Tượng Phật cổ-Bảo tàng Hà Nội |
Xin được đôi lời. Tôi đã có 8 entry về Thailand trong kỳ du lịch vừa qua. Xin tạm dừng. Những vấn đề ở các điểm tham quan nhỏ, tôi sẽ viết theo kiểu cảm nhận chứ không chỉ đơn thuần là các thông tin.
Khi đến Thailand, người Thái nói rằng những ai viếng thăm ngôi chùa trong cung điện nơi có bức tượng Phật bằng ngọc xanh sẽ nhận phúc lành. Tôi vào thăm chùa, lạy Phật. Trước của chùa là ang nước ướp hoa, tôi cung thỉnh, nhẹ xoa lên mặt, một chút vào tóc. Sau câu chào bập bẹ tiếng Thái của tôi, là nụ cười thân thiện của người gác cửa khiến lòng tôi tĩnh lặng lạ thường. Giữa chính điện thiêng liêng, hiện trước tôi là tượng Phật Ngọc uy nguy xanh màu ngọc bích, lấp lánh ánh vàng rực rỡ. Trên là kim tản 9 tầng bảo hộ, hai bên là thủy tinh cầu biểu tượng của mặt trời và mặt trăng (như Nhật Nguyệt ở Á đông).
Tôi ngồi lễ Phật mà lòng thanh tĩnh. Ra về, từ chút linh thiêng được nhận, tôi tự hỏi, tư thế mình ngồi như vậy có đúng không ? Vì ở nước ta, có người đứng lạy Phật, hai tay chắp, giơ thẳng vái như bổ củi. Người thì ngồi, hai chân ra sau, co khép lại, khi vái, người gấp xuống, hai cánh tay mở ra, bàn tay xòe, ngón khép úp xuống mặt đất. Có người vào chùa, ngồi như là thiền, không biết có là lạy Phật ? Có người, mười ngón tay đan vào nhau, nắm lại, đứng vái như là các bậc trưởng lão trong phim "Tung của" vậy. Hay chăng, đâu là lạy Phật, đâu là "cuốc".
Phật tử chùa Bằng (Hoàng Mai-Hanoi) lễ Phật |
Nhà sư Thích Giác Hoàng nói :
Cách thức lễ lạy không quan trọng lắm. Quan trọng là tâm lễ, chứ không phải là thân lễ. Phật là bậc Ðại Giác đã đem ánh sáng giác ngộ cho đời, Phật tử lễ lạy Ngài là để thể hiện lòng biết ơn, lòng tôn kính vô biên đối với Ngài. Cổ đức có dạy: “Lễ Phật giả kính Phật chi đức”, nghĩa là lễ Phật là kính lễ cái đức của đức Phật. Cho nên, chúng ta không nên đặt nặng cung cách lễ lạy lắm, miễn là chúng ta lễ với tâm thành và hợp với thuần phong mỹ tục nơi mình đang cư ngụ là được.
Nam mô A Di Đà Phật. Chúc Phật tử an vui và tinh tấn.
Về cách thức lạy Phật
Miếu thờ ở Bangkok
Ở mỗi nước đều có nét đặc thù riêng. Ngay cả trong mỗi nước cũng có những điểm khác biệt. Ví dụ, ở Việt Nam, truyền thống Bắc tông khi lễ Phật là đứng lên lạy xuống 3 lần. Nếu lạy hồng danh của chư Phật thì xướng một danh hiệu Phật, lạy một lạy. Truyền thống Nam Tông thì ngồi xuống một bên rồi làm lễ. Truyền thống Khât Sĩ thì quỳ lạy, mỗi lạy chỉ ngước đầu lên rồi xá và lạy xuống. Còn các nước khác theo Phật giáo thì cách thức lễ Phật ra sao? Các Sư Thái Lan phần lớn ngồi xuống rồi mới lễ Phật. Chư Tăng Tích Lan thì quỳ xuống rồi đảnh lễ 3 lần, không cần đứng dậy, chỉ quỳ và đảnh lễ gọi là “Baddha Pariyanka” nghĩa là lễ theo thế quỳ, còn chư Ni hoặc nữ cư sĩ khi đảnh lễ chư Phật hoặc chư Tăng thì ngồi xuống, khép hai chân một bên rồi đảnh lễ y như truyền thống Phật giáo Thái Lan, gọi là “Addha Pariyanka”, nghĩa là lễ theo thế ngồi một bên. Ở Ðài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam phần lớn cách lễ đều giống nhau, tức là đứng lên lạy xuống như truyền thống Bắc tông ở Việt Nam mình vậy.
Riêng truyền thống Tây Tạng thì lạ nhất, họ lễ Phật theo nghi thức duỗi hai tay và nằm dài hướng về phía trước, rồi đứng lên, cứ như vậy 3 lần hoặc lạy vô số lạy đối với một vị Phật hoặc một vị Bồ-tát nào vị ấy hằng ngưỡng mộ. Cách lạy này phổ biến nhất trong Phật giáo Tây Tạng, nhưng không bắt buộc ai cũng phải lạy như vậy, tùy theo khoảng không gian cho phép hay không ? Quý Thầy thấy khi các Phật tử Tây Tạng đảnh lễ các vị Giáo thọ (tiếng Tây Tạng gọi là Geshela, nghĩa là bậc Thầy hướng dẫn tâm linh) tại các trung tâm Phật giáo Tây Tạng như tại Library of Tibetan Works and Archives thuộc Dharamsala thì họ chỉ đứng lên lạy xuống như các chùa Bắc tông thôi, hoặc đứng tại chỗ chắp tay nghiêm trang ngang ngực. Ngoài ra, cũng có những vị quỳ lễ như theo truyền thống Khất Sĩ.
Cách lễ Phật theo truyền thống Trung Quốc gọi là “ngũ thể đầu địa” nghĩa là năm vóc: đầu, hai tay, hai chân phải sát đất. Ðiều này cũng có vị hiểu lầm là lễ Phật như Phật giáo Tây Tạng mới đúng năm vóc gieo xuống. Nhưng thật ra, nếu như cách lễ theo truyền thống Tây Tạng thì không gọi là “năm vóc gieo xuống” mà là “toàn thân gieo xuống” !
Ở Ấn Ðộ, để thể hiện lòng tôn kính, quý trọng, mọi người khi gặp nhau nếu là ngang hàng thì họ chắp tay lại để ngang ngực. Nếu là con cháu gặp ông bà thì cúi xuống chạm tay nhẹ vào chân của bậc trưởng thượng rồi để lên trán, hoặc trên đầu. Phật tử thuần thành khi gặp chư Tăng ngoài đường thì họ cuối xuống làm dấu hiệu cũng tương tự, nhưng nếu tại tư gia thì Phật tử quỳ xuống đảnh lễ như truyền thống Phật giáo Nam truyền, nghĩa là ngồi xuống rồi đảnh lễ 3 lạy.
(theo Tỳ-Kheo Thích Giác Hoàng)
Kiểu "Ngũ thể đầu địa" nghĩa là "gieo năm vóc sát đất chí thành" như sau:
- Quỳ xuống theo tư thế hai bắp vế khép sát vào nhau.- Hai mông phải đặt sát trên hai gót chân, với tư thế này, hai mặt trước của bàn chân sẽ sát đất và song song với mặt đất. Không được chống mười ngón chân lên, vì toàn thể sức nặng của thân người dồn hết xuống hai bàn chân, nếu làm như thế, quỳ lâu sẽ sanh ra mỏi và đau nhức mười ngón chân.- Thân thẳng đứng trụ trên hai gót chân, đầu nhìn thẳng về phía trước.- Hai tay chấp trước ngực theo thế búp sen.Khi bắt đầu lạy, hai bàn tay trong tư thế búp sen đưa lên trán, kế đó đem xuống trước ngực. Cúi gập thân mình xuống phía trước trong khi đó hai mông vẫn bám sát hai gót chân, không được chổng mông lên. Ở vị thế này có nhiều người không ý thức được trong khi cúi gập thân mình xuống lạy, làm phiền những người ở ngồi ở phía sau. Hai bàn tay khi đã sát đất thì mở ra như đóa sen nở, hai cánh tay khép song song với nhau làm thành cọng sen, hai cùi chỏ phải đụng vào hai đầu gối, đầu cúi sát xuống đặt vào trong hai bàn tay đã mở ra. Khi ngẩng đầu lên đem hai bàn tay trong tư thế búp sen đặt vào trước ngực, cứ như thế tiếp tục lạy đến khi đủ số.
Lạy Phật trong tư thế quỳ với “ngũ thể đầu địa” là như thế, nghĩa là đầu, hai tay, hai chân phải đúng theo thể thức trên là liền lạc với nhau và sát đất. Mông dính vào gót chân, cùi chỏ tay nối vào hai đầu gối, đầu đặt trên hai bàn tay, chỉ có vậy thôi mà nhiều người làm không được Chúng ta nên nhớ rằng, khi vào chánh điện lạy Phật không phải chỉ có một mình ta, mà có rất nhiều người cùng với chúng ta tu tập, vì thế giữ đúng oai nghi trong khi lễ Phật là một điều cần thiết, phải biết phối hợp nhịp nhàng, đúng quy tắc. Câu "Gieo năm vóc sát đất chí thành" tự nó cũng đủ nói lên ý nghĩa đem hết thân tâm lạy Phật. Năm vóc tức là thân lễ, chí thành tức là tâm lễ.
Nên nhớ rằng, khi đứng lên rồi quỳ xuống lạy vẫn phải giữ đúng oai nghi như đã nói ở trên. Riêng thế ngồi không có gì phải nói. Vấn đề đặt ra ở chỗ ngồi lạy công đức có trọn vẹn hay không. Ðừng nên nghĩ như vậy, chỉ cần đem hết thân tâm lễ Phật và biết hồi hướng đến tất cả mọi người, thì tất nhiên công đức đó chúng ta có phần và rất đầy đủ.(theo Đệ tử Thanh Sơn)
Do đó, thật là không đúng khi chúng ta đặt nặng về hình thức lễ lạy. Tuỳ phong tục truyền thống mỗi nơi mà hình thức lễ lạy có khác nhau. Lễ Phật chỉ là phương tiện để thể hiện tâm thành, nếu có phước là nhờ tâm thành và cách thể hiện lễ, còn chỉ có “hành động lễ” không thôi thì không có phước ! Chính vì những vị lễ Phật mà không hiểu được ý nghĩa, không có tâm thành, lạy Phật cho xong bổn phận, nên mới dùng từ “cuốc” để ám chỉ cho mấy trường hợp ấy là vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét