Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá



Mấy hôm mệt, xa nhà, vào mạng thấy ông ĐB "rau muống" bàn rằng: “bán dâm là một nghề phi pháp, mua dâm thì không”- Nguồn PHỤ NỮ TODAY. (Rất lạ cho tờ báo nửa tây nửa ta này, Phụ Nữ viết tiếng Việt nhưng Today bằng tiếng Anh– bà con ở quê đọc lại tưởng là Phụ nữ TO và DÀY- lời HM). Rồi lại thấy, cái bà Mai Khanh nào đó ở Hà Nội: "Tôi nuối tiếc cho một Hà Nội văn minh, lịch sự", để chê người nhà quê. Chắc bà ta "bố mẹ vô văn hóa, con cũng chửi bậy" (chính lời bài viết của bà Khanh trên báo, bà ta ngụ tại phố Phúc Tân Hà Nội- cũng nguồn PNTodày). Rồi cũng nguồn báo ấy, Hoàng Mạnh Hùng ất ơ nói: “Bạn tôi khốn khổ với người quê lên nhờ thi ĐH”. Khốn khổ cho anh ta lên báo mà lại thấy có mo nang che mặt. Và nhiều nhiều nữa về cái xấu của nhà quê.

Người nhà quê Hoàng Mạnh Hùng

Học trò, sau kỳ thi ĐH đợt một, vào facebook: “Thày ơi HN không vui, họ đang viết chê người nhà quê ta đó”. Tôi viết: “Tôi lên HN vẫn thấy bạn bè yêu mến, có thể điều các em thấy một phần do ta đó. Hãy hoàn thiện mình… Xưa tôi được dạy: "Người dân quê lúc chết, móng chân vẫn dính bùn". Chuyện xã hội, tập trung thi cho tốt. Báo chí bây giờ cho “ăn lá ngón” để tăng phần độc giả. “Nâu fo gâu”.

Truyện ngắn của Y Ban, năm 2007, được coi là hay trên báo TP, viết về nhà quê, nhưng đọc rồi ta thương mến.


Truyện có đoạn rất vui. 
"... Các cô bảo các cô có văn hoá, các cô văn minh, các cô tân tiến... Nhưng có bao giờ các cô đứng trước gương để tự nhìn lại mình không? Ra đường thấy chị thấy em mặc váy ngắn về nhà cô mỉa mai: Các cô nàng chân cong váy ngắn. Xoe xoé tiếng địa phương. Vì thế cô may váy dài. Váy lụa mà cô không may lót, thiên hạ cũng nhìn thấy thông thống chân cô cũng cong và ngắn. Cô tưởng cô khác họ được ư? ... 
Chao ôi, sao mà tôi lại thương cho cái nền văn hoá của cô đến vậy. Tiện đây tôi cũng nói thêm cho cô biết cái nền - văn - hoá - cạp - trễ của cô luôn. Cái quần cạp trễ người ta phát minh ra không phải cho cái - nền - văn - hoá - ngồi - xổm - của nhà các cô đâu. Xưa ở quê tôi đàn ông hay ngồi xổm đánh bạc. Các cụ bảo đầu buồi chấm lõ gạch. Ngẫm lại cũng không kinh hoàng bằng các cô mặc quần cạp trễ ngồi xổm. 
Các cô có thể ngồi xổm lên dư luận nhưng đừng bao giờ mặc quần cạp trễ mà ngồi xổm nhé. Thế giới hở hang, thiên hạ hở hang, tôi cũng chỉ thấy họ để hở ngực, hở đùi, hở mông, chứ đố cô thấy họ hở lỗ đít như nhà các cô đó." "Đừng che cái sự thật lỗ mãng đó mà phải sáng chế ra quần lọt khe". Chào bà Khanh! ... 


                 

Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hóa 

Tác giả. Y Ban. 

Cái Thanh nịnh nọt cu Thiên Trường: 

- Bống, bống cười khéo khéo chị xem nào. 

Cu Thiên Trường nhắm tịt mắt lại nhe hai chiếc răng cửa be bé, trông đến ngộ. Cái Thanh cười như nắc nẻ: 

- Bống đáng yêu của chị. Chị yêu Bống quá. Bống chút chút chị nào. 

Thằng bé lẫm chẫm đi đến chỗ Thanh, lấy hai tay bưng mặt chị dẩu cái môi ra. Cái Thanh cũng dẩu môi. Khi hai cái môi sắp đụng vào nhau chút chút thì cánh cửa mở đến đánh xoạch. Tiếng bà chủ rên lên: 

- Đến chết mất thôi. Đã bảo bao nhiêu lần rồi, không được hôn em như thế. Mồm miệng mày có sạch sẽ gì đâu. Tôi quá mệt mỏi vì cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá này rồi. Để em đấy đi lau nhà đi. 

Cái Thanh tẽn tò đứng lên. Thằng bé bíu lấy chị mếu máo. 

- Này quay lại. Tôi đã bảo nhiều lần là mày không được gọi em là Bống cơ mà. Phải gọi em là Thiên Trường. Cứ bống bống, bống gì? Bống bống bang bang hả? Để nó vận vào đời thằng bé rồi suốt đời nó phải ăn khoai như nhà mày chắc. 

Cái Thanh lui cui bước đi, trong bụng thương thằng bé hơn là tức bà chủ mắng. Trông thằng bé mếu máo nó buồn lắm. Cái Thanh bế thằng bé từ khi nó mới có hơn 4 tháng tuổi, nay đã 16 tháng, lẫm chẫm biết đi. Thằng bé sán chị còn hơn mẹ. Trẻ con nó cảm nhận được mùi vị yêu thương nó rất nhanh. Mẹ nó tất nhiên là mùi vị yêu thương nó thật nồng nàn. Nhưng mẹ nó còn có công việc nên đã không dành đủ thời gian cần thiết cho nó. Còn cái Thanh, thằng bé đã cảm nhận được mùi vị yêu thương bản năng của một giống cái thuần chất nhất. Lại còn chưa hết đi chất trẻ con. Thế nên thằng bé vừa yêu, vừa thích chị. Có những đêm thằng bé bị ốm, khóc ra rả, cha mẹ nó bế ẵm dỗ dành mà nó vẫn khóc. Cái Thanh lặng lẽ đứng một bên. Thấy em khóc quá nó mới rụt rè bảo: 

- Hay là để cháu thử dỗ em. Bà chủ trao thằng bé cho cái Thanh. 

Cái Thanh ôm lấy em vừa nhảy tưng tưng vừa nựng nọt: 

- Chị biết rồi, ốm là khó chịu lắm đấy. Cố gắng ngủ đi nhé. Ngủ ngoan một giấc mai là khỏi ngay. Khỏi rồi chị bế ra ngõ chơi nhé. 

Thật lạ, thằng bé nín khóc rồi thiêm thiếp vào giấc ngủ. Bà chủ vừa đón con từ tay cái Thanh vừa chép miệng: 

- Con cái nhà, mẹ thật thì không nghe lại cứ đi nghe mẹ mẻ. 

Cái Thanh nhìn thấy ông chủ bưng miệng cười không thành tiếng. Cái Thanh cũng cười cười. Nó cười vì khi bế em ra hiên để dỗ cho em ngủ, nó đã ru em bằng bài hát mà mẹ nó thường ru con. Bống bống bang bang, cầm mẹ cái sàng để mẹ đổ khoai. Con ăn một thì mẹ ăn hai. Sai con bốc muối thì khoai không còn. Con ngồi con khóc nỉ non. Mẹ đi bẻ vọt con son ra hè. Mẹ ơi có đánh thì đánh vọt tre. Chớ đánh vọt nứa mà què chân con. Nó chỉ thuộc có mỗi một bài hát ru đó. Bà chủ mấy lần nghe thấy đều điên tiết lên. Nhưng cu Bống (cái Thanh đặt cho cu Thiên Trường là Bống để dễ gọi) thì rất thích. Cứ phải bài hát ru đó thì cu Bống mới ngủ. Cái Thanh vừa bế em đi chơi ở ngõ về đến cửa nhà thì đã nghe tiếng bà chủ gay gắt: 

- Bỏ ngay cái thực đơn của anh đi. Em không thể chịu được mỗi khi bạn bè anh kéo đến ăn nhậu xong thì cả nhà sực nức mùi mắm tôm đến cả tuần không hết được. 

- Thịt chó mà không có mắm tôm thì còn gì là ngon nữa. 

- Thì anh tạnh luôn cả cái bài thịt chó của anh đi. Man di mọi rợ. 

- Em nhầm, đó là đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Sống ở đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ không biết có mà ăn. 

- Cái thời đói khát nhà anh mới thèm thịt chó, chứ thời buổi bây giờ thiếu gì sơn hào hải vị để mà thưởng thức. Học bao nhiêu bồ chữ mà vẫn không gột rửa hết cái văn hoá nông dân nhà anh. 

- Em nói sao? Hơi quá lời rồi đấy. Xúc phạm nhau là không xong đâu nhé. Tử tế đây còn ở nhà, không có là đây phắn. 

Ông chủ mặc quần áo rồi đóng cửa đánh rầm, bỏ đi. Cái Thanh bế em đứng nép vào góc nhà. Bà chủ tức tưởi gào lên: 

- Khốn khổ thân tôi thế này. Cha tôi đã gàn má tôi là chó đen giữ mực mà tôi không chịu nghe. Bây giờ thì tôi mới ngấm, thế nào là sự khác biệt văn hoá, thế nào là cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá. Tôi khốn khổ quá rồi. 

- Thanh, xem trong tủ lạnh còn gì thì nấu lên mà ăn. Cầm lấy tiền đi mua cháo cho em. Đấy đi được thì đây cũng đi. Kém miếng khó chịu. 

Bà chủ thay bộ váy mốt, dắt xe khỏi nhà. Cái Thanh thở phào. May quá cuộc chiến tranh hôm nay tạnh sớm. Thanh để thằng Bống vào cũi. Mặt thằng bé vẫn còn ngơ ngác. Thanh dẩu môi ghé sát vào mặt thằng bé: 

- Chút nhau nào. 

Thằng bé cũng dẩu môi ra. Hai cái môi chạm vào nhau. Mặt thằng bé tươi lên. Cái Thanh điệu bộ quan trọng: 

- Nghe này Bống. Hôm nay chị cho Bống ăn cơm nhé. Chị biết Bống thích cơm mà. Bống ghét cháo lắm phải không? Vậy thì hãy ngồi yên đây, chị sẽ đi nấu cơm. 

Cái Thanh nhanh nhẹn vo gạo cho vào nồi cơm điện. Nó ao chừng mức nước, rồi nghĩ thế nào nó cho thêm nửa chén nữa vào nồi, cắm điện. 

- Xong rồi. Chị phải thổi hơi nhão một chút Bống mới ăn được. Để chị xem trong tủ lạnh có gì nhé. 

- Tôm khô này, ba tê này, thịt bò hầm. Chả có thứ gì Bống ăn được. Trứng lại hết rồi. Chị với Bống đi mua trứng đi. 

Cái Thanh xốc thằng bé lên hông, khép cửa trong nhà, khoá cổng ngoài đi ra ngõ mua trứng và cà chua. Đó là những thứ dễ mua nhất nên chỉ 5 phút sau Thanh đã bế thằng bé về. Nó lại thả thằng bé vào cũi. Nó rửa sạch cà chua, rồi cẩn thận gọt vỏ, cắt nhỏ bỏ vào nồi. Nó cho một chút dầu ăn, một chút gia vị, đun nhỏ lửa. Nó lấy môi dằm cho nhuyễn cà chua, xong mới đập hai quả trứng gà vào ngoáy lộn lên. Xong, nó tắt bếp. Nó lấy bát xới cơm. Nó trộn cái thứ sột sệt ấy vào cơm. Nó đảo thật kỹ. 

- Xong rồi Bống ơi. Bây giờ chị bế Bống ra bàn nhé. Ngồi nghiêm chỉnh như thật ấy. Không được đi ăn rong nữa, hư lắm. Nào, Bống ngồi đây, khăn đây, nước đây. Đủ cả rồi. Thế. 

Được ăn cơm lạ miệng, thằng bé ăn thun thút. Hết nửa bát cơm rồi cái Thanh lấy thêm nửa bát nữa. Ghép hai nửa bát thành một bát đầy mà thằng bé vẫn thèm ăn nữa. Cái Thanh dỗ dành: 

- Thôi, hôm nay ăn vậy đã nhé. Ăn nhiều nhỡ đâu Bống bị đi ỉa thì chị lại bị mắng chết. Bống ăn xong rồi Bống ngồi vào cũi cho chị ăn cơm. Ngồi tí thôi không có chị không để mắt đến là Bống ngã, khổ thân lắm. 

Cái Thanh xới một bát cơm rồi trộn hết cái chỗ sột sệt ở nồi vào. Và miếng cơm vào miệng cái Thanh không thấy ngon. Cơm nát nên nhạt. Trứng bác với cà chua nồng. Cái Thanh nghĩ, chả ngon tí nào mà sao trông Bống ăn ngon thế. Cái Thanh ăn nhanh, loáng cái là xong. Nó rửa bát đũa, lau bếp. Xong nó đến bên cũi. Cu Bống đã ngủ. Cái Thanh vừa bế em lên vừa nựng nọt: 

- Ngủ ngon quá cún con của chị. 

Ông bà chủ vẫn chưa về nên cái Thanh phải thức đợi. Nó bỗng nhớ nhà. Suốt từ tết, bây giờ là tháng 7 rồi mà nó chưa được về nhà. Bà chủ cứ nài nỉ nó đến tết hãy về, cho em cứng cáp lên đã. Nhà nó cũng chả xa đây là mấy, chỉ hơn hai chục cây số. Với ông chủ nó cũng chả xa lạ gì. Ông chủ là họ hàng với nhà nó. Bố mẹ ông chủ vẫn còn ở cùng làng với nó. Nhà bố mẹ ông chủ thì cũng như nhà nó thôi. Bây giờ có khá hơn một tí vì thi thoảng ông chủ gửi tiền về biếu. Ngày trước thì ông chủ cũng như nó, cũng chăn trâu cắt cỏ. Rồi ông chủ học hành giỏi giang được ra thành phố, đi làm nhà nước. Lấy vợ cũng đi làm nhà nước, sinh con, không có ai trông mới về làng tìm người. Cái Thanh học hết cấp 2 thì thôi, xinh xắn, hiền dịu được nhiều người mời đi làm ôshin nhưng bố nó không cho đi. Nay nể ông chủ là họ hàng mới cho đi. Đêm trước khi đi ra thành phố bố nó dặn nó: 

- Con ơi, mình ít học nhưng đừng để người ta khinh mình là người vô văn hoá con nhé. Những điều cha mẹ dạy con phải nhớ, nghèo nhưng đừng hèn. Đi bế em thì phải thật yêu em. Con yêu nó, nó sẽ yêu con. Con phải để ý người ta làm sao thì mình làm vậy. Không phải mọi điều đều tự dưng mà biết cả đâu. Cô chú ấy đều là người có học cả. Người có học phần nhiều đều là người tử tế. Vả lại người làng ta thì không có người xấu đâu con ạ. Vậy con cứ yên tâm con nhé. 

Quả như bố nó dặn, ông chủ, bà chủ không phải là người xấu. Chẳng áp bức đè nén gì nó. Có đôi khi giận cá chém thớt mắng mỏ nó vô lý. Nó còn trẻ con nên cũng chóng quên. Nhưng quả tình là nó không thể hiểu được những lời to tát mà bà chủ thường nói: Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá. Có lẽ do là nó ít học. Con Thanh đang lơ mơ ngủ thì tiếng chuông réo rắt. Nó lật đật dậy mở cửa. Hai chiếc xe máy dựng trước cửa. Bà chủ đứng tựa vào ngực ông chủ, hai tay ôm chặt lấy cổ ông chủ. Cái Thanh vội lấy hai tay bịt chặt lấy mắt. Lần này thì lại bắt đầu từ ông chủ trước. Buổi sáng trước khi đi làm bao giờ bà chủ cũng trang điểm rất cầu kỳ. Bà chủ vừa may chiếc váy mới bằng lụa màu xanh. Từ trên gác bước xuống bà chủ vừa đi vừa nhún nhảy. Đến trước mặt chồng bà chủ còn xoay tròn hai vòng rồi mới đi ra cửa. Ông chủ bỗng gọi giật lại : 

- My, quay vào thay chiếc váy khác đi. 

- Cái gì ạ? 

- Thay ngay chiếc váy đi. 

- Sao phải thay? 

- Chiếc váy mỏng như vải màn thế kia, người ta nhìn rõ cả mụn ruồi trên đùi cô kia kìa. 

- Sao anh ác thế. Không muốn cho vợ ăn diện thì cứ nói thẳng ra chứ sao lại kiếm cớ. 

- Các cụ bảo sự thật thì hay mất lòng. Lần trước bà ngoại đến chơi cô đã chả gào lên, mẹ về thay áo đi, lông nách để ra thế kia ai người ta nhìn được. Giờ thì anh còn nhìn thấy cả…cái nơi tế nhị. 

- Anh bỏ cái thói diễu cợt thô bỉ của anh đi. 

- Nhưng anh chỉ nói sự thật. 

- Chẳng có sự thật nào ở đây cả. Chỉ có sự ích kỷ của bọn đàn ông quê mùa các anh. Người ta nói mà tôi chẳng chịu tin, rằng lũ các anh có học mà vô văn hoá. Đồ vô văn hoá. 

- Cái Thanh đâu. Ông chủ gọi. Mày ra đây xem chú nói có sai không? Lúc nãy cô mày đứng ở cửa mày nhìn thấy gì ? Cái Thanh vội bế em lủi vào bếp. Làm sao nó dám nói là, nốt ruồi ở đùi cô thì nó không nhìn thấy nhưng nó nhìn thấy rất rõ đôi chân đã ngắn lại vòng kiềng của cô trong lớp váy màu xanh. Lại còn chiếc đầu gối to quá mức nữa chứ. Tiếng bà chủ ậng nước: 

- Anh đừng có lôi con Thanh vào đây. Cùng giống cùng nòi, cùng từ vũng trâu đầm mà lên thì sao biết được thời trang với mốt chứ. Này tôi nói cho mà biết nhé, văn hoá chỉ đối với văn hoá, còn thô bỉ sẽ được đáp bằng thô bỉ. Có hở lông đây cũng đi ra đường cho thiên hạ chiêm ngưỡng. 

- Đứng lại. Tiếng ông chủ cũng rít lên. Cô không thể ăn mặc như thế đi ra ngoài đường nếu còn là vợ tôi. Các cô bảo các cô có văn hoá, các cô văn minh, các cô tân tiến... Nhưng có bao giờ các cô đứng trước gương để tự nhìn lại mình không? Ra đường thấy chị thấy em mặc váy ngắn về nhà cô mỉa mai: Các cô nàng chân cong váy ngắn. Xoe xoé tiếng địa phương. Vì thế cô may váy dài. Váy lụa mà cô không may lót, thiên hạ cũng nhìn thấy thông thống chân cô cũng cong và ngắn. Cô tưởng cô khác họ được ư? Cô không biết được rằng đó là đặc điểm sinh học của người ta à. Được rồi cô cứ mặc chiếc váy đó mà đi ra đường đi. Tôi sẽ đi theo cô để xem thiên hạ nhìn cô thế nào? Chao ôi, sao mà tôi lại thương cho cái nền văn hoá của cô đến vậy. Tiện đây tôi cũng nói thêm cho cô biết cái nền - văn - hoá - cạp - trễ của cô luôn. Cái quần cạp trễ người ta phát minh ra không phải cho cái - nền - văn - hoá - ngồi - xổm - của nhà các cô đâu. Xưa ở quê tôi đàn ông hay ngồi xổm đánh bạc. Các cụ bảo đầu b. chấm lõ gạch. Ngẫm lại cũng không kinh hoàng bằng các cô mặc quần cạp trễ ngồi xổm. Các cô có thể ngồi xổm lên dư luận nhưng đừng bao giờ mặc quần cạp trễ mà ngồi xổm nhé. Thế giới hở hang, thiên hạ hở hang, tôi cũng chỉ thấy họ để hở ngực, hở đùi, hở mông, chứ đố cô thấy họ hở lỗ đít như nhà các cô đó. Để che cái sự thật lỗ mãng đó họ phải sáng chế ra quần lọt khe. Tôi đã chứng kiến một bà già đi đường nhìn thấy một cô nàng mặc quần cạp trễ ngồi xổm. Bà cụ kinh hoàng đến nỗi không bước đi được nữa, cứ ngẩn ngơ hỏi tôi: 

- Con ơi, thế này là thế nào hả con. Thời thiên hạ đại loạn cũng chẳng thế này. Thời này là thời gì vậy hả con? 

- À, là thời văn hoá tiên tiến đấy mà. Học lắm thế mà không biết à. Tiếng bà chủ phản kháng. Cũng giống như cái cách anh uống rượu Wishky với thịt chó chấm mắm tôm là đậm đà bản sắc dân tộc. 

- Này, anh có nghe người ta nói, mọi điều đều có thể hoà hợp nhưng khác biệt về văn hoá thì không thể hoà hợp được. Tôi mệt mỏi cực độ về cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá này quá rồi. Tôi sẽ viết đơn ly dị. 

- Tôi thì đơn giản cũng quá mệt mỏi vì cô lắm rồi. Cô cứ viết đơn đi. Tôi ký. Cái Thanh giật mình đánh thót. Cuộc chiến tranh giữa các nền văn hoá thì nó không thể hiểu nhưng li dị thì nó hiểu. Nó ôm chặt Thiên Trường vào lòng. Thằng bé ngơ ngác nhìn nó. Thương thằng bé quá cái Thanh oà khóc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét