Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Mùa thu trong tôi

Chút nắng thu phai
Mùa thu, sinh nhật ba cháu, mùa cốm thơm nồng. Nhớ thuở nhỏ, Trung thu năm đó ngập lụt, đêm trên bè ghép thân chuối đón trăng, đèn ông sao tự làm bằng tre ghép giấy bồi, xâu hạt khô đốt sáng thơm thơm dầu bưởi. Hơi sương mát lạnh, trăng vỡ bóng trên mặt nước đường làng, những bàn chân nhỏ đen bơi quẫy. Không đỏ xanh bánh kẹo, giữa lao xao rặng tre, mặt nước, tiếng trẻ vang vang;
                     Ông giẳng ông giăng
                     Xuống chơi với cháu
                     Có bầu có bạn
                     Có ván cơm xôi
                     Có nồi cơm nếp
                     Có nệp bánh chưng . . .
những như là ước ao giản đơn của trẻ thơ trong nghèo khó.

Bây giờ, không còn cảnh ngập lụt này nữa, mưa trút vào miền Trung quê ngoại. 

Thày thôi bảo, tiết trung thu, quãng đôi mươi, mưa thường là sau húy nhật Đức Thánh Trần ở đền Kiếp Bạc (hai mươi tháng Tám), kẻ bảo là mưa rửa Đền, nhưng Người nói, là mây gió đưa Đức Ông Trần Quốc Tảng về giỗ cha, vì Đức Thánh có lời nguyền, chỉ cho Đức Ông viếng khi đã đóng nắp ván thiên. Chuyện rằng: Đức Ông có lời với cha đẻ là nên cướp ngôi vua nhà Trần khi đất nước lâm nguy. Chính vì thế, Ông bị cha đẻ rút gươm định giết, may nhờ có Hưng Vũ vương biết và vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, bấy giờ Đức Thánh mới tha. (1)   
                                                   
Mùa thu thay áo mới
Thu nay, đêm rằm không trăng. Vài ngày lại một cơn mưa ào ạt. Chợt mưa, chợt tạnh, như đỏng đảnh giận ai. Chắc lễ hội có phiền hà nên mưa nhiều cho Đền, Bia sạch sẽ. Hay là Đức Ông, quá bận bố phòng biên ải Cửa Ông, Móng Cái (Múng cỏi), như đã từng trấn giữ Hải Ninh - An Bang nơi đây ngày trước, về trễ, nên mưa nhiều cho thỏa.
Cuối thu, sáng chớm lạnh, nghe heo hắt gió may. Tuổi già, ngủ ít, đêm thấy lạnh lưng, lại sắp tiết trời "chưa cười đã tối", dẻo thơm cơm mới tháng Mười. Chợt một khúc nhạc rất nổi tiếng: Einsamer Hirte (2) của Gheorghe Zamfir, trong réo rắt tiếng Pan Flute say mê đêm khuya vắng, thấy thương Chàng chăn cừu cô đơn (tên bản nhạc) trên núi.



Nhớ khi đọc truyện ngắn "Những vì sao" của Alphonse Daudet một văn sĩ Pháp vào thế kỷ thứ 19, lời văn cho ta cảm giác nhẹ nhàng, lắng sâu với câu chuyện kể như cổ tích. Đêm trên đỉnh núi cao, gió tuyết, trong "ánh lửa khêu to" bập bùng lan ấm; Cô bé "mục đồng của nhà trời" "tươi mát và mịn màng" "mắt ngước nhìn lên bầu trời", nghe "Những vì sao" lấp lánh kể về người anh hùng Charlemagne trong cổ xưa nước Pháp, về những huyền thoại, cổ tích lung linh trong từng chòm sao đẹp. Còn với cậu chăn cừu, "Ngôi sao thanh tú nhất, sáng ngời nhất, vì lạc mất đường đã đến tựa đầu vào vai tôi và ngủ giấc yên lành...".
 

Ôi! Nước Pháp đẹp tươi và mạnh mẽ  mà quyến rũ từ những câu chuyện giản đơn như vậy đó.

Những vì sao đất nước
Còn lắng sâu trong tôi những hình ảnh thật hiền hòa, dễ thương của đồng quê nước Pháp: cái cối xay gió, cánh đồng xanh, suối chảy róc rách, đêm đầy sao, cùng những người chân chất, thật thà, cậu bé chăn dê, ông già Cornille. Như vẫn còn đây cảm giác như thuở ngồi ghế nhà trường: một tình cảm dịu dàng, trong sáng của tuổi trẻ, của thiên nhiên, trở về thời kỳ đời sống làng quê mộc mạc nhưng đầy tình người miền đất Việt.

Cuối Thu, tiết đổi mùa, cảm xúc trong tôi ngổn ngang nhiều nỗi. Ghi lại, cho mai này đọc lại những yêu thương.
Trở lại với khúc nhạc rất nổi tiếng: the Lonely Shepherd.  Bạn được so sánh giai điệu buồn của "Chàng chăn cừu cô đơn" với đêm sao lãng mạn đầy thánh thiện trong câu chuyện "Những vì sao".


Bản nhạc Einsamer Hirte Einsamer Hirte (2) của Gheorghe Zamfircủa Gheorghe Zamfir.



(1) Khi vận nước lung lay, quyền quân quyền đều do ở mình, Vương đem lời cha trăng trối để dò ý hai gia nô thân tín là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người bẩm rằng: "Làm kế ấy tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. Nay Đại Vương há chẳng đủ phú và quý hay sao? Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi".Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, khen ngợi. Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con là Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?" Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến thưa: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!"  Vương ngẫm cho là phải. Lại đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Trần Quốc Tảng tiến lên thưa: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ." Vương rút gươm mắng: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra" và định giết, Hưng Vũ vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Vương mới tha. Sau đó, ông dặn Hưng Vũ vương: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng." (Theo Wikipedia)
(2)Pan Fluste, sáo của thần Pan.
Theo thần thoại Hy Lạp, thần Pan là con trai của thần Hermes, vị thần sứ giả loan tin của các thần trên đỉnh Olympe và tiên nữ Driope. Khi sinh con ra, tiên nữ thấy đứa bé có hình thù quái dị nửa người nửa dê bèn bỏ chạy. Tuy nhiên, Hermes rất mừng vì có một đứa con trai, thần bế đứa bé lên Olympe nhờ các thần nuôi giúp. Lớn lên, thần Pan xuống trần bảo vệ những đàn gia súc của những người mục đồng, hộ vệ những tay thợ săn. Tuy bộ dạng khó coi nhưng tính tình của thần Pan rất vui vẻ, cởi mở.
Thế rồi một ngày kia, trái tim của thần Pan bị mũi tên của thần Ái tình (Eros) làm cho rớm máu. Sống trong cảnh thơ mộng của núi rừng, thần Pan đâm ra thầm nhớ trộm yêu một tiên nữ tên Syrinx. Vì là tiên nữ tuỳ tùng của nữ thần Artemis nên Syrinx thích săn bắn, kiêu kỳ và từ chối mọi lời tỏ tình của các nam thần. Một hôm, thần Pan đang dạo chơi trong rừng chợt thấy nàng Syrinx liền bám theo. Sợ hãi vì dáng nửa người nửa dê của thần Pan, nàng Syrinx quay đầu bỏ chạy, nhưng thần Pan quyết đuổi cho bằng được. Đang chạy, Syrinx gặp con sông chắn trước mặt, nàng liền quỳ xuống khẩn cầu thần Sông cứu giúp. Chấp nhận lời cầu cứu của nàng trinh nữ, thần liền biến nàng Syrinx thành một cây sậy mọc ven bờ.
Khi thần Pan lao vào Syrinx tưởng chừng như đã ôm được nàng vào lòng, thì cũng là lúc Syrinx chỉ còn là một cây sậy mềm mại đang run bần bật. Buồn bã, thất vọng, thần Pan cắt cây sậy làm thành ống sáo. Từ đó trở đi, những người mục đồng thường nghe vang lên những tiếng sáo khi nỉ non thánh thót, khi rộn rã tưng bừng. Đó là tiếng sáo của thần Pan.
Nghệ sĩ Gheoghe Zamfir người Romania nổi tiếng với cây sáo Pan Fluteđến nỗi ông được gọi là “Zamfir, Master of the Pan Flute”.Âm thanh của Pan Flute thật quyến rũ, mênh mông và đầy mê hoặc. Theo mình thì gọi là “sáo của thần Pan” quả thật không sai tí nào.(TrầnCan- dotchuoinonblog).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét