Đây! 'Bên kia sông Đuống' (tên chữ là sông Thiên Đức) |
Đến
nhà cháu, vợ nó, cũng là học trò, vừa sinh một ‘táo tầu’ kháu khỉnh. Nhìn vợ chồng nó, mặt dáng 'táo tầu', mồm thì 'hơn hớn'. Ông khen: Cháu ông, đúng là chân Giao Chỉ. Chúng thảng thốt: Làm sao ‘hử’ ông? Thì con dòng cháu giống
chứ sao. Cháu dâu vẫn nghệt mặt ra.
- Người Giao Chỉ, ngón chân cái toạc ra, chỉ vào nhau. Còn da nó ngăm đẹp ‘dư lày’ là di
truyền của họ Phạm nhà mình đó. Các cụ xưa ở Thanh Hà, đất đồng chiêm, bãi mạc,
chăn vịt, mò cua bắt ốc, ở trần phơi nắng nên trắng sao được. Cụ tổ sang Kim Thành lập
đất từ đận năm 938 đến nay, bây giờ mặt con cháu vẫn ngăm ngăm duyên... Mừng, thật mừng! Đúng là cháu
nhà mình rồi, giổng cả lông lẫn cánh.
Vợ chồng nó cười hì hì nói: Ông, chỉ…
(Đùa vui chúng nó, đứa trẻ nào chả là người Giao Chỉ, kể cả chân...)
(Đùa vui chúng nó, đứa trẻ nào chả là người Giao Chỉ, kể cả chân...)
Ngón chân Giao Chỉ |
Một
lần, trong giờ chào cờ đầu tuần, giải thích vui cho học sinh: Sao bây
giờ, ít thấy người Việt mình có ngón chân Giao Chỉ.
- À, hừ…! Người Việt cổ,
trèo cây hái lượm, sau này canh tác lúa nước, nên chăng, ngón chân có thể coi
là một biến dị lại tổ (variation atavique) và di truyền cho hậu thế. Khác với
người châu Âu, săn bắn và ăn thịt, người Việt chủ yếu ăn cơm, rau và cá.
Còn, thầy
trò ta bây giờ, dép thường xuyên, thậm chí giầy đinh khủng, không phải bấm chân ngõ lội ngày mưa (văn thơ một
chút), không cuốc đồng lội bãi, nên ngón chân bó lại. Thầy nghĩ, sau này, ngón
chân không dùng để trèo cây, lội ruộng, chắc hậu sinh không còn ngón nữa, bàn
chân trắng thuôn, trụi mềm như cái bánh mì chưa nướng.
Cũng vì cái lợi thế của ngón chân để bấm
bám đó mà ta thấy ngoài quán, có trai tân hay ngồi xổm, vắt vẻo trên ghế, uống
rượu, đầu gối quá tai. Khoa xem tướng nhận định rằng những người đầu gối quá
tai (tư thế ngồi xổm) là tướng bần hàn suốt đời.
Nhớ nhé … Vâng !!! (dạ ran cả sân trường)
Ừ…! Còn ngón tay Giao
Chỉ, thì không. Nhưng, các trò cứ nhắn
tin, mổ nhoay nghoáy như ‘vầy’ (làm điệu bộ), ra quán ‘chát’ múa may ‘leo mạng’,
mai sau đầu thì nhỏ mà ngón tay dài như của mụ phù thủy trong câu truyện Nàng
tiên cá (Andersen) đó.
Khu vực thành Luy Lâu xưa |
Tháng Hai, về Kinh Bắc,
vùng Luy Lâu xưa (đất Giao Chỉ), thăm đền thờ và lăng Sỹ Vương, bên kia sông Đuống.
1. Giao Chỉ, nguyên là tên gọi của một
bộ trong số 15 bộ của nước Văn Lang. Sau nhiều biến động từ nhà Triệu tới
nhà Hán. Năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán đô hộ, chia Âu Lạc thành Giao
Chỉ và Cửu Chân. Thời Hán mạt và Tam Quốc, thái thú Giao Chỉ là Sỹ Nhiếp.
Vết chân giao chỉ bên hữu ngạn sông Lô |
Giao Chỉ còn được dùng
để gọi người Việt cổ. Chữ Giao ( 交 ) nghĩa là giao nhau, qua lại, kết hợp
với nhau. Riêng chữ Chỉ không được chép và lý giải thống nhất.
Có sách viết Chỉ 阯 (bộ phụ), có sách 趾 (bộ túc). Cụ Nguyễn
Văn Tố cho rằng kiểu nào cũng được, Chỉ có 4 nghĩa:
- Cùng nghĩa với "cước" là
chân.
- Nghĩa là "cước chỉ", tức
ngón chân.
- Nghĩa là "tông tích", tức
dấu tích.
- Thông nghĩa với chữ Chỉ có bộ thổ 址,
nghĩa là cái nền, nền móng, như "cơ chỉ", "trụ chỉ"
Từ đó, chữ Giao Chỉ cũng được hiểu theo nhiều cách.
Giao Chỉ là người Nam
di (rợ), ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao
vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (Chỉ là ngón chân cái).
Tên Giao Chỉ là hợp
vào nghĩa "đối trụ", cách của dân phương Bắc gọi phương Nam. "Đối
trụ" là chỉ người phía Nam, phía Bắc đối nhau, "lân trụ" là phía
Đông, phía Tây liền nhau.
Các nhà sử học Việt
Nam kể từ Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng, Trần Trọng Kim, Đào
Duy Anh,... đều theo cách giải thích thứ hai này.
Năm 1868, bác sĩ
Thorel trong đoàn thám hiểm của Doudart de Lagrée nhận xét hiện tượng hai
ngón chân cái giao nhau là "một đặc điểm của giống người An Nam". Sau
này các học giả Pháp khác cũng ghi nhận điều này.
Hiện tượng hai ngón
chân cái trẹo ra ngoài để có tư thế giao nhau khi hai bàn chân đặt song song gần
nhau được gặp không chỉ ở các dân tộc Đông Dương mà còn ở các dân tộc
khác như người Mã Lai, Xiêm, Trung Hoa, Ả Rập, Melanesia và
người da đen, chỉ khác nhau ở mức độ. Nhưng hiện tượng này rất hiếm gặp ở người
châu Âu.
Bổ sung: Giao trong Giao Chỉ (bộ Đầu), và Giao (thuồng luồng) trong Giao Long (bộ Trùng) xưa là chữ phổ biến, có dính dáng đến nhau. Chữ Chỉ khi thì chép Chỉ là "nền đất, chỗ ở", khi thì viết Chỉ là "ngón chân", khi thì chép Chỉ là "đất chân núi". Và ngày xưa người Giao Chỉ tự cho mình thuộc giòng giống Giao Long (với tục xăm mình), cho nên người Hán mới gọi họ là người "nòi Giao long", và vùng đất của họ là Giao Chỉ (đất của người Giao long). (Phạm Ngọc Hiệp)
2. Sỹ Vương.
Tam quan đền Sỹ Vương |
Sĩ Nhiếp ( 士燮 ) (137-226) là thái thú cai trị đất Giao Chỉ, từ
năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc). Luy Lâu
của Giao Chỉ chưa khi nào gọi là kinh đô, nhưng dân Đại Việt thời Luy Lâu tất
thảy đều gọi Sĩ Nhiếp là vua và chính sử sau này của nước nhà đều tự tin biên
chữ Sĩ Vương vào kim sách! Năm Bính Ngọ (226), Sĩ Nhiếp mất, thọ 90 tuổi. Nhà
Trần truy phong Sĩ Nhiếp làm Thiên Cảm Gia Ứng Vũ Đại Vương, đền thờ và lăng mộ ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận
Thành, Bắc Ninh. Những phế tích quanh thành Luy Lâu, những làng đúc đồng, canh
cửi, làng chuyên chế ra thứ mực viết, làng tranh Đông Hồ, làng hát cô đầu, chùa Bình An (Sĩ Nhiếp dựng để bình văn) Chùa Định (dựng để định giá cao thấp) những
Gò Nghiên Gò Bút vv.. vẫn còn mãi với thời gian.
Bên tam quan đền thờ |
Ngước lên mái tam quan
vòi vọi của đền Sĩ NhiếP (dựng sau này dưới thời nhà Mạc) cảm thán rằng, dân
mình là công bằng lắm. Gần 2000 năm như thế, nào dám đơn sai xô lệch…
Chữ đề trong lăng Sỹ Vương |
Án thờ và phần mộ Sỹ Vương |
Con cừu đá nằm bên lăng Sỹ Vương |
Con cừu đá nằm trấn giữ
trước Lăng Sĩ Vương... Con cừu đá được tạc cách đây hơn 1700 năm. Tạc vào cái
thời thịnh trị thái bình của Luy Lâu.
Nhân sĩ từ Ngô, Thục,
Ngụy về Giao Chỉ lánh nạn, còn có cao tăng Ấn Độ đến Giao Chỉ, đến Luy Lâu để
thuyết pháp lẫn xây chùa, bên cạnh những tứ linh long, ly, quy phượng phương
Đông, bèn cho tạc đôi cừu này, cũng có thể để ghi nhớ công ơn che chở, tạo điều kiện cho họ hành nghề của
Sĩ Vương.
Cừu đá chùa Dâu, dưới chân tháp Hòa Phong |
Mãi đến bây giờ, người
ta vẫn không rõ tại sao đôi cừu ấy, một chầu ở Lăng Sĩ Nhiếp, một lại chầu
ở Chùa Dâu cách đó khá xa (có vết chém ngang lưng). Mà Chùa Dâu dân lập để thờ
con trai Sĩ Nhiếp (thương thay do không tiếp tục được chính sách ngoại giao mềm
dẻo của cha, Sỹ Huy bị Đông Ngô lừa giết mang thủ cấp về Kinh Châu. Chùa
Dâu thờ vị quan cụt đầu là thế).
Đường vào đền thờ và lăng |
Cây gạo trước tam quan |
Một nghìn mấy trăm năm
cứ sừng sững trong dân Luy Lâu, trong dân Thuận Thành Bắc Ninh ngôi đền thiêng
như thế! Hư đâu sửa đó, hương khói tứ mùa.
Tiết Giêng Hai về Kinh Bắc, thăm lại Luy Lâu xưa, qua đền thờ
vị tổ sự học của nước Nam ta lại chẳng sướng sao?
GS Trần Quốc Vượng nói:
Thời ấy xưng vua không khó. Hùng cứ làm vua đất Giao Chỉ trong khi cục diện
phương Bắc nát bét là việc dễ. Nhưng Sĩ Nhiếp không làm thế. Ông bằng lòng, lặng
lẽ với chức quan thái thú, chăm chỉ với những chính sách nông tang mở mang
ngành nghề lẫn mở mang sự học cho dân Đại Việt.
Nghĩ về công lao của Sỹ
Vương, đó như một TẤT YẾU TẤT NHIÊN của LỊCH SỬ VIỆT NAM! Có câu “Bất tương
thành bại luận anh hùng”, nghĩa là “luận anh hùng, chớ kể hơn thua!”. Mặc dù
có truyền thống lấy tên những người xưa được coi là có công với nước đặt cho
tên các đường phố…, nhưng Việt Nam hiện giờ, không có địa danh nào mang
tên Sĩ Nhiếp.
Cả một vùng phương Nam
trải dàì, đất đai Nam bộ phì nhiêu mầu mỡ mà con người thì phóng khoáng và hiên
hậu, có được, là công nhà Nguyễn đó. Nói như GS Trần Quốc Vượng: Kính xin quý vị Sử gia – tạm / gượng gọi là
“đồng nghiệp” của tôi bơn bớt việc “chửi bới” nhà Nguyễn – đời Nguyễn – bắt đầu
từ Gia Long – đi cho tôi và dân chúng nhờ…
*****
Chùa Bình Văn |
Chùa Bình An (Bình Văn) thuộc thôn Khương Tự, xã
Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tình Bắc Ninh. Chùa nằm trong quần thể di tích
tổ đình Phật giáo Việt Nam. Phía đông là chùa Dâu, chùa Tổ, phía tây là chùa
Dàn, phía bắc có chùa Tướng, phía nam có chùa Đậu. Tương truyền 5 chùa trên nằm
ở đầu năm con rồng và các con rồng ấy đều quy tụ về chùa Bình An, nơi có viên
ngọc tụ linh khí đế vương. Người dân vùng tin rằng, chùa linh thiêng đặc biệt về
học hành. Vậy nên mỗi mùa thi cử, người dân tấp nập đến đây cầu xin.
Một bài viết hay về lịch sử, trong tình hình học sinh cấp 3 xé đề cương sử, khi Bộ GD thông báo không thi tốt nghiệp PT môn sử (không thi do... bốc thăm), giống như bốc thăm trúng thưởng trong liên hoan, đám cưới... bạn VanPham có nhắc đến Giao Chỉ, Luy Lâu (một trung tâm Phật giáo xưa ở Bắc Ninh).
Trả lờiXóaỞ đây tôi chỉ thêm chút tư liệu về tên Giao Chỉ:
Có mấy thuyết hiểu về chữ Giao Chỉ, phổ biến là 2 ngón chân cái giao nhau khi đặt 2 bàn chân song song, như bạn đã nói bên trên. Tuy nhiên theo Đào Duy Anh, trong sách "Lịch sử cổ đại VN". Cái "tật giao chỉ" có ở nhiều chủng tộc khác, tại nhiều nơi chứ không riêng gì tại Giao Chỉ xưa, và đấy chỉ là "tật" ở một số ít người chứ không phổ biến. Đào Duy Anh đã giải thích theo hướng khác.
Giao trong Giao Chỉ (bộ Đầu), và Giao (thuồng luồng) trong Giao Long (bộ Trùng) xưa là chữ phổ biến, có dính dáng đến nhau. Chữ Chỉ khi thì chép Chỉ là "nền đất, chỗ ở", khi thì viết Chỉ là "ngón chân", khi thì chép Chỉ là "đất chân núi". Và ngày xưa người Giao Chỉ tự cho mình thuộc giòng giống Giao Long (với tục xăm mình), cho nên người Hán mới gọi họ là người "nòi Giao long", và vùng đất của họ là Giao Chỉ (đất của người Giao long).
Đây chỉ là tư liệu bổ túc thêm thôi.
Đồng ý với Bác: Cái "tật giao chỉ" có ở nhiều chủng tộc khác, tại nhiều nơi chứ không riêng gì tại Giao Chỉ xưa, ở các tộc khác như người Mã Lai, Xiêm, Trung Hoa, Ả Rập, Melanesia và người da đen, chỉ khác nhau ở mức độ, và đấy chỉ là "tật" ở một số ít người chứ không phổ biến.
XóaXin được bổ sung ý kiến về chữ Giao Chỉ vào bài viết.
...
Có một nghịch lí là sinh viên ra trường không xin được việc làm, nhưng sinh viên đăng kí học các ngành Kinh tế, Tài chính... vẫn rất cao, điểm chuẩn cũng nằm trong tốp cao nhất. Kết quả tuyển sinh từ năm 2011 thể hiện rõ bất cập khi trong 416 trường đại học, cao đẳng thì có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - ngân hàng, Kế toán. Rõ ràng thực trạng này cần có sự can thiệp của Nhà nước.
Tôi không trách các em xé đề cương sử, hãy hiểu tại sao các em lại làm thế. Chúng ta hãy để đề cương những môn các em thi trên bàn làm việc của mình, giở từng trang sách, và tự hỏi rằng chúng ta có muốn học thuộc lòng như các em đang phải học không?
Cảm ơn Bác!
Chuyện các em HS lớp 12 xé đề cương sử, hoặc là xé giấy nháp, giấy bỏ đi, khi nghe bỏ thi tốt nghiệp môn Sử là điều không hề đáng trách các em (nếu tôi còn đi học tôi cũng sẽ làm như thế). Hãy nhìn nguyên nhân tại sao các em lại làm thế? Không hề khó để hiểu. Ngày xưa tôi thích môn Sử vì chủ yếu là nơi chương trình học, và giáo viên giảng dạy. Qua "tài" giảng dạy, tâm huyết của giáo viên, môn Sử rất sinh động và hấp dẫn.
XóaKhông biết bây giờ dạy và học ra sao mà ra như thế.
Cách dạy của các đồng nghiệp tôi bây giờ, (đa số) buồn chán. Có cô giáo dạy văn chưa biết Tam Quốc Chí thì dạy Tiếng trống Cổ Thành thế nào nhỉ (chuyện thật ở trường tôi). Chắc lại bình là Phi (Trương) dang tay, thẳng cánh (khỏe). Dạy Văn không Văn, dạy Toán thì chia. Xưa tôi có thói quen đọc tiểu thuyết (châu Âu và Mỹ), thường xem Sử trước.
XóaCảm ơn Bác!
Các bác công phu quá!
Trả lờiXóaKính nể bác VAN PHAM. Tôi đã thăm chùa Dâu, nhưng lại không biết là có thờ Sĩ Huy, con trai Sĩ Nhiếp. Cũng có một băn khoăn: Chùa là nơi thờ Phật, nếu thờ người thì chỉ là...phụ, thường là người có công đức.
Về sử nước ta thì quả thật nhiều chỗ mù mờ, nhiều chỗ mâu thuẫn. Tôi cho rằng dân gian rất công bằng, ai có công thì thờ, bất kể họ từ đâu đến. Văn miếu nhà mình cũng thờ Khổng tử và các bậc Đại hiền bên Trung Quốc đó thôi! Đại Việt sử kí vẫn chép riêng kỉ Triệu Đà và coi đó là ông vua đầu tiên của Đại Việt. Nghe nói có rất nhiều đền thờ Triệu Đà ở Thái Bình. Rồi "Bình Ngô Đại cáo" cụ Nguyễn Trãi viết : "Từ Triệu Đinh Lí Trần bao đời gây nền độc lập...". Rồi có một bản diễn ca viết : "Triệu Đà là tổ nước ta...". Đúng là cứ rối mù cả lên
Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra Gâu gần! Tra rồi cũng chẳng biết thêm/ Vì Gâu gần cũng...lem nhem mù mờ...!
Góp vui với các bác tí!
Vũ Nho
Chùa Tổ thờ người Mẹ Việt - Man Nương đã được tôn lên là Phật Mẫu. Câu truyện Phật Mẫu Man Nương qua bản thơ lục bát cổ xưa “Cổ Châu Phật bản hạnh”, có câu:
Xóa…Bốn chùa Sĩ Vương dựng làm
Trung trùng điện các tượng vàng tốt thay
.
Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân (法雲寺), chùa Đậu thờ Pháp Vũ (法雨寺), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (法雷寺"), chùa Dàn thờ Pháp Điện (法電報寺) và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần. Một nét độc đáo trong sự kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt.
.
Có ý kiến cho rằng Sỹ Nhiếp là người Việt (họ Phạm), nhưng đó chỉ là giả thuyết. Đền thờ Sỹ Vương, dân ta lễ bái rất đông và đền đã được tu bổ khang trang.
Quan niệm của em, bác à, lịch sử cần được tôn trọng.
1- Về cái ngón chân Giao Chỉ và tên Giao Chỉ thấy sách Lịch sử cổ đại Việt Nam của Đào Duy Anh có bàn tới trong chương 1: NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM, VẤN ĐỀ GIAO CHỈ (trang 21 đến trang 32). Tuy nhiên tác giả chỉ nêu lên ý kiến của nhiều học giả cả Tây lẫn Tàu chứ chưa kết luận dứt điểm thuyết nào là chính xác. Chúng ta cũng chỉ đọc để biết chứ làm sao vượt được các khoa học gia kim cổ đông tây để có được chân lý cuối cùng!!
Trả lờiXóa2- Giáo sư Trần Quốc Vượng than phiền: Kính xin quý vị Sử gia – tạm / gượng gọi là “đồng nghiệp” của tôi bơn bớt việc “chửi bới” nhà Nguyễn – đời Nguyễn – bắt đầu từ Gia Long – đi cho tôi và dân chúng nhờ…Nghe vừa khôi hài vừa xót xa. Theo bu, người ta chửi bới nhà Nguyễn từ Nguyễn Hoàng chứ đâu đợi đến Gia Long. Trường Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị dẹp tên, tên bến xe Nguyễn Hoàng ở Huế cũng không còn nữa. Với cái nhìn qua lăng kính giai cấp thì những gì thuộc Tây Sơn mới đáng tôn vinh, còn đụng đến Gia Long là cõng rắn cắn gà nhà. Một vài giáo sư nói lấy được theo chỉ đạo rằng Nguyễn Huệ thống nhất đất nước chứ không phải Gia Long. Chẳng cần phải giỏi lịch sử cho lắm thì cũng biết được khi Nguyễn Huệ tự phong Hoàng đế Quang Trung kéo quân ra bắc thì hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ còn choảng nhau ở thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh còn lang bạt vùng Cà Mau Phú Quốc chiêu binh mải mã chống lại Tây Sơn, vậy sao lại gọi là thống nhất được? Sau này Gia Long lập ra một nền hành chính nhất quán từ mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau cho đến các hải đảo thì mới gọi là thống nhất chứ. Sinh thời cụ Trần Huy Liệu đưa ra lập luận này mà “được” lên bờ xuống ruộng. Nghe nói tượng đồng cụ đúc xong rồi nhưng người ta đắp chiếu để đó chứ không cho trưng bày !!!
1. Cảm ơn ba trưởng lão đã đọc bài viết của tôi. Quan niệm của tôi là viết một vấn đề gì đó phải đưa ra chí ít một cái mới là của mình, còn nếu không thì nên chép lại bài của ai đó viết thì tốt hơn. Năm xưa (92-95), khi làm luận văn ths 'Toán tử đại số', GS Mậu có hỏi: Ạnh có gì mới, cũng may tôi làm được và ghi nhớ câu hỏi đó đến bây giờ. Cũng vậy, phải trung thực và công bằng với lịch sử, đọc nó theo quan điểm của người có văn hóa Bu à.
Xóa.
2. Tôi cứ canh cánh tên một con đường ở Saigon xưa. Đường Alexandre De Rhodes chệch phía trước Dinh Thống Nhất (trước năm 1945 gọi là Dinh Norodom, sau năm 1955 gọi là Dinh Độc Lập) qua ngã tư Pasteur. Đường này là một trong các đường xưa nhất Sài Gòn. Thời Pháp thuộc (chính thức là ngày 2-6-1871) có tên là đường Paracels (Hoàng Sa), đến ngày 16-10-1871 đổi lại là đường Colombert. Từ ngày 22-3-1955 chính quyền Sài Gòn đổi là đường Alexandre de Rhodes. Đến ngày 4-4-1985 thành phố đổi là đường Thái Văn Lung (luật sư, đại biểu Quốc hội khóa I). Nay lấy lại tên Alexandre de Rhodes thành tên chính thức trước đây.
Mừng và tri ân người cho nước ta mẫu tự La tinh. Nếu không, như người Hán, viết các đề tài khoa học phải theo tiếng Anh, xưa chưa có máy chữ tin học, chiếc máy chữ cơ tiếng Hán cồng kềnh và rất phức tạp. Các kiểu máy đánh chữ Trung-Hoa cũ (trước 19620 phải mất hàng phút mới đánh được một chữ.
.
3. Thỗng nhất với Bu về cách đánh giá về nhà Nguyễn.
Cảm ơn Bu!
Bạn VănPhạm nói về đường Alexandre De Rhodes ở quận 1 trước dinh Thống Nhất bây giờ. Tôi xin nói thêm chút xíu về một con đường tương tự, song song với đường này, đối xứng qua trục đường Lê Duẩn. Nếu Alexandre De Rhodes được xem là người có công đầu trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, thì Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên) là người được coi như hình thành chữ Nôm. Không phải vô ý mà từ ngày 22-3-1955 chính quyền TT Ngô Đình Diệm đã đổi tên 2 con đường này thành như thế. Một bên là Alexandre De Rhodes với chữ Quốc ngữ. Một bên là Hàn Thuyên với chữ Nôm, là hai thứ chữ gắn liền với dân tộc VN.
Trả lờiXóaCũng may là sau năm 75 cái gì tên Tây cũng đều cho là thực dân phải bỏ, như đường Pasteur bị đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng sau may cũng vẫn còn những người có hiểu biết mà đổi lại.
Chính quyền đặt hai con đường mang tên hai nhà có công đầu trong việc phát triển chữ viết cho người Việt thật là ý nghĩa. Con dấu thời VNCH có hình bụi Trúc cũng là một ý nghĩa hay.
XóaCảm ơn Bác cung cấp thêm tư liệu.
Thân!
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
XóaBác PV dạy toán mà giỏi cả văn lẫn sử. Tôi phục bác lắm. Thích tấm ảnh cây gạo và ảnh các đứa trẻ chơi trước cổng chùa. Bác PV tài hoa thật.
Trả lờiXóaBà Tám lại quá khen rồi. Khi xưa học sử cũng nhàn nên thích môn LS. Thầy dạy chủ yếu kể chuyện, còn số liệu ở SGK. Ông Giời bắt làm toán 40 năm, đến bây giờ mới được viết. Còn viết về toán, blog không hỗ trợ công thức, nên muốn viết phải theo kiểu chụp ảnh.
XóaNếu bạn có dịp thăm Kinh Bắc, sẽ có cảm giác dân mình xưa lành lặn lắm.
Cám ơn bạn đã cung cấp thêm nhiều tư liệu về lịch sử nước nhà .Tiếc rằng chương trình học bây giờ không coi trọng môn này nên học sinh thuộc sử Tàu nhiều hơn sử Việt vì chúng được xem phim sử Tàu miễn phí trên các kênh truyền hình của nước ta .Buồn thay
Trả lờiXóa[img]http://friends18.com/img/good-afternoon/092.jpg[/img]
XóaCảm ơn EMT thăm nhà và tặng ảnh.
XóaTôi có đứa cháu kể vanh vách tên các đời vua nhà Thanh. Thế mới giỏi chứ.
Chúc Bạn vui!
Đọc bài viết cứ như được ngồi trong một lớp dạy vừa sử vừa văn...
Trả lờiXóaRất cảm ơn anh vì Giáo đã được bổ sung kiến thức!
Cảm ơn Bạn.
XóaChúc Bạn luôn Ngứa cổ nên phải nổ để có nhiều bài viết hay.
Thân.
Anh lại nói xấu người Thanh Hà rồi. Bay giờ con gái Thanh Hà cũng đẹp có tiếng. Da không ngăm đen NHƯ LÀY nữa đâu. Cung không còn ai chân GIAO CHỈ nữa rồi
Trả lờiXóaAnh không tự ti đâu mà đang TỰ PHÊ đó NH à.
XóaNgười Thanh Hà đẹp. Được chưa Em.
Vui em nhé, anh vui vì là dân THANH HÀ gốc.
Đất nước của người ta luôn có tính kế thừa, xây thêm mà không đập phá, còn mình thì phá đi rồi xây lại, mà xây lại xây nham nhở... Thôi các anh viết đã nhiều, M cũng đã đọc hết rồi.
Trả lờiXóaHôm nào anh Vanpham viết về các ngôi chùa ngoài Bắc đi anh ạ.
Những ngôi chùa nào có di tích thì 1 entry (như chùa Dâu..), còn những ngôi chùa khác thì gộp lại cũng được.
Vừa rồi M đi chùa Bái Đính, nhưng lại không vào chùa Bái Đính, di tích nằm xa khu chùa Bái Đính mới cho nên những người cỡi ngựa xem hoa không đi xem hết các di tích được.
Tôi đã tích lũy xong tư liệu về các chùa ở BN và lăng mộ ở Bắc Giang và đã đi thực tế. Chưa viết được. Có lẽ dịp 1-5 đi tiếp.
XóaHave you ever thought about including a little
Trả lờiXóabit more than just your articles? I mean, what you say is valuable and all.
Nevertheless just imagine if you added some great pictures or videos to give your posts more, "pop"!
Your content is excellent but with pics and clips, this website could definitely be one of the most beneficial
in its field. Superb blog!
http://anepowa.com/newsite/?topic=designing-twitter-backdrops
http://amfilms.hash.com/users/RandolphS
http://animalmundimodapet.com.br/worrying-about-speedily-preparations-located-buy-twitter-followers-cheap
http://amherstblock.com/index.php?do=/blog/76532/bucketlist-trends-in-great-ammounts-onto-twitter/
http://anairhostess.com/real-world-support-designed-social-media-services-and-marketing-necessities
Here is my web-site :: lrsa
https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/chua-bach-mon-dac-diem-kien-truc-va-nhung-gia-tri-noi-bat.html?fbclid=IwAR3HtA5-BcyebD4k-XKRuGwqRMGKvUB2vud13Hha5e2K3jisfkaXXi2m6kw
Trả lờiXóa