tuổi còn vị thành niên tìm cách báo thù cho gia đình. Du Thản Chi rơi vào tay người Khiết Đan và khi cơ hội đến, ám toán Kiều Phong nhưng Kiều Phong cao thượng tha chết nhưng A Tử, lại giở trò độc ác ma mãnh bắt y làm trò chơi. 

Khi Kiều Phong làm bang chủ thứ 8 của Cái Bang, nhân vụ Khang Mẫn, cơ hội cho Du Thản Chi tìm mọi thủ đoạn để loại bỏ đối thủ và trở thành bang chủ thứ 9 nhưng chỉ được thời gian ngắn. 

Ngược hẳn với A Tử bản chất ngang ngược, A Châu tính tình hiền hậu, trong sáng nên khi gặp Kiều Phong đã có thiện cảm với nhau rồi đưa đến tình yêu. Trong lúc đôi tình nhân nầy êm đẹp thì bị tung tin giả “đại ca thủ lãnh” sát hại vụ án năm xưa nên Kiều Phong nghi ngờ Đoàn Chính Thuần – cha của A Châu – hẹn Đoàn Chính Thuần ra quyết đấu. Qua bao năm thất lạc, khi A Châu gặp Đoàn Chính Thuần thì mới biết đó là cha ruột của mình. A Châu nặng tình với người yêu, nghĩ rằng đối đầu với Đoàn Chính Thuần với Nhất Dương Chỉ chỉ có Dịch Cân Kinh mới có thể khắc chế, nàng tặng Kiều Phong bí kiếp Dịch Cân Kinh nàng đã đánh trộm ở Thiếu Lâm. Nhưng để cứu cha, A Châu giả vờ ngủ say để Kiều Phong đi trước, rồi sau đó cải trang thành Đoàn Chính Thuần và lẻn ra bãi đấu, nào ngờ khi Kiều Phong tung chưởng, nàng ngã gục. Kiều Phong đến xác đối thủ thì đó là người yêu. Kiều Phong vô cùng hối hận và nhận lời chăm sóc A Tử theo lời trăn trối của A Châu. Kiều Phong nhận lời và nguyện sau khi trả thù cha mẹ xong sẽ tự vẫn để được nằm lại bên nàng. Thế nhưng người cùng chết với Kiều Phong là A Tử. 

Cuộc tình ngang trái về chủng tộc và đẹp giữa Vô Kỵ và Triệu Minh (Triệu Mẫn) trong Cô Gái Đồ Long đã một thời làm độc giả say mê trước năm 1975, nhật báo bán chạy như tôm tươi. 

Trương Thúy Sơn (Võ Đang, chánh phái) yêu Hân Tố Tố (con gái của Bạch Mi Ưng Vương, tà giáo) sinh ra Trương Vô Kỵ trên băng hỏa đảo. Nơi nầy, khi cha mẹ chết, Vô Kỵ nhận nghĩa phụ là Tạ Tốn (Kim Mao Sư Vương), tà giáo, gây bao tội ác trong chốn võ lâm. 

Cuộc đời của Vô Kỵ trải qua muôn ngàn đắng cay, từ nhỏ đã mồ côi, nghĩa phụ mù đôi mắt. Khi vào Trung Nguyên bị trúng Huyền Minh thần chưởng, sống dở chết dở. Trở về cội nguồn cũng mang tiếng là con của kẻ phản đồ, nhờ sự độ lượng của giáo chủ Võ Đang Trương Tam Phong tìm mọi cách cứu chữa nhưng không thể nào giải hết được chất độc trong người. Giang hồ võ lâm muốn lợi dụng Vô Kỵ để tìm tông tích Tạ Tốn, người giữ Đào Long Đao. 

Vô Kỵ được Thường Ngộ Xuân dẫn đến Hồ Điệp cốc để gặp thần y Hồ Thanh Ngưu để chữa hàn độc trong người nhưng không thoát khỏi, lại bị cha con Chu Trường Linh lừa gạt, phát hiện ra âm mưu, bỏ trốn rơi xuống vực thẳm, vô tình luyện được Cửu Dương Chân Kinh lấy được trong bụng con bạch hầu và hàn độc của Huyền Minh thần chưởng cũng tiêu tan. 

Vô Kỵ là gặp Triệu Minh, quận chúa Mông Cổ, trong tình thế rào cản đối nghịch nhau nhưng tình yêu ngày càng sâu đậm dù trải qua bao nhiêu khó khăn sóng gió. Triệu Minh xinh đẹp, thông minh, tinh nghịch nhưng si tình. 

Vô Kỵ có số đào hoa, được các bóng hồng như Chu Chỉ Nhược. Hân Ly (Thù Nhi), Tiểu Siêu… thương yêu hết mình nhưng rồi chỉ yêu Triệu Minh. Chu Chỉ Nhược đẹp thông minh, đầy tham vọng và khi yêu Vô Kỵ thì muốn độc quyền nên máu ghen nổi lên, phá đám khi Vô Kỵ gặp Triệu Minh. Là đệ tử của phái Nga My, bị sư phụ là Diệt Tuyệt sư thái bắt thề độc cấm giao du với Vô Kỵ nhưng tình yêu bất chấp lời thề. Đám cưới Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược đang diễn ra thì Triệu Minh phá đám nên bất thành. 

Triệu Minh, con gái Nhữ Nam Vương thuộc loại “lá ngọc cành vàng” của Mông Cổ nhưng thích phiêu lưu vào chốn võ lâm, vướng cuộc tình đã hy sinh rất nhiều cho Trương Vô Kỵ, luôn ở bên cạnh Trương Vô Kỵ khi chàng gặp khó khăn, đau khổ. Cuối cùng, Trương Vô Kỵ không thể phủ nhận mình yêu cô gái này. Chuyện tình của họ rất lãng mạn, nhưng cũng rắc rối không ít. Giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ và Quận chúa Nhữ Dương Vương Triệu Minh hạnh phúc với nhau đến trọn đời. 

Trong quyển Vô Kỵ Giữa Chúng Ta của Đỗ Long Vân trước năm 1975, viết khá hấp dẫn về nhân vật Vô Kỵ và cuộc tình nầy. 

Trong quyển Tiếu Ngạo Giang Hồ cũng là khúc “cầm tiêu hợp tấu” cho tác phẩm. 

Nhậm Doanh Doanh con gái ruột của Nhậm Ngã Hành nguyên là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo và Tuyết Tâm, vì mải mê luyện hấp tinh đại pháp nên bị phó giáo chủ là Đông Phương Bất Bại lén ám toán, giam giữ trong thiết lao dưới đáy Tây Hồ. Để che mắt giáo chúng, Đông Phương Bất Bại đã chăm sóc tử tế và cho tái xuất giang hồ. Nhậm Doanh Doang xinh đẹp tuyệt trần, võ công cao cường và am hiểu âm nhạc, nhân vật bí ẩn làm say mê độc giả. 

Xuất hiện dưới danh nghĩa “cô cô” của ông già Lục Trúc Ông, Vì Lục Trúc Ông gọi Doanh Doanh là cô cô nên ban đầu Lệnh Hồ Xung nhầm tưởng là bà lão. Cô cô dùng đàn cầm chữa trị nội thương cho Lệnh Hồ Xung. 

Lệnh Hồ Xung thổ lộ tâm sự thầm kín về tình yêu với tiểu muội Nhạc Linh San – con gái chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần – bị hàm oan và bi kịch xảy ra khi rời Hoa Sơn. Doanh Doanh cảm tình với Lệnh Hồ Xung từ đó và thầm ước mong cùng chàng cầm tiêu hợp tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ. Sau khi Lệnh Hồ Xung lang thang giang hồ với tấm thân bệnh tật không ai có thể cứu được, Doanh Doanh trở thành Thánh Cô âm thầm theo dõi để giúp đỡ. Thánh Cô có quyết định kỳ quặc cho thuộc hạ ma giáo trên dưới, nếu gặp Lệnh Hồ Xung ở đâu là phải ngay lập tức giết chết, mục đích muốn chiếm độc quyền tình nhân để Lệnh Hồ Xung luôn ở bên cạnh cho nàng chăm sóc, bảo vệ. 

Nhậm Doanh Doanh luôn luôn bám sát Lệnh Hồ Xung, còn thay mặt chàng cao thượng cứu Nhạc Linh San, bắt Nhạc Bất Quần uống tam thi não thần đan. 

Lệnh Hồ Xung chỉ có hình bóng tiểu muội tiểu sự muội, nên ban đầu không yêu Doanh Doanh nhưng sau đó vì cảm kích, ân nghĩa dần dần theo tháng năm cùng trải qua bao sóng gió và sự hy sinh của nàng biến đổi thành tình yêu. 

Doanh Doanh đối với Lệnh Hồ Xung không đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà còn là người tri kỷ, người thấu hiểu Lệnh Hồ Xung hơn ai hết. Sau khi Doanh Doanh lên làm giáo chủ, trở lại giảng hòa với các môn phái, đem lại an bình trong chốn võ lâm, rồi truyền chức giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo cho Hướng Vấn Thiên, nàng cùng Lệnh Hồ Xung kết duyên chồng vợ. Ngao du sơn thủy với khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ. 

Những nhân vật trong cuộc tình nêu trên có hoàn cảnh khác nhau, hầu hết dưới nhãn quan của Kim Dung theo quan niệm Phật Giáo, ở hiền gặp lành, ở ác lãnh hậu quả xấu nên trong tình yêu cũng vậy. Kết cuộc cuộc tình của cô gái hiền A Châu quá bi thương, không được mộng ước với Kiều Phong xa chốn võ lâm xô bồ để cùng sống bên nhau nơi thảo nguyên để cho cô em A Tử ác độc yêu Kiều Phong không được nên cùng chết với nhau, yên nghỉ nơi thế giới khác, nói lên khát vọng của tình yêu. Đó cũng là dụng ý của Kim Dung khi xây dựng cốt truyện. 

Tình yêu không ngang trái, đắng cay thì không nhận diện được sự cao cả, vị ngọt của tình yêu. 

Vương Trùng Dương 


Little Saigon, 12, 2018 

P.S: Khoảng mười năm trước, mỗi khi nhận được Thư Quán Bản Thảo của người bạn Trần Hoài Thư, đọc các bài viết của Nguyễn Thị Hải Hà đề cập về tác phẩm tiếng Anh rất thú vị và được biết đều ở New Jersey. Tôi xin email để liên lạc. Lúc đó tôi đảm nhận nguyệt san văn học nghệ thuật Tân Văn và được NTHH đóng góp bài vở. Cùng lúc tôi cũng phụ trách nội dung và layout section B cho tờ nhật báo, với 7 số trong tuần nên mỗi ngày có chủ đề như Đời Sống, Phụ Nữ, Văn Học Nghệ Thuật… NTHH đã đóng góp bài viết ngắn như Chuyện Bâng Quơ sau nầy. 

Theo phép lịch sự xã giao, khi nhận được bài, phải viết đôi dòng, lúc đầu thì xưng tôi và cô… Khi trang báo còn trống tôi đem chuyện võ hiệp tán hưu tán vượn. Không biết người đọc có thích chuyện võ hiệp thế nào rồi gọi Đại Ca và Tiểu Muội, tán gẫu cũng thân thiện.
Khoảng 5 năm sau hai tờ nầy không còn nữa, email của tôi bị hacker phá, không liên lạc được với nhau. Gần đây nhờ nhịp cầu facebook Đại Ca mới biết Tiểu Muội. 

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Ngón chân Giao Chỉ.

Tôi đã viết một bài về Ngón chân Giao Chỉ. Thấy các hình ảnh trên FB, đăng lại để các bạn cùng bình luận.


Bạn Lí Học viết.
Giao Chỉ, chân Giao Chỉ là vấn đề cần tìm hiểu thêm. Chân Giao Chỉ bị choãi ra là do gene di truyền hay do một nguyên nhân nào đó phát sinh từ cuộc sống.
Câu hỏi đặt ra là nếu di truyền thì tại sao ngày nay không thấy hoặc quá hiếm hoi bàn chân Giao Chỉ ở người Việt hiện đại?














-------
Họa sĩ Lê Bá Đảng với tác phẩm Ngón chân Giao Chỉ - hình ảnh cội nguồn.



Cõi Dục




Dục chính là loạt tác phẩm ông vẽ bằng mực nho rất giản đơn nhưng đã diễn đạt thần thái của sự rung cảm trong niềm hoan phúc của các đối tượng đang thực hiện sứ mệnh duy trì nòi giống của tạo hóa.




Cõi Dục trong tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng

Hồn tranh Lê Bá Đảng gọi về cõi giao hoan như một cuộc gặp gỡ nguyên thủy.

Họa sĩ tìm ra một cõi dục, với những dục ảnh, dục tình trong toàn bộ đời sống thiên nhiên tác hợp với con người.

Ông đi từ bối cảnh toàn thể vũ trụ để rẽ về thân xác. Từ thân xác, mổ xẻ những tế bào, những bắp cơ, những mạch tuyến... để khám phá động tác dục tình. Đối với Lê Bá Đảng, động dục chỉ là một cớ để họa sĩ tạo ra những phức hợp thần bí của đường nét. Dục động ở đây là sự giao hoan phong thủy giữa đài hoa và nhụy hoa, giữa phấn và noãn, giữa thần linh và ác quỷ, giữa đường nét và màu sắc, giữa chữ và nghĩa, giữa gió và mưa... Vị trí giao hoan thay đổi không ngừng như những hoàn cảnh, những thế đứng, thế ngồi, của các đường cong, đường thẳng, trên thân thể và trong cuộc sống ... đồng thời cũng là cuộc lạc hoan của những ý niệm, của mình với chính mình, giữa con người và vật thể, con người và thú tính, con người với bóng mình, con người với những giấc mơ.



Lạc hoan ở đây là sự tìm kiếm mà thân xác là một đối tượng nằm trong trời đất. Thân xác là cái đẹp thuần túy mà người nghệ sĩ muốn thể hiện trong tranh, trong tượng, trong những bức tranh-tượng hữu hình vô thể.



Xem tranh Lê Bá Đảng là tìm hồn và xác của cái Đẹp. Khi bạn thấy một bóng, một dáng, một dạng, một mảng ... người chen lẫn trong nước, trong trời, trong núi, trong mưa, trong mây, trong cây, trong lá... ấy là bạn đã thấy được "hồn" tranh; bởi dường như họa sĩ đã đem chủ thể hồn mình giấu trong cỏ, cây, mây, nước, dưới những đường nét bí mật của một tha nhân khách thể ngoài mình. Và sự kết hợp tâm-thân giữa hai thực thể cái-tôi và cái-khác-tôi, chính là cuộc giao hoan thầm kín và thăng hoa nhất giữa tình yêu và nghệ thuật, tạo nên Cõi Dục Lê Bá Đảng, như sự nhân hóa cảnh vật trong tâm hồn nghệ sĩ, ở mức độ sâu nhất: thân thể hóa vũ trụ trong cuộc giao hoan nguyên thủy.














Thân xác là con người. Tôi là thân xác tôi như Nietzsche xác nhận. Mục đích của nghệ sĩ là tìm hiểu mọi hiện tượng mà hiện tượng người là mục đích tối thượng. Hiện tượng người lại nằm trong thân xác. Bởi vậy nghệ sĩ đã đặt Thân Xác lên địa hạt Thần Linh. Một vị thần linh mà tư tưởng không ngừng khai phá, một đối tượng mà đồng tử tìm mọi khía cạnh để chiếu ánh nghệ thuật.


















Hành động thâm sâu và thầm kín nhất của thân xác là giao hoan, một hành cử, hành ngữ tuyệt vời phát xuất từ tình yêu, nhưng cũng lại là một khu rừng cấm bởi bao nhiêu đạo đức, tôn giáo. Phá giới, người nghệ sĩ muốn đặt hoan giao lên đài vẽ, như một hiện tượng đích thực và chính yếu của thân xác, nghệ sĩ phá mọi hàng rào đạo đức xã hội để tìm đến hiện tượng cơ bản của con người trong trạng thái nguyên sơ, khi Adam và Eve nếm trái cấm lần đầu, và con mắt voyeur của Thượng Đế chưa kịp truy lùng sục sạo để cản ngăn và hành tội.








































Bài viết. Thụy Khuê
----------------------