Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

TIẾNG QUÊ

Làng Vừng, nhìn về Yên Phụ
" ... một đứa trẻ lớn lên với nhiều tiếng nói xung quanh, nó vẫn thường nằm mơ bằng một ngôn ngữ, và trong thầm thì và im lặng của tâm thức chỉ có duy nhất một tiếng mẹ đẻ." (Phan Cẩm Thượng)

Làng Vừng tôi, mộc mạc như các tên làng Bùng, Dựa, Vang, Phan, Măng, Phạm, thuộc tổng Cam Lâm xưa. Không kể, quanh đó làng Hố, Giống Đông, Giống Bắc, rồi Giòi, Quỵnh, Nguyễn, Cam, Quýt với nhiều đình chùa miếu cổ. Kỳ lạ, tôi còn nhớ lúc tản cư về chợ Cột, u gánh tôi trong thúng, úp trên cái mâm thau.


Tuổi thơ mênh mang trên những cánh đồng Cầu Cau, Đống Quán. Ở Đồng Vân Dài, mả Vang có nhiều lũ ma trơi. Còn Đống Chiêng, Đống Trống diễn ra nhiều trận giả của lũ trẻ trâu. Khu Đống Ruốm, mả Vang khi xưa, thày đoạn rươi, tôi thức trắng đêm, đợi nhặt những con cà ra béo múp, nhặt gốc rạ đốt nướng ăn khi anh chị tôi kéo xăm trút rươi vào thúng để mai mẹ đi chợ Oi bán sớm.

Rươi
Ở Đồng Vân ngắn, lối đi ra đình làng, gốc đa nhiều hốc đen ngòm, trẻ con thường chui vào đó, lần bọn tôi học nhóm khuya, làm ma dọa con gái, bị bọn nó vụt túi bụi. Bây giờ cây đa không còn nữa nó đã công hiến, hóa thân thành lửa để nung gạch xây sân "hợp tác xã" lúc đó.
Cổng làng-ảnh minh họa

Những tiếng quê được gọi, trải khắp ngoài đồng, ngõ xóm, vang vang cổng Đồng xưa bao bận trốn tìm, mà bây giờ cổng làng văn hóa An Bình còn tủi phận. Ao Xây, cạnh đường làng, của nhà tôi, có xây cầu gạch và bắc một hòn đá to để chòm xóm mài dao, còn ao cạnh đó là nơi bác tôi bị Việt hùng bắn chết. Rồi ao Cả nước gợn trắng mầu trời, của nhà anh trưởng. Khu vườn Lăng rợp mát âm u của  cụ Liễn ... còn đậm mãi trong ký ức tuổi thơ.

Ôi, yêu sao những cái tên mang cây quả quê nhà, những bạn: Tẹo, Tân, Các, Nhỡ, đến giờ vẫn thân thương. Hồi tôi dạy đại học có em tên là Mít, sau cải cho đẹp là Bích Mít, đọc méo cả mồm, nghĩ mà buồn.


Người làng tôi hóm hỉnh, khi bọn trẻ rủa nhau “đồ chó …éo”, các tiền bối rằng: “phí của, để cho chó nó tập”. Cụ già, gặp thằng cu chào, thì “ dạ, không dám!”, cái đĩ nó chào, nhìn chăm chắm: “Gớm, con gái nhà ai mà lớn quá nhể”. Hóa ra, “có tí gái, … cứ rối tung”. Chú Phụng tôi, đánh gốc tre cho nhà ai gọi là "cấu", nói đùa muốn ăn rau "hai cẳng” (thịt gà), chú hay giúp người, không vợ, không con, chú mất khi tôi đang quân ngũ. Mẹ bảo trong nhà có người phải chịu tội cho những người khác, bây giờ nghĩ vẫn xót xa.

Trong làng, cái bàn thì gọi là cái thồi, cái đẽ bày thịt, cái chủi quét nhà, đỏ là chị dâu, củng là cổng, sau này có bột ngọt gọi là mì trấng. Về quê dạy học, thấy các lãnh đạo đọc báo cáo huyện nhà cấy được 10 “hát a” (ha)- ôi xu thời, vô học. Cũng như, ngìn gọi là ngàn, đó là phương ngữ nam bắc, người miền nam, ngàn, âm vang như sông nước, bắc - nghìn, âm dội như tiếng sấm. Đó là âm đất quê, làng Việt, sao lại học đòi mà dẹt cái mồm ra. Các Cụ xưa hô “sát Thát” với hai thanh sắc như lưỡi dao cắt cổ.

Rồi xưa lắm.
     Bồng bồng, bống bống, bang bang…
     À ơi, mình về nuôi cái cùng con… 

U ru tôi những trưa hè phảng thơm mùi trầu thuốc, thân thương nhẹ vỗ bàn tay: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…”.

Nền văn hóa thờ đạo mẫu nước Việt ta, tục hầu đồng là một di sản. Người, vật phần nhiều là "cái". Câu ta luôn hỏi khi còn nhỏ: “cái gì …”. Macxim Goocki với “Một con người ra đời” có viết: Đứa trẻ lọt lòng, gào tướng lên: Я (i-a), nghĩa là tao, nó gào tiếp Я, ừ thì mày (Я, tiếng Nga là tôi-ngôi thứ nhất), đó là tuyên ngôn làm người. Cũng như ta, khi gọi “Cái” là tuyên ngôn, là mẫu, là mẹ, là tiếng quê hồn Việt.

Người xưa nói “Nhà có nhiều bát vỡ là nhà có phúc”. Tôi thêm rằng: "Tiếng trẻ là thước đo vui buồn của mỗi nhà". 
Ban thử nghĩ xem tiếng quê ta.

Nghe bài hát: Tiếng Việt- Thơ Lưu Quang Vũ, Ngô Hồng Quang thể hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét