Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

(Sài Gòn) Chiện nhỏ!!!

Chợ Bến thành xưa
Những ai đã từng sống ở Sài Gòn chắc cũng từng quen thuộc với câu cửa miệng "chiện nhỏ" (phát âm đúng theo dzọng Sài Gòn là "chiện" chứ ko phải là "chuyện")

Đây là một bộ sưu tầm những chiện lặt vặt về người Sài Gòn, cách cư xử của người Sài Gòn. Những bác nào ko phải người Sài gòn thì đọc để hiểu thêm về người Sài gòn nhá (đề nghị ko flame vùng miền gì cả nhá)
Đoc để thấy cuộc sống vẫn còn nhiều đều tốt đẹp

Chuyện 1.
Đó là một con hẻm khá rộng rãi ở giữa nhưng hai đầu thì nhỏ xíu, chỉ chạy lọt chiếc xe máy, nối hai trục đường chính ở quận 3. Trong hẻm nhà cửa san sát, nhà mới xây cao 3~4 tầng cũng nhiều mà nhà cũ, mái tole gác gỗ cũng sin sít, nhiều nhà dùng phía trước để buôn bán nhỏ, bán đồ ăn hoặc tạp hóa, nhiều nhà mở tiệm gội đầu hoặc đặt biển công ty mà chẳng có nhân viên. Dân cư trong hẻm hầu hết đều biết nhau, cũng có một vài người mới dọn tới hoặc thuê nhà trong hẻm nhưng họ nhanh chóng làm quen với cư dân hẻm.
Bà chủ nhà trọ của tôi được gọi là cư dân lâu đời nhất của hẻm, hơn 60 năm. Bà là người cất nhà đầu tiên trên đất này. Bà kể, lúc bà vô Sài Gòn năm 16 tuổi, cả nhà bà đi trên một cái ghe. Lúc đó hẻm này, từ đầu đến cuối, là một con rạch rộng và sâu, bơi chừng vài chục sải mới sang bờ, tuy thông với nhiều rạch khác nhưng nước ở rạch này lại trong veo, đáy toàn cát. Bờ bên này, chỗ nhà trọ tôi ở, là một cái bến thuyền tấp nập suốt ngày đêm. Cha của bà đã dựng cái chòi đầu tiên trên bến, đúng chính chỗ căn nhà bây giờ, lúc đó ban đêm gió từ những con rạch thổi lồng lộng đến nỗi muốn cuốn bay mọi thứ.
Có nhiều sông rạch, nhiều đầm lác, nhiều rừng dừa nước đã biến mất, nhường chỗ cho phố xá và những con hẻm đầy nhà, đầy người, ở Sài Gòn.

Chuyện 2.
Ở một showroom sang trọng của một hãng xe hơi nổi tiếng mà giá của một chiếc xe nằm ngoài khả năng đếm của nhiều người, vào một buổi trưa trời nắng gắt bên ngoài nhưng bên trong vách kính thì mát lạnh. Anh nhân viên bán hàng mặc đồ vest với cà vạt và dày da bóng lộn đang ngồi xem tivi.
Có một cụ ông đi bộ ngoài đường mở cửa vào showroom. Trông ông có vẻ không được khá giả lắm, tuy cũng vận áo sơ mi ngắn tay cũ và một chiếc quần khaki ngả màu. Ông cụ bước vào, đảo mắt nhìn một lượt rồi chắp tay sau lưng đi đến những chiếc xe trưng bày và bắt đầu xem xét. Anh nhân viên bán hàng bật dậy đi theo cụ, anh đi nhẹ nhàng và tỏ vẻ lịch sự. Anh gọi cụ là ngoại. Ngoại ơi, ngoại à. Mỗi lần cụ dừng lại ở một chi tiết anh lại đề nghị được cho cụ xem rõ hơn, anh mở cửa trước, cửa sau, mở nắp capo để cho cụ xem. Khi cụ tỏ ý thắc mắc thì anh lại nhẹ nhàng giải thích với cụ, cụ già cứ gật gù lắng nghe nhưng có vẻ không hiểu mấy.
Đi chán cũng mỏi, anh bán hàng mời cụ già lại chỗ sofa có cái bàn kiếng sạch bóng và mời cụ dùng café, loại café đá pha sẵn thôi. Mãi sau cụ già nói với anh: qua thấy chỗ bán xe hơi này sang trọng quá, lại có máy lạnh nên qua vô xem chơi, chứ xe này cả dòng họ qua gom tiền lại cũng mua không nổi. Anh nhân viên vẫn rất lịch sự: dạ con biết, sẵn ngoại vô chơi thì con giới thiệu luôn để ngoại coi xe, đâu phải ai vô coi xe cũng mua đâu ngoại. Anh cười, coi bộ hiền khô.

Chuyện 3.
Một góc ngã tư giao lộ giữa hay con đường thuộc loại đông nhất nhì Sài Gòn, nơi thường xuyên bị kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm. Bên cảnh sát giao thông phân công hai anh sĩ quan đến trực ở ngã tư này để giải quyết nạn ùn tắc và xử phạt mấy phương tiên chạy ẩu, nhất là mấy chiếc xe hơi rẽ trái sai luật.
Hai anh sĩ quan này có lẽ thuộc loại vất vả nhất trong ngành vì thời gian của hai anh hầu hết đều phải đứng ngoài nắng ngoài mưa để phân luồng và điều chỉnh đèn tín hiệu, chỉ cần hai anh vắng bóng một lúc là cái ngã tư lại nùi nùi một mớ xe cộ.
Chỗ hai anh đứng có một cái tủ điện chìm, lúc nào cũng có nước uống. Sáng thì café, nắng lên thì trà đá, chiều thì có nước đá chanh… Mỗi khi uống hết nước thì anh sĩ quan trẻ hơn băng qua đường đem trả những cái ly cho một quán cóc gần đó. Quán cóc vỉa hè nhưng lúc nào cũng có khách ngồi.
Lát sau bà chủ quán lại bưng qua một món thức uống mới, đúng lúc tôi đứng gần đó. Anh sĩ quan lớn tuổi hơn quay qua nói, hình như cốt để cho tôi nghe: bà này bả cho tụi tôi uống nước miễn phí cả tháng nay, nói hoài mà hông chịu cầm tiền, mơi không uống nữa nghen bà. Bà già cười lớn, ha hả, mấy chú làm việc cực khổ, tui đãi miếng nước, chuyện nhỏ xíu mà, mấy chú uống cho tui dzui.

Chuyện 4.
Dạo này Sài Gòn trời nắng gắt, đi ngoài đường hay thấy mấy thùng ghi “trà đá miễn phí”, ai muốn uống thì uống, dân xe ôm, xích lô là khoái dữ lắm, ghé uống ừng ực rồi cứ vậy đi, không cần phải cảm ơn.
Một lần ông xe ôm chở tôi xin phép tấp vô lê uống ly trà đá, tôi mới biết là có trà đá miễn phí. Đó là thùng trà đá miễn phí tôi thấy đầu tiên, nó ở gần bệnh viện 115, mặc dù nó không có bảng ghi “miễn phí”, chỉ thấy một thùng trà đá để ngoài đường, ai qua lại nếu biết cứ tự động rót mà uống. Uống hết có người ra châm trà, châm nước, bỏ đá vô.
Tôi hỏi ông xe ôm, trà đá miễn phí kiểu vầy có nhiều không chú. Ổng nói cũng nhiều, tùy mình biết chỗ mà ghé uống, trời nắng vầy có ly trà đã cũng đã lắm chú. Tui không phải nghèo đến mức cần phải uống trà đá miễn phí, tui uống bị thấy khoái vậy thôi.

Chuyện 5.
“Bây giờ cầm tờ báo lên là rầu, hết muốn coi báo” - Câu này của một đại gia Sài Gòn. Đại gia này có lẽ đã về hưu, con cái đã thành đạt lấy vợ lấy chồng ở riêng hết. Đại gia này thường hay ngồi ở quán café cóc của bà già ở mẩu chuyện số 3. Sáng nào cũng có mặt, dù nắng hay mưa.
Sáng nào đại gia cũng mua báo, chắc chắn là có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Công An, Pháp Luật… thỉnh thoảng mua tờ tạp chí hoặc nguyệt san. Đại gia chỉ mua báo của hai người, một con bé và một thằng bé quen, bữa đứa này bữa sau đứa kia. Hai đứa trẻ bán báo không bao giờ cạnh tranh nhau quyết liệt hoặc tỏ ra giành mối, chúng vui vẻ cùng phục vụ một vị khách hàng. Đại gia mua rất nhiều nhật báo nhưng lúc ra về chỉ đi tay không.
Sau này, khi có dịp ngồi ở quán café cóc đó suốt một buổi sáng tôi mới biết. Nếu hôm đó đại gia mua báo của thằng bé, sau khi đọc xong ông sẽ gấp tờ báo lại như cũ và đem cho con bé đi bán tiếp và ngược lại, nếu mua của con bé thì ông sẽ đem cho thằng bé để nó đi bán cho người khác, tiền thì ông vẫn trả đủ.

Chuyện 6.
“Cho nhiêu cũng được” – Câu này ai ở Sài Gòn chắc là biết, chắc thỉnh thoảng có nghe, nhất là khi đi taxi, xe ôm, xích lô… nếu là khách đi quen rồi hoặc quãng đường gần quá khó trả giá thì bác tài sẽ nói vậy: chú (cô) cho nhiêu cũng được. Nói vậy chứ ai đành lòng cho ít, ví như đúng ra bảy ngàn thì khách sẽ đưa mười ngàn cho chẵn tiền.
Đó cũng không hẳn vì ít tiền quá mà nói vậy, cũng có khi nhiều thứ giá trị hơn người bán cũng nói: cho nhiêu cũng được. ví dụ như chuyện có cô giáo nọ dạy văn ở một trường cấp hai, cô nổi tiếng là thương học trò như con. Mỗi buổi sáng cô hay đi chợ ở gần nhà để tiện việc cơm nước. Trong chợ có rất nhiều người biết cô là cô giáo, và họ thường gọi luôn là “cô giáo”. Nhiều khi cô giáo cũng khó xử với các bà, các chị trong chợ, họ cứ bỏ vô giỏ cô khi thì con cá, khi thì bó rau, khi thì ký thịt… khi cô đòi trả tiền thì họ không chịu lấy hoặc nói: cô giáo cho nhiêu cũng được.
Cho nhiêu cũng được

Chuyện 7.
Ông là thương binh, thương binh của chế độ cũ, ông bị thương gần ngày Sài Gòn giải phóng. Sau giải phóng ông làm nhiều nghề để sinh sống và để nuôi ba đứa con ăn học. Một lần nọ ông làm công việc bảo vệ ở một nhà hàng vào buổi tối, đó là một nhà hàng lớn và có rất nhiều nhân viên và thực chất công việc của ông là chuyên đắt xe cho khách đến ăn nhậu mà thôi. Chủ nhà hàng là một người đàn ông khá giả và cư xử rất được.
Một hôm có chuyện. Đêm khuya khi nhà hàng chuẩn bị đóng của và người chủ cũng chuẩn bị ra về thì có một nhóm người hung dữ cầm mã tấu xông vào nhà hàng truy sát người chủ. Người đàn ông tuy khá cao to và nhanh nhẹn nhưng khó có thể chống cự với bốn năm tên sát thủ chuyên nghiệp, tất cả mọi người bỏ chạy tán loạn. Ông thấy vậy không được nên đứng ra bảo vệ chủ mình, vừa đỡ đòn vừa dìu anh này bỏ chạy. Nhờ sự giúp sức của ông, nạn nhân đã thoát thân tuy cũng bị thương nhẹ, còn ông thì bị hai nhát chém nặng mà một nhát sau này đã làm ông không thể cử động cánh tay phải.
Người chủ mang ơn ông lắm dù ông nhiều lần nói “chú ơi, tôi làm công cho chú thì phải bảo vệ chú thôi, ơn nghĩa gì mà chú cứ nói hoài”. Và mặc dù ông đã nhiều lần từ chối nhưng người chủ nhà hàng vẫn mua cho ông một căn nhà nhỏ, chu cấp hằng tháng đủ nuôi cả gia đình ông và cho tiền ba đứa con ông ăn học.
Chuyện xảy ra đã lâu rồi. Hôm qua tôi ngồi trong ngân hàng, ngồi kế bên cậu con trai lớn của ông và được nghe câu chuyện này. Cậu nói: chú đó sắp đi Mỹ rồi nên bữa nay chú kêu con ra ngân hàng mở tài khoản để mai mốt chú chuyển tiền về.

Chuyện 8.
Chuyện này nghe một bạn sinh viên kể. Bạn nói trước nhà bạn nghèo lắm, mẹ bạn bán vé số ở Quận Tám và bạn cũng đi bán phụ mẹ. Nếu bạn học buổi sáng thì sẽ phụ mẹ bán buổi chiều và ngược lại, nhà chỉ có hai mẹ con.

Có một chú thợ hồ ở gần nhà, nói là gần nhà chứ thực ra là ở một cái chòi trong xóm hẻm sâu sát bờ kinh, chú này mỗi khi nhậu thường hay mua vé số của hai mẹ con cậu. Chú này mua không nhiều, mỗi lần chỉ mua hai vé, nhưng điều đáng nhớ là sau khi trả tiền hai vé thì chú sẽ cho lại cậu một vé, và lúc nào cũng căn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.
Và cậu đổi đời thiệt, một lần cặp vé số định mệnh đã trúng giải độc đắc. Người vợ của chú thợ hồ khi biết chồng mình trúng số độc đắc đã nổi lòng tham và muốn đòi lại tờ vé số mà chú đã cho cậu buổi chiều trước đó. Nhưng chú thợ hồ đã kiên quyết không đòi lại, chú còn dùng tiền trúng số đã cả xóm một bữa nhậu linh đình.
Có vốn, mẹ cậu không bán vé số nữa mà chuyển ra mở quán ăn sáng và cuộc sống của hai mẹ con đã khá hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng chú thợ hồ thì vẫn ]làm thợ hồ, bây giờ chú mua vé số của người khác nhưng tật cũ vẫn không bỏ, mua hai vé và cho lại người bán một vé. Chú luôn dặn: nhớ giữ lại hen mầy, phải thì cùng đổi đời.

Chuyện 9.
Tôi đã xin ông chụp tấm hình này năm ngoái
Ông chạy xe ôm ở Quận 10 nhưng nhà ông thì ở tận ngã tư An Sương, vợ ông thì bán vé số nên ông thường đậu xe kế bên bà. Hai người mang cơm theo ăn buổi sáng và buổi trưa, buổi chiều thì trả vé về sớm rồi cùng ăn ở nhà.
Quê ông bà ở Cần Giuộc. Bữa nọ thấy có người trông dáng như ở quê lên, tới ghé cho ông bà hai con gà, một buồng chuối và một giỏ đệm đầy cá trê phi, con nào con nấy mập ú, vàng óng. Tôi tò mò hỏi: bà con dưới quê gửi lên hả chú? Ông cười, nói đúng ở quê gửi lên nhưng mà hông phải của bà con, thằng đó nó chiếm đất của tui đó chớ.
Nhà ông có nhiều anh em, cha ông có chia cho ông ba công ruộng ở quê. Ruộng đất phèn nên một năm chỉ trồng được một vụ mà lại có mùa trúng mùa thất nên ông bỏ đó lên Sài Gòn chạy xe ôm. Ruộng bỏ hoang lại nằm xa xóm nên không ai coi. Một lần ông về quê và phát hiện ruộng của mình có người chiếm mất. Đó là một gia đình nghèo, hai vợ chồng và bốn đứa con nheo nhóc, trước họ sống theo ghe nhưng cái ghe nát quá nên cả gia đình dắt nhau lên bờ kiếm đất hoang lập nghiệp, cũng bị đuổi cùng đường mới tới đây.
Mới đầu ông cũng làm căng, thưa lên xã rồi nhờ bà con tới đòi kịch liệt lắm, nhưng do đất nhà từ xưa không có giấy tờ, lúc chia cũng không lập di chúc nên khó nói lý. Rồi ông phát hiện bà vợ mình bị tiểu đường nặng nên thời gian của ông chủ yếu ở bên bà, ông không thiết đòi đất nữa. Một lần về quê đám giỗ ông đã ký giấy cho gia đình nghèo nọ ba công đất luôn.
Ông nói, mình cũng nghèo mà thấy tụi nó còn nghèo hơn. Mình già rồi, sống nay chết mai, thôi coi như làm phước cho tụi nó. Cũng được cái là vợ chồng nó cũng biết điều, nhận tía má luôn, đem lên cho đồ hoài, ăn hổng hết.

Chuyện nhỏ ở Sài Gòn

Saigon Theatre
Tôi chưa từng tham gia diễn đàn này, tôi đồ chủ yếu thành viên của diễn đàn là các bạn trẻ, tầm 20~30. Vì các bạn ấy copy hai entry "Chuyện nhỏ ở Sài Gòn" post lên và tạo ra một cái thread đến 45 trang nên tôi lụi hụi vào đọc và nhặt ra được nhiều mẩu chuyện cảm động, xin post lại đây coi như sự chia sẻ của bạn đọc.
Lưu ý là tác quyền thuộc về các thành viên diễn đàn và tôi chỉ copy lại, vẫn giữ nguyên văn phong forum có phần hơi teen của các bạn ấy, các bác lớn tuổi hơn chịu khó chút nhé, chủ yếu là tấm lòng. Hy vọng là các bạn không cảm thấy phiền khi những mẩu chuyện thế này được chia sẻ.
...
1. Ở ngay ngã tư Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), thường ngày có một anh thanh niên ngồi bán áo mưa 2 đầu và “áo” vải nhựa trùm xe hơi, xe honda. Có điều là sát cái ngã tư đông đảo xe cộ này lại có BV phụ sản Từ Dũ nên ngày ngày, số bà con – nhất là các chị em ngụ ở các tỉnh xa – đến anh thanh niên hỏi đường vào cái nhà thương nổi tiếng khắp miền Nam này thường còn muốn nhiều hơn cả số khách ghé hỏi mua áo mưa.
Do đó, anh cho biết: “Tôi bèn đặt làm tấm bảng này để chỉ đường cho rành rẽ, giúp cho bà con. Với lại xung quanh đây có rất nhiều tụi cò chuyên môn kiếm tiền bằng cách chỉ dẫn bậy bạ cho người ta đến mấy chỗ nạo thai, phá thai tư chớ không phải vào bệnh viện cho đúng chỗ và an toàn… Có đáng xá gì cái bảng này, tôi chỉ tốn hết hơn một trăm ngàn thôi mà!”

2. Mình thì bắt gặp 1 chuyện thế này.
Buổi tối cách đây 3 năm, năm học lớp 12, đi học thêm buổi tối ngang qua công viên Gia Định. Lúc tình cờ liếc vô công viên. Thì thấy 1 anh bán nước cầm 1 ly nước (trà đá hay nước mía thì ko bik) đưa cho 1 anh lao công dọn dẹp vệ sinh đường phố (mặc áo cam dạ quang chíu chíu búa xua í). Anh này cảm ơn, anh kia xua xua tay í bảo ko có gì đâu...
Thấy mỗi hình ảnh í thui mà mình vui vui nguyên buổi tối. Giờ nghĩ lại vẫn thấy vui, vì cũng còn nhìu người tốt...
3. Thêm 1 chuyện nữa. Năm học lớp 1. Chờ mẹ tới đón.Thấy chú kia bán kẹo bông gòn. Thích ơi là thích mà tiền hùi nãy đóng bão lụt gì đấy hết tiền rùi, chả còn đồng nào. Mà hình như cây kẹo bông gòn lúc í có 500d àh, 15 năm rùi mà...
Thấy chú ý bán kẹo bông gòn thì thích lắm. Nghĩ bụng chợ mẹ tới sẽ mua. Lúc sau mẹ tới, nằng nặc đồi mẹ mua. Tiếc thay mẹ mình quên giờ đón nên chạy vội đi đón mình, mà ko mang theo tiền. Mẹ bảo để mai mẹ mua cho, vì đi gấp quá ko mang tiền, mình ko chịu (hồi đó bướng thế), ko chịu, cứ nhìn theo chú bán kẹo bông gòn.
Hình như chú ý biết, tháo 1 cây kẹo bông gòn ra cho mình. Mẹ ko cho lấy, vậy mà cũng lấy. Lấy xong đi về bị lầm bầm, mẹ nói là : "mai phải mang lên trả chú ý, ko thui chú í đòi á". Nhưng từ đấy về sau ko thấy chú ý đâu nữa.....
15 năm rùi....


4. Có lần, kiếng của tớ bị đứt dây cáp ở cái gọng. Đem đi sửa, anh sửa kiếng thay dây cáp cho mình, còn lấy thuốc rửa kiếng ra xịt lau cho sạch. Khi hỏi bao nhiêu tiền thì ảnh nói thôi, có gì kiếng hư em mang đây cho anh sửa, anh lấy giá rẻ cho. Còn một chuyện khác là hồi mình còn đi xe đạp đi học, bị thủng ruột xe mà trong túi ko còn tiền, thế là dắt bộ 5 cây trên đường về nhà, đang dắt chưa tới nửa đường thì ông sửa xe kiêu lại, mình nói ko có tiền thì ổng nói để ổng vá cho, có gì mai quay lại trả cũng được. Thế là ổng vá xong, còn tăng sên cho mình nửa chứ, thế là mình phóng một mạnh về nhà xin tiền mẹ và phóng lên đưa cho ông 5k (vì hồi đó tiền vá là vậy), ổng trả lại em 2k ổng bảo lấy tiền đi uống nước đi.


5. Nhớ lần trước đi đổ xăng, kêu đổ 40k nhưng tới lúc đưa tiền mới nhớ là ko mang theo bóp, chưa kịp nói thì ảnh đoán dc mình ko có tiền, ảnh lấy tiền túi ảnh ra bù vào chổ thiếu của mình, rồi nói mai mốt có đi đâu thì nhớ kiểm tra kỉ trước khi lên xe.


6. Em là người SG
Hồi trước mà ko phải giờ cũng có nữa, mỗi khi mưa lớn là đường ngập, khi nhỏ đi với chị trên xe Dream thăm bà con nhà ở hẻm nào đó ko nhớ nữa (nhưng mà chắc chắn là ở ...SG), gặp mưa lớn wa nước lên tới đầu gối, tắt máy, khi đó còn nhỏ chị kiu ngồi yên đề chị xuống đẩy (chứ bi giờ là mình đẩy xe dc rùi), có mấy anh trong khu đó chạy ra, chính xác là lội nước ra giúp chị đẩy xe vô chổ cao, dóc xe nghiêng ra sau nước chảy ra ngòai bô, rồi lau chùi bugi ,đề máy nổ lại dùm chị, chị đưa tiền thì mấy anh đó ko nhận rồi quay lưng ra kiếm xe khác lội ra dắt vô tiếp.
Sau này lớn, mình bắt chước, mỗi lần mưa mình cũng hay dắt xe dùm người ta khi mà ngập, kiu hêm mấy thằng bạn nữa , lội mưa đẩy xe, hò dô ta dzui lắm, ngán nhất gặp SH chết máy nặng bỏ mợ, gặp nước xiết thì ặc ặc, nói ra anh em đừng gạch chứ mình cũng có khi gặp mấy em xinh tươi chạy tay ga cũng xin số làm quen.
Mùa mưa nắng SG đúng là nhìu chiện để nói, sau này dắt xe dùm người ta mình cũng sẽ nói với họ khi họ cám ơn mình là:"chiện nhỏ".


7.Chiều hum bữa trú mưa trên Nam Kỳ Khởi Nghĩa, có cái hiên chút xíu, mình chạy xe vào, vừa gạt chống xe xong thì thấy 1 ông già gầy nhom đang dắt xe đạp vào, không biết làm gì mà chở phía sau cái bao bự tổ chảng lun, thấy ổng dắt lên khó wa mình cũng chay ra đẩy phụ, mẹ nó, vừa chạy ra thì trời mưa rầm rầm, thây kệ chơi lun, dắt zô thì 2 người cũng đủ thấy lạnh, nhìn ổng run run, mình móc gói mòe 6 điếu ra (trong còn đúng 2 điếu), mời ổng 1 điếu, mình 1 điếu, 2 chú cháu nói chuyện bâng quơ xíu thì hết mưa....
Chạy xe ra đường, nhìn phố xá trong nắng chiều sau cơn mưa thấy lòng nhẹ nhõm kỳ lạ


8. Mình cũng có chuyện này muốn kể mà không biết có liên quan gì đến "Xài Gòn" không.
Hồi đó học lớp 9 (khoảng năm 95-96) gì đó. Mình mượn chiếc "dream lùn" của ông anh qua rủ thằng bạn đi vòng vòng chơi, mình cho nó chở. Ngang qua cái bùng binh Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ, NTMKhai) thì xe đông quá phải đi cà nhấp, cà nhấp. Mà thằng bạn thì lùn quá (lúc đó chắc khoảng mét rưỡi) nên nó lủi vô cái lề sát bùng binh để.... chống chân cho dễ . Vô tình trong lúc rẽ vô lề thì nó cúp đầu ông kia đi đằng sau, mà 2 thằng cũng không để ý. Thế là ổng vượt lên đi ngang với xe mình rồi ra dấu quắc quắc thằng bạn biểu đi theo ổng.
Ổng già tuổi khoảng trung niên, chạy chiếc "dream cao", đeo kiếng cận, mang cái khẩu trang che gần hết cái mặt... chạy tới đầu đường NTMKhai và Phạm Viết Chánh thì ổng dừng lại đợi 2 thằng chạy tới. Thằng bạn với mình cũng chẳng biết chuyện gì, cứ ngây ngô chạy theo ổng mặc dù có linh tính là có "chiện" gì đây.
Thằng bạn vừa dừng xe ngang với ổng chưa kịp nói câu nào thì "BỐP" một phát.
- "Đ!t me", mày vừa chạy xe kiểu gì đấy hở?
Tiếp theo là ổng đá chống nghiêng xuống, tay định tháo khẩu trang ra và đứng lên... mình chắc mẵm chắc là xuống xe cho ăn đòn tiếp rồi. Thằng bạn thì chưa kịp hoàng hồn vì ông phủ đầu lẹ quá. Đang không biết làm gì thì...
Cùng với thời điểm ông trung niên đá chống nghiêng dựng xe thì có 2 anh (chắc cỡ 25-30 tuổi gì đó) chạy chiếc Spacy (đít vịt) trắng thắng cái kít sát bên xe ổng. Anh cầm tài đứng lên táng một cái vô mặt ổng rớt luôn cái khẩu trang và lệch cái kiếng cận.
- Mày nói chuyện không được hả? Nó nhỏ mày làm gì đánh nó ?
Vừa nói và tấp ông kia liên hồi khiến ông vừa đỡ vừa thối lui. Dân người ta bắt đầu bu lại xem rồi cũng bắt đầu bình luận. Mình thấy tình hình coi bộ bắt đầu nghiêm trọng mặc dù muốn đội ơn 2 anh ấy và nói lời cám ơn cái sự "ra tay tương trợ". Thằng kia thì vẫn còn ngó diễn biến trận đấu nhưng mình thúc nó đi cho lẹ mắc công phiền (2 thằng mới 14 tuổi ko có bằng lái, lỡ CS tới chết cha).
Cảm kích hành động đó 2 thằng quyết tâm... mốt lớn "thấy chuyện bất bình cũng rút dao tương trợ". Tiếc thay giờ đã lớn, mà thân hình èo ọt quá. Vã lại thời thế thay đổi... xã hội phức tạp, ai ai cũng manh động. Quẹt xe cũng chết, nhìn cũng chết... nên ra đường lo cái thân mình trước cái đã, ai bị gì thì kệ m người ta. Anh hùng kiểu đó chắc có ngày ra Bình Hưng Hòa sớm.
Cái này cũng chỉ là suy nghĩ chủ quan, mình không biết vùng miền khác người ta có "rút dao tương trợ" trong hoàn cảnh như vậy không. Mình chỉ từng sống qua ở Sài Gòn cũng không biết nhiều.


9. Năm ngoái mình còn chứng kiến chuyện gần giống vầy nhưng hay hơn cơ. Bữa đó đang chờ đi xe bus từ BV Việt Pháp (Q.7) về SG, thấy 1 anh chạy xe cup chắc từ thời 7x vừa ngồi trên xe vừa ... lấy chân đẩy, xe chắc hết xăng hay hỏng máy gì đó. Tự nhiên 1 anh xe @ từ sau chạy tới kê chân đẩy đi, anh kia ngạc nhiên quá quay lại há hốc mồm, còn anh @ cứ tự nhiên lấy chân đẩy kêu "đẩy giúp tới chỗ sửa xe". Mình đứng nhìn mà cũng há hốc mồm theo. Người SG dễ thương thiệt !


10. Mình người SG chính gốc. Cách đầy 2 năm, đi nhậu về thế nào rớt ngay cái bóp. Trong bóp tiền thì không nhiều, nhưng có bằng lái, CMND, cà-vẹt xe, và quan trọng là phiếu hẹn lấy cái vaio mình đem sửa dùm ngta.
Mình nghĩ thôi rồi, kỳ này ăn cho hết lun.
Qua hôm sau, có dt hỏi mình có làm rơi bóp phải không, mừng hết lớn, nghĩ lấy lại giấy tờ là được rồi. Ai ngờ ngta đem trả mình tất cả y nguyên như lúc rớt bóp.
Chỉ kịp cảm ơn 1 tiếng là ngta đi mất.
Người ấy là 1 người con gái rất đẹp....


11. Có sống ở những con hẻm nhỏ,nhà cửa san sát,mới thấy được tình cảm của những người SG.
Như khu tui đang sống, một hẻm cụt của dân lao động. Tưởng chừng như rất xô bồ, phức tạp, nhưng rất có tình cảm.
Nhà nào có chuyện là cả xóm bu lại mà giúp, người phụ việc này, kẻ lo việc khác.
Như nhà tui bữa mới sữa nhà xong. Lúc dọn đồ đạc vào, ra đường nhờ 1 tiếng là mấy a thanh niên trong xóm vào phụ ngay, không công cán gì cả, chỉ mỗi người 1 ly cafe và gói mèo hút chung với nhau.
Cách đây 3 tuần, mẹ mình bị trúng gió té xỉu trong nhà, lúc đó mình đi mua đồ ăn chưa về, vợ gọi dt, mình phóng ào về, trong lòng rất lo, về tới nhà đã thấy mấy dì ở xóm, người thì vắt chanh pha nước, người thì bắt gió cho mẹ tôi. Thương lắm tình hàng xóm SG


12. Nói đâu xa, mới tháng trước chiếc Wave chiến của mình bỗng dưng chết máy ở ngay đoạn Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẫu. Mình nghĩ hết xăng nên mới mua xăng ở ngay một quán nước góc đường này luôn. Mở ra mới thấy xăng còn nhiều nên cô bán nước không bán, mình nói cứ bán đi cô cũng không bán mà còn kêu thêm 2 anh làm ở KS kế bên lại giúp. Mình chưa kịp nghĩ gì thì 2 anh ấy đã hăng hái lại giúp mình sửa con Wave rồi Một hồi hì hục thì nó cũng chịu nổ máy, mời ly cà phê cũng không chịu và nói "Chuyện nhỏ mà có gì đâu", mình cũng đành cảm ơn rồi . Mà 2 anh ấy chắc cỡ tuổi mình thôi, 25 là cùng.


13.Hi, luôn tiện kể mọi người, nói chung chuyện cũng không tốt đẹp gì, nhưng kể cho vui

Chuyện là thế này, mình và mấy thằng bạn hôm đó là cuối tháng, quyết định đi ăn chơi nhãy múa xá xì tress, nhậu tân đầu, tân 2 máu lên thế là "bôm - ia" thẳng tiến.

Đi vô điều đào tum lum tè le, ăn chơi múa cột đủ kiểu, lúc ra về đi 1 tốp về gần tới nhà thì thằng bạn nói: chết cmnr, cặp laptop tao để quên ở quán "bôm-ia" rùi, thế là cả bọn rồ lên chết cmmr, "bôm ia" thì mất chắc.

Tầm 2h sáng quay lại tới nơi, thấy quán đóng cửa rùi, cả bọn nghĩ thôi rồi lượm ơi, thế là cả bọn đem số mấy em đào ra gọi (cu nào zô cũng xin số nhưng dek bao giờ gọi), gọi đc 1 em, em đó điện cho ông chủ, ông chủ đang nhậu đêm ở K3 thì vội xách đít đóng oto về mở cửa và đưa laptop lại, rùi còn nói kiểm tra xem có mất gì không và còn say See you rùi mới đóng oto ra nhậu tiếp.

Nghĩ lại thấy quán "bôm - ia" nó cũng còn tình người ở cái đất SG bon chen này.


14. Sài Gòn mưa nắng thất thường nhưng tình cảm của người Sài Gòn bao năm vẫn vậy.
Người Sài Gòn theo mình là những người ở Sài Gòn, không phân biệt là sinh ra ở đâu, Nam, Trung hay Bắc. Thử hỏi có ai là người chính gốc Sài Gòn, xin thưa không. Sài Gòn là quê hương chung của mọi người.
Mình vẫn nhớ những trận ngập lớn của những năm về trước, mưa lớn đường xá ngập hết. Xe cộ nối đuôi nhau dài cả cây số. Khói, bụi và tiếng xe hòa vào nhau tạo thành một cái gì đó hỗn loạn. Nhưng con người không loạn. Tiếng cười nói vẫn xôn xao. Đó là những lời hỏi thăm, chia sẻ hay đơn giản là hỏi nhau có ăn/uống gì không. Mình nhớ hoài hình ảnh một chú chìa cho mình hộp cơm nói "ăn đi con, đứng dưới mưa chiều giờ rồi". Đừng dưới mưa gần 4 tiếng nên ai cũng lạnh nhưng tình người vẫn ấm.
Nhưng kỷ niệm khiến mình khắc sâu nhất, là hình ảnh một anh trai rất bặm trợn, người xăm trổ rồng phượng, nhưng lại là một người tốt.
Đêm mùng 2, mình từ quận 6 về quận 2 thăm họ hàng, sau đó kẹt nhiều kèo quá nên phải về khuya, đang chạy giữa đường thì hết xăng. Khổ nỗi lúc đó là 2 h sáng không còn cây xăng nào mở cả.Thế là dắt chiếc AB nặng gần trăm ký hơn 2 cây số. Một lúc sau dẫn đến gần một quán ốc mà đến giờ mình vẫn nhớ là quán 354, có một anh đang ngồi nói chuyện với một dì cũng khá lớn tuổi mà đến lúc sau mới biết là chủ quán. Ảnh hỏi hết xăng hả, dẫn xe theo anh vào nhà anh đổ cho.
Mình cũng ngần ngại vì ngoại hình của ảnh không được "hiền" cho lắm. Ảnh hiểu nên lật đật chạy vào nhà đem can xăng 3 lít ra đổ cho mình. Mình đòi gửi tiền nhưng anh không lấy mà nói có gì sau này ra quán ủng hộ là vui rồi. Anh em không mà.
Sống ở mảnh đất này cũng gần 20 năm, nhưng tình cảm dành cho mảnh đất Sài Gòn này vẫn ngày càng nhiều. Yêu từng góc phố, từng căn nhà, và cũng yêu cả con người Sài Gòn.


15. Sẵn topic này mình cũng xin kể một câu chuyện thú vị của nhỏ bạn mình, nghe nó kể mà mình ấn tượng hoài.
Cách đây khoảng 4 năm, nhỏ bạn mình gói ghém hành lý rồi bắt xe ôm ra bến xe miền Tây để về quê nghỉ hè. Tới nơi rồi nó móc 200k ra trả tiền xe ôm, ông xe ôm móc hết túi ra ko có tiền thối lại mới nói dzí nó là: "con đợi đây chút xíu, chú đi đổi tiền thối cho con !". (tiền xe ôm là 50k thui).
Nhỏ bạn mình đứng đợi, 5', 10' rồi 15' mà cũng không thấy ông xe ôm đó quay lại, nó bắt đầu hiểu ra là ông kia lặn lun rồi. Lúc đó 200k là tất cả số tiền nó có, mà nó còn chưa mua vé xe về quê nữa. Vừa buồn vừa tức, nó đứng trước cổng bến xe khóc ngon lành. Sau đó tự nhiên có một chú xe ôm nhìn cũng trẻ trẻ thôi, chạy tới hỏi nó: " Sao mà khóc vậy con" (Giống bụt quá hén ). Con nhỏ sụt sùi kể lại sự tình, chú đó nghe xong mới móc ví ra nói:" Chú sáng giờ mới chạy được có 2 chuyến thôi nên ko có nhiều, thôi con cầm tạm nhiêu đây mua vé đi"- nói rồi chú đó rút ra đúng 120k đưa cho nhỏ bạn mình mà ko đề cập tới chuyện trả nữa. Nhỏ bạn mình cảm ơn rối rít, còn hỏi số điện thoại và hẹn ngày quay lên SG sẽ trả chú. Tuy nhiên, sau đó nó có quay lên và nhiều lần liên lạc với số điện thoại đó mà ko được. Hông biết chú xe ôm tốt bụng đó giờ ở đâu rồi, nhỏ bạn mình nói giờ mỗi lần ra bến xe về quê, nó vẫn ngó nghiêng tìm chú đó mà ko thấy.

Đôi khi người ta làm việc tốt mà ko mong báo đáp, nhưng họ đâu biết là họ đang gieo vô lòng người khác những hạt mầm tốt đẹp. Những người đã được giúp đỡ cũng sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, âu đó cũng là một cách trả ơn tốt nhât mà, phải hông?


16. (Cái này để phụ họa cho chuyện anh bán hàng ở showroom oto).
Ngày xưa mình cũng đi bán đồ điện tử ở siêu thị điện máy bên Q5. Mọi người vô, mình thấy nv chỗ mình đều đối xử như nhau cả, những bác xe ôm thợ hồ quần áo lắm lem hồ, áo thun rách vai vào xem chỗ quầy tivi LCD hay các thiết bị khác, tụi mình vẫn đón tiếp bình thường và giải thích mọi thứ nếu người ta hỏi. Mình nói xạo mình làm con các bạn luôn


17. Đúng là SG đất giữ người. Mình là dân Btre chính gốc. Lên SG học rồi làm rể SG lun, gấu nhà mình dân SG gốc nhiều đời rồi, nhưng lúa lắm (nói ra chắc hiếm người tin) và---nghèo....!
Chỉ được cái khu đó toàn là bà con hoặc quen biết nhau hết...
Hôm rồi mình bị giựt mất cái laptop, điều kiện cũng khó khăn nên chưa mua lại đc, mà công việc thì đang cần, vậy là cô chú hàng xóm (ko có bà con chi hết) kêu qua đưa cho 15 tr mua máy mới để đi làm, nói khi nào lãnh lương gửi lại cô chú!
Mún khóc lun ... hức hức....
Người SG gốc sống chan hoà tình cảm lắm....
Nguồn

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

HOÀI NIỆM

MƠ... EM MƠ... MƠ VỀ 

                          CON ĐƯỜNG NHỎ
          

 

                                                                    Quanh co lối mòn hoa dại nở ...
                       
Tôi nói với bạn rằng Tháng Tư như một gì đó khiến người ta hoài niệm. Trời sáng ấm, người ta vẫn comple đi dự cưới như muốn níu kéo lại cái lạnh cuối xuân. Chân trời rõ hơn mỗi bình minh, hai chúng tôi sáng sáng cafe dưới gốc doi vườn nhà, nói về tuổi cuối thu, đôi điều về con cái và những trăn trở gần đây về hạnh phúc của các con. Chim vẫn ríu rít trên cây sung đang ra lộc, chùm lá biếc trên cây ngâu, vài nụ mộc hương ngan ngát từ đêm qua. Một cái tuổi thật thanh nhàn nhưng sao mà trăn trở, không ước muốn nhiều cho hai mà mong đợi cả ở các con.             
Cứ vậy, người đi làm, người đi chợ, rồi cái bình lặng lại trỏ về sau một ngày, con Capi đón cổng, con Vàng rập rình đến bữa ăn cơm, có tiếng bay của đàn chim nhặt những hạt cơm quanh đĩa ăn thừa.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

NHỮNG TRUYỆN RẤT NGẮN VỀ THÁNG 7

Cầu Ô thước
Trước khi anh đi công tác xa họ tổ chức đám cưới đúng vào tháng bảy âm lịch. Cha mẹ hai bên lo lắng vợ chồng họ sẽ như “Ngưu lang Chức nữ”. Họ cười, bây giờ có internet, email, chát chit, điện thọai, webcam… có xa xôi gì đâu khi hàng ngày gặp nhau trên mạng?
Một năm qua. Anh trở về. Sống chung dưới một mái nhà mà bỗng nghe xa ngái…
Chẳng ai muốn bắc Cầu Ô thước dù đã nhiều tháng bảy mưa ngâu…
           
Ăn chay 
Tháng bảy, quán ăn chay đông nườm nượp. Người đến đây như chứng tỏ mình cũng chay tịnh như ai, dù các món ăn chay đều phỏng theo món mặn.
Giữa quán hàng rực rỡ nhiều màu áo bỗng xuất hiện một bóng nâu sồng. Nhiều ánh mắt nhìn theo lạ lùng: “Thầy chùa mà cũng ăn chay?”.
Đạo đời như không phân biệt khi nhiều người tự hỏi như thế!
Xá tội vong nhân
Tháng bảy mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới đèn nhang.
Tháng bảy mưa Ngâu… Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước.
Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra. Qua vũng nước đọng ở cửa chùa làm nước bắn tung tóe lên người ông già bán vé số đứng nép dưới mái hiên.
Mô Phật. Ông già khẽ nói.
Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói.
Cúng cô hồn
Tháng bảy, cô hồn đi đến đâu cũng được ăn uống no nê, chay mặn đủ cả.
Đến một nhà kia mâm cao cổ đầy sơn hào hải vị, quần áo nhà xe tiền vàng hàng mã cao cấp. Cô hồn sung sướng nhào vô. Bỗng qủy sứ hiện lên xua đuổi: “Nhà quan lớn chỉ cúng cho cô hồn quan lớn!”
Nhang đèn
Đèn chê nhang:
- Cái gì mà lập lòe như ma trơi!
Nhang đáp:
- Tui lập lòe nhưng tui tự cháy, lại còn có hương thơm.
- Thơm thì lát cũng hết. Ta đây sáng cả ngày.
Vừa nói xong mất điện, đèn tắt. Bình bông trề môi:
- Sáng nhờ điện mà cũng bày đặt chảnh!
Vu lan
Từ sáng sơm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa trái lên cúng chúa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm?
- Mẹ đừng chờ. Sư Thầy đã mời tụi con ăn cơm chay nhà chùa.
Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần. Lễ Vu lan mà mẹ vẫn một mình cơm nước như mọi ngày.
Bàn thờ
Trên bàn thờ các lọai nhang, đèn, bình bông, mâm ngũ quả đồng thanh chê bai đĩa xôi gà: cái thứ “trần tục” kia sao lại ngồi cùng với bọn thanh cao chúng ta nhỉ?!
Cúng xong đĩa xôi gà được mang đi. Tất cả còn lại vẫn để nguyên từ ngày này qua ngày khác… Tấm hình đen trắng trên bàn thờ trông lạc lõng giữa những thứ đồ gốm xanh đỏ lòe lọet.
Từ bi
Hai chị em đã có gia đình. Chồng chị làm ăn khá giả. Nhà chồng em nghèo khó. Rằm tháng bảy cũng là ngày giỗ cha, em lật đật mang con về nhà từ bữa trước, thức khuya dậy sớm đi chợ nấu ăn. Tới giờ cúng vợ chồng chị về xêng xang xe hơi, cả nhà mừng rỡ.
Xong đám, người nhà chuẩn bị quà cho chị một giỏ bánh trái ngon lành, giỏ cho em là mấy món đồ ăn còn lại. Chiếc giỏ nhỏ mà bước chân em nặng trĩu. 
Nguồn ở đây

               
Lời ru trên mặt đất.
        
     
                                                                          Xuân Quỳnh

Rào rào tiếng những bầy ong
Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ
Mẹ còn đang bận đưa ru
Cái hoa bận đỏ cái hồ bận xanh
Hạt cây đang bận nảy mầm
Con quay quay có một mình ngoài kia
Ngủ đi con hãy ngủ đi
À ơi... cái ngủ đang về cùng con
Từ trong lá cỏ tươi non
Vượt lên mặt đất vẫn còn mảnh bom
Từ ngôi nhà mới vừa làm
Nghe trong cái ngủ nồng nàn mùi vôi
Ngủ đi qua suối qua đồi
Qua trong lòng đất, những lời ru, qua...
Đây dòng sữa trắng như ngà
Dẫu thôi hạt sạn, dẫu xa cửa hầm
Vẫn còn bùn lấm đôi chân
Tuy nguồn nước đã trong ngần lời ru
À ơi... ngọn lửa ngày xưa
Mẹ nuôi dưới đất bây giờ về đâu?
Nhìn lên rực rỡ trên đầu
Lửa hôm qua đã trong màu cờ bay
Đất chung sống với ban ngày
Người chung sống với hàng cây người trồng
Lại thương con dế dưới hầm
Những năm bom đạn sống cùng lời ru
Đã tan những đám mây mù
Ông trăng tròn giữa đêm thu mát lành
Cái nôi thôi mắc cửa hầm
Trắng tinh cái tã, xanh trong bầu trời
"Ba tháng lẫy, bẩy tháng ngồi"
Con đường xa tắp đất thời mênh mông
Gió lên từ những khu rừng
Mùi hương thơm tự trong lòng của hoa
Bốn phương đâu cũng quê nhà
Như con tàu với những ga dọc đường
Đất qua rồi những đau thương
Có chăng lời hát vẫn còn mà thôi
À ơi... con ngủ... à ơi...
                                                                             1975

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Tạm biệt Huế

Người Việt Nam, ai cũng biết đến Huế, bằng hình thức này, hay hình thức khác. Nhiều người say những điệu hát Nam ai, Nam bằng.  Và ao ước một lần được đặt chân đến Cố đô, soi mình trên dòng sông Hương đã đi vào lịch sử, đi vào văn chương, nghệ thuật Việt Nam, với bóng dáng thiếu nữ đài các, trang nhã, và yểu điệu nhất qua mọi thời đại.(Lâm Cúc)


Tôi đã đi Mỹ Sơn. Di tích hoang tàn của người Chăm ngàn xưa. Cái đổ nát hào hùng của tàn phế mới lộng lẫy làm sao. Tôi cứ nghẹn người. Nhìn chăm chăm vào những viên gạch đất đúc ngày xưa của người Chăm. Cũng giống như chiêm nghiệm lại một thời rất xưa. Đất. Người. Cứ thế. Theo thời gian. Tàn phai. Mai một. Như con người ta vậy đó.
           
Và tôi đến Huế. Thăm lăng. Cảm nhận được cái cổ kính, trầm trầm, uất uất, hoang tàn của lăng vua ngày xưa. Hồ sen bạt ngàn, phản chiếu hình hình bóng bóng của người xưa. Tự nhiên tôi bắt mình phải im lặng. Hít thật sâu cái không gian đó. Soi bóng mình trên hồ. Hòa mình vào đó. Lăng.
                         

sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh. Ảnh Internet

Tạm biệt Huế                                
      Thu Bồn                                                                           
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu

Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ hư vô
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô

Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế mà đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh đi mãi chẳng về đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt Huế với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hóa đá phía bên kia.

Nghe bài hát Tạm biệt Huế
Ảnh trong clip, tôi chụp khi cùng nhà trường du lịch.
 

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

TIẾNG QUÊ

Làng Vừng, nhìn về Yên Phụ
" ... một đứa trẻ lớn lên với nhiều tiếng nói xung quanh, nó vẫn thường nằm mơ bằng một ngôn ngữ, và trong thầm thì và im lặng của tâm thức chỉ có duy nhất một tiếng mẹ đẻ." (Phan Cẩm Thượng)

Làng Vừng tôi, mộc mạc như các tên làng Bùng, Dựa, Vang, Phan, Măng, Phạm, thuộc tổng Cam Lâm xưa. Không kể, quanh đó làng Hố, Giống Đông, Giống Bắc, rồi Giòi, Quỵnh, Nguyễn, Cam, Quýt với nhiều đình chùa miếu cổ. Kỳ lạ, tôi còn nhớ lúc tản cư về chợ Cột, u gánh tôi trong thúng, úp trên cái mâm thau.


Tuổi thơ mênh mang trên những cánh đồng Cầu Cau, Đống Quán. Ở Đồng Vân Dài, mả Vang có nhiều lũ ma trơi. Còn Đống Chiêng, Đống Trống diễn ra nhiều trận giả của lũ trẻ trâu. Khu Đống Ruốm, mả Vang khi xưa, thày đoạn rươi, tôi thức trắng đêm, đợi nhặt những con cà ra béo múp, nhặt gốc rạ đốt nướng ăn khi anh chị tôi kéo xăm trút rươi vào thúng để mai mẹ đi chợ Oi bán sớm.

Rươi
Ở Đồng Vân ngắn, lối đi ra đình làng, gốc đa nhiều hốc đen ngòm, trẻ con thường chui vào đó, lần bọn tôi học nhóm khuya, làm ma dọa con gái, bị bọn nó vụt túi bụi. Bây giờ cây đa không còn nữa nó đã công hiến, hóa thân thành lửa để nung gạch xây sân "hợp tác xã" lúc đó.
Cổng làng-ảnh minh họa

Những tiếng quê được gọi, trải khắp ngoài đồng, ngõ xóm, vang vang cổng Đồng xưa bao bận trốn tìm, mà bây giờ cổng làng văn hóa An Bình còn tủi phận. Ao Xây, cạnh đường làng, của nhà tôi, có xây cầu gạch và bắc một hòn đá to để chòm xóm mài dao, còn ao cạnh đó là nơi bác tôi bị Việt hùng bắn chết. Rồi ao Cả nước gợn trắng mầu trời, của nhà anh trưởng. Khu vườn Lăng rợp mát âm u của  cụ Liễn ... còn đậm mãi trong ký ức tuổi thơ.

Ôi, yêu sao những cái tên mang cây quả quê nhà, những bạn: Tẹo, Tân, Các, Nhỡ, đến giờ vẫn thân thương. Hồi tôi dạy đại học có em tên là Mít, sau cải cho đẹp là Bích Mít, đọc méo cả mồm, nghĩ mà buồn.


Người làng tôi hóm hỉnh, khi bọn trẻ rủa nhau “đồ chó …éo”, các tiền bối rằng: “phí của, để cho chó nó tập”. Cụ già, gặp thằng cu chào, thì “ dạ, không dám!”, cái đĩ nó chào, nhìn chăm chắm: “Gớm, con gái nhà ai mà lớn quá nhể”. Hóa ra, “có tí gái, … cứ rối tung”. Chú Phụng tôi, đánh gốc tre cho nhà ai gọi là "cấu", nói đùa muốn ăn rau "hai cẳng” (thịt gà), chú hay giúp người, không vợ, không con, chú mất khi tôi đang quân ngũ. Mẹ bảo trong nhà có người phải chịu tội cho những người khác, bây giờ nghĩ vẫn xót xa.

Trong làng, cái bàn thì gọi là cái thồi, cái đẽ bày thịt, cái chủi quét nhà, đỏ là chị dâu, củng là cổng, sau này có bột ngọt gọi là mì trấng. Về quê dạy học, thấy các lãnh đạo đọc báo cáo huyện nhà cấy được 10 “hát a” (ha)- ôi xu thời, vô học. Cũng như, ngìn gọi là ngàn, đó là phương ngữ nam bắc, người miền nam, ngàn, âm vang như sông nước, bắc - nghìn, âm dội như tiếng sấm. Đó là âm đất quê, làng Việt, sao lại học đòi mà dẹt cái mồm ra. Các Cụ xưa hô “sát Thát” với hai thanh sắc như lưỡi dao cắt cổ.

Rồi xưa lắm.
     Bồng bồng, bống bống, bang bang…
     À ơi, mình về nuôi cái cùng con… 

U ru tôi những trưa hè phảng thơm mùi trầu thuốc, thân thương nhẹ vỗ bàn tay: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…”.

Nền văn hóa thờ đạo mẫu nước Việt ta, tục hầu đồng là một di sản. Người, vật phần nhiều là "cái". Câu ta luôn hỏi khi còn nhỏ: “cái gì …”. Macxim Goocki với “Một con người ra đời” có viết: Đứa trẻ lọt lòng, gào tướng lên: Я (i-a), nghĩa là tao, nó gào tiếp Я, ừ thì mày (Я, tiếng Nga là tôi-ngôi thứ nhất), đó là tuyên ngôn làm người. Cũng như ta, khi gọi “Cái” là tuyên ngôn, là mẫu, là mẹ, là tiếng quê hồn Việt.

Người xưa nói “Nhà có nhiều bát vỡ là nhà có phúc”. Tôi thêm rằng: "Tiếng trẻ là thước đo vui buồn của mỗi nhà". 
Ban thử nghĩ xem tiếng quê ta.

Nghe bài hát: Tiếng Việt- Thơ Lưu Quang Vũ, Ngô Hồng Quang thể hiện.

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

ĐÀN TRANH




YÊU GIANG SƠN CÀNG YÊU MỸ NHÂN
                                           Trác Y Đình

Thế này mới gọi là chơi Ghita chứ

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG



Nguyên bản thơ (lời hơi khác, nhưng tự nhiên, hoài niệm )

KHÔNG ĐỀ GỬI MÙA ĐÔNG
Thảo Phương

Dường như ai đi ngang cửa
Hay là ngọn gió mải chơi
Chút nắng vàng thu se nhẹ
Chiều nay cũng bỏ ta rồi
Làm sao về được mùa đông
Mùa Thu - cây cầu - đã gãy
Lá vàng chìm bến thời gian
Đàn ca - im lìm - không quẫy
ừ thôi                                                       
Mình ra khép cửa
Vờ như mùa đông đang về

Dù sao, thơ cũng có cái riêng. Hay!
                            Lời bình: Mùa đông ơi
                                                                                            Vân Đình Hùng
Gió mải chơi, thu se nhẹ đi ngang cửa người thơ bỏ ngỏ nỗi nhớ mùa đông. Chút nắng vàng cuối cùng cũng bỏ người thơ đi xa đi xa. Cái gạch nối thu đông cũng gãy nốt, làm sao về được mùa đông se lạnh giữa mưa phùn li ti. Còn gì nhỉ quanh người thơ.
Còn khoảnh khắc cầu vồng rót tràn đêm!
Sự im lặng của đêm hỗn mang lập thể, sóng sánh ánh buồn. Nỗi buồn không cần giải mã. Hay phải lang thang theo cánh chim mải miết? Hay không nhất thiết bắt đầu từ Big-Bang. Hay như đường bay thẳng đứng của loài chim chỉ sống trên núi cao. Và vụt một cái... chỉ còn một chấm nhỏ xíu đơn độc giữa bao la. Chọn giải pháp nào cho vơi đi nỗi nhớ kia.
Nhiều lý do không thoái thác, lối về bặt ngưng, dây lèo dẫn lối tuột đứt. Cây cầu mùa thu của người thơ vẫn lắt lẻo rung nhịp vô tư. Những ngón tay lửa chờ trái tim nhận diện, quấn quít trong giai điệu ngủ vùi.
Người thơ chọn động từ vờ - vờ như, để được đón mùa đông - mùa không bao giờ có ở phương Nam xa ấy. Có lẽ bài thơ này, nhà thơ Thảo Phương viết vào cuối thu. Cuối thu đỏ chuỗi lá bàng. Chuỗi ngày đông héo giăng hàng qua tay người thơ mà không thể nắm bắt, níu kéo. Chuỗi buồn uốn mình theo tiếng chuông chiều tịnh không leo lét cùng khói lam chiều.
Nỗi nhớ của Thảo Phương thăng hoa không đề, không bản thể. Phút thăng ấy xao xuyến người đọc xiết bao. Hỡi nỗi buồn nhớ quê đang căng buồm ra khơi mùa cạn! Đi đâu về đâu, hỡi xa xăm, hỡi thời gian đỏng đảnh. Nơi nào chứa chấp nổi trái tim cô đơn đang chuyếnh choáng boong tàu.

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

HÁT RU CHỒNG NHỮNG ĐÊM KHÓ NGỦ



     Tuổi thơ êm trôi trong tiếng mẹ, giờ thì ru cháu. Xuân Quỳnh có bài thơ ru chồng đáng yêu quá. Còn thương hơn qua qua giọng ngâm Thúy Mùi, clip theMrkhung.
Tập thơ XUÂN QUỲNH.

CHÙA TÂY PHƯƠNG



      Chán cho Vũ, lễ xá tội vong nhân mà lại tù 7+3, thôi thì nghe thơ của thân sinh anh vậy.
     Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra.
  • Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca, Di-trà-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Thương Na Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đa, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa. Theo một danh sách tên các nhân vật được tạc tượng trong một tài liệu còn lưu truyền ở chùa thì đây là tượng các vị tổ Ấn Độ trong quan niệm của Thiền tông Trung Quốc
        Từ chân núi theo con đường dốc dài khoảng 160m, leo lên 238 bậc cấp lót đá ong thì đến tam quan chùa. Chùa có ba nếp nhà song song hình chữ “Tam”, thường gọi là chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ hay chùa Hộ (thờ Hộ Pháp), thềm mỗi nếp nhà cách nhau 1,6m. Mỗi nếp nhà có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tám mái và tám góc là các đầu đao vươn lên cong vút với những hình hoa, lá, rồng, phụng, sư tử.

VŨNG TÀU



NHA TRANG

LỄ VU LAN

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân là Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, đói khát và bị hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do mẹ đói ăn lâu ngày nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi tránh không cho các cô hồn khác tranh cướp, vì vậy khi đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.(Theo Wikipedia).
                      

             
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...